Dư luận Philippines đang phẫn nộ về vụ một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong phía đông bắc Biển Đông hôm 09/06/2019, rồi bỏ chạy.
Ảnh minh họa : Một tàu cá và một tàu tuần duyên Trung Quốc (màu trắng bên phải) tại vùng biển đảo Scarborough. Ảnh 5/04/2017. Reuters/Erik De Castro/File Photo
Trong một bài phân tích đăng ngày 21/06 trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu ORF (Observer Research Foundation) của Ấn Độ, chuyên gia Pratnashree Basu đã trở lại với sự cố đó để nêu bật thưc tế là tình trạng bất ổn định đã trở thành thường xuyên tại Biển Đông mà kẻ gây rối chính là Trung Quốc. Điểm đáng ngại, theo chuyên gia này, là vai trò ngày càng hung hăng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines tại Bãi Cỏ Rong, tác giả bài phân tích đã bác bỏ tuyên bố của các nguồn tin chính thức Trung Quốc nói rằng con tàu gây sự cố là một chiếc tàu đánh cá. Đối với chuyên gia Ấn Độ, trong thực tế đó là một phần của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Dân quân biển là một lực lượng bán quân sự được triển khai để tuần tra, giám sát và tiếp tế. Đạo quân này tham gia vào việc củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông và họ báo cáo trực tiếp lên Quân Đội Trung Quốc.
Tàu dân quân biển trá hình
Có nhiều dấu hiệu đáng tin cho thấy là những gì được coi là tàu cá Trung Quốc thực ra là lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh, giúp họ dễ dàng ngụy trang các hành vi gây chiến thành những sự cố bình thường. Sự hiện diện và lấn lướt của tàu dân quân Trung Quốc đã trở thành một vấn đề với các láng giềng cũng như các nước khác như Úc, Mỹ và các thực thể ở Biển Đông như đá Hoài Ân (Sandy Cay) sát cạnh đảo Thị Tứ hiện đang do Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Vụ đâm tàu ở Bãi Cỏ Rong nêu bật hai yếu tố : tầm quan trọng của địa điểm tập kết và khả năng tăng cường lực lượng dễ dàng và nhanh chóng.
Theo bà Pratnashree Basu, không thể chối cãi được rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện đang gây bất ổn tại Biển Đông.
Các hành động của Trung Quốc đã và đang tiếp tục gây ra nhiều vấn đề vì Bắc Kinh thường xuyên coi nhẹ các chuẩn mực quốc tế và chủ quyền của nước khác. Điều xảy ra ở Bãi Cỏ Rong không phải là sự cố đầu tiên hoặc duy nhất, mà nằm trong một chuỗi dài của các vụ Trung Quốc vi phạm các quy tắc quốc tế.
Hành động kiên quyết bành trướng của Trung Quốc
Chính vì những vi phạm thường xuyên đó mà Manila đã kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế về tội xâm lấn vùng biển Philippines. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn tần suất của các vụ vi phạm chính là lập trường của Trung Quốc kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa quốc tế vào năm 2016 có lợi cho Philippines. Điều đó cho thấy rõ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các tranh chấp ở vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Theo chuyên gia Pratnashree Basu, từ nhiều năm nay tình hình Biển Đông luôn căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển. Thế nhưng bất ổn đã tăng thêm do các hành động bành trướng của Trung Quốc, vốn đã tìm cách cho thấy rõ sự hiện diện của mình trong vùng.
Vụ đâm tàu tại Bãi Cỏ Rong vừa qua đã làm dấy lên những cuộc biểu tình phẫn nộ ở Philippines với những người biểu tình đốt cờ Trung Quốc và kêu gọi "kết thúc sự xâm lược của Trung Quốc". Các cuộc biểu tình đã kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ người dân, đã tỏ ý thất vọng trước những gì mà họ cho là thái độ bất động của chính phủ.
Trong khi phản ứng ban đầu từ Manila rất mạnh mẽ, từ bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana lên án hành động đâm tàu cũng như việc tàu Trung Quốc bỏ chạy cho đến phó tổng thống Leni Robredo kêu gọi mở cuộc điều tra, phản ứng của tổng thống Duterte đã rất muộn màng và nhẹ nhàng, chỉ coi đó là một vụ va chạm bình thường.
Theo ghi nhận của bà Pratnashree Basu, các cuộc biểu tình cho thấy là một bộ phận dân chúng Philippines ngày càng bất mãn trước cách thức chính phủ xử lý các hoạt động liên quan đến Trung Quốc, thậm chí có người còn cho rằng chính quyền ưu tiên người lao động nhập cư Trung Quốc hơn là người Philippines.
Philippines từng nằm trong số các nước có quan hệ căng thẳng nhất với Trung Quốc, thậm chí kiện Bắc Kinh ra tòa vào năm 2015. Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, quan hệ song phương thân thiện hay không phần lớn phụ thuộc vào chế độ đang cầm quyền ở một quốc gia, và một lãnh đạo quốc gia thường đóng vai trò quyết định cho quan hệ đang có và đặt nền móng cho quan hệ song phương và đa phương trong tương lai.
Dưới thời tổng thống Duterte, nhậm chức năm 2016, đã có một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối với Bắc Kinh. Trong khi Manila trước đây là một trong những quốc gia có tiếng nói mạnh nhất chống lại các hoạt động lấn lướt phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực, kể từ thời ông Duterte, lập trường này trở nên thất thường, đa phần là im hơi lặng tiếng, đôi khi bùng lên ồn ào.
Ông Duterte đã tìm cách gác sang một bên tranh chấp trên biển với Bắc Kinh, biện minh rằng một quốc gia nhỏ như Philippines không thể đối đầu với một cường quốc như Trung Quốc - một quan điểm bị coi là quỵ lụy Bắc Kinh. Điều cần lưu ý ở đây là tổng thống Philippines cũng đã gạt bỏ các đề nghị hỗ trợ và hành động đa phương.
Một bước ngoặt nguy hiểm
Đối với chuyên gia Ấn Độ, sự cố ngày 09/06 tại Bãi Cỏ Rong đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm bởi vì một lần nữa nó cho thấy ý đồ và thái độ khăng khăng của Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của một quốc gia khác. Sự cố này cũng cho thấy một mức độ táo tợn hơn trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Theo bà Basu, cơ cấu của lực lượng dân quân biển rất phù hợp với ý đồ của Trung Quốc muốn áp đặt các lợi ích của họ tại vùng biển tranh chấp thông qua các cuộc chạm trán ở cường độ thấp, bất cần tôn trọng luật pháp và chủ quyền trong khi vẫn duy trì tình trạng căng thẳng.
Trong tương lai gần, những vụ va chạm có sự can dự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể thúc đẩy sư can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, vốn đã cho biết là các hành vi khiêu khích của tàu dân quân sẽ bị coi là tương đương với những hành động của chiến hạm của lực lượng Hải Quân.
Mặc dù tuyên bố của Mỹ mới là dấu hiệu của một lập trường cứng rắn hơn, nhưng điều đó hàm chứa rủi ro là tình hình có thể dễ dàng leo thang đến mức một cuộc xung đột toàn diện. Trừ phi Bắc Kinh lùi bước đáng kể trong các hành động gây căng thẳng, trong những ngày tới đây, Biển Đông có nguy cơ chứng kiến một tình huống xung đột leo thang nhanh chóng đến mức không thể quay lại.