Bất kể thế nào thì những người như ông Tùng cũng chỉ có thể ngậm ngùi về chuyện sau khi tập họp, khai thác sức mạnh của giai cấp công nhân và túm được quyền lực, "đội tiên phong" mặc kệ họ thất thểu phía sau.
Công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đình công, đứng chắn ngang quốc lộ 1K, hồi đầu năm 2022. Hình minh họa.
Chỉ còn mươi tuần nữa là Tết âm lịch nhưng thay vì làm thêm giờ, kiếm thêm tiền để trang trải đủ loại chi phí trong dịp "năm hết, Tết đến", hàng trăm ngàn công nhân ở nhiều vùng, miền tại Việt Nam hoặc đang dắt díu nhau về quê vì mất việc, hoặc đang gồng lên để cầm cự với chuyện thiếu việc làm, thu nhập tụt giảm và hoang mang không biết cơ hội làm việc vẫn còn hay sẽ mất...
Kinh tế, xã hội Việt Nam đang nghiêng ngả nhưng những tín hiệu xấu đe dọa xóa bỏ "quốc thái, dân an" vẫn lập lòe ở đủ mọi hướng. Tầng trên, thị trường chứng khoán tiếp tục suy sụp, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành chuỗi bom bắt đầu phát nổ ở một số nơi, con số ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – tín dụng hay hoạt động có liên quan đến tài chính – tín dụng bị khách hàng bao vây đòi hoàn tiền mỗi ngày một cao... Tầng dưới cũng vậy. Hơn 50% công nhân của An Giang Samho phải tạm nghỉ việc, vì vậy 5.300 công nhân mất việc(1). Tại Bình Dương, tính đến thượng tuần tháng này, số công nhân mất việc là 28.000, số công nhân đang thắc thỏm về tương lai vì doanh nghiệp thuê họ làm việc không có đơn đặt hàng, phải cầm cự bằng cách giảm giờ làm việc của công nhân là 240.000 người(2)...
Tuy không công bố số liệu chính thức nhưng một Phó Chủ tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, xác nhận :Tình trạng cắt giảm lao động (cho nghỉ việc), giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp một thông tin đáng chú ý khác :Nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng(3). Theo vài nguồn thạo tin, đơn đặt hàng bắt đầu giảm từ tháng 8 với tỉ lệ càng ngày càng cao và tác hại sẽ lâu dài, doanh nghiệp đã lâm nguy còn khốn khổ hơn vì chính sách tài chính – tiền tệ(4). Bởi phần lớn doanh nghiệp chuyên gia công cho các doanh nghiệp ngoại quốc và đang thiếu đơn đặt hàng hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động (sử dụng nhiều công nhân) như dệt may, da giày, chế biến gỗ... nên số công nhân mất việc, thiếu việc sẽ là nhiều triệu người !
Trong bối cảnh như hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam – tổ chức tự nhận là "đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam" – đã hoặc sẽ làm gì để hỗ trợ công nhân nói riêng và người lao động nói chung ? Không có câu trả lời nào vì quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa làm gì cả và không chắc sẽ làm gì đó. Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 15 vừa kết thúc hôm 15/11/2022, Nghị quyết của kỳ họp thứ tư đề cập đủ thứ chuyện trừ... chuyện này(5) !
Thậm chí, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – khuyến nghị :Các cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều phương án, nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ổn định tình hình" và "đẩy mạnh thực hiện giám sát doanh nghiệp có thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động không" (6). Thừa nhận "nhiều doanh nghiệp khó khăn thực sự" nhưng chỉ lăm le tròng trách nhiệm vào cổ doanh nghiệp thì sẽ dựa vào đâu để bảo đảm "việc làm, đời sống cho những đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, tránh gây tâm lý hoang mang lo lắng cho đại bộ phận công nhân, lao động",không được tiếp sức, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tuyên bố phá sản hàng loạt thì lấy gì "sẻ chia kịp thời khó khăn cho những người bị mất việc làm" ? Chẳng lẽ "tăng cường công tác quản lý nhà nước" là chuẩn bị sử dụng bạo lực để"ổn định tình hình" ?
***
Sau khi giúp "đội tiên phong" giành được quyền kiểm soát tuyệt đối, toàn diện tại Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam tụt dần xuống đáy của đói nghèo và loay hoay, bế tắc tại đó trong nhiều thập niên. Thay vì kéo họ lên, "đội tiên phong" tiếp tục đạp giai cấp công nhân tụt xuống sâu hơn, dùng họ làm công cụ để tạo ra những con số được dán nhãn "thành tích tăng trưởng", chứng minh cho sự "tài tình" của "đội tiên phong".
