Hộ chiếu : Mình có thế nào thì người ta mới như thế chứ !
Khánh Anh, VNTB, 03/11/2019
Không một quốc gia Châu Âu nào cho phép người Việt Nam được tự do nhập cảnh, hay kể cả Nhật hay Hàn quốc, bởi một lý do đơn giản : đi được là trốn ở lại.
Hộ chiếu của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn hộ chiếu được xếp hạng vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia. Ảnh Thanh Niên 01/11/2019
Trong bài viết "Hãng tư vấn xếp Việt Nam gần nhóm 10 quốc gia có hộ chiếu 'yếu' nhất" đăng trên báo Thanh Niên ngày 1/11/2019 cho biết thứ hạng hộ chiếu của Việt tụt 15 bậc so với năm ngoái.
Theo bảng xếp hạng quý tư năm 2019 của Henley & Partners có trụ sở tại Luân Đôn, hộ chiếu của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn hộ chiếu trên toàn cầu. Lý do là công dân Việt Nam chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia …
So với năm ngoái, thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "hộ chiếu yếu nhất" trong đó gồm các quốc gia như Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…"
Trong số 51 quốc gia mà công dân Việt Nam được tự do đi đến là các quốc gia Châu Phi, Châu Á mà không có một quốc gia Châu Âu nào. Đài Loan nằm trong số 51 quốc gia này và cho phép người Việt nhập cảnh với visa on arrival - thị thực ngay tại sân bay. Hồi năm ngoái đã có đến 152 người bỏ trốn tại Đài Loan sau khi nhập cảnh vào nước này theo chương trình Visa Quan Hồng.
Không một quốc gia Châu Âu nào cho phép người Việt Nam được tự do nhập cảnh, kể cả Nhật hay Hàn quốc, bởi một lý do đơn giản : đi được là trốn ở lại.
Ngày có tin 39 người thiệt mạng trong xe đông lạnh ở Essex – Anh, nhiều người đã nói rằng tại sao họ không xin visa du lịch hay là phải biết đi nhờ máy bay của bà Ngân để rồi trốn ở lại luôn cho nó dễ chớ đi kiểu vậy làm gì cho thiệt mạng.
Trốn ở lại không giấy tờ là thiệt thòi đủ thứ.
Người trốn lại, không giấy tờ thì chỉ có thể đi làm đen. Tiền lương không cao và không có bảo hiểm, tiền trợ cấp thất nghiệp hay đau ốm. Những người Việt Nam vẫn không chấp nhận là họ góp phần tiếp tay vào việc sử dụng nô lệ hiện đại mà cho rằng họ thấy người không giấy tờ nên thương tình giúp đỡ đồng hương, rồi lại còn phải cho ăn, cho ở.
Nghe có vẻ là họ có lòng thương cảm, nhưng kỳ thực họ cũng đã có trục lợi riêng tư khi không phải đóng thuế mà còn thuê được nhân công giá rẻ, nhân công sẵn sàng làm không có ngày nghỉ và làm dài thời gian mà không đòi hỏi một chế độ ưu đãi người làm nào khác như trong các cơ sở thuê người làm hợp pháp.
Những người trốn ở lại luôn phải nơm nớp lo sợ vì cảnh sát có thể kiểm tra giấy tờ tuỳ thân bất kỳ lúc nào, nếu bị bắt có thể sẽ bị đưa vô trại và cho trục xuất về Việt Nam. Có những người sang thăm thân nhân rồi trốn ở lại chỉ có thể quanh quẩn ở trong nhà để chăm con giùm anh chị em.
Nhưng nếu không đi làm ăn lương thì họ sẽ làm những việc như đi tưới cần sa thuê, vận chuyển ma túy thuê qua biên giới. Những việc này mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm móng tay. Nếu làm móng tay chân, khi chịu cày và làm không nghỉ ngày nào thì có thể sẽ kiếm được 100 - 140 euro một ngày chưa kể tiền bo của khách.
Dân nhà hàng thu nhập không cao nhưng lại nhờ được tiền bo của khách nên nếu làm nhân viên có khi cũng có được thu nhập 2.000 – 2.500 euro một tháng. Thu nhập vậy, nhưng tiền thu nhập thực tế có đóng thuế có khi chỉ 1.000 – 1.500 euro, số còn lại là tiền không đóng thuế.
Nên dân nhà hàng hay dân làm móng tay ở bên Tây diện ngất trời, xài toàn đồ xịn vì có tiền đen nên mua sắm ăn uống sướng tay sướng miệng. Người ta mở nhà hàng hay tiệm móng tay không chỉ để kinh doanh, nhưng cũng có thể là để rửa tiền trồng cỏ.
Tiền đen chuyển về Việt Nam thường không đi qua ngân hàng, trong nhưng trang Facebook của người Việt thường hay thấy những người rao gọi trao đổi tiền, người nhà ở Việt Nam nhận tìền Việt, bên này sẽ có người trả lại bằng tiền euro. Nhưng cũng có những người thuê người đi làm hợp pháp có bảng lương chuyển tiền về Việt Nam cho họ với giá 100 euro cho một lần chuyển 5.000 euro về Việt Nam. Họ chẳng phải làm gì, chỉ việc bấm lách cách trên internet mấy cái rồi nhấn enter, phía Việt Nam nhận được tiền là nhận được tiền công.
39 nạn nhân vẫn không làm cho những lời quảng cáo tuyển dụng lao động nước ngoài giảm đi. Những người thông báo tuyển dụng lao động Châu Âu công bố mức lương 1.500 – 2.000 euro một tháng, trong khi mức lương ở Anh là 3.000 - 4.000 bảng. Đây là mức lương được cho là chính thức. Nếu họ tằn tiện, lại được chủ bao ăn ở thì có thể gom góp được 15 - 20 ngàn một năm (350 - 500 triệu).
