Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2018

Có thật Tết Mậu Thân làm chính phủ Mỹ choáng váng ?

Nguyễn Kỳ Phong

Cuộc tổng công kích năm 1968 của Bắc Việt đã chuyển những thắng lợi quân sự của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa thành những thất bại về chính trị và tâm lý.

tet1

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson (1908-1973)

Với tất cả những lạc quan MACV báo cáo về Ngũ Giác Đài ; với những tuyên bố đầy niềm tin của Westmoreland trước báo chí trong lần viếng thăm Hoa Thịnh Đốn vào cuối năm 1967, nhưng dư luận nội địa Hoa Kỳ vẫn không tin Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đang nắm thế thượng phong vào mùa xuân năm 1968 ở Việt Nam.

Làm sao dư luận tin được khi thấy hình ảnh cái quốc ấn của Hoa Kỳ nằm dưới đất, bên cạnh là xác những người lính Mỹ chết để bảo vệ nó. Làm sao tin được tình hình an ninh ở miền Nam bắt đầu an toàn và cộng sản đang quay trở lại giai đoạn chiến tranh du kích vì bị thiệt hại nặng ở chiến trường, khi tòa đại sứ Mỹ ở trung tâm thủ đô Sài Gòn bị xâm nhập và bắn nát.

Từ đầu năm 1968, Tổng thống Johnson đã quyết định nhiều thay đổi về phương diện quân sự và ngoại giao liên quan đến tình hình Việt Nam. 19/01/1968, Johnson đề cử Clark Clifford thay McNamara ở chức tổng trưởng quốc phòng ; ngày 22/03, Johnson triệu hồi Wesmoreland trở lại Mỹ thay thế tướng Harold K. Johnson làm Tư lệnh Lục quân, và bổ nhiệm tướng Creigton Abrams thay Westmoreland ở MACV.

Không phải vì cuộc tổng tấn công vào đầu năm làm cho tổng thống Johnson có những quyết định này : ông đã có hai quyết định đó từ tháng 11/1967 sau khi McNamara thay đổi ý định theo đuổi cuộc chiến và đề nghị Johnson ngưng dội bom, tìm cách thương lượng với Hà Nội.

Lúc đầu, các cố vấn quan trọng của Johnson kể luôn vị tân tổng trưởng quốc phòng Clifford không đồng ý với đề nghị của ông tổng trưởng bỏ cuộc McNamara.

Nhưng đến tháng 3/1968, trừ giới quân nhân, tất cả những cố vấn có ảnh hưởng với Johnson đều khuyên Johnson nên xuống thang cuộc chiến và tìm giải pháp thương lượng.

Rồi chuyện khó khăn này dẫn đến chuyện khó khăn khác : Cuộc tổng tấn công của Bắc Việt ; Westmoreland xin thêm hơn 200 ngàn quân để dứt điểm đối phương ; và những cuộc trưng cầu dân ý của năm bầu cử tổng thống cho thấy đa số cử tri không còn ủng hộ Johnson thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Chiến tranh Việt Nam đến giai đoạn này là một ung nhọt mà tổng thống Johnson không thể làm lơ.

Sự lo lắng của tổng thống Johnson không phải không có lý do.

Đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, lòng dân và thế lực chính trị tại nội địa Mỹ thay đổi.

Nhiều khó khăn quốc nội làm ảnh hưởng đến những quyết định của Johnson đối với chiến tranh Việt Nam.

Những người ủng hộ kế hoạch và đường lối chính trị của Johnson trong quá khứ lần lược lên tiếng phản đối. Mục sư Martin Luther King, một trong những người ủng hộ các chương trình xã hội và dân quyền của tổng thống Johnson từ năm 1964, bắt đầu lên tiếng phản đối, tuyên cáo Johnson đã bỏ rơi chương trình Đại Xã Hội, một chương trình nâng cao quyền bình đẳng và mức sống cho dân nghèo ở Hoa Kỳ, vì quá chú tâm về vấn đề Việt Nam.

tet2

Clark Clifford trở thành tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ đầu năm 1968

Năm 1967 ngân sách quốc gia Hoa Kỳ bị thâm thủng gần 30 tỉ, và Johnson phải quyết định hoặc là tăng thuế, hoặc là giảm ngân sách quốc phòng.