Hồi tháng 4 vừa rồi, ông Đặng Ngọc Tùng ngậm ngùi than như thế này trên trang facebook của ông :Sáng nay VTV1 lúc 6 giờ đưa "TIN VUI CHONGƯỜI LAO ĐỘNG : Kể từ hôm nay- 1/4/2022 – người lao động được làm tăng ca lên 60giờ/tháng".Nghe xong, tôi rụng rời cả tay chân ? Không hiểu sao cả ! VTV đứng trên quan điểm của giai cấp công nhân, giai cấp đang lãnh đạo đất nước này ? Hay VTV bảo vệ giai cấp tư sản, bảo vệ các ông chủ tư nhân ở đất nước này ? Cuộc đấu tranh của công nhân toàn thế giới, của những người lao động toàn thế giới mới có được thànhquả "ngày làm việc 8giờ, nghỉ ngơi vui chơi 8giờ và 8giờ đi ngủ để lấy lại sức khỏe", mới có được ngày lao động quốc tế 1tháng 5.Thế mà ở đất nước này các quan chức, các vị đại biểu Quốc hội "phải " làm việc ít hơn ngườilao động mỗi tuần 8giờ, mỗi tháng 32giờ và mỗi năm 384giờ.Và bây giờ họ ép người lao động phải tăng ca 60gi ờ/tháng ? Ôi các vị đại biểu Quốc hội ơi, các vị hãy đặt mình là người lao động, các vị có đồng ý làm việc tất cả ngày thứ 7 trong tuần ? Có đồng ý mỗi năm làm tăng thêm 384giờ như ngườilao động đang làm ? Có đồng ý tăng ca 60giờ/tuần ?Các vị có biết mỗi năm trượt giá bao nhiêu ? Và mấy năm rồi lương tối thiểu của ngườilao động không được tăng ? Việc này đồng nghĩa với giảm lương, lương trả cho ngườilao động quá thấp, không đủ sống. Các vị có biết cuộc sống khốn khó của ngườilao động trong các khu công nghiệp trên cả nước đang trải qua mùa đại dịch này ? Đúng là "Tin vui rơi nước mắt" (7).
Ông Đặng Ngọc Tùng không phải phần tử "thù địch" mà là một trong những thành viên cao cấp của "đội tiên phong" : CựuỦy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Đại biểu quốc hội Việt Nam, cựu Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cựuChủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam... Bất kể thế nào thì những người như ông Tùng cũng chỉ có thể ngậm ngùi về chuyện sau khi tập họp, khai thác sức mạnh của giai cấp công nhân và túm được quyền lực, "đội tiên phong" mặc kệ họ thất thểu phía sau.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/11/2022
Chú thích :
(3) https://vnexpress.net/hon-240-000-cong-nhan-thieu-viec-lam-cuoi-nam-4534820.html
(4) https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lo-sot-vo-vi-sut-giam-don-hang-d177587.html
(5) https://baochinhphu.vn/thong-qua-nghi-quyet-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-102221115161119925.htm
(6) https://nhandan.vn/chu-dong-truoc-tinh-trang-nguoi-lao-dong-mat-viec-dip-cuoi-nam-post724717.html
(7) https://www.facebook.com/100016026001149/posts/1116692505541606/
Trên cương vị là cơ quan chủ quản, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã có những hành xử đầy khó hiểu trong vụ việc đòi ‘chia’ 30% lợi nhuận của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Và khi các lãnh đạo của trường sử dụng các luật định để kiên quyết không đáp ứng đòi hỏi này, thì phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã nhân danh quyền lực của cơ quan chủ quản, tìm mọi cách triệt bằng được bất kỳ ai dám cản trợ chuyện vòi vĩnh tiền bạc đó.
Vấn đề mang tính căn cơ ở đây, là dự thảo Văn kiện Đảng phục vụ Đại hội nhiệm kỳ XIII, cần có những nội dung thích hợp để chấm dứt những kiểu tham nhũng quyền lực đang diễn ra như ở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện tại.
Đối với các trường đại học công lập đã tự chủ về tài chính hoàn toàn, mô hình quản lý phải tuân thủ đúng định hướng : "Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp" tiểu mục 5, mục III của Nghị quyết 19-NQ/TW, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10 năm 2017 (*).
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi cung cấp thông tin. Ảnh : NPV
Các cơ quan, chức danh quản lý điều hành (trừ Hội đồng trường) của trường đại học công lập tự chủ tài chính được áp dụng tương tự các trường tư thục. Các chức vụ quản lý khác ngoài Hội đồng trường của một trường đại học công lập tự chủ tài chính phải được áp dụng theo các tiêu chuẩn, quy trình theo quy định áp dụng cho trường tư thục.
Bởi theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012, thì mô hình quản lý của trường đại học tư thục hoàn toàn giống với mô hình quản lý của một doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014. Chính điều đó cho thấy sự tuân thủ đúng định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW, và khuyến khích các trường tự chủ, tạo sự bình đẳng trong hoạt động giữa trường tư và trường công tự chủ.
Đối với các trường đại học công lập đã tự chủ về tài chính hoàn toàn như Đại học Tôn Đức Thắng, mô hình quản lý lâu nay tuân thủ đúng định hướng : "Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp" tiểu mục 5, mục III của Nghị quyết 19-NQ/TW.
Các cơ quan, chức danh quản lý điều hành (trừ Hội đồng trường) của trường đại học công lập tự chủ tài chính được áp dụng tương tự các trường tư thục. Và điều này cho thấy đòi hỏi ăn chia lợi nhuận kiểu 7/3 mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã buộc những nhà quản lý của Đại học Tôn Đức Thắng, là một hành vi mà pháp luật cần có những điều chỉnh về quyền hạn của quy định về ‘cơ quan chủ quản’ đối với đại học công lập đã tự chủ tài chính hoàn toàn.
