Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/10/2019

Dự án Cứu nguy đồng bằng sông Cửu Long

Lê Xuân Khoa

Tổng quan

Trong thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều thông tin và hình ảnh cho thấy cuộc sống khó khăn của nông dân và ngư dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vì giữa mùa lũ mà đồng ruộng khô cạn và nhiều nơi đã bị nước biển xâm nhập.

dbscl1

Hình minh họa. Tàu chở cát trên sông Mekong ở Cần Thơ hôm 16/12/2018 - Reuters

Nguyên do một phần vì thời tiết nhưng tình trạng nguy hại khác thường này phần lớn là hậu quả của chuỗi đập thủy điện do Trung Quốc xây cất ở thượng lưu, và Lào ở trung lưu, sông Mekong (hầu hết do Trung Quốc tài trợ). Lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng chuỗi đập này để kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn nguồn cá và phù sa do thiên nhiên cung cấp cho năm quốc gia ở hạ lưu Mekong là Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-bốt và Việt Nam. Nền kinh tế nông nghiệp của những quốc gia này, đặc biệt là Việt Nam, bắt buộc phải tùy thuộc vào quyết định điều hành lượng nước được xả từ các đập thủy điện ở Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ và khống chế toàn vùng Đông Nam Á. Như nhận định mới đây của tác giả David Hutt : "Trung Quốc hiện có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm áp lực có thể được sử dụng để phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của các nước ở hạ nguồn và tạo sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng lợi thế này để đe dọa các nước Đông Nam Á phải nể sợ hay dọa trừng phạt nước nào chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc, gồm cả vấn đề Biển Đông hay các kế hoạch trong khu vực về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường" [1].

Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ (được coi là thủ đô miền Tây) và 12 tỉnh : Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Với tổng diện tích khoảng 41.000 km² và tổng số dân 20 triệu, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích nhưng hơn 19% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% so với 6,8%). Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước ; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% tổng sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước [2]. Sông Mekong chảy vào Việt Nam chia thành 2 sông Tiền Giang, Hậu Giang rồi tỏa ra thành 9 nhánh đổ ra biển qua 9 cửa : Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề. Chín nhánh sông của Mekong như 9 con rồng uốn lượn, nên ở Việt Nam sông Mekong được đặt tên là sông Cửu Long. Qua nhiều năm tháng, hai cửa sông Ba Lai và Ba Thắc (Bassac) bị bùn đất bồi lấp và biến mất. Do đó, sông Cửu Long hiện chỉ còn 7 cửa đổ ra biển.

dbscl2

Bản đồ sông Mekong và các đập thủy điện Lê Xuân Khoa

Việt Nam là nước ở cuối nguồn sông Mekong nên phải chịu ảnh hưởng tổng hợp nặng nề nhất trong số các quốc gia miền hạ lưu, vì khi hoạt động sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị hủy hoại thì nguồn lợi kinh tế của cả nước phải lãnh hậu quả trầm trọng. Cứ xem những con số trên đây về nông sản và thủy sản cùng với số lượng xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long thì đủ thấy mức phá hoại của Trung Quốc đối với tương lai không xa của Việt Nam sẽ ghê gớm đến thế nào. Các chuyên gia kinh tế và môi trường trong và ngoài nước đã nhiều lần lên tiếng báo động về tương lai đen tối của Đồng bằng sông Cửu Long và kêu gọi giải quyết các nguy cơ trước mắt và lâu dài, không riêng cho Việt Nam mà cho cả bốn nước liên quan khác là Myanmar, Thái lan, Lào và Cam-bốt.

Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Mekong ở Bangkok ngày 1/8 vừa qua, trong chiến lược ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo đã khởi động lại dự án "Sáng kiến vùng Hạ lưu Mekong" (Lower Mekong Initiative – LMI) do cựu ngoại trưởng Hillary Clinton thiết lập năm 2009 chú trọng vào mục tiêu giúp các nước miền hạ lưu phát triển bền vững trước những hành động hiếp đáp và chia rẽ của Trung Quốc. Sở dĩ phải có thêm sáng kiến LMI vì Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission - MRC) đã tỏ ra bất lực trước thái độ lấn át của Trung Quốc. Cho đến gần đây, các giám đốc điều hành của MRC thường phải chiều theo ý muốn của lãnh đạo Bắc Kinh và tham vọng của Lào là trở thành "bình điện của Đông Nam Á", như vậy rất có hại cho nhân dân các nước hội viên. Bộ trưởng Pompeo nhấn mạnh đến việc duy trì và phát triển quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và các nước trong nhóm LMI và loan báo một số sáng kiến mới, như dự án Nhật-Mỹ về Quan hệ Đối tác Điện lực Mekong (Japan-U.S. Mekong Power Partnership – JUMP) và dự án tài trợ cho các nước LMI ngăn chặn các tội ác xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy, hoạt động phi pháp vùng Tam giác Vàng, buôn bán phụ nữ và lao động.

