‘Tin vui’ về việc hộ chiếu Việt Nam lên hạng
Trân Văn, 29/07/2023
Kết quả mới nhất mà Hanley (doanh nghiệp chuyên tư vấn về di trú) vừa công bố được chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem là "tin vui" (1). Hanley khảo sát, xếp hạng và công bố "Hanley Passport Index" theo định kỳ và dựa vào chỉ số này, thiên hạ có thể xác định mức độ hữu dụng của hộ chiếu mỗi quốc gia.
Hai mẫu hộ chiếu Việt Nam : mới (xanh tím than, trái) và cũ (xanh lá cây).
Có 199 quốc gia và lãnh thổ được Henley khảo sát và xếp hạng. Hộ chiếu do chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp phát vừa đạt hạng 82. Đại diện chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đó là "tin vui" vì đã tăng sáu hạng so với đầu năm nay (hạng 88), còn so với năm ngoái thì tăng đến 10 hạng (hạng 92).
Cần chú ý là nếu so "Hanley Passport Index" mới nhất với "Hanley Passport Index" mà Hanley công bố hồi đầu năm nay thì số quốc gia và lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho những người sử dụng hộ chiếu Việt Nam không hề thay đổi : Chỉ có 55.
Còn nếu so hai "Hanley Passport Index" được công bố trong năm nay (một vào tháng 1/2023 và một vào tháng này) với "Hanley Passport Index" công bố năm ngoái thì sẽ thấy thứ hạng của Việt Nam trong "Hanley Passport Index" tăng là nhờ có thêm Burundi ở Đông Phi – quốc gia nghèo nhất trên thế giới - chịu miễn thị thực.
Chưa hết, cho dù Henley khảo sát và xếp hạng mức độ hữu dụng của hộ chiếu thuộc 199 quốc gia và lãnh thổ nhưng "Hanley Passport Index" mới nhất chỉ có 104 hạng vì có nhiều trường hợp đồng hạng(2). Sở dĩ hộ chiếu Việt Nam tăng sáu hạng vì bảng xếp hạng đã giảm từ 109 hạng (hồi đầu năm nay) còn 104 hạng (bây giờ).
Đó cũng là lý do mà mức độ hữu dụng của hộ chiếu Afghanistan tuy tiếp tục đội sổ, số quốc gia và lãnh thổ chấp nhận miễn visa hoặc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho những người sử dụng hộ chiếu Aghanistan vẫn chỉ là 27 nhưng thứ hạng của hộ chiếu Afghanistan vẫn tăng từ hạng 109 lên hạng 104[2].
Ngoài những yếu tố như vừa đề cập, có nên hồ hởi khi so với những quốc gia nhỏ hơn cả về diện tích lẫn dân số, tài nguyên chẳng có gì đáng để kể, lại cùng khu vực vốn từng bị xem là chậm phát triển như Singapore nhưng mức độ hữu dụng của hộ chiếu cao hơn khỏang bốn lần so với Việt Nam (192/55) ?
***
Sau những thông tin liên quan đến tình trạng nhiều thanh niên "cất bằng đại học", nhiều giáo viên, kể cả công chức cấp thấp bỏ việc để ra nước ngoài bán sức nuôi thân, trợ giúp gia đình(3) là phong trào - từ học sinh đến phụ huynh cùng lắc đầu với việc tiếp tục trau dồi học vấn ở bậc đại học, dốc hết tiền để dành hoặc vay mượn, thế chấp nhà cửa, ruộng vườn nhằm tìm cho những đứa trẻ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông cơ hội bỏ xứ tha hương cầu thực – đang lan rộng ở các tỉnh phía Bắc miền Trung(4).
Thực trạng này là phần tiếp theo của giai đoạn tuy đã bắt đầu từ lâu nhưng chưa biết đến khi nào mới kết thúc : Có chịu học hay không cũng vẫn không tìm được việc làm. Nếu may mắn tìm được việc làm thì thu nhập không đủ nuôi thân, tất nhiên không thể chăm sóc thêm cho những người phụ thuộc.
Không cần ngẫm nghĩ nhiều cũng có thể mường tượng được tương lai xứ sở sẽ ra sao khi học vấn không hứa hẹn đem lại bất kỳ kết quả tốt đẹp nào và càng ngày càng nhiều người - đặc biệt giới trẻ - tin rằng, lối thoát duy nhất chính là bằng mọi giá phải ra ngoại quốc để được làm những công việc chỉ cần sử dụng tay chân.
Có nhiều lý do khiến mức độ hữu dụng của hộ chiếu một quốc gia cao hay thấp. Thực trạng như đã biết và đang thấy tại Việt Nam là một trong những lý do mà dù rất muốn nhưng chính quyền Việt Nam không thể cải thiện thứ hạng của hộ chiếu Việt Nam trong "Hanley Passport Index".
Tuy nhiên vấn đề đáng bàn hơn cả chính là không những không băn khoăn, chính quyền Việt Nam còn cố gắng biến thực trạng đáng bận tâm ấy thành "tin vui", song song với việc chế tạo rồi rắc "tin vui" là nỗ lực gieo "tự hào" về "vị thế, uy tín quốc tế", về giai đoạn mà "đất nước chưa bao giờ ‘được’ như thế này" (5).
Song đó cũng chưa phải là đỉnh về tâm và tầm của Đảng cộng sản Việt Nam - tổ chức chính trị "tài tình, sáng suốt", đang điều hành xứ sở thông qua chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đỉnh này nằm ở chỗ bất kể thực trạng tồi tệ thế nào, tương lai u ám ra sao thì công dân Việt Nam vẫn không được phép hoài nghi.
Tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, "lạc quan" là một nghĩa vụ mà tất cả mọi người từ già đến trẻ, bất kể giới tính, nghề nghiệp phải chu toàn. Nếu không là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "cơ hội chính trị" thì trăn trở, bất mãn với thực tại cũng bị xem là "non nớt, nhẹ dạ" nên bị "các thế lực thù địch, phản động kích động, lợi dụng".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/07/2023
Chú thích
(1) http://nld.com.vn/thoi-su/bo-ngoai-giao-bao-tin-vui-ve-ho-chieu-viet-nam-20230720164721241.htm
(2) https://www.henleyglobal.com/passport-index/ranking
(3) https://vnexpress.net/cat-bang-dai-hoc-di-xuat-khau-lao-dong-4605830.html
Chỉ số Hộ chiếu Henley : Việt Nam xếp vào nhóm cuối ở Đông Nam Á
RFA, 28/07/2023
Theo bảng xếp hạng của Chỉ số Hộ chiếu Henley (Henley Passport Index) hiện nay, Việt Nam đứng ở vị trí 83 trên tổng số 199 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, và đứng thứ 8 trong số 11 quốc gia ở Đông Nam Á.
Hộ chiếu mới màu tím than của Việt Nam - Người Lao Động
So với bảng xếp hạng của Chỉ số Hộ chiếu Henley năm 2022 thì thứ hạng của Việt Nam tăng lên 9 bậc (83 so với 92), tuy nhiên, số các quốc gia mà công dân Việt Nam có thể đến và không cần phải xin visa (thị thực) vẫn giữ nguyên ở con số 55.
Singapore là quốc gia có hộ chiếu quyền lực nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà cả thế giới. Công dân đảo quốc này có thể đi tới 192 quốc gia mà không cần phải xin visa.
Trong khu vực Đông Nam Á, Chỉ số Hộ chiếu Henley xếp hạng Campuchia đồng hạng với Việt Nam. Các quốc gia xếp trên là Malaysia (số 11 trên thế giới, công dân đi được 180 quốc gia khác), Brunei (20, 166), Timor-Leste (57, 94), Thái Lan (65, 79), Indonesia (70, 73), và Philippines (75, 66).
Hai quốc gia xếp cuối là Lào, xếp thứ 88 và Myanmar, xếp thứ 90. Công dân hai quốc gia này có thể đi lần lượt là 47 và 50 quốc gia mà không cần xin visa.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người từng đi nhiều nơi trên thế giới, cho biết ông gặp nhiều khó khăn khi đi công tác hoặc du lịch ở nước ngoài. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/7 :
"Bản thân tôi đi rất nhiều nước thì chỉ có đi các nước Đông Nam Á thì không phải xin visa thôi còn đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ … đều phải xin visa và khi đi xin như vậy thì năm ăn năm thua, không biết người ta có duyệt cho mình không, không biết người ta có có nghi kỵ gì mình hay không. Mình là một công dân của quốc gia cộng sản do đó gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại trên thế giới".
Một doanh nhân ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết "đã từng xin visa vào các nước như Mỹ, Trung Quốc, Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất, Maldives và không gặp khó khăn gì vì uỷ quyền cho đại lý du lịch xin cấp thị thực". Người này muốn đi du lịch các nước ở Châu Âu nhưng thủ tục cấp visa sang các nước này họ yêu cầu một số điều kiện mà người này chưa đáp ứng được.
Nhà văn Võ Thị Hảo, người cũng từng đi nhiều nơi trên thế giới, gặp rất nhiều trở ngại trong việc xin thị thực nước ngoài khi còn mang hộ chiếu Việt Nam. Kể từ năm 2015, bà có hộ chiếu của Đức nên mọi việc trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Bà chia sẻ với RFA :
"Hộ chiếu Việt Nam thì đương nhiên là nó là một trời một vực so với hộ chiếu của khối EU trong việc đi tới các nước trong việc người ta làm những thủ tục. Với hộ chiếu của Việt Nam chỉ đi được khoảng năm mươi mấy nước mà đó là những nước bình thường ít ai muốn đi đến trừ phi họ phải có công việc hoặc mối quan hệ với người thân.
Còn nếu mà đi sang những nước những nước phát triển những nước văn minh thì hộ chiếu Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục visa và làm thủ tục nhập cảnh bởi vì người ta nghĩ rằng công dân của Việt Nam hay là cái chất lượng thể chế, tầm mức thể chế của Việt Nam sẽ tạo ra những công dân ít đáng tin cậy hơn so với công dân của những nước văn minh của những nước mà cái hộ chiếu của họ được xếp hạng quyền lực, đặc biệt là loại quyền lực nhất thế giới".
Ngày 20/7, báo Người Lao Động Online có bài viết "Bộ Ngoại giao báo tin vui về hộ chiếu Việt Nam" với nội dung rằng hộ chiếu Việt Nam đã tăng 6 hạng lên thứ 92/199 trong Chỉ số Hộ chiếu Henley, và công dân Việt Nam có thể đến 55 quốc gia mà không cần xin thị thực.
Tuy nhiên, trong số 55 nước miễn visa cho công dân Việt Nam đã bao gồm 10 quốc gia của khối ASEAN. Đa phần các nước còn lại đều là các nước nhỏ, nghèo, xa xôi, ít ai muốn đến.
Bình luận về việc này, nhà văn Võ Thị Hảo nói :
"Hộ chiếu Việt Nam hiện nay dù có tăng lên độ 6 hạng chẳng hạn thì cũng toàn là những nước mà nó không có sự hấp dẫn cũng như là không có sự hấp dẫn về chất lượng sống, mức sống, nhân quyền hoặc tự do hoặc là nó không hấp dẫn về việc là sự an toàn, hầu hết là những nước rủi ro, ít sự văn minh ở đó".
Bà cho rằng Việt Nam cần phải hành động để cải thiện tình hình :
"Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cũng như người Việt Nam cần phải cố gắng rất nhiều để mình có thể được xếp hạng vào thứ hạng mà những người ở thế giới văn minh này họ thừa nhận".
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc thì cho rằng thứ hạng của một quốc gia trong bảng xếp hạng về quyền lực hộ chiếu có liên quan đến chính sách visa của quốc gia đó. Ông nói về chính sách visa của Việt Nam :
"Tôi quan niệm là không quan trọng cách xếp hạng hộ chiếu vì cách xếp hạng này nó tùy thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Đối với các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản thì vấn đề sống còn của các quốc gia này là an ninh quốc gia chống lại các thế lực thù địch, không tạo điều kiện cho những người mà họ thường nói không khuyến khích vào vì không có ý thức xây dựng đất nước.
Chính sách visa của Việt Nam là an toàn về mặt an ninh cho Việt Nam là trên hết. Người ta chưa nghĩ đến việc phải tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam dễ dàng đi ra các nước trên thế giới đi du lịch đi làm ăn đi thăm hỏi gia đình ở nước ngoài".
Hiện nay, Việt Nam mới miễn visa cho công dân của 25 nước. Ông giải thích về hệ quả của chính sách visa của Việt Nam lên thứ tự của Việt Nam trên bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu.
"Chuyện visa phải có qua có lại mà Việt Nam chỉ muốn qua mà không thích có lại, tức là hạn chế đối với các nước có quan hệ ngoại giao. Chính vì quan điểm của Việt Nam như vậy nên xếp hạng hộ chiếu của Việt Nam còn thấp hơn Timor Leste- một quốc gia rất nghèo ở Đông Nam Á.
Việt Nam phải tạo mọi điều kiện cho các quốc gia trên thế giới xin visa hoặc miễn visa vào Việt Nam thì họ mới miễn lại cho Việt Nam chứ không thể nào một chiều".
Trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp viết rằng việc xin visa cực kỳ mất thời gian, tốn kém, phiền phức, đôi khi còn thấy "nhục" nữa. Ông cũng cho rằng các quốc gia áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" và việc nhiều quốc gia không miễn visa cho công dân Việt Nam là điều dễ hiểu.
Theo ông, Việt Nam cần đàm phán để tăng số quốc gia miễn visa cho công dân Việt Nam bên cạnh việc xây dựng chính sách cởi mở hơn trong việc miễn visa cho công dân các nước, không vì phí visa và lợi ích cục bộ của một số bộ ngành mà kìm hãm sự phát triển của cả ngành du lịch và nền kinh tế cả nước cũng như sự đi lại của công dân Việt Nam ra nước ngoài.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, chính sách visa đi kèm theo việc bảo hộ công dân. Ông so sánh việc bảo hộ công dân của Việt Nam và thế giới :
"Chúng ta thấy rằng công dân của các nước Châu Âu của nước Mỹ nếu có vấn đề gì ở nước sở tại, phạm pháp hay mất giấy tờ thì họ bảo hộ công dân rất lẹ, họ làm mọi cách để cứu công dân dù công dân của công dân đó có phạm tội ở nước sở tại ngoài lãnh thổ của họ.
Bảo hộ công dân Việt Nam cũng có nhưng rất chậm, không tương xứng. Bảo hộ công dân chúng ta có thể thấy rất rõ trong các chuyến bay giải cứu".
Bên cạnh rào cản từ các quốc gia khác, nhiều công dân Việt Nam cũng gặp khó khăn khi muốn đi ra nước ngoài từ chính nhà cầm quyền trong nước. Hàng trăm công dân, trong đó có rất nhiều người hoạt động xã hội và chính trị, bị cấm xuất cảnh bởi Bộ Công an. Nhiều người trong số họ chỉ được biết việc mình không được đi ra nước ngoài sau khi đã mua vé và làm thủ tục xuất cảnh. Trong những trường hợp như vậy, không một ai trong số họ được bồi thường vé máy bay hay các chi phí khác.
