Khuôn mặt của cả hai mẹ con : Chị H Bleng Nie và con trai Y An Dri Nie, tức Henry, toát lên vẻ buồn rầu trong suốt cuộc nói chuyện.
Hai mẹ con đã quyết định trốn khỏi Việt Nam, tìm đường sang Thái Lan từ ngày 8/12/2020, nhưng cho tới giờ đã gần 4 năm, họ vẫn chưa được Liên Hiệp Quốc cấp giấy tỵ nạn chính trị vì bị đàn áp tôn giáo. Chị H Bleng Nie vẫn chưa được phỏng vấn, còn Henry đã được người của Liên Hiệp Quốc phỏng vấn, cho tới tháng 12 này sẽ là một năm, nhưng chưa có kết quả. Từ ngày sang Thái Lan tới giờ hai mẹ con cũng không thể đi làm bất cứ việc gì để mưu sinh bởi vì vẫn chưa có giấy tờ chính thức, nếu đi làm mà bị cảnh sát Thái bắt thì sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Mà về Việt Nam thì khả năng bị tù rất cao. Bên cạnh đó là nỗi buồn vì người chồng, người bố của họ, anh Y Pum Bya, đang phải thụ án tù lần thứ hai với bản án 14 năm, cũng chỉ vì muốn thực hành và truyền đạo Tin Lành một cách độc lập chứ không chịu ở trong hệ thống quốc doanh của nhà nước.
Câu chuyện của gia đình anh Y Pum Bya là một câu chuyện rất thường xảy ra dưới chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam, nhưng lại không thể hiểu nổi, dưới cái nhìn của quốc tế…
Y Pum Bya tại nhà riêng ở Đắk Lắk cùng con trai Y An Dri Nie vào năm 2014 (hình bên trái). Vợ của Y Pum Bya, H Bleng Nie, và con trai, Y An Dri Nie tại Thái Lan vào năm 2022 (hình bên phải).
***
Anh Y Pum Bya – 2 lần bị tù, tổng cộng 22 năm, gia đình bị sách nhiễu không yên
Chị H Bleng Nie, người Ê đê, sinh năm 1969, trong một gia đình có 6 người con – 1 trai 5 gái mà chị là người con thứ hai. Như hầu hết các gia đình người Ê đê khác, gia đình chị sống bằng nghề nông, tuy nhiên chị cũng được đi học tới lớp 9. Năm 1986 chị lập gia đình với anh Y Pum Bya, cũng người Ê đê. Lúc đầu họ sống ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, năm 1991 họ chuyển đến sống ở buôn Kmien, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Từ khi chung sống, hai vợ chồng tiếp tục nghề nông, trồng trọt và chăn nuôi heo, gà. Rồi lần lượt 7 người con ra đời, 3 trai 4 gái, lớn nhất là H Ngem Nie, sinh năm 1987 và nhỏ nhất là Y An Dri Nie, sinh năm 2001.
Trước khi xảy ra câu chuyện bị tù đày, vợ chồng anh Y Pum Bya đã tin Chúa, bản thân anh đã có những hoạt động truyền giảng cùng với một vị mục sư khác ; và anh Y Pum Bya cùng 4 người khác đã từng bị bắt và giam giữ 10 ngày tại huyện Cư Mgar vào ngày lễ Giáng Sinh 25/12/1990 với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp khi sinh hoạt tôn giáo tại nhà.
Năm 2001 Tây Nguyên xảy ra những cuộc biểu tình lớn của đồng bào các sắc dân bản địa đòi trả lại đất đai tổ tiên và quyền tự do tôn giáo. Người Thượng cáo buộc đất đai tổ tiên của họ bị chuyển đổi thành các đồn điền cà phê của người Việt, phản đối di dân người Việt và các sắc dân khác thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư, làm ăn, xây dựng các dự án thủy điện tại đây. Họ mong muốn thực hành đạo Tin Lành một cách tự do và từ chối Giáo hội Tin Lành Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát.
Cuộc biểu tình lớn đầu tiên diễn ra vào ngày 2-3/2/2001 tại nhiều buôn làng khác nhau và tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Số người tham gia biểu tình tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum tổng cộng xấp xỉ 10.000 người. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp dữ dội. Ngoài lực lượng công an, dân phòng tại chỗ, nhà cầm quyền Việt Nam đưa cả lực lượng cảnh sát, quân đội từ trung ương tới, cả máy bay trực thăng, xe tải… tiếp cận hiện trường.
Không ai biết được chính xác bao nhiêu người dân đã bị giết, bị bắt, bị bỏ tù, chỉ phỏng đoán hàng trăm, hàng ngàn người, ngoài ra là hàng ngàn người khác bỏ chạy trốn sang Campuchia, Thái Lan.
Anh Y Pum Bya không tham gia trong các cuộc biểu tình lớn năm 2001 nhưng vì quan tâm đến vấn đề tự do tôn giáo, anh viết một cái thư gửi tới chính quyền đòi tự do tôn giáo. Vì nội dung bức thư trùng một phần với nội dung những người biểu tình đòi hỏi nên anh bị bắt, bị ghép tội chung luôn.
Anh bị bắt ngày 28/2/2002, khi đó con trai út chỉ mới có 2 tháng, và bị giam ở trại giam Công an tỉnh Đắk Lắk ở Buôn Ma Thuột. Sau này anh có kể với gia đình thời gian bị tạm giam anh bị đánh đập, tra tấn rất nhiều. Sau 10 tháng bị tạm giam, ngày 25/12/2002 anh bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Chị H Bleng Nie cho hay, gia đình có tham dự phiên tòa, có khoảng 7, 8 người bị xử, toàn là người Ê đê.
Anh Y Pum Bya bị cáo cuộc tội : ‘Phá hoại chính sách đoàn kết’ và bị kết án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế. Sau đó anh được đưa về giam ở trại giam Nam Hà, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Từ khi chồng bị bắt rồi bị kết án tù dài hạn, một mình chị H Bleng Nie vất vả làm nông nuôi 7 người con. Cứ 2, 3 tháng chị lại gom góp đi thăm nuôi chồng một lần, khi nào không có tiền đi thì chỉ gửi đồ.
Ở trong tù, ngoài điều kiện lao tù vô cùng khắc nghiệt, tàn ác đối với tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, những người tù còn phải lao động mà lao động có thi đua, ai làm không tốt thì sẽ bị phạt cách này cách khác. Công việc lao động đó là làm mây tre đan lát theo đơn đặt hàng từ bên ngoài để bán, xuất khẩu, nhưng người tù tất nhiên là không được lãnh đồng nào.
Ở nhà, ngoài việc lao động vất vả để nuôi con, chị H Bleng Nie và gia đình còn bị công an, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, hạch xách. Khổ cực trăm bề nhưng chị cũng ráng cho các con học hành kiếm cái chữ. 7 người con, người thì học hết lớp 9, người lớp 11, 12. Con trai út Henry thì học tới hết lớp 9. Nhưng rồi cũng không ai có công ăn việc làm gì, toàn làm nông. Đất nhà chỉ có 1,8 ha, chia cho các con, không đủ thì đi làm thuê cho các công ty trong vùng.
