Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2019

Quyền tự do tôn giáo : nhìn từ tịnh thất Bồng Lai

Minh Châu

Có vẻ chính quyền đang bắt đầu tôn trọng quyền tự do trong lựa chọn nơi để tu hành của người dân qua vụ việc tịnh thất Bồng Lai ở Long An ?

tinhthat1

Cha mẹ của cô Võ Thị Diễm My đã đồng ý cho cô thực hiện ước nguyện biến gia thành tự để tu hành, dưới tên gọi Tịnh thất Bồng Lai, tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Chiều 4/11, tịnh thất Bồng Lai, tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có 2 sự việc thu hút ít nhiều quan tâm về quyền tự do tôn giáo : thứ nhứt, lực lượng Công an xã Hòa Khánh Tây đã rời khỏi tịnh thất, không còn phải làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xuyên suốt như nhiều ngày qua. Thứ hai, cha mẹ của Võ Thị Diễm My (20 tuổi) là bà Đoàn Thị Tuyết Mai (47 tuổi) và ông Võ Văn Thắng (46 tuổi, cùng ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đồng ý cho Võ Thị Diễm My thực hiện ước nguyện được tu hành tại tịnh thất Bồng Lai.

Về mặt thủ tục hành chánh, cô Võ Thị Diễm My đã được Công an xã Hòa Khánh Tây thực hiện đăng ký lưu trú tại tịnh thất Bồng Lai. 

Cởi mở việc ‘biến gia thành tự’ ?

Bước đầu sự việc ở tịnh thất Bồng Lai dường như đang mở ra một tiền lệ, là các nơi ‘biến gia thành tự’ để làm nơi tu hành dưới tên gọi tịnh thất, có thể được chính quyền chấp nhận để quản lý tốt hơn, vì trên thực tế không có điều cấm nào về mặt pháp luật của chuyện ‘biến gia thành tự’. 

tinhthat2

5 chú tiểu bao gồm Pháp Tâm (3 tuổi), Ngọc Tâm (3 tuổi), Minh Tâm (4 tuổi), Trí Tâm (4 tuổi) và Nghi Tâm (4 tuổi) đang được sư thầy Thích Tâm Đức ở tịnh thất Bồng Lai nuôi dưỡng © Tiền Phong.

Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, nói rằng theo quan điểm của ông thì đối với vấn đề am thất tự phát, Giáo hội các cấp phải xem xét từng trường hợp cụ thể. 

"Thiết nghĩ, chúng ta nên dựa trên hai tiêu chí : tăng ni phải được đào tạo trường lớp, có tinh thần phụng sự Phật pháp và nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương ấy. Nếu thỏa mãn hai yêu cầu đó, các cấp Giáo hội nên kết hợp với chính quyền tạo điều kiện cho tăng ni, để vừa có cơ sở mới hoằng dương Phật pháp vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào địa phương. 

Nếu chúng ta ngăn cấm và loại bỏ am thất tự phát, những tăng ni này sẽ không đồng hành với các Phật sự tại địa phương, nhiều khi còn bức xúc với Giáo hội". Hòa thượng Thích Minh Thiện chia sẻ tại "Khóa Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2019" tổ chức tại chùa Thiên Châu, tỉnh Long An, thượng tuần tháng 11-2019.

Nam nữ tu chung một nơi có tiền lệ hay chưa ?

Không ít ý kiến phản đối việc nam, nữ cùng tu chung ở một nơi. Thực ra điều này cũng đã có tiền lệ.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự việc bố-tát [*] chung của tăng ni tại quận Phú Nhuận là có thực và đây là việc làm có từ rất lâu. Theo đó, sinh hoạt chung tăng ni theo một thời gian định kỳ, nhất là vào mùa an cư. Qua đó chư tôn đức quận Phú Nhuận tổ chức bố-tát chung cho tăng ni của quận, nhưng giới tụng tại buổi tụng giới ấy không phải là biệt giới (Thanh văn giới) mà là thông giới (Bồ-tát giới). 

Biệt giới có tính cách riêng biệt nhị bộ tăng-ni, riêng Bồ-tát giới thuộc về thông giới, tức xuất gia hay tại gia đều có thể ngồi nghe chung với nhau được. Vì thế nếu tụng Bồ-tát giới thì tăng, ni có thể ngồi chung nghe giới được, mà không vi phạm luật.

Trung tâm Làng Mai do tu sĩ Phật giáo Thích Nhất Hạnh lập tại Pháp và sau đó mở chi nhánh tại nhiều quốc gia, cũng là nơi mà nam, nữ co thể tu chung cùng một nơi. Không chỉ vậy, Làng Mai còn đón tiếp các tu sĩ Công giáo cả phương Tây lẫn Á đông và cả Việt Nam hiện tại, đến cùng thực tập chánh niệm và trao đổi kinh nghiệm trong đời sống xuất gia.