Sắp tới đây Luật Giáo dục đại học cần tiếp tục được tu chỉnh, với việc phải định rõ thẩm quyền, phạm vi, khả năng và cách thức can thiệp vào hoạt động của cơ quan chủ quản đối với trường đại học.
Trường đại học chỉ có thể tự chủ theo đúng định hướng của Nghị quyết 19-NQ/TW khi xác định rõ thẩm quyền, cách thức cũng như phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản. Rất tiếc, lâu nay hoàn toàn không có quy định về giới hạn quản lý của cơ quan chủ quản đối với các trường đại học. Hạn chế này đang tạo ra cơ hội cho sự quản lý và can thiệp của các cơ quan quản lý một cách tùy tiện, sâu rộng vào các trường, và phá vỡ hoàn toàn kế hoạch xây dựng mô hình tự chủ đối với các cơ sở đào tạo đại học công lập.
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 26/10/2020
Chú thích :
(*)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-19-NQ-TW/2017-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-cua-don-vi-su-nghiep-cong-lap-365583.aspx
Nếu phiên xử sơ thẩm "vụ án Đồng Tâm" là bằng chứng sinh động về nhận thức, cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với nông dân thì Báo cáo Kiểm toán về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố (1) là một bằng chứng khác cho thấy nhận thức, cách hành xử khác của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với công nhân cũng chẳng tử tế gì hơn…
Hệ thống chuyên bảo vệ quyền lợi, chăm sóc cho người lao động tại Việt Nam chỉ nuốt vào chứ không nhả ra, cho nên đến giờ, tổng số tiền mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tích lũy được lên tới gần… 29.000 tỉ đồng ! - ảnh trụ sở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ở Hà Nội
***
Kiển toán nhà nước cho biết, tuy nhiều nơi còn nợ "quỹ công đoàn" (giới chủ doanh nghiệp phải trích 2% quỹ lương, còn người lao động phải nộp 1% lương để cùng nuôi hệ thống công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dẫn dắt) nhưng năm ngoái Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn thu được hơn… 20.000 tỉ đồng từ nhiều nguồn : Công quỹ, doanh nghiệp và người lao động phải đóng góp theo… qui định của pháp luật, hỗ trợ của xã hội, đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lập ra.
Kiển toán nhà nước phát giác, trong khi tỉ lệ trung bình giữa chi/ngân quỹ được phân bổ ở các tổ chức công đoàn cấp thấp, lên tới 99,1% thì tỉ lệ này ở những tổ chức công đoàn cấp trên rất nhỏ : Ví dụ Liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố hoặc ngành chỉ chi 45,4% tổng số ngân quỹ được phân bổ và tỉ lệ chi của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ có 8,3%. Nói cách khác, hệ thống chuyên… bảo vệ quyền lợi, chăm sóc cho người lao động tại Việt Nam chỉ nuốt vào chứ không nhả ra, cho nên đến giờ, tổng số tiền mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã… tích lũy được lên tới gần… 29.000 tỉ đồng !
Một điểm đáng lưu ý khác, tuy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề ra rất nhiều chương trình vận động xã hội hỗ trợ, chăm sóc công nhân nghèo nhưng vì thu xong vẫn không chi nên tỉ lệ thu từ các nguồn này ở Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gấp 2,2 lần… tổng chi cho… cả năm ! Năm ngoái, một trong những chương trình mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vận động xã hội hỗ trợ, chăm sóc công nhân nghèo là "Tết sum vầy". Dựa trên thông tin do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cung cấp, Kiển toán nhà nước chỉ xác định được rằng "Tết sum vầy" thu được 11,3 tỉ va dokhông có… phiếu thu, không đủ chứng từ nên thiếu căn cứ để xác nhận tính chính xác và hợp pháp của khoản thu từ cuộc vận động này.
Cũng theo Kiển toán nhà nước, do… dư giả vì hạn chế chi, nhiều cơ quan thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đem nguồn tiền lẽ ra phải dùng vào việc chăm sóc, hỗ trợ người lao động để… mua cổ phần, góp vốn, cho vayvà những hoạt động sử dụng tiền của bá tánh này đều… chưa rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là dochưa quy định về thời hạn trả nợ, chưa đặt điều kiện ràng buộc về trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay nên… khó có khả năng thu hồi vốn !
***
Khác với thiên hạ, tại Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho tất cả người lao động Việt Nam. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có lẽ cũng là tổ chức công đoàn… thuộc loại hiếm thấy trên thế giới : Đảm nhận luôn vai trò thuộc hạ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam ! Đó cũng là lý do tuy nhận tiền do người lao động đóng góp (1% lương) nhưng thử tìm xem có bao nhiêu người lao động tại Việt Nam tin rằng hệ thống này hoạt động vì các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của… họ ?