Quan trọng hơn hết là vào cuối năm nay, Hoa Kỳ sẽ tổ chức một hội nghị Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quản lý minh bạch các dòng sông xuyên biên giới, chù yếu là sông Mekong. Ông Mike Pompeo cũng cho hay là tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng Mười Một ở Bangkok, Hoa Kỳ sẽ trình bày những sáng kiến mới nhằm giúp các quốc gia LMI về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và kỹ thuật số. Hoa Kỳ cũng sẽ cùng với Cộng hòa Hàn quốc tài trợ cho một dự án chụp hình từ vệ tinh để thẩm định các mô hình lụt lội và hạn hán của dòng sông Mekong. Trong khi đó, các nước trong nhóm LMI cũng sẽ cùng nhau chia sẻ các dữ kiện về nguồn nước Mekong và một chương trình mới trong chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS (Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong Economic Strategy) do Thái Lan đề nghị. Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ chiến lược này.

Sau hết, ngoại trưởng Pompeo đánh giá việc Việt Nam giữ vai trò chủ tịch của ASEAN năm 2020 là một cơ may tối hảo để công cuộc hợp tác Mekong tiếp tục tiến xa hơn, trong đó đề tài họp thường niên cấp bộ trưởng các nước LMI sẽ được tập trung, có tính chiến lược và hiệu quả hơn. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ mãi mãi là người bạn của các nước trong nhóm LMI (không có gì bảo đảm nhưng đang rất có lợi cho Việt Nam, Thái, Lào, Cam-bốt cần được sử dụng tối đa). Một tín hiệu tốt mới đây là Cam-bốt đã quyết định hủy bỏ dự án xây cất hai con đập thủy điện Sambor và Stung Treng.

Mặc dù có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, khả năng các nước miền hạ lưu Mekong có thể thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc vẫn là một thách thức rất lớn, đặc biệt đối với Việt Nam, vừa là một nước nhỏ ở sát nách Trung Quốc vừa ở vào vị trí chiến lược quan trọng mà Trung Quốc cần phải chiếm đoạt để thực hiện quyền kiểm soát toàn khu vực. Vì những lý do trên, Việt Nam cần phải có một chiến lược khôn ngoan và một kế hoạch toàn diện, vừa vận dụng được nguồn nội lực mạnh mẽ của dân tộc vừa lôi cuốn được sự ủng hộ cần thiết của Hoa Kỳ và các nước quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của Việt Nam, nhằm ngăn chặn Trung Quốc đang thực hiện chính sách bành trướng trong khu vực và tham vọng bá chủ toàn cầu. Cho đến nay, vì sợ Trung Quốc và vì lợi ích nhóm, chính phủ Việt Nam chưa làm được việc này.

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long

Các nước miền hạ lưu Mekong bắt đầu nếm đòn ức hiếp của Trung Quốc đúng vào dịp Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission – MRC) ra đời vào tháng 4/1995 thay thế cho Ủy ban Mekong (Mekong Committee) bị tê liệt 20 năm vì sự thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, Lào và Cam-bốt năm 1975. Khi đó, để ăn mừng sự hóa thân của Mekong Committee và sự ra đời bản Thỏa hiệp 1995, MRC tổ chức một chuyến du hành trên sông Mekong từ Thái Lan qua Việt Nam. Chẳng may giữa đường tàu bị mắc cạn vì Trung Quốc đang chuyển nước Mekong vào hồ chứa của đập thủy điện Mạn Loan (Manwan) thuộc tỉnh Vân Nam.

MRC gồm sáu nước ở ven sông Mekong nhưng chỉ có 4 nước là hội viên chính thức gồm Thái, Lào, Cam-bốt và Việt Nam. Trung Quốc và Myanmar chỉ tham gia với tư cách đối tác đối thoại (dialogue partner) của MRC và tùy tiện ứng xử không có điều kiện ràng buộc. Hậu quả của hành động ngăn chặn nguồn nước Mekong của Trung Quốc là hai trận "hạn hán thế kỷ" xảy ra cho ba nước Thái Lan, Cam-bốt và Việt Nam vào tháng 4/2016 và tháng 7/2019.

Tác giả Ngô Thế Vinh cho thấy ở Bắc Thái Lan, đồng ruộng khô cháy, khúc sông Mekong trơ đáy với cá chết. Biển Hồ ở Cam-pu-chia luôn luôn dư nước mà nay có nhiều ghe thuyền mắc cạn, và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam "cũng đang chịu ‘những cơn đau thắt ngực’ do trái tim Biển Hồ bị thiếu nước trầm trọng" [3]. Tin tức và hình ảnh trên báo chí trong nước cũng báo động về tinh trạng khô cạn hay ngập mặn của đồng ruộng và các nhánh sông Cửu Long, nạn đất lún hay sạt lở làm mất kế mưu sinh của hàng triệu nông, ngư dân ở nhiều tỉnh như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang [4]. Chắc chắn trong những năm sắp tới, các nước miền hạ lưu Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn phải khốn đốn nhiều hơn nữa. Mới ít ngày trước đây, báo New York Times cho hay trong lúc Biển Hồ còn đang bị nguy cơ thiếu nước thì Trung Quốc lại cho xây thêm một đập thủy điện trên nhánh sông Mekong ở Lat Thahae thuộc Bắc Lào, phá hủy hàng chục ngôi làng gồm nhà ở, trường học, chùa chiền, đuổi dân chúng ở ven sông lui vào rừng dựng nhà lá sinh sống xa bờ [5].

