Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2019

‘Nước’ là một vấn đề chính trị rất quan trọng

Nhiều tác giả

Không quan tâm chính trị vẫn phải uống nước

Trung Bảo, 17/10/2019

Năm 2015, những cuộc biểu tình phản đối chặt cây xanh ở Hà Nội diễn ra khiến nhiều người bắt đầu được đánh động về chất lượng môi trường ở thủ đô.

Năm đó, tôi đi làm việc ở Hà Nội, và có một cô bạn xinh xắn ở đó. Trong một bữa tối, câu chuyện xoay chuyển thế nào đó khiến tôi hỏi cô nghĩ sao về các cuộc biểu tình môi trường. Không cần suy nghĩ, cô ấy nói ngắn gọn "Bọn phản động. Em không quan tâm chính trị".

nuoc4

‘Nước’ là một vấn đề chính trị rất quan trọng vì chúng ta không thể sống thiếu nước.

Tôi không tranh cãi, nói sang câu chuyện khác cho đến khi đi về. Đó là một cô gái Hà Nội "gốc" xinh xắn với nước da trắng và dáng người thanh mảnh đặc trưng của con gái nơi này, có bố là một viên chức hạng trung trong một Bộ của Chính phủ. Sau đêm đó chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nên tôi không biết giờ đây cô ấy đã quan tâm đến chính trị hay chưa bởi nhà cô sống trong khu vực nước nhiễm dầu.

Có thể bạn sống thiếu nước tắm giặt vài ngày, uống nước bình vài tuần và than thân trách phận thay vì chất vấn trách nhiệm của các cơ quan hữu trách. Nhưng, không ai trong số các bạn có thể nhịn thở vài phút.

Có thể bạn không quan tâm đến chính trị nhưng chính trị tìm đến bạn qua chính từng bụm không khí bạn thở mỗi ngày, chính ly nước uống, miếng cơm ăn.

Bạn có quyền từ chối sự quan tâm đến chính trị và tiếp tục van vỉ than trách về mọi thứ tệ hại đang diễn ra, thay vì đòi nơi có trách nhiệm lên tiếng. Nhưng, bạn có nhận thấy giờ đây những thứ cơ bản nhất cho sự sống là nguồn nước và không khí cũng nằm trong sự lũng đoạn của những nhóm lợi ích.

Nhà máy Rạng Đông cháy, Giám đốc nhà máy cố giấu diếm hàng chục kg thuỷ ngân trong kho đã bị hóa hơi. Nhà máy nước Sông Đà mỗi năm đem về doanh thu hơn 400 tỷ/năm, tức mỗi ngày thu hơn 1 tỷ, cho nhóm chủ và sẵn sàng im lặng để dân uống nước nhiễm dầu suốt 1 tuần không thèm cảnh báo.

Chính trị hiển hiện rõ ràng như vậy, bạn có còn "không quan tâm đến chính trị" nữa chăng ? Cũng được, bạn vẫn có cái quyền không quan tâm nhưng tôi nghĩ, bạn vẫn phải thở và uống nước mỗi ngày.

Nguyễn Trung Bảo

Nguồn : facebook.com/trung.bao

********************

Vụ cho dân uống nước pha dầu : hóa ra...

Nguyễn Thị Oanh, 17/10/2019

Vụ cho dân uống nước pha dầu : Hóa ra nước sinh hoạt của dân tại thủ đô đã thuộc về tư nhân !

Khi câu chuyện "mất nước" của Hà Nội hiển hiện ngày càng rõ nét trên mạng lưới truyền thông, tôi (và chắc cũng nhiều người khác cũng giống vậy) mới ngỡ ngàng biết rõ một sự thật rằng : Hóa ra bấy lâu nay, một phần quan trọng của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại thủ đô đã thuộc về tư nhân !

Bởi lẽ Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà (gọi tắt theo tên tiếng Anh là Viwasupco, chủ đầu tư của Nhà máy nước Sông Đà – đơn vị cung cấp nước chủ lực cho Hà Nội và bán buôn cho rất nhiều công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố) hiện đang được sở hữu bởi hai cổ đông lớn là Công ty trách nhiệm hữu hạnmột thành viên Năng lượng GELEX (giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần), còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (35,95% cổ phần).

