Dư luận Philippines đang phẫn nộ về vụ một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong phía đông bắc Biển Đông hôm 09/06/2019, rồi bỏ chạy.
Ảnh minh họa : Một tàu cá và một tàu tuần duyên Trung Quốc (màu trắng bên phải) tại vùng biển đảo Scarborough. Ảnh 5/04/2017. Reuters/Erik De Castro/File Photo
Trong một bài phân tích đăng ngày 21/06 trên trang mạng của Quỹ Nghiên Cứu ORF (Observer Research Foundation) của Ấn Độ, chuyên gia Pratnashree Basu đã trở lại với sự cố đó để nêu bật thưc tế là tình trạng bất ổn định đã trở thành thường xuyên tại Biển Đông mà kẻ gây rối chính là Trung Quốc. Điểm đáng ngại, theo chuyên gia này, là vai trò ngày càng hung hăng của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Về vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines tại Bãi Cỏ Rong, tác giả bài phân tích đã bác bỏ tuyên bố của các nguồn tin chính thức Trung Quốc nói rằng con tàu gây sự cố là một chiếc tàu đánh cá. Đối với chuyên gia Ấn Độ, trong thực tế đó là một phần của lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Dân quân biển là một lực lượng bán quân sự được triển khai để tuần tra, giám sát và tiếp tế. Đạo quân này tham gia vào việc củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông và họ báo cáo trực tiếp lên Quân Đội Trung Quốc.
Tàu dân quân biển trá hình
Có nhiều dấu hiệu đáng tin cho thấy là những gì được coi là tàu cá Trung Quốc thực ra là lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh, giúp họ dễ dàng ngụy trang các hành vi gây chiến thành những sự cố bình thường. Sự hiện diện và lấn lướt của tàu dân quân Trung Quốc đã trở thành một vấn đề với các láng giềng cũng như các nước khác như Úc, Mỹ và các thực thể ở Biển Đông như đá Hoài Ân (Sandy Cay) sát cạnh đảo Thị Tứ hiện đang do Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Vụ đâm tàu ở Bãi Cỏ Rong nêu bật hai yếu tố : tầm quan trọng của địa điểm tập kết và khả năng tăng cường lực lượng dễ dàng và nhanh chóng.
Theo bà Pratnashree Basu, không thể chối cãi được rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện đang gây bất ổn tại Biển Đông.
Các hành động của Trung Quốc đã và đang tiếp tục gây ra nhiều vấn đề vì Bắc Kinh thường xuyên coi nhẹ các chuẩn mực quốc tế và chủ quyền của nước khác. Điều xảy ra ở Bãi Cỏ Rong không phải là sự cố đầu tiên hoặc duy nhất, mà nằm trong một chuỗi dài của các vụ Trung Quốc vi phạm các quy tắc quốc tế.
Hành động kiên quyết bành trướng của Trung Quốc
Chính vì những vi phạm thường xuyên đó mà Manila đã kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng Tài Quốc Tế về tội xâm lấn vùng biển Philippines. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn tần suất của các vụ vi phạm chính là lập trường của Trung Quốc kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa quốc tế vào năm 2016 có lợi cho Philippines. Điều đó cho thấy rõ lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với các tranh chấp ở vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Theo chuyên gia Pratnashree Basu, từ nhiều năm nay tình hình Biển Đông luôn căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển. Thế nhưng bất ổn đã tăng thêm do các hành động bành trướng của Trung Quốc, vốn đã tìm cách cho thấy rõ sự hiện diện của mình trong vùng.
Vụ đâm tàu tại Bãi Cỏ Rong vừa qua đã làm dấy lên những cuộc biểu tình phẫn nộ ở Philippines với những người biểu tình đốt cờ Trung Quốc và kêu gọi "kết thúc sự xâm lược của Trung Quốc". Các cuộc biểu tình đã kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ người dân, đã tỏ ý thất vọng trước những gì mà họ cho là thái độ bất động của chính phủ.