dbscl3

Hình minh họa. Những căn nhà dọc sông Mekong ở thành phố Cần Thơ Reuters

Kỹ sư Phạm Phan Long, chuyên gia ngành môi trường, cho hay phát hiện mới nhất về tốc độ chìm của Đồng bằng sông Cửu Long được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8/2019 bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hòa Lan, cho thấy rằng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo những dữ liệu trước kia,) đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới. Như vậy, nhu cầu đối phó với ô nhiễm, sụt lún và xâm mặn vào an ninh nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long vào lúc này quả là khẩn cấp [6].

Ở trên có nêu vấn đề Việt Nam cần phải có một chiến lược khôn ngoan và một kế hoạch toàn diện về đối nội và đối ngoại để có thể tự bảo vệ và cùng với quốc tế ngăn chặn Trung Quốc thực hiện tham vọng làm chủ Biển Đông Nam Á và thống trị toàn cầu. Vấn đề là liệu chính phủ Việt Nam có đủ bản lãnh biến thử thách thành cơ hội để thực hiện sứ mệnh lịch sử trước nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đoạt đất nước và Hán hóa dòng giống Việt hay không.

Thực tế đau buồn là trong gần tròn ba mươi năm qua, kể từ sau hội nghị Thành Đô năm 1990, các tầng lớp lãnh đạo Việt Nam đã phục tùng Trung Quốc và ức hiếp chính dân mình đến độ đã bị nhân dân đưa lên bia miệng là "hèn với giặc, ác với dân". Chỉ đến gần đây, đầu tháng 7/2019, khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi một đoàn tàu hải giám và dân quân xâm nhập vùng biển Bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam và là nơi tập trung nhiều nhất các lô dầu khí của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao mới lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, yêu cầu "chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam ; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".

Đây là lần đầu tiên Việt Nam nêu đích danh Trung Quốc để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, trái với quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong khi tỏ rõ ý muốn dựa vào Hoa Kỳ để thoát khỏi vòng lệ thuộc Trung Quốc, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngăn cấm và đàn áp nhân dân chống chính sách xâm lược của Bắc Kinh. Tình trạng oái oăm và nghịch lý đó không thể kéo dài. Giới lãnh đạo Đảng và chính phủ ở Việt Nam đang cực kỳ lúng túng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, cụ thể là : chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của liên minh "Bộ Tứ" (Mỹ-Úc-Nhật-Ấn) trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan vì hòn đảo này có xu hướng độc lập, và những cuộc biểu tình lên tới hai triệu dân ở Hong Kong đòi quyền tự chủ sau ba tháng đã khiến chính quyền thân Trung Quốc bắt đầu phải nhượng bộ nhưng cuộc tranh đấu của tuổi trẻ vẫn còn tiếp tục.

Chuyến đi Mỹ sắp tới, nếu có, của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có thể nâng quan hệ Việt-Mỹ từ "đối tác toàn diện" sang "đối tác chiến lược" nhưng để đổi lấy quyết định gần Mỹ xa Trung, Tổng-Chủ Trọng sẽ yêu cầu Tổng Thống Trump xác nhận "tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau" như đã công bố trong bản Tuyên bố chung của hai nước sau hai cuộc gặp Obama-Sang năm 2013 và Obama-Trọng năm 2015. Nói cách khác, Nguyễn Phú Trọng sẽ dựa vào sự xác nhận của Tổng thống Trump để tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị theo mô hình Trung Quốc.

Từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc thứ 13 vào đầu năm 2021, dù những thành phần yêu nước và cấp tiến, trong và ngoài Đảng, có khả năng và điều kiện thuận lợi để xoay chuyển tình thế sang hướng "thoát Trung" và lộ trình dân chủ hóa hay không, công cuộc cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là một nhu cầu cấp bách không thể trì hoãn. Việt Nam không thể chờ đợi cho đến khi "nước đến chân mới nhảy", thậm chí tác giả Ngô Thế Vinh đã dùng ẩn dụ boiling frog syndrome để ví Việt Nam với trường hợp con ếch bị đem bỏ vào một nồi nước lạnh rồi đun nóng lên dần. Con ếch không có một phản ứng nào cho đến khi bị nấu chín.

