Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/11/2019

Bàn về tầng lớp trung lưu – thị dân Việt Nam

An Viên

"Báo cáo 2035" (2016) của WB, dự đoán đến 2035 sẽ có 50% dân số gia nhập tầng lớp trung lưu.

trungluu1

45% dân số Việt Nam sẽ sống ở đô thị vào năm 2030

Báo cáo này được Chính phủ Hà Nội sử dụng nhiều trong các bài phát biểu, đánh giá về thành tựu kinh tế của quốc gia.

Vào đầu tháng 1/2019, một bài viết đáng chú ý của tác giả Trần Trọng Thức trên Thời báo Kinh tế Sài gòn với tiêu đề "Đâu rồi tầng lớp trung lưu ?". Nội dung đề cập đến sự thiếu vắng các công trình nghiên cứu xã hội học thấu đáo về tầng lớp trung lưu. Một tầng lớp mà phần nhiều gắn với "con đường vòng" trong làm giàu, con đường mà cần có thế và lực để giành được những ưu đãi về đồng vốn, phân bổ tài nguyên gắn liền với cơ chế xin cho.

"Ở nước ta, con đường làm giàu nhanh nhất thường là đường vòng chứ không phải đường thẳng cho nên tầng lớp trung lưu không có thế và lực thì khó giành được những ưu đãi về đồng vốn, về phân bổ tài nguyên và thường phải vận dụng cơ chế xin cho với nhiều cạm bẫy" – theo tác giả Trần Trọng Thức.

Cái cơ chế "đường vòng" trong làm giàu đó phải chăng là cách mà cơ chế được duy trì để kiếm soát xã hội, nhắm vào tầng lớp trung lưu (thị dân), giữ họ trong một lằn ranh để đảm bảo sự ổn định xã hội mà chính Nhà nước mong muốn ?

Hà Nội hiện nay vẫn tìm mọi cách để "giữ môi trường chính trị ổn định". Các yếu tố cốt lõi thường được sử dụng là chủ nghĩa dân tộc (hay chủ nghĩa cách mạng cộng sản), sự kiểm soát (công an trị) và có lẽ là cơ hội (dành cho tầng lớp trung lưu).

Chỉ cần tạo "cơ hội" cho một tầng lớp giàu lên, và ru ngủ sự ổn định đó, thì tất yếu khu vực thành thị sẽ được giữ vững.

Thực tế đã cho thấy, Hà Nội, nơi bị bao vây bởi những hiểm họa của cuộc sống, bao gồm bụi mịn, nguồn nước nhiễm dầu và một sự chuyển động nặng nề của bộ máy nhà nước trong các vấn đề thuộc về dân sinh. Tuy nhiên, "thủ đô" lại là nơi làm ăn và tăng trưởng nhiều bởi tầng lớp trung lưu, nơi ngụ cư của hệ thống các khu trung cư trung và cao cấp.

Tại Timescity hay Royal City, một hệ sinh thái khép kín đủ phục vụ cho hàng ngàn đến hàng triệu con người trung lưu nép mình vào đó. Và để sinh sống tại chuỗi sinh thái đó, tầng lớp trung lưu phải biết điều.

Nguyên tắc "sẽ cho giàu lên, miễn đừng chính trị - chính em" đang đóng khung đối với tầng lớp này.

Và đó dường như sẽ là câu trả lời cho câu hỏi : phải chăng sự giàu lên ở những nước độc tài sẽ làm mở rộng những quyền tự do chính trị - dân sự ?

Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cách mà tầng lớp trung lưu nhìn nhận. Và quả thực, nếu tầng lớp trung lưu nằm trong quỹ đạo xoay vòng liên tục của đồng tiền được tạo ra từ cơ chế "đường vòng", và an phận trong những nhóm nhà trung cư trung và cao cấp, thì vĩnh viễn, quyền tự do chính trị - dân sự sẽ bị hãm, ngay ở khu vực thị thành.

Việt Nam đang học tốt hoặc có thể đang học điều này từ Trung Quốc. Một hợp đồng ngầm được giao kết bởi Nhà nước và tầng lớp trung lưu, tạo ra một tầng lớp đứng bên lề xã hội.