Trong khi phản ứng ban đầu từ Manila rất mạnh mẽ, từ bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana lên án hành động đâm tàu cũng như việc tàu Trung Quốc bỏ chạy cho đến phó tổng thống Leni Robredo kêu gọi mở cuộc điều tra, phản ứng của tổng thống Duterte đã rất muộn màng và nhẹ nhàng, chỉ coi đó là một vụ va chạm bình thường.
Theo ghi nhận của bà Pratnashree Basu, các cuộc biểu tình cho thấy là một bộ phận dân chúng Philippines ngày càng bất mãn trước cách thức chính phủ xử lý các hoạt động liên quan đến Trung Quốc, thậm chí có người còn cho rằng chính quyền ưu tiên người lao động nhập cư Trung Quốc hơn là người Philippines.
Philippines từng nằm trong số các nước có quan hệ căng thẳng nhất với Trung Quốc, thậm chí kiện Bắc Kinh ra tòa vào năm 2015. Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, quan hệ song phương thân thiện hay không phần lớn phụ thuộc vào chế độ đang cầm quyền ở một quốc gia, và một lãnh đạo quốc gia thường đóng vai trò quyết định cho quan hệ đang có và đặt nền móng cho quan hệ song phương và đa phương trong tương lai.
Dưới thời tổng thống Duterte, nhậm chức năm 2016, đã có một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối với Bắc Kinh. Trong khi Manila trước đây là một trong những quốc gia có tiếng nói mạnh nhất chống lại các hoạt động lấn lướt phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực, kể từ thời ông Duterte, lập trường này trở nên thất thường, đa phần là im hơi lặng tiếng, đôi khi bùng lên ồn ào.
Ông Duterte đã tìm cách gác sang một bên tranh chấp trên biển với Bắc Kinh, biện minh rằng một quốc gia nhỏ như Philippines không thể đối đầu với một cường quốc như Trung Quốc - một quan điểm bị coi là quỵ lụy Bắc Kinh. Điều cần lưu ý ở đây là tổng thống Philippines cũng đã gạt bỏ các đề nghị hỗ trợ và hành động đa phương.
Một bước ngoặt nguy hiểm
Đối với chuyên gia Ấn Độ, sự cố ngày 09/06 tại Bãi Cỏ Rong đánh dấu một bước ngoặt nguy hiểm bởi vì một lần nữa nó cho thấy ý đồ và thái độ khăng khăng của Bắc Kinh muốn khẳng định chủ quyền của mình trên vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của một quốc gia khác. Sự cố này cũng cho thấy một mức độ táo tợn hơn trong việc sử dụng lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Theo bà Basu, cơ cấu của lực lượng dân quân biển rất phù hợp với ý đồ của Trung Quốc muốn áp đặt các lợi ích của họ tại vùng biển tranh chấp thông qua các cuộc chạm trán ở cường độ thấp, bất cần tôn trọng luật pháp và chủ quyền trong khi vẫn duy trì tình trạng căng thẳng.
Trong tương lai gần, những vụ va chạm có sự can dự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể thúc đẩy sư can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, vốn đã cho biết là các hành vi khiêu khích của tàu dân quân sẽ bị coi là tương đương với những hành động của chiến hạm của lực lượng Hải Quân.
Mặc dù tuyên bố của Mỹ mới là dấu hiệu của một lập trường cứng rắn hơn, nhưng điều đó hàm chứa rủi ro là tình hình có thể dễ dàng leo thang đến mức một cuộc xung đột toàn diện. Trừ phi Bắc Kinh lùi bước đáng kể trong các hành động gây căng thẳng, trong những ngày tới đây, Biển Đông có nguy cơ chứng kiến một tình huống xung đột leo thang nhanh chóng đến mức không thể quay lại.
Trong lúc Bắc Kinh và Manila đang hội đàm "có kết quả" về chủ đề Biển Đông vào đầu tháng Tư thì hàng chục tàu cá Trung Quốc đã "vây quanh" một hòn đảo do Philippines kiểm soát trong vùng biển tranh chấp.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói họ sẽ coi 'dân quân biển' Trung Quốc là lực lượng tàu như tàu quân sự
Quân đội Philippines đã theo dõi 275 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Sandy Cay gần đảo Đảo Thị Tứ (phía Philippines gọi là Pagasa, còn Trung Quốc gọi là đảo Trung Nghiệp) kể từ tháng Giêng.