dbscl4

Hình minh họa. Những người đàn ông ngồi bên những căn nhà đổ sụp vì lở đất bên dòng Mekong ở thành phố Cần Thơ Reuters

Đó là lý do cần phải có kế hoạch Cứun nguy Đồng bằng sông Cửu Long thúc giục nhân dân thức tỉnh và hành động tự cứu thay vì thờ ơ, vô cảm, hay chỉ lên tiếng than phiền hay báo động. Hơn ba năm trước, tôi đã viết bài kêu gọi phát động chiến dịch cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy nhân dân áp lực chính quyền phải quyết liệt chống lại những mưu toan ác độc của Trung Quốc [7]. Vì thiếu điều kiện khả thi ở trong nước, "chiến dịch" đã không thể trở thành hiện thực. Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc trong nước và quốc tế, trong khi chờ đợi tình thế biến chuyển thuận lợi, kế hoạch Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người dân bằng những chương trình thực tế, khả thi, chú trọng vào những hoạt động cứu trợ xã hội, những giải pháp kỹ thuật và những cuộc vận động quốc tế.

Như vậy, Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gồm ba chương trình hoạt động chính :

1. Cứu trợ xã hội : giúp đỡ nông, ngư dân bằng việc hỗ trợ tài chính, vật liệu hay hướng dẫn nghề nghiệp để họ có thể vượt qua hay giảm bớt những khó khăn kinh tế do thiên tai và các đập thủy điện của Trung Quốc gây ra, huy động sự tham gia của mọi giới, nhất là sự đóng góp của giới doanh nghiệp giàu có và sự hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia trí thức mọi ngành.

2. Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật : các chuyên gia trong và ngoài nước hợp tác nghiên cứu, tìm kiếm những kỹ thuật canh tác mới như nuôi tôm và thủy sản nước lợ, những sáng kiến làm giảm bớt hậu quả của hạn hán như ngăn nước biển xâm nhập ruộng và xây nhà máy lọc nước mặn thành nước ngọt, khai thác sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời có lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường, khiến cho việc xây thêm đập thủy điện không còn cần thiết.

3. Vận động quốc tế : kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các nước có lợi ích trong khu vực, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, ngoài việc hỗ trợ các chương trình nhân đạo và phát triển cho các nước miền hạ lưu sông Mekong, đặc biệt chú trọng vào mục tiêu chung là mạnh mẽ yêu cầu và áp lực Trung Quốc từ bỏ độc quyền quản lý nguồn nước Mekong và đối xử công bằng với các nước ở hạ lưu phù hợp với luật lệ xuyên quốc gia và bang giao quốc tế.

Thực hiện ba loại chương trinh trên đây, về mặt tinh thần, đều là trách nhiệm của chính phủ, nhưng cho đến nay, do lợi ích nhóm, chính phủ đã không mấy quan tâm đến các hoạt động khẩn cấp này. Đã đến lúc chính phủ phải thiết lập kế hoạch toàn diện, qui mô, kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác của tư nhân, phối hợp với các chương trình của các tổ chức phi chính phủ, các ngành chuyên môn ở đại học, các chuyên gia quốc tế về sông nước và môi trường, đẩy mạnh các hoạt động điều hợp và đối thoại với Trung Quốc của Ủy hội sông Mekong (MRC) và hợp tác chặt chẽ với Sáng kiến vùng Hạ lưu Mekong (LMI) do Hoa Kỳ hỗ trợ. Đây là hình thức phối hợp đối tác công tư (public private partnertship, PPP) đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia đang phát triển. Sự tham gia của các chương trình tư nhân vào Dự án Cứu nguy Đồng bằng Sông Cửu Long, dù hạn chế và nhỏ bé hơn của chính phủ, cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho những hoạt động hiện hữu hay bổ túc cho những hoạt động còn thiếu sót của các cơ quan hữu trách để có thể đem lại kết quả mong đợi. Đặc biệt loại chương trình thứ hai (giải pháp kỹ thuật) và thứ ba (vận động quốc tế) cần phải có sự tham gia của trí thức, chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc. Trong những năm gần đây, nhiều nhân tài trong và ngoài nước đã tìm đến nhau trao đổi thông tin và ý kiến về những vấn đề phát triển bền vững nhưng chưa có cơ hội hợp tác trong những công trình nghiên cứu hay thực nghiệm cụ thể.

Tính khả thi của việc thực hiện Dự án

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long, được quan niệm như một phần nhỏ nhưng rất quan trọng trong chiến lược quốc gia mà mục tiêu tối hậu là bảo vệ độc lập, toàn vẹn chủ quyền trên đất và trên biển, chống lại mưu toan của Trung Quốc chiếm đoạt Việt Nam làm căn cứ chiến lược để thống lĩnh Biển Đông và kiểm soát toàn khu vực.

