Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2019

Nhập ngũ thời bình có gì khác ?

Diễm Thi

Theo chỉ thị mới của Bộ Quốc phòng ban hành hôm 26 tháng 10, công tác tuyển quân sẽ chú trọng tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Đây là điểm khác biệt so với trước đây.

nhapngu1

Một người lính đứng bảo vệ ở Hà Nội vào ngày 26/2/2019, trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. AFP

Lệ mới trong nhập ngũ

Chỉ thị 98/CT-BQP do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ký ban hành hôm 26/10/2019 về việc tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong tình hình mới, có đề cập đến việc tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học và con em đồng bào dân tộc ít người, không để "xã trắng" trong tuyển quân.

Trung tá quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long cho hay, xưa nay theo luật nghĩa vụ quân sự thì thanh niên 18 tuổi trở lên là đủ tiêu chuẩn nhập nghĩa vụ quân sự. Đó là thời bình, thời chiến có thể thay đổi. Những người đang học đại học hoặc đang có công ăn việc làm thì được ưu tiên tạm hoãn. Đa số nhập ngũ là những người mới tốt nghiệp phổ thông chưa vào đại học hoặc chưa có công ăn việc làm.

Theo chỉ thị mới thì những người có bằng cấp lại thuộc diện ưu tiên trong việc nhập ngũ. Ông Long cho đây là chủ trương đúng và giải thích :

"Nếu ưu tiên gọi như vậy thì nhằm mục đích hiện đại hóa quân đội vì quân đội bây giờ không đánh nhau bằng súng bộ binh nữa, mà đánh nhau bằng vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao. Đấy là chủ trương đúng !".

Bác sĩ Đinh Đức Long còn nêu một ví dụ : Khi lái tàu thì khác, nhưng khi chiến đấu hoạt động binh chủng thì phải phối hợp với pháo binh, với không quân, hải quân, với các tàu chiến khác thì những cái đấy chỉ quân đội mới có.

Đối với ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan quân đội có hơn 10 năm trong quân ngũ nhận xét rằng, việc tuyển chọn những người có trình độ học vấn tương đối cao thì chất lượng nhận thức của binh lính sẽ tốt hơn, ý thức về kỷ luật, luật pháp cũng tốt hơn, kiến thức về nhận thức xã hội cũng tốt hơn. Ông phân tích thêm :

"Có hai yếu tố. Thứ nhất họ muốn nâng cao chất lượng, nhận thức của đội ngũ binh lính ; thứ hai là những người tốt nghiệp có bằng cấp nghề nghiệp rồi thì sẽ tận dụng vào các ngành nghề mà quân đội đang cần mà khỏi phải tốn tiền đào tạo.

Thay vì phải tuyển học sinh vào các trường sĩ quan thì tuyển ngay sinh viên mới tốt nghiệp để tận dụng nghề nghiệp, chỉ cần đào tạo thêm vài tháng về quân sự là có thể sử dụng được như một sĩ quan thực thụ tốt nghiệp trường chuyên ngành của họ thôi".

Theo như những gì ông Võ Minh Đức cho biết thì có thể thấy, với chỉ thị tuyển quân mới này, nhà nước được lợi rất nhiều khi không phải tốn tiền và thời gian đào tạo nghề nghiệp cho một sĩ quan trong quân đội, mà chỉ đào tạo thêm về mặt quân sự.

Không phải ai cũng muốn nhập ngũ

Với số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải làm những công việc trái nghề thì môi trường quân đội có thể là một cánh cửa mới cho họ, tuy nhiên không phải ai cũng muốn gia nhập quân đội vì nhiều lẽ.

Ông Võ Minh Đức xác nhận một thực tế :

"Không phải tất cả những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học đang chạy xe ôm công nghệ hay đang làm những công việc trái nghề đều muốn vào quân đội đâu. Lâu nay ở Việt Nam đại đa số người dân vẫn sợ đi nghĩa vụ quân sự. Tất nhiên chiến tranh không còn nhưng người dân rất sợ việc phải nhập ngũ".

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội năm 2018, chỉ trong quý 2, cả nước có số người thất nghiệp trình độ đại học là 126.900 người ; trong quý một năm 2019, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó, 124.500 người có trình độ từ đại học trở lên.

Ông Đinh Đức Long cho rằng không phải tự nhiên mà các quốc gia có những quyền lợi cao cho những người tham gia quân ngũ. Họ có nhiều quyền lợi nhưng họ cũng phải đánh đổi rất nhiều. Ông giải thích :

"Bất lợi cho người dân ở chỗ một người có trình độ, có công việc lương cao, có gia đình mà giờ phải thay đổi môi trường, ra hải đảo, làm việc trên tàu chiến, phải xa gia đình thì họ cũng khổ chứ ! Đối diện với những rủi ro cao như bệnh tật, cái chết, chiến tranh... họ phải chấp nhận".

Ông Long cho biết thêm rằng, thông thường những người có trình độ cao được ưu tiên là sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội, còn những người không muốn phục vụ lâu dài thì xong nghĩa vụ họ lại trở về nơi cũ, nghề nghiệp cũ, nhưng nếu có chiến tranh nổ ra thì do họ đã được huấn luyện trong quá trình đào tạo quân sự, họ lập tức phải ráp ngay vào đơn vị quân đội. Và khi tham gia quân đội với bằng đại học sẵn có, người lính đó sẽ được phong quân hàm thiếu úy hoặc trung úy. Sau đó khi hoạt động trong quân đội thì sẽ lên cấp bậc tùy theo khả năng và nhu cầu của quân đội, có thể lên tướng.

Tại Hội nghị Quân chính toàn quân hôm 10/01/2019, do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng năm 2018. Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi phải tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với đảng, với đất nước và nhân dân ; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; không mất cảnh giác để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong quân đội.

Ông Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô đốc hải quân Việt Nam, từng nói với RFA rằng hiến pháp quy định quân đội phải trung thành với tổ quốc với nhân dân. Nhưng vì đảng cầm quyền lãnh đạo nên họ yêu cầu quân đội phải trung thành với đảng, trước cả đất nước và nhân dân.

Trong một lần hiếm hoi khi còn tại chức, tháng 7/2015, khi phát biểu tại Đại hội toàn quân ở Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng - lúc bấy giờ là Thủ tướng chính phủ - đã bỏ chữ "đảng" khi ông nói quân đội phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, dân tộc và hiến pháp. Vào thời điểm đó, câu nói của ông đã gây chú ý cho dư luận.

Diễm Thi

Nguồn  : RFA, 31/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 551 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)