Nguồn : RFA, 25/07/2023
Các đại biểu quốc hội khóa 15 vừa nhất trí bổ sung "nơi sinh" vào trang chính của hộ chiếu cấp cho công dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(1). Mẫu mới của hộ chiếu vừa được phát hành hồi tháng 7 năm nay (tạm gọi là hộ chiếu "mới xài") giờ đã được thay bằng mẫu "mới hơn".
Việt Nam hiện lưu hành hai mẫu hộ chiếu, mới (xanh tím than, trái) và cũ (xanh lá cây) cùng lúc.
Bởi mẫu hộ chiếu "mới hơn" vừa được các đại biểu quốc hội khóa 15 lựa chọn có "nơi sinh", không giống với Khoản 3 - Điều 6 của Luật Xuất cảnh và nhập cảnh từng được các đại biểu quốc hội khóa 14 thông qua hồi tháng 11/2019 (qui định về "thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh" trong Luật xuất cảnh và nhập cảnh không đề cập đến "nơi sinh") và thời gian phải xác lập, ban hành mẫu hộ chiếu "mới hơn" mẫu hộ chiếu "mới xài" quá ngắn (phải trước ngày 1/1/2023, nếu không, công dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không thể sử dụng hộ chiếu theo mẫu "mới xài" ra vào nhiều quốc gia khác) nên việc sửa một phần Luật xuất cảnh và nhập cảnh được Quốc hội khóa 15 thực hiện theo phương thức chưa từng có trong lịch sử lập pháp : dùngNghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 để thể hiện ý chí của nhân dân rồi giao cho Bộ Công an tùy nghi sửa chữa các văn bản pháp quy có liên quan đến mẫu hộ chiếu !
Việc chỉnh sửa một bộ luật theo kiểu như vừa đề cập có nhiều điểm đáng bàn nhưng xin phép tạm gác sang một bên. Qua chuyện thay "nơi sinh" trong mẫu hộ chiếu cũ bằng mã số định danh ở mẫu hộ chiếu "mới xài" nhưng ba tháng sau phải bỏ để tái bổ sung "nơi sinh", kẻ viết bài này chỉ mạo muội lạm bàn về "sự nghiệp số" ở Việt Nam.
***
Theo đề nghị của Bộ Công an, chính phủ đã sắp xếp cho ông Tô Lâm giới thiệu với các đại biểu quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) Dự luật xuất cảnh và nhập cảnh do Bộ Công an soạn thảo. Vào thời điểm đó (hạ tuần tháng 5/2019), ông Tô Lâm bảo với các đại biểu quốc hội rằng phải có Luật xuất cảnh và nhập cảnh và đổi mẫu hộ chiếu vì đó là "xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0" (2).
Mẫu hộ chiếu mới theo "xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0" có hai yếu tố liên quan đến "sự nghiệp số" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam : Thứ nhất, có chip ghi chép và lưu trữ các thông tin cá nhân của người sử dụng hộ chiếu. Thứ hai, có mã số định danh của người sử dụng hộ chiếu.
Dự luật xuất cảnh và nhập cảnh trở thành luật thực định cho lĩnh vực xuất cảnh và nhập cảnh từ tháng 11/2019 nhưng đến tháng 7/2022 – thời điểm cấp phát hộ chiếu mẫu mới – Bộ Công an vẫn chưa làm được hộ chiếu có chip điện tử, "sự nghiệp số" của Bộ Công an gặp trắc trở đầu tiên nhưng chưa phải là cuối cùng.
Để đeo đuổi "xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0", Bộ Công an xây dựng kho dữ liệu về thông tin cá nhân của công dân, áp cho mỗi công dân một mã số định danh. mã số định danh là chuỗi 12 số in cả trên căn cước lẫn hộ chiếu mẫu mới. Vì "nơi sinh" đã được "số hóa" thành ba số đầu trong chuỗi mã số định danh nên hộ chiếu mẫu mới không có "nơi sinh".
Tuy nhiên nỗ lực "số hóa" theo kiểu đó không giống ai nên trở thành bất khả thi bên ngoài biên giới Việt Nam. Chẳng viên chức hữu trách nào trong lĩnh vực di trú và hành chánh của những quốc gia khác thèm đối chiếu qui định về "số hóa" dữ liệu cá nhân do Bộ Công an ban hành để xác định đương sự sinh ở đâu.
"Cuộc cách mạng công nghệ 4.0" của Bộ Công an Việt Nam nói chung và ông Tô Lâm nói riêng rõ ràng là hết sức "khó khăn, gian khổ" vì phần còn lại của nhân loại không đồng điệu. Tại sao "số hóa" là "xu hướng tất yếu" mà Việt Nam vẫn phải bỏ mẫu hộ chiếu "mới xài" đã được "số hóa" để thay bằng mẫu hộ chiếu "mới hơn" có "nơi sinh" viết bằng chữ như mẫu hộ chiếu cũ ? Có thể vì dưới sự lãnh đạo của đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ, "sự nghiệp số" của Việt Nam phải vắn số !
***
Đầu thập niên 2000, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu huyên thuyên về việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ "sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Theo thời gian, ứng dụng công nghệ thông tin được dán nhiều nhãn khác nhau :Kinh tế tri thức, Cách mạng công nghệ 4.0, Chuyển đổi số… Tuy đã đổ rất nhiều tiền vào việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng đến 2020, Việt Nam vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra :Trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại !
Đến giờ, những dấu ấn sâu đậm nhất trong quá trình thúc đẩy các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nếu không là các đại án (Chẳng hạn vụTrung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao, tậndụng yêu cầu giám sát các hoạt động "số hóa" để khoác cho Công ty Đầu tư và Phát triển an ninh công nghệ caotấm áo "bình phong" để "tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hayvụ Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội, tận dụng "số hóa" để giao cho Công ty Nhật Cường làm nhà thầu cho đủ loại dự án liên quan đến "số hóa") thì cũng là những scandal như hộ chiếu mẫu mới vì dùng mã số định danh thay "nơi sinh" mà phải hủy.
"Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã được… gia hạn đến 2030 và cho phép… co giãn đến 2045(4), đảng lại ban hành thêm nghị quyết (Nghị quyết52-NQ/TW), chính phủ lại công bố chương trình mới (Quyết định 749/QĐ-TTg) nhằm "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số" Nghị quyết 52-NQ/TW được BCH TƯ đảng ban hành hồi tháng 9/2019, Quyết định 749/QĐ-TTg được phê duyệt hồi tháng 6/2020 nhưng trong đợt dịch Covid-19 thứ tư hồi năm ngoái (2021), Việt Nam không tạo ra được ứng dụng công nghệ thông tin nào cho ra hồn để theo dõi - phòng ngừa dịch bệnh trên toàn quốc(5). Không phải tự nhiên mà những người am tường hoạt động của lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam khẳng định, nếu lật lại hồ sơ chi tiêu cho các ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi - phòng ngừa Covid 19 tại Việt Nam, chắc chắn sẽ có thêm một scandal nữa mà tính chất chẳng thua gì scandal Việt Á.
Đến giờ, "sự nghiệp số" tại Việt Nam vẫn thế - vẫn tiến những bước mạnh mẽ nhưng rất ngắn như thay đổi mẫu hộ chiếu "mới xài" rồi hối thúc nhau sớm đổi sang mẫu hộ chiếu "mới hơn". Chẳng riêng hệ thống công công quyền, hệ thống chính trị như Quốc hội cũng thích như thế cho nên trong kỳ họp vừa qua, dù chi phí cho một ngày hội họp được tính bằng tỉ đồng nhưng Quốc hội vẫn dành nhiều ngày để bàn về chuyện bán "số" kiểm soát xe hơi, để băn khoăn xem có nên cấp biển có hai số cuối là 49 và 53 hay không ! "Số" nào cũng là số và chỉ cần quan tâm đến số là có thể "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số" không theo nghĩa này thì theo nghĩa kia. Vậy thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/11/2022
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/quoc-hoi-dong-y-bo-sung-noi-sinh-vao-mau-ho-chieu-moi-4536304.html
(3) https://vietnam.diplo.de/vn-vi/dichvulanhsu/05-VisaEinreise/-/2547656
(5) https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dung-roi-boi-vi-loan-ung-dung-phong-chong-dich-covid19/739348.vnp
Một cuộc tẩy chay và sự lúng túng
Bỗng dưng, không hiểu vì đâu, những thông tin làm nóng cả mạng xã hội và dư luận Việt Nam cả tuần nay về cuốn hộ chiếu Việt Nam. Đó là thông tin các nước đã lần lượt từ chối cấp visa, không công nhận cuốn hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam. Bởi ở đó, các công dân không được chứng nhận nơi sinh, điều mà khắp nơi trên thế giới đều coi như một sự bắt buộc để xác định nhân thân mỗi con người.
Bắt đầu từ Đức, rồi Tây Ban Nha, rồi Cộng hòa Séc và sau đó là Phần Lan và các nước khác trong khối Schengen không cấp visa cho công dân Việt Nam. Thậm chí, công dân Việt Nam nếu đã được cấp visa, thì được khuyên không nên đến cửa khẩu các nước đó, bởi vì họ sẽ không được nhập cảnh.
Thế là người dân tá hỏa, các công ty du lịch hoảng hốt… Hàng loạt các hoạt động, đi lại và thăm viếng, hàng loạt kế hoạch công việc của công dân bị đổ vỡ.
Thế là loạn. Hàng trăm ngàn hộ chiếu đã được cấp, trở nên những chướng ngại ngăn cản công dân sử dụng khi đi ra nước ngoài. Xã hội bất ngờ, người dân phản ứng, thế giới lên tiếng.
Bộ Công an vẫn khẳng định : Bộ Công an làm đúng, nghĩa là cả thế giới sai.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vẫn khẳng định trước Quốc hội : Cấp như vậy là đúng với luật về xuất nhập cảnh của Việt Nam, nếu sửa lại thì phải sửa luật xuất nhập cảnh. Điều đó có nghĩa là với luật xuất nhập cảnh của Việt Nam hiện tại, thì những chiếc passport đã cấp từ trước đến nay đều không đúng luật xuất nhập cảnh Việt Nam. Và những tấm hộ chiếu của thế giới, hàng triệu, hàng chục triệu người đã vào Việt Nam từ trước đến nay, vẫn không đúng với luật xuất nhập cảnh Việt Nam ?
Câu hỏi đó không có câu trả lời.
Chỉ biết rằng, sau khi các nước phản ứng và không chấp nhận, thì người ta thấy Bộ Công an Việt Nam dù khẳng định nhiều lần là mình làm đúng, nhưng vẫn không kiên trì cái đúng của mình, ngược lại còn huy đông cả Bộ Ngoại giao, các cơ quan chính phủ làm việc với các nước để đề nghị "thông cảm, giúp đỡ".
Và biện pháp của Bộ Công an giải quyết cái đúng của mình, là Bộ Công an sẽ xác nhận, bị chú thêm nơi sinh, nếu công dân yêu cầu. Nghĩa là sẽ làm ơn cho công dân được bị chú nơi sinh. Và vì Bộ Công an làm đúng, nên không ai chịu trách nhiệm, hoặc có chịu trách nhiệm chỉ để "cho vui". Còn lại thì dân chịu. Bỏi Công an đã làm đúng, nhưng ở đây chỉ là để "tạo điều kiện cho công dân".
Để giải thích điều này, các thông tin không chính thức cho biết : Chỉ vì nhiều nước hay "soi" xuất xứ công dân ở một số địa phương nổi tiếng vi phạm khi nhập cảnh đất nước họ để lao động, để làm thuê, để làm nô lệ cho "Bọn chó săn đế quốc" – theo định nghĩa của Đảng - nên khó khăn trong việc đưa công dân những nơi đó ra nước ngoài.
Và Bộ Công an có sáng kiến bỏ luôn nơi sinh.
Đây được coi là sáng kiến, là : "Việt Nam làm được những việc mà thế giới không làm được" – lời Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, Phó Ban Tuyên giáo.
Và mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ đó.
Và người ta hỏi lại : Nếu các nước cứ giới hạn tuổi tác khi nhận người Việt Nam làm nô lệ, thì liệu Bộ Công an có bỏ luôn cả ngày tháng năm sinh luôn không ?
Và giả sử, nếu các nước cảnh giác với những dòng họ đem lại nhiều rắc rối, gieo rắc Chủ nghĩa cộng sản đi các nơi, như họ Hồ, thì liệu Bộ Công an có bỏ luôn họ passport công dân hay không ?
Nối tiếp những dự án
Những lợi ích của cá nhân, của phe nhóm, của đảng phái là chính đã là cơ sở cho mọi chủ trương, đường lối và hành động của nhà nước độc tài mà bỏ qua mọi yêu cầu cần thiết của đất nước, của nhân dân.
Những ngôn từ "của dân, vì dân, do dân"… chỉ là xảo ngôn và lừa mị đám dân chúng hoặc thừa lòng tin, hoặc thiếu lý trí, hay quá nhiều sự hèn nhát không dám mở miệng đòi hỏi lợi quyền của mình.
Mới đây, người dân điêu đứng vì những chủ trương, chính sách và hành động với chiêu bài "vì dân, do dân" của Bộ Công an với biết bao dự án tiền dân đổ sông, đổ bể.
Bắt đầu từ dự án thay thế "Chứng minh Nhân dân" mà người dân sử dụng xưa nay bằng "Căn cước Công dân" thẻ nhựa. Hệ thống quan chức, báo chí được dịp tung hô loại hình căn cước công dân được thay mới cho dân bảo đảm độ bền lâu dài, an toàn, chống làm giả, thuận tiện…
Và thế là cả hệ thống Công an được đầu tư số tiền khổng lồ để mua sắm đủ loại máy móc, con người được học tập, tập huấn và các loại vật tư, cấp đủ 96 triệu chiếc Căn cước Công dân có độ bền hàng chục năm.
Thuận tiện ở đâu chưa biết, chỉ khổ người dân lại đôn đáo xin Công an xác nhận rằng "Tôi là tôi" khi đi làm thủ tục liên quan đến nhân thân của mình, vì loại mới không xác định có đúng người cũ đã liên hệ trước đây hay không.
Thế rồi vừa kịp để cấp xong, nhiều chiếc thẻ chưa kịp khô mực, thì yếu tố độ bền hàng chục năm đã không cần thiết. Bởi Bộ Công an đã có dự án mới : Đổ tiền dân ra mua máy móc mới, vật liệu, con người… hàng ngàn tỷ đồng để lại thay mới Căn cước Công dân có gắn chip. Việc thay thế được tiến hành với tính chất thời chiến. Nghĩa là làm ngày làm đêm, động viên đủ loại sức người, sức của để hoàn thành dự án.
Và như vậy, hàng chục ngàn tỷ đồng tiền dân đã kịp đổ ra sông ra biển và chui vào túi quan chức.