Anh Y Pum Bya được trả tự do sớm hơn thời hạn 5 tháng và ra tù ngày 25/7/2009. Nhưng sau khi ra tù anh tiếp tục bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ trong thời gian 4 năm quản chế. Anh phải viết báo cáo tự kiểm điểm, thường xuyên bị triệu tâp lên đồn làm việc và bị hạch hỏi, hành hung, đánh đập trong những buổi làm việc này chỉ vì có những hoạt động thờ phượng Chúa tại nhà. Thật ra, theo lời chị H Bleng Nie, sau khi ở tù ra người ta không cho sinh hoạt tại nhà thờ của Hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, họ nói người nào đã vi phạm pháp luật là không được nhận vào sinh hoạt, vợ chồng sau đó tách ra luôn.
Vào năm 2017, anh Y Pum Bya đi học Kinh thánh tại Hội thánh Tin lành tại quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn. Sau khi theo học được 1 năm rưỡi, anh Y Pum Bya cùng vài người khác được giao nhiệm vụ thành lập Hội thánh Tin lành Phúc Âm tại nhà riêng của anh ở Buôn Kmien, nhưng chưa đủ để gọi là mục sư mà mới là nhà truyền đạo. Một số bà con trong buôn cũng theo đến nghe giảng đạo. Công an cho mời lên mời xuống nhiều lần, cấm anh không được thờ phượng Chúa trong nhà và có những hoạt động truyền đạo nhưng anh không bỏ, vì vậy ngày 10/4/2018 anh bị bắt lần thứ hai.
Trong thời gian bị tạm giữ, điều tra, anh Y Pum Bya lại bị đánh đập dã man khiến anh bị thương nhiều chỗ và bị thương nặng ở đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau 9 tháng bị tạm giam, ngày 31/01/2019, anh Y Pum Bya lại bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và bị tuyên án 14 năm tù.
Lần thứ hai này anh bị đưa đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai. Tiếp tục những chuỗi ngày bị đày đọa trong ngục tù cộng sản. Trại giam ở xa hơn, phải đi xe đò 3 tiếng đồng hồ mới tới. Mỗi lần đi thăm tốn khoảng 5 triệu đồng Việt Nam, chị H Bleng Nie phải bán heo, gà, góp tiền các thứ, nhà nghèo nên cũng chỉ đi thăm một năm được 2 lần. Lần bị giam này anh được phép gọi điện thoại về nhà nhưng phải trả tiền, cứ 200.000 đồng/10 phút. Sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, tâm thần bị sa sút nặng nề, mỗi lần gọi về anh lại bảo con đi mua thuốc rối loạn tiền đình, hoại huyết chóng mặt đau đầu, đau lưng, mỏi, tê chân tay, v.v…
Sau khi anh Y Pum Bya bị giam giữ, công an tiếp tục xách nhiễu, khủng bố tinh thần những người còn lại trong gia đình, nhất là vợ anh, chị H Bleng Nie và con trai út là Y An Dri Nie tức Henry. Cả hai thường xuyên bị triệu tập, bị ép phải từ bỏ đức tin và bị cấm tụ tập để thờ phụng Chúa. Họ cũng bị đá, bị tát rất mạnh. Nhiều lần hai mẹ con bị thẩm vấn, bị hành hung như vậy. Công an liên tục nói đi nói lại rằng tôn giáo mà gia đình chị đang theo là một giáo phái không được chính phủ công nhận và bị cấm đoán vì có những liên kết chính trị với bên ngoài, rằng nếu họ không từ bỏ thì sẽ bị bắt tù giống như chồng, cha của họ.
Bỏ trốn khỏi Việt Nam và cuộc sống bấp bênh, mòn mỏi của hai mẹ con chị H Bleng Nie ở Thái Lan
Quá mệt mỏi và sợ hãi, ngày 8/12/2020 cả hai mẹ con đã bỏ trốn khỏi Việt Nam, tìm đường sang Campuchia rồi sang Thái Lan để xin tỵ nạn. Lúc đi bộ, lúc đi xe, không có người hướng dẫn, khi hai mẹ con đến biên giới Thái Lan - Campuchia vào ngày 10/12/2020 thì bị cảnh sát Thái Lan bắt.
Sau đó, hai mẹ con cùng với vài người khác cũng tìm đường sang Thái Lan để xin tỵ nạn, được đưa đến Trung tâm giam giữ người nhập cư Thái Lan (Immigration Detention Center of Thailand, viết tắt IDC) ở Bangkok và bị giam giữ tại đây trong thời gian một năm và hơn 3 tháng.
Trong thời gian này, chị H Bleng Nie đã tìm cách gửi những giấy tờ, bằng chứng về trường hợp của mình cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees, viết tắt UNHCR), cũng như tìm cách kết nối với các tổ chức xã hội dân sự phụ trách các vấn đề nhân quyền khác. Sau khi nhận được các giấy tờ của chị, UNHCR đã gọi cho hai mẹ con và sơ vấn qua điện thoại. Sau đó thì họ có phỏng vấn Henry vào ngày 15/11/2023. Tuy nhiên, cho đến nay UNHCR chỉ cung cấp cho họ giấy tờ xin tị nạn tạm thời và vẫn chưa cung cấp cho họ thẻ tị nạn chính thức.
Ngày 30/3/2022, với sự hỗ trợ của Mục sư người Thái Ajan Pornchai, cả hai mẹ con đã được ra khỏi nơi giam giữ và trú ẩn tại nhà thuê của một người quen. Từ đó đến giờ, cả hai không thể đi làm gì để mưu sinh mà cũng không có được sự hỗ trợ của tổ chức nào, chỉ đi xin người này người kia hoặc xin gạo từ thiện của nhà thờ Tin Lành nơi họ thường đến để nghe giảng đạo.
Ở nhà, việc đi thăm nuôi người chồng, người cha đang bị tù đày đành giao lại cho những người con khác. Thông qua các con, chị H Bleng Nie được biết tình trạng sức khỏe của chồng rất sa sút, trong khi hai mẹ con ở đây và không biết tương lai rồi sẽ như thế nào. Họ chỉ có môt ước muốn là được "thoát ra khỏ chỗ khổ này", đi định cư ở một nước thứ ba và được các tổ chức quốc tế vận động kêu gọi để nhà nước Việt Nam trả tự do cho chồng, cha của họ được đoàn tụ với gia đình.
Người Thượng ở Tây Nguyên -- khi quê hương không còn là nơi có thể sống
Câu chuyện của gia đình anh Y Pum Bya chỉ là một trong vô số câu chuyện tương tự của người Thượng ở Tây Nguyên cũng như các sắc dân bản địa và dân tộc thiểu số khác dưới chế độ độc tài toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đối với người Thượng ở Tây Nguyên, từ sau ngày 30/4/1975 cho tới nay, họ đã phải chịu những khổ nạn lớn :
1. Mất đất : Đất đai của người Thượng do ông bà tổ tiên để lại đã bị nhà cầm quyền cướp để cho các công ty của Trung Quốc hoặc của giới tư bản đỏ người Việt xây đồn điền, công ty, mặt khác lại thêm chính sách đưa người Kinh ở các tỉnh miền Trung phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa… và các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc đến tái định cư, khiến người Thượng ở Tây Nguyên bị đẩy vào rừng sâu, vào những khu vực đất đai khô cằn hơn. Không còn đủ đất để canh tác, đồng bào phải đi làm thuê cho các công ty của Trung Quốc hoặc của các tập đoàn đại gia tư bản đỏ và bị bóc lột sức lao động với đồng lương rẻ mạt.