Nghe nói ông chủ của Gelex là một nhân vật thuộc thế hệ 8X còn rất trẻ! (Đọc thêm về quá trình mua bán cổ phần của Viwasupco : Nước sạch Sông Đà về tay Gelex ra sao ?).

Việc mua bán, thâu tóm cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa là chuyện bình thường nếu không có gì vi phạm các quy định của pháp luật. Điều đáng nói ở đây là khi xảy ra việc nguồn nước bị nhiễm bẩn và cách xử lý vô trách nhiệm của Viwasupco, liệu có mấy ai giật mình tự hỏi vì sao nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân lại có thể để phụ thuộc vào một cá nhân hay nhóm người nào đó ?

nuoc5

Liệu có mấy ai giật mình tự hỏi vì sao nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho nhân dân lại có thể để phụ thuộc vào một cá nhân hay nhóm người nào đó ?

Ở đa phần các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước theo chủ nghĩa "giãy chết", nước được xem là tài nguyên quốc gia và việc cung cấp nước thuộc nhóm dịch vụ công luôn phải do nhà nước quản lý. Public Utility, theo nghĩa tiếng Anh là các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc dịch vụ công cộng, ví dụ giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, rác thải, khí đốt…

Ở một số quốc gia, chính phủ có thể cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư mạng lưới cung cấp điện, điện thoại, gaz (khí đốt), giao thông (gồm đường xá và phương tiện vận chuyển), truyền thông – truyền hình, xử lý rác và nước thải… tuy nhiên, hầu như không thấy có nước nào cho tư nhân đầu tư và quản lý hệ thống cấp nước công cộng. Lý do là bởi yếu tố nhạy cảm trong việc bảo vệ sự an toàn tuyệt đối của nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, mà ở đó, trách nhiệm cao nhất thuộc về nhà nước.

Một báo cáo của Aqua Publica Europea (APE – Hiệp hội các nhà điều hành nước công cộng Châu Âu) đã khẳng định : "Bởi vì nước rất cần thiết cho cuộc sống và xã hội của chúng ta, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, do đó, tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nước là đặc biệt quan trọng để đáp ứng mong đợi ngày càng tăng của người dân".

Một vài so sánh về việc quản lý nước ở các thành phố khác so với Hà Nội :

Tại Toronto (thành phố lớn nhất Canada và cũng là thủ phủ của tỉnh bang Ontario), nước sinh hoạt được cung cấp và quản lý bởi Toronto Water Works Commission (TWWC). Đáng lưu ý là vào thế kỷ 19, nước sinh hoạt tại Toronto cũng được cung cấp từ Toronto Gas Light and Water Company, một công ty của doanh nhân người Montreal là Albert Furniss. Năm 1872, chính quyền thành phố đã mua lại công ty này và chuyển giao việc cấp nước thành dịch vụ công do TWWC quản lý cho đến ngày nay.

Tại Sydney (thành phố lớn nhất của Úc và cũng là thủ phủ của bang New South Wales), nước cho dân dùng được cung cấp bởi Sydney Water Corporation. Đây là một công ty thuộc sở hữu 100% của chính phủ bang NSW và do Bộ trưởng Bộ Tài chính và Dịch vụ chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tại đảo quốc Singapore, Bộ trưởng Môi trường và Nguồn nước chịu trách nhiệm về chính sách sử dụng nước. Còn việc quản lý và điều hành cấp nước do Cơ quan Nước quốc gia (Singapore’s National Water Agency) thuộc PUB (Hội đồng các Dịch vụ công) thực hiện. PUB cũng là một tổ chức trực thuộc Bộ Môi trường và Nguồn nước của Singapore.