Thấy dễ ăn, và người dân cứ vậy im tiếng mặc cho đảng, cho công an thỏa sức móc tiền làm dự án, Bộ Công an ra quyết định lập dự án mới : Thay passport công dân. Chiếc passport từ màu xanh lá cây, nay chuyển sang tím than… Đặc biệt, từ chỗ đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh, nay Bộ Công an có sáng kiến mới : Bỏ luôn nơi sinh trong Hộ chiếu.
Nguyên nhân những tai họa
Trong lịch sử hình thành và tồn tại của cộng sản trên đất nước Việt Nam, có thể nói tắt một câu rằng : Đó là Tai họa của dân tộc.
Bởi không cần chứng minh dài dòng, thì ai cũng biết điều này : Ở những đất nước, những xã hội mà Chủ nghĩa cộng sản không có đất sống, bị tẩy trừ ngay từ đầu, thì ở đó, văn minh nhân loại được nảy nở và phát triển, con người trở thành trung tâm của thế giới.
Ngược lại, những nơi có cộng sản – nghĩa là được sự lãnh đạo "tuyệt đối, sáng suốt" của người cộng sản – thì ở đó, là địa ngục của trần gian ngay giữa lòng thế giới hiện đại. Bắc Hàn, Cuba, Trung Quốc, Venezuela… là điển hình, không cần nói nhiều. Và Việt Nam cũng là một ví dụ rất cụ thể.
Đó là nói về phương diện tổng quát, về một quá trình lịch sử của thế giới và của các dân tộc.
Riêng từng giai đoạn cụ thể, với đất nước cụ thể như Việt Nam, thì trí tuệ của đảng, bao giờ cũng được trả lời bằng những tai họa của dân tộc, của đất nước.
Những tai họa ấy, thể hiện bằng những chính sách, những chủ trương và những hành động của từng nhân vật, từng lãnh đạo mà không hề trừu tượng và khó hiểu.
Trong đó, vấn đề đầu tiên, là con người nói chung và những người lãnh đạo, những người có trách nhiệm nói riêng.
Và điều đó, cũng thể hiện qua từng giai đoạn và công việc mà người cộng sản đã làm.
Chẳng hạn : Những năm gần đây, các quan chức cộng sản Việt Nam cứ mở miệng ra là "chuyển đổi số" là "chính phủ điện tử", là những từ ngữ mà người dân nghe cứ cao siêu và khó hiểu, nhất là đối với đám dân nghèo, đám cùng đinh hoặc tầng lớp chịu sự lãnh đạo của đảng gần một thế kỷ nay mà vẫn cứ được đánh giá là "dân trí thấp".
Thế nhưng, nó là một cái "Mốt" cho các cán bộ trong những khi giảng thuyết, trong các bài phát biểu, chém gió… Mặc dù, điều hài hước là nhiều khi chính các quan chức luôn miệng "chuyển đổi số" hay "chính phủ điện tử" cũng chẳng hiểu "số" hoặc "điện tử" là cái gì.
Có vô vàn ví dụ về điều này :
- Tháng 6/2018, Thượng tướng Võ Trọng Việt, đã cặm cụi đọc trước Quốc hội rằng : "Hiện naу, ‘gu gờ’ ᴠà ‘bê… phê tê bốc’ đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông ᴠà Sinh-ga-bo. Nếu qui định của luật nàу có hiệu lực thì doanh nghiệp nàу phải dịch chuуển đám mâу điện toán, đám mâу ảo ᴠề Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…".
Những từ như Facebook, đám mây điện toán, đám mây ảo… là những cái mà ông ta vẫn không có khái niệm. Vậy mà vẫn là Chủ nhiệm Ủу ban Quốc phòng ᴠà An ninh của Quốc hội.
Có sao đâu. "Quốc hội là của dân, sai thì dân chịu chứ kỷ luật được ai" – lời Nguyễn Sinh Hùng, Cựu chủ tịch Quốc hội cộng sản Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành thì hùng hồn nói về : "mạng Gugồ chấm Tiên Lãng" đã làm dậy sóng cộng đồng xã hội về khả năng, trình độ của một vua xứ Hải Phòng. Thế nhưng, sau khi chứng minh trước thiên hạ khả năng, trình độ của mình như vậy, anh ta được nâng chức lên Thứ trưởng Bộ Công an.
Mới đây, tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50, Bộ Công an, bị đưa ra trước vành móng ngựa, đã khai trước Tòa rằng mình không biết sử dụng máy tính.
Nhiều người choáng với tin này.
Nhưng đâu có gì là lạ. Bởi vấn đề trình độ, khả năng đâu có quan trọng với cán bộ Việt Nam. Bởi từ xưa đến nay, trong cái chế độ mà thằng mù dẫn đường cho thằng sáng, thì chẳng có gì là không xảy ra.
Ở đất nước này, đã chẳng từng có Chủ tịch nước mới chỉ học xong lớp 5, đã trở thành "Lãnh tụ thiên tài" đó sao. Đã chẳng từng có những tên thiến lợn, tên phu đồn điền thất học lên làm Chủ tịch nước, làm Tổng Bí thư đó sao.
Thế nên, cái sự học, cái năng lực, chẳng phải là cơ sở để lựa chọn người lãnh đạo ở một đất nước "lấy hồng hơn chuyên".
Thế nên, mọi chủ trương, mọi đường lối hành động của lãnh đạo cộng sản Việt Nam không hẳn cần đi với khoa học, với quy luật, không nhất thiết phải đem lại lợi ích cho nhân dân, cộng đồng hoặc đất nước. Mục đích chính, vẫn là để khẳng định sự độc tài, toàn trị và duy ý chí luôn luôn phải được thực hiện, triệt để và bất chấp hậu quả.
Và sáng kiến, trí tuệ của đảng, đã lại tiếp tục là tai họa cho nhân dân, cho đất nước và dân tộc.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 23/08/2022 (nguyenhuuvinh's blog)
Nói cách khác, ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của "cuộc cách mạng công nghệ 4.0".
Việt Nam hiện lưu hành hai mẫu hộ chiếu, mới (xanh tím than, trái) và cũ (xanh lá cây) cùng lúc.
Thêm sự kiện hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam bị Đức từ chối tiếp nhận và giải quyết nhu cầu nhập cảnh vì thiếu yếu tố "nơi sinh" (1) cho thấy, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam có vấn đề về năng lực.
***
Hạ tuần tháng 5 năm 2019, trước Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 – 2021), ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Đại biểu Quốc hội khóa 14, kiêm Bộ trưởng Công an, chính thức giới thiệu Dự luật về Xuất nhập cảnh. Theo đó, Bộ Công an sẽ phát hành hộ chiếu mẫu mới. Hộ chiếu mẫu mới có hai loại để công dân lựa chọn, loại có chip điện tử hoặc không. Sở dĩ có hộ chiếu mang chip điện tử vì đó là "xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay" (2).
Nói cách khác, ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của "cuộc cách mạng công nghệ 4.0". Hơn ba năm sau – tháng 7 năm 2022 – thời điểm Bộ Công an bắt đầu phát hành mẫu hộ chiếu mới, công dân nào muốn chọn loại hộ chiếu có chip điện tử thì không được cấp hộ chiếu theo mẫu mới vì Bộ Công an chưa làm được loại hộ chiếu này, Bộ Công an đã cố gắng nhưng chưa theo được "xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0". Điều đó mặc nhiên đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Công an có hạn chế về khả năng quản trị và điều hành hoạt động của Bộ Công an trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Ngoài hộ chiếu theo mẫu mới gặp trục trặc không đáp ứng được cam kết trước Quốc hội, trước công chúng, việc thay đổi căn cước công dân cũng vậy. Thay đổi căn cước công dân là một phần trong "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (do tên của đề án quá dài dòng nên được Bộ Công an chủ động gọi tắt là "Đề án 06"). Giống như hộ chiếu theo mẫu mới, "Đề án 06" cũng do ông Tô Lâm khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, ông tuyên bố đó là "mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật công tác" (3).
Cả chính phủ lẫn Bộ Công an không cho biết cụ thể việc triển khai "Đề án 06" ngốn bao nhiêu tiền nhưng tính chất (xây dựng, duy trì kho dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030), cũng như qui mô của việc thực hiện "Đề án 06" (đối với toàn dân trên toàn quốc) chắc chắn phải tính bằng ngàn tỉ. Thượng tuần tháng này, một Thứ trưởng Công an mới phân bua với Quốc hội, việc cấp phát căn cước công dân không như hứa hẹn vì "có nhiều lỗi" (3).
Trước nay, thiên hạ luôn dùng hiệu quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức làm thước đo năng lực của cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó. Đó cũng là lý do cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức bị buộc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức mà họ quản trị, điều hành. Dựa vào tiêu chí ấy và kết quả của việc triển khai cấp phát hộ chiếu mẫu mới cũng như căn cước công dân theo các loại kế hoạch, đề án có tính chất pháp lệnh, rõ ràng ông Tô Lâm có vấn đề về năng lực.
***
Ngoài những hạn chế về năng lực quản trị - điều hành hoạt động Bộ Công an, còn có thể tìm thấy những biểu hiện khác liên quan đến sự chủ quan của ông Tô Lâm trong chính các sự kiện liên quan đến chỉ đạo – giám sát lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh mà không cần phải dụng công tìm kiếm thêm ở các lĩnh vực khác. Ví dụ đầu tiên nằm ở việc thiếu "nơi sinh" trong hộ chiếu theo mẫu mới.
Trước nay, "nơi sinh" hay "Place of birth" luôn là một trong những yếu tố cấu thành dữ liệu giúp nhận diện cá nhân để tránh những sai sót khi vận hành bộ máy quản lý hành chánh nhằm bảo vệ trật tự, trị an (4). Đó cũng là lý do mà gần như quốc gia nào cũng muốn xác định một cá nhân sinh ở đâu và ghi chú rõ ràng "nơi sinh" của đương sự trên tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Việt Nam không khác phần còn lại của thiên hạ cho đến khi sáng tạo mẫu hộ chiếu mới.
Trong hộ chiếu theo mẫu mới, Bộ Công an Việt Nam chủ động thay "nơi sinh" bằng mã số định danh với 12 chữ số. Từ "sáng kiến" của Bộ công an Việt Nam, khi kiểm tra "nơi sinh" của công dân Việt Nam, nếu đương sự có hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới, các viên chức hữu trách phải biết và phải có danh sách nơi sinh đã được "số hóa" để tra cứu xem đương sự sinh ở đâu - nhóm ba chữ số đầu trong 12 chữ số định danh (5). Danh sách "nơi sinh" đã được "số hóa" theo kiểu này dài bảy trang.
Khi Bộ Công an Việt Nam quyết định như vậy, các viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền của Việt Nam không muốn cũng phải tra hoặc học thuộc lòng danh sách đó nhưng thiên hạ thì không.
Buộc các viên chức làm việc trong hệ thống quản lý hành chánh – quản lý di trú của tất cả các quốc gia trên thế giới phải tìm danh sách xác định "nơi sinh" mà Việt Nam đã "số hóa", rồi phải tra hoặc phải học thuộc lòng danh sách ấy chỉ để xác định yếu tố "nơi sinh" của những đương sự là công dân Việt Nam không chỉ vô lý mà còn bất khả thi. Không phải tự nhiên mà các cơ quan ngoại giao Đức loan báo, Đức không thể chấp nhận hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới và đừng dùng hộ chiếu theo mẫu mới đến Đức (6).
Chưa biết sau Đức sẽ còn những quốc gia nào từ chối giải quyết nhu cầu đi lại, di trú (thăm thân nhân, du lịch, du học, tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất - kinh doanh, định cư) của công dân Việt Nam chỉ vì "sáng kiến" bỏ "nơi sinh" và thay bằng mã số định danh nên ngoài việc cấp hộ chiếu theo mẫu mới, Việt Nam phải cấp thêm "Giấy chứng nhận nơi sinh" nhưng có thể dựa vào chính "sáng kiến" đó để nhận định, ở vị trí người có quyền lực cao nhất trong Bộ Công an, ông Tô Lâm không thể thoái thác trách nhiệm khi phê duyệt "sáng kiến" hết ý này !
Áp dụng "sáng kiến" hết ý ấy có khác gì buộc hệ thống công quyền các quốc gia phải tổ chức "tập huấn" cho tất cả viên chức hành chánh – di trú của họ để giải quyết nhu cầu đi lại, di trú của riêng công dân Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?
Riêng trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, sự chủ quan của ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Công an còn thể hiện qua nhiều sự kiện khác. Ví dụ việc không nhìn ra để gỡ bỏ ngay lập tức những rào cản trong quản lý xuất nhập cảnh – ngăn chặn công dân Việt Nam hồi hương giữa đại dịch, tạo điều kiện cho thuộc cấp câu kết với viên chức của những ngành khác (ngoại giao, y tế, giao thông – vận tải) "nhận hối lộ" từ hàng ngàn "chuyến bay giải cứu"...
Hay sự bất cập về chính sách visa (các qui định liên quan đến việc cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho người ngoại quốc) khiến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung không thể phát triển, đặc biệt là hết sức khó khăn dù muốn hồi phục sau đại dịch. Ai cũng biết, chính sách visa phụ thuộc vào năng lực bảo vệ trật tự, trị an của Bộ Công an mà năng lực này lại phụ thuộc vào năng lực cá nhân của ông Tô Lâm.
Tại sao những quốc gia khác không ngừng thay đổi chính sách visa của họ theo hướng thông thoáng hơn để kích thích du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an tại xứ của họ mà Việt Nam thì không ? Chỉ có một câu trả lời, đó là ông Tô Lâm không thể suy tính và Bộ trưởng Công an không thể đưa ra ý tưởng nào nhằm cải thiện chính sách visa theo hướng tích cực hơn mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an như các đồng nhiệm ở những xứ khác đã làm cũng như đang làm.
Theo thông lệ quốc tế, chính sách visa của tất cả các quốc gia trên thế giới hình thành trên cơ sở "có đi, có lại". Khi Việt Nam đặt ra đủ loại hạn chế trong việc xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân những quốc gia khác thì chính phủ những quốc gia đó cũng sẽ áp dụng những hạn chế tương tự đối với công dân Việt Nam. Đó là lý do giá trị sử dụng (mà nhiều cơ quan truyền thông chính thức của Việt Nam thường gọi nôm na là "mức độ quyền lực") của hộ chiếu Việt Nam thua xa hộ chiếu của nhiều quốc gia.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/07/2022
Chú thích
Phạm Thành Nhân, Việt Báo, 01/08/2022
Chỉ vì thiếu thông tin nơi sinh trên hộ chiếu - "lỗi" không phải do họ, công dân Việt Nam đã không được nhập cảnh Đức. Cách xử lý vấn đề của cơ quan chức năng lại nhiêu khê.
