Thành công hay thất bại ?
Cách đây 16 năm, Khu kinh tế mở Chu Lai chính thức được thành lập bằng Quyết định 108/2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ. Quyết định này nhắm đến mục tiêu cũng như mở ra cơ hội cho tỉnh nghèo Quảng Nam phát triển kinh tế và vươn lên vị thế tầm cỡ trong các tỉnh miền Trung.
Sơ đồ Quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai mở rộng
Các mục tiêu cụ thể hơn là áp dụng các thể chế, cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng ; áp dụng các mô hình, động lực mới cho phát triển kinh tế ; phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu ; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực [1].
Vào thời điểm đó, Việt Nam đã có sẵn một số mô hình khu cũng như các khu tương ứng, như Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và Khu kinh tế cửa khẩu.
So với các mô hình khu đã có, mô hình Khu kinh tế mở – cũng như mô hình Khu kinh tế cửa khẩu – là một loại mô hình Khu kinh tế mà các điều kiện nhìn chung là ưu đãi hơn. Ngoài các ưu đãi cho các khu kinh tế, Chu Lai có một số ưu đãi đặc thù được quy định trong Quyết định 108/2003/QĐ-TTg, chẳng hạn :
- được áp dụng những thủ tục hải quan thuận lợi (Điều 11) ;
- các dự án đầu tư trong nước được xem xét, phê duyệt theo quy định hiện hành với các thủ tục đơn giản nhất (Khoản 1, Điều 14) ;
- tất cả dự án đầu tư được hưởng các ưu đãi tối đa của khu kinh tế áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (Khoản 2, Điều 14).
Các thành tựu bước đầu của các mô hình khu đã có là một phần nguyên nhân để mô hình Khu kinh tế mở được triển khai. Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai đã đạt được những gì ?
Tính đến gần cuối năm 2018, Khu kinh tế mở Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 4,52 tỷ USD, trong đó có 115 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 66.200 tỷ đồng, 43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD [2].
Số dự án đã đi vào hoạt động là 111 với tổng vốn thực hiện là 68.000 tỷ đồng [3], trong đó có 78 dự án đầu tư trong nước và 33 dự án FDI. Phần lớn dự án thuộc ngành công nghiệp, tiếp đến là ngành du lịch, thương mại, và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Số lao động tính đến ngày 12/11/2018 là hơn 25 ngàn người trong đó tổ hợp ô tô Trường Hải có 9.730 người, Khu công nghiệp Tam Thăng có 7.718 người, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai có 6.089 người, Khu công nghiệp Tam Hiệp có 728 người, các dự án ngoài Khu công nghiệp có 1.152 người [4].
Hàng năm, Khu kinh tế mở đã đóng góp bình quân 65% tổng thu ngân sách tỉnh, giúp tăng thu ngân sách cho tỉnh và đưa Quảng Nam trở thành địa phương tự cân đối trên 50% tổng nhu cầu chi [5]. Trong 2 năm 2016 và 2017, tỷ trọng trong tổng thu ngân sách tỉnh mà khu kinh tế đã đóng góp lần lượt là 75% và 70% [6].
Chủ lực của Khu kinh tế mở Chu Lai là Tổ hợp ô tô Trường Hải. Ngoài sản xuất ô tô, Trường Hải còn phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việc Trường Hải đặt chi nhánh tại Quảng Nam vào năm 2003 là kết quả của nỗ lực trong gần 2 năm (2002 – 2003) của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc trong việc thuyết phục chủ tịch hội đồng quản trị của Trường Hải là ông Trần Bá Dương [7].
Những gì đạt được kể trên có cho thấy Khu kinh tế mở này thành công hay không ?
Nếu chỉ nhìn vào các thông tin trên, thông thường người ta có khó có thể đánh giá.
Theo nhận định của một số tác giả, Chu Lai không (hay chưa) thành công.
Tổ hợp ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Nguồn : Internet)
Trong một nghiên cứu của mình và các cộng sự, tác giả Huỳnh Thế Du cho rằng kết quả của Chu Lai là rất hạn chế (tính đến thời điểm của nghiên cứu là năm 2014) [8].