2. Mất rừng : Người Thượng ở Tây Nguyên rất gắn bó với thiên nhiên, với rừng. Với họ, rừng là nơi trú ẩn, là nguồn sống, là hồn thiêng che chở, nhưng bao nhiêu năm qua nạn tàn phá rừng với tốc độ kinh hoàng đã lấy mất đi bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh ở khu vực Tây Nguyên khiến cho thiên tai bão lũ, sạt lở… thêm nghiêm trọng, đồng thời cuộc sống của người bản địa ở đây càng thêm nghèo khó, cơ cực vì mất đi bao nhiêu sản vật của rừng ban tặng.
3. Bị cấm đoán, đàn áp về tôn giáo : Mọi tổ chức tôn giáo độc lập, mọi hoạt động thực hành tín ngưỡng nằm ngoài hệ thống tôn giáo quốc doanh do nhà nước kiểm soát đều bị ngăn cấm, đàn áp, bắt bỏ tù với những bản án hết sức nặng nề, phi nhân. Trong số hàng trăm, hàng ngàn người Việt đang chờ xin tỵ nạn tại Thái Lan, hoặc đã đi định cư nước thứ ba trong hàng chục năm qua, phần lớn là đồng bào bản địa, dân tộc thiểu số.
Chưa kể, người Thượng ở Tây Nguyên và các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số khác còn phải chịu những chính sách bất công, thiệt thòi về điều kiện, chất lượng cuộc sống thua kém hẳn so với người Kinh ở đồng bằng, ở thành phố, thua kém rất nhiều về điều kiện học hành, công ăn việc làm, cơ hội tiến thân… Cũng như chính sách đồng hóa qua bao nhiêu năm.
Thứ nhất là ngôn ngữ. Chẳng hạn như người Ê đê, chị H Bleng Nie và con trai cho biết, đến trường thì chỉ được học tiếng Việt, không ở đâu có lớp dạy tiếng Ê đê, họ học tiếng Ê đê là từ Kinh thánh do các mục sư người Ê đê dạy. Mọi phong tục tập quán đều chẳng còn được bao nhiêu.
Nếu như trước năm 1975, người Thượng ở Tây Nguyên trong đó có người Ê đê vẫn còn ở nhà sàn, mỗi buôn đều có một nhà sàn rất lớn, rất dài để đồng bào sinh hoạt chung với nhau, dưới sự hướng dẫn của các già làng, thì bây giờ nhà sàn bình thường để ở có nơi vẫn còn nhưng không còn những nhà sàn dài và những sinh hoạt như vậy nữa, chỉ lâu lâu chính quyền tổ chức mít-tinh, hội họp trong các Nhà Văn Hóa xây theo kiểu nhà của người Kinh.
Nếu như trước kia người Thượng ở Tây Nguyên có những lễ hội, phong tục tập quán đặc sắc thì bây giờ không còn gì, mọi dụng cụ âm nhạc truyền thống nhà nào nếu có đều bị nhà cầm quyền tịch thu cho vào bảo tàng, đám ma đám cưới muốn có âm nhạc hoặc muốn tổ chức bất cứ cái gì cũng phải làm đơn xin chính quyền, chỉ riêng chính quyền là được phép tổ chức lễ hội.
Người viết bài này khi còn ở Việt Nam từng có kinh nghiệm mỗi lần làm phim tài liệu về các sắc dân bản địa thì tìm một ngôi nhà sàn không ra, phải vào khu du lịch nào ở vùng này có trưng bày nhà sàn mà quay, lễ hội cũng phải dàn dựng lại, áo quần, dụng cụ âm nhạc thì vào mượn ở bảo tàng…
Nếu như trước kia đồng bào có tự do tôn giáo, đời sống tâm linh, đời sống tinh thần khá là phong phú thì bây giờ đại đa số đồng bào ngoài giờ đi làm thuê, làm rẫy là chỉ về nhà, hoặc cuối tuần đi sinh hoạt tôn giáo trong hệ thống tôn giáo quốc doanh, thế thôi. Ngay cả cụm từ "dân tộc bản địa, người bản địa" (indigenous people) nhà nước cộng sản Việt Nam cũng không bao giờ dùng mà chỉ dùng cụm từ "dân tộc thiểu số (ethnic minorities) vì họ khăng khăng không chịu thừa nhận có người bản địa ở Việt Nam, trong khi ai cũng biết các dân tộc như người Thượng ở Tây Nguyên, người Chăm, người Khmer Krom, Mường… là người bản địa.
Những cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004 cho tới mới đây nhất, vụ nổ súng tấn công hai trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023 làm chín người thiệt mạng, trong đó có bốn cảnh sát và cán bộ địa phương, ngược lại có đến trăm người Thượng đã bị bắt và kết án, tổng cộng 10 án chung thân và hàng trăm năm tù… tất cả đều có nguyên nhân sâu xa từ những chính sách đối xử bất công và đàn áp về nhiều mặt của nhà cầm quyền đối với người Thượng ở Tây Nguyên.
Song Chi
Nguồn : RFA, 11/10/2024
Có vẻ chính quyền đang bắt đầu tôn trọng quyền tự do trong lựa chọn nơi để tu hành của người dân qua vụ việc tịnh thất Bồng Lai ở Long An ?
Cha mẹ của cô Võ Thị Diễm My đã đồng ý cho cô thực hiện ước nguyện biến gia thành tự để tu hành, dưới tên gọi Tịnh thất Bồng Lai, tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Chiều 4/11, tịnh thất Bồng Lai, tọa lạc ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có 2 sự việc thu hút ít nhiều quan tâm về quyền tự do tôn giáo : thứ nhứt, lực lượng Công an xã Hòa Khánh Tây đã rời khỏi tịnh thất, không còn phải làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự xuyên suốt như nhiều ngày qua. Thứ hai, cha mẹ của Võ Thị Diễm My (20 tuổi) là bà Đoàn Thị Tuyết Mai (47 tuổi) và ông Võ Văn Thắng (46 tuổi, cùng ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đồng ý cho Võ Thị Diễm My thực hiện ước nguyện được tu hành tại tịnh thất Bồng Lai.
Về mặt thủ tục hành chánh, cô Võ Thị Diễm My đã được Công an xã Hòa Khánh Tây thực hiện đăng ký lưu trú tại tịnh thất Bồng Lai.
Cởi mở việc ‘biến gia thành tự’ ?
Bước đầu sự việc ở tịnh thất Bồng Lai dường như đang mở ra một tiền lệ, là các nơi ‘biến gia thành tự’ để làm nơi tu hành dưới tên gọi tịnh thất, có thể được chính quyền chấp nhận để quản lý tốt hơn, vì trên thực tế không có điều cấm nào về mặt pháp luật của chuyện ‘biến gia thành tự’.
5 chú tiểu bao gồm Pháp Tâm (3 tuổi), Ngọc Tâm (3 tuổi), Minh Tâm (4 tuổi), Trí Tâm (4 tuổi) và Nghi Tâm (4 tuổi) đang được sư thầy Thích Tâm Đức ở tịnh thất Bồng Lai nuôi dưỡng © Tiền Phong.
Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, nói rằng theo quan điểm của ông thì đối với vấn đề am thất tự phát, Giáo hội các cấp phải xem xét từng trường hợp cụ thể.
"Thiết nghĩ, chúng ta nên dựa trên hai tiêu chí : tăng ni phải được đào tạo trường lớp, có tinh thần phụng sự Phật pháp và nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương ấy. Nếu thỏa mãn hai yêu cầu đó, các cấp Giáo hội nên kết hợp với chính quyền tạo điều kiện cho tăng ni, để vừa có cơ sở mới hoằng dương Phật pháp vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào địa phương.
Nếu chúng ta ngăn cấm và loại bỏ am thất tự phát, những tăng ni này sẽ không đồng hành với các Phật sự tại địa phương, nhiều khi còn bức xúc với Giáo hội". Hòa thượng Thích Minh Thiện chia sẻ tại "Khóa Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc năm 2019" tổ chức tại chùa Thiên Châu, tỉnh Long An, thượng tuần tháng 11-2019.
Nam nữ tu chung một nơi có tiền lệ hay chưa ?
Không ít ý kiến phản đối việc nam, nữ cùng tu chung ở một nơi. Thực ra điều này cũng đã có tiền lệ.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự việc bố-tát [*] chung của tăng ni tại quận Phú Nhuận là có thực và đây là việc làm có từ rất lâu. Theo đó, sinh hoạt chung tăng ni theo một thời gian định kỳ, nhất là vào mùa an cư. Qua đó chư tôn đức quận Phú Nhuận tổ chức bố-tát chung cho tăng ni của quận, nhưng giới tụng tại buổi tụng giới ấy không phải là biệt giới (Thanh văn giới) mà là thông giới (Bồ-tát giới).
Biệt giới có tính cách riêng biệt nhị bộ tăng-ni, riêng Bồ-tát giới thuộc về thông giới, tức xuất gia hay tại gia đều có thể ngồi nghe chung với nhau được. Vì thế nếu tụng Bồ-tát giới thì tăng, ni có thể ngồi chung nghe giới được, mà không vi phạm luật.
Trung tâm Làng Mai do tu sĩ Phật giáo Thích Nhất Hạnh lập tại Pháp và sau đó mở chi nhánh tại nhiều quốc gia, cũng là nơi mà nam, nữ co thể tu chung cùng một nơi. Không chỉ vậy, Làng Mai còn đón tiếp các tu sĩ Công giáo cả phương Tây lẫn Á đông và cả Việt Nam hiện tại, đến cùng thực tập chánh niệm và trao đổi kinh nghiệm trong đời sống xuất gia.
Theo tìm hiểu của người viết, tại Làng Mai cách sinh hoạt và những quyết định đều được dựa trên cái gọi là tác pháp Yết ma, và những lời dạy này có sẵn trong giới luật, ở trong luật tạng do đức Phật đã để lại. Quyết định theo thể thức tác pháp yết ma là một tinh thần dân chủ, nơi đó không dựa trên một người quyết định tối hậu mà dựa trên cái pháp để vận hành đời sống.
Cần chấm dứt hạn chế quyền tự do tôn giáo bằng thủ tục hành chánh
Lâu nay, các tổ chức tôn giáo không được chính quyền cấp các quyết định về mặt thủ tục hành chánh cho việc công nhận, thì tổ chức đó nghiễm nhiên sẽ bị cơ quan công quyền hạch sách, cấm đoán đủ chuyện trong vấn đề về tôn giáo. Điều này cho thấy phía chính quyền đã cố tình vi phạm pháp luật về tôn giáo mà chính họ đã đặt ra.
Đơn cử, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tại Điều 5 :
"Các hành vi bị nghiêm cấm" ghi rõ về 5 hàng vi cụ thể :
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo ;
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo ;
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo ;
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo :
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường ;
b) Xâm hại đạo đức xã hội ; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ;
d) Chia rẽ dân tộc ; chia rẽ tôn giáo ; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ;
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi".
Các quy định kể trên có nghĩa là mặc dù chính quyền hiện nay không cấp giấy phép cho tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, song không vì thế mà chính quyền được quyền hạn chế những tu sĩ, những tín đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong thực hiện việc tu hành, cùng các nghi thức tôn giáo, bao gồm cả việc sở hữu các chùa, am tự thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Trước mắt, nếu như đã có thể bắt đầu quyền tự do lựa chọn công đoàn của người lao động Việt Nam, thì về tôn giáo, cần thiết sửa đổi nội dung ở Chương IV, "Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đăng ký hoạt động tôn giáo", Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc sửa đổi sẽ theo hướng chấm dứt những tổ chức giáo hội độc quyền ở các tôn giáo ; và các tổ chức tôn giáo không có trách nhiệm thực hiện những đường lối, chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam, hay bất kỳ đảng phái chính trị nào áp đặt.
Thay lời kết
Mặc dù Việt Nam có Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhưng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng hiện vẫn còn khoảng cách so với luật nhân quyền quốc tế, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản sau : Hiến pháp năm 2013 chưa có quy định về quyền tự do tư tưởng, tự do niềm tin lương tâm. Đây là những quyền đóng vai trò nền tảng của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị hạn chế (không phải là quyền tuyệt đối), song các quốc gia không được phép áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tự do được tin hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo lựa chọn của mình. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến mà không bị can thiệp.
Đơn cử sau năm 1975, Hòa thượng Thích Không Tánh (chùa Liên Trì, Thủ Thiêm) từng bị chính quyền Hà Nội bắt ngài bỏ tù với lý do ông phản đối việc buộc các tu sĩ phải gia nhập quân đội.
Cá nhân người viết cho rằng Hòa thượng Thích Không Tánh phản đối là có cái lý. Công ước quốc tế về Các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR) tuy không quy định cụ thể về quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm, nhưng theo Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, quyền đó có thể suy ra từ nội dung Điều 18 của ICCPR, vì nghĩa vụ sử dụng vũ lực gây chết người có thể mâu thuẫn gay gắt với niềm tin lương tâm và quyền biểu thị tôn giáo và tín ngưỡng của một cá nhân.
Khi quyền này được luật pháp hoặc thực tế công nhận thì không được phân biệt đối xử với những người phản đối và từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì lý do lương tâm dựa trên bản chất của những tín ngưỡng đặc biệt của họ.
Như vậy, chính quyền cũng không thể bắt bớ bỏ tù các tu sĩ khi họ phản đối một chính sách nào đó của đảng phái chính trị, nếu như việc phản đối ấy không vi phạm các quyền tự do dân sự theo luật định. Quyền tự do tôn giáo cũng được hiểu tương tự ở bối cảnh ấy.
Minh Châu
Nguồn : RFA, 06/11/2019
Chú thích :
[*] Bố-tát là dịch âm từ tiếng Phạn là ‘Posatha’. Thuật ngữ Posatha có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Tức ý nói là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Bố-tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.
