Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/06/2019

Việt Nam phải giải quyết nạn buôn người và tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Thanh Trúc

Việt Nam giải quyết không ‘đến nơi đến chốn’ nạn buôn người

Thanh Trúc, RFA, 25/06/2019

Hôm 20 tháng Sáu vừa qua tại thủ đô Washington D.C., Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới năm qua. Theo đó Việt Nam bị xếp ở Tier 2 kèm thêm Watch List tức cần bị theo dõi trở lại. Lý do bị đưa vào Watch List là không đạt những điều kiện tiêu chuẩn về bài trừ cũng như giảm thiểu tệ nạn buôn người ; mặc dù đã có nhiều cố gắng.

buon1

Ông Georges Blanchard của tổ chức AAT trong một buổi dạy phòng chống lạm dụng tình dục cho các bé gái ở Việt Nam. AAT

Như vậy, sau 10 năm liên tục ở Bậc 2 không còn bị theo dõi (Tier 2 No More Watch List), năm nay Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Mỹ xếp bậc 2 có vấn đề buôn người và còn bị theo dõi (Tier 2 Watch List) vì không cải thiện đến nơi đến chốn.

Dù đã nỗ lực đáng kể song Việt Nam không hoàn tất và không đáp ứng đúng mức yêu cầu về những điều kiện, tiêu chuẩn tối thiểu trong công việc phòng chống buôn người, là mở đầu phần báo cáo nói về Việt Nam.

Vẫn theo phúc trình, Việt Nam đã áp dụng các điều khoản hướng dẫn 150 và 151 Bộ Luật Hình Sự, đã có sự tiến bộ trong việc truyền bá và nâng cao ý thức phòng chống buôn người trong các cộng đồng và địa phương dễ bị thương tổn, đã triển khai những cơ sở giáo dục phòng ngừa, đã cởi mở hơn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức phòng chống và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trong cũng như ngoài nước.

Thế nhưng bất kể mọi cố gắng, vấn đề buôn người vẫn tồn tại và có phần nặng nề hơn trong hai năm trở lại đây.

Các tổ chức nước ngoài, từng làm việc hơn 10 năm tại Việt Nam trong lãnh vực phòng chống nạn buôn người, nghĩ sao về chuyện này ? Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giám đốc Diệp Vương của Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links), một NGO có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, đến Việt Nam từ 2001 và bắt đầu chương trình tuyên truyền, phòng chống cũng như hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng từ năm 2005 đến giờ, nhận định :

Cái cách Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá cố gắng của các nước trên toàn thế giới về chuyện phòng chống buôn bán người là họ coi mỗi năm phải có chuyển biến mới, phải có những cố gắng mới, phải có những kết quả mới. Nhưng tôi nghĩ đối với bất cứ một đất nước nào thì chuyện buôn người có thể không phải là mối quan tâm lớn nhất của chính quyền nước đó. Thành ra chuyện Việt Nam trong 2 năm qua nhìn thấy cố gắng không đủ thì bây giờ bị rớt hạng.

Dựa trên những con số trong báo cáo này thì coi như so với năm ngoái Việt Nam đã không đưa ra con số hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về. Tất cả những con số này không nhiều như những năm trước. Từ góc độ của những con số là vấn đề Việt Nam đã lơi ra, không để nhiều tâm sức như những năm trước đây, thì bây giờ phải rà trở lại. Báo cáo nói rất cụ thể và tôi nghĩ đây là tiếng chuông cảnh báo, vấn đề nằm ở chỗ là bây giờ cố gắng của mình sắp tới để sửa chữa hết tất cả những chuyện này như thế nào. Nguồn lực và đòi hỏi cần thiết để làm chuyện này như thế nào.

