Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Chủ chuỗi nhà hàng Món Huế bỏ của chạy lấy người hay quỵt nợ ?

Nhiều tác giả

Chuỗi nhà hàng Món Huế của Việt kiều Mỹ ‘sập tiệm’

Tr.N, Người Việt, 23/10/2019

Chuỗi nhà hàng Món Huế nổi tiếng của ông chủ Việt kiều Mỹ đã đóng cửa hàng loạt "bỏ của chạy lấy người" và đang có nguy cơ bị các đối tác khởi kiện.

hue1

Cửa hàng Món Huế và Phở Ông Hùng tại đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn, đã đóng cửa và bị tháo dỡ biển hiệu. (Hình : Zing)

Truyền thông Việt Nam ngày 23/10/2019, cho biết tất cả chi nhánh nhà hàng Món Huế thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế Biến Thực Phẩm Huy Việt Nam (công ty Huy Việt Nam) đã đóng cửa và treo bảng "Trả mặt bằng", bỏ lại nhiều tài sản bên trong, dù có những địa điểm đã trả trước ba tháng tiền thuê nhà. Tương tự tại Hà Nội, Món Huế cũng đang "bỏ của chạy lấy người". Ngay cả website của công ty Huy Việt Nam cũng dừng hoạt động.

Trong khi đó, nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu kinh doanh đã đến trụ sở của công ty Huy Việt Nam (ở quận 1, Sài Gòn) giăng băng rôn tố cáo doanh nghiệp nợ tiền không trả. Theo thống kê sơ bộ từ những nhà cung cấp, tổng số nợ đã lên đến gần 20 tỷ đồng (860.372 USD). Ngoài ra, nhân viên nhà hàng cũng tố bị chủ doanh nghiệp nợ lương.

Nói với báo Thanh Niên, nhiều khách hàng đang sở hữu Thẻ Thành Viên (mua trả tiền trước rồi trừ dần khi ăn) của Món Huế cũng lo lắng số tiền trong thẻ "đội nón ra đi ?"

hue2

Các nhà cung cấp nguyên liệu giăng băng rôn tố cáo doanh nghiệp nợ tiền không trả : "Chúng tôi nhà cung cấp nguyên liệu cho công ty Món Huế – Phở Ông Hùng, yêu cầu công ty trả nợ cho chúng tôi, trả lương cho nhân viên công ty". (Hình : Thanh Niên)

Theo báo VnExpress, hiện tại các nhà cung cấp nguyên vật liệu kinh doanh đã nộp đơn tố cáo công ty Huy Việt Nam cho Công an phường Cô Giang (quận 1) và nơi này đã tiếp nhận để chuyển cho Công an quận 1 giải quyết theo đúng trình tự.

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2007, công ty Nhà Hàng Món Huế được xây dựng theo mô hình chuỗi nhà hàng ăn tại chỗ, với thực đơn hơn 60 món khác nhau do ông Huy Nhật (quốc tịch Mỹ), đồng sáng lập, chủ tịch và kiêm giám đốc công ty Huy Việt Nam điều hành.

Đến đầu năm 2013, ông Huy Nhật gọi vốn đầu tư được 3 triệu USD. Hai năm sau gọi được thêm 15 triệu USD từ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý.

Sau đó, ông Huy Nhật mở rộng thêm hàng loạt thương hiệu khác như Phở Ông Hùng, Cơm Express, Great Bánh Mì & Cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki Sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant hay Mì Quảng Bếp Tâm. Tuy nhiên, chuỗi nhà hàng Món Huế vẫn là chính và có quy mô lớn nhất trong hệ thống của ông Huy Nhật.

Với tổng số tiền huy động được lên tới 65 triệu USD trong ba lần gọi vốn, công ty Huy Việt Nam nhanh chóng tăng quy mô ba thương hiệu chính là Phở Ông Hùng, Món Huế và Cơm Express lên gấp bảy lần, từ 14 cửa hàng năm 2014 lên 110 cửa hàng vào cuối năm 2015.

hue3

Văn phòng của chủ quản lý chuỗi Món Huế vắng tanh ngay trong ngày làm việc. (Hình : Tuổi Trẻ)

Mark Mobius, một nhà đầu tư ở Hoa Kỳ cũng đã rót 15 triệu USD vào công ty Huy Việt Nam hồi năm 2015 và từng khẳng định "sẽ rót thêm vốn bất cứ khi nào công ty này cần". Thế nhưng, những biến cố liên tiếp đang xảy ra đã cho thấy dấu hiệu "biến mất" của chuỗi nhà hàng này.

Ngay trước nghi vấn "trốn nợ", báo cáo tài chính của công ty Nhà Hàng Món Huế, cho biết đến cuối năm 2018, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng (4,6 triệu USD). Khoản lỗ của chuỗi nhà hàng Món Huế bắt đầu từ năm 2016 và gia tăng trong hai năm gần đây, mỗi năm đều lỗ trên 50 tỷ đồng (2,15 triệu USD).