Chính quyền Philippines cho biết những thuyền này thuộc về lực lược được gọi là "dân quân biển" của Trung Quốc - một đội tàu cá mà giới chuyên gia hải quân quốc tế nói nhiệm vụ là không chỉ đánh bắt cá mà thôi.
Đội tàu cá này được mô tả là "lực lượng biển thứ ba" của Trung Quốc và được cho là hoạt động phối hợp với Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG).
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không công khai thừa nhận sự tồn tại của lực lượng này, và bản chất của các tàu này cũng cho phép Bắc Kinh bác bỏ bất kỳ vai trò nào trong hành động của họ.
Mối quan hệ của Philippines với Trung Quốc có bước ngoặt kịch tính dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, do vậy việc căng thẳng gần đây gây bất ngờ.
Trong một biểu hiện bất bình hiếm hoi, Philippines đã nói họ phản đối sự hiện diện "bất hợp pháp" của các tàu Trung Quốc, và nói thêm rằng chiến thuật "vây đảo" của Bắc Kinh "đặt ra câu hỏi về ý định cũng như lo ngại về vai trò hỗ trợ các mục tiêu lấn lướt".
"Những hành động như vậy, khi không bị chính phủ Trung Quốc thoái thác thì được coi là đã được thông qua bởi Bắc Kinh", Manila nói vào ngày 4/4.
Truyền thông Philippines đưa tin về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại gần hai hòn đảo khác mà Philippines kiểm soát là đảo Kota (có tên quốc tế là Loaita Island, Việt Nam gọi là đảo Loại Ta, còn Trung Quốc gọi là đảo Nam Thược) và đảo Panatag (tên quốc tế là Lankiam Cay, Việt Nam gọi là đá An Nhơn, Trung Quốc gọi là bãi Dương Tín).
Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và luật biển thuộc Đại học Tổng hợp Philippines, nói rằng các tàu này là "một phần của lực lượng dân quân biển được chính phủ Trung Quốc tài trợ và hỗ trợ, và chịu sự kiểm soát và phối hợp của bộ chỉ huy quân sự Trung Quốc".
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh ABS-CBN vào ngày 4/4, ông Batongbacal cảnh báo rằng Philippines có thể mất quyền kiểm soát đảo Thị Tứ nếu Trung Quốc "tiếp tục phong tỏa phi quân sự bãi cạn Sandy Cay, cắt đứt lối ra vào đảo Thị Tứ" theo cách mà ông gọi là "chiến tranh du kích trên biển".
Nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Triệu Kiếm Hoa, khẳng định rằng đội tàu này chỉ là những tàu đánh cá "không được trang bị vũ khí gì cả".
Chiến tranh du kích trên biển
Pagasa (Thị Tứ) là đảo lớn nhất trong 18 đảo ở quần đảo Trường Sa
Từ Lập Bình, một học giả tại Viện nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đã thẳng thắn hơn về động cơ của Bắc Kinh, khi nói với tờ South China Morning Post (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong vào ngày 13/4 rằng sự hiện diện của các tàu này là "lời cảnh báo nhẹ nhàng" với Philippines về các hoạt động xây dựng của Manila trên đảo Thị Tứ.
Giới chuyên gia hàng hải cho biết loại "dân quân" này được sử dụng để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược như thúc đẩy yêu sách lãnh thổ, triển khai hoạt động trinh sát, đe dọa tàu nước ngoài và từ chối tiếp cận các khu vực có tranh chấp.
Và, căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Philippines cho thấy những khó khăn trong việc đối phó với các lực lượng hàng hải không chính qui như vậy.
Các tàu có thể đóng vai trò như dây mìn, và bất kỳ hành động quân sự nào chống lại họ đều có thể khiến Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc can thiệp. Một sự cố tương tự vào năm 2012 đã dẫn đến việc Trung Quốc chiếm giữ Bãi cạn Scarborough vào năm 2012.