Việt Nam giải quyết không ‘đến nơi đến chốn’ nạn buôn người
Thanh Trúc, RFA, 25/06/2019
Hôm 20 tháng Sáu vừa qua tại thủ đô Washington D.C., Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới năm qua. Theo đó Việt Nam bị xếp ở Tier 2 kèm thêm Watch List tức cần bị theo dõi trở lại. Lý do bị đưa vào Watch List là không đạt những điều kiện tiêu chuẩn về bài trừ cũng như giảm thiểu tệ nạn buôn người ; mặc dù đã có nhiều cố gắng.
Ông Georges Blanchard của tổ chức AAT trong một buổi dạy phòng chống lạm dụng tình dục cho các bé gái ở Việt Nam. AAT
Như vậy, sau 10 năm liên tục ở Bậc 2 không còn bị theo dõi (Tier 2 No More Watch List), năm nay Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp bậc 2 có vấn đề buôn người và còn bị theo dõi (Tier 2 Watch List) vì không cải thiện đến nơi đến chốn.
Dù đã nỗ lực đáng kể song Việt Nam không hoàn tất và không đáp ứng đúng mức yêu cầu về những điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu trong công việc phòng chống buôn người, là mở đầu phần báo cáo nói về Việt Nam.
Vẫn theo phúc trình, Việt Nam đã áp dụng các điều khoản hướng dẫn 150 và 151 Bộ Luật Hình Sự, đã có sự tiến bộ trong việc truyền bá và nâng cao ý thức phòng chống buôn người trong các cộng đồng và địa phương dễ bị thương tổn, đã triển khai những cơ sở giáo dục phòng ngừa, đã cởi mở hơn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trong cũng như ngoài nước.
Thế nhưng bất kể mọi cố gắng, vấn đề buôn người vẫn tồn tại và có phần nặng nề hơn trong hai năm trở lại đây.
Các tổ chức nước ngoài, từng làm việc hơn 10 năm tại Việt Nam trong lãnh vực phòng chống nạn buôn người, nghĩ sao về chuyện này ? Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giám đốc Diệp Vương của Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links), một NGO có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, đến Việt Nam từ 2001 và bắt đầu chương trình tuyên truyền, phòng chống cũng như hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng từ năm 2005 đến giờ, nhận định :
Cái cách Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cố gắng của các nước trên toàn thế giới về chuyện phòng chống buôn bán người là họ coi mỗi năm phải có chuyển biến mới, phải có những cố gắng mới, phải có những kết quả mới. Nhưng tôi nghĩ đối với bất cứ một đất nước nào thì chuyện buôn người có thể không phải là mối quan tâm lớn nhất của chính quyền nước đó. Thành ra chuyện Việt Nam trong 2 năm qua nhìn thấy cố gắng không đủ thì bây giờ bị rớt hạng.
Dựa trên những con số trong báo cáo này thì coi như so với năm ngoái Việt Nam đã không đưa ra con số hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Tất cả những con số này không nhiều như những năm trước. Từ góc độ của những con số là vấn đề Việt Nam đã lơi ra, không để nhiều tâm sức như những năm trước đây, thì bây giờ phải rà trở lại. Báo cáo nói rất cụ thể và tôi nghĩ đây là tiếng chuông cảnh báo, vấn đề nằm ở chỗ là bây giờ cố gắng của mình sắp tới để sửa chữa hết tất cả những chuyện này như thế nào. Nguồn lực và đòi hỏi cần thiết để làm chuyện này như thế nào.
Việt Nam không nghiêm túc trong vấn đề điều tra, xử phạt theo luật pháp những hành vị lạm dụng xuất khẩu lao động, đưa hàng loạt người ra nước ngoài mà không bảo đảm an toàn, đời sống cũng như công việc cho họ, là một chi tiết không mới nhưng đã khiến Việt Nam bị tụt điểm trong báo cáo buôn người năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã không giải quyết được tệ trạng nêu ra trước đây, là bạc đãi và cưỡng bách lao động không công đối với những người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện. Nhiều chỉ dấu cho thấy có sự thông đồng giữa viên chức địa phương với những kẻ hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép, vào lao động bị bóc lột và cả vào đường mại dâm ở bên ngoài ; thế nhưng nhà cầm quyền đã không lưu ý và không giải quyết thỏa đáng theo luật hiện hành :
Một trong những lý do mà Mỹ nghĩ Việt Nam chưa làm tất cả những gì họ có thể làm được là tại vì những người ở địa phương không hiểu nhiều về Luật phòng chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân. Thành ra đôi khi họ có những hành động như là ngăn chận những cố gắng của những chương trình phòng chống mua bán người.
Thật sự ở Việt Nam tôi thấy rất rõ Bộ Công An lúc nào cũng quan tâm về chuyện phòng chống buôn bán người, nhưng tôi nghĩ đối với nhiều địa phương thì cách nhìn của một số quan chức ở địa phương họ nghĩ rằng Việt Nam thực sự không có vấn nạn về mua bán người mà cái này là mọi người muốn đi ra nước ngoài và bị gạt mà thôi. Trong cách nhìn đó thì chuyện bị rớt điểm như thế này hy vọng cũng là lời cảnh tỉnh để mọi người, nhất là các quan chức địa phương, hiểu thêm được vấn nạn mua bán người nó không đơn giản, nó đòi hỏi phải có ý thức, phải có nhận thức cao để chống lại.
Ông Georges Blanchard của tổ chức AAT (bên trái) AAT
Ông Georges Blanchard, một công dân Pháp, đến Việt Nam từ 1992 để làm việc trong phạm vi quyền con người và quyền trẻ em, sau đó trở thành giám đốc Alliance Anti Trafic AAT - Liên Minh Phòng Chống Buôn Người từ 2001 đến nay, cho biết ông đã từng không đồng ý khi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam vào Tier 2 No More Watch List trên phúc trình buôn người năm 2012, và bây giờ ông cũng không đồng ý khi Việt Nam bị đưa trở lại Watch List :
Vì năm 2012 Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để được xếp vào Bậc 2. Nhưng chuyện phức tạp ở chỗ có yếu tố kinh tế và chính trị cũng như TPP trong đó. Lúc ấy Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam và cả Malaysia lên Bậc 2 vì qui định của Washington là không được giao thương với những quốc gia không nằm trên Bậc 2 liên quan đến nỗ lực chống buôn người. Tôi có thể cung cấp tài liệu của Forbes về chuyện này cho quí vị.
Đã cho lên Tier 2 rồi thì bây giờ tại sao lại cho xuống Watch List nữa. Năm rồi tôi cũng có họp với Wahington, tôi cũng có nói đừng cho Việt Nam xuống Watch List nữa. Tôi không nghĩ Watch List sẽ giúp được cái gì, ý kiến của tôi là cứ giúp cho Việt Nam có khả năng hơn. Ai cũng biết trong chính phủ Việt Nam có nhiều vấn đề, cũng phải giúp cho thay đổi.
Phúc trình về buôn người năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng trong mấy năm trở lại đây Việt Nam đã không quan tâm , không xử phạt đúng mức những tội phạm buôn người, trong đó có cán bộ nhân viên nhà nước dính líu đến tệ nạn này. Theo cô Diệp Vương, thực sự Việt Nam có xử lý nhưng tiến độ rất chậm :
Chúng tôi biết chắc chắn ở Việt Nam nhiều khi chuyện khởi tố thì phải đầy đủ chứng cớ họ mới làm và thường là nó chậm hơn tiến độ ở những nơi khác. Đó là cách Việt Nam làm việc, còn chuyện mà Hoa Kỳ nhìn thấy có viên chức chính phủ, họ nói rất rõ là chính quyền địa phương, dính líu đến vấn đề buôn người mà lại không bị truy tố, thì cái đó là thông tin của bên chính phủ Mỹ. Chúng tôi thật sự không biết cụ thể. Chứ còn đối với Việt Nam mà nói khi người ta nghe được chuyện chính quyền mà dính vô như vậy thì tôi nghĩ sẽ có người lên tiếng và dư luận gọi là kết án nhanh lắm.