Trước đó hồi tháng 4/2019, công ty Huy Việt Nam đã giảm vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng (51,6 triệu USD xuống 600 tỷ đồng (25,8 triệu USD), trong khi vốn của công ty Nhà Hàng Món Huế được tăng từ 22 tỷ đồng (946.545 USD lên hơn 657 tỷ đồng (28,2 triệu USD). Và đến hồi đầu tháng 10 này, công ty Huy Việt Nam đã cho thay đổi tên người đại diện trên giấy tờ từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh.

hue14

Nói với báo Zing về sự việc, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư ở Sài Gòn, nhận định : "Đây là quan hệ giữa công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế với các nhà cung cấp, người lao động… Quan hệ này là hợp đồng giữa pháp nhân với nhà cung cấp, người lao động. Do đó việc công ty đóng cửa dẹp tiệm, nợ tiền nhà cung cấp, nợ lương nhân viên… thì đây vẫn là quan hệ pháp luật dân sự, chưa đủ yếu tố hình sự hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Huy Việt Nam là công ty 100% vốn ngoại quốc. Thực tế, Món Huế không phải chuỗi cửa hàng F&B (thực phẩm và đồ uống) có vốn đầu tư ngoại quốc đầu tiên bất ngờ đóng cửa ở Việt Nam. Trước đó, nhiều chuỗi cửa hàng nổi tiếng như chuỗi cà phê The Kafe, trà sữa Ten Ren… cũng phải dừng hoạt động không báo trước với lý do "Mô hình kinh doanh chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng và kết quả chưa đạt kỳ vọng". (Tr.N)

********************

Ông chủ Món Huế là người đam mê ẩm thực Việt và từng rất "được lòng" các nhà đầu tư

Thái Bình,  Nhịp Cầu Đầu Tư, 25/10/2019

Ông Huy Nhật, điều hành công ty Huy Việt Nam, sinh năm 1974 là người Mỹ, gốc Việt và rất "được lòng" các quỹ đầu tư nước ngoài. Ông đã từng gọi vốn được hơn 30 triệu USD từ các quỹ của nhóm nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital. Từ năm 2013 đến nay, các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế này đã rót hơn 70 triệu USD vào công ty của ông Huy Nhật. 

hue4

Ông Huy Nhật, người sáng lập chuỗi nhà hàng Món Huế, từng nổi tiếng trong giới kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam. Ảnh : Huy Việt Nam.

Doanh nhân sinh năm 1974 chịu trách nhiệm chính về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing. Ông được giới thiệu có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực ở Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

hue5

Ông Huy Nhật (áo đen) và tỷ phú Mark Mobius tại cửa hàng Phở ông Hùng. Ảnh : Huy Việt Nam.

Kể về cuộc sống riêng, ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế từng chia sẻ với giới truyền thông, 13 tuổi ông theo gia đình sang Mỹ định cư, học xong đại học và lấy bằng MBA tại Mỹ. Sau khi ra trường, ông Nhật làm việc ở một vài công ty của Mỹ với chức vụ quản lý và trưởng bộ phận kinh doanh. Chia sẻ với truyền thông khi ấy, ông từng cho biết ở Mỹ sự đóng góp của mình sẽ không đáng kể, trong khi nếu mang kiến thức về Việt Nam sẽ giúp ích được nhiều cho đất nước. Năm 27 tuổi, ông một mình sang Trung Quốc mở nhà hàng Việt Nam với ước mơ đem hương vị ẩm thực Việt giới thiệu ra nước ngoài. Sau khi đã kinh doanh một số nhà hàng ở Trung Quốc, ông Huy Nhật quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp.

Ngoài chuỗi nhà hàng Món Huế, công ty Huy Việt Nam hiện vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615.

hue6

Nguồn : Nhịp Cầu Đầu Tư tổng hợp

Ngày 22/10, hàng loạt chuỗi nhà hàng Món Huế đã dừng hoạt động. Những nhà cung cấp nguyên liệu đã tìm đến trụ sở công ty này để tìm hiểu lý do, đồng thời yêu cầu nhanh chóng trả nợ. Tuy nhiên, công ty đã không còn ai làm việc vì nhân viên đã nghỉ hết. Ngày 24/10, nhóm các nhà đầu tư đã gửi đơn kiện người sáng lập chuỗi F&B Huy Việt Nam lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại, nhóm nhà đầu tư đang cáo buộc ông Huy Việt về các tội : Chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản. Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân trong vụ việc lần này còn có các nhân viên, các nhà cung cấp và các đối tác thương mại của tập đoàn. Việc tự ý cho đóng cửa hệ thống cửa hàng trên quy mô toàn quốc, mà không có lý do rõ ràng, đã khiến cho hơn 1.500 nhân viên mất việc làm...