Tập trung vào Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án có mục đích không chỉ cứu vãn nền kinh tế nông, ngư nghiệp ở 13 tỉnh miền Tây Nam phần mà luôn cả nguồn lợi xuất cảng quan trọng của cả nước. Nhưng ngay cả khi giới hạn trong một khu vực, Dự án cũng chỉ đóng góp chứ không thay thế cho một kế hoạch toàn diện cần phải có của chính phủ, nhất là dưới một chế độ độc tài toàn trị mà cái gì cũng "đã có Đảng và Nhà nước lo". Như vậy, trước khi nói chuyện thực hiện hãy bàn về tính khả thi của Dự án ở Việt Nam. Ai sẽ thiết lập và điều hành dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long ? Dự án có vượt quá khả năng và phương tiện thực hiện của khu vực tư hay không ? Các hoạt động của dự án có thể bị chính quyền ngăn cấm hoặc sách nhiễu hay không ?

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long được trình bày như một kêu gọi đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của đất nước mà bất cứ công dân hay tổ chức dân sự nào ở trong hay ngoài nước (tạm gọi chung là tổ chức phi chính phủ, hay NGO) cũng có thể thực hiện độc lập một phần hay nhiều chương trình của dự án, hoặc hợp tác với các chương trình của chính phủ trên bình diện địa phương, vùng miền hay toàn quốc, tùy theo khả năng chuyên môn và tài chính của mỗi tổ chức. Mỗi NGO hay mỗi nhóm NGO sẽ phụ trách một hay nhiều chương trình chọn lựa thích hợp. Theo cách phân công tự nhiên thì những NGO làm từ thiện sẽ phụ trách những chương trình hoạt động loại 1, những hội khoa học kỹ thuật sẽ nhận các chương trình loại 2, và các nhóm vận động về chính sách và giải pháp chính trị/ngoại giao sẽ chú trọng vào các hoạt động loại 3.

dbscl5

Hình minh họa. Hình chụp vào ngày 8/3/2016 : 2 người đàn o ong quăn lưới bắt cá cạnh một kênh ngăn nước mặn ở Long Phú, Sóc Trăng AFP

Để giảm bớt chi phí và gia tăng hiệu quả của Dự án, các tổ chức dân sự nên kết hợp thành nhóm NGO thỏa thuận với nhau trong việc phân chia công tác và chi phí. Những nhóm NGO như vậy sẽ dễ gây qũy hoạt động từ các nhà hảo tâm và các nguồn tài trợ công hay tư ở trong hay ngoài nước. Sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các nhóm hoạt động, nhất là giữa các nhóm nghiên cứu (loại 2) và vận động (loại 3), cũng rất cần thiết vì thành tích của Dự án sẽ được biết đến nhiều hơn và có ảnh hưởng lớn hơn. Cả ba loại chương trình đều quan trọng nhưng thực tế là các hoạt động loại 3 (Vận động các chính phủ, quốc hội, tổ chức quốc tế, dư luận công chúng…) quan trọng nhất vì đây là tiếng nói của nhân dân, nếu được các nhà làm chính sách quốc gia và quốc tế lắng nghe thì sẽ dẫn đến những giải pháp có lợi ích thật sự cho sự tồn tại và phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, của Việt Nam và các nước miền hạ lưu sông Mekong. Vì cần có thông tin và dữ kiện từ tất cả các nhóm tham gia Dự án và nhờ những cách tiếp cận và quan hệ làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, quốc nội và quốc tế, nhóm Vận động cũng đương nhiên thích hợp với nhiệm vụ cập nhật định kỳ các hoạt động của Dự án và làm các bản phúc trình tổng kết. Vì là tiếng nói chung của nhân dân và liên lạc với tất cả các chương trình của Dự án, các hoạt động loại 3 cần được tập trung và được đảm nhận bởi một tổ chức có khả năng và kinh nghiệm lâu năm về vận động và thông tin, liên lac.

Từ trên 30 năm qua, chính phủ Việt Nam đã đón nhận hàng nghìn chương trình nhân đạo và phát triển của các NGO quốc tế kể cả những tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ cũng đã chấp thuận sự hợp tác về chuyên môn giữa các nhà khoa học và chuyên gia trong và ngoài nước, do đó sẽ không có gì phải lo ngại về những đóng góp của các NGO, hỗ trợ và bổ sung cho những chương trình cứu trợ nông, ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long mà chính phủ không thể cung cấp đầy đủ. Đối với những nỗ lực vận động quốc tế nhằm "thuyết phục" Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế trong việc xử lý nguồn nước Mekong đối với các quốc gia miền hạ lưu, chính phủ và nhân dân Việt Nam tất nhiên phải cùng chung quan điểm, vì vậy chính phủ không có lý do gây khó khăn cho những giải pháp bảo vệ sự sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long và lợi ích của đất nước.