Theo tìm hiểu của người viết, tại Làng Mai cách sinh hoạt và những quyết định đều được dựa trên cái gọi là tác pháp Yết ma, và những lời dạy này có sẵn trong giới luật, ở trong luật tạng do đức Phật đã để lại. Quyết định theo thể thức tác pháp yết ma là một tinh thần dân chủ, nơi đó không dựa trên một người quyết định tối hậu mà dựa trên cái pháp để vận hành đời sống.

Cần chấm dứt hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng thủ tục hành chánh

Lâu nay, các tổ chức tôn giáo không được chính quyền cấp các quyết định về mặt thủ tục hành chánh cho việc công nhận, thì tổ chức đó nghiễm nhiên sẽ bị cơ quan công quyền hạch sách, cấm đoán đủ chuyện trong vấn đề về tôn giáo. Điều này cho thấy phía chính quyền đã cố tình vi phạm pháp luật về tôn giáo mà chính họ đã đặt ra.

Đơn cử, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tại Điều 5 :

"Các hành vi bị nghiêm cấm" ghi rõ về 5 hàng vi cụ thể :

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo ;

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo ;

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo ;

4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo :

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường ;

b) Xâm hại đạo đức xã hội ; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ;

d) Chia rẽ dân tộc ; chia rẽ tôn giáo ; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ;

5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".

Các quy định kể trên có nghĩa là mặc dù chính quyền hiện nay không cấp giấy phép cho tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, song không vì thế mà chính quyền được quyền hạn chế những tu sĩ, những tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong thực hiện việc tu hành, cùng các nghi thức tôn giáo, bao gồm cả việc sở hữu các chùa, am tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trước mắt, nếu như đã có thể bắt đầu quyền tự do lựa chọn công đoàn của người lao động Việt Nam, thì về tôn giáo, cần thiết sửa đổi nội dung ở Chương IV, "Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo", Luật tín ngưỡng, tôn giáo. 

Việc sửa đổi sẽ theo hướng chấm dứt những tổ chức giáo hội độc quyền ở các tôn giáo ; và các tổ chức tôn giáo không có trách nhiệm thực hiện những đường lối, chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, hay bất kỳ đảng phái chính trị nào áp đặt.

Thay lời kết

Mặc dù Việt Nam có Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhưng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng hiện vẫn còn khoảng cách so với luật nhân quyền quốc tế, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản sau : Hiến pháp năm 2013 chưa có quy định về quyền tự do tư tưởng, tự do niềm tin lương tâm. Đây là những quyền đóng vai trò nền tảng của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị hạn chế (không phải là quyền tuyệt đối), song các quốc gia không được phép áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tự do được tin hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo lựa chọn của mình. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến mà không bị can thiệp.

Đơn cử sau năm 1975, Hòa thượng Thích Không Tánh (chùa Liên Trì, Thủ Thiêm) từng bị chính quyền Hà Nội bắt ngài bỏ tù với lý do ông phản đối việc buộc các tu sĩ phải gia nhập quân đội.

Cá nhân người viết cho rằng Hòa thượng Thích Không Tánh phản đối là có cái lý. Công ước quốc tế về Các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) tuy không quy định cụ thể về quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm, nhưng theo Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, quyền đó có thể suy ra từ nội dung Điều 18 của ICCPR, vì nghĩa vụ sử dụng vũ lực gây chết người có thể mâu thuẫn gay gắt với niềm tin lương tâm và quyền biểu thị tôn giáo và tín ngưỡng của một cá nhân. 

Khi quyền này được luật pháp hoặc thực tế công nhận thì không được phân biệt đối xử với những người phản đối và từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì lý do lương tâm dựa trên bản chất của những tín ngưỡng đặc biệt của họ.

Như vậy, chính quyền cũng không thể bắt bớ bỏ tù các tu sĩ khi họ phản đối một chính sách nào đó của đảng phái chính trị, nếu như việc phản đối ấy không vi phạm các quyền tự do dân sự theo luật định. Quyền tự do tôn giáo cũng được hiểu tương tự ở bối cảnh ấy.

Minh Châu

Nguồn : RFA, 06/11/2019

Chú thích :

[*] Bố-tát là dịch âm từ tiếng Phạn là ‘Posatha’. Thuật ngữ Posatha có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Tức ý nói là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Bố-tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.

Quay lại trang chủ
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)