Thái Bình 

Nguồn : Nhịp Cầu Đầu Tư, 25/10/2019

*******************

Nhà đầu tư chuỗi Món Huế : 'Tôi chưa hiểu vì sao sụp đổ nhanh vậy'

N. Bình, Tuổi Trẻ, 25/10/2019

Chiều 25/10, Bà K.H., người nhận đại diện cho nhóm đầu tư cá nhân trong nước tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Việt Nam, đã xuất hiện với mong muốn "đính chính" những thông tin về cá nhân bà trong vai trò nhà đầu tư tại Công ty Huy Việt Nam.

hue7

Bà K.H. trong buổi phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online - Ảnh : DUYÊN PHAN

Cho đến lúc này, đây được xem là phát ngôn chính thức từ phía người "có quyền" liên quan đến Công ty Huy Việt Nam, doanh nghiệp đang bị tố cáo nợ hàng chục tỉ đồng của nhà cung cấp, lương nhân viên và chủ chuỗi Món Huế đã đóng cửa hàng loạt. 

Theo một vài tài liệu, bà K.H. từng là giám đốc điều hành của Công ty Huy Việt Nam, tuy nhiên, bà K.H. phủ nhận vai trò này trong buổi phỏng vấn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà K.H. (đề nghị không nêu tên) cho biết : Quyết định xuất hiện với truyền thông lúc này vì tôi cảm thấy có trách nhiệm phải trấn an nhà cung cấp cũng như nhân viên của Công ty Huy Việt Nam dù chấp nhận một áp lực lớn. Bởi đến lúc này chưa có đại diện nào của Huy Việt Nam xuất hiện để liên lạc với mọi người.

TTO : Có ý kiến cho rằng bà xuất hiện để đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ việc lừa đảo lớn được gây ra bởi chủ tịch công ty - ông Huy Nhật, bà Hạnh Ngô và các cộng sự của mình ?

K.H. : Sự xuất hiện không phải để đánh lạc hướng vì mọi thứ đã gần như quá rõ ràng, thông tin đã tràn ngập các mặt báo những ngày qua. Tôi cũng khẳng định không đại diện phát ngôn cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài. 

Tôi lên tiếng với tư cách là nhà đầu tư cá nhân cũng đã đổ vốn vào Công ty Huy Việt Nam, nói những suy nghĩ cá nhân về tình hình Công ty Huy Việt Nam lúc này.

TTO : Trong vài hợp đồng của Công ty Huy Việt Nam, chúng tôi có thấy bà xuất hiện trong vai trò giám đốc điều hành của công ty ?

K.H. : Tôi xuất hiện hôm nay với tư cách nhà đầu tư vào đây, không liên quan đến hệ thống điều hành cũng như thủ tục pháp lý của công ty. Tôi chỉ từng học việc ở đó. 

TTO : Vậy bà chia sẻ gì với các nhà cung cấp những ngày vừa qua ?

K.H. : Đến bây giờ tôi vẫn chưa được gặp nhà cung cấp hay nghe phản ánh trực tiếp hay hẹn gặp nào từ họ. Nếu họ gọi tôi sẽ nghe, hẹn gặp tôi sẽ gặp. 

Tôi cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong sự việc này dù không phải toàn bộ nhưng ít nhất trách nhiệm nói gì đó để những nhà cung cấp biết vẫn có nhà đầu tư đứng về phía họ.

"Ông Huy Nhật sẽ trở về"

TTO : Bà có bất ngờ về việc chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt trong những ngày vừa qua ?

K.H. : Tôi hoàn toàn bất ngờ.

TTO : Vậy bà nhận tin này lúc nào ?

K.H. : Khi tôi đang đi công tác ở Bắc Kinh, Trung Quốc thì một người bạn gửi thông tin. Tôi vẫn nói "không có đâu" nhưng sáng hôm sau các báo tràn ngập thông tin đóng cửa. Đó là ngày 21/10.

TTO : Bà cũng là nạn nhân ?

K.H. : Tôi chưa nghĩ mình là nạn nhân cho đến khi bên Công ty Huy Việt Nam đứng ra tuyên bố phá sản hay ông Huy Nhật bỏ trốn thật sự. Đến giờ, tôi vẫn còn hi vọng và niềm tin.

TTO : Hi vọng này dựa trên cơ sở nào ?

K.H. : Làm gì cũng cần có lòng tin. Những kết quả mà Huy Việt Nam làm được cho thị trường F&B Việt Nam không thể phủ nhận, nó đã từng rất thành công. Tôi vẫn tin ông Huy Nhật là người có tài và có tâm !

TTO : Nhưng đến nay, chưa ai liên lạc được với ông ấy ?

K.H. : Tôi nghĩ ông ấy cần thời gian để suy nghĩ và sẽ quay trở lại trả lời các câu hỏi từ nhà đầu tư, nhà cung cấp, nhân viên…

TTO : Theo cam kết trước đó, hôm nay (ngày 25/10) các nhà cung cấp sẽ được trả tiền cho các công nợ đợt đầu tiên, cả nợ lương nhân viên nhưng vẫn không có một đại diện nào của Huy Việt Nam xuất hiện ?

K.H. : Tôi có nghe phong thanh nhà cung cấp đã lên cơ quan công an nộp đơn tố cáo và phía Huy Việt Nam thì vẫn chưa làm việc với nhà cung cấp. Tôi cũng nghe luồng tin "công ty cũng không còn khả năng trả nợ".