Nhưng tăng thuế thì mất lòng cử tri ; giảm chi phí quân sự thì lại càng không được đối diện với cuộc chiến ở Việt Nam và tình hình an ninh chung trên thế giới.

Những dân biểu nghị sĩ thủ lãnh ở quốc hội, trước đây vẫn trung thành với Johnson, bây giờ chỉ trích Johnson và cuộc chiến ở Việt Nam.

Họ nói chiến tranh Việt Nam làm đổ vỡ nhiều kế hoạch quốc nội và quốc ngoại.

Nghị sĩ William J. Fulbright, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện hăm dọa ông sẽ đình trệ ngân khoản quốc phòng khi vấn đề được đem lên thượng viện bàn thảo.

Theo Fulbright, không những chương trình Đại Xã Hội của Johnson không thành công, ngược lại xã hội Hoa Kỳ đang trở thành một xã hội bệnh hoạn. Ông nghĩ Hoa Kỳ không có đủ tiền để chiến thắng hai cuộc chiến : cuộc chiến chống cộng ở Việt Nam và cuộc chiến chống bất bình đẳng và nghèo đói cho dân hạ lưu ở nội địa Mỹ.

Trong hai cuộc chiến đó, chẳng những Johnson không thắng được trận nào, mà không chừng thua luôn cả hai.

Ngoài Fulbright ra, những dân biểu, nghị sĩ có ảnh hưởng ở quốc hội bắt đầu đặt câu hỏi về sự thành công của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam. "Quân chúng ta đông, nhưng đối phương đánh theo sự lựa chọn [chiến trường] của họ", nghị sĩ Stennis thổ lộ với nghị sĩ Hollings.

Trong khi đó, xã hội Mỹ càng ngày càng rối thêm. Từ mùa hè năm 1967, bạo động đã xảy ra ở nhiều thành phố trên đất Mỹ, phần lớn là những thành phố có dân da đen cư ngụ. 26 người chết ở Newark, New Jersey ; 40 ở Detroit, Chicago.

Bạo động càng dữ dội hơn khi mục sư Martin Luther King bị bắn chết vào đầu tháng 4/1968. Thẩm quyền an ninh dân sự và quân sự phải vận động 75 ngàn lính để tái lập trật tự.

Kết quả những cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của King có 39 người chết và hơn 2.500 người bị thương, phần lớn là dân da đen. Nhưng đó chỉ là những bạo động nhỏ so với cuộc bạo động ở Chicago vào tuần lễ nghị hội đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ (Democratic Nomination Convention) vào mùa Hè năm 1968.

tet3

William J. Fulbright, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện

Với những biến chuyển dồn dập, tổng thống Johnson phải quyết định.

Trưa ngày 26 tháng 3-1968, một số nhân vật quan trọng và thân cận với tổng thống Johnson họp lại ăn trưa tại tòa Bạch Cung và đồng thời thảo luận, cho ý kiến về vấn đề Việt Nam.

Những người trí giả đang tụ họp vào buổi trưa thứ Ba này là những công thần của nước Mỹ họ đã phục vụ nước Mỹ từ ngày đầu của Đệ nhị Thế chiến cho đến ngày đầu của Chiến Tranh Lạnh, cho đến giai đoạn khó khăn đang đối diện Hoa Kỳ ngày hôm nay.

Có mặt trong bữa ăn đó là những công thần lão thành của Mỹ quốc như Dean Acheson, Douglas Dillon, John McCloy, Arthur Dean, Robert Murphy.

Trước khi gặp các trí giả cố vấn, sáng hôm đó Johnson đã gặp tham mưu trưởng liên quân Wheeler và đại tướng Abrams tại Tòa Bạch Ốc để nghe họ tường trình.

Khi nghe Wheeler và Abrams xin Johnson thêm quân, xin được đánh qua Lào và Cam Bốt, xin gia tăng dội bom Bắc Việt... để dứt điểm dối phương trong lúc đối phương đang bị thiệt hại nặng và hấp hối, Johnson trả lời họ bằng một giọng rất buồn và đau khổ.