Tính cho đến hiện tại, hai nhà mở của Vòng Tay Thái Bình, có tên là Nhà Nhân Ái mà một ở An Giang và một ở Lào Cai, vẫn tiếp tục hoạt động.
Với trải nghiệm làm việc ở Việt Nam, đặc biệt tại Lào Cai miền Bắc và An Giang phía Nam, điều mà giám đốc Vòng Tay Thái Bình muốn bày tỏ là ý thức hay nhận thức về nạn buôn người, đặc biệt trong những cộng đồng dễ bị tổn thương, vẫn còn kém và còn khá sai lệch :
Người ta không nghĩ người ta bị mua bán, không ai cắt nghĩa cho người ta, chính quyền cũng không nghĩ người ta bị mua bán. Người ta đi về thì không muốn ở trong Nhà Nhân Ái tại sợ bị bắt không cho về nhà., mà về nhà thì trôi theo cuộc sống ở nhà. Thành ra không có giải pháp gì cho mấy em cả.
Tức là sự cảnh giác về vấn đề mua bán người rất thấp. Người Việt Nam mình lúc nào cũng nghĩ chỉ cần đi ra nước ngoài thôi, đi lậu cũng được, ra nước ngoài còn hơn là ở Việt Nam. Thành ra những đường dây đưa người đi trái phép có nhiều và kiếm rất nhiều tiền. Bây giờ họ có bị bóc lột có bị cái gì đi nữa thì chính bản thân họ cũng nghĩ tại xui thôi chứ họ không nghĩ mình bị buôn bán, bị bóc lột.
Đối với ông Georges Blanchard, thường thì các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam tin rằng nạn buôn người nói chung đã giảm bớt, vấn đề còn lại là nạn buôn người đang tập trung về vùng biên giới phía Bắc :
Cuối năm 2013 số nạn nhân là của miền Tây như Hậu Giang, Cần Thơ và mấy tỉnh miền Tây, đến bắt đầu năm 2014 ở miền Tây không còn nạn nhân nữa, tất cả là nạn nhân của ngoài Bắc đi Trung Quốc.
Thế nhưng ông Blanchard phản bác :
Cái đó không phải sự thật, đi Trung Quốc không phải là số nhiều, tại vì còn những người khác đi Singapore, đi Malaysiavà cũng có người đi Châu Âu, đi sang Anh nữa. Họ giấu và nói là không còn nạn nhân ở miền Tây nữa, nhưng khi tôi làm việc với tòa án Malaysia thì người ta nói rất đông người Việt Nam bị bắt bên đó. Họ ra tòa và được xử lý là nạn nhân.
Những nạn nhân bị mua bán mà một khi trở về thì có được giúp đỡ, hỗ trợ để tái hòa nhập xã hội hay không ? Câu trả lời của giám đốc AAT Georhes Blanchard :
Theo Luật từ tháng Giêng năm 2012, các nạn nhân về tỉnh là phải được Bộ Lao Động, Thương Bình và Xã Hội hỗ trợ, giúp đỡ về sức khỏe, học nghề và hòa nhập cộng đồng . Đó là luật nhưng thực tế là không nạn nhân nào nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. Tôi biết ở miền Tây có nạn nhân về, có giấy xác nhận là nạn nhân, nhưng khi tới sân bay ở Sài Gòn thì công an lưu cái thư này, nạn nhân về quê là không có ai theo dõi, không có ai giúp đỡ gì hết, không còn giấy xác nhận thì không còn là nạn nhân nữa.
Cái đó là nạn nhân báo với tôi, còn công an đến văn phòng của tôi để nói những người mà AAT giúp đỡ không phải là nạn nhân. Chuyện đó nhậy cảm lắm, bây giờ viết một bài như vậy đăng lên báo thì cũng nguy hiểm lắm.
Với gần 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tình trạng gọi là mất cân bằng trong công tác phòng chống, đối phó cũng như xử lý tệ nạn buôn người của Việt Nam qua con mắt nhận xét của giám đốc AAT Georges Blanchard là :
Vấn đề là tất cả những tổ chức phòng chống của Liên Hiệp Quốc, của các đại sứ quán chừng như chỉ làm việc với các ngành bộ ở trung ương chứ không vươn tới các tỉnh, làng là nơi có những cộng đồng dễ bị thương tổn.
Liên Minh Phòng Chống Buôn Người của tôi có làm việc ở Bến Tre, nơi mà thông tin về buôn người rất ít ỏi. Đây là nơi mà những trường hợp lạm dụng, khai thác và buôn bán phụ nữ đã xảy ra nhưng nạn nhân không biết kêu ca hay cầu cứu vào đâu. Các cán bộ tĩnh, các cán bộ xã không biết phải làm sao.
Logo của tổ chức Alliance Anti Trafic (AAT) - Liên Minh Phòng Chống Buôn Người AAT
Vì vậy nên tập trung sự chú ý vào nông thôn nhiều hơn là thành thị, ông Blanchard nhấn mạnh :
Tại vì Hà Nội có nhiều chương trình hơn, lý do là co các đại sứ quán, các văn phòng của Liên Hiệp Quốc. Ở Hà Nội có 17 NGO làm việc phòng chống buôn bán người. Ở miền Tây chỉ có AAT thôi.
Phải chuyển công việc về địa phương, đến những cán bộ nhỏ nhất trong cộng đồng, tại vì nạn nhân nào cũng làm việc với cán bộ của địa phương chứ đâu có nạn nhân nào lên gặp bộ trưởng để làm việc. Quan trọng nhất là những cán bộ cấp nhỏ ở Việt Nam phải biết nhiều để phòng ngừa và có thể giúp đỡ khi có nạn nhân.
Được biết trong phúc trình thường niên của năm 2018, những vấn đề buôn người ở Việt Nam đã được nêu bật và không khác mấy so với báo cáo năm 2019 này. Khi đó Việt Nam vẫn giữ bậc 2 nước đang có vấn đề.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì không cải thiện cũng như không có sự đáp ứng tối thiểu, Việt Nam bị đưa trở lại danh sách bậc 2 bị theo dõi tức Tier 2 Watch List.
Phát biểu lúc công bố Phúc trình thường niên 2019 về nạn buôn người, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Báo cáo năm nay chú trọng nhiều vào những cách thức hữu hiệu mà cộng đồng địa phương có thể giải quyết nạn buôn người một cách chủ động, cũng như cách thức mà nhà nước có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cộng đồng đó.
Vẫn theo lời ông, thế giới hiện đại không có chỗ cho nạn nô lệ mới, và thông qua các can dự ngoại giao cũng như hành động thúc đẩy, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ được tiếp tục duy trì bền vững trong thời gian tới.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 25/06/2019
********************
Tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện
RFA, 25/06/2019
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 21/6 cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong bản phúc trình có nhắc đến việc luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo, bao gồm các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.