Hiện nay đang có nhiều thông tin sai lệch về chuỗi Món Huế và bị xem như là vụ chấn động trong giới kinh doanh cũng như giới F&B. Điều này làm hoang mang nhiều người. Tôi vẫn đang tìm con đường định hướng đúng giúp nhà cung cấp có thể đòi được tiền của mình.

Tôi đặt câu chuyện nợ lương nhân viên chung với hướng nợ tiền các nhà cung cấp. Tôi đang đợi hướng xử lý của ban quản trị, phải cho họ thời gian để xử lý. 

Người lao động của Công ty Món Huế đa số là sinh viên, người lao động lớn tuổi, họ cần lương, đó là nguồn sống. Món Huế đang gánh trách nhiệm đó với hàng ngàn người lao động.

TTO : Vậy các nhà cung cấp nên làm gì lúc này ?

K.H. : Họ hãy giữ cái đầu lạnh vì pháp luật vẫn còn đó. Sự thật hay sự công bằng sẽ không bao giờ mất. Hãy cố gắng đợi và đừng vì quá nóng lòng mà có gây ra hậu quả không đáng có.

TTO : Nhưng số tiền nhà cung cấp nói họ bị Công ty Huy Việt Nam nợ đến 50-60 tỉ đồng ?

K.H. : Tôi vẫn chưa nhận được phản hồi chính xác từ phía nhà cung cấp, đến khi nào kiểm kê xong tôi mới chắc chắn. 

Biết nợ hơn 800 tỉ đồng nhưng vẫn đồng hành

TTO : Với khoản đầu tư vào Huy Việt Nam, bà chọn phương thức giám sát khoản đầu tư này như thế nào ?

K.H. : Tôi ủy quyền cho bên thứ 3 (công ty kiểm toán) giám sát khoản đầu tư này, vì hiện nay tôi còn 2 khoản đầu tư trong lĩnh vực khác.

TTO : Họ có báo cáo bà rằng Công ty Huy Việt Nam đang thua lỗ vài năm qua ?

K.H. : Hiện tại tôi đang cho công ty này tổng kết rà soát lại các con số tài chính và tôi sẽ sớm công bố con số này.

TTO : Vậy con số lỗ hơn 100 tỉ đồng trong 3 năm qua có chính xác ?

K.H. : Đúng là lỗ lũy kế của Công ty Huy Việt Nam hơn 100 tỉ đồng. Các năm 2017-2018 mỗi năm đã lỗ hơn 50 tỉ đồng. Con số đến cuối năm 2018, nợ cần phải trả lên khoảng 800 tỉ đồng.

TTO : Tài sản của Công ty Huy Việt Nam hiện đang định giá 750 tỉ đồng ?

K.H. : Đúng là tài sản của Công ty Huy Việt Nam đã được định giá 750 tỉ, nhưng con số chính xác cần phải đợi công ty kiểm toán kiểm kê. Các con số nếu nói ra lúc này rất mơ hồ và có thể gây hoang mang dư luận, nhà cung cấp và các nhân viên.

TTO : Là người am hiểu tài chính, chắc hẳn các con số báo cáo sẽ cho bà suy nghĩ gì đó ?

K.H. : Đúng. Tôi không phải người ngu ngơ nhưng tôi bị lòng tin thỏa lấp.

TTO : Bà đã nhận biết những khoản lỗ này nhưng vẫn đầu tư vào Công ty Huy Nhật ?

K.H. : Nói có vẻ hơi thiên hướng tình cảm nhưng đó là lòng tin. Những gì Món Huế đã từng mang lại cho thị trường F&B Việt Nam có gì đó rất tuyệt vời. Nếu nó lỡ hư một tí mà chúng ta tiếp tục phá bỏ thì sẽ rất uổng công sức của nhiều thế hệ trước đó.

Mình đi sau, kế thừa và may mắn có nguồn tiền để đầu tư thì tại sao không duy trì để đầu tư, vực dậy. Thời gian ở đây là để chuẩn bị cho sự trở lại, chứng minh thuyết phục người tiêu dùng lý do Món Huế biến mất và trở lại hay tại sao người tiêu dùng chấp nhận nó một lần nữa.

Chuỗi Món Huế sẽ quay trở lại

TTO : Vốn điều lệ lớn nhưng sự sụp đổ của chuỗi Món Huế lại quá nhanh ?

K.H. : Tôi nghĩ nó có sự chuẩn bị (sụp đổ - PV) cho ngày hôm nay. Và tôi không biết lý do đó là gì, chưa hiểu được !

TTO : Bà nghĩ gì các cáo buộc của nhóm nhà đầu tư ngoại về ông Huy Nhật rằng ông ấy đã thực hiện một loạt giao dịch khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, vi phạm nghĩa vụ của mình… ?

K.H. : Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Còn với tư cách là nhà đầu tư cá nhân, tôi nghĩ sự sụp đổ của Món Huế lúc này là kết quả của một quá trình lâu dài, mục ruỗng trong hệ thống. Nó giống như một lâu đài cát mà chỉ cần chạm vào thì dễ dàng sụp đổ.

TTO : Tại sao bà biết điều đó nhưng vẫn đồng hành ?