Nhưng nếu không có hành động nào thì đội tàu này có thể lấn dần vào khu vực tranh chấp và chặn đường ra vào - kể như điều mà giới chuyên gia quốc phòng gọi là "các hoạt động trong vùng tranh sang tranh tối" - tức là về cơ bản có nghĩa là giành lợi thế mà không cần nổ súng.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao từ viện nghiên cứu Rand Corporation Rand của Mỹ, nói với BBC Monitoring :
"Vì dân quân thể hiện rằng họ chỉ là một đội tàu cá, cho nên đã tạo ra sự lập lờ trước đối thủ về cách phản ứng - và tạo cho đội tàu cá này lợi thế rất hữu ích để thực hiện các hoạt động trong 'vùng tranh sáng tranh tối'".
Gary Alejano, một nhà lập pháp Philippines, người chỉ trích gay gắt chính sách của Tổng thống Duterte với Trung Quốc, cảnh báo về "chiến lược bắp cải" của Bắc Kinh.
Chiến lược bắp cải nhiều lớp
Làn sóng chống Trung Quốc tăng cao tại Philippines trong thời gian gần đây
"Giống như một cây cải bắp, một số tàu Trung Quốc sẽ bao vây lãnh thổ của chúng tôi khi họ muốn đe dọa quân đội của chúng tôi và để ngăn chúng tôi kiểm soát hiệu quả đối với các đảo của chúng tôi, Alejano nói với SCMP vào ngày 9/2.
Một kịch bản như vậy đã xảy ra vào năm 2014, khi lực lượng dân quân, cùng Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Lực lượng Phòng vệ Duyên hải Trung Quốc đã tạo rào ngăn các tàu thuyền Việt Nam cố gắng tiếp cận một giàn khoan dầu của Trung Quốc được kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trương Hồng Châu, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cảnh báo việc vơ đũa cả nắm nếu cho rằng tất cả ngư dân Trung Quốc đều đóng vai trò dân quân.
"Điều hết sức quan trọng là không nên quá nhấn mạnh rằng tất cả những ngư dân như vậy là một phần của dân quân biển", ông nói với SCMP vào ngày 3/3.
Trong khi "dân quân biển" được cho là đã tồn tại trong nhiều thập niên, các chuyên gia nói rằng lực lượng này đã trở nên nhiều năng lực hơn, và đang hướng tới mục đích chiến lược.
"Dân quân biển" có nguồn gốc từ những ngày đầu của Nội chiến Trung Quốc, Collin Koh Swee Lean, một chuyên gia quốc phòng tại RSIS nói.
"Ngay cả với việc tạo ra Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc và các đơn vị bán quân sự khác như Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc, lực lượng dân quân biển vẫn được dùng như một lực lượng tích cực", ông nói với BBC Monitoring.
Derek Grossman nói thêm rằng Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã "duy trì mối quan hệ làm việc chặt chẽ với lực lượng dân quân biển, thông qua việc đào tạo, cung cấp trang thiết bị và tài trợ tiền".
Đưa ra ánh sáng
Việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân đã và đang được triển khai nhanh và mạnh nhưng họ cũng đã đóng nhiều tàu dân quân ở tốc độ chóng mặt bởi dễ chế tạo hơn nhiều.
Dân quân đã "trở nên tinh vi hơn, đặc biệt là việc mua sắm các tàu biển kiên cố hơn, có tầm hoạt động tốt và sức bền tốt, cho phép họ hoạt động trong thời gian dài ở ngoài biển", ông Collin nói thêm.
Trong khi chính phủ Trung Quốc tìm cách nói tránh đi về sự tồn tại của "dân quân biển", thì truyền thông nhà nước đã đưa tin - mặc dù hiếm - về hoạt động của lực lượng này, thậm chí mô tả nó như một "pháo đài chiến đấu trên biển" và là "kỵ binh hạng nhẹ".
