"Bạn không thể giúp kẻ yếu trở nên vững mạnh bằng cách tàn phá kẻ mạnh. Bạn không thể giúp những người nhỏ bằng việc chia cắt kẻ lớn. Bạn không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương. Bạn không thể nuôi dưỡng tình bằng hữu khi khuyến khích lòng hận thù giai cấp. Bạn không thể giúp người nghèo bằng cách triệt hạ người giàu…".
Công nhân nhà máy tôm thuộc tập đoàn Minh Phú.
Ông Chu Văn An, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (thành phố Cà Mau), đã dẫn lại lời trong một diễn văn của bà đầm thép Anh Quốc Margaret Thatcher (1925 – 2013) phát biểu vào tháng 2/1975, khi lần đầu tiên bà Thatcher được chọn làm lãnh tụ đảng Bảo Thủ. Diễn văn này được soạn bởi Ronald Graeme Millar (1919 – 1998), người chuyên viết diễn văn cho Edward Heath (Thủ tướng Anh giai đoạn 1970-1974).
Ông An nói rằng đoạn diễn văn đó của bà đầm thép Anh Quốc, ông muốn gửi đến các vị đại biểu đang có mặt ở Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ 8 khóa XIV - một kỳ họp có thời gian dài kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ (dự kiến 27-11 mới bế mạc).
"Tôi nghĩ rằng nếu các vị dân biểu bấm nút thông qua những nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, sẽ gây thiệt hại tới các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản. Điều đó đúng hệt như khuyến cáo trong phát biểu ở 44 năm về trước của bà Thatcher, là không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương". Ông An chia sẻ.
Xin được lược thuật về nội dung góp ý của ông Chu Văn An về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, hiện đang đặt trên bàn các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 khóa XIV.
Nước nghèo thì đừng xài sang
"Chúng tôi hiểu rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên nước ta còn đang là nước nghèo.
Theo tạp chí Tài Chính Thế giới (Global Finance) ra bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019. Theo bảng này, Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy mỗi người chúng ta phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước ta từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, chính chúng tôi cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm mà thôi". Ông An nói.
Ông An kể vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác người nông dân mang rất nhiều về các nhà máy để bán. Trong những ngày này, nếu các nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân làm ra để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng dẫn đến bị vi phạm luật lao động.
Còn nếu doanh nghiệp chỉ mua đủ số lượng sản phẩm của nông dân mang lại, còn bao nhiêu trả về vì quy định của luật làm thêm giờ, thì hậu quả kinh tế xã hội liệu có phải là ‘Đảng – Nhà nước lo’ ?
"Chỉ cần vi phạm thêm 01 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng. Khách sẽ không mua hàng. Chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì họ mới mua hàng. Trong khi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Việc làm thêm giờ để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân làm ra lại vi phạm luật. Trong khi đó Nghị quyết 26 Hội nghị TW7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tư tưởng chỉ đạo là phải lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ông An biện luận.
Xin đừng triệt hạ người giàu !
Dường như những nhà soạn luật vẫn mang tâm thế giai cấp thời búa liềm, với nếp nghĩ mặc định là chủ doanh nghiệp tư nhân luôn muốn bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân mà đảng cộng sản Việt Nam đang là đại diện quyền lực.
"Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm ; 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ.
Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà doanh nghiệp không thể bán giá cao được. Qua thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ, thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu.
Minh Phú hiện có 04 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20 ngàn lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất...". Ông An kể, và nói rằng dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này nên bỏ quy định ràng buộc số giờ làm thêm tính theo ‘tháng’, vì nó không phù hợp thực tế.
"Chúng tôi trả lương cho công nhân, nên hiểu rõ là phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng. Nôm na, nếu làm thêm giờ tại doanh nghiệp, thì chúng tôi phải cân nhắc cho người lao động vừa có thu nhập, vừa có sức khỏe để làm lâu dài. Từ đó doanh nghiệp mới phát triển bền vững". Ông An nhận định.
Theo ông An thì tiêu chuẩn của khách hàng rất khó, nhưng doanh nghiệp vẫn vượt qua được ; còn có một số quy định của Bộ Luật lao động của Việt Nam thì doanh nghiệp lại rất khó thực hiện cho đúng.
"Chúng tôi thường hay nói với nhau là ‘mình tự trói mình’. Xin được nêu ví dụ cụ thể là tại Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ở điều 5 khoản 1 quy định người lao động được hưởng lương tháng được trả một lần ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
Thực tế doanh nghiệp trả lương sản phẩm thì hết tháng các bộ phận thống kê gửi số liệu cho kế toán tiền lương, với năng suất từng người cho một đơn vị có 6000 - 7000 lao động phải mất từ 5-7 ngày, rồi làm thủ tục chuyển khoản qua ngân hàng… Khi đối tác đánh giá an sinh xã hội thì doanh nghiệp bị lỗi nặng là lỗi chi trả, và cũng phải một năm sau mới bán được hàng cho khách hàng hoặc siêu thị đó. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín làm ăn của doanh nghiệp, mặc dù lỗi không từ chúng tôi !".
Ông Chu Văn An nói thêm rằng lâu nay doanh nghiệp yêu cầu cần sửa lại là : "Người lao động hưởng lương tháng được trả một lần trong tháng đối với lương cố định và không quá 45 ngày đối với lương khoán sản phẩm", tuy nhiên chẳng có cấp quản lý nào lắng nghe để sửa đổi.
Nếu có quyền tự do công đoàn thì phí công đoàn có thay đổi ?
Nội dung bản dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, hiện đang đặt trên bàn các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 khóa XIV, không chi tiết về quyền tự do công đoàn. Điều này là một thắc mắc, song lại ít được công khai bàn luận trên các hội thảo về góp ý dự luật lao động sửa đổi.
Ông Chu Văn An dẫn chứng từ thực tế ở Tập đoàn Minh Phú.
"Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang trả bình quân 7-8 triệu đồng người/tháng cao hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ làm cho doanh nghiệp tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí Công đoàn.
Đối chiếu với các công ty chế biến, chúng tôi có 13.000 lao động. Năm 2017, quỹ lương đóng BHXH là 514.425.200.132 đồng. Trích 32% là 164.616.064.043 đồng. Phí công đoàn là 10.288.504.002 đồng.
Năm 2018, lương tối thiểu vùng tăng 6,5%. Quỹ lương đóng BHXH là 578.352.756.865 đồng, tức hơn so năm 2017 là 63.929.556.733 đồng, trích đóng 32% BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 185.072.882.196 đồng, tăng so với năm 2017 là 20.456.818.153 đồng. Phí công đoàn là 11.567.055.137 đồng…".
Với lộ trình đã thỏa thuận ở các FTA, thì trễ lắm vào năm 2023 Việt Nam sẽ có công đoàn độc lập, tức thực thi quyền tự do công đoàn. Liệu khi ấy những doanh nghiệp như Minh Phú, có phải được quyền từ chối đóng khoản kinh phí công đoàn hàng năm lên tới bạc chục tỷ đồng cho tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ?
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 22/10/2019