Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/11/2019

Maphia bán nước hại dân

Người Buôn Gió

Gần đây trên chương trình truyền hình xuất hiện một phụ nữ sang trọng, đài các tham dự trong chương trình Shark tank (thương vụ bạc tỷ). Người phụ nữ đó tên là Đỗ Thị Kim Liên.

lien1

Đỗ Thị Kim Liên trong Chương trình Shark tank (thương vụ bạc tỷ).

Từ một giáo viên bà Liên nhảy sang hoạt động bảo hiểm, năm 2005 bà sáng lập bảo hiểm AAA và chỉ vài năm sau đó bà bán hãng bảo hiểm này cho tập đoàn Úc thu về hàng triệu USD vào năm 2013. Bà Liên còn là chủ nhiều hạ tầng cơ sở như cảng biển hoặc các dự án BOT. Sau khi bán bảo hiểm AAA vào thời điểm lò tôn của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu khởi lửa, bà đầu tư vào một nhà hàng cực lớn ở trung tâm Berlin, Rathausstrasse 23.

Việc đầu tư vào nhà hàng với số vốn hàng triệu Euro này đủ tiêu chuẩn cho cả gia đình nhà bà được cấp giấy phép định cư tại Đức. Một thời gian sau đó bà nhượng bớt cổ phần ở quán này cho thương hiệu quán Ngon.

Vào thời gian nóng rẫy của lò tôn ông Trọng, vợ chồng bà nằm im ở Đức. Gần đây, đặc biệt sau sự kiện tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh, bà Liên hoạt động trở lại rất công khai, không thầm kín như những năm trước, bà xuất hiện liên tục trên truyền hình rất nổi bật trong vai trò nhà đầu tư cho những thương vụ bạc tỷ.

Nhưng nổi bật nhất là việc báo chí đưa tin bà là chủ nhà máy nước mặt nước Sông Đuống với vốn đầu tư đến 5.000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng đến 80% là 3.998 tỷ đồng. Hiện nay nhà máy này đã bán bớt 34% cho người Thái với giá 2.000 tỷ đồng. Tính sơ sơ đã lãi 300 tỷ đồng ngay lập tức khi nhà máy mới vừa hoàn thành qua việc bán cổ phần. Chưa kể thực chất giá trị xây dựng nhà máy này có bị đội giá, khai khống vốn đầu tư hay không ?

lien2

Nhà máy nước mặt Sông Đuống - Ảnh : S.Đ

Theo báo Vietnamnet đưa tin, thì nhà máy nước Sông Đà mỗi năm thu lãi ròng hàng trăm tỷ, lãi suất trên 50%. Đó là giá nước của nhà máy sông Đà chỉ hơn nửa giá nước của nhà máy sông Đuống.

Nhà máy nước sông Đà với mức giá hơn 5 nghìn một khối, lãi ròng hơn nửa. Đang làm ăn ngon lành, bỗng nhiên bị xảy ra sự cố phá hoại đổ dầu thải vào nguồn nước, dường như những kẻ chủ mưu đổ trộm đã nghiên cứu kỹ phòng vệ của nhà máy nước sông Đà, cho nên phương án đổ trộm dầu thải được tính toán tinh vi, các điểm đổ rải rác nhiều nơi. Nơi tưởng như là công khai, nơi đổ kín đáo. Đầu tiên nhà máy nước sông Đà nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là vụ đổ trộm dầu thải, thế nên khi phát hiện chỉ khoanh khu vực đổ để xử lý. Nhưng khi xử lý rồi vẫn bị, tìm hiểu thêm mới vỡ lẽ ra kẻ đổ trộm còn đổ ở nhiều khu vực khác nhưng cùng mẫu số chung là cùng loại dầu và cùng đổ về nguồn nước của nhà máy sông Đà.

Điều lạ lùng là khi nhà máy nước sông Đà bị sự cố phá hoại, trùng hợp với thời điểm nhà máy nước sông Đuống khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu bán nước ra thị trường. Sự gấp vội của nhà máy nước sông Đuống khánh thành mặc dù còn chưa được giấy phép nghiệm thu khiến người ta hoảng sợ.

Người ta hoảng sợ vì tại sao một doanh nghiệp bị phá hoại, và doanh nghiệp canh tranh với nó bỗng nhiên được ưu đãi, bỏ qua những thủ tục để bán sản phẩm ra thị trường. Thậm chí địa bàn cấp nước của sông Đà bị bắt buộc phải thu hẹp lại, để nhà máy nước sông Đuống chiếm thị phần. Lạ lùng hơn là như có sự chuẩn bị từ trước, đường ống của nhà máy nước sông Đuống đã đến những nơi này trước, như một sự sắp đặt chỉ cần có sự cố xảy ra với sông Đà, là sông Đuống cấp nước được cho nơi ấy ngay.

Đến nay việc đổ dầu phá hoại nguồn nước sông Đà đi đến chỗ bế tắc, người ta không điều tra ra được động cơ của Nguyễn Đình Vũ khi đổ dầu xuống nguồn nước Sông Đà. Vũ chủ động liên hệ xin xử lý dầu thải cho nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà, thuê xe tải chở dầu, xe con đi áp tải (sao mà phải áp tải ?) chạy lòng vòng xa hơn điểm đổ hàng trăm km. Sau khi đổ thì tất cả bọn trốn luôn, không thèm quay lại nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà nhận tiền công.

Nguyễn Đình Vũ không hề có chức năng xử lý chất thải.

Nhu cầu dùng nước của Hà Nội là 1,1 triệu mét khối một ngày đêm. Các nhà máy nước hiện nay có thể cung cấp cho Hà Nội 1,3 triệu mét khối một ngày đêm.