Tấm hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam khiến công dân Việt Nam không thể nhập cảnh ngắn hạn vào Đức - Ảnh : Nguoinghe
Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, ngoài việc đổi màu bìa (không rõ để làm gì và dựa trên cơ sở khoa học hay thông lệ quốc tế nào) còn thay đổi cả nội dung với số định danh cá nhân được thêm vào và loại bỏ thông tin về nơi sinh. Kết quả : những người mang hộ chiếu mẫu mới đã bị Đức từ chối nhập cảnh ngắn hạn, thậm chí yêu cầu các nước trong khối Schengen khi cấp visa nhập cảnh cho công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu mẫu mới phải loại bỏ Đức khỏi phạm vi hiệu lực của visa.
Câu hỏi là : vì sao cần/phải bỏ thông tin về nơi sinh của công dân Việt Nam trên hộ chiếu trong khi hộ chiếu của các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đều có thông tin này ? Việc bỏ thông tin nơi sinh trên hộ chiếu Việt Nam mang lại lợi ích gì cho công dân khi ra nước ngoài, khi thực hiện các thủ tục hành chính ở các nước ? Các cơ quan chức năng nước ngoài liệu có khả năng truy cập vào dữ liệu dân cư Việt Nam từ số định danh cá nhân để xác minh nơi sinh của công dân Việt Nam không ? Cứ cho là có thì đó chẳng phải là thêm một bước kiểm tra thay vì mọi thứ nằm ngay trước mắt họ, dễ dàng và thuận tiện ? Nếu lý do bỏ bớt thông tin chỉ để trống chỗ cho các hình ảnh danh lam thắng cảnh, chủ quyền đất nước thì e khó thuyết phục bởi bản thân những hình ảnh ấy đều được in chìm.
Hộ chiếu in cũng đã in rồi, cấp cũng đã cấp rồi và hậu quả cũng đã xảy ra rồi, song thay vì bổ sung (trả lại) thông tin nơi sinh của cá nhân vào hộ chiếu cho giống nhiều nước, ta lại áp dụng một cách xử lý khác phiền toái hơn : cấp giấy xác nhận nơi sinh cho người Việt mang hộ chiếu mẫu mới tại Đức. Đương nhiên, để được cấp xác nhận nơi sinh - thông tin lẽ ra nên có sẵn trên hộ chiếu và thực tế đã có trên hộ chiếu mẫu cũ, công dân Việt Nam cần làm đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu cũ. Vậy, lẽ nào số định danh in trên hộ chiếu mới không giúp Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tra được thông tin nơi sinh của công dân mà vẫn phải trình giấy ?
Hộ chiếu là loại giấy tờ chứng minh nhân thân cực kỳ quan trọng của một người khi ra nước ngoài. Việc thay đổi mẫu hộ chiếu, dù với bất kỳ lý do gì, phải đảm bảo được sự tiện lợi cho công dân, đảm bảo sự thông suốt trong mọi hoạt động của công dân ở nước bạn. Một khi đã phát sinh bất cập, cơ quan chức năng nên có phương án xử lý đơn giản và ít phiền hà nhất cho người dân thay vì yêu cầu người dân phải làm đơn rồi trình giấy để xử lý một “lỗi” vốn không phải do người dân gây ra.
Đến tận lúc này, người viết vẫn không hiểu vì sao phải bỏ thông tin nơi sinh của công dân khỏi hộ chiếu.
Phạm Thành Nhân
Trong một diễn biến mới về cuốn hộ chiếu serial P Việt Nam mới cấp từ tháng 7/2022, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội vừa thông báo họ vẫn công nhận hộ chiếu này.
Nơi phân loại hành khách khi qua trạm kiểm tra hộ chiếu tại Phi trường Charles de Gaulle, Paris, Pháp
Tuy thế, cơ quan ngoại giao Pháp xác nhận họ biết về thông báo tạm không cấp thị thực C và D của Đức cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu loại kể trên, và cảnh báo "có sang Pháp cũng không được vào Đức".
Thông tin trên trang Facebook của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp ở Hà Nội trưa 28/07/2022 viết như sau :
"Các cơ quan của Đức mới đây đã thông báo rằng họ không công nhận, ở giai đoạn này, mẫu hộ chiếu mới do các cơ quan Việt Nam cấp kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2022, vì một số thông tin nhận dạng nhất định như tỉnh thành nơi sinh không còn xuất hiện trong đó. Do đó, các cơ quan của Đức không cấp thị thực (C-, D-) cho những hộ chiếu mới này".
"Trong thời điểm hiện tại và cho đến khi có thông báo mới, các cơ quan chức năng của Pháp vẫn tiếp tục công nhận hộ chiếu mới của Việt Nam và cấp thị thực bình thường.
"Tuy nhiên, theo thông báo của nhà chức trách Đức và trong khuôn khổ khối Schengen, thị thực do Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh cấp trên hộ chiếu mới của Việt Nam không cho phép đi sang Đức".
"Do đó, người xin thị thực mang hộ chiếu Việt Nam mới phải điều chỉnh thời gian lưu trú để loại trừ thời gian lưu trú hoặc quá cảnh tại Đức. Người có hộ chiếu đã được cấp trước đó không bị ảnh hưởng".
Ngoài ra, Đại sứ quán Pháp còn ghi thêm :
"Vì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, những người nộp đơn xin thị thực được khuyến cáo nên cập nhật thông tin".
Đây có vẻ là "tin vui" với những người Việt Nam chuẩn bị đi du lịch Châu Âu, tuy còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.
Thứ nhất, các nước trong Khu vực tự do đi lại Schengen luôn thông báo với nhau và chia sẻ dữ liệu liên quan đến việc xuất nhập cảnh của công dân các nước ngoài khu vực này.
Như Đại sứ quán Pháp đã xác nhận, phía Đức đã thông báo với Pháp về vụ việc "hộ chiếu Việt Nam không có số liệu về Nơi sinh".
Thêm nữa, Đức là quốc gia lớn nhất lại nằm giữa EU nên đa số các ngả đường bộ từ Đông Âu sang Tây Âu, xuống Nam Âu đều qua Đức, việc tránh không vào Đức gây khó khăn không nhỏ cho việc đi lại.
Trên thực tế, từ hôm qua 27/07, nhiều công ty lữ hành đưa khách Việt Nam sang Châu Âu đã phải tìm cách ứng phó, hoặc để khách mang hộ chiếu mới tạm dừng không đi, hoặc chờ phía Đức quyết định tiếp.
Một số tour du lịch công khai nói họ gợi ý cho khách chuyển tuyến đường sang Pháp, hoặc Hungary rồi từ đó đi Hà Lan, Ý... nhưng tránh qua Đức.
Cùng lúc, vẫn có các công ty du lịch nói họ "đứng ngồi không yên" vì không rõ khả năng quá cảnh qua Đức là như thế nào.
Mọi việc đổi tour trái ý khác, hay "gạt lại vài người", có khi trong cùng một gia đình người đi được người không, không phải là giải pháp tốt cho các chuyến du lịch Châu Âu mà người Việt Nam đang ưa chuộng.
Theo báo Tiền Phong, đại diện một công ty du lịch, CEO Vietfoot Travel đã "kiến nghị cơ quan chức năng liên quan và Chính phủ Việt Nam sớm nghiên cứu điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân".
Tiếp nữa là không ai rõ các nước Hà Lan, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, và một loạt quốc gia Đông Âu thuộc EU nghĩ gì về hộ chiếu mới của Việt Nam.
Một cộng tác viên của BBC chuyên làm tour du lịch tại Hungary cho biết khi hỏi vào giờ trưa (13g50) giờ Trung Âu thì một quan chức Cục Biên phòng Hungary còn chưa nghe về chuyện Đức không chấp nhận hộ chiếu mới của Việt Nam.
Hộ chiếu đúng tiêu chuẩn, nhưng thiếu nơi sinh ?
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 28/7, Tiến sĩ Luật sư Nguyễn Thành Tô hiện đang làm việc tại công ty luật Tạ Quang Huy và cộng sự tại Úc nói :
"Tôi khá bất ngờ khi hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam không có nơi sinh vì đa số các hộ chiếu chuẩn trên thế giới đều có thông tin này.
"Khi Đức không chấp nhận mẫu hộ chiếu mới thì nó có hiệu lực trên cả thế giới, chứ không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam, tức cả những người sở hữu hộ chiếu mới của Việt Nam mà đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.
"Theo tôi sẽ có hiệu ứng domino trong vấn đề này, những nước khác khi thấy Đức có động thái như vậy có thể sẽ làm theo hoặc dò xét lại kỹ càng. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cách Việt Nam chia sẻ dữ liệu với các quốc gia khác", ông Tô nhận định.
Trang Thông tin chính phủ mới đưa ra thông báo họ đã gửi công hàm đề nghị phía Đức hỗ trợ tháo gỡ vấn đề liên quan đến hộ chiếu mới. Đồng thời, trong sáng nay, Bộ Ngoại giao có buổi làm việc với Đại sứ quán Đức để sớm giải quyết vấn đề này và sẽ thông tin đầy đủ với công dân khi có kết quả sau buổi làm việc.
Hôm 27/07, Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam nói hộ chiếu mới của nước này "đúng chuẩn quốc tế".
Theo báo Lao Động, "Không hiển thị nơi sinh (bằng chữ) là một trong những điểm khác biệt giữa hộ chiếu cũ (màu xanh lá) và hộ chiếu mới (xanh tím than)".
Không hiển thị không có nghĩa là hộ chiếu Việt Nam mới không có số liệu này.
"Nơi đăng ký khai sinh được ghi trong dạng mã số ở hộ chiếu mới, cũng là số định danh cá nhân, tức số căn cước công dân 12 số.
"Với căn cước công dân 12 số, theo Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA thì 3 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh, 1 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân ; 2 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân ; 6 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
"Ví dụ, người sinh ra ở Hà Nội thì 3 số đầu tiên trên dãy số căn cước sẽ là 001, Thành phố Hồ Chí Minh là 079…", trang báo này giải thích.
Tuy thế, việc để các cơ quan biên phòng nước khác hiểu được điều này thì lại là chuyện khác.
Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội đăng hình 'hộ chiếu tím than' serial P của Việt Nam trên trang Facebook trong phần thông báo hôm 28/07
Bàn tán và bức xúc
Tin về 'hộ chiếu mới không được vào Đức' đã lan ra trên mạng xã hội từ hôm 27/07, với không ít người than phiền, cho là cách làm việc của nhà chức trách Việt Nam "có vấn đề nghiêm trọng".
Một số cũng nhắc lại các khó khăn khi thị thực đi các nước phát triển cao hơn, vì hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thứ hạng thấp (73) trên thế giới, và vào 135 nước cần có thị thực, theo một bảng xếp hạng 2022.
**********************
Hộ chiếu mới - nỗ lực dạy cộng đồng quốc tế ‘quy chuẩn’ mới ?
Trân Văn, VOA, 28/07/2022
Đức không công nhận hộ chiếu của công dân Việt Nam theo mẫu mới (bìa màu xanh tím) vì thiếu mục "nơi sinh" khiến các cơ quan hữu trách của Đức không thể xác định và phân biệt các yếu tố nhân thân của đương sự.
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam. Đức không công nhận hộ chiếu của công dân Việt Nam theo mẫu mới (bìa màu xanh tím) vì thiếu mục "nơi sinh" khiến các cơ quan hữu trách của Đức không thể xác định và phân biệt các yếu tố nhân thân của đương sự.
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an Việt Nam vừa tuyên bố :Mẫu mới củahộ chiếu phổ thông được xây dựng trên cơ sở đúng luật, đúng quy định và đúng quy chuẩn quốc tế" (1).
Tuyên bố vừa kể nhằm đáp trả lưu ý của các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Đức tại Việt Nam :Đức không công nhận hộ chiếu của công dân Việt Nam theo mẫu mới (bìa màu xanh tím) vì thiếu mục "nơi sinh" khiến các cơ quan hữu trách của Đức không thể xác định và phân biệt các yếu tố nhân thân của đương sự.
Có thể tóm lược giải thích của Đại sứ quán Đức và Lãnh sự Đức tại Việt Nam như thế này, việc Việt Nam bỏ yếu tố "nơi sinh" thay bằng "số định danh" (12 chữ số khiến các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Đức tại Việt Nam phải tự tra một danh sách khoảng bảy trang khi xem xét hồ sơ xin cấp thị thực nhập cảnh Đức.
Còn tại Đức, các cơ quan quản lý lĩnh vực di trú của quốc gia này không có danh sách liên quan đến "số định danh" vừa kể nên không thể tra cứu. Thậm chí nếu có cũng sẽ không đủ người để tra cứu mỗi khi tiếp nhận – giải quyết nhu cầu nhập cảnh hay di trú của riêng công dân Việt Nam - những người sử dụng hộ chiếu theo mẫu mới (2).
Cứ như tuyên bố của đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an thì Đức không biết "quy chuẩn quốc tế", hệ thống công quyền của của Đức ở cả bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ Đức chưa tiếp cận được "quy chuẩn quốc tế". Do vậy, Việt Nam sẽ hạ cố "trao đổi với phía Đức qua con đường ngoại giao" !?
***
Trước nay, "nơi sinh" hay "Place of birth" luôn là một trong những yếu tố cấu thành dữ liệu giúp nhận diện cá nhân (2). Đó là lý do mà gần như quốc gia nào cũng muốn xác định một cá nhân sinh ở đâu và ghi chú rõ ràng "nơi sinh" của đương sự trên tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Việt Nam cũng thế cho đến khi sáng tạo mẫu hộ chiếu mới.
Mới đây, một thành viên của diễn đàn "Tôi và sứ quán" trên facebook đã giới thiệu bốn mẫu hộ chiếu của (Czech, Đức, Mỹ, Trung Quốc) để chứng minh "nơi sinh" là yếu tố không thể thiếu trên hộ chiếu và kêu gọi mọi người ráng tìm để xem ngoài Việt Nam có quốc gia nào áp dụng "quy chuẩn" mà Việt Nam khẳng định là "quốc tế" (3).
Theo thói quen thường thấy nơi nhiều viên chức hữu trách tại Việt Nam, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an cũng đem "quy chuẩn quốc tế’ ra biện bạch mà không trưng dẫn "quy chuẩn" đó nằm ở đâu và "quốc tế" bao gồm mấy xứ ? Trong đối nội, dùng "quy chuẩn quốc tế" để biện bạch có thể chỉ khiến dân chửi rồi thôi nhưng trong đối ngoại, đem "quy chuẩn quốc tế" ra biện bạch như trường hợp này không chỉ dại mà còn xấc xược vì có khác gì chê thiên hạ còn man di !
Mẫu hộ chiếu mới sẽ gây nhiều phiền toái mới, không chỉ từ phía Đức. Nạn nhân đầu tiên sẽ là những công dân Việt Nam có nhu cầu xuất ngoại, tái định cư ở ngoại quốc. Bộ Công an và chính phủ từng hoan hỉ bố cáo : Mẫu hộ chiếu mới mẫu hộ chiếu phổ thông mới có nhiều cải tiến, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam(4) nhưng hộ chiếu không phải là thứ cứ giữ để dùng trong nhà.