K.H. : Việc kinh doanh có lúc thăng, lúc trầm như cuộc đời con người. Và việc kinh doanh thua lỗ 2 năm qua chỉ là lúc trầm. Mình cố gắng chấp nhận rủi để có thành quả xứng đáng. Tôi là tuýp người thích rủi ro vì những cái gì đã rõ ràng quá, quá bằng phẳng thì sau đó sẽ là một cái bẫy hoặc đích đến không ngọt ngào như mình hi vọng.

Nếu mình tự vẽ ra con đường đi trên sự mập mờ đó, mình sẽ lường trước những rủi ro và biết được an toàn, con đường tắt để đến đích ?

TTO : Bà có lường trước Công ty Huy Việt Nam sẽ như lúc này ?

K.H. : Tôi không phải là người đồng hành ngay từ đầu mà là người thừa kế từ khoản đầu tư ở Công ty Huy Việt Nam từ gia đình.

TTO : Khoản đầu tư này bây giờ không còn suôn sẻ ?

K.H. : Nó đã suôn sẻ từ nhiều năm trước. Tôi vẫn tâm thế dám chơi, dám chịu. Nhưng nếu nói không tiếc tiền khi công ty thua lỗ thì xạo. Đồng tiếc bỏ ra ai không xót. Tôi chỉ tiếc sự lụi tàn ngày hôm nay của Huy Việt Nam nhiều hơn.

TTO : Bà nghĩ ông Huy Nhật đang bị áp lực gì ?

K.H. : Áp lực dư luận hoặc anh ấy đang có lý do khó nói.

TTO : Vậy bà vẫn chưa liên lạc được với ông Huy Nhật ?

K.H. : Chưa. Tôi thích câu nói trong ngành kinh doanh này : "Bạn đã chơi một ván cờ được ăn cả ngã về không. Bạn có thể mất cả một thương hiệu nhưng nếu đánh mất niềm tin những người đồng hành với mình là cổ đông, nhân viên, nhà đầu tư thì bạn đã sai".

TTO : Bà đang nói với ông Huy Nhật ?

K.H. : Hi vọng ông Huy Nhật đọc điều này. Hãy trở về và trả lời tất cả. Chúng tôi đã từng đồng hành cùng nhau.

TTO : Lần cuối cùng bà gặp ông Huy Nhật là khi nào ?

K.H. : Khá lâu. Tôi không nhớ rõ.

TTO : Vậy bà có liên lạc được với ban quản trị của Công ty Huy Việt Nam ?

K.H. : Vẫn chưa liên lạc được.

TTO : Dư luận cũng đang chĩa về bà ?

K.H. : Tôi khẳng định tôi là nhà đầu tư và cái tôi quan tâm là lợi nhuận. Còn những thông đang chĩa vào tôi là "giật dây" hay lừa đảo thì hãy trình lên cơ quan điều tra. Tôi hi vọng sau sự kiện này nếu không ai làm thì tôi sẵn sàng mua lại chuỗi Món Huế và làm lại từ đầu.

Dư luận cũng chĩa về ông Huy Nhật và tôi không thấy làm lạ. Tại sao lúc mọi người đang cần thì anh ở đâu ? Không muốn người ta hiểu lầm thì hãy lên tiếng đi, chuyện đúng sai tính sau, hãy ra mặt đi. Chúng ta đều trong tâm thế của người đang mất tiền.

-----------------

Theo bà K.H., sự sụp đổ của chuỗi Món Huế là do sự chậm thay đổi trong khi thị trường F&B Việt Nam đang bị bão hòa, hằng ngày có hàng trăm lựa chọn cho người dùng mà chúng đều na ná nhau mà chưa có sự mới lạ. Các chuỗi nhà hàng cùng phân khúc, có quá quá nhiều sự lựa chọn trong khi chất lượng món và dịch vụ của chuỗi Món Huế đều đi xuống.

"Món Huế đã từng phát triển vì nhờ đi một con đường khác nhưng họ lại không giữ được chất lượng", nhà đầu tư này thừa nhận.

Các nhà đầu tư rót 70 triệu USD vào chuỗi Món Huế lại được ông Huy Nhật báo cáo việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.

N. Bình thực hiện

Nguồn : Tuổi Trẻ, 25/10/2019

******************

Chuỗi Món Huế lỗ cả trăm tỉ đồng, nhà đầu tư rót 70 triệu USD không hề biết

N. Bình, Tuổi Trẻ, 25/10/2019

Báo cáo tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên cả 100 tỉ đồng, nhưng các nhà đầu tư rót 70 triệu USD vào chuỗi Món Huế lại được ông Huy Nhật báo cáo việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.

hue8

Ông chủ chuỗi Món Huế vẫn chưa xuất hiện sau hàng loạt cáo buộc của nhà cung cấp và nhà đầu tư - Ảnh : DUYÊN PHAN

Nhóm đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital, là các quỹ của các nhà đầu tư quốc tế hoạt động bên ngoài Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, nhóm này đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

Báo cáo tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế ghi nhận đến cuối năm 2018, công ty này có khoản lỗ lũy kế gần 107 tỉ đồng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói họ không biết được thực tế này. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận.