Sự kiện gần đây chính phủ đã tỏ ra cứng rắn trước hành vi trái phép của Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 xâm nhập khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một tín hiệu thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn của Dự án. Chính phủ chỉ cần tiến thêm một bước cụ thể là kiện Trung Quốc trước Tòa án Quốc tế là hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của toàn dân và sự mong đợi của quốc tế. Trước hành động ức hiếp quá đáng của Trung Quốc thậm chí ngăn cấm Việt Nam thi hành hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty ngoại quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã đến lúc lãnh đạo Việt Nam phải dứt khoát không cho phép Trung Quốc tiếp tục chính sách "tầm ăn dâu" hay "salami slicing" (cắt lát salami) lần lần chiếm đoạt hết nguồn lợi sinh tử của Việt Nam. Trong khi đó, những cuộc vận động bảo vệ nguồn nước Mekong của các giới nhân dân Việt Nam sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ cho những đòi hỏi chính đáng của chính phủ.

Vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài

Cộng đồng người Việt hải ngoại, dù số đông đã lập nghiệp và mang quốc tịch nước ngoài, nhưng do những quan hệ về chủng tộc, vån hóa và lịch sử với quê hương nguồn cội, vẫn thấy có nghĩa vụ đóng góp cho những nỗ lực bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Nhiều chuyên gia ở các nước tiền tiến có thể hợp tác tích cực với các đồng nghiệp ở trong nước trong việc tìm kiếm các giải pháp cải thiện kỹ thuật canh tác giúp cho nông dân có thể tiếp tục sản xuất lúa gạo và thủy sản, hoặc sử dụng năng lượng gió hay năng lượng mặt trời thay cho thủy điện hay điện than để tránh ô nhiễm môi trường.

Tin tức mới nhất cho biết ngày 18/10 vừa qua, Pháp đã khánh thành nhà máy Năng lượng mặt trời nổi (Floating Solar) đầu tiên lớn nhất Châu Âu, không những cung cấp đủ năng lượng cho trên 4.000 hộ gia đình, mà còn giúp giảm hơn 1.000 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường [8]. Từ nhiều tháng qua, Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch Quỹ sinh thái Việt (Viet Ecology Foundation -- VEF) tìm giải pháp thay thủy điện, đã bỏ công nghiên cứu việc thiết lập Hệ thống Năng lượng mặt trời nổi có dự trữ (Floating Solar-with-Storage System - FSS) trên hồ Nam Ngum (một phụ lưu sông Mekong) với số lượng điện năng GWh ngang với sức sản xuất của ba con đập thủy điện Pak Lay, Pak Beng và Luang Prabang mà chính phủ Lào đang chuẩn bị tiến hành, với giá KWh thấp hơn. Hệ thống FSS này đang được hoàn chỉnh và sẽ được đệ nạp cho các cơ quan thẩm quyền Lào và quốc tế xem xét trong những ngày sắp tới. Tiếp theo đó sẽ là đề nghị áp dụng hệ thống FSS cho Cam-bốt và Việt Nam.

dbscl6

Hình minh họa. Một phụ nữ ngồi nhìn những con thuyền đi qua tại Pak Beng trên dòng Mekong ở Lào AFP

Trí thức người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, có nhiều khả năng và cơ hội vận động với chính phủ, quốc hội và các cơ quan quốc tế có ảnh hưởng tới việc thiết lập các chính sách thuận lợi cho Việt Nam thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh. Sự hợp tác giữa bên trong và bên ngoài như vậy rất hợp với chức phận tự nhiên của mỗi bên là trong nước chủ động, bên ngoài hỗ trợ.

Riêng về mặt vận động quốc tế thì cộng đồng ở nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi hơn người trong nước. Gần 10 năm trước đây, tôi đã trình bày khá đầy đủ khả năng này trong bài "Trước hiểm họa Trung Quốc : Kế hoạch hành động của người Việt hải ngoại" trên trang mạng Talawas (02/07/2010) và Boxitvn (05/07/2010). Môt số chi tiết trong bài có thể được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thời cuộc hiện nay, nhưng nội dung cơ bản của kế hoạch không có gì thay đổi. Để khỏi lập lại dài dòng, dưới đây là đường link dẫn đến bài đó trên Boxitvn.net với lời giới thiệu của nhà báo Hoàng Hưng : http://www.boxitvn.net/bai/7041

Kết luận

Dự án Cứu nguy Đồng Bằng sông Cửu Long cho thấy rõ đời sống của 20 triệu dân ở 13 tỉnh ven sông và nguồn lợi kinh tế của cả nước đang bị hãm hại trước mắt và có nguy cơ bị hủy diệt trong lâu dài bởi chuỗi đập thủy điện mà Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây ở thượng nguồn và một số đập khác ở hạ nguồn, đặc biệt là những con đập của Lào rốt cuộc cũng do Trung Quốc giúp xây cất và kiểm soát. Đây là mối đe dọa quá lớn cho sự sống còn của đất nước nằm trong đại chiến lược của Trung Quốc là chiếm đọat Việt Nam làm bàn đạp thống lĩnh Biển Đông và toàn thể khu vực. Trong khi chờ đợi chính phủ xây dựng kế hoạch tổng thể cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long với sự đóng góp của chuyên gia nước ngoài và nguồn vốn quốc tế, những nỗ lực đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt và lâu dài cần phải được thực hiện gấp.

Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long không thuộc quyền sở hữu, điều hành hay kiểm soát của một cá nhân hay tổ chức nào. Dự án này chỉ là một ý kiến, một đề nghị trình bày công khai, mong được nhiều người tán thành, bổ sung và thực hiện tùy theo phạm vi khả năng của cá nhân hay nhóm để góp phần bảo vệ đất nước mà không làm cho chính quyền phải lo ngại. Tuy nhiên, vì chủ đích của Dự án là bảo vệ sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long và nguồn lợl kinh tế của đất nước, công tác vận động để có được tiếng nói chung của nhân dân và sự ủng hộ của quốc tế cần phải có sự phối hợp và hành động đồng bộ hơn là hành động đơn lẻ. Trong trường hợp này, phương thức phối hợp giữa các đối tác công và tư (PPP) như đã nói đến ở một đoạn trên lại càng có hiệu quả hơn.

Vì phải liên lạc với các nhóm thực hiện chương trình của dự án để thâu thập thông tin và dữ ,kiện, đồng thời qua những cách tiếp cận và quan hệ làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, nhóm Vận động cũng đương nhiên thích hợp với nhiệm vụ cập nhật định kỳ các hoạt động của Dự án và làm các bản phúc trình tổng kết. Nhiệm vụ này nên được một tổ chức có khả năng và kinh nghiệm về vận động đảm nhận. Đây không phải là công việc lãnh đạo hay điều hành dự án mà chỉ là công việc liên lạc với các chương trình, tổng hợp thông tin và cổ động cho dự án. Nhiệm vụ này chỉ cần giao cho một vài người phụ trách, cung cấp thông tin và dữ kiện cho các chuyên gia vận động, với một bản tin định kỳ hay một trang web, nếu cần. Điều này tránh được tình trạng lạm dụng quyền hành và tranh giành lãnh đạo có thể xảy ra giữa các tổ chức cộng đồng hay xã hội dân sự.

Cách tổ chức, phân công và phối hợp theo hàng ngang như vậy cho thấy những cá nhân và tổ chức tham gia thực hiện chương trình cũng là chủ của một phần dự án, vừa thể hiện được tinh thần bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh (healthy competition) trong một "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (những mục tiêu mà chính phủ đã nêu lên từ nhiều năm qua), vừa thu hút được sự ủng hộ cần thiết của quốc tế. Điều đó sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sẽ khiến cho Trung Quốc phải chùn bước xâm lấn và chiếm đoạt phi pháp. Các chương trình có thể thực hiện bất cứ lúc nào và cần được chia sẻ thông tin bằng mọi phương tiện sẵn có. Mong rằng không lâu sẽ có một tổ chức được đề cử hay tình nguyện đảm nhận công việc thu thập thông tin từ các chương trình hoạt động của dự án được đúc kết trên một Bản Tin (Newsletter) để phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước.

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là tới phiên Việt Nam giữ vai trò chủ tịch ASEAN, tức là có thêm lợi thế quốc tế để đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực. Việt Nam sẽ có thêm thẩm quyền trong những cuộc đàm phán với Trung Quốc về những vấn đề chủ quyền, an ninh, hợp tác và phát triển, không chỉ riêng các nước ASEAN mà bao gồm tất cả các nước liên quan đến Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông của Việt Nam. Riêng về vấn đề lợi ích của các quốc gia miền hạ lưu sông Mekong, chủ tịch ASEAN cũng có trách nhiệm hỗ trợ cho Ủy hội MRC trong những cuộc đối thoại với Trung Quốc về quản lý nguồn nước Mekong trên cơ sở luật lệ xuyên quốc gia, đồng thời cũng hỗ trợ các sáng kiến của Hoa Kỳ và đồng minh giúp đỡ các nước hạ lưu sông Mekong bảo vệ kinh tế và môi trường trước những tác hại do chính sách kiểm soát nguồn nước từ các đập thượng nguồn của Trung Quốc. Tân Giám đốc Văn phòng MRC, Tiến sĩ An Pich Hatda, dù chưa làm việc được một năm đã tỏ ra sốt sắng thực hiện lợi ích của các quốc gia hội viên qua quyết định của chính phủ Cam-bốt đình chỉ dự án xây hai con đập Sambor và Stung Treng, tránh gây thêm nguy hại cho Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Hi vọng Tiến sĩ Hatda có thể góp phần tích cực vào những nỗ lực của Hội đồng Chỉ đạo của MRC trong việc thuyết phục Trung Quốc xử lý nguồn nước Mekong một cách công bằng và thiện chí hơn đối với các nước ở hạ nguồn.