Ông nói cho hai sĩ quan cao cấp là ông muốn làm cho đúng, dù ông bị thất cử trong nhiệm kỳ tới. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho chuơng trình Đại Xã Hội khi ông lấy bớt ngân quỹ dùng để xây cất gia cư cho dân ngèo, ngân quỹ của chương trình giáo dục và chương trình nâng đỡ giai cấp lao động ?

Ông nhấn mạnh năm nay là năm bầu cử mà ngân sách thì cần thêm tiền, phải tăng thuế, trong khi Việt Nam thì cần thêm quân.

Ông nói ông có thể có thể chịu đựng áp lực chính trị để thỏa mãn những đòi hỏi của giới quân nhân. Nhưng dù như vậy, ông vẫn chưa có thể nói cho người dân biết được tương lai cuộc chiến Việt Nam sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo con đường đang đi.

Ông kết thúc cuộc nói chuyện với Wheeler và Abrams bằng lời hứa hẹn, là nếu đại tướng Westmoreland cần thêm 206 ngàn quân nữa thì ông sẽ cho nếu quân đội có dư được số quân đó.

tet4

Tổng thống Lyndon Johnson và Tướng William Westmoreland ở Washington DC tháng Tư 1968

Nội dung những gì Johnson muốn nói, chúng ta có thể đoán được, là dân Mỹ không còn ủng hộ cuộc chiến ở Việt Nam nữa.

Cuộc họp trưa ngày 26/01/1968 giữa các trí giả và tổng thống Johnson xảy ra như dự định.

Và chúng ta có thể đoán được những lời cố vấn của họ sẽ nói ra.

McGeorge Bundy, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Kennedy và Johnson đại diện cho phía muốn ngưng đánh, phát biểu vắn tắt : "Chúng ta không còn thì giờ để đạt được mục tiêu đã định ; đa số trong buổi họp này nghĩ chúng ta không nên gia tăng cường độ cuộc chiến, hay kéo dài cuộc chiến. Gia tăng hay kéo dài cuộc chiến là đi ngược lại quyền lợi quốc gia".

Johnson nghe những lời cố vấn trong sự ngỡ ngàng và có thái độ giận dữ khi nói chuyện trong phòng riêng với hai bộ trưởng Clifford và Rusk.

Dù thất vọng với những lời cố vấn của đa số trí giả, Johnson biết mình không thể nào đi ngược lại ý dân.

Sau buổi họp với những trí giả cố vấn, Johnson có khoảng năm ngày để soạn thảo một bài diễn văn, nói cho dân Mỹ biết ý định của ông về chiến tranh Việt Nam. Ông dự định sẽ đọc một bài diễn văn trước quốc dân vào ngày 31/03/1968 một chiều Chủ Nhật.

Một trong những người có nhiều ảnh hưởng đến các tổng trưởng, cố vấn, và chính Tổng thống Johnson về đường lối chiến tranh Việt Nam là Clifford người thay McNamara ở Bộ quốc phòng từ đầu năm 1968.

Theo nhiều sử liệu và hồi ký, tổng trưởng quốc phòng Clifford đã có ác cảm về cuộc chiến Việt Nam ngay trong những ngày đầu nhậm chức. Ông đã tỏ thái độ chống lại chiến tranh Việt Nam ngay sau trận tổng công kích Mậu Thân, và khi Westmoreland yêu cầu viện thêm 206 ngàn quân để thanh toán chiến trường.

Dựa vào phản ứng bi quan của dư luận, Clifford muốn, (1) quân đội Hoa Kỳ ngừng đánh và nhường chiến trường đó lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa ; (2) tìm một thương lượng trên mặt trận ngoại giao để đem Hoa Kỳ khỏi cuộc chiến.

Và khi Clifford đã quyết định thì khó có tướng lãnh nào ở Ngũ Giác Đài từ chối, hay cãi lại. Làm sao cãi lại với một người đã viết ra bộ luật đẻ ra chức Tổng trưởng quốc phòng, chức Tham mưu trưởng Liên quân, Quân chủng Không quân, CIA, hay Hội đồng An ninh quốc gia.

Trong chiến tranh Việt Nam, nếu Henry Kissinger là người bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ký vào tờ giấy khai tử của chính mình vào năm 1973, thì năm 1968 Clark Cliford là người đã bắt buộc Việt Nam Cộng Hòa phải tự đơn thân gánh vác cuộc chiến.