Cần biết thêm rằng ở các nước phát triển như Canada, Úc và Singapore nêu trên, nước cấp cho dân không chỉ để phục vụ cho các hoạt động của đời sống mà còn phải đủ tiêu chuẩn để uống trực tiếp. Chính quyền cũng thường chịu trách nhiệm quản lý luôn các dịch vụ về xử lý rác thải, nước thải, nước mưa và vệ sinh môi trường chứ ít khi cho phép tư nhân hóa các dịch vụ này.

Từ năm 2008, Liên Hiệp Châu Âu đã chính thức thành lập Hiệp hội các nhà điều hành nước công cộng Châu Âu (APE) nhằm mục đích hợp nhất các dịch vụ nước và vệ sinh thuộc sở hữu công lập để thúc đẩy nâng cao chất lượng quản lý nước ở tầm Châu Âu cũng như quốc tế. Hơn 70 triệu công dân Châu Âu đã và đang được hưởng chất lượng cấp nước cùng các dịch vụ vệ sinh công cộng từ một hội đồng quản lý ở cấp quốc gia (governance) của các thành viên tham gia APE.

Xem người ta làm vậy để thấy rằng việc cung cấp nước sinh hoạt cho dân được coi trọng và thực hiện nghiêm túc như thế nào! Vậy mà ở Việt Nam, thật lạ là các ngành dịch vụ công thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân như cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường… dường như lại bị nhà nước thoái thác trách nhiệm để đẩy dần cho tư nhân thực hiện.

Hậu quả gì sẽ xảy ra nếu như nguồn nước sinh hoạt (và cả là nước uống gián tiếp qua đun nấu) của nhân dân cả nước rồi sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào một số nhóm lợi ích hay một vài cá nhân có tiền đủ để trở thành "cá mập" lũng đoạn và làm giàu trong những ngành dịch vụ công cơ bản mà đáng lẽ phải thuộc "trách nhiệm độc quyền" của nhà nước? Kinh khủng hơn, thử hình dung nếu những công ty cấp nước tư nhân này lại chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài như "nước lạ", khi đó ai dám đảm bảo sự an toàn về nguồn nước và cũng là nguồn sống cho người Việt Nam ?

Bất kỳ nước nào trên thế giới cũng đều phải xử lý nước từ sông, hồ hoặc lòng đất tự nhiên để sử dụng. Vì thế, phải khai thác và bảo vệ các nguồn nước theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia. Không một công ty tư nhân hay cá nhân nào có thể thực thi chính sách này ngoài nhà nước với quyền lực của một thể chế. Do vậy, việc cho phép tư nhân hóa dịch vụ cấp nước công cộng là vô cùng nguy hiểm vì không chỉ tài nguyên nước bị khai thác vô tội vạ mà cũng sẽ không có ai chịu trách nhiệm về sự an toàn cho người dân sử dụng nước.

Vụ việc xảy ra ở Nhà máy nước Sông Đà cho thấy nhân dân vẫn luôn là người gánh chịu mọi thiệt hại, trong khi họ đã đóng thuế để nuôi một chính quyền có bổn phận phục vụ và cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất cho cuộc sống của mình. Chưa kể đó đây còn râm ran tin đồn rằng những váng dầu không phải tự nhiên lại xuất hiện đúng thời điểm một nhà máy nước hoành tráng nữa của một đại gia ngành bảo hiểm vừa khánh thành với sự hiện diện ủng hộ rất vinh dự của Chủ tịch thành phố Hà Nội. Nếu quả đúng vậy thì càng chứng tỏ rằng yêu cầu nhà nước phải độc quyền quản lý và cung cấp nước công cộng là một điều cấp bách cần làm.

Thật thất vọng khi thấy trong danh mục các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa từ nay đến 2020 có tỷ lệ cổ phần chi phối của nhà nước (nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên) hoàn toàn không còn lĩnh vực cấp – thoát nước! (xem Quyết định 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của TT chính phủ ban hành danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020).

Nghe người ta bảo "bán nước" giàu lắm! Thực hư thế nào thì cứ xem thử thông tin trên một số bài viết như link dưới đây có thể rõ thêm (Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà). Ở đây, tôi không luận bàn về cách mà các doanh nhân đó làm giàu, mà chỉ đòi hỏi nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để người dân trong chế độ của chúng ta không thể thua kém, thiệt thòi hơn so với dân ở những xứ "giãy chết", ít nhất là về việc được dùng nước sạch dưới sự bảo chứng của một chính phủ thật sự vì dân!