Việt Nam không nghiêm túc trong vấn đề điều tra, xử phạt theo luật pháp những hành vị lạm dụng xuất khẩu lao động, đưa hàng loạt người ra nước ngoài mà không bảo đảm an toàn, đời sống cũng như công việc cho họ, là một chi tiết không mới nhưng đã khiến Việt Nam bị tụt điểm trong báo cáo buôn người năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã không giải quyết được tệ trạng nêu ra trước đây, là bạc đãi và cưỡng bách lao động không công đối với những người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện. Nhiều chỉ dấu cho thấy có sự thông đồng giữa viên chức địa phương với những kẻ hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép, vào lao động bị bóc lột và cả vào đường mại dâm ở bên ngoài ; thế nhưng nhà cầm quyền đã không lưu ý và không giải quyết thỏa đáng theo luật hiện hành :

Một trong những lý do mà Mỹ nghĩ Việt Nam chưa làm tất cả những gì họ có thể làm được là tại vì những người ở địa phương không hiểu nhiều về Luật phòng chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân. Thành ra đôi khi họ có những hành động như là ngăn chận những cố gắng của những chương trình phòng chống mua bán người.

Thật sự ở Việt Nam tôi thấy rất rõ Bộ Công An lúc nào cũng quan tâm về chuyện phòng chống buôn bán người, nhưng tôi nghĩ đối với nhiều địa phương thì cách nhìn của một số quan chức ở địa phương họ nghĩ rằng Việt Nam thực sự không có vấn nạn về mua bán người mà cái này là mọi người muốn đi ra nước ngoài và bị gạt mà thôi. Trong cách nhìn đó thì chuyện bị rớt điểm như thế này hy vọng cũng là lời cảnh tỉnh để mọi người, nhất là các quan chức địa phương, hiểu thêm được vấn nạn mua bán người nó không đơn giản, nó đòi hỏi phải có ý thức, phải có nhận thức cao để chống lại.

buon2

Ông Georges Blanchard của tổ chức AAT (bên trái) AAT

Ông Georges Blanchard, một công dân Pháp, đến Việt Nam từ 1992 để làm việc trong phạm vi quyền con người và quyền trẻ em, sau đó trở thành giám đốc Alliance Anti Trafic AAT - Liên Minh Phòng Chống Buôn Người từ 2001 đến nay, cho biết ông đã từng không đồng ý khi Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam vào Tier 2 No More Watch List trên phúc trình buôn người năm 2012, và bây giờ ông cũng không đồng ý khi Việt Nam bị đưa trở lại Watch List :

Vì năm 2012 Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để được xếp vào Bậc 2. Nhưng chuyện phức tạp ở chỗ có yếu tố kinh tế và chính trị cũng như TPP trong đó. Lúc ấy Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam và cả Malaysia lên Bậc 2 vì qui định của Washington là không được giao thương với những quốc gia không nằm trên Bậc 2 liên quan đến nỗ lực chống buôn người. Tôi có thể cung cấp tài liệu của Forbes về chuyện này cho quí vị.

Đã cho lên Tier 2 rồi thì bây giờ tại sao lại cho xuống Watch List nữa. Năm rồi tôi cũng có họp với Wahington, tôi cũng có nói đừng cho Việt Nam xuống Watch List nữa. Tôi không nghĩ Watch List sẽ giúp được cái gì, ý kiến của tôi là cứ giúp cho Việt Nam có khả năng hơn. Ai cũng biết trong chính phủ Việt Nam có nhiều vấn đề, cũng phải giúp cho thay đổi.

Phúc trình về buôn người năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng trong mấy năm trở lại đây Việt Nam đã không quan tâm , không xử phạt đúng mức những tội phạm buôn người, trong đó có cán bộ nhân viên nhà nước dính líu đến tệ nạn này. Theo cô Diệp Vương, thực sự Việt Nam có xử lý nhưng tiến độ rất chậm :

Chúng tôi biết chắc chắn ở Việt Nam nhiều khi chuyện khởi tố thì phải đầy đủ chứng cớ họ mới làm và thường là nó chậm hơn tiến độ ở những nơi khác. Đó là cách Việt Nam làm việc, còn chuyện mà Hoa Kỳ nhìn thấy có viên chức chính phủ, họ nói rất rõ là chính quyền địa phương, dính líu đến vấn đề buôn người mà lại không bị truy tố, thì cái đó là thông tin của bên chính phủ Mỹ. Chúng tôi thật sự không biết cụ thể. Chứ còn đối với Việt Nam mà nói khi người ta nghe được chuyện chính quyền mà dính vô như vậy thì tôi nghĩ sẽ có người lên tiếng và dư luận gọi là kết án nhanh lắm.