Như một điềm xấu, rạng sáng ngày 31/01/1968 (rạng sáng mùng 2 tết ở Sài Gòn ; trưa ngày 30 ở Hoa Thịnh Đốn) khi Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn, thì buổi trưa ở Hoa Thịnh Đốn quốc hội Mỹ biểu quyết chấp thuận Clifford vào chức vụ Bộ trưởng quốc phòng.

Rồi trong hai tuần lễ liên tiếp, những tin tức dồn dập từ MACV gởi về chẳng những không làm cho Bộ quốc phòng và Tòa Bạch Ốc lạc quan, trái lại càng làm cho giới thẩm quyền bên nhà rối loạn vì những tin tức trái ngược.

Quân đội Hoa Kỳ đụng trận trên bốn vùng chiến thuật. Căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ ở Lang Vei, 10 cây số nam Khe Sanh bị tràn ngập vào 7 tháng 2. Trong trận này, lần đầu tiên cộng sản dùng xe tăng để áp đảo một căn cứ. Căn cứ Khe Sanh thì bị áp lực dồn dập từ ngày 20 tháng 1 ; và từ tháng 2 trở đi căn cứ chỉ có thể nhận tiếp liệu bằng cách thả dù, vì phi trường không còn an toàn cho phi cơ lên xuống.

Tổn thất Mỹ trong hai tuần lễ đầu tiên là 400 và 416 tử thương. Tuần lễ thứ ba, 17/2/1968, Hoa Kỳ có 543 tử thương và 2.547 bị thương năm lần số thương vong trung bình hàng tuần trước tết (tuần lễ có số thương vong cao nhất của năm 1967 là 232 chế ; 1.381 bị thương).

Từ 6 tháng 1 đến 30 tháng 3, Hoa Kỳ có 4.778 tử thương. Chính con số tử thương này làm cho thẩm quyền Hoa Kỳ bên nhà ngạc nhiên, khi so sánh tình hình hiện tại và tình hình trong hai tường trình của Westmoreland và đại sứ Bunker trước đó hai tháng.

Tháng 11/1967, Westmoreland báo cáo với Hoa Thịnh Đốn : "quân đội Đồng Minh nắm thế thượng phong, dần dần có thêm sức mạnh để ngăn chận đối phương mở những cuộc tấn công có cấp số cao".

Với báo cáo và tin tức hoàn toàn trái ngược, ngày 28 tháng 2, Johnson ra lệnh cho tân tổng trưởng quốc phòng Clifford lập một ủy ban để duyệt xét lại tất cả kế hoạch về Việt Nam. Ông yêu cầu Clifford trong năm ngày làm việc, phải trả lời cho ông biết một số câu hỏi về tình hình Việt Nam để ông có thể quyết định. Một trong những câu hỏi quan trọng là có nên cung cấp quân theo lời yêu cầu của Westmoreland không ; và, những quyết định quân sự sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với công luận và quốc hội.

Sau năm ngày làm việc và hội họp để thâu thập ý kiến của các cố vấn dân sự, hỏi chuyện các tư lệnh quân sự, Clifford đi đến một quyết định trung dung khi trình bày cho tổng thống Johnson : gởi một số ít quân để thỏa nhu cầu chiến trường ; duyệt xét tình hình quân sự hàng tuần ; chú trọng đến tình hình chính trị và quân sự của Việt Nam Cộng Hòa ; và duyệt xét lại tất cả kế hoạch quân sự và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Trong buổi họp ngày thứ Hai, 4 tháng 3-1968, với sự có mặt của tham mưu trưởng ban tham mưu liên quân, Clifford lý luận với tổng thống và các tổng bộ trưởng quan trọng đang hiện diện : "Chúng tôi xin đề nghị trong bản báo cáo này là chỉ cung cấp đủ quân để đối phó với những cấp bách đang xảy ra ở mặt trận trong vòng ba, bốn tháng sắp đến... Chúng ta chỉ có thể giúp được như vậy".