Một cuộc điều tra sơ bộ chính thức của nhóm, các nhà đầu tư cũng đã phát hiện nhiều giao dịch và hoạt động đáng ngờ, bao gồm khoản thất thoát đáng kể tiền quỹ đầu tư cùng với việc đóng cửa quy mô lớn hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam khi chưa có chấp thuận từ các nhà đầu tư, trong khi đó việc đóng cửa này cũng không có lý do thương mại rõ ràng. Điều này đã dẫn tới việc hơn 1.500 lao động tại Việt Nam bị mất việc làm.

Điều đáng nói, không chỉ các nhà cung cấp, hiện nay các nhà đầu tư cũng đã thất bại trong việc liên hệ với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị. 

"Nhóm nhà đầu tư cũng không biết ông này đang nơi đâu. Chúng tôi đang cố gắng song chưa thể liên hệ được với ông Huy Nhật và đội ngũ quản trị vận hành, và hiện không rõ ông này đang ở đâu", đại diện nhóm đầu tư cho biết.

Theo người phát ngôn của nhóm các nhà đầu tư, trong cơ cấu vốn hiện nay, ông Huy Nhật là cổ đông chi phối, chủ tịch, người đại diện theo pháp luật và là người sáng lập công ty. Các nhà đầu tư là nhóm các nhà đầu tư sở hữu cổ phần thiểu số và tin tưởng giao phó cho ông Huy Nhật điều hành các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Ông Huy Nhật cùng với bà Hạnh Ngô nắm quyền và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh. Với cương vị này, ông Huy Nhật phải tuân thủ các cơ chế quản trị doanh nghiệp cũng như tuân thủ toàn bộ tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp quốc tế mà một nhà đồng chủ đầu tư và giám đốc của một doanh nghiệp cần phải tuân theo.

"Đáng tiếc là trong trường hợp này, ông Huy Nhật đã thực hiện một loạt giao dịch khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, vi phạm nghĩa vụ của mình và sau đó âm mưu cùng với các cộng sự thân cận tìm cách che đậy những vi phạm đó. Hiện chúng tôi đang nỗ lực liên lạc với đội ngũ quản trị vận hành hiện tại để hiểu rõ tình hình", nhóm nhà đầu tư đưa ra cáo buộc.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trước khi khóa website, Công ty Huy Việt Nam vẫn giữ thông tin ông Huy Nhật nằm trong ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm về quản lý tổng thể doanh nghiệp, điều hành việc mở các nhà hàng mới, phát triển kinh doanh và marketing.

Tuy nhiên, theo hồ sơ của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến đầu tháng 10-2019, Công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.

Hiện tại, chủ tịch của Huy Việt Nam cùng giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế đều không thể liên lạc.

Việc các nhà đầu tư khởi kiện ông Huy Nhật liệu có phải là động thái để cứu thương hiệu Món Huế cũng như đẩy hết trách nhiệm cho ông Huy Nhật ?

Nhóm các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầy đủ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và những tổn hại mà ông Huy Nhật gây ra.

Ông Huy Nhật, với tư cách chủ tịch và CEO của Huy Vietnam Group, là người chịu trách nhiệm duy nhất đối với việc quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn tới tình trạng hiện nay.

Các nhà đầu tư đã rót khoản vốn đáng kể vào Việt Nam để phát triển việc kinh doanh và tạo nhiều việc làm quy mô lớn. Nhóm các nhà đầu tư tiến hành các hành động pháp lý này chỉ nhằm kiểm soát tình hình, ngăn chặn nguy cơ tiếp tục thất thoát nguồn quỹ từ hoạt động kinh doanh, và nỗ lực khôi phục hoạt động liên tục và kìm hãm sự đi xuống của doanh nghiệp dưới sự quản lý của ông Huy Nhật.

Ông Huy Nhật đã được tin tưởng giao phó trọng trách vận hành doanh nghiệp. Ông cũng phải chịu trách nhiệm trước việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Việt Nam khi chưa có chấp thuận của các nhà đầu tư mà không có lý do thương mại cụ thể nào cho việc đóng cửa này. Điều này đã dẫn tới việc hơn 1.500 lao động tại Việt Nam bị mất việc làm.

N.Bình

****************

Nhóm nhà đầu tư ngoại khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập chuỗi Món Huế

Kim Ngân, Nhịp Cầu Đầu Tư, 24/10/2019

Theo Deal Street Asia, ngày 24/10, nhóm các nhà đầu tư đã gửi đơn kiện người sáng lập chuỗi F&B Huy Việt Nam lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

hue9

Ảnh : Deal Dtreet Asia.

Theo đó, nhóm các nhà đầu tư bao gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital, đã gửi đơn kiện người sáng lập chuỗi F&B Huy Việt Nam, lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Trong đơn của các nhà đầu tư, việc khởi kiện nhằm vào ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, giám đốc điều hành của Món Huế do liên quan đến các hành vi vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, giao dịch bất thường và lừa đảo.

"Ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản. Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân trong vụ việc lần này còn có các nhân viên, các nhà cung cấp và các đối tác thương mại của tập đoàn. Việc tự ý cho đóng cửa hệ thống cửa hàng trên quy mô toàn quốc, mà không có lý do rõ ràng, đã khiến cho hơn 1.500 nhân viên mất việc làm", nhóm nhà đầu tư nêu cáo buộc trong một tuyên bố.

Mặc dù rất thất vọng khi buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng trên, nhóm các nhà đầu tư hy vọng có thể được giải quyết khiếu kiện nhanh chóng và công bằng tại các tòa án Việt Nam, tương tự như lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành trước đó ở nước ngoài.

Trong khi nhóm nhà đầu tư thất vọng về sự cần thiết phải thực hiện các bước này, họ hy vọng sẽ có một giải pháp nhanh chóng và công bằng tại tòa án Việt Nam, phù hợp với các lệnh cấm đóng băng đã thu được ở nước ngoài.

hue10

Chuỗi nhà hàng Món Huế đã bất ngờ đóng cửa hàng loạt cửa hàng vào chiều 22/10. Ảnh : nguoiduatin.vn

Năm 2014, công ty Huy Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư Series B trị giá 10 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm AIF Capital Asia và Fortress Capital Asset Management Sdn Bhd.

Một năm sau, công ty tiếp tục nhận được khoản tài trợ Series C trị giá 15 triệu USD khác từ Templeton, Welkin Capital và Prosperous Alliance. Tổng cộng, các công ty cổ phần tư nhân quốc tế đã đầu tư hơn 70 triệu USD vào Huy Việt Nam kể từ năm 2013.

Công ty Huy Việt Nam đang điều hành các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea.

Kim Ngân

Nguồn : Nhịp Cầu Đầu Tư, 24/10/2019

******************

Nhà đầu tư chuỗi Món Huế bất ngờ khởi kiện nhà sáng lập Huy Nhật

N. Bình, Tuổi Trẻ, 24/10/2019

Trong một động thái bất ngờ, ngày 24/10, một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam Group Limited, chủ chuỗi Món Huế, Phở Ông Hùng... đã tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện nhà sáng lập là ông Huy Nhật.

hue11

Hàng loạt nhà hàng Món Huế bất ngờ đóng cửa mà chưa có sự chấp thuận của nhà đầu tư - Ảnh : DUYÊN PHAN

Đơn khởi kiện đã được gửi lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Nhóm nhà đầu tư của công ty Huy Việt Nam đã tố cáo ông Huy Nhật chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.

Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân của các hoạt động có yếu tố lừa đảo này còn có cả nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh.

Các thành viên của nhóm nhà đầu tư này bao gồm tổ chức ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital, từ năm 2013 đến nay, nhóm này đại diện cho một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân quốc tế đã đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

Theo đại diện nhóm đầu tư, động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, giám đốc điều hành của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo.

Trong đơn trình bày, nhóm nhà đầu tư này cho biết việc đóng cửa hàng loạt các nhà hàng diễn ra mà không có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, và cũng không vì lý do thương mại rõ rệt đã khiến hơn 1.500 nhân viên người Việt mất việc làm.

"Mặc dù rất thất vọng khi buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng trên, nhóm các nhà đầu tư hi vọng có thể được giải quyết khiếu kiện nhanh chóng và công bằng tại các tòa án Việt Nam, tương tự như lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành trước đó ở nước ngoài", đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết.

Các hành động này không chỉ nhằm bảo vệ doanh nghiệp nói chung và khoản đầu tư của các nhà đầu tư vào Công ty Huy Việt Nam, mà còn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên công ty, các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động ổn định cho doanh nghiệp này.

Trong khi đó, ngày 24/10, khoảng 20 nhà cung cấp của chuỗi Món Huế tiếp tục họp bàn để nộp đơn tố cáo Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà hàng Món Huế và Công ty Huy Việt Nam lên cơ quan Công an phường Cô Giang, Q.1 nơi công ty này đặt trụ sở chính.

Trước đó, nhóm các nhà cung cấp đã tìm đến Cảnh sát điều tra Kinh tế và tham nhũng Thành phố Hồ Chí Minh nhưng bị từ chối và được hướng dẫn về Công an phường Cô Giang nộp đơn tố cáo.

Công ty Huy Việt Nam Group Limited hiện có các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea.

Trong thời điểm hoạt động hiệu quả, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.

N.Bình

******************

Lý giải nguyên nhân đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế

Diễm Trang, Nhịp Cầu Đầu Tư, 23/10/2019

Trước khi chuỗi Món Huế đóng cửa, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B).

hue12

Nguồn ảnh : Fanpage nhahangmonhue Thảo Điền

Mới đây, dư luận vẫn chưa hết xôn xao việc một chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa, do nợ nhà cung ứng nguyên liệu với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều thực khách từng ăn ở nhà hàng thì cho rằng đó là điều đương nhiên bởi món ăn không xuất sắc mà giá lại khá đắt, người lại cho rằng định phí cao (chủ yếu là chi phí thuê mặt bằng) khiến chuỗi nhà hàng này phải rút sớm, lại có những quan điểm lý giải nhượng quyền tràn lan nên chuyện đóng cửa là tất yếu.