Chi phí nghiên cứu cải tiến, in ấn mẫu hộ chiếu mới là bao nhiêu, thiệt hại của công dân, của doanh giới (ví dụ của các doanh nghiệp chuyên tổ chức những tour du lịch ở ngoại quốc), của nền kinh tế là bao nhiêu, ai chịu. Chưa có thống kê nhưng chắc chắn là không nhỏ và theo. "quy chuẩn Việt Nam" vẫn là dân gánh hết.
Xưa giờ, Bộ Công an vẫn thế, vẫn ba hoa để khoe chiến công. tìm thành tích nhằm giành quyền kiểm soát đủ thứ, chứ không nhận trách nhiệm. Nếu còn lấn cấn, cảm thấy khó tin thì cứ đối chiếu những tuyên bố, những xưng tụng về "căn cước công dân" và thực trạng thực hiện - cấp phát căn cước công dân như đã biết và đang thấy sẽ ra vấn đề !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/07/2022
Chú thích
(1) https://zingnews.vn/cuc-xuat-nhap-canh-ho-chieu-moi-cua-viet-nam-dung-chuan-quoc-te-post1339817.html
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Place_of_birth
Đức không chấp nhận hộ chiếu mới xanh tím than của Việt Nam vì thiếu ‘Nơi sinh’
VOA, 27/07/2022
Phái bộ ngoại giao Đức ở Việt Nam hôm 27/7 thông báo chưa chấp thuận mẫu hộ chiếu mới có bìa màu xanh tím than của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến việc đi Đức của nhiều người Việt.
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam.
Thông báo trên các trang web và trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Đức ở thành phố Hồ Chí Minh viết rằng "Kể từ bây giờ, Cơ quan đại diện Đức không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than (có số Serial bắt đầu bằng „P")".
Hai cơ quan đại diện ngoại giao của Đức cho biết thêm : "Điều đó có nghĩa là nếu quý vị có quyển hộ chiếu như vậy thì quý vị không thể nộp hồ sơ xin thị thực. Việc này căn cứ vào quyết định của các cơ quan chức năng nội địa Đức".
Về trường hợp những người có hộ chiếu Việt Nam mẫu mới và đã được cấp thị thực của Đức, phái bộ ngoại giao nước này "khẩn thiết khuyên" những người đó "không nên đến Đức" bởi vì "có nguy cơ quý vị sẽ bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới".
Phái bộ Đức cũng "xin lỗi về sự bất tiện này" và khẳng định "nếu tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ thông báo ngay cho quý vị biết".
Theo tìm hiểu của VOA, một công hàm của phía Đức gửi cho Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 27/7 và một thông báo của cảnh sát liên bang Đức trong cùng ngày nói rằng những hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 tạm thời không được công nhận ở Đức và vì thế không thể cấp thị thực vào những hộ chiếu đó.
Hai văn bản trên của phía Đức nói cụ thể hơn rằng mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam không thể hiện nơi sinh của người mang hộ chiếu, vì vậy gây khó khăn cho nhà chức trách Đức tại bộ phận xuất, nhập cảnh. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng ngay lập tức về động thái của Đức.
Hôm 1/7, Bộ Công an Việt Nam loan báo họ bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Báo chí trong nước khi đó dẫn lại thông tin từ đại diện Bộ Công an cho biết hộ chiếu phổ thông mẫu mới có nhiều cải tiến.
Dễ nhận thấy nhất là bìa hộ chiếu mới có màu xanh tím than thay cho màu xanh lá cây của mẫu hộ chiếu cũ. Một điểm mới khác là trên mỗi trang trong hộ chiếu mới đều in hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng như vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, Đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú...
Bộ Công an nói rằng những cải tiến đó góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, mẫu hộ chiếu phổ thông mới bảo đảm các kỹ thuật bảo an của quốc tế.
RFA, 27/07/2022
Đức tạm thời chưa cấp thị thực vào Đức cho những công dân Việt Nam sở hữu hộ chiếu mẫu mới với bìa màu tím than. Lý do được cho biết vì mẫu hộ chiếu này thiếu nơi sinh.
- Công An Nhân Dân
Thông báo vừa nêu được đưa ra trên trang Facebook của Đại sứ và Lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, phía Đức cho biết : "Kể từ bây giờ, Cơ quan Đại diện Đức không thể cấp thị thực vào hộ chiếu phổ thông Việt Nam theo mẫu mới màu xanh tím than có số series bắt đầu bằng ‘P’. Điều đó có nghĩa nếu quy vị có quyển hộ chiếu như vậy thì không thể nộp hồ sơ xin thị thực".
Cảnh sát Liên Bang Đức thuộc Bộ Nội vụ nước này đã ra cảnh báo số 22-07027 với nội dung tạm thời không công nhận hộ chiếu mới của người Việt Nam - mẫu 2022. Theo đó, thông tin về nơi sinh bị bỏ sót có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào chiều ngày 27/7 cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức - ông Vũ Quang Minh - trên trang Facebook cá nhân cũng nêu lại thông báo của phía Đức và cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang xử lý vấn đề kỹ thuật liên quan và sẽ sớm có thông báo.
*****************************
Hôm 27/07/2022, Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức ở Hà Nội thông báo họ không thể cấp thị thực cho hộ chiếu phổ thông có số serial bắt đầu bằng ‘P’ của Việt Nam.
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam được cấp từ ngày 1/7/2022 - Nơi sinh trên hộ chiếu mới thể hiện qua mã số trên căn cước công dân. Ảnh bản mẫu.
Công dân Việt Nam dùng loại hộ chiếu này mà đã nhận được thị thực loại C hoặc D cũng được phía Đức khuyến cáo không tìm cách nhập cảnh Đức.
Đây là loại hộ chiếu có bìa màu tím than – thay cho bìa màu xanh lá cây – do phía Việt Nam cấp từ ngày 01/07/2022.
Lý do phía Đức nêu ra là, theo đánh giá của họ, một số thông tin kỹ thuật trong loại hộ chiếu này của Việt Nam "chưa tương thích" với yêu cầu của các cơ quan chức năng nội địa Đức.
Theo tìm hiểu của BBC News tiếng Việt, qua phản ánh của cộng đồng mạng xã hội Việt Nam, thì hộ chiếu P của Việt Nam bỏ mục "Nơi sinh", thay vào đó là hàng số gồm có mã ghi nơi sinh.
Tuy thế, các số liệu này lại không nằm trong chip điện tử vì thế hệ hộ chiếu này của Việt Nam chưa có.
Việc này cũng được báo Thanh Niên ở Việt Nam xác nhận, căn cứ vào một công hàm của phía Đức. Theo đó, mẫu hộ chiếu P tím than của Việt Nam "chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang".
Số liệu dạng mã số này, theo cách hiểu thông thường, chỉ có giá trị với các cơ quan chức năng ở Việt Nam, vì việc lưu trữ, kiểm soát mã số này không nằm ở nước ngoài và các cục xuất nhập cảnh của Đức hay các nước khác không tiếp cận được, và họ cũng không có nhu cầu tiếp cận.
Công hàm 178/2022 của phía Đức, bằng tiếng Việt, gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng "Không thể cho rằng mỗi người làm nhiệm vụ kiểm tra (đối chiếu thủ công) đều có danh sách này.
Các quy định hộ chiếu của Vương quốc Anh, các nước EU và Hoa Kỳ ghi rõ họ không thể nào cấp hộ chiếu cho công dân thiếu nơi sinh.
Gọi là POB listing – Place of Birth, đây là "phần không thể thiếu của việc xác định danh tính, căn cước một cá nhân, và nó giúp phân biệt các cá nhân có cung tên, cùng ngày tháng năm sinh", theo trang web chính phủ Mỹ.
"POB còn giúp việc chống lại các vụ cá nhân tìm cách đóng giả, chiếm đoạt căn cước của người khác".
Văn bản của Anh Quốc yêu cầu ghi thị trấn, thành phố nơi sinh nhưng chấp nhận các trường hợp đặc biệt, cho phép ghi nơi sinh chỉ là tên quốc gia nước ngoài, nhất là với những người thuộc thế hệ đã cao niên, sinh ra tại các xứ từng là thuộc địa Anh : Zimbabwe, Jamaica, Ấn Độ...
Trong một số trường hợp, Anh Quốc yêu cầu ghi cả tên nước, ví dụ : Kingston, Jamaica hay London, Canada để phân biệt với các địa danh trùng tên ở Anh.
Các quy định quốc tế, áp dụng cho mọi hãng hàng không, hàng hải chuyên chở hành khách xuyên quốc gia, nói rằng giấy thông hành, hộ chiếu sử dụng tại cửa khẩu – qua máy đọc, hoặc nhân viên biên phòng xem xét – đều phải có trang số liệu cá nhân.
Gọi là data page, trang này có ảnh, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, ngày cấp, và ngày hết hạn của các giấy tờ.
Mục nơi sinh (theo văn bản Hội nghị Montreal 2012) cần được ghi bằng tiếng Anh (Place of Birth), hoặc Pháp (Lieu de Naissance) kèm tiếng của quốc gia cấp hộ chiếu/giấy thông hành.
Tuy thế một số nước như Nhật Bản không ghi Nơi sinh mà có mục Nơi cư trú được đăng ký (Registered Domicile), và vẫn được quốc tế công nhận.
Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục Nơi sinh nhưng có chip điện tử lưu giữ các số liệu phù hợp.
Khả năng người đem theo loại hộ chiếu ‘Không nơi sinh’, không có chip điện tử chứa đựng thông tin POB của Việt Nam sẽ không thể nào nhập cảnh vào bất cứ nước nào là khá cao.
Theo một người làm ngành du lịch ở Hà Nội cho BBC biết, đã có các trường hợp tạm không xuất cảnh được khỏi sân bay Nội Bài vì dùng hộ chiếu serial P từ chiều tối 27/07.
Hiện có ý kiến cho rằng vì quan hệ Đức-Việt "có một số vấn đề" nên mới xảy ra vụ ách hộ chiếu P ở cơ quan lãnh sự.
Trên thực tế, đây không phải là vấn đề chỉ với Đức mà ngay cả các hãng hàng không quốc tế đều hoàn toàn có quyền cấm lên khoang bất cứ ai dùng giấy thông hành, hộ chiếu có lỗi, hoặc có hạn khác với quy định của nước họ.
Việc này đã xảy ra với một số công dân Anh bay sang EU sau Brexit, khi các hãng hàng không EU không công nhận cách tính thời gian còn hạn trên hộ chiếu Anh như chỉ dẫn của Anh cho công dân mình.
Trang data page trong hộ chiếu Việt Nam theo mẫu cũ
Theo mẫu mới cấp từ ngày 1/7/2022
Nhiều biểu tượng văn hóa
Các báo Việt Nam hồi đầu tháng 7 ca ngợi giá trị văn hóa của loại hộ chiếu mới serial P :
"Trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước, góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam như : Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn…"
Các chi tiết này "góp phần khẳng định và quảng bá những hình ảnh Việt Nam ra thế giới…" theo trang Thông tin Chính phủ.
Thế nhưng, việc bỏ hay quên in mục Place of Birth – Nơi sinh, của người mang hộ chiếu, lại không được báo nào đề cập đến, và không rõ Bộ Công an Việt Nam có tìm hiểu thông lệ quốc tế là như thế nào.
Theo bộ này "mẫu hộ chiếu phổ thông mới đảm bảo các kỹ thuật bảo an, khó làm giả".
Tuy thế, việc gắn chip điện tử chưa được tiến hành cho hộ chiếu phổ thông, công vụ, ngoại giao của Việt Nam đợt này, một báo Việt Nam cho hay.
Dự kiến việc gắn chip sẽ bắt đầu từ quý III, 2022.
Có khả năng ý định chuyển phần Nơi sinh vào chip điện tử - như hộ chiếu Hàn Quốc - đã không được Việt Nam thực hiện cho đợt cấp hộ chiếu từ 01/07.
Một khác biệt nữa của hộ chiếu mới Việt Nam cấp là có mục ghi Địa chỉ ở nước ngoài, được hiểu là dành cho "công dân Việt Nam sống ở nước ngoài".
Tuy thế, theo tìm hiểu của BBC thì việc này thực sự không cần thiết, nhất là cho các cá nhân từ Việt Nam đi.
Vì một cá nhân có thể tạm trú ở nhiều hơn một địa chỉ, thậm chí ở một số nước khác nhau trong một chuyến đi.
Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới
Người Việt sống ở nước ngoài cũng hoàn toàn có thể có hai nơi ở, vì mục này ghi "(Một) Địa chỉ ở nước ngoài/Overseas Address", mà không nói rõ đây là nơi ở (Residence), hay nơi làm việc. Có thể hiểu đây là việc tự chọn của mỗi người và câu hướng dẫn ngay trong trang đó của hộ chiếu cho phép họ dùng bút chì điền vào. Việc cho phép tẩy xóa, viết lại các địa chỉ mới tùy theo nhu cầu khiến mục này càng trở nên không cần thiết.
Điểm mới và thiết thực trong series này tuy thế là mục Trong trường hợp khẩn cấp báo tin cho thân nhân, giống mục Emergency contact or Next of kin, trong hộ chiếu Anh và EU.
Dẫu dịch viêm phổi Vũ Hán do Covid-19 tiếp tục lan rộng, số người bị lây nhiễm và số người chết trên toàn thế giới tăng từng giờ nhưng nhân loại vẫn tin rằng y học sẽ tìm ra thuốc đặc trị, cũng như vaccine phòng ngừa loại virus này…
Hình minh họa. Khách du lịch đeo khẩu trang đi bộ trên phố ở Hà Nội hôm 17/3/2020 - AFP
Tuy nhiên trong đại dịch đang làm thế giới ngả nghiêng, có một điều mà chắc chắn y học bó tay, đó là không thể thay đổi nhận thức của hệ thống tuyên giáo và hoạt động tuyên truyền tại Việt Nam cho dù kiểu tư duy và lối hành xử đó góp phần hủy diệt cả dân tộc…
***
Tờ Người Đưa Tin – một trong những cơ quan truyền thông chính thức ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa giới thiệu một bài viết, nội dung là : Trong nguy khốn mới biết, hộ chiếu Việt Nam là quyền lực nhất thế giới (1)…
Theo bài viết vừa kể thì vì Việt Nam trở thành nơi an toàn và có khả năng chữa trị Covid-19 tốt nhất nên không chỉ có Việt kiều hối hả về nước mà còn có nhiều cư dân Châu Âu tìm đến Việt Nam lánh nạn.
Bởi chính phủ Việt Nam mở rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ trở về và điều động nhiều máy bay của hãng hàng không quốc gia đưa người Việt về nước, nhiều cư dân Châu Âu rất muốn, vật nài xin hỗ trợ vượt thoát nhưng vì không phải là người Việt nên không thể lên được những chuyến bay này,… nên qua đó có thể thấy, hộ chiếu Việt Nam "quyền lực nhất thế giới" bởi nó đem lại hy vọng về một cuộc sống ổn định, sức khỏe bảo đảm !