Vũ Ngọc Hoàng, nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam, trong một bài viết cho kỷ yếu 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai (năm 2018) thì cho rằng Chu Lai chưa thành công nếu so với các ý định và yêu cầu được đặt ra ban đầu khi xây dựng đề án. Ông cũng cho rằng Chu Lai có lợi thế lớn nhất là tiềm năng phát triển du lịch, song lĩnh vực này chỉ có một vài dự án mà thôi [9].
Vũ Thành Tự Anh, tác giả một nghiên cứu cũ hơn (năm 2012), mặc dù không đưa ra nhận định trực tiếp nào về thành công hay thất bại của Khu kinh tế mở này, song cho thấy Khu kinh tế mở này còn nhiều hạn chế cản trở sự thành công của nó, liên quan đến các yếu tố như vị trí địa lý, phân quyền quản lý, và năng lực cán bộ, v.v. [10].
Như vậy, dựa vào các tác giả trên đây, có thể cho rằng thành công chưa đến với Chu Lai.
Mặc dù có nhiều ưu đãi chung lẫn riêng, Chu Lai không đạt được những thành tựu cần thiết để trở thành Khu kinh tế mở phát triển tương xứng với các điều kiện thuận lợi cũng như với các mục tiêu ban đầu.
Khu kinh tế mở Chu Lai, do đó, khó có thể trở thành một hình mẫu cho việc nhân rộng mô hình khu kinh tế này, cũng như khó có thể làm động lực cho việc phát triển các đặc khu trong tương lai, nếu có.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 31/10/2019
Chú thích :
[1] Điều 3 Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai (ban hành kèm theo Quyết định 108/2003/QĐ-TTg)
[2] Số liệu do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cung cấp
[3] Ngọc Phúc (2018), "15 năm Khu kinh tế mở Chu Lai : Thu hút 4,5 tỷ USD vốn đầu tư"
[4] Như [2]
[5] Thu Hồng và Vĩnh Nhân (2018a), "Tác động của Khu kinh tế mở Chu Lai đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam", Kỷ yếu 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai
[6] Số liệu do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cung cấp
[7] Thu Hồng và Vĩnh Nhân (2018b), "Nhìn lại 15 năm "con Sếu lớn" THACO bén duyên cùng đất Quảng", Kỷ yếu 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai
[8] Huỳnh Thế Du và đ.t.g (2014), "Từ khu kinh tế đến phát triển và liên kết vùng : Tạo đột phá thể chế"
[9] Vũ Ngọc Hoàng (2018), "Về Khu kinh tế mở Chu Lai", Kỷ yếu 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai
[10] Vũ Thành Tự Anh (2012), "Khu kinh tế mở Chu Lai : Phòng thí nghiệm cho đổi mới thể chế và chính sách ở một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung"
*****************
Vì sao không thành công ?
Như đã cho thấy trong bài viết trước, theo một số tác giả, Khu kinh tế mở Chu Lai không (hay chưa) thành công, mặc dù có nhiều ưu đãi chung lẫn riêng [1].
Vậy đâu là những nguyên nhân của sự không thành công của Chu Lai ?
Khu kinh tế mở Chu Lai (Nguồn : Internet)
Theo Vũ Ngọc Hoàng, nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam, đó là sự thiếu quyết tâm chiến lược và sự chỉ đạo của Chính phủ đã không quyết liệt [2].
Một số nguyên nhân khác nằm ở thực tiễn quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai được cho thấy từ nghiên cứu của Vũ Thành Tự Anh [3], bao gồm :
1. Nhiều quyết định chính sách về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cấp giấy phép đầu tư và tài chính bị chi phối bởi các lợi ích riêng ;
2. Quyền hạn quyết định các vấn đề về ngân sách của Ban Quản lý rất hạn chế ;
3. Ban quản lý và chính quyền địa phương không có quyền hạn thực tế để tham gia thực nghiệm chính sách ;
4. Quy trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận tập thể ;
5. Năng lực và sự cam kết của các cán bộ thực hiện hạn chế ;
6. Vị trí địa lý là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Huỳnh Thế Du và các cộng sự, một trong các vấn đề của Chu Lai là không có sự khác biệt đáng kể về chính sách giữa các dự án trong và ngoài Khu kinh tế mở, do tất cả chính sách quan trọng ở Chu Lai đều do chính quyền Quảng Nam quyết định [4].