Dự án Cứu nguy Ðồng Bằng sông Cửu Long là một thử thách và cũng là một cơ hội cho cả chính phủ và nhân dân trước trách nhiệm lịch sử. Tuy nhiên, vì chính phủ có đầy đủ quyền hành và phương tiện nên việc thực hiện toàn bộ kế hoạch là trách nhiệm chính của chính phủ với sự đóng góp của các tổ chức tư nhân. Nếu chính phủ thực tâm muốn bảo vệ sự tồn tại của Đồng Bằng Sông Cửu Long và nguồn lợi kinh tế nông ngư nghiệp quan trọng nhất của đất nước thì việc thực hiện Dự án Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long như đã trình bày trên đây là một cơ hội không có lần thứ hai để lấy được hậu thuẫn của nhân dân và sự ủng hộ của quốc tế. Trước tiên, chính phủ cần rút Petro Vietnam Power Corporation ra khỏi vai trò chủ đầu tư dự án xây đập thủy điện Luang Prabang lớn nhất của Lào trên dòng chính sông Mekong vì hiển nhiên là con đập này sẽ phá hoại Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn nữa. Đã đến lúc các lãnh đạo cần chứng tỏ quyết tâm từ bỏ lợi ích nhóm và đoạn tuyệt mọi quan hệ lệ thuộc Trung Quốc như những điều kiện tiên quyết (sine qua non) để thành công.

Có lãnh đạo sáng suốt nào lại bỏ lỡ cơ hội cứu nước thuận lợi này để bị nhân dân và lịch sử kết án muôn đời về tội bán nước và hãm hại dân tộc ?

Lê Xuân Khoa

Nguồn : RFA, 22/10/2019

Một số bài và hình ảnh liên quan :

1. https://vnexpress.net/longform/ha-nguon-mekong-trong-con-khat-vo-tan-cua-bac-kinh-3945579.html

2. https://www.voatiengviet.com/a/mekong-tran-han-han-lich-su-ha-luu/5013842.html

3. https://baotiengdan.com/2019/08/23/viet-nam-that-thu-chien-luoc-tren-dia-ban-song-mekong/

4. https://www.project-syndicate.org/commentary/china-dams-mekong-basin-exacerbate-drought-by-brahma-chellaney-2019-08

5. https://tuoitre.vn/dong-bang-song-cuu-long-kho-can-trong-han-man-tram-nam-1068949.htm

6. "Nguy cơ chiến tranh nước gia tăng trên sông Mê Kông," bản dịch của Đỗ Tùng, danlambaovn.blogspot.com


[1] David Hutt, "Water war risk rising on the Mekong", Asia Times, Oct. 16, 2019. Xem bản dịch toàn bài của Dân Làm Báo trong mục Bài liên quan (số 6) ở trang cuối bài này. Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, Trung Quốc chỉ góp có 40% lưu lượng sông vào mùa khô và trung bình 16% cho cả năm. Như vậy, họ chỉ dùng vũ khí này hiệu quả khi có hạn lụt vì khi đó họ mới vận hành các hồ đóng hay xả để gây xáo trộn và làm hạn hán hay lũ lụt khốc liệt hơn và cũng chỉ ảnh hưởng Thái Lan và Lào là chính. Năm 2016, khi Trung Quốc xả nước cứu hạn, Việt Nam không cảm nhận được kết quả. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc liên minh với các đập ở Lào (mà họ kiểm soát) để chặn nước Mekong vào mùa khô hoặc xả nước bừa bãi vào mùa lũ thì cả Cam-bốt và Việt Nam đều chết dưới chân họ.

[2] Những con số về nông sản, thủy sản và số lượng xuất khẩu được dẫn từ Wikipedia.

[3] Ngô Thế Vinh, "Việt Nam thất thủ chiến lược trên địa bàn sông Cửu Long," báo Tiếng Dân, 25.8.2019.

[4] Xem mục Bản Tin trên báo Tiếng Dân, ngày 17.8 và 23.8.2019.

[5] https://www.nytimes.com/2019/10/12/world/asia/mekong-river-dams-china.html

[6] Cố Thủ tướng Võ văn Kiệt chuẩn bị chuyến đi Hòa Lan vào tháng Sáu 2008 để tìm hiểu lợi ích việc xây đê ngăn nước biển, nhưng chưa kịp đi thì mất. Khi đó, các chuyên gia của Hội Sinh Thái Việt (Viet Ecology Foundation -- VEF) ở California cũng đã soạn thảo xong một concept paper mấy chục trang về việc xây một "đê chiến lược" vừa bảo vệ vừa phát triển Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng chuyển cho nhóm nghiên cứu của ông Kiệt.

[7] Lê Xuân Khoa, "Cần phát động chiến dịch Cứu nguy Đồng bằng sông Cửu Long", Bauxite Việt Nam, 16/3/2016.

[8] https://vietnambiz.vn/phap-khanh-thanh-nha-may-nang-luong-mat-troi-noi-lon-nhat-chau-au-20191019141501195.htm

Quay lại trang chủ
Read 529 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)