Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/10/2019

Từ Nhà sách "quỵt tiền" dịch giả đến nghiệp đoàn xuất bản độc lập

Tử Dương - Hải An

Từ việc nhà sách "quỵt tiền" dịch giả, đến sự cần thiết của các nghiệp đoàn độc lập trong lĩnh vực xuất bản

Trong những năm gần đây, giới dịch giả freelance ở Việt Nam thường phải nhắc nhở nhau về những chủ thuê hay"quỵt" tiền, nợ tiền, vi phạm hợp đồng ký với người dịch. Trong số này, nhà sách Limbooks là một trong những cái tên thường được nhắc đến nhất. Chị Nguyễn Thanh Nhàn, một dịch giả từng làm việc với Limbooks, đã cho chúng tôi danh sách của ít nhất 5 dịch giả còn bị Limbooks nợ tiền. Dưới đây, chúng tôi sẽ điểm qua một số nét chính trong các vụ việc, phân tích khía cạnh pháp luật của chúng, và chỉ ra những việc mà người dịch có thể làm để "tự vệ" trước các chủ thuê sai phạm.

quyt1

Hình minh họa. Một người khách đang xem những cuốn sách của một nhà xuất bản tại một hội chợ sách ở Hà Nội hôm 11/9/2015 AFP

Chặn điện thoại, chặn Facebook, xúc phạm dịch giả sau khi trì hoãn thanh toán… 10 lần

Trong các vụ vi phạm hợp đồng của Limbooks, vụ việc đình đám nhất liên quan đến dịch giả Nguyễn Thanh Nhàn.

Tháng 07/2017, chị Nhàn ký hợp đồng dịch cuốn "13 Đám Cưới" với Limbooks – theo đó hạn nộp bản thảo là ngày 15/10 cùng năm ; và Limbooks phải xuất bản sách, đồng thời thanh toán hợp đồng, trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận bản thảo.

Tháng 09/2017, chị Nhàn tiếp tục ký hợp đồng dịch cuốn "Paul Pogba – Trở về để tỏa sáng" với Limbooks – theo đó Limbooks phải trả chị 50% hợp đồng khi nhận bản thảo, và trả 50% còn lại khi sách được xuất bản.

Vì Limbooks nhận bản thảo cuốn "13 Đám Cưới", và đánh giá "đạt", vào tháng 09/2017 ; đồng thời nhận bản thảo cuốn "Pogba", và đánh giá "không đạt, tiền hiệu đính sẽ trừ vào nhuận bút", vào tháng 10 cùng năm ; lẽ ra Limbooks phải thanh toán 50% nhuận bút cuốn "Pogba" vào tháng 10/2017, và toàn bộ nhuận bút cuốn "13 Đám Cưới" trong tháng 01/2018.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 01/2018 đến ngày 06/07 cùng năm, Limbooks đã liên tục trì hoãn thanh toán 2 khoản tiền trên những… 10 lần. Mỗi lần bị nhắc nhở, Limbooks xin chị Nhàn "thông cảm" vì nhiều lý do khác nhau – như "quên thanh toán", hoặc "kinh doanh thất bại nên chưa có khả năng thanh toán". Khi chị Nhàn tỏ ý nghi ngờ sau nhiều lần "thông cảm", nhân sự Limbooks đồng loạt chặn số điện thoại và chặn Facebook của chị Nhàn. Khi chị Nhàn quyết tìm cách liên hệ với Limbooks để giục thanh toán hợp đồng, Giám đốc Limbooks là ông Trần Văn Lâm mắng nhiếc chị bằng những ngôn từ như "đồ thần kinh", "giáo viên thần kinh", "có vài đồng bạc mà cũng lèo nhèo", trước khi cúp máy.

Dù vậy, khi chị Nhàn đăng thông tin về vụ việc lên group "Biên – Phiên dịch tiếng Anh", một cộng đồng có 90 nghìn thành viên, đồng thời dọa khởi kiện ; ông Lâm nhanh chóng hạ giọng, và buộc phải thanh toán hợp đồng cho chị vào ngày 10/06 cùng năm.

Chị Nhàn không phải là dịch giả duy nhất bị Limbooks vi phạm hợp đồng, thỏa thuận. Phóng viên Nguyễn Tấn Huy (người hiệu đính cuốn "Pogba"), cùng các dịch giả Hoàng Kim, Trần Thảo…, cho biết hiện họ vẫn chưa được thanh toán. Trước đó, năm 2017, báo Sài Gòn Giải phóng cũng đã phản ánh việc Limbooks "giam lỏng" nhuận bút của các nhà văn Bùi Anh Tấn, Đinh Thu Hiền, Võ Thu Hương.

quyt2

Hình minh họa trang facebook của Nguyễn Ngọc Thạch Hình tác giả cung cấp/ FB Nguyễn Ngọc Thạch

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, một người từng bị Limbooks nợ nhuận bút và chặn Facebook, cho biết nhà sách này còn nhân danh anh để kinh doanh. Cụ thể, họ đã viện cớ "tác giả Nguyễn Ngọc Thạch từng in tới 5 tác phẩm tại Lim" để trấn an những người bạn anh đang bị họ nợ nhuận bút. Vụ việc tiến triển theo hướng bất lợi cho Limbooks, khi anh Thạch liệt kê một loạt các sai phạm của họ để cảnh báo cộng đồng :

Tác giả, dịch giả nên làm gì khi bị vi phạm hợp đồng ?

Trong các trường hợp trên, công ty Limbooks có thể đã vi phạm hợp đồng dân sự ký với người dịch, hoặc vi phạm các nguyên tắc trả thù lao cho người lao động được quy định tại Điều 95, 96 của Bộ luật Lao động năm 2012 (tùy theo loại hợp đồng). Chẳng hạn, Khoản 3, Điều 95, Bộ luật Lao động 2012 quy định :

"Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên ; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng".

Khi gặp tình huống này, dịch giả có thể gửi đơn khiếu nại chính thức đến công ty thuê dịch. Nếu công ty không giải quyết đơn trong vòng 30 ngày, dịch giả có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh Sở Lao động, thương binh và xã hội tại địa phương mình đang sinh sống hoặc cư trú, hoặc khiếu kiện tại Tòa án Nhân dân Quận nơi công ty đóng trụ sở.

Ngoài ra, qua các tình huống thực tế vừa nêu, có thể thấy nếu dịch giả cùng lên tiếng trên báo chí và mạng xã hội về việc mình và bạn bè bị vi phạm hợp đồng, họ có thể tạo được áp lực dư luận đáng kể, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hợp đồng đã ký kết.

Về lâu dài, cần có các nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Quốc hội Việt Nam cần xem xét nhu cầu này trước khi thông qua dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong kỳ họp khai mạc ngày 21/10/2019.

Tử Dương – Hải An

Nguồn : RFA, 22/10/2019

Các tác giả là thành viên Mạng lưới Nghiệp đoàn – http://unionsnetwork.org

Nguồn tin, bằng chứng về các vụ vi phạm hợp đồng nêu trong bài :

_ Vụ Nguyễn Thanh Nhàn :
https://www.facebook.com/sausaudaica/posts/10155393870586583

_ Vụ Nguyễn Tấn Huy :
https://www.facebook.com/nguoinhattin/posts/1755846121179887

_ Vụ Nguyễn Ngọc Thạch :
https://www.facebook.com/thach.author/posts/10155880531873877

_ "Câu chuyện nhuận bút nhà văn" – SGGP, 12/04/2017

http://www.sggp.org.vn/cau-chuyen-nhuan-but-nha-van-440921.html

Quay lại trang chủ
Read 455 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)