Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam – một tổ chức chính trị – xã hội mà được xem là "cánh tay nối dài của đảng" – một lần nữa kể từ bối cảnh Hiệp định TPP vào năm 2015, phải đối mặt với nguy cơ "tự giải thể" trong vài ba năm tới – ứng với bối cảnh vào tháng 2/2018, chính thể độc đảng ở Việt Nam vừa phải cam kết "đến tháng 10 năm 2020 thì Công ước về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập (Công ước số 87 của ILO) sẽ được hoàn tất", liên quan đến lợi ích của chính thể này với EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU).
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào, mà chỉ là một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp.
Ảnh : Báo Mới
Không phải báo nhà nước, càng không phải hệ thống tuyên giáo của đảng cầm quyền, mà những tin tức mới nhất về EVFTA và công đoàn độc lập chỉ được dẫn lại bởi người dịch kiêm nhà báo Phương Thảo ở Hà Lan (hội viên hội Nhà báo độc lập Việt Nam) từ trang Borderlex, và nhà quan sát Hiếu Bá Linh từ Đức dẫn Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine về phiên họp điều trần xem xét tình hình tiến triển của Hiệp định EVFTA do Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) tổ chức ngày 20/2/2018 tại trụ sở Nghị viện Châu Âu ở Brussels (thủ đô nước Bỉ).
Vào giai đoạn 2015 – 2016, cuộc vận động không mệt mỏi trong nhiều năm của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là của người Việt hải ngoại cho công đoàn độc lập đã suýt thắng lợi, nếu Mỹ không rút khỏi TPP sau đó.
Công đoàn độc lập lại rất thường bị phía Việt Nam mặc định như một công cụ nằm trong "diễn biến hòa bình", tất mang nguy cơ diễn biến đe dọa sự tồn tại của đảng cầm quyền theo cách mà Công Đoàn Đoàn Kết đã từng tạo ra hiệu ứng chấn động ở Ba Lan vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Không cần phải nói quá nhiều về sự thật một bộ phận công nhân đang rơi vào cảnh khốn cùng ở Việt Nam sẽ vui mừng ra sao khi đón nhận tin tức về công đoàn độc lập, dù chỉ mới được chính quyền "thí điểm". Nếu xu hướng EVFTA cho Việt Nam vẫn giữ nguyên, lộ trình nhà nước Việt Nam hành xử với công đoàn độc lập sẽ khó có thể khác đi. Điều đó cũng có nghĩa là cho dù Việt Nam vẫn chưa ban bố Luật Biểu Tình, công nhân vẫn đương nhiên có quyền biểu thị thái độ và hành động đòi lợi ích dân sinh của họ mà không đến nỗi bị chính quyền đối xử như "các thế lực thù địch".
Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá chua chát là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát nhưng đều bị xem là bất hợp pháp.
Có một bằng chứng không thể rõ hơn về tình trạng tê liệt của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam : vào năm 2016 khi còn là bí thư thành ủy TP.HCM, Đinh La Thăng đã có một số động tác chuẩn bị cho kịch bản "quốc doanh hóa công đoàn dộc lập", đi thăm một số công doàn cơ sở. Khi đó, ông Thăng còn như giả tảng hỏi "Công đoàn đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa ?". Nhưng Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến lại trả lời rất thật thà "Chưa bao giờ !".
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng các lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Không những thế và trong không ít lần, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn tìm cách vào hùa với ngành công an và các cơ quan nhà nước khác để ngăn chặn những cuộc đình công và biểu thị thuần túy vì mưu sinh của giai cấp công nhân.
Với cung cách bất khả di dời của một tổ chức chính trị xã hội được đảng cầm quyền cầm tay chỉ việc, trong lịch sử phổ cập sa sút của mình, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam còn nghiễm nhiên ngự tọa như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp và của hàng chục triệu công nhân Việt Nam.
Nhân quả là không tránh khỏi. Phương châm hoạt động thậm quan liêu và lấy đảng làm đầu của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã biến tấu nên một trong những nguồn cơn chính gây ra không khí phẫn nộ vào năm 2015 của 90.000 công nhân PouYuen, lan rộng ra giới công nhân ở nhiều tỉnh thành khác để phản đối điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2014 không cho người lao động được lĩnh trợ cấp một lần.
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt hàng chục năm qua.
Lẽ đương nhiên nếu được hình thành, Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 08/03/2018