Dẫn tường thuật trên facebook của một người có tên là Thành Trần, tờ Người Đưa Tin quảng bá nhận định : Châu Âu đang sụp đổ và hoan hỉ khi có một ngày, cư dân của lục địa già vốn đã quá quen với việc người của họ được giải cứu từ những nơi kém phát triển hơn, giờ lại phải đi lánh nạn nơi khác vì quan ngại về chính sách, văn hóa Châu Âu, về về "miễn dịch bầy đàn",... Cứ như tường thuật của Thành Trần thì chỉ đến khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, mọi người mới thở phào và tin là… SỐNG RỒI !...
***
Có tin vào tường thuật của Thành Trần và có tán thành cách tuyên truyền của tờ Người Đưa Tin hay không là chuyện của từng cá nhân. Kẻ viết bài này chỉ có một đề nghị : Những người Việt đang định cư tại Châu Âu – những Việt kiều thật sự - nên dịch và giới thiệu bài viết vừa kể cho cả hệ thống truyền thông Châu Âu, lẫn cư dân Châu Âu cùng thưởng lãm bởi đó không phải là ý kiến của một cá nhân, đó là chủ trương tuyên truyền của đảng CSVN và chính phủ Việt Nam.
Thiên hạ chỉ mới thấy sự phi nhân và bất lương của Trung Quốc trong việc khai thác dịch viêm phổi Vũ Hán để tô vẽ, đánh bóng hình ảnh của họ. Nếu bỏ qua Việt Nam thì rõ ràng là chỉ thấy cây, chưa thấy vẫn còn vài… khu rừng đáng sợ khác giữa lòng nhân loại !
***
Có một điểm cần phải nhấn mạnh, hệ thống tuyên giáo chỉ đạo hoạt động tuyên truyền tại Việt Nam không chỉ đáng tởm mà còn là tác nhân khiến dịch viêm phổi Vũ Hán càng ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Việt Nam phát giác ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23 tháng 1. Từ đó cho đến 13 tháng 2, Việt Nam xác nhận chỉ có 16 ca nhiễm Covid-19 (2). Trong vòng 25 ngày, từ 13 tháng 2 đến 10 tháng 3, Việt Nam không có thêm ca nào khác nhiễm Covid-19.
Giống như nhiều quốc gia khác, dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra đủ loại tác hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Vì sợ không đạt… "chỉ tiêu tăng trưởng" của năm nay, hạ tuần tháng 2, Việt Nam bắt đầu "tuyên truyền, giáo dục" nhân dân vừa tích cực tham gia du lịch, vừa hỗ trợ hệ thống công quyền để tạo ra một môi trường "thân thiện" thu hút du khách thập phương, đặc biệt là du khách Châu Âu (3).
Khi nhiều quốc gia Châu Á áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, Việt Nam lại thực thi hàng loạt biện pháp chứng tỏ sự "thân thiện", tất nhiên, du khách Châu Âu lũ lượt đổ tới Việt Nam. Họ đi… du lịch, không phải để tránh dịch !
Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để phác họa hình ảnh một quốc gia hết sức "thân thiện" với du khách giữa đại dịch, hệ thống tuyên giáo còn vẽ ra một hình ảnh khác, hết sức "nhân đạo", "bao dung", không chỉ sẵn sàng cứu nạn, đón nhận mà còn chăm sóc tử tế, cẩn thận những đứa con sống bên ngoài tổ quốc cần quay về quê hương lánh dịch.
Chỉ cần bay một chuyến đến Vũ Hán, chở về chừng 30 người Việt đang kẹt ở đó, phi hành đoàn đã được xưng tụng là "những người hùng", làm "cả nước xúc động, tự hào", hệ thống tuyên giáo không ngừng tuyên truyền về cơ hội để… "ngạo nghễ" (4).
Do hoạt động tuyên truyền được thúc đẩy theo hướng đó khi có thêm những người Việt đang du học, làm thuê ở Hàn Quốc quay về, lúc Covid-19 bắt đầu lan rộng tại Châu Âu, người Việt đang tạm cư ở Châu Âu để học hành, làm việc lũ lượt quay về…
***
Một tuần sau khi dịch viêm phổi Vũ Hán tái bùng phát tại Việt Nam (sau 25 ngày không có thêm ca nhiễm nào, đến 10/3 mới bắt đầu phát giác càng ngày càng nhiều những ca nhiễm Covid-19 mới từ những người ở Châu Âu trở về và từ những du khách đến Việt Nam du lịch), Việt Nam mới bắt đầu khuyên những người Việt đang học hành, làm thuê ở nước ngoài "nên cân nhắc kỹ lưỡng chuyện có nên trở về hay không" (5).
Rõ ràng, diễn biến của dịch viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam từ 10/3 đến nay là "trái đắng" của tuyên truyền nhằm thúc đẩy cả du lịch nội địa lẫn thu hút du khách quốc tế để đạt "chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay", nhằm tô vẽ một Việt Nam "ngạo nghễ", "nhân đạo"… Những người Việt trở về từ Châu Âu và những du khách Châu Âu tìm đến Việt Nam giữa đại dịch vì không có nơi nào "thân thiện"… bằng, đã khiến kinh tế - xã hội Việt Nam thêm điêu đứng. Chưa rõ giá phải trả cho tuyên truyền sẽ ở mức nào !
Tuy nhiên khó mà hi vọng hệ thống tuyên giáo sẽ "kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc" và hoạt động tuyên truyền sẽ trung thực, nhân bản hơn. Đâu phải tự nhiên mà thiên hạ khinh miệt "tuyên truyền" nhưng ở Việt Nam "tuyên truyền" vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ quan trọng mà không chỉ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng tìm mọi cách để hoàn thành.
Việt Nam vừa hoàn thành một phần Quy hoạch báo chí phục vụ tuyên truyền và Người Đưa Tin với Trong nguy khốn mới biết, hộ chiếu Việt Nam là quyền lực nhất thế giới chính là thành quả quy hoạch ấy !
Đồng Phụng Việt
Nguồn : RFA, 29/03/2020
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/toan-canh-cac-ca-nhiem-covid-19-tai-viet-nam-toi-ngay-123-1194645.html
(3) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien-20200220174210322.htm
(5) http://dangcongsan.vn/thoi-su/danh-nhung-dieu-kien-tot-nhat-cho-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-ve-nuoc-550708.html
********************
Virus corona : Việt Nam áp dụng hạn chế đi lại, 'sẵn sàng cách ly Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh'
BBC, 29/03/2020
Giới chức Việt Nam công bố tính đến 6 giờ chiều Chủ Nhật 29/3, trên cả nước ghi nhận có 188 trường hợp có kết quả dương tính với virus corona, với 9 ca mới trong lần cập nhật mới nhất.
Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Có sáu trường hợp là nhập cảnh từ nước ngoài vào, và ba là lây nhiễm trong nước.
Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao
Các ca lây nhiễm trong nước gồm có một người là phóng viên trong quá trình tác nghiệp có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, một người là bệnh nhân từng chữa trị bệnh khác ở Bệnh viện Bạch Mai, và một người là nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai.
Liên quan tới vụ lây nhiễm diện rộng ở Bệnh viện Bạch Mai, Phó giám đốc bệnh viện nói tính đến cuối giờ chiều Chủ Nhật 29/3 đã có kết quả xét nghiệm đối với ba phần tư trong tổng số hơn 7.000 mẫu xét nghiệm các cá nhân có liên quan, cho đến nay đều là âm tính.
Là bệnh viện trung ương hàng đầu, Bạch Mai thường xuyên có rất đông người ra vào mỗi ngày.
Trong cuộc họp trực tuyến sáng 29/3 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo năm tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, được biết giới chức nêu con số 40 ngàn người từng ra vào bệnh viện này trong những ngày gần đây và do đó, thuộc diện cần theo dõi hoặc cách ly.
Như vậy, số người đã xác định được tới nay mới chỉ chiếm khoảng một phần sáu tổng số cần theo dõi, cách ly.
Trong lúc công tác khoanh vùng, tìm kiếm những người có thể phơi nhiễm với virus corona tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn nhiều khó khăn, thì Hà Nội lại đón nhận tin Bệnh viện Xanh-pôn cũng có nguy cơ bị lây nhiễm.
Khoa Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Xanh-pôn nay đang phải đóng cửa để khử khuẩn sau khi có một người vào thăm thân hôm 26/3 và sau đó hai hôm được xác định dương tính với virus corona.
Hạn chế di chuyển trên toàn quốc cho tới 15/4
Bên cạnh việc tìm và khoanh vùng, theo dõi cách ly các cá nhân có nguy cơ nhiễm virus, giới chức cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát tình hình lây lan bệnh dịch với việc hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng trong thời gian hai tuần tới.
Tuyến bay chở khách nối giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và hai thành phố nữa là Phú Quốc và Đà Nẵng được giảm tối đa kể từ 30/3 đến 15/4, xuống mức mỗi hãng chỉ bay một chuyến mỗi ngày, trong lúc toàn bộ các chuyến bay nội địa sẽ dừng hoàn toàn, theo công văn hỏa tốc của Bộ Giao thông Vận tải ký ngày 29/3.
Ngành đường sắt cũng quyết định giảm thiểu các tuyến nối Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tới nhiều địa phương khác ở miền Bắc.
Xe bus nội hạt ở Hà Nội nay ngưng hoạt động, trong lúc Sài Gòn giảm 50% xe nội hạt và ngưng toàn bộ các tuyến xe liên tỉnh.
Khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài không về nước
Bên cạnh việc hạn chế di chuyển ở trong nước, Việt Nam hôm 28/3 khuyến cáo các công dân đang ở nước ngoài không về nước.
Theo số liệu do cơ quan y tế công bố vào cuối ngày thứ Bảy 28/3, hiện có hơn 75 ngàn trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch về Việt Nam đang cần được theo dõi sức khỏe và cách ly.
Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam nói việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa mạnh không có nghĩa là một số nơi bị phong toả.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong cuộc họp báo hôm 28/3 xác nhận rằng tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, và tin phong tỏa một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 'không chính xác'.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sẽ cách ly toàn bộ hai thành phố nếu dịch bệnh tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu, Văn phòng Thủ tướng ra thông báo chiều 29/3 sau cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Phúc với năm thành phố lớn trong cùng ngày, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Ai từng đi học tiếng Anh chắc mọi người đều nhớ, sau khi dạy nói Hello, người ta bắt đầu dạy câu hỏi Where are you from ? Bạn đến từ đâu ? Đó là một câu hỏi không chỉ thuần túy mang tính xã giao, mà nó còn mang đầy chủ ý, để tìm hiểu các giá trị có thể có trong một con người. Muốn giao tiếp hiệu quả với bất kỳ ai thì chúng ta phải tìm hiểu sơ qua con người, hiểu được những phẩm chất mà họ có được.
Việt Nam có hai loại hộ chiếu, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu ngoại giao dành cho quan, hộ chiếu trỏng không thì dành cho dân - Ảnh minh họa
Vậy tại sao phải hỏi một người khác về nơi chốn họ đến, điều này có ý nghĩa gì, xin hãy dành vài phút để tôi giải thích sơ qua cho bạn hiểu.
Môi trường tạo nên hành vi. Hành vi lặp đi lặp lại sẽ tạo ra năng lực. Năng lực được thể hiện trong một thời gian dài sẽ hình thành giá trị. Giá trị được phát lộ sẽ tạo nên nhân tính. Nhân tính tốt hay xấu sẽ tạo ra ảnh hưởng đến cộng đồng, đến môi trường bên ngoài một con người. Ấy là chuỗi logic trong cuộc đời, dù ít hay nhiều không một ai có thể tránh khỏi.
Có thể thấy trong ca dao từ ngàn xưa, những giá trị của con người được nêu bật và gắn liền với vùng miền địa lý như :
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Chè Thái, gái Tuyên
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền...
Không chỉ cái hay, cái đẹp, tôi còn nhiều câu ca dao khác động chạm đến tật xấu của các vùng miền, nhưng xin được để lại, không nói ra ở đây vì muốn giữ hoà khí chung.
Nhận thức được người khác để giao tiếp tốt là điều quan trọng. Nhưng nhận thức được bản thân mình để tiến bộ còn quan trọng hơn nhiều. Tuy vậy không phải lúc nào lời nói thật cũng được hoan nghênh, vì bản tính con người ai chẳng thích được thừa nhận, được ngợi khen ?
Năm 1985 ở Đài Bắc có một cuốn sách ra đời mang tựa đề là Người Trung Quốc xấu xí. Đây là những ghi chép các cuộc tranh luận của chính tác giả tên là Bá Dương về chủ đề những điểm xấu của người Trung Quốc. Cuốn sách này không phải là tuyệt tác văn chương, không phải là pho kinh sử hay triết lý gì đó ghê gớm lắm, nhưng nó đã tạo ra một cuộc tranh luận xã hội rộng rãi trong cộng đồng người Trung Quốc trên toàn thế giới. Cuốn sách cũng gây ảnh hưởng trên toàn cầu và được dịch ra nhiều thứ tiếng, bởi một điều rất giản dị. Ấy là sự dũng cảm, trung thực, tự phê bình những thói hư tật xấu của dân tộc Trung Hoa. Vì thế ngoài những tiếng la ó phản đối thì Bá Dương cũng nhận được vô số lời khen ngợi và cảm phục dành cho ông.
Dân tộc nào biết phản tỉnh, dân tộc ấy sẽ tiến bộ. Con người nào biết sửa mình, con người ấy sẽ thành công. Đó là điều tôi muốn nói khi liên hệ chuyện này đến Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào. Đã có lúc đất nước bé nhỏ này làm nên những kỳ tích mà các đế quốc lân bang hùng mạnh khác phải kinh sợ. Ấy thế nhưng đó chỉ là quá khứ được viết trong sử sách. Tình trạng yếu kém của người Việt bây giờ hiển lộ qua từng sự kiện thời sự, từng góc cạnh khác nhau của đời sống. Khốn thay, không phải ai cũng nhận ra, vì đất nước này đang chịu sự cầm quyền của những kẻ ghét sự thật.
Tuy bị tuyên truyền nhồi sọ nhiều thế hệ, lúc nào cũng tự hào đánh thắng đế quốc to, đi đâu cũng khoe con rồng cháu tiên, nhưng nhiều người dân đã thấy mặt trái của đất nước này. Chẳng hạn như vụ xuất khẩu "cô dâu Việt", vụ bảng cảnh báo cấm trộm cắp viết bằng tiếng Việt ở Nhật... hay gần đây có vụ "cho đi nhờ" chuyên cơ sang Hàn Quốc, vụ 39 người tử nạn ở bên Anh... là những điều xấu hổ cho đất nước mà không ai có thể phủ nhận được.
Nói đến những chuyện xấu hổ này, tôi nhớ lại các bài viết đánh giá về giá trị của tấm hộ chiếu Việt Nam. Có lẽ người đầu tiên nhắc nhở chúng ta về chuyện này là ngài Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Trong một lần gặp gỡ UBND tp Hà Nội năm 2008 về vấn đề chiếm giữ toà Khâm sứ, ngài có phát biểu một cách rất mạnh mẽ như sau :
"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên"
Sau câu nói này, Đức tổng giám mục đã bị hệ thống truyền thông cộng sản cắt đi, chỉ còn mỗi câu : "tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam". Và đó chính là cái cớ để một loạt cây viết khác xông vào nhục mạ, đấu tố ngài.