Vậy đâu là những nguyên nhân chính khiến một chuỗi nhà hàng lớn như vậy phải rút lui ? Hay là nguyên nhân sâu xa vẫn là thị trường F&B tại Việt Nam ngày càng khốc liệt ?

Mẫu số chung của những doanh nghiệp F&B tại Việt Nam

Ngành F&B của Việt Nam từ sau năm 2014 đã tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng 18%/năm và đạt 540.000 cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trong cả nước, theo thống kê từ Dcorp R- Keeper Việt Nam. Trong giai đoạn này, hàng loạt nhà hàng món nướng, mì cay Hàn Quốc, nhà hàng sushi Nhật, lẩu Thái... mọc lên khắp nơi và được đón nhận nồng nhiệt. Đây là yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp đổ vốn vào lĩnh vực nhà hàng.

Tuy nhiên, bà Châu Tiểu Ngọc, Giám đốc Sunshine Equipment, nhận định, ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi các đơn vị nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Trước khi chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt và bị tố nợ tiền nhà cung cấp, Công ty Huy Việt Nam từng được xem là người đi đầu trong mô hình kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống (F&B) khi huy động hàng chục triệu đô la từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, chuỗi Món Huế không phải là trường hợp duy nhất phải đóng cửa vì không cạnh tranh được trên thị trường F&B ngày càng khốc liệt.

hue13

Nguồn ảnh : Fanpage nhahangmonhue

Nói về thất bại trong lĩnh vực này không thế không nhắc đến chuỗi nhà hàng The KAfe, phục vụ đồ ăn Á - Âu, chuỗi nhà hàng này cũng từng phải đóng cửa do nợ tiền nhà cung cấp. Và một điểm trùng hợp với Huy Việt Nam (Món Huế), là ông Dennis Nguyễn từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của The KAfe, cũng đồng thời là Phó Chủ tịch chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính của Công ty Huy Việt Nam, giúp công ty này tìm nguồn vốn tài trợ.

Và tháng 8 vừa qua, Công ty cổ phần TMDV Trà Cà phê Việt Nam (The Coffee House) bất ngờ thông báo đóng cửa kinh doanh chuỗi trà sữa Ten Ren tại Việt Nam. Ten Ren được nhượng quyền từ Đài Loan, có 23 cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, cũng được giới trẻ rất yêu thích. Một trong những lý do khiến Ten Ren phải đóng cửa, là mô hình doanh này chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng, kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng.

Và nhiều nguyên nhân khác

Theo ghi nhận của PV Nhịp Cầu Đầu Tư, tại trang Fanpage của Nhà hàng Món Huế nhiều bình luận cho rằng, đóng cửa là chuyện bình thường vì món ăn không đặc biệt trong khi giá lại không bình dân, phục vụ của những nhân viên ở đây lại chưa tốt, khiến khách hàng có phản ứng không mấy tích cực.

Bên cạnh nguyên nhân này, một vấn đề nổi trội được nhiều báo cập nhật đó là giá mặt bằng thuê quá đắt. Trên thực tế, điều mà chuỗi F&B phải cân nhắc đầu tiên là vị trí và giá thuê mặt bằng. Món Huế nói riêng và các thương hiệu F&B nói chung thường chọn các mặt bằng đắc địa tại trung tâm thành phố, hoặc nằm trong các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó, chi phí mặt bằng bán lẻ lại Việt Nam lại đang có xu hướng tăng cao.

Công ty Savills Việt Nam vừa có báo cáo tổng quan về tình hình đầu tư bất động sản quý III-2019 ở TPHCM. Theo Savills, nhiều chủ đầu tư đã tận dụng việc thiếu hụt nguồn cung ở khu trung tâm nhằm tăng giá thuê cho các vị trí trống mới hoặc thay thế dần các vị trí hiện hữu có giá thấp bằng các khách thuê tiềm năng hơn. Giá chào thuê ghi nhận tăng đến 30% cho các diện tích trống mới hoặc các hợp đồng gia hạn ở các trung tâm mua sắm tại quận 1.

Trở lại với chuỗi nhà hàng Món Huế, được biết, chi nhánh Món Huế 67 Trần Duy Hưng khi dọn đi vẫn còn 3 tháng tiền thuê nhà đã đóng trước. Chia sẻ với báo giới, chủ nhà cho biết giá thuê hiện tại là 6.500 USD/tháng (tương đương 150 triệu đồng/tháng). Điều này cho thấy, Món Huế Trần Duy Hưng chịu mất 450 triệu tiền thuê mặt bằng. Một con số không hề nhỏ cho một chi nhánh.

Do vậy, để đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận, các chuỗi cần mở rộng số cửa hàng nhanh chóng và hàng loạt các vấn đề đi kèm. Áp lực cạnh tranh trên thị trường F&B ngày càng gay gắt, trong khi chi phí vận hành quá cao là bài toán mà các thương hiệu F&B trong nước cần phải giải quyết.

Diễm Trang

Nguồn : Nhịp Cầu Đầu Tư, 23/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)