Sẽ có thể có người phản biện cho rằng cái gì để nhà nước độc quyền thì cũng sẽ không hay và dân không thể có được nhiều lựa chọn tốt hơn. Xin khẳng định lại: Một thể chế mà dân phải tự bỏ tiền ra mua dịch vụ công với giá cao để làm giàu cho một nhóm người thì dứt khoát đó không phải là thể chế ưu việt! Còn việc làm sao để có được hệ thống hạ tầng cấp nước tốt và chất lượng nước luôn bảo đảm, đó lại là những vấn đề thuộc về giải pháp kỹ thuật. Miễn là chúng ta có một bộ máy công quyền thực sự làm việc vì dân (nhắc lại một lần nữa !).

Nguồn : FB Oanh Thi Nguyen, 17/10/2019

******************

Không cần quan tâm đến thời cuộc

Đặng Đình Mạnh, 17/10/2019

Nếu bạn hỏi có cần quan tâm đến thời cuộc hay không, thì tôi có ngay câu trả lời là KHÔNG !

Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng đề mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

nuoc6

Bao nhiêu xe nước sạch như thế này mới phục vụ đủ cho chừng đấy người dân thủ đô?

Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn cảm thấy là “hồng phúc của dân tộc” khi các chức vụ chính quyền cao cấp đều được trao cho những đứa trẻ ranh, bà con thân thuộc của lãnh đạo dù bất tài. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn thản nhiên trước tình trạng cán bộ nhà nước ngày càng giàu có, sống xa hoa bất thường so với mức lương nhận lãnh. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn thấy bình thường khi đã trả đủ loại thuế, phí cho cầu đường mà vẫn phải sử dụng những con đường xuống cấp ngay khi mới hoàn thành. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn tin tưởng tuyệt đối vào thông tin một chiều mà không cần kiểm chứng, tìm hiểu về sự thật nào đang bị ẩn giấu đằng sau đó. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không cảm thấy thương cảm trước những đoàn người dân oan mất nhà cửa, đất đai, ruộng vườn và cả công lý vì sự thao túng chính sách của những kẻ tham tàn. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thắc mắc với mỗi lần thông báo tăng thuế để trả cho số nợ công ngày càng cao vì sự bất lực với tình trạng tham nhũng. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn vẫn bàng quan với sự thua lỗ, thất thoát đến hàng trăm nghìn tỷ đồng của những công ty quốc doanh vứt tiền đóng thuế của bạn ra ngoài của sổ. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn vẫn hồn nhiên hít thở không khí ô nhiễm, ăn thực phẩm bẩn và dùng nước nhiễm độc mà không cần biết đến nguyên do. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn dửng dưng với lá phiếu cử tri của mình để bầu cử cho bất cứ ai mà người ta chọn sẵn cho bạn, dù bất tài, bất xứng. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thấy xấu hổ khi thấy các quốc gia lân bang ngày càng thịnh vượng cho dù có xuất phát điểm kém hơn chúng ta. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Nếu bạn không thấy xót xa khi lãnh thổ của cha ông để lại nay ngày càng teo tóp, ngoại bang thì ngày càng lộng hành trước sự luồn cúi hèn hạ của đám sai nha bán nước. Thì quả thật, tôi nghĩ bạn KHÔNG cần quan tâm đến thời cuộc.

Bạn KHÔNG quan tâm đến thời cuộc, mọi sự với bạn thật nhẹ nhàng. Thế nên, tôi không thể không chúc mừng bạn và nhân thể, tôi chia buồn cho xứ sở, nơi mà tôi với bạn cùng là đồng bào. Vì lẽ, sự thờ ơ về thời cuộc có thể là hạnh phúc của bạn, nhưng là sự vô phúc của dân tộc này. Bạn nhỉ ?

Nguồn : FB Manhdang001, 17/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)