Sự kiện này đã qua đi hơn 10 năm rồi, và trắng đen thế nào ai muốn tìm hiểu cũng đã rõ. Một người từng viết bài nhục mạ Đức tổng như ông Hà Văn Thịnh ở Huế đã phải lên tiếng xin lỗi. Nhiều bài báo của các truyền thông quốc tế uy tín đã vạch rõ sự yếu kém của tấm hộ chiếu Việt Nam. Theo như nhà báo Mạnh Kim viết trên VOA :
"...Henley Passport Index công bố ngày 1/10/2019 cho thấy hộ chiếu Nhật và Singapore đang là hộ chiếu "chảnh" nhất thế giới. Cầm hộ chiếu này trong tay, bạn có thể đi đến 190 quốc gia mà không cần xin visa. Đức, Hàn Quốc và Phần Lan xếp thứ hai, với 188 quốc gia. Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ… ngang ngửa, với 184 quốc gia. Trong khi đó, công dân Việt Nam chỉ đến được 51 quốc gia mà không cần thị thực, trong đó có những nước mà người du lịch Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến việc đặt chân tới, chẳng hạn Djibouti và Somalia. Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone..."
Tôi nhắc lại câu chuyện này, bởi quyền lực của tấm hộ chiếu chính là giá trị mang tính khái quát, đại diện cho phẩm giá, hạnh phúc và sức mạnh của mỗi một con người. Cho dù bạn giàu có và thành công bao nhiêu đi nữa, nhưng bạn không thể tự hào về nơi chốn sinh ra mình, thì bạn không thể đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong đời.
Mỗi khi có ai đó hỏi : Where are you from ? xin bạn hãy nhớ những lời tâm tình trong bài viết này của tôi. Tôi hi vọng nỗi ám ảnh đó sẽ trở thành động lực, để rồi chúng ta có thể làm gì đó trong tương lai, và có ngày lại được tự hào khi trả lời rằng : Tôi đến từ Việt Nam.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 05/11/2019 (nguyenlanthang's blog)
Hộ chiếu : Mình có thế nào thì người ta mới như thế chứ !
Khánh Anh, VNTB, 03/11/2019
Không một quốc gia Châu Âu nào cho phép người Việt Nam được tự do nhập cảnh, hay kể cả Nhật hay Hàn quốc, bởi một lý do đơn giản : đi được là trốn ở lại.
Hộ chiếu của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn hộ chiếu được xếp hạng vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia. Ảnh Thanh Niên 01/11/2019
Trong bài viết "Hãng tư vấn xếp Việt Nam gần nhóm 10 quốc gia có hộ chiếu 'yếu' nhất" đăng trên báo Thanh Niên ngày 1/11/2019 cho biết thứ hạng hộ chiếu của Việt tụt 15 bậc so với năm ngoái.
Theo bảng xếp hạng quý tư năm 2019 của Henley & Partners có trụ sở tại Luân Đôn, hộ chiếu của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn hộ chiếu trên toàn cầu. Lý do là công dân Việt Nam chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia …
So với năm ngoái, thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "hộ chiếu yếu nhất" trong đó gồm các quốc gia như Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…"
Trong số 51 quốc gia mà công dân Việt Nam được tự do đi đến là các quốc gia Châu Phi, Châu Á mà không có một quốc gia Châu Âu nào. Đài Loan nằm trong số 51 quốc gia này và cho phép người Việt nhập cảnh với visa on arrival - thị thực ngay tại sân bay. Hồi năm ngoái đã có đến 152 người bỏ trốn tại Đài Loan sau khi nhập cảnh vào nước này theo chương trình Visa Quan Hồng.
Không một quốc gia Châu Âu nào cho phép người Việt Nam được tự do nhập cảnh, kể cả Nhật hay Hàn quốc, bởi một lý do đơn giản : đi được là trốn ở lại.
Ngày có tin 39 người thiệt mạng trong xe đông lạnh ở Essex – Anh, nhiều người đã nói rằng tại sao họ không xin visa du lịch hay là phải biết đi nhờ máy bay của bà Ngân để rồi trốn ở lại luôn cho nó dễ chớ đi kiểu vậy làm gì cho thiệt mạng.
Trốn ở lại không giấy tờ là thiệt thòi đủ thứ.
Người trốn lại, không giấy tờ thì chỉ có thể đi làm đen. Tiền lương không cao và không có bảo hiểm, tiền trợ cấp thất nghiệp hay đau ốm. Những người Việt Nam vẫn không chấp nhận là họ góp phần tiếp tay vào việc sử dụng nô lệ hiện đại mà cho rằng họ thấy người không giấy tờ nên thương tình giúp đỡ đồng hương, rồi lại còn phải cho ăn, cho ở.
Nghe có vẻ là họ có lòng thương cảm, nhưng kỳ thực họ cũng đã có trục lợi riêng tư khi không phải đóng thuế mà còn thuê được nhân công giá rẻ, nhân công sẵn sàng làm không có ngày nghỉ và làm dài thời gian mà không đòi hỏi một chế độ ưu đãi người làm nào khác như trong các cơ sở thuê người làm hợp pháp.
Những người trốn ở lại luôn phải nơm nớp lo sợ vì cảnh sát có thể kiểm tra giấy tờ tuỳ thân bất kỳ lúc nào, nếu bị bắt có thể sẽ bị đưa vô trại và cho trục xuất về Việt Nam. Có những người sang thăm thân nhân rồi trốn ở lại chỉ có thể quanh quẩn ở trong nhà để chăm con giùm anh chị em.
Nhưng nếu không đi làm ăn lương thì họ sẽ làm những việc như đi tưới cần sa thuê, vận chuyển ma túy thuê qua biên giới. Những việc này mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm móng tay. Nếu làm móng tay chân, khi chịu cày và làm không nghỉ ngày nào thì có thể sẽ kiếm được 100 - 140 euro một ngày chưa kể tiền bo của khách.
Dân nhà hàng thu nhập không cao nhưng lại nhờ được tiền bo của khách nên nếu làm nhân viên có khi cũng có được thu nhập 2.000 – 2.500 euro một tháng. Thu nhập vậy, nhưng tiền thu nhập thực tế có đóng thuế có khi chỉ 1.000 – 1.500 euro, số còn lại là tiền không đóng thuế.
Nên dân nhà hàng hay dân làm móng tay ở bên Tây diện ngất trời, xài toàn đồ xịn vì có tiền đen nên mua sắm ăn uống sướng tay sướng miệng. Người ta mở nhà hàng hay tiệm móng tay không chỉ để kinh doanh, nhưng cũng có thể là để rửa tiền trồng cỏ.
Tiền đen chuyển về Việt Nam thường không đi qua ngân hàng, trong nhưng trang Facebook của người Việt thường hay thấy những người rao gọi trao đổi tiền, người nhà ở Việt Nam nhận tìền Việt, bên này sẽ có người trả lại bằng tiền euro. Nhưng cũng có những người thuê người đi làm hợp pháp có bảng lương chuyển tiền về Việt Nam cho họ với giá 100 euro cho một lần chuyển 5.000 euro về Việt Nam. Họ chẳng phải làm gì, chỉ việc bấm lách cách trên internet mấy cái rồi nhấn enter, phía Việt Nam nhận được tiền là nhận được tiền công.
39 nạn nhân vẫn không làm cho những lời quảng cáo tuyển dụng lao động nước ngoài giảm đi. Những người thông báo tuyển dụng lao động Châu Âu công bố mức lương 1.500 – 2.000 euro một tháng, trong khi mức lương ở Anh là 3.000 - 4.000 bảng. Đây là mức lương được cho là chính thức. Nếu họ tằn tiện, lại được chủ bao ăn ở thì có thể gom góp được 15 - 20 ngàn một năm (350 - 500 triệu).
Những người trồng cỏ, làm lậu mới để dành được nhiều tiền như vậy ! Người sống hợp pháp phải đóng thuế nhiều, chi trả nhiều thứ từ tiền nhà, điện nước, bảo hiểm, thuế nhà, thuế môi trường, xe cộ rồi ăn uống thêm con cái… thì với mức lương 1.500 -2.000 euro sẽ không thể nào để dành được 15 - 20 ngàn một năm. Cùng lắm chỉ dôi ra chừng năm ba ngàn là kịch trần.
Người sống hợp pháp, trừ khi lương thật cao (có khi lên tới cả hai chục ngàn một tháng) thì may ra mới có thể có dư để gởi về cho gia đình một năm hơn cả tỷ bạc (gần 40 ngàn euro) để xây nhà. Vậy cho nên khi người vùng xứ Nghệ hồ hởi khoe kiều hối về vùng quê họ lên tới hơn 200 triệu đô la một năm để nhà nhà xây villa và mua xe hơi chạy thì chỉ có thể là tiền đen/tiền bất hợp pháp chứ không thể là đồng tiền chân chính.
Quảng cáo tuyển lao động ở Anh với việc làm đơn giản và mức lương cao đáng ngờ ?!
39 người thiệt mạng, nhưng hàng chục ngàn người đi lọt, hàng chục ngàn người gởi hàng trăm triệu đô la về cho người thân, biến cả làng miền trung thàng làng tỷ phú thì người ta sẽ vẫn đi chui để kiếm tiền gởi về nhà xây vila mua xe hơi cho bằng nhà hàng xóm.
Và còn người đi chui, người đi du lịch trốn ở lại để lao động bất hợp pháp thì sẽ vẫn còn các quốc gia phát triển không cho phép người Việt được tự do nhập cảnh. Và quyền lực hộ chiếu của Việt Nam, quyển hộ chiếu màu xanh lá cây vẫn sẽ được đẩy về loại "các hộ chiếu yếu nhất".
Mình có thế nào thì người ta mới như thế chứ !
Khánh Anh
Nguồn : VNTB, 03/11/2019
*****************
Sổ thông hành Việt Nam tụt 15 bậc, thua cả Cambodia
Tr.N, Người Việt, 02/11/2019
Thứ hạng năm 2019 của sổ thông hành (passport) Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "sổ thông hành yếu nhất thế giới".
Sổ thông hành Việt Nam bị tụt 15 bậc, thua cả Cambodia. (Hình : Thanh Niên)
Theo báo Thanh Niên ngày 1/11/2019, chỉ số xếp hạng sổ thông hành Henley Passport Index quý 4-2019 vừa được Hãng Tư Vấn Đầu Tư Và Định Cư Henley & Partners công bố.
Bảng xếp hạng hiệu lực sổ thông hành của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng sổ thông hành đi vào mà không cần xin trước chiếu khán (visa).
Theo đó, sổ thông hành của Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 cuốn sổ thông hành được xếp hạng vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia. Tính trong khu vực, hiệu lực sổ thông hành Việt Nam xếp sau cả Cambodia (hạng 88, được miễn thị thực tới 53 nước) và chỉ hơn Lào hai bậc (hạng 92, 49 nước).
So với năm 2018, thứ hạng năm nay của sổ thông hành Việt Nam bị tụt 15 bậc, tiến gần hơn về nhóm 10 quốc gia bị xếp vào loại "sổ thông hành yếu nhất", bao gồm Bắc Hàn, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…
Cùng với Việt Nam, các quốc gia Châu Á khác có sổ thông hành bị xếp trong phần nửa sau của bảng danh sách bao gồm Trung Quốc (hạng 72, 71 nước), Indonesia (hạng 73, 70 nước), Ấn Độ (hạng 82, 59 nước)…
Các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á có sổ thông hành hiệu lực nhất là Nhật Bản và Singapore, và công dân của hai nước này có thể tự do đi đến 190 quốc gia mà không cần xin chiếu khán. Tiếp theo là Malaysia (hạng 12, đi được 177 nước), Hồng Kông (hạng 18, 168 quốc gia), Brunei (hạng 21, 165 quốc gia), Đài Loan (hạng 31, 145 quốc gia) và Macao (hạng 33, 141 nước).
Trong khi đó, Afghanistan một lần nữa đứng cuối danh sách này. Công dân Afghanistan chỉ được miễn visa tới 25 nước trên toàn thế giới.
Sau khi thông tin thứ hạng sổ thông hành Việt Nam được báo chí đưa tin, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng. "Sau vụ lao động chết ở Anh, có lẽ thứ hạng hộ chiếu (từ thông dụng của sổ thông hành mà người Việt Nam dùng – NV) của Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hạng thảm hại", bạn đọc Minh Bạch (ở Cần Thơ) bi quan bày tỏ trên báo Thanh Niên.
Còn bạn đọc Tuấn Trần (ở Hà Nội) cho biết : "Vừa rồi xin visa đi Nhật, sau khi phải chứng minh tài sản, đất đai nhà cửa, tiền bạc trong bank, xe đang sử dụng… vẫn bị từ chối, trong khi người bạn Cambodia không cần chứng minh thứ gì vẫn được OK… Nhục !"
Trong khi đó, bạn đọc Bắc Hà (ở Hà Nội) mỉa mai : "Không cần hộ chiếu mạnh, chỉ cần đi nhờ chuyên cơ của Quốc hội rồi ‘bùng’ ở Nam Hàn như chín nhân vật ‘bí hiểm’ cũng được…".
"Trong tương lai, hộ chiếu Việt Nam cũng sẽ có quyền lực như hộ chiếu của Singapore", bạn đọc tên Sơn (Sài Gòn) châm chọc thêm. (Tr.N)
"Nói chuyện với anh một chút được không ?". "Ờ, việc gì ?". "Tức quá !". "Mà chuyện gì ?". "Em mới rớt visa đi Mỹ !". Hóa ra lại là chuyện xin visa Mỹ bất thành. Cuộc nói chuyện vừa kể xảy ra đúng ngay ngày mà Henley & Partners loan bố danh sách cho thấy "điểm" hộ chiếu của các quốc gia và qua đó biết được nước nào có hộ chiếu "quyền lực" nhất thế giới.
Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone, Mozambique, Rwanda, Campuchia, Myanmar và Lào.
Henley Passport Index công bố ngày 1/10/2019 cho thấy hộ chiếu Nhật và Singapore đang là hộ chiếu "chảnh" nhất thế giới. Cầm hộ chiếu này trong tay, bạn có thể đi đến 190 quốc gia mà không cần xin visa. Đức, Hàn Quốc và Phần Lan xếp thứ hai, với 188 quốc gia. Mỹ, Anh, Canada, Thụy Sĩ… ngang ngửa, với 184 quốc gia. Trong khi đó, công dân Việt Nam chỉ đến được 51 quốc gia mà không cần thị thực, trong đó có những nước mà người du lịch Việt Nam gần như không bao giờ nghĩ đến việc đặt chân tới, chẳng hạn Djibouti và Somalia. Với hạng 90 trong Henley Passport Index, hộ chiếu Việt Nam còn tệ hơn Sierra Leone (hạng 79, 63 quốc gia) ; Mozambique (hạng 81, 60 quốc gia) ; Rwanda (hạng 84, 57 quốc gia) và thậm chí Campuchia (hạng 88, với 53 quốc gia miễn thị thực) ! Tổng quát, trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Myanmar (hạng 95, với 46 quốc gia) và Lào (hạng 92, với 49 quốc gia).