Các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam bắt đầu nhấn mạnh về động lực quan trọng của nền kinh tế : kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã sử dụng trường hợp thu hút vốn FDI của tỉnh nhà để khẳng định "kinh tế tư nhân đã chứng minh được là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Do đó, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác".

Tất nhiên, trong tiến trình để góp phần trở thành "động lực" đó, có đến 60% doanh nghiệp tư nhân chịu khó "đút lót" để giảm phiền hà. Và "đút lót" đó trở thành một động lực không nhỏ của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp tư nhân khi vươn lên làm giàu.

Hà Nội đã kết hợp mô hình "ký sinh" tốt giữa nhà nước và giới kinh tế tư nhân (hay tầng lớp thượng lưu). Vật chủ sẽ tiếp tục cho sinh sống đến khi nào mà tầng lớp này an phận bám vào.

Báo Đầu tư Chứng khoán trong một bài viết cuối tháng 10 đã kết luận rằng, khi có sự chung tay của nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, nước ta mới có thể có những "sếu đầu đàn" bay cao, vươn xa, trở thành các tập đoàn kinh tế toàn cầu.

"Tất nhiên khi đó, nền kinh tế đất nước sẽ bước lên vũ đài lịch sử mới".

Những "con sếu đầu đàn" được nuôi dưỡng bằng cơ chế "đường vòng", lại tiếp tục được xây dựng trở thành một tượng đài của thành tựu kinh tế điển hình Việt Nam, và là nơi hỗ trợ Hà Nội loan tỏa tinh thần yêu nước.

Vingroup, một tầng đoàn đi lên từ cơ chế mua bán đất và chiếm dụng đất vàng là một trong những "con sếu đầu đàn như vậy. Ngoài những sản phẩm kích thích lòng yêu nước như xe Vinfast hay điện thoại Vinsmart. Vingroup còn là tập đoạn tạo ra hệ sinh thái sống cho tầng lớp trung lưu điển hình nhất ở Việt Nam.

Một tầng lớp trung lưu "chăm lo làm ăn" và bỏ qua những câu chuyện "chính trị, chính em" đã là hợp thành một bức tường thành đủ vững chắc để đảm bảo giữ được sự "ổn định chính trị" trong tương lai.

Và thực tế, trong sự kiện cháy nhà máy Rạng Đông làm phát tán thủy ngân, bụi mịn, hay nước nhiễm dầu của công ty cấp nước sinh hoạt Sông Đà,… Tầng lớp trung lưu đã nhanh chóng vào các siêu thị tiện ích để mua nước đóng chai và tiếp tục tự đảm bảo an toàn của mình bằng hệ sinh thái được cung cấp bởi một doanh nghiệp tư nhân.

Không có đơn kiện, không có một sự phản ứng đủ để xã hội nghe thấy từ tầng lớp này, ở tại thủ đô Hà Nội.

"Sự bất mãn lan rộng trong cả tầng lớp tiểu tư sản thành thị", điều làm nên các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước trong thế kỷ trước, và tại Việt Nam, hình thành phong trào đòi quyền tự chủ về chính trị, quyền tự do trong kinh doanh,… nay đã không còn.

Một tầng lớp trung lưu (hay tư sản) chịu ảnh hưởng bởi "văn hóa nước ngoài, tư tưởng dân chủ cách mạng Pháp, chế độ Cộng hòa của Mỹ, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn" đã gần như biến mất tại Việt Nam. Và giờ, phần lớn trong tầng lớp đó đang nép mình vào trong "cơ chế vòng".

Khi người cộng sản chấp nhận kết hợp chủ nghĩa tư bản với Marxist. Họ đã thành công trong duy trì hệ thống quyền lực dựa trên tinh thần "1-1" với giới kinh doanh, hay tầng lớp thượng lưu, hay tư sản. Những người nép mình trong thanh cột xã hội chủ nghĩa.

An Viên

Nguồn : VNTB, 02/11/2019

Quay lại trang chủ
Read 427 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)