Tính cho đến hiện tại, hai nhà mở của Vòng Tay Thái Bình, có tên là Nhà Nhân Ái mà một ở An Giang và một ở Lào Cai, vẫn tiếp tục hoạt động.

Với trải nghiệm làm việc ở Việt Nam, đặc biệt tại Lào Cai miền Bắc và An Giang phía Nam, điều mà giám đốc Vòng Tay Thái Bình muốn bày tỏ là ý thức hay nhận thức về nạn buôn người, đặc biệt trong những cộng đồng dễ bị tổn thương, vẫn còn kém và còn khá sai lệch :

Người ta không nghĩ người ta bị mua bán, không ai cắt nghĩa cho người ta, chính quyền cũng không nghĩ người ta bị mua bán. Người ta đi về thì không muốn ở trong Nhà Nhân Ái tại sợ bị bắt không cho về nhà., mà về nhà thì trôi theo cuộc sống ở nhà. Thành ra không có giải pháp gì cho mấy em cả.

Tức là sự cảnh giác về vấn đề mua bán người rất thấp. Người Việt Nam mình lúc nào cũng nghĩ chỉ cần đi ra nước ngoài thôi, đi lậu cũng được, ra nước ngoài còn hơn là ở Việt Nam. Thành ra những đường dây đưa người đi trái phép có nhiều và kiếm rất nhiều tiền. Bây giờ họ có bị bóc lột có bị cái gì đi nữa thì chính bản thân họ cũng nghĩ tại xui thôi chứ họ không nghĩ mình bị buôn bán, bị bóc lột.

Đối với ông Georges Blanchard, thường thì các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam tin rằng nạn buôn người nói chung đã giảm bớt, vấn đề còn lại là nạn buôn người đang tập trung về vùng biên giới phía Bắc :

Cuối năm 2013 số nạn nhân là của miền Tây như Hậu Giang, Cần Thơ và mấy tỉnh miền Tây, đến bắt đầu năm 2014 ở miền Tây không còn nạn nhân nữa, tất cả là nạn nhân của ngoài Bắc đi Trung Quốc.

Thế nhưng ông Blanchard phản bác :

Cái đó không phải sự thật, đi Trung Quốc không phải là số nhiều, tại vì còn những người khác đi Singapore, đi Malaysiavà cũng có người đi Châu Âu, đi sang Anh nữa. Họ giấu và nói là không còn nạn nhân ở miền Tây nữa, nhưng khi tôi làm việc với tòa án Malaysia thì người ta nói rất đông người Việt Nam bị bắt bên đó. Họ ra tòa và được xử lý là nạn nhân.

Những nạn nhân bị mua bán mà một khi trở về thì có được giúp đỡ, hỗ trợ để tái hòa nhập xã hội hay không ? Câu trả lời của giám đốc AAT Georhes Blanchard :

Theo Luật từ tháng Giêng năm 2012, các nạn nhân về tỉnh là phải được Bộ Lao Động, Thương Bình và Xã Hội hỗ trợ, giúp đỡ về sức khỏe, học nghề và hòa nhập cộng đồng . Đó là luật nhưng thực tế là không nạn nhân nào nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. Tôi biết ở miền Tây có nạn nhân về, có giấy xác nhận là nạn nhân, nhưng khi tới sân bay ở Sài Gòn thì công an lưu cái thư này, nạn nhân về quê là không có ai theo dõi, không có ai giúp đỡ gì hết, không còn giấy xác nhận thì không còn là nạn nhân nữa.

Cái đó là nạn nhân báo với tôi, còn công an đến văn phòng của tôi để nói những người mà AAT giúp đỡ không phải là nạn nhân. Chuyện đó nhậy cảm lắm, bây giờ viết một bài như vậy đăng lên báo thì cũng nguy hiểm lắm.