Câu chuyện "quyền lực" hộ chiếu không là vấn đề nhỏ, ở thời mà khái niệm "công dân toàn cầu" luôn được nhấn mạnh. Hộ chiếu là "cánh cửa" mở ra bên ngoài trong cái thế giới mà khoảng cách địa lý gần như không còn là rào cản bởi các yếu tố chính trị. Làm thế nào có thể giúp hội nhập "bạn bè năm châu" để học điều hay, biết điều dở khi công dân nước mình nhìn ra "châu" nào cũng thấy bị làm khó bởi "nỗi khổ" visa ? Giá trị của hộ chiếu ngày nay còn cho thấy "chỉ số tín nhiệm" mỗi quốc gia. Hộ chiếu trở thành hình ảnh ít nhiều đại diện cho mức độ tín nhiệm quốc gia của nước đó đối với thế giới mà công dân họ bị lệ thuộc vào. Nó không liên quan đến sự giàu có hay được khuôn định bởi "kích cỡ" GDP. Chẳng phải tự nhiên mà hộ chiếu Trung Quốc chỉ được xếp hạng 72 (với 71 quốc gia) trong khi Hong Kong hạng 18 (168 quốc gia) trong bảng Henley Passport Index 2019.
Cơn sốt du lịch và nhu cầu đi nước ngoài vì nhiều lý do khiến câu chuyện visa luôn là vấn đề thời sự. Dịch vụ xin visa, đặc biệt visa Mỹ, bùng nổ chóng mặt, với những quảng cáo "không đậu không lấy tiền". Liên quan việc xin visa Mỹ, có vô số câu chuyện cười ra nước mắt. Một lần, khi chờ người thân trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ, tôi thấy một ông khoảng hơn 60 tuổi thất thểu đi ra. "Rớt hả ?" – "Ừa" – "Sao vậy ? Họ hỏi gì ?" – "Nó" hỏi tui đi Mỹ chi. Tui nói đi thăm con gái. Cái "nó" hỏi tại sao thăm con gái ? Tui nói, nó đẻ, qua nuôi nó. Cái "nó" nói tại sao vợ ông không đi mà là ông ; ông là đàn ông, biết gì mà nuôi đẻ ? Tui nói, vợ tui ở nhà trông nom vườn tược. Cái "nó" nói, bả là đàn bà thì làm sao khỏe bằng ông mà làm vườn ! Thôi về đi. Cám ơn đã đến phỏng vấn !".
"Đậu visa Mỹ" với nhiều người không khác gì "trúng số". Họ thậm chí chụp hình hộ chiếu có đóng dấu visa đưa lên mạng khoe. Cần nói thêm, với phỏng vấn visa Mỹ, đừng bao giờ tin vào quảng cáo của các công ty dịch vụ. Chẳng ai có thể can thiệp để "bảo đảm đậu" cả. Cũng không nên tin nhiều vào các "kinh nghiệm" được chia sẻ trên mạng, bởi nhân viên phỏng vấn luôn hỏi những câu bất ngờ nhất, dựa vào từng hồ sơ cụ thể, và họ có thể loại hay cho "đậu" mà không ai biết tại sao. Nhiều người được hỏi "hai câu y hệt" như người đến trước (cùng đi chung đoàn) nhưng người kia thì đậu còn mình thì hỏng. Nhiều người bị "vần lên vần xuống muốn chóng mặt luôn, tưởng tiêu rồi" nhưng cuối cùng lại được "chúc mừng". Nhiều người tỏ ra rất tự tin bởi hộ chiếu đầy visa du lịch các nước châu Âu nhưng khi phỏng vấn xin visa Mỹ vẫn bị khước từ.
Tại sao ? Câu hỏi này không phải dành cho nhân viên phỏng vấn, không thuộc về trách nhiệm Lãnh sự quán hay Đại sứ quán Mỹ, càng không liên quan Bộ Ngoại giao Mỹ hay Sở di trú Hoa Kỳ. Nó liên quan đến mức độ "khả tín" của quyển hộ chiếu đóng quốc huy CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những trường hợp bị loại một cách "không thể nào hiểu được" luôn khiến ấm ức và thậm chí tức giận. Bên cạnh cảm giác đó là một câu hỏi cũng "không thể nào hiểu được" càng khiến tức giận hơn là tại sao công dân Việt Nam gặp khó khăn mỗi khi xin visa đi những nước lớn ? Cần nói thêm, giá trị hộ chiếu Việt Nam liên tục bị mất "điểm". Trong bảng Henley Passport Index 2006, hộ chiếu Việt Nam hạng 78 ; năm 2011 bị đẩy xuống hạng 89 ; rồi leo lên lại 81 vào năm 2013 và 2014 ; rồi tuột luốt xuống 94 vào năm 2015 và từ năm 2016 đến nay thì "ổn định" ở hạng 90 !
"Uy tín" của hộ chiếu Việt Nam nói chung vẫn giậm chân tại chỗ, tương tự sự giậm chân tại chỗ của việc xây dựng tín nhiệm Việt Nam đối với thế giới. Công dân Việt Nam vẫn còn sẽ bất mãn với việc bị khước từ visa chỉ vì mình đang cầm một trong những quyển hộ chiếu "ít quyền lực" nhất thế giới. Điều tréo nghoe không thể không nói là quyển hộ chiếu Việt Nam không phải hoàn toàn không có chút "quyền lực". Bất kỳ khi nào chính quyền Việt Nam cũng có thể khước từ quyền được ra nước ngoài của công dân bằng cách tịch thu hộ chiếu. Đó là lúc mà quyển hộ chiếu xem ra có "quyền" nhất. Cái sự thị uy kiểu này, tuy nhiên, chính là một trong những yếu tố khiến uy tín Việt Nam không thể "lên hạng". Đừng nói là nhân quyền không liên quan uy tín và giá trị hộ chiếu !
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 04/10/2019
******************
Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 90, gần cuối bảng xếp hạng 2019 (VOA, 02/10/2019)
Hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 bậc của bảng xếp hạng mới nhất năm 2019 vừa được Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners có trụ sởở London công bố ngày 1/10.
Vietnam Passport
Trong khi đó, hai quốc gia Châu Á khác là Nhật và Singapore đều nắm giữ vị trí đầu bảng vì công dân của hai nước này có thể tự do đi đến 190 quốc gia.
Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc so với năm ngoái (hạng 75), tiến gần hơn về phía nhóm 10 các quốc gia bị xếp vào loại "hộ chiếu tệ nhất", bao gồm Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…
Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa trước.
Một điều thú vị trong bảng xếp hạng năm nay là giữa lúc hộ chiếu của Triều Tiên bị xếp hạng 100 vì chỉ đi được 39 quốc gia mà không cần visa, thì hộ chiếu Hàn Quốc lại mạnh thứ 2 trên thế giới khi công dân của họ có thể tự do đi đến 188 nước, "quyền lực" ngang với với Đức và Phần Lan và mạnh hơn cả Đan Mạch, Ý, Luxembourg (hạng 3) ; Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển (hạng 4) ; hay Úc, Hà Lan, Bồ Đào Nha (hạng 5) và Canada, Bỉ, Anh, Mỹ...(hạng 6).
Sau Hàn Quốc, quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á có hộ chiếu quyền lực tiếp theo là Malaysia (hạng 12, đi được 177 nước), Hong Kong (hạng 18, 168 quốc gia), Brunei (hạng 21, 165 quốc gia), Đài Loan (hạng 31, 145 quốc gia), Macao (hạng 33, 141 nước).
Các quốc gia Châu Á khác đều có hộ chiếu bị xếp trong phần nửa sau của bảng danh sách, bao gồm Trung Quốc (hạng 72, 71 nước), Indonesia (hạng 73, 70 nước), Ấn Độ (hạng 82, 59 nước)...
Hộ chiếu của công dân Việt Nam bị xếp hạng 90 vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia, sau Campuchia (hạng 88, 53 nước) và hơn Lào (hạng 92, 49 nước)...
Quyền lực của hộ chiếu Việt Nam trở thành đề tài gây chú ý trong những năm gần đây, sau khi xảy ra sự kiện báo chí Việt Nam cắt xén phát biểu của Giám mục Ngô Quang Kiệt nói rằng ông cảm thấy "nhục nhã" khi cầm hộ chiếu Việt Nam vì đi đâu cũng bị soi xét.
Trên thực tế, toàn văn câu nói của ông là "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên" và "Người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm, và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".
Sau phát biểu bị cắt xén trên, Giám mục Ngô Quang Kiệt đã bị công luận chỉ trích dữ dội. Ông từ chức Tổng Giám mục Hà Nội năm 2010 vì lý do sức khoẻ, nhưng nhiều nguồn tin nói có thể do "áp lực từ chính quyền Việt Nam".
Hộ chiếu xanh lá cây của Việt Nam đã thêm úa vàng sau khi xếp dưới cả Lào trong bảng xếp hạng mới nhất về giá trị quốc tịch của hãng tư vấn toàn cầu về quốc tịch và nơi cư trú Henley & Partners.
Hộ chiếu Việt Nam.
Hộ chiếu xanh nước biển của Lào cho phép công dân của họ đi lại tự do tới 52 nước so với 51 nước mà công dân Việt Nam có thể tới thăm giữa lúc một số nước tư bản đang tỏ ra xét nét hơn với công dân của đất nước hình chữ S.
Đây là thứ hạng hộ chiếu các nước ở Đông Nam Á trong bảng xếp hạng toàn cầu mang tên Henley mới được công bố trong tháng 10 :
1. Singapore thứ hạng toàn cầu 2 số điểm đến miễn visa 189
2. Malaysia thứ hạng toàn cầu 10 số điểm đến miễn visa 180
3. Brunei thứ hạng toàn cầu 20 số điểm đến miễn visa 165
4. Đông Timor thứ hạng toàn cầu 54 số điểm đến miễn visa 98
5. Thái Lan thứ hạng toàn cầu 68 số điểm đến miễn visa 77
6. Indonesia thứ hạng toàn cầu 72 số điểm đến miễn visa 73
7. Philippines thứ hạng toàn cầu 75 số điểm đến miễn visa 66
8. Cambodia thứ hạng toàn cầu 87 số điểm đến miễn visa 54
9. Lào thứ hạng toàn cầu 89 số điểm đến miễn visa 52
10. Việt Nam thứ hạng toàn cầu 90 số điểm đến miễn visa 51
11. Myanmar thứ hạng toàn cầu 93 số điểm đến miễn visa 48
Việt Nam có thứ hạng 90 trên toàn cầu nhưng lại xếp sau tới 166 quốc gia khác do có nhiều nước đồng hạng vì có cùng số điểm đến được miễn thị thực.
Chẳng hạn có tới bảy nước xếp hạng năm do công dân của họ cùng được đi tới 186 điểm đến mà không cần visa. Đó là các nước Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Hoa Kỳ, Luxembourg và Na Uy.
Hộ chiếu Nhật Bản được cho là có giá trị nhất với 190 điểm đến miễn visa, thứ hai là Singapore với 189 và đồng hạng ba với 188 địa điểm miễn thị thực là Đức, Hàn Quốc và Pháp.
Đồng hạng tư là năm nước châu Âu : Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Ý.
Trong bảng xếp hạng lần trước của Henley, Việt Nam đứng thứ 88, trên cả Lào và Campuchia.
Tuy nhiên hơn sáu triệu dân Lào và khoảng 16 triệu dân Campuchia giờ đều có thể đến nhiều nước trên thế giới mà không cần visa so với 93 triệu người Việt Nam.
Nước láng giềng cộng sản khổng lồ của Việt Nam, Trung Quốc, đã tiến lên 14 bậc so với bảng xếp hạng của hơn nửa năm trước khi đứng thứ 71 với quyền đi lại tự do tới 74 nước cho công dân của họ.
Một cổ hai tròng
Thứ hạng thấp và thụt lùi của Việt Nam giải thích tại sao tin này chưa và sẽ khó được báo chí Việt Nam quan tâm.
Trong khi đó kênh Channel NewsAsia có trụ sở Singapore đưa tin đảo quốc này đã bị một đảo quốc khác, Nhật Bản, chiếm mất vị trí đầu bảng về giá trị của hộ chiếu.
Bài báo đã được chia sẻ hơn 5.000 lượt chỉ riêng từ trang Channel NewsAsia nói Nhật Bản lấy được vị trí thứ nhất từ tay Singapore vì họ vừa có thêm được điểm đến miễn thị thực mới – Myanmar.
Kênh này cũng đề cập tới chuyện Đức tụt từ hạng hai xuống hạng ba và cả Anh và Hoa Kỳ đều mất vị trí thứ tư sau khi rơi một hạng.
Trước khi biết tin hộ chiếu xanh của Việt Nam giờ đứng sau 166 hộ chiếu khác, tôi biết một nhà báo Việt Nam vừa bị Anh từ chối visa dù được xem là một trong ba nhà báo trẻ xuất sắc trên thế giới theo một cuộc thi của Thomson Foundation và đã được bên mời bảo trợ và đài thọ mọi chi phí.
Đây không phải là lần đầu Anh từ chối visa người tài năng hay nổi tiếng từ Việt Nam.
Điều đáng buồn là ngay cả người Việt Nam cũng không coi người Việt Nam ra gì.
Cách đây nhiều năm tôi muốn sang Nga đã có thể xin thị thực bằng đường bưu điện qua Đại sứ quán của họ ở London và thủ tục chỉ mất có chưa tới một tuần.
Nhưng tới giờ một số đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài vẫn bắt công dân của mình lên tận nơi để làm thủ tục giấy tờ cho dù họ có ở cách nơi có đại sứ quán tới hàng trăm cây số như trường hợp mà một bạn mới chia sẻ trên trang Tôi và Sứ quán.
Trang này được lập ra trên Facebook để các công dân Việt có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với các đại sứ quán hay lãnh sự quán khác nhau.
Một người khác than phiền trên Tôi và Sứ quán rằng họ xin miễn thị thực tại lãnh sự quán ở Sydney mà đợi tới ba tuần không có hồi âm trong khi gọi điện đến tận nơi hỏi cũng không có thông tin gì.
Người khác nữa khuyên mọi người gọi đến lãnh sự quán Việt Nam ở New Zealand nên "bấm nút số 2 chọn nói chuyện bằng tiếng Anh - vì nếu chọn phím 1 nói tiếng Việt sẽ không bao giờ có ai nhấc máy". Họ cũng cảnh báo rằng các giấy tờ cần có để gia hạn hộ chiếu trên thực tế khác với những gì ghi trên trang mạng của lãnh sự quán và khi quy đổi lệ phí từ đô la ra tiền New Zealand, người ta thường tăng thêm vài đô la cho mỗi hồ sơ.
Vậy ra dân Việt ta vẫn một cổ hai tròng, một cái quốc nội và một cái quốc ngoại. Thiện tai, thiện tai.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 15/10/2018