"Khi Quân đội Giải phóng nhân dân nâng cấp hải quân, cho hàng chục tàu mới dưới sự soi xét cảnh giác toàn cầu, một lực lượng ít được chú ý là dân quân biển của Trung Quốc, cũng đang cải thiện khả năng hoạt động", một bài trên báo China Daily cho biết vào năm 2016.
Bài này cho biết thêm rằng "hầu hết dân quân biển được hình thành từ ngư dân địa phương".
Một bài báo từ năm 2014 trên tờ báo quân sự chính thức của Trung Quốc, tờ Nhật báo Quân Giải phóng nhân dân, đã nói một cách thẳng hơn.
"Khi đã ngụy trang, họ hội đủ điều kiện của lính ; cởi bỏ lớp ngụy trang, họ trở thành những ngư dân tuân thủ luật pháp", bài báo nói.
Andrew Erickson, giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, đã ví lực lượng này với dân quân được Nga sử dụng ở Crimea và Ukraine, khi tiến hành hoạt động quân sự trong một khu vực không lộ rõ danh tính.
Ông nói thêm rằng cách tốt nhất để đối phó với các chiến thuật như vậy là công khai các hoạt động của dân quân và duy trì sự hiện diện rõ ràng trong khu vực, hoặc như thành ngữ "ánh sáng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất".
Pratik Jakhar
Nguồn : BBC, 16/04/2019
AMTI : Trung Quốc điều dân quân tới đảo Thị Tứ Biển Đông (RFI, 07/02/2019)
Hôm 06/02/2019, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) dựa trên các hình ảnh vệ tinh, tiết lộ rằng "một số tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực giữa bãi đá Subi và đảo Thị Tứ, Biển Đông, ít nhất kể từ tháng 7 năm 2018"
Binh sĩ Philippines trên đảo Thị Tứ, Trường Sa , nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan. Ảnh chụp ngày 11/05/2015. AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, cho biết hành động nói trên của Trung Quốc có thể là nhằm "đáp trả nỗ lực ban đầu của Philippines về việc tu sửa đường băng" trên đảo Thị Tứ vào tháng 5 năm 2018.
Thị Tứ là đảo tự nhiên lớn thứ 2 tại quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông, hiện do Philippines kiểm soát, nhưng Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng đòi chủ quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 04/02 cho biết Manila đặt mục tiêu hoàn thành một đoạn đường dốc trên đảo Thị Tứ "trong đầu năm 2019", theo tin của tờ Philippine Daily Inquirer.
Theo AMTI, đoạn đường này "sẽ tạo thuận lợi cho việc cung cấp thiết bị và vật liệu xây dựng cho hòn đảo để phục vụ các hoạt động nâng cấp đã được dự trù", đặc biệt là nâng cấp đường băng trên đảo. Và Trung Quốc đã đáp trả công trình mới của Philippines này "bằng cách triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía tây nam". Đội tàu này gồm một số tàu của hải quân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá lớn, có kích thước từ 30 đến 70 mét.
Các chuyên gia của AMTI cho rằng các tàu cá này "có những dấu hiệu thuộc về lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc", có trang bị hệ thống vô hiệu hóa máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động của họ.
Thanh Phương
*******************
Nhật Bản hôm 07/02/2019 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu khoan dầu đến một mỏ khí đốt tại vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Dàn khoan khai thác khí tại vùng mà Trung Quốc gọi là Xuân Hiểu (Chunxiao), còn đối với Nhật là Sirakaba - Reuters/Kyodo
Phản kháng của Nhật thông qua con đường ngoại giao được đưa ra sau khi Tokyo khẳng định chiếc tàu này vào tháng Giêng đã di chuyển đến gần đường phân cách giữa hai nước trên biển Hoa Đông, dường như đang thăm dò tài nguyên. Trước đó vào tháng 9/2018, Nhật đã phát hiện chiếc tàu đang khoan dầu khí, sau đó tàu này dời đi nơi khác.
Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, tuyên bố : "Thật vô cùng đáng tiếc là Trung Quốc vẫn tiếp tục đơn phương triển khai các hoạt động này".