Tiếp theo lời của Clifford, Bộ trưởng Tài Chánh Joe Flower cho tổng thống Johnson những tiên đoán về tình hình tài chánh quốc gia. Ông bộ trưởng tài chánh cho biết chính phủ phải quyết định giữa cuộc chiến Việt Nam và các chương trình xã hội kinh tế tại nội địa.

Sau khi nghe những tường trình và đề nghị của Clifford và Fowler, tham mưu trưởng liên quân Wheeler và bộ trưởng ngoại giao Rusk - hai người duy nhất đại diện cho phía quân sự và có lập trường cứng rắn với Bắc Việt - trình bày ý kiến của họ.

Đại tướng Wheeler trở nên nhân nhượng hơn với đòi hỏi của Ngũ Giác Đài và MACV : ông vẫn đề nghị cho thêm 205 ngàn quân, nhưng không cần gởi liền tất cả mà có thể trải số quân này ra trong một giai đoạn 9 tháng.

Khi đến phiên Dean Rusk, ông bộ trưởng ngoại giao cũng bắt đầu có thái độ hòa hoãn : thay gì giữ quyết định không ngưng oanh tạc miền bắc, ông đề nghị Hoa Kỳ ngưng oanh tạc vào những tháng mưa để có thể dọ xét thái độ của Hà Nội, coi họ muốn thương lượng hay không, mà Hoa Kỳ vẫn giới hạn được lưu lượng xâm nhập từ miền Bắc (mùa mưa giới hạn vận chuyển xâm nhập vào Nam rất nhiều).

Thái độ nhân nhượng của đại tướng Wheeler dễ hiểu : trong nhiều lần nói chuyện với Clifford trước buổi họp, Wheeler chưa lần nào cho Clifford một xác định rõ ràng về tình hình và tiến trình cuộc chiến.

Trong lần họp cuối cùng ngày 2 tháng 3 hai ngày trước khi đúc kết bản tường trình cho tổng thống, Clifford có một số câu hỏi và nhận được những câu trả lời như sau : Liệu 205 ngàn quân nữa có giải quyết được chiến trường không ? Không chắc chắn được.

Nếu 205 ngàn quân vẫn chưa đủ, thì cần thêm bao nhiêu nữa và khi nào thì cần ? Không cách gì tuyên đoán được.

Đối phương có thể gia tăng quân số nếu chúng ta gia tăng thêm quân ? Có thể.

Chúng ta có thể kết thúc cuộc chiến bằng cách dội bom ? Dội bom gây nhiều thiệt hại về nhân mạng cho đối phương, nhưng dội bom không, thì không thể chấm dứt cuộc chiến. Nếu chúng ta gia tăng dội bom thì thương vong bên ta có thể hạ xuống không ? Rất ít, nếu nói là không thay đổi nhiều, vì phần lớn thương vong của chúng ta xảy ra trên chiến trường ở miền Nam.

Hoa Kỳ phải tiếp tục gởi quân gánh vác cuộc chiến bao lâu nữa ? Chúng tôi không biết đến khi nào thì quân đội Việt Nam Cộng Hòa có thể thay thế gánh vác cuộc chiến.

Và với những câu trả lời như vậy, chúng ta có thể tạm hiểu được sự khó khăn của Clifford khi ông không muốn tăng thêm quân theo lời yêu cầu của MACV.

Với 90 phần trăm lực lượng quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị tiêu diệt, với toàn thể cơ sở hậu cần bị khám phá và hủy hoại, Westmoreland và tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Thái Bình Dương, đô đốc Sharp, thấy rõ đây là cơ hội cuối cùng và duy nhất để triệt tiêu sinh lực của đối phương.

Ngày 1 tháng 3, đô đốc Sharp thỉnh cầu Ngũ Giác Đài cho phép ông được dội bom tất cả các mục tiêu, trừ nhà thương, trường học, dân cư, và thuyền bè ngoại quốc.

"Không thể để cho đối phương đánh theo ý của họ, vì như vậy, trong ý nghĩa chiến lược, họ sẽ nắm lấy thế công trong khi chúng ta giữ thế thủ. Phải nhớ chúng ta đang dối diện với một đối phương rất lì", Sharp viết trong điện văn gởi về ban tham mưu liên quân.