Cho đến nay, thành tích lớn nhất mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thường khoe một cách hồn nhiên, từ thập niên này (2) sang thập niên khác (3) là tại Việt Nam chỉ có "ngừng việc tập thể" để đòi quyền lợi, chưa có cuộc đình công nào đúng nghĩa (theo luật, chỉ có thể xem là đình công nếu được các tổ chức thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lãnh đạo). Do vậy, đến nay, công nhân vẫn vừa đóng phí công đoàn nuôi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,vừa tự tổ chức các cuộc "ngừng việc tập thể" để tranh đấu cho quyền lợi của mình một cách… bất hợp pháp !
Có một điểm hết sức khôi hài là dù Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiên quyết đứng bên lề, không để hệ thống công đoàn do mình dẫn dắt, can dự vào việc đệ đạt yêu sách, tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nhằm thực hiện chủ trương của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là giữ gìn sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư nhưng ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng không ưa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vì ăn… dày quá !
Cuối năm 2015, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cho doanh giới bình chọn "Mười qui định tốt nhất và mười qui định tồi nhất". Qui định buộc doanh giới phải góp 2% quỹ lương (2% tổng số tiền lương trả cho công nhân) để nuôi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong Luật Công đoàn được chọn là một trong "mười qui định tồi nhất" và đó là lý do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải vội vàng xin Bộ Chính trị, Ban Bí thư "chỉ đạo Đảng – Đoàn ở VCCI ngưng việc bình chọn đối với Luật Công đoàn 2012" (4).
Trong văn bản ấy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lưu ý Bộ Chính trị, Ban Bí thư là trước nay, hệ thống nay tận tâm thực hiện và hoàn thành "các nhiệm vụ mà đảng và nhà nước giao", cho nên đảng và nhà nước cần can thiệp để "uy tín" của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không bị vấy bẩn, cũng như để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục nhận được khoản thu tương đương 2% quỹ lương mà doanh giới phải nộp. Có như vậy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới đủ sức, tiếp tục dẫn dắt hệ thống công đoàn.
***
Khi kinh tế Việt Nam giống như một chiếc xe xuống dốc không… phanh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam buộc phải bám vào CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu - Việt Nam) để "duy trì sự ổn định chính trị". Tuy nhiên CPTPP và EVFTA không dễ… nhằn. Để bảo đảm văn minh và công bằng, những quốc gia tham dự vào các hiệp định thương mại tự do đa phương luôn đòi đối tác phải thực thi Tuyên bố ILO 1998.
Tuyên bố ILO 1998 có tám công ước được xem là căn bản : Công ước số 87 và 98 về Tự do hiệp hội và Thương lượng tập thể. Công ước 29 và 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và Bắt buộc. Công ước số 100 và 111 về Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và Nghề nghiệp. Công ước số 138 và 182 về Xóa bỏ lao động trẻ em. Tuyên bố ILO 1998 minh định quan niệm của thiên hạ : Văn minh là kiểm soát để nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do không thể gạt bỏ nhân vị, nhân phẩm ở bất kỳ đâu.
Mặt khác, thực hiện các giải pháp bảo vệ nhân vị, nhân phẩm thì tốn kém (nhà xưởng phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa ô nhiễm, nơi làm việc phải thoáng và đủ sáng, ngay cả nhà ăn, nhà vệ sinh cũng phải đúng tiêu chuẩn…) nên không quốc gia nào tham dự những hiệp định thương mại tự do đa phương được miễn trừ vì có như vậy mới ngăn ngừa được tình trạng hạ giá thành bằng cưỡng bức lao động, tiết kiệm chi phí đầu tư vào nhà xưởng, ngăn ngừa - xử lý ô nhiễm… để cạnh tranh bất chính.
Thiên hạ tự nguyện chấp nhận những ràng buộc đó vì chúng vừa nhân đạo, vừa giúp duy trì sự công bằng, còn Việt Nam, tuy là thành viên của ILO nhưng Việt Nam không phê chuẩn những công ước xác lập và bảo vệ các quyền căn bản của người lao động, cho đến khi tình thế đẩy đảng đến chỗ phải dựa vào các hiệp định thương mại tự do… Trong quá trình tìm đủ mọi cách để trở thành thành viên của TPP (Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương), CPTPP và EVFTA, Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước căn bàn của Tuyên bố ILO 1998, cho dù điều này chẳng khác gì xóa bỏ "thời vàng son" của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Tháng 11 năm 2018, khi các đại biểu của Quốc hội khóa 14 thảo luận về việc phê chuẩn CPTPP, ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,than rằng, phê chuẩn Công ước 98, chấp nhận sự xuất hiện của các công đoàn, hoạt động hoàn toàn độc lập với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tạo ra "tiền lệ chưa từng có". Ông Hiểu xem chuyện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải cạnh tranh với các công đoàn độc lập, từ tập hợp thành viên đến chia sẻ nguồn lực về tài chính là… "thách thức lớn" và bất bình vì :Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam còn các công đoàn độc lập chỉ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động (5)…
***
Tháng tới, các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ góp ý cho Dự luật sửa Luật Công đoàn sau khi đã bỏ phiếu sửa Luật Lao động hồi năm ngoái -cho phép thành lập các công đoàn độc lập.Chuyện thu tiền của các doanh nghiệp và người lao động để nuôi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam,cũng như chia khoản tiền khồng lồ này cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các công đoàn độc lập như thế nào sẽ là những chủ đề rất nóng… Trong tương lai, sự xuất hiện của những công đoàn độc lập đầu tiên sẽ khiến những vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức đại diện cho người lao động tại Việt Nam càng nóng hơn cả về bản chất lẫn làm thế nào để bảo đảm thực chất.
