Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2019

Người lao động Trung Quốc tìm kiếm gì ở xứ Việt ?

Minh Châu

Kênh Quan Chánh Bố : Người lao động Trung Quốc tìm kiếm gì ở xứ Việt ?

Ở miệt kênh Quan Chánh Bố mấy năm nay có rất đông người Trung Quốc, từ lao động cơ bắp đến ‘cổ cồn’ thương nhân.

quanchanhbo0

Quan Chánh Bố là tên một kênh đào ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, được đào vào thời gian 1837 - 1838 để dẫn nước sông Hậu vào rửa mặn đồng lầy Láng Sắc. Công trình đào kênh do quan bố chánh Trần Trung Tiên phụ trách.

Họ tìm kiếm gì ở xứ này ?

Cà phê buổi sớm với một vài viên chức xã Trường Long Hòa, họ thắc mắc rằng không hiểu mấy ông Trung Quốc (từ người địa phương là 'mấy ông Ba Tàu') nghĩ gì mà lại lặn lội sang huyện hẻo lánh này của tỉnh nghèo Trà Vinh để kiếm cơm ?

Theo các viên chức cấp xã đó, kể từ khi họ đọc tin tức trên mạng xã hội với hình ảnh và clip phỏng vấn chi tiết mô tả với gần 1.500 trai tráng xuất khẩu lao động đã giúp xã Đô Thành của huyện Yên Thành, Nghệ An mau chóng đổi đời thành làng tỷ phú, làng biệt thự với hàng loạt nhà cao tầng, xe sang…, thì càng củng cố thêm nghi vấn về mục đích thật sự của cả ngàn người lao động Trung Quốc đang có mặt ở huyện Duyên Hải.

Có thời gian mấy năm trời học đại học tại Sài Gòn, viên chức tên Nguyễn Thành Tâm, nói rằng người Trung Quốc đang sống ở đây không cởi mở như người Hoa trên Chợ Lớn.

"Họ có vẻ khệnh khạng dù chỉ là lao động cơ bắp. Tôi biết tiền lương mà mấy ông chủ Trung Quốc nơi đây trả cho họ cũng chẳng bao nhiêu. Thế nhưng không hiểu sao họ vẫn người này rủ người kia từ Trung Quốc qua đây. Nếu họ thật sự là đội quân cài cắm của Trung Quốc trên đất Việt Nam, thì đúng là hết sức nguy hiểm. Cứ tưởng tượng với đường biển từ cảng than mà tàu tải trọng 30 ngàn tấn có thể vào được, thì nguy quá…", ông Nguyễn Thành Tâm, nhận xét.

Sở dĩ ‘nguy ở đây’, chính là việc các nhà máy nhiệt điện than ở Duyên Hải chỉ khác các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc mỗi chi tiết, là được xây trên đất Việt Nam. Tàu của Trung Quốc chở than đá từ ‘nước ngoài’ - ông Tâm nói rằng đây là ‘từ’ dùng của vị tướng nào đó trên nghị trường Quốc hội Việt Nam, nên nếu ‘nước ngoài’ đó cho ‘quá giang’ quân đội Trung Quốc trên tàu chở than ấy thì… 

Phải chăng Việt Nam là thiên đường của lao động Trung Quốc ?

Vài viên chức xã Trường Long Hòa đặt câu hỏi như vậy khi cà phê với nhóm nhà báo đến từ Hiệp hội Cảng biển Việt Nam.

Theo cách nhìn mộc mạc của người dân Duyên Hải, trong vụ nghi vấn 39 nạn nhân tử vong trong thùng container ở Anh Quốc hôm 23/10, hầu hết đều là người Việt Nam, thì câu hỏi đặt ra : vì sao người các tỉnh miền Bắc Việt Nam chọn Trung Quốc làm cửa ngõ ban đầu để tìm kiếm mưu sinh ở các quốc gia khác, còn người Trung Quốc thì lại lặn lội tìm về Việt Nam để kiếm cơm ?

"Tôi nhớ vào cuối năm ngoái, ở kỳ họp Quốc hội có báo cáo cho hay tới 25 ngàn lao động Trung Quốc đã vào Việt Nam làm ăn (1). Số liệu này là từ sổ sách về giấy phép cấp cho lao động Trung Quốc, không tính số lao động chui mà người ta dễ dàng tìm thấy ở Duyên Hải. 

Dân Trà Vinh tụi tôi nếu ai phải ly hương thì thiên đường lao động là tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và đứng đầu vẫn là Sài Gòn. Giờ đọc báo mới thấy người ngoài miền Bắc giàu có là nhờ vượt biên sang mấy nước tư bản. Lẽ nào người Trung Quốc ngu đến nỗi làm điều ngược lại là muốn vượt biên vào Trà Vinh để kiếm tiền làm giàu ?". Ông Thạch Sôn, viên chức xã Trường Long Hòa, lập luận.

Một số viên chức xã Trường Long Hòa nói rằng nhờ vào điện thoại thông minh nên bà con có thể tìm đọc đủ loại tin tức, chỉ có mỗi tin về Trà Vinh là nghèo nàn hệt như tỉnh này. 

"Đọc mà thấy bất an trước nhiều hoạt động tội phạm của người Trung Quốc diễn ra có hệ thống, có tổ chức và với số lượng người rất đông ở một số địa phương tại Việt Nam vừa qua. Tụi tôi đâm ra cũng ngờ vực người lao động Trung Quốc đã lên tới vài ngàn người ở Duyên Hải…". Ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 03/11/2019

------------------

Chú thích :

(1) 25 ngàn lao động Trung Quốc đã vào Việt Nam làm ăn

Lương Bằng, VietnamNet, 26/10/2019

Lao động nước ngoài ở Việt Nam đa phần đến từ Trung Quốc, chủ yếu làm các vị trí chuyên gia và nhà quản lý, giám đốc điều hành. Trong khi đó, lao động Việt Nam đi xuất khẩu lại chủ yếu là lao động phổ thông, ít chuyên gia và lao động kỹ thuật cao.

Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giai đoạn 2013-2017.

quanchanhbo2

Ủy ban các vấn đề xã hội đã làm rõ bức tranh lao động nước ngoài ở Việt Nam

Chủ yếu đến Việt Nam làm quản lý

Theo Ủy ban, trong các năm 2013-2015, số lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc tăng rõ rệt, nhưng từ năm 2016-2017 có xu hướng giảm.

Tính đến năm 2017, cả nước có 81.359 lao động nước ngoài đang làm việc ở các vị trí như nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật và lao động khác. Trong đó lượng chuyên gia và nhà quản lý, giám đốc điều hành là chủ yếu.

Trong đó, số được cấp giấy phép lao động là gần 70 ngàn người, còn số không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 6.400 người ; số đang làm thủ tục để được cấp giấy phép lao động là hơn 5.000 người.

Số liệu của Ủy ban các vấn đề xã hội không đề cập đến lượng lao động nước ngoài làm "chui" ở Việt Nam, song cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp chủ động để hạn chế người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bằng visa du lịch và ở lại làm việc bất hợp pháp.

Lao động nước ngoài đến từ khoảng 110 quốc gia, trong đó đa phần là đến từ Trung Quốc.

Cụ thể, số lao động Trung Quốc là trên 25,1 nghìn người, chiếm khoảng 1/3 tổng lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam. Nếu tính cả gần 10,5 nghìn lao động đến từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thì lượng lao động từ thị trường này lên đến 35,6 nghìn người. Đứng thứ hai là Hàn Quốc với trên 14,8 nghìn người. Nhật Bản là hơn 7,7 nghìn người. Còn lại, lao động của các quốc gia khác chỉ chiếm 28,4%.

Tuy nhiên, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng chỉ ra không ít tồn tại của lao động nước ngoài ở Việt Nam.Theo Ủy ban này, sự gia tăng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đã mang lại những tác động tích cực nhất định, như bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế gắn với thu hút đầu tư nước ngoài...

Do quy định thông thoáng của pháp luật về xuất nhập cảnh, những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam theo thị thực "doanh nghiệp" không phải khai báo và làm các thủ tục khai báo với cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn cho công tác quản lý.

"Hầu hết lao động sang Việt Nam làm việc rồi mới làm thủ tục cấp giấy phép lao động, trong khi theo quy định lao động người nước ngoài trước khi sang Việt Nam làm việc phải có giấy phép lao động", Ủy ban nêu rõ bất cập.

Ngoài ra, tình trạng lao động là công dân nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới đã phát sinh một số diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn. Tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người nước ngoài vào làm việc bất hợp pháp có xu hướng gia tăng. Một số địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc rà soát, phát hiện và xử lý lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại địa phương.

"Một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chưa thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng và đào tạo lao động Việt Nam để thay thế các vị trí công việc của người nước ngoài nhằm mục đích tuyển thêm lao động nước ngoài và kéo dài thời gian làm việc của người nước ngoài", theo Ủy ban các vấn đề xã hội.

Lao động Việt Nam xuất khẩu hầu hết làm công nhân

Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, giai đoạn 2010-2017, cả nước đã có trên 821 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm số lao động đi làm việc nước ngoài đạt khoảng trên 102.000 người/năm.

Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản (bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng khoảng 461% so với giai đoạn 2010-2013), Đài Loan (bình quân tăng khoảng 183%), Trung Đông (bình quân tăng khoảng 120%).

Trong đó, thị trường lãnh thổ Đài Loan thu hút lao động nhiều nhất và duy trì ổn định ở mức cao ; còn Nhật Bản có mức tăng đột biến, số lao động đi làm việc tại Nhật Bản năm 2017 gấp 11 lần so với đầu kỳ (năm 2010), gấp 3 lần so với năm 2014.

Nhìn chung, giai đoạn 2010-2017 lao động ra nước ngoài làm việc thường có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ.

Bình quân thu nhập (kể cả làm thêm) của người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 400-600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, 700-800 USD/tháng ở thị trường lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), 1.000-1.200 USD/tháng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

"Sự gia tăng số lượng lao động làm việc ở các thị trường có thu nhập cao đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước có lượng kiều hối lớn từ người lao động ở nước ngoài gửi về", Ủy ban các vấn đề xã hội đánh giá.

Trong khi lao động nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu làm quản lý, thì lao động Việt Nam đi xuất khẩu lại chủ yếu là lao động phổ thông chiếm tỷ lệ từ 60-70%.

Đáng chú ý, mặc dù các cơ quan hữu quan ở trong nước và nước ngoài đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng lao động của Việt Nam vi phạm pháp luật, phá hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài (đặc biệt là tại Hàn Quốc, Nhật Bản) vẫn còn cao, làm giảm sút uy tín của lao động Việt Nam và ảnh hưởng đến cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của một bộ phận người lao động. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp cao nhất trong số những nước phái cử lao động.

Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: Hiện nhiều quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế cũng như những cam kết quốc tế Việt Nam tham gia những năm gần đây. Hệ thống quy định pháp luật về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định phân tán trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, khó khăn cho việc áp dụng thống nhất pháp luật, cần được sớm nghiên cứu, sửa đổi toàn diện, đồng bộ với quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật và quản lý nhà nước về lao động - việc làm trong tình hình mới.

Lương Bằng

Nguồn : VietnamNet, 26/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)