Một nhân viên chính quyền dẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An. Citizen photo
Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.
Xác nhận thực tế này, Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam cho biết :
"Thời gian gần đây, trong một năm qua phải nói rằng có nhiều vấn đề xảy ra. Bên Phật giáo có những vụ ủi chùa như chùa Sơn Linh trên Kontum của Thượng tọa Đồng Quang, trước đó thì giải tỏa chùa An Cư ngoài Đà Nẵng của Thượng tọa Thích Thiện Phúc.
Bản thân tôi thì chùa của tôi bị ủi, cưỡng chế, phải đi sống nhờ nhưng đến đâu cũng bị khó khăn và bị giám sát theo dõi, chỗ tôi ở nhờ cũng bị đặt camera giám sát".
Không chỉ riêng đối với Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mà đối với những giáo hội/hội thánh không theo phái do Nhà nước kiểm soát cũng bị trường hợp tương tự. Từ Lâm Đồng, Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam cho biết như sau :
"Về vấn đề hành đạo tại Việt Nam thì tất cả các tôn giáo đều bị chung một hoàn cảnh. Nếu không gia nhập tôn giáo quốc doanh của nhà cầm quyền Cộng sản thì người ta bức hại. Riêng tôi, cứ cách ba bốn ngày thì công an đi vào một lần. Cách đây ba ngày công an cũng có vào. Người ta hỏi sơ lược là "chú có đi dâu không, có tin tức gì không" ; "chú ra ngoài địa phương, chú phải báo cho chúng tôi biết"… Tôi có nói việc đi lại là quyền của tôi nhưng người ta cũng thường theo dõi.
Tôi là đồng đạo trong ban Đại diện khối Nhân sinh đạo Cao Đài nhưng những người đấu tranh cho quyền Tự do tôn giáo như chúng tôi thì lúc nào chính quyền cũng làm khó dễ hết".
Mới đây nhất, vào ngày 16/6 vừa qua, nhà cầm quyền và công an tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới và xã Long Giang đã triển khai đóng chốt mọi nẻo đường dẫn đến lễ đài tại trụ sở tạm thời của Ban trị Sự Trung ương để kiểm soát những tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái do Nhà nước được tự do tổ chức Đại lễ Ngày khai đạo 18/5 Âm lịch. Trong khi đó thì phái do Nhà nước lập nên được tổ chức lễ và đại diện chính quyền đến chúc mừng.
Nhận xét về Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của Giáo phận Công giáo Vinh cho rằng việc công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo quy định trong điều luật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ sở này.
Ông Scott Busby và đại diện đoàn Bộ Ngoại giao mỹ chụp hình chung cùng đại diện các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam hôm 13/5/2019 Courtesy of Hội đồng Liên tôn Việt Nam
"Có thể một số nơi thành lập dễ dàng, một số nơi thì không, tùy tương quan nơi đó đối với nhà cầm quyền địa phương. Tự do tôn giáo có tiến triển không thì đã khá hơn từ sau năm 1975, chuyện đấy là dĩ nhiên. Nhưng thực sự nếu ta xét tự do tôn giáo như trong những bản tuyên bố quốc tế nhân quyền hay những văn bản của Liên hiệp quốc, điều đó dĩ nhiên Việt Nam vẫn chưa được thực hiện".
Vào ngày 13 tháng 5, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ do ông Scott Busby – Cố vấn Cao cấp cục Dân Chủ Nhân Quyền Lao động đồng thời là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Hội đồng Liên tôn VN tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, Sài Gòn. Đến tham dự còn có đại diện của Liên đoàn Lao động Việt tự do, Hội nhà báo Độc lập, tù nhân lương tâm.
Cuộc gặp này được tổ chức nhằm tìm hiểu thêm về tình hình nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam, trước khi diễn ra đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ 2019 vào trung tuần tháng 5.
Tham gia đóng góp ý kiến khi gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết ông mong rằng Bộ Ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ nên có biện pháp giúp đỡ, cải thiện đời sống về tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhân quyền Việt Nam.
"Chúng tôi có đề nghị làm thế nào một chế độ vi phạm tự do tín ngưỡng trầm trọng như vậy mà chính phủ các nước Hoa Kỳ, Canada hay các nước dân chủ văn minh vẫn bang giao, tiếp tục viện trợ, hỗ trợ cho thì đó là một hình thức tiếp tay cho chế độ độc tài để họ đàn áp người dân và tự do tín ngưỡng trong nước Việt Nam. Chúng tôi có đề nghị Bộ Ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đặt vấn đề tự do tôn giáo trong các bang giao như thương mại, kinh tế, quân sự, hay các mặt bang giao khác, đồng thời phải có biện pháp chế tài".
Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam trong ngày 24/6 cũng đã kêu gọi Liên minh Châu Âu tham gia bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng tại Việt Nam.
Theo ông Ái, Quốc hội Châu Âu không nên vội phê chuẩn Hiệp ước tự do mậu dịch nếu chưa đề ra các cơ cấu cụ thể bảo đảm việc bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt Nam.
Cùng suy nghĩ với ông Võ Văn Ái, Chánh trị sự Hứa Phi mong rằng Liên Hiệp Châu Âu hoặc quốc tế có bang giao với Việt Nam phải đặt vấn đề tự do tôn giáo lên hàng đầu.
Còn theo Giám mục Nguyễn Thái Hợp, điều ông mong muốn là làm sao phát triển kinh tế đó đi với phát triển về xã hội, nhân quyền và về tôn giáo :
"Khi ký hiệp ước này, phải chăng Âu châu và các nước khác cũng có điều kiện để yêu cầu Việt Nam phải thực hiện (tự do tôn giáo) bởi vì hiệp ước này có những điều khoản ràng buộc chính phủ Việt Nam".
Nhiều ý kiến phản biện cho rằng trong thời gian gần đây, tại Việt Nam ngày càng nhiều công trình tôn giáo được xây dựng khang trang, truyền thông trong nước vẫn đăng tải thông tin hình ảnh người dân đi dự lễ, tham gia các lễ hội tôn giáo lớn, nhỏ trong năm.
Tuy nhiên, theo Chánh trị sự Hứa Phi, những việc này chỉ là hình thức để đánh lừa dư luận. Vì thực chất cái tổ chức tôn giáo không theo phái Nhà nước vẫn đang bị sách nhiễu rất nhiều.
"Từ trước đến giờ, tôi có một lập trường rất rõ : nhà nước cộng sản Việt Nam trước đây đàn áp tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền một cách rất là thô bạo. Họ bị dư luận quốc tế lên tiếng phản đối.
Ngày nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại sử dụng một hình thức rất là "mềm" để lừa mắt dư luận thế giới. Đó là người ta lập nên tổ chức tôn giáo quốc doanh do nhà cầm quyền dựng lên bằng cách ủng hộ tài chánh cho các chùa, thánh thất, nhà thờ. Họ xây lên thật khang trang để khách quốc tế nhìn và cho là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Tuy nhiên, bên trong người ta đưa những cán bộ, đảng viên vào chủ trì những cơ sở đó".