Tuy nhiên bất kể thế nào thì số phận của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng giống như "chỉ mành treo chuông". Sẽ có bao nhiêu người lao động chấp nhận tiếp tục đóng góp nuôi một hệ thống trên danh nghĩa là đại diện cho mình, bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình nhưng chỉ chăm chăm hoàn thành nhiệm vụ chính trịmà đảng giao phó và lợi dụngnhiệm vụ chính trịđó mà vắt mồ hôi của người lao động, đổi rượu, đổi trà ? Vì sao đảng Đảng cộng sản Việt Nam - "đội tiên phong của giai cấp công nhân", qua đó tự khoác thêm vai trò "đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam" lại tạo điều kiện cho hệ thống đại diện người lao động hành xử tàn tệ như vậy ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/09/2020
Chú thích
(1) https://baodautu.vn/kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-tren-lenh-lang-duoi-kho-han-d129060.html
(2) https://tuoitre.vn/20-nam-qua-chua-co-cuoc-dinh-cong-nao-dung-luat-948135.htm
(4) https://vov.vn/tin-24h/dung-ngay-viec-binh-chon-tot-nhattoi-nhat-voi-luat-cong-doan-512054.vov
(5) https://plo.vn/thoi-su/them-to-chuc-canh-tranh-voi-cong-doan-tien-le-chua-tung-co-801221.html
"Bạn không thể giúp kẻ yếu trở nên vững mạnh bằng cách tàn phá kẻ mạnh. Bạn không thể giúp những người nhỏ bằng việc chia cắt kẻ lớn. Bạn không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương. Bạn không thể nuôi dưỡng tình bằng hữu khi khuyến khích lòng hận thù giai cấp. Bạn không thể giúp người nghèo bằng cách triệt hạ người giàu…".
Công nhân nhà máy tôm thuộc tập đoàn Minh Phú.
Ông Chu Văn An, phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú (thành phố Cà Mau), đã dẫn lại lời trong một diễn văn của bà đầm thép Anh Quốc Margaret Thatcher (1925 – 2013) phát biểu vào tháng 2/1975, khi lần đầu tiên bà Thatcher được chọn làm lãnh tụ đảng Bảo Thủ. Diễn văn này được soạn bởi Ronald Graeme Millar (1919 – 1998), người chuyên viết diễn văn cho Edward Heath (Thủ tướng Anh giai đoạn 1970-1974).
Ông An nói rằng đoạn diễn văn đó của bà đầm thép Anh Quốc, ông muốn gửi đến các vị đại biểu đang có mặt ở Hội trường Diên Hồng trong kỳ họp thứ 8 khóa XIV - một kỳ họp có thời gian dài kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ (dự kiến 27-11 mới bế mạc).
"Tôi nghĩ rằng nếu các vị dân biểu bấm nút thông qua những nội dung của dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, sẽ gây thiệt hại tới các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động như ngành thủy sản. Điều đó đúng hệt như khuyến cáo trong phát biểu ở 44 năm về trước của bà Thatcher, là không thể giúp người làm công ăn lương bằng cách tiêu diệt người trả lương". Ông An chia sẻ.
Xin được lược thuật về nội dung góp ý của ông Chu Văn An về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, hiện đang đặt trên bàn các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 khóa XIV.
Nước nghèo thì đừng xài sang
"Chúng tôi hiểu rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên nước ta còn đang là nước nghèo.
Theo tạp chí Tài Chính Thế giới (Global Finance) ra bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019. Theo bảng này, Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy mỗi người chúng ta phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước ta từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, chính chúng tôi cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm mà thôi". Ông An nói.
Ông An kể vào vụ thu hoạch tôm, cá hoặc các nông sản khác người nông dân mang rất nhiều về các nhà máy để bán. Trong những ngày này, nếu các nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân làm ra để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm trong ngày, trong tháng dẫn đến bị vi phạm luật lao động.
Còn nếu doanh nghiệp chỉ mua đủ số lượng sản phẩm của nông dân mang lại, còn bao nhiêu trả về vì quy định của luật làm thêm giờ, thì hậu quả kinh tế xã hội liệu có phải là ‘Đảng – Nhà nước lo’ ?
"Chỉ cần vi phạm thêm 01 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng. Khách sẽ không mua hàng. Chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì họ mới mua hàng. Trong khi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Việc làm thêm giờ để giải quyết hết những sản phẩm của nông dân làm ra lại vi phạm luật. Trong khi đó Nghị quyết 26 Hội nghị TW7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tư tưởng chỉ đạo là phải lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ông An biện luận.
Xin đừng triệt hạ người giàu !
Dường như những nhà soạn luật vẫn mang tâm thế giai cấp thời búa liềm, với nếp nghĩ mặc định là chủ doanh nghiệp tư nhân luôn muốn bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân mà đảng cộng sản Việt Nam đang là đại diện quyền lực.
"Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm ; 300% làm thêm giờ cho những ngày Lễ và 200% làm thêm vào ngày nghỉ.
Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà doanh nghiệp không thể bán giá cao được. Qua thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng thì cần làm thêm giờ. Còn các tháng khác làm không đến 8 giờ, thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu.
Minh Phú hiện có 04 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất Minh Phú cần 20 ngàn lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng Minh Phú chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động. Thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất...". Ông An kể, và nói rằng dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này nên bỏ quy định ràng buộc số giờ làm thêm tính theo ‘tháng’, vì nó không phù hợp thực tế.
"Chúng tôi trả lương cho công nhân, nên hiểu rõ là phải cân đối việc làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động mới đảm bảo được năng suất, chất lượng. Nôm na, nếu làm thêm giờ tại doanh nghiệp, thì chúng tôi phải cân nhắc cho người lao động vừa có thu nhập, vừa có sức khỏe để làm lâu dài. Từ đó doanh nghiệp mới phát triển bền vững". Ông An nhận định.
Theo ông An thì tiêu chuẩn của khách hàng rất khó, nhưng doanh nghiệp vẫn vượt qua được ; còn có một số quy định của Bộ Luật lao động của Việt Nam thì doanh nghiệp lại rất khó thực hiện cho đúng.
"Chúng tôi thường hay nói với nhau là ‘mình tự trói mình’. Xin được nêu ví dụ cụ thể là tại Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ở điều 5 khoản 1 quy định người lao động được hưởng lương tháng được trả một lần ngay trong tháng mà người lao động làm việc.
Thực tế doanh nghiệp trả lương sản phẩm thì hết tháng các bộ phận thống kê gửi số liệu cho kế toán tiền lương, với năng suất từng người cho một đơn vị có 6000 - 7000 lao động phải mất từ 5-7 ngày, rồi làm thủ tục chuyển khoản qua ngân hàng… Khi đối tác đánh giá an sinh xã hội thì doanh nghiệp bị lỗi nặng là lỗi chi trả, và cũng phải một năm sau mới bán được hàng cho khách hàng hoặc siêu thị đó. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín làm ăn của doanh nghiệp, mặc dù lỗi không từ chúng tôi !".
Ông Chu Văn An nói thêm rằng lâu nay doanh nghiệp yêu cầu cần sửa lại là : "Người lao động hưởng lương tháng được trả một lần trong tháng đối với lương cố định và không quá 45 ngày đối với lương khoán sản phẩm", tuy nhiên chẳng có cấp quản lý nào lắng nghe để sửa đổi.
Nếu có quyền tự do công đoàn thì phí công đoàn có thay đổi ?
Nội dung bản dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, hiện đang đặt trên bàn các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 khóa XIV, không chi tiết về quyền tự do công đoàn. Điều này là một thắc mắc, song lại ít được công khai bàn luận trên các hội thảo về góp ý dự luật lao động sửa đổi.
Ông Chu Văn An dẫn chứng từ thực tế ở Tập đoàn Minh Phú.
"Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang trả bình quân 7-8 triệu đồng người/tháng cao hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ làm cho doanh nghiệp tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí Công đoàn.
Đối chiếu với các công ty chế biến, chúng tôi có 13.000 lao động. Năm 2017, quỹ lương đóng BHXH là 514.425.200.132 đồng. Trích 32% là 164.616.064.043 đồng. Phí công đoàn là 10.288.504.002 đồng.
Năm 2018, lương tối thiểu vùng tăng 6,5%. Quỹ lương đóng BHXH là 578.352.756.865 đồng, tức hơn so năm 2017 là 63.929.556.733 đồng, trích đóng 32% BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 185.072.882.196 đồng, tăng so với năm 2017 là 20.456.818.153 đồng. Phí công đoàn là 11.567.055.137 đồng…".
Với lộ trình đã thỏa thuận ở các FTA, thì trễ lắm vào năm 2023 Việt Nam sẽ có công đoàn độc lập, tức thực thi quyền tự do công đoàn. Liệu khi ấy những doanh nghiệp như Minh Phú, có phải được quyền từ chối đóng khoản kinh phí công đoàn hàng năm lên tới bạc chục tỷ đồng cho tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ?
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 22/10/2019
‘2%’ là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn
Cuộc đấu tranh gian khổ và khắc nghiệt của báo chí độc lập, người lao động và giới chủ doanh nghiệp rốt cuộc cũng tiệm cận thắng lợi : Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, chủ đề phí công đoàn 2% mà từ nhiều năm qua các doanh nghiệp phải ‘nộp tô’ cho Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã được nêu ra khá sòng phẳng, không phải từ những đại biểu ‘cấp thấp’, mà bởi những quan chức và cơ quan có vai vế.
Tư liệu : Hàng nghìn công nhân công ty Pou Yuen ở Sài Gòn đã tuần hành để phản đối chính sách bảo hiểm xã hội mới. (Ảnh : Thanh Niên Công Giáo)
Một trong những tiếng nói gióng lên chủ đề này là đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Lợi đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2, điều 26, Luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2, Công ước 98, hay không.