Bắc Kinh hiện có 16 dàn dầu khí bên phía Trung Quốc, ở gần đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế. Tokyo lo sợ Trung Quốc âm thầm hút đi tài nguyên dầu khí bên phía Nhật.
Phát hiện trên đây diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang có tiến triển. Hôm thứ Bảy, đôi bên đã thỏa thuận đẩy nhanh việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Nhật Bản của ông Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, thứ trưởng ngoại giao Nhật Takeo Mori và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đó là "sự kiện quan trọng nhất trong năm nay" của cả hai nước.
Thụy My
********************
Năm 2019 Trung Quốc có thể tăng cường "tuần tra hàng hải" ở Biển Đông (GDVN, 04/02/2019)
Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản".
Tướng Hứa Kỳ Lượng, ảnh : Reuters.
Tân Hoa Xã ngày 3/2 đưa tin, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng cùng ngày nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một lực lượng thực thi pháp luật hàng hải mạnh mẽ và hiện đại.
Ông Lượng cũng là Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nêu yêu cầu này khi tới chúc Tết các sĩ quan, binh lính cảnh sát biển Trung Quốc.
Về các cuộc tuần tra đang diễn ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hứa Kỳ Lượng chỉ thị cho lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc phải "chuẩn bị tốt cho các kịch bản khác nhau", khuyến khích họ kiên quyết bảo vệ (cái gọi là) quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Hứa Kỳ Lượng kêu gọi phát triển lực lượng cảnh sát biển vững chắc hơn và gắn liền với chiến lược phát triển Trung Quốc thành một cường quốc biển.
Ông Lượng cũng nhấn mạnh việc cần phải tăng cường đều đặn sự sẵn sàng của cảnh sát biển Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền lợi hàng hải và thực thi luật pháp trên biển, cải thiện khả năng đối phó với các rủi ro và thách thức liên quan [1].
Trong một động thái khác có liên quan, ngày 30/1 South China Morning Post đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng một trung tâm cứu hộ (bất hợp pháp) trên đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam ; 7 cấu trúc hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, đảo hóa và quân sự hóa trái phép).
Thông báo này được Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đưa ra 6 tháng sau khi Trung Quốc điều tàu cứu hộ Nanhaijiu 115 đến Su Bi.
Đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập có doanh trại cho hơn 1000 quân với nguồn cung cấp nước ngọt, năng lượng pin mặt trời và các nhà kính trồng rau, bên cạnh hệ thống vũ khí, công sự [2]
Hồng Thủy
Chú thích :
[1] http://www.xinhuanet.com/english/2019-02/03/c_137797573.htm
[2] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2184351
AMTI : Dân quân biển Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh Biển Đông (RFI, 12/01/2019)
Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường bố trí các vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đe dọa còn đến từ "dân quân biển", một lực lượng vốn ít được chú ý. Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Tàu cá Trung Quốc hiện diện quy mô lớn ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông được xem là nhân tố gây bất ổn, theo đánh giá của Stratfor. (Ảnh : (ChinaFotoPress/Getty Images)
Hôm 09/01/2019, trong buổi khai trương dự án "Môi trường Đại dương và An Ninh Toàn cầu" của Trung Tâm CSIS, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải đã trình bày về thực trạng "dân quân biển" ở Biển Đông, đặc biệt là dân quân biển Trung Quốc, dựa trên kết quả 6 tháng nghiên cứu trong năm 2018, với sự cộng tác của Vulcan’s Skylight Maritime Initiative. Nghiên cứu của AMTI được thực hiện với nhiều phương tiện như Bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite/VIIRS), Rađa khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar/SAR), Hệ thống nhận dạng tự động(Automatic Identification System/AIS).
Kết luận ban đầu được giám đốc AMTI Gregory Polling đưa ra là : các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông.
Giám đốc AMTI cho biết cụ thể là ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này, và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc. Lãnh đạo AMTI kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.
