Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2018

Dục tốc ‘lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn dự kiến’ để làm gì ?

Phạm Chí Dũng

Sau quy định của Ban bí thư về chế độ "khám sức khỏe định kỳ", có vẻ Tổng bí thư Trọng sắp tung ra một đòn không mới nhưng đủ hiểm về công tác nhân sự, cùng vào tháng Ba năm 2018.

duc1

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến - Ảnh : YouTube

Tháng Ba năm 2018 lại diễn ra đến hai phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội – bất thường so với chế độ chỉ một phiên họp/tháng trước đây.

Trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ quốc hội, đã bất ngờ xuất hiện ý kiến đề xuất đẩy sớm việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn lên kỳ họp thứ 5 (diễn ra vào tháng Năm tới), thay vì kỳ họp thứ 6 vào cuối năm, như quy định.

Không thấy Ủy ban Thường vụ quốc hội hay báo chí nhà nước thông tin về ý kiến trên là của quan chức nào, chỉ biết rằng Ủy ban Thường vụ quốc hội đã mau mắn đưa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn dự kiến ra bàn – một động thái cho thấy "ý kiến" đó phải có sức nặng lớn, một sức nặng rất đáng kể, thậm chí còn nặng hơn cả vị thế chính trị của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ai ?

Một tờ báo nhà nước đã bình luận một cách ẩn ý : "Đây là một việc khá bất thường, vì theo Nghị quyết 85/2014/QH13, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ, tức là phải vào kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay. Do vậy đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm lên kỳ họp thứ 5 sẽ trái với Nghị quyết 85, đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ phải sửa Nghị quyết này trước khi tiến hành việc lấy phiếu".

Vậy vì sao lại xuất hiện "ý kiến" đề xuất đẩy sớm việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này, bất chấp hành động đó sẽ trái với Nghị quyết 85 ?

Những quan chức nào có khả năng "lên thớt" nếu cuộc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành sớm hơn dự kiến ?

Theo quy định tại điều 10, Nghị quyết 85/2014/QH13), Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ : Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước ; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội ; Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể "xin từ chức". Còn người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Kỳ họp vào tháng Năm năm 2018 của Quốc hội lại trùng với thời gian có thể diễn ra Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền, nhưng không hẳn theo truyền thống "đảng họp trước, quốc hội họp sau", mà có thể sẽ ngược lại, nghĩa là nếu Quốc hội họp trước để "lấy phiếu tín nhiệm", thì sau đó hội nghị trung ương họp để căn cứ vào kết quả phiếu tín nhiệm đối với các quan chức mà "xử".

Một trong những "ứng cử viên" cho kết quả "tín nhiệm thấp" là Bộ trưởng y tế, còn được dân gian gọi là "bộ trưởng kim tiêm" – Nguyễn Thị Kim Tiến. Mới đây, bà Tiến đã bị loại khỏi danh sách "giáo sư đạt chuẩn" sau quá nhiều phản ứng của dư luận xã hội đối với bà ta.

Vào năm 2013 giữa lúc "thư hùng Trọng – Dũng", đã từng diễn ra một cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầy sóng gió.

Khi đó, chính Tổng bí thư Trọng là người nêu ra chủ trương lấy phiếu tín nhiệm.

Tại lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6 năm 2013 với 47 chức danh chủ chốt, kết quả mang tính thảm họa đã dành cho khá nhiều gương mặt bên chính phủ. Nhân vật đội sổ với xấp xỉ 42% số phiếu tín nhiệm thấp là Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình – người bị tạp chí quốc tế Global Finance bình chọn "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới".

Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận giành ngôi á quân với trên 35% phiếu tín nhiệm thấp. Các bộ trưởng y tế và lao động – không tai tiếng về chuyện này cũng mang tiếng về chuyện khác – đều trong vòng nguy hiểm.

Nhân vật có thành tích khả quan hơn Thống Đốc Bình đôi chút trong lần bỏ phiếu trên là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng nhận được hơn 32% số phiếu tín nhiệm thấp.

Giờ đây, có lẽ nhiều quan chức đang run rẩy. Sóng trước chưa qua sóng sau đã xô tới. Run không chỉ bởi "lò" của ông Trọng lại nóng dần sau tết nguyên đán 2018, mà đang phải đối mặt với cơ chế "lấy phiếu tín nhiệm", chỉ cần một chút sơ sẩy là toàn bộ sự nghiệp chính trị và "cống hiến cho đất nước" sẽ đi tong.

Liệu kết quả bỏ phiếu tín nhiệm và tín nhiệm thấp của kỳ họp Quốc hội sẽ được "nâng lên một tầm cao mới" để những hội nghị trung ương trong năm 2018 sẽ "thanh lọc" nhân sự, thậm chí là những nhân sự thuộc loại "then chốt", thậm chí là nhân sự ngay trong Bộ Chính trị ?

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 08/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)