Điểm đặc biệt nhất của kỳ họp Quốc hội lần này là lần đầu tiên chính thể độc tài ở Việt Nam phải chấp nhận ký Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể - một trong ba công ước quốc tế còn lại của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) mà Việt Nam chây ì không chịu ký từ nhiều năm qua.
Ba công ước còn lại của ILO lại chính là đòi hỏi rất dứt khoát của Nghị viện châu Âu - thể hiện trong bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam mà Nghị viện châu Âu đã tung ra với nhiều nội dung cùng từ ngữ mạnh mẽ chưa từng có vào giữa tháng 11 năm 2018.
Trong đó, Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động.
Nếu không ký tối thiểu là Công ước 98, Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội được tham gia vào EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) - có thể được ký và phê chuẩn vào nửa cuối năm 2019.
Theo quan điểm của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, việc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thu phí công đoàn 2% đương nhiên là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn, vì người sử dụng lao động là người nộp công đoàn phí.
Trước đó, khi góp ý thẩm tra dự án Luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật Quốc hội cũng lưu ý, khoản 2, điều 2 của Công ước 98 quy định những hành vi được coi là can thiệp gồm hành vi thúc đẩy thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính, hoặc bằng những biện pháp khác với ý đồ đặt các tổ chức dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động, hay tổ chức của người sử dụng lao động. Do đó, việc người sử dụng lao động đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương cho người lao động có thể coi là hành vi can thiệp và bị chống lại theo quy định của Công ước 98.
Đáng chú ý, bản tin tường thuật của các tờ báo theo dõi họp Quốc hội chưa cho thấy có ý kiến nào phản bác nhận định của đại biểu Bùi Sỹ Lợivà Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dù đây là nhận định cực kỳ ‘nhạy cảm chính trị’ - mà nếu được nêu ra trong các kỳ họp Quốc hội trước đây thì chắc chắn đã khiến không chỉ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ‘nhảy dựng lên’ mà còn bị đảng nổi giận ‘chặn họng’.
Nhưng trong thực tế, phí công đoàn 2% mà đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ra vẫn chưa thể hiện đầy đủ quy mô ‘ăn cướp có hệ thống và tinh vi’ của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.
‘3%’ và một chế độ ‘ăn chơi nhảy múa’ trên xương máu người lao động
Được xem là ‘anh em sinh đôi’ với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn ‘ăn cướp 3%’ là một trong những chân kiềng cho chế độ độc tài và độc quyền cả về bóp hầu bóp cổ công nhân.
Trong rất nhiều năm qua, bằng một quy định tài chính tự đặt ra, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam - tổ chức được xem là ‘cánh tay nối dài của đảng’ - đã nghiễm nhiên phè phỡn hưởng thụ ít nhất 3% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp (gồm 2% do doanh nghiệp phải ‘đóng góp’ và 1% từ thu nhập của người lao động).
Một quy định mà rất nhiều doanh nghiệp và công nhân đã phẫn nộ : ‘không ăn cướp thì là cái gì !’.
Nhưng cho tới nay, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam vẫn chưa hề minh bạch tài chính, hay nói thẳng là chưa hề công bố con số thu hàng năm từ ‘phí ăn cướp 3%’ là bao nhiêu và số tiền mà cơ quan này lợi dụng để ‘ăn chơi nhảy múa’ thâm lạm đến mức nào.
Một trong nhiều bằng chứng sống động về tinh thần ‘ăn chơi nhảy múa’ như thế là câu chuyện "học hỏi kinh nghiệm từ các nước có chế độ chính sách xã hội tiên tiến hàng đầu như Hà Lan, đồng thời, tìm biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả và vai trò của Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động", khi có đến hai chục ‘quan chức trong đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dẫn đầu bởi quan chức Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, đi du ngoạn ở đất nước hoa tulip vào tháng 12 năm 2018.
Trong bức ảnh về chuyến du hí mà báo Thế Giới & Việt Nam đăng, có đến hai chục ‘đại biểu Việt Nam’, trong khi chỉ có mặt duy nhất một người Hà Lan nhưng lại chẳng được báo Việt Nam giới thiệu về tên tuổi và chức danh - điều mà rất dễ khiến người đọc nghi ngờ về tính thực chất của chuyến ‘công tác’ này. Mặt khác, nội dung làm việc quá chung chung và đặc biệt là kết quả làm việc về ‘hợp tác quốc tế’ cũng chung chung không kém của ‘đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’ đã cung cấp thêm một bằng chứng trần trụi về tổ chức hội đoàn ‘cánh tay nối dài của đảng’ này đã quen thói xài tiền chùa để du hí nước ngoài trong nhiều năm qua như thế nào.
‘Cá mập’ sẽ phải nhả ?
Thu tiền và xài tiền phủ phê đến thế, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam lại chưa bao giờ đồng thuận, càng không hề lãnh đạo, tổ chức bất kỳ vụ đình công nào với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Nhiều nguồn tin từ giới công nhân cho biết nhiều lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn. Rất nhiều ví dụ trong thực tế đã cho thấy giới lãnh đạo công đoàn ở nhiều địa phương đã thỏa hiệp và toa rập với giới chủ và công an địa phương để theo dõi công nhân, chỉ điểm những người đứng đầu phong trào đình công để công an truy xét, sách nhiễu và bắt bớ họ.