Ngày hôm sau, 2 tháng 3, đại tướng Westmoreland xin phép được đánh qua Lào để cắt ngang đường mòn Hồ Chí Minh. Đồng thời ông thông báo hoạt động của cộng sản ở Thượng Lào rất nguy hiểm cho tình hình chung ở Đông Nam Á. Westmoreland đề nghị Hoa Kỳ can thiệp vào Thượng Lào qua lời yêu cầu của Thái Lan như được ghi ở các điều khoản trong hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á.

Ngày 4 tháng 3, đô đốc Sharp đánh thêm một điện tín về Hoa Thịnh Đốn nữa. Lần này, giọng văn trong điện tín quyết liệt hơn. "chúng ta đang đứng trước ngả tư của những quyết định : Chúng ta có thể xử dụng sức mạnh quân sự với tất cả hiệu lực chúng ta có thể cung ứng. Chúng ta có thể tiếp tục kế hoạch gia tăng áp lực từng nấc và chờ cuộc chiến kéo dài ra một cách vô hạn. Hoặc là chúng ta có thể rút quân ra khỏi Đông Nam Á như bại trận, để lại đồng minh chúng ta một mình đối diện với kẻ thù... Đến lúc chúng ta phải cứng rắn bằng lời nói và hành động - đó là phương cách duy nhất mà cộng sản hiểu được".

Nhưng, hoặc giới thẩm quyền dân sự ở Hoa Thịnh Đốn không thấy rõ kế hoạch quân sự cần phải áp dụng lập tức theo đề nghị của hai vị tư lệnh tiền phương, hoặc lời thỉnh cầu của giới quân sự bị loãng chìm trước những kêu gào phản chiến ở bộ quốc phòng. Đại tướng Wheeler biết mọi kế hoạch quân sự cần có quyết định chính trị để thi hành. Nhưng đến lúc này ông cũng nhận thấy các chính trị gia nghĩ cuộc chiến Việt Nam đã đi quá xa quyền lợi của nước Mỹ.

Sau khi mọi người trong buổi họp trình bày ý kiến của mỗi người, Johnson chấp nhận những đề nghị chính của Clifford : cho thêm liền 22 ngàn quân ; tuyên bố với Hà Nội Hoa Kỳ sẽ giới hạn oanh tạc trên vĩ tuyến 20, và ngưng oanh tạc vào mùa mưa trên miền Bắc. Những giới hạn đó tùy thuộc vào thái độ của Hà Nội ở chiến trường trong tương lai.

Như vậy, vào đầu tháng 3 năm 1968, khi Sài Gòn và những thành phố lớn ở Việt Nam vẫn còn mịt mù trong khói lửa, khi người dân Huế đang bàng hoàng bởi những cuộc thảm sát ghê rợn, và trong khi quân dân Việt Nam Cộng Hòa đang xả thân sống chết với những người cộng sản hiếu chiến, thì chính phủ Hoa Kỳ quyết định bỏ cuộc. Họ bỏ cuộc ngay thời điểm quan trọng và quyết liệt nhất đối với sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa.

Tối Chủ Nhật 31/03/1968, 9 giờ đêm tại tòa Bạch Ốc, tổng thống Johnson đọc một bài diễn văn làm mọi người sửng sốt ngay đối với những người thân cận soạn bài diễn văn đó.

Ông bắt đầu bài diễn văn bằng câu, "Đêm nay tôi muốn nói với quốc dân về cuộc chiến ở Việt Nam và nền hòa bình ở Đông Nam Á…".

Rồi ông thông báo ông sẽ không ra tái tranh cử lần thứ nhì, và Hoa Kỳ sẽ đơn phương ngừng dội bom ở miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở xuống, để chờ thái độ của Hà Nội về một thương lượng đình chiến.

Bài diễn văn của Johnson đêm 31 tháng 3 đưa cuộc chiến Việt Nam đến một giai đoạn hoàn toàn mới.

Nguyễn Kỳ Phong

Nguồn : BBC, 07/03/2018

Tác giả Nguyễn Kỳ Phong, định cư ở Mỹ từ 1975 và hiện sống ở Washington DC, đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam như Vũng lầy Tòa Bạch Ốc : Người Mỹ và Chiến tranh Việt Nam. Ông hiện đang soạn tác phẩm Những tài liệu tối mật về Chiến tranh Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 648 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)