Với gần 30 năm sống và làm việc tại Việt Nam, tình trạng gọi là mất cân bằng trong công tác phòng chống, đối phó cũng như xử lý tệ nạn buôn người của Việt Nam qua con mắt nhận xét của giám đốc AAT Georges Blanchard là :

Vấn đề là tất cả những tổ chức phòng chống của Liên Hiệp Quốc, của các đại sứ quán chừng như chỉ làm việc với các ngành bộ ở trung ương chứ không vươn tới các tỉnh, làng là nơi có những cộng đồng dễ bị thương tổn.

Liên Minh Phòng Chống Buôn Người của tôi có làm việc ở Bến Tre, nơi mà thông tin về buôn người rất ít ỏi. Đây là nơi mà những trường hợp lạm dụng, khai thác và buôn bán phụ nữ đã xảy ra nhưng nạn nhân không biết kêu ca hay cầu cứu vào đâu. Các cán bộ tĩnh, các cán bộ xã không biết phải làm sao.

buon3

Logo của tổ chức Alliance Anti Trafic (AAT) - Liên Minh Phòng Chống Buôn Người AAT

Vì vậy nên tập trung sự chú ý vào nông thôn nhiều hơn là thành thị, ông Blanchard nhấn mạnh :

Tại vì Hà Nội có nhiều chương trình hơn, lý do là co các đại sứ quán, các văn phòng của Liên Hiệp Quốc. Ở Hà Nội có 17 NGO làm việc phòng chống buôn bán người. Ở miền Tây chỉ có AAT thôi.

Phải chuyển công việc về địa phương, đến những cán bộ nhỏ nhất trong cộng đồng, tại vì nạn nhân nào cũng làm việc với cán bộ của địa phương chứ đâu có nạn nhân nào lên gặp bộ trưởng để làm việc. Quan trọng nhất là những cán bộ cấp nhỏ ở Việt Nam phải biết nhiều để phòng ngừa và có thể giúp đỡ khi có nạn nhân.

Được biết trong phúc trình thường niên của năm 2018, những vấn đề buôn người ở Việt Nam đã được nêu bật và không khác mấy so với báo cáo năm 2019 này. Khi đó Việt Nam vẫn giữ bậc 2 nước đang có vấn đề.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vì không cải thiện cũng như không có sự đáp ứng tối thiểu, Việt Nam bị đưa trở lại danh sách bậc 2 bị theo dõi tức Tier 2 Watch List.

Phát biểu lúc công bố Phúc trình thường niên 2019 về nạn buôn người, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Báo cáo năm nay chú trọng nhiều vào những cách thức hữu hiệu mà cộng đồng địa phương có thể giải quyết nạn buôn người một cách chủ động, cũng như cách thức mà nhà nước có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cộng đồng đó.

Vẫn theo lời ông, thế giới hiện đại không có chỗ cho nạn nô lệ mới, và thông qua các can dự ngoại giao cũng như hành động thúc đẩy, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ được tiếp tục duy trì bền vững trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 25/06/2019

********************

Tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện

RFA, 25/06/2019

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 21/6 cho công bố phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018. Trong bản phúc trình có nhắc đến việc luật pháp Việt Nam có quy định chính phủ được kiểm soát phần lớn các hoạt động tôn giáo, bao gồm các điều khoản mơ hồ hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lý do an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội.

buon4

Một nhân viên chính quyền dẫm đạp lên thánh giá tại Đan Viện Thiên An. Citizen photo

Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018 cũng quy định quyền của các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Trong khi đó lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt từ các nhóm tôn giáo không được công nhận hoặc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký, báo cáo cho biết họ bị sách nhiễu, tấn công, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản.

Xác nhận thực tế này, Hòa thượng Thích Không Tánh, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam cho biết :

"Thời gian gần đây, trong một năm qua phải nói rằng có nhiều vấn đề xảy ra. Bên Phật giáo có những vụ ủi chùa như chùa Sơn Linh trên Kontum của Thượng tọa Đồng Quang, trước đó thì giải tỏa chùa An Cư ngoài Đà Nẵng của Thượng tọa Thích Thiện Phúc.