Nếu căn cứ vào các yếu tố thành công cho các khu tại Việt Nam được rút ra từ luận văn của người viết bài này [5], bao gồm : 1) vị trí địa lý thuận lợi, 2) năng lực và quyết tâm của lãnh đạo cao, 3) chính sách ưu đãi hấp dẫn, 4) môi trường kinh doanh lành mạnh, 5) có các nhà đầu tư chiến lược, thì sự không thành công của Chu Lai có thể được lý giải là do Chu Lai thiếu các yếu tố thành công đó.
Một, vị trí của Chu Lai tuy có chút lợi thế, đó là ở gần ven biển và gần Đà Nẵng, nhưng yếu tố này không phát huy nhiều tác dụng khi đặt vào các ngành trọng tâm tại Chu Lai (sản xuất lắp ráp ô tô và du lịch), và thêm vào đó là không tạo ra nhiều sự kết tụ về mặt kinh tế cũng như không thực sự trở thành một vùng trung tâm (dù là trung tâm công nghiệp hay trung tâm về một lĩnh vực khác).
Hai, năng lực của lãnh đạo không cao, trong khi quyết tâm của lãnh đạo mang tính thời điểm hơn là chiến lược, khi ngoài Chủ tịch tỉnh năm 2002, ông Nguyễn Xuân Phúc, không ai khác thể hiện quyết tâm tương tự ông trong việc thu hút được một nhà đầu tư như Trường Hài.
Ba, các chính sách ưu đãi tuy đã hơn hết các khu kinh tế khác, nhưng không thực sự nổi bật, nên không thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất khi đặt bên cạnh các yếu tố kém hoàn thiện khác.
Bốn, môi trường kinh doanh nhìn từ năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Nam là khá ổn (tỉnh Quảng Nam có chỉ số năng lực cạnh tranh từ khá cao đến cao, đặc biệt là luôn trong top 10 từ 2015 đến 2018[6]) song có bất cập trong thủ tục hành chính về đất đai, tiếp cận mặt bằng mở rộng kinh doanh, thuế và vốn vay, đồng thời, chủ trương, chính sách, sáng kiến của tỉnh không được thực hiện đúng ở cấp cơ sở [7].
Năm, cho đến nay, Chu Lai chỉ có Trường Hải là nhà đầu tư chiến lược duy nhất.
Ngoài ra, nếu tính yếu tố thứ sáu cho thành công – có thể được rút ra từ nghiên cứu trên đây của Vũ Thành Tự Anh – là quyền tự trị cao, để một khu kinh tế có thể tự quyết các chính sách quan trọng một cách nhanh chóng và hiệu quả, thì Chu Lai cũng thiếu yếu tố này.
Tóm lại, Chu Lai thiếu nhiều yếu tố cho thành công, vì vậy, cải thiện các yếu tố này là cần thiết để Chu Lai cải thiện thành tựu phát triển kinh tế.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 31/10/2019 (NguyenTrangNhung's)
Chú thích :
[1] 16 năm Khu kinh tế mở Chu Lai : Thành công hay thất bại ? (xem phần trên)
[2] Vũ Ngọc Hoàng (2018), "Về Khu kinh tế mở Chu Lai", Kỷ yếu 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai
[3] Vũ Thành Tự Anh (2012), "Khu kinh tế mở Chu Lai : Phòng thí nghiệm cho đổi mới thể chế và chính sách ở một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung"
[4] Huỳnh Thế Du và đ.t.g (2014), "Từ khu kinh tế đến phát triển và liên kết vùng : Tạo đột phá thể chế"
[5] Luận văn 'Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam'
[6] PCI Việt Nam (2019), "PCI của Quảng Nam qua các năm"
[7] Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam (2013), "Cải thiện chỉ số PCI"
(Nhiều đoạn trong bài viết này được dẫn từ luận văn thạc sĩ Chính sách công của người viết với đề tài 'Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam' tại Đại học Fulbright Việt Nam)