Trong buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy hội Quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới tại Washington D.C. (USCIRF’s) vào ngày 29 tháng 4 vừa qua, Việt Nam bị đánh giá là một đất nước có tình hình tự do tín ngưỡng và tôn giáo bị xuống cấp nghiêm trọng.
Vì vậy, USCIRF’s đã đề nghị Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo.
Trong bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018 cũng nhắc đến tình trạng của các tín đồ tôn giáo bị giam giữ hoặc bị cầm tù, và tình hình của các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ cùng với các quan chức khác tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi các nhà chức trách của chính phủ Hà Nội cho phép tất cả các nhóm tôn giáo bao gồm Tin lành, Công giáo, các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập được tự do hoạt động.
Phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh với các quan chức chính phủ Hà Nội rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền là điều kiện quan trọng để cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Việt.
Nguồn : RFA, 25/06/2019
Đã có sự mâu thuẫn về mốc thời gian trong thỏa thuận về quyền tự do lập hội ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (VNTB)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 121/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công thương soạn trình. Theo đó, Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Tờ trình phê chuẩn công ước quốc tế này vào năm 2023.
Trước đó, trong Quyết định số 145/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký từ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về "Phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", thì "Đến năm 2020, phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại và một số công ước khác của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)".
Như vậy, độ trễ là 3 năm trong vấn đề Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của ILO, giữa nội dung ở đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên về mặt giá trị hiệu lực thì đến nay chưa có văn bản pháp quy nào thay thế Quyết định số 145/QĐ-TTg, do đó có thể xem đề nghị của Bộ Công thương mang ý nghĩa của ‘khung thời gian tối đa’, và trong năm 2020, Việt Nam đã có thể phê chuẩn Công ước 87 của ILO.
Vì sao chỉ cần đến năm 2020 ?
"Tăng cường chức năng đại diện của công đoàn và người sử dụng lao động trong khung khổ quan hệ lao động mới" là tên gọi của Dự án NIRF/Nhật Bản, gồm đối tác phát triển là Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, với các đối tác Việt Nam là : Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động và công đoàn cơ sở tại các địa phương thí điểm, Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, và Mạng lưới chuyên gia tư vấn pháp luật công đoàn ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại các khu vực và hiệp hội ngành nghề được lựa chọn ; Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các Sở Lao động, thương binh và xã hội tại các địa phương thí điểm ; các Ủy ban liên quan của Quốc hội.
Dự án mang mã số VNM/16/06M/JPN thời gian thực hiện từ ngày 01/10/2016 đến ngày 31/12/2019. Đối tượng hưởng lợi của dự án bao gồm : Tổ chức của các đối tác xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) ; Cán bộ tổ chức và cán bộ tham gia thương lượng tại các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở ; Người sử dụng lao động và đại diện doanh nghiệp trong các phân khúc khác nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu ; Các cán bộ quản lý lao động (Bộ và các Sở Lao động, thương binh và xã hội) cấp trung ương và cấp tỉnh ; Các chuyên gia pháp luật.
Dự án tập trung vào các tỉnh thành có mật độ công nghiệp hóa cao tại Việt Nam, bao gồm : Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Kết quả dự án này đủ để là cơ sở cho nội dung Tờ trình phê chuẩn Công ước 87 của ILO mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình chính phủ trong năm 2020.
Tự do lập hội, tự do tôn giáo
Trong một diễn biến khác, dự thảo luật về hội do Bộ Nội vụ soạn thảo, ở điều 4 ghi : "Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân Việt Nam, cùng chung mục đích, hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu hội".
Đan sĩ Đan viện Thiên An tiếp tục bị sách nhiễu, lăng mạ - ngày 13/03/2017
Dòng quy định "góp phần thực hiện chủ trương của Đảng" cho thấy không phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp về quyền công dân về chính trị, cũng như Công ước 87 của ILO về Quyền tự do hiệp hội, không có điều khoản nào về áp đặt hay giới hạn quyền tự do về chính trị. Điều đó có nghĩa các hội đoàn dân sự được thành lập tùy vào mục đích mà có nghĩa vụ, hoặc không có trách nhiệm gì liên quan tới yêu cầu góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.
Đặt trong bối cảnh về quyền tự do lập hội theo Công ước 87 của ILO, cho thấy quyền tự do tôn giáo cũng cần được sự điều chỉnh thích hợp, chấm dứt việc các tôn giáo được đặt để trong giới hạn của một tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Ở Điều 4 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các trách nhiệm như sau :
1. Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và Nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
5. Giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo".
Người đứng đầu tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các chức danh theo thứ tự như sau : Bí thư Trung ương đảng cộng sản, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, cả 5 nhiệm vụ được quy định ở Điều 4, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, trước tiên là nhằm để buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, đồng nghĩa yêu cầu tối thượng là góp phần thực hiện chủ trương của Đảng.
Phật giáo Việt Nam không thể đóng khung như hiện nay
Nếu như bước đầu đã có các căn cứ pháp lý để hình thành các nghiệp đoàn độc lập, các hội đoàn xã hội dân sự ‘không quốc doanh’ như phân tích ở trên, thì trong lãnh vực tôn giáo, cũng cần chấm dứt việc đóng khung kiểu Phật giáo ‘quốc doanh’ như hiện nay.
Xin được nhắc lại. Trong hai ngày 12 và 13/02/1980, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại Sài Gòn. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao tăng như : Hòa thượng Thích Đức Nhuận, quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ; Hòa thượng Thích Bửu Ý, Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam ; Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh ; Thượng tọa Thích Từ Hạnh, Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Thượng tọa Thích Thanh Tứ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ; Thượng tọa Thích Giác Toàn, Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam ; Ni sư Huỳnh Liên, Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam ; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, cư sĩ Võ Đình Cường và cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Cuộc gặp gỡ nói trên còn có sự hiện diện của các ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và Phạm Quang Hiệu, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Đại hội Phật giáo toàn quốc 2017-2022 sẽ diễn ra từ ngày 21-22/11/2017 - Ảnh minh họa
Gần 2 năm sau đó, 9 hệ phái gồm : Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông ; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh ; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, được nhà nước thông báo là cùng thống nhất trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là : Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên theo xác nhận của nhiều chức sắc tôn giáo của chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì việc hợp nhất này trên thực tế không có sự đồng thuận. Bởi vườn hoa tôn giáo là muôn màu sắc, không thể bị gò ép trong khuôn khổ hành chính là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ở Miền Nam Việt Nam, ngày 31 tháng 12 năm 1963, đại diện 11 tông phái và hội Phật giáo Bắc tông và Nam tông đã cùng nhau họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để soạn thảo Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngày 4/1/1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời và trở thành cơ quan lãnh đạo sinh hoạt Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.
Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc : Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức ; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp ; không hề có việc buộc phải phụ thuộc vào thể chế chính trị đương thời.
Đến nay mặc dù không có văn kiện chính thức nào của nhà nước Việt Nam quyết định giải thể Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, nhưng trên thực tế, giáo hội này vẫn bị cấm đoán các hoạt động tôn giáo, cũng như các lãnh vực khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, từ thiện.
Những độc quyền tôn giáo nói trên cần chấm dứt khi mà Việt Nam đã tham gia các FTA, cũng như tiếp tục các thỏa thuận khác liên quan với quốc tế.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 10/02/2019