Bản thân tôi thì chùa của tôi bị ủi, cưỡng chế, phải đi sống nhờ nhưng đến đâu cũng bị khó khăn và bị giám sát theo dõi, chỗ tôi ở nhờ cũng bị đặt camera giám sát".

Không chỉ riêng đối với Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, mà đối với những giáo hội/hội thánh không theo phái do Nhà nước kiểm soát cũng bị trường hợp tương tự. Từ Lâm Đồng, Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam cho biết như sau :

"Về vấn đề hành đạo tại Việt Nam thì tất cả các tôn giáo đều bị chung một hoàn cảnh. Nếu không gia nhập tôn giáo quốc doanh của nhà cầm quyền Cộng sản thì người ta bức hại. Riêng tôi, cứ cách ba bốn ngày thì công an đi vào một lần. Cách đây ba ngày công an cũng có vào. Người ta hỏi sơ lược là "chú có đi dâu không, có tin tức gì không" ; "chú ra ngoài địa phương, chú phải báo cho chúng tôi biết"… Tôi có nói việc đi lại là quyền của tôi nhưng người ta cũng thường theo dõi.

Tôi là đồng đạo trong ban Đại diện khối Nhân sinh đạo Cao Đài nhưng những người đấu tranh cho quyền Tự do tôn giáo như chúng tôi thì lúc nào chính quyền cũng làm khó dễ hết".

Mới đây nhất, vào ngày 16/6 vừa qua, nhà cầm quyền và công an tỉnh An Giang, huyện Chợ Mới và xã Long Giang đã triển khai đóng chốt mọi nẻo đường dẫn đến lễ đài tại trụ sở tạm thời của Ban trị Sự Trung ương để kiểm soát những tín đồ Phật giáo Hòa hảo không theo phái do Nhà nước được tự do tổ chức Đại lễ Ngày khai đạo 18/5 Âm lịch. Trong khi đó thì phái do Nhà nước lập nên được tổ chức lễ và đại diện chính quyền đến chúc mừng.

Nhận xét về Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chăn của Giáo phận Công giáo Vinh cho rằng việc công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo quy định trong điều luật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ sở này.

buon5

Ông Scott Busby và đại diện đoàn Bộ Ngoại giao mỹ chụp hình chung cùng đại diện các nhà hoạt động nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam hôm 13/5/2019 Courtesy of Hội đồng Liên tôn Việt Nam

"Có thể một số nơi thành lập dễ dàng, một số nơi thì không, tùy tương quan nơi đó đối với nhà cầm quyền địa phương. Tự do tôn giáo có tiến triển không thì đã khá hơn từ sau năm 1975, chuyện đấy là dĩ nhiên. Nhưng thực sự nếu ta xét tự do tôn giáo như trong những bản tuyên bố quốc tế nhân quyền hay những văn bản của Liên hiệp quốc, điều đó dĩ nhiên Việt Nam vẫn chưa được thực hiện".

Vào ngày 13 tháng 5, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ do ông Scott Busby – Cố vấn Cao cấp cục Dân Chủ Nhân Quyền Lao động đồng thời là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Hội đồng Liên tôn VN tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, Sài Gòn. Đến tham dự còn có đại diện của Liên đoàn Lao động Việt tự do, Hội nhà báo Độc lập, tù nhân lương tâm.

Cuộc gặp này được tổ chức nhằm tìm hiểu thêm về tình hình nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam, trước khi diễn ra đối thoại Nhân quyền Việt Mỹ 2019 vào trung tuần tháng 5.

Tham gia đóng góp ý kiến khi gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết ông mong rằng Bộ Ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ nên có biện pháp giúp đỡ, cải thiện đời sống về tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhân quyền Việt Nam.