Rốt cuộc, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã chỉ hiện hình như một cơ chế trung gian ‘ăn cướp’ 3% và quá vô tích sự, nếu không nói là đã ‘phản động’ đến mức đi ngược lại quyền lợi của hàng chục triệu công nhân.
Nhưng sắp tới, việc chính thể Việt Nam phải ký Công ước 98 để vào EVFTA sẽ bắt buộcTổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam không những phảichấp nhận cơ chế ‘đa công đoàn’, tức chấp nhận công đoàn độc lập và phi nhà nước do người lao động tự thành lập và cạnh tranh sòng phẳng với ‘cánh tay nối dài của đảng’, mà ‘cá mập’ Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn phải ‘nhả’ 3% ‘phí ăn cướp’ sau quá nhiều năm ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’. Bởi nếu không chịu nhả ra, chính những doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng lên đòi xóa bỏ cái cơ chế bất công như lối ăn cướp ấy.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/06/2019
Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – một tổ chức chính trị – xã hội mà được xem là "cánh tay nối dài của đảng" – một lần nữa kể từ bối cảnh Hiệp định TPP vào năm 2015, phải đối mặt với nguy cơ "tự giải thể" trong vài ba năm tới – ứng với bối cảnh vào tháng 2/2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam vừa phải cam kết "đến tháng 10 năm 2020 thì Công ước về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập (Công ước số 87 của ILO) sẽ được hoàn tất", liên quan đến lợi ích của chính thể này với EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU).
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào, mà chỉ là một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp.
Ảnh : Báo Mới
Không phải báo nhà nước, càng không phải hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền, mà những tin tức mới nhất về EVFTA và công đoàn độc lập chỉ được dẫn lại bởi người dịch kiêm nhà báo Phương Thảo ở Hà Lan (hội viên hội Nhà báo độc lập Việt Nam) từ trang Borderlex, và nhà quan sát Hiếu Bá Linh từ Đức dẫn Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine về phiên họp điều trần xem xét tình hình tiến triển của Hiệp định EVFTA do Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) tổ chức ngày 20/2/2018 tại trụ sở Nghị viện Châu Âu ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Vào giai đoạn 2015 – 2016, cuộc vận động không mệt mỏi trong nhiều năm của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là của người Việt hải ngoại cho công đoàn độc lập đã suýt thắng lợi, nếu Mỹ không rút khỏi TPP sau đó.
Công đoàn độc lập lại rất thường bị phía Việt Nam mặc định như một công cụ nằm trong "diễn biến hòa bình", tất mang nguy cơ diễn biến đe dọa sự tồn tại của đảng cầm quyền theo cách mà Công Đoàn Đoàn Kết đã từng tạo ra hiệu ứng chấn động ở Ba Lan vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Không cần phải nói quá nhiều về sự thật một bộ phận công nhân đang rơi vào cảnh khốn cùng ở Việt Nam sẽ vui mừng ra sao khi đón nhận tin tức về công đoàn độc lập, dù chỉ mới được chính quyền "thí điểm". Nếu xu hướng EVFTA cho Việt Nam vẫn giữ nguyên, lộ trình nhà nước Việt Nam hành xử với công đoàn độc lập sẽ khó có thể khác đi. Điều đó cũng có nghĩa là cho dù Việt Nam vẫn chưa ban bố Luật Biểu Tình, công nhân vẫn đương nhiên có quyền biểu thị thái độ và hành động đòi lợi ích dân sinh của họ mà không đến nỗi bị chính quyền đối xử như "các thế lực thù địch".
Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá chua chát là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát nhưng đều bị xem là bất hợp pháp.
Có một bằng chứng không thể rõ hơn về tình trạng tê liệt của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam : vào năm 2016 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã có một số động tác chuẩn bị cho kịch bản "quốc doanh hóa công đoàn dộc lập", đi thăm một số công doàn cơ sở. Khi đó, ông Thăng còn như giả tảng hỏi "Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa ?". Nhưng Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến lại trả lời rất thật thà "Chưa bao giờ !".
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng các lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Không những thế và trong không ít lần, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn tìm cách vào hùa với ngành công an và các cơ quan nhà nước khác để ngăn chặn những cuộc đình công và biểu thị thuần túy vì mưu sinh của giai cấp công nhân.
Với cung cách bất khả di dời của một tổ chức chính trị xã hội được đảng cầm quyền cầm tay chỉ việc, trong lịch sử phổ cập sa sút của mình, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn nghiễm nhiên ngự tọa như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp và của hàng chục triệu công nhân Việt Nam.
Nhân quả là không tránh khỏi. Phương châm hoạt động thậm quan liêu và lấy đảng làm đầu của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã biến tấu nên một trong những nguồn cơn chính gây ra không khí phẫn nộ vào năm 2015 của 90.000 công nhân PouYuen, lan rộng ra giới công nhân ở nhiều tỉnh thành khác để phản đối điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2014 không cho người lao động được lĩnh trợ cấp một lần.
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục năm qua.
Lẽ đương nhiên nếu được hình thành, Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 08/03/2018