Những người trồng cỏ, làm lậu mới để dành được nhiều tiền như vậy ! Người sống hợp pháp phải đóng thuế nhiều, chi trả nhiều thứ từ tiền nhà, điện nước, bảo hiểm, thuế nhà, thuế môi trường, xe cộ rồi ăn uống thêm con cái… thì với mức lương 1.500 -2.000 euro sẽ không thể nào để dành được 15 - 20 ngàn một năm. Cùng lắm chỉ dôi ra chừng năm ba ngàn là kịch trần.
Người sống hợp pháp, trừ khi lương thật cao (có khi lên tới cả hai chục ngàn một tháng) thì may ra mới có thể có dư để gởi về cho gia đình một năm hơn cả tỷ bạc (gần 40 ngàn euro) để xây nhà. Vậy cho nên khi người vùng xứ Nghệ hồ hởi khoe kiều hối về vùng quê họ lên tới hơn 200 triệu đô la một năm để nhà nhà xây villa và mua xe hơi chạy thì chỉ có thể là tiền đen/tiền bất hợp pháp chứ không thể là đồng tiền chân chính.
Quảng cáo tuyển lao động ở Anh với việc làm đơn giản và mức lương cao đáng ngờ ?!
39 người thiệt mạng, nhưng hàng chục ngàn người đi lọt, hàng chục ngàn người gởi hàng trăm triệu đô la về cho người thân, biến cả làng miền trung thàng làng tỷ phú thì người ta sẽ vẫn đi chui để kiếm tiền gởi về nhà xây vila mua xe hơi cho bằng nhà hàng xóm.
Và còn người đi chui, người đi du lịch trốn ở lại để lao động bất hợp pháp thì sẽ vẫn còn các quốc gia phát triển không cho phép người Việt được tự do nhập cảnh. Và quyền lực hộ chiếu của Việt Nam, quyển hộ chiếu màu xanh lá cây vẫn sẽ được đẩy về loại "các hộ chiếu yếu nhất".
Mình có thế nào thì người ta mới như thế chứ !
Khánh Anh
Nguồn : VNTB, 03/11/2019
*****************
Sổ thông hành Việt Nam tụt 15 bậc, thua cả Cambodia
Tr.N, Người Việt, 02/11/2019
Thứ hạng năm 2019 của sổ thông hành (passport) Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "sổ thông hành yếu nhất thế giới".
Sổ thông hành Việt Nam bị tụt 15 bậc, thua cả Cambodia. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên ngày 1/11/2019, chỉ số xếp hạng sổ thông hành Henley Passport Index quý 4-2019 vừa được Hãng Tư Vấn Đầu Tư Và Định Cư Henley & Partners công bố.
Bảng xếp hạng hiệu lực sổ thông hành của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng sổ thông hành đi vào mà không cần xin trước chiếu khán (visa).
Theo đó, sổ thông hành của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn sổ thông hành được xếp hạng vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia. Tính trong khu vực, hiệu lực sổ thông hành Việt Nam xếp sau cả Cambodia (hạng 88, được miễn thị thực tới 53 nước) và chỉ hơn Lào hai bậc (hạng 92, 49 nước).
So với năm 2018, thứ hạng năm nay của sổ thông hành Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "sổ thông hành yếu nhất", bao gồm Bắc Hàn, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…
Cùng với Việt Nam, các quốc gia Châu Á khác có sổ thông hành bị xếp trong phần nửa sau của bảng danh sách bao gồm Trung Quốc (hạng 72, 71 nước), Indonesia (hạng 73, 70 nước), Ấn Độ (hạng 82, 59 nước)…
Các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á có sổ thông hành hiệu lực nhất là Nhật Bản và Singapore, và công dân của hai nước này có thể tự do đi đến 190 quốc gia mà không cần xin chiếu khán. Tiếp theo là Malaysia (hạng 12, đi được 177 nước), Hồng Kông (hạng 18, 168 quốc gia), Brunei (hạng 21, 165 quốc gia), Đài Loan (hạng 31, 145 quốc gia) và Macao (hạng 33, 141 nước).
Trong khi đó, Afghanistan một lần nữa đứng cuối danh sách này. Công dân Afghanistan chỉ được miễn visa tới 25 nước trên toàn thế giới.
Sau khi thông tin thứ hạng sổ thông hành Việt Nam được báo chí đưa tin, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng. "Sau vụ lao động chết ở Anh, có lẽ thứ hạng hộ chiếu (từ thông dụng của sổ thông hành mà người Việt Nam dùng – NV) của Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hạng thảm hại", bạn đọc Minh Bạch (ở Cần Thơ) bi quan bày tỏ trên báo Thanh Niên.
Còn bạn đọc Tuấn Trần (ở Hà Nội) cho biết : "Vừa rồi xin visa đi Nhật, sau khi phải chứng minh tài sản, đất đai nhà cửa, tiền bạc trong bank, xe đang sử dụng… vẫn bị từ chối, trong khi người bạn Cambodia không cần chứng minh thứ gì vẫn được OK… Nhục !"
Trong khi đó, bạn đọc Bắc Hà (ở Hà Nội) mỉa mai : "Không cần hộ chiếu mạnh, chỉ cần đi nhờ chuyên cơ của Quốc hội rồi ‘bùng’ ở Nam Hàn như chín nhân vật ‘bí hiểm’ cũng được…".
"Trong tương lai, hộ chiếu Việt Nam cũng sẽ có quyền lực như hộ chiếu của Singapore", bạn đọc tên Sơn (Sài Gòn) châm chọc thêm. (Tr.N)