"Chúng tôi có đề nghị làm thế nào một chế độ vi phạm tự do tín ngưỡng trầm trọng như vậy mà chính phủ các nước Hoa Kỳ, Canada hay các nước dân chủ văn minh vẫn bang giao, tiếp tục viện trợ, hỗ trợ cho thì đó là một hình thức tiếp tay cho chế độ độc tài để họ đàn áp người dân và tự do tín ngưỡng trong nước Việt Nam. Chúng tôi có đề nghị Bộ Ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đặt vấn đề tự do tôn giáo trong các bang giao như thương mại, kinh tế, quân sự, hay các mặt bang giao khác, đồng thời phải có biện pháp chế tài".

Ông Võ Văn Ái, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam trong ngày 24/6 cũng đã kêu gọi Liên minh Châu Âu tham gia bảo vệ Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng tại Việt Nam.

Theo ông Ái, Quốc hội Châu Âu không nên vội phê chuẩn Hiệp ước tự do mậu dịch nếu chưa đề ra các cơ cấu cụ thể bảo đảm việc bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo hay tín ngưỡng tại Việt Nam.

Cùng suy nghĩ với ông Võ Văn Ái, Chánh trị sự Hứa Phi mong rằng Liên Hiệp Châu Âu hoặc quốc tế có bang giao với Việt Nam phải đặt vấn đề tự do tôn giáo lên hàng đầu.

Còn theo Giám mục Nguyễn Thái Hợp, điều ông mong muốn là làm sao phát triển kinh tế đó đi với phát triển về xã hội, nhân quyền và về tôn giáo :

"Khi ký hiệp ước này, phải chăng Âu châu và các nước khác cũng có điều kiện để yêu cầu Việt Nam phải thực hiện (tự do tôn giáo) bởi vì hiệp ước này có những điều khoản ràng buộc chính phủ Việt Nam".

Nhiều ý kiến phản biện cho rằng trong thời gian gần đây, tại Việt Nam ngày càng nhiều công trình tôn giáo được xây dựng khang trang, truyền thông trong nước vẫn đăng tải thông tin hình ảnh người dân đi dự lễ, tham gia các lễ hội tôn giáo lớn, nhỏ trong năm.

Tuy nhiên, theo Chánh trị sự Hứa Phi, những việc này chỉ là hình thức để đánh lừa dư luận. Vì thực chất cái tổ chức tôn giáo không theo phái Nhà nước vẫn đang bị sách nhiễu rất nhiều.

"Từ trước đến giờ, tôi có một lập trường rất rõ : nhà nước cộng sản Việt Nam trước đây đàn áp tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền một cách rất là thô bạo. Họ bị dư luận quốc tế lên tiếng phản đối.

Ngày nay, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại sử dụng một hình thức rất là "mềm" để lừa mắt dư luận thế giới. Đó là người ta lập nên tổ chức tôn giáo quốc doanh do nhà cầm quyền dựng lên bằng cách ủng hộ tài chánh cho các chùa, thánh thất, nhà thờ. Họ xây lên thật khang trang để khách quốc tế nhìn và cho là ở Việt Nam có tự do tôn giáo. Tuy nhiên, bên trong người ta đưa những cán bộ, đảng viên vào chủ trì những cơ sở đó".

Trong buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy hội Quốc tế Mỹ về Tự do Tôn giáo Thế giới tại Washington D.C. (USCIRF’s) vào ngày 29 tháng 4 vừa qua, Việt Nam bị đánh giá là một đất nước có tình hình tự do tín ngưỡng và tôn giáo bị xuống cấp nghiêm trọng.

Vì vậy, USCIRF’s đã đề nghị Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo.

Trong bản phúc trình hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo toàn cầu năm 2018 cũng nhắc đến tình trạng của các tín đồ tôn giáo bị giam giữ hoặc bị cầm tù, và tình hình của các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ cùng với các quan chức khác tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi các nhà chức trách của chính phủ Hà Nội cho phép tất cả các nhóm tôn giáo bao gồm Tin lành, Công giáo, các nhóm Cao Đài và Hòa Hảo độc lập được tự do hoạt động.

Phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng nhấn mạnh với các quan chức chính phủ Hà Nội rằng tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền là điều kiện quan trọng để cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Việt.

Nguồn : RFA, 25/06/2019

Quay lại trang chủ
Read 705 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)