Nghị sĩ Philippines lên án Bắc Kinh
Ngày 11/01/2019, một nghị sĩ đối lập Philippines, ông Gary Alejeno, dựa trên các kết quả nghiên cứu mới của AMTI, đã lên án việc ngư dân Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông), thuộc chủ quyền của Philippines. Đối với nghị sĩ Gary Alejeno, đây là những hành động "trộm cướp", đồng thời ông nhấn mạnh đến mối nguy dân quân biển Trung Quốc, một phương tiện mà Bắc Kinh sử dụng để thực thi chiến lược lấn chiếm từng bước một, để tiến đến khẳng định chủ quyền tại khu vực này.
Trọng Thành
**********************
Trung Quốc triển khai tên lửa sau khi tàu chiến Mỹ đi tuần ở Biển Đông (RFA, 12/01/2019)
Truyền hình Trung Quốc và tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 9/1 cho biết quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu DF-26 đến khu vực sa mạc Gobi, và cao nguyên Tây Tạng ở vùng tây bắc nước này.
Hình minh hoạ. Tên lửa DF-26 của Trung Quốc ở cổng Quảng trường Thiên An Môn trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015 - AFP
Trước đó, vào ngày 7/1, Hoa Kỳ vừa điều tàu chiến USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Người phát ngôn của hạm đội, bà Rachel McMarr được CNBC dẫn lời cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện họat động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và hoạt động này không nhắm đến một quốc gia nào hay đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào. Đồng thời bà McMarr cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng tàu Mỹ đã xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói rằng việc triển khai tên lửa DF-26 là một nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tên lửa DF-26 còn được mệnh danh là kẻ huỷ diệt Guam có tầm bắn khoảng 3.400 miles và vì vậy có thể đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam vào vòng nguy hiểm.
Theo trang tin Stars and Stripes, hồi tháng trước, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Lou Yuan còn lên tiếng nói rằng việc đánh đắm một đôi tàu sân bay của Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, một học giả thuộc Viện nghiên cứu Hải quân của Trung Quốc, Zhang Junshe, mới đây nói với hãng tin ABS - CBN rằng nếu có bất cứ xung đột nào xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc thì Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm.
****************
Trung Quốc "vi phạm" quyền miễn trừ ngoại giao của công dân Canada (RFI, 12/01/2019)
Ngày 11/01/2019, thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của một công dân Canada, ông Michael Kovrig, bị giam tại Trung Quốc từ một tháng nay vì bị nghi làm gián điệp.
Logo tập đoàn Huawei tại một trụ sở ở Ottawa, Canada. Reuters/Chris Wattie/File Photo
Là một nhân viên của Bộ Ngoại giao Canada, ông Kovrig đã xin nghỉ không ăn lương để cộng tác với một cơ quan tham vấn, International Crisis Group. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông ngày 10/12 năm ngoái, sau vụ bắt giữ tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei).
Cũng như đồng hương Canada Michael Spavor, bị bắt ở Trung Quốc ngày 12/12, ông Kovrig bị xem là đã có những hoạt động "đe dọa an ninh quốc gia", cụm từ mà Bắc Kinh thường sử dụng đối với những người bị tình nghi làm gián điệp.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, thủ tướng Trudeau khẳng định Trung Quốc đang giam giữ trái phép hai công dân Canada, trong đó có một trường hợp đã không tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao, ám chỉ trường hợp của ông Michael Kovrig.
Theo Công ước Vienna, những người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi họ ở nước ngoài. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Trudeau cho thấy là ông Kovrig có mang theo hộ chiếu ngoại giao cho dù ông đang nghỉ không ăn lương.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là vụ bắt giữ hai công dân Canada nói trên là không liên quan gì đến vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nhiều nhà quan sát xem đó là một biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi thấy con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt ở Canada.
Đầu tháng Hai tới, bà Mạnh Vãn Châu sẽ trình diện trước một thẩm phán để nghe quyết định về việc dẫn độ bà sang Mỹ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ giám đốc tài chính của Hoa Vi đồng lõa gian lận để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay loan tin là tập đoàn Hoa Vi vừa thông báo sa thải nhân viên của tập đoàn này bị bắt tại Ba Lan hôm thứ Ba 08/01 vì tội làm gián điệp.
Thanh Phương