Nhìn vào con số ấy, nếu nhà máy nước sống Đuống không nhờ những phép mầu ngẫu nhiên như sông Đà bị phá hoại, chính quyền Hà Nội tăng giá nước khi sông Đà chiếm thị phần của sông Đuống, chưa nghiệm thu đã được bán hàng... thì có lẽ nhà máy nước sông Đuống của chị Đỗ Liên chẳng thuận buồn xuôi gió, bán được ngay 34% thu về 2.000 tỷ. Tiếp đến là thu lãi ròng qua việc vừa được bán giá cao, vừa được mở rộng thị phần.

Ai là người tạo phép mầu ngẫu nhiên ấy cho Đỗ Liên.

Trời và Phật ư ?

Nói thế cho trẻ con nghe, thời nay chỉ có những quan chức cấp cao có lợi ích chung với Đỗ Thị Kim Liên mới tạo ra được những phép mầu cho doanh nghiệp mà thôi.

Bao giờ thì những quan chức cấu kết với doanh nghiệp, kinh doanh theo kiểu Maphia như trên sẽ được lôi ra ánh sáng ? Chúng là ai, chúng ở đâu, giữ chức vụ gì.

Các câu hỏi đặt ra sẽ dần dần được trả lời, sẽ sớm thôi.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 01/11/2019

******************

Nhà máy nước sông Đuống 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng

Hồng Khanh, VietnamNet, 23/10/2019

4 ngày trước lễ khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn I (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình này…

Những ngày gần đây khi nguồn nước sạch sinh hoạt do nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn, nhiều người dân sinh sống tại các khu đô thị, khu dân cư như : Khu đô thị Linh Đàm, Pháp Vân (Hoàng Mai), Đại Thanh... đang băn khoăn trước việc đại diện một số tòa nhà đưa ra ý kiến muốn thay đổi đơn vị cấp nước sinh hoạt mới là Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống.

Sau khi xảy ra tình trạng nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn , phía Công ty cổ phần Viwaco- đơn vị kinh doanh nước sạch sông Đà mua lại nước sạch của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã chuyển nguồn nước sông Đuống để bổ sung nước cho người dân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trước lễ khánh thành 4 ngày, ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định của Bộ Xây dựng), đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.

lien3

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019, theo Cục Giám định hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế (Ảnh : Dân Việt).

Tại văn bản này, Cục Giám định cho biết, công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) đã được đơn vị tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Cục Giám định cho hay công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006) ; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống ; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

"Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng", văn bản nêu rõ.

Nhưng chỉ 4 ngày sau khuyến nghị của Cục Giám định, ngày 5/9, chủ đầu tư vẫn khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản thông tin tới VietNamNet, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống cho biết, sau khi Cục Giám định có văn bản trên, công ty đã trực tiếp cung cấp bổ sung tới Cục thiết kế các tuyến qua đường sắt, quốc lộ; Thí nghiệm các chỉ tiêu ống trước khi thi công; Các biên bản thử áp trong quá trình thi công và Công văn 167/2019/BQLDA–SĐ gửi cục Giám định ngày 04 tháng 06 năm 2019 về việc "Báo cáo sự cố hư hỏng hố van xả cặn tuyến ống truyền dẫn nước sạch – Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống". Những hồ sơ, tài liệu mà Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống gửi bổ sung đến Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã được Cục này chấp thuận, đồng ý phê duyệt hay chưa thì phía Công ty không nêu. 

"Trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về chất lượng nước cấp cho người dân cũng như chất lượng tuyến ống truyền tải" – đại diện công ty cho biết.

Cũng theo phía công ty, qua quá trình vận hành hơn 1 năm qua, đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng, lưu lượng và áp lực nước tăng lên, tuyến ống luôn vận hành ổn định và an toàn. Tuy nhiên, trong văn bản của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống không đề cập, khẳng định việc công trình đã được nghiệm thu hay chưa.

Trong khi đó, thông tin trên Báo Xây dựng, lãnh đạo Cục Giám định xác nhận, đến nay nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Được biết, theo mục tiêu xây dựng dự án đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2869 năm 2016, khi đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp nước cho các khu vực hệ thống đường ống nước của thành phố chưa phủ đến được, trong đó có các khu vực như: quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn; các huyện : Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín…

Tại quyết định này, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý, khi nhà máy đi vào hoạt động và cung cấp nước thương mại ra thị trường, đơn vị cung cấp phải liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo đúng quy định ; lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển vùng phục vụ của nhà đầu tư.

Trước đó, như báo chí phản ánh ngày 8/5, đại diện chủ đầu tư Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) và Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã ký thỏa thuận cung cấp nước cho cả 6 tòa nhà tại khu đô thị này. Nhưng với lý do, nguồn nước Sông Đà đang được cấp theo mạng đường ống của thành phố ổn định và lo ngại những phát sinh có thể xảy ra trong mùa hè này khi thay đổi đơn vị cung cấp mới, nhiều hộ dân tại Khu đô thị Đại Thanh đã tập trung phản đối Ban quản lý tự ý thay đổi đơn vị cung cấp nước sạch và gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng.

Được biết, nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất 300.000m3/ngày đêm. Ngày 13/10, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), nhiều ý kiến đưa ra đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước cũng với công suất 300.000m3/ngày đêm trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, mức giá tạm tính mỗi mét khối nước của nhà máy lên tới 10.264 đồng được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội.

Hồng Khanh

Nguồn : VietnamNet, 23/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 880 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)