AMTI : Dân quân biển Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh Biển Đông (RFI, 12/01/2019)
Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường bố trí các vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đe dọa còn đến từ "dân quân biển", một lực lượng vốn ít được chú ý. Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Tàu cá Trung Quốc hiện diện quy mô lớn ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông được xem là nhân tố gây bất ổn, theo đánh giá của Stratfor. (Ảnh : (ChinaFotoPress/Getty Images)
Hôm 09/01/2019, trong buổi khai trương dự án "Môi trường Đại dương và An Ninh Toàn cầu" của Trung Tâm CSIS, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải đã trình bày về thực trạng "dân quân biển" ở Biển Đông, đặc biệt là dân quân biển Trung Quốc, dựa trên kết quả 6 tháng nghiên cứu trong năm 2018, với sự cộng tác của Vulcan’s Skylight Maritime Initiative. Nghiên cứu của AMTI được thực hiện với nhiều phương tiện như Bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite/VIIRS), Rađa khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar/SAR), Hệ thống nhận dạng tự động(Automatic Identification System/AIS).
Kết luận ban đầu được giám đốc AMTI Gregory Polling đưa ra là : các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông.
Giám đốc AMTI cho biết cụ thể là ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này, và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc. Lãnh đạo AMTI kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.
Nghị sĩ Philippines lên án Bắc Kinh
Ngày 11/01/2019, một nghị sĩ đối lập Philippines, ông Gary Alejeno, dựa trên các kết quả nghiên cứu mới của AMTI, đã lên án việc ngư dân Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông), thuộc chủ quyền của Philippines. Đối với nghị sĩ Gary Alejeno, đây là những hành động "trộm cướp", đồng thời ông nhấn mạnh đến mối nguy dân quân biển Trung Quốc, một phương tiện mà Bắc Kinh sử dụng để thực thi chiến lược lấn chiếm từng bước một, để tiến đến khẳng định chủ quyền tại khu vực này.
Trọng Thành
**********************
Trung Quốc triển khai tên lửa sau khi tàu chiến Mỹ đi tuần ở Biển Đông (RFA, 12/01/2019)
Truyền hình Trung Quốc và tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 9/1 cho biết quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu DF-26 đến khu vực sa mạc Gobi, và cao nguyên Tây Tạng ở vùng tây bắc nước này.
Hình minh hoạ. Tên lửa DF-26 của Trung Quốc ở cổng Quảng trường Thiên An Môn trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015 - AFP
Trước đó, vào ngày 7/1, Hoa Kỳ vừa điều tàu chiến USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Người phát ngôn của hạm đội, bà Rachel McMarr được CNBC dẫn lời cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện họat động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và hoạt động này không nhắm đến một quốc gia nào hay đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào. Đồng thời bà McMarr cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng tàu Mỹ đã xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói rằng việc triển khai tên lửa DF-26 là một nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tên lửa DF-26 còn được mệnh danh là kẻ huỷ diệt Guam có tầm bắn khoảng 3.400 miles và vì vậy có thể đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam vào vòng nguy hiểm.
Theo trang tin Stars and Stripes, hồi tháng trước, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Lou Yuan còn lên tiếng nói rằng việc đánh đắm một đôi tàu sân bay của Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, một học giả thuộc Viện nghiên cứu Hải quân của Trung Quốc, Zhang Junshe, mới đây nói với hãng tin ABS - CBN rằng nếu có bất cứ xung đột nào xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc thì Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm.
****************
Trung Quốc "vi phạm" quyền miễn trừ ngoại giao của công dân Canada (RFI, 12/01/2019)
Ngày 11/01/2019, thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của một công dân Canada, ông Michael Kovrig, bị giam tại Trung Quốc từ một tháng nay vì bị nghi làm gián điệp.
Logo tập đoàn Huawei tại một trụ sở ở Ottawa, Canada. Reuters/Chris Wattie/File Photo
Là một nhân viên của Bộ Ngoại giao Canada, ông Kovrig đã xin nghỉ không ăn lương để cộng tác với một cơ quan tham vấn, International Crisis Group. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông ngày 10/12 năm ngoái, sau vụ bắt giữ tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei).
Cũng như đồng hương Canada Michael Spavor, bị bắt ở Trung Quốc ngày 12/12, ông Kovrig bị xem là đã có những hoạt động "đe dọa an ninh quốc gia", cụm từ mà Bắc Kinh thường sử dụng đối với những người bị tình nghi làm gián điệp.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, thủ tướng Trudeau khẳng định Trung Quốc đang giam giữ trái phép hai công dân Canada, trong đó có một trường hợp đã không tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao, ám chỉ trường hợp của ông Michael Kovrig.
Theo Công ước Vienna, những người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi họ ở nước ngoài. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Trudeau cho thấy là ông Kovrig có mang theo hộ chiếu ngoại giao cho dù ông đang nghỉ không ăn lương.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là vụ bắt giữ hai công dân Canada nói trên là không liên quan gì đến vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nhiều nhà quan sát xem đó là một biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi thấy con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt ở Canada.
Đầu tháng Hai tới, bà Mạnh Vãn Châu sẽ trình diện trước một thẩm phán để nghe quyết định về việc dẫn độ bà sang Mỹ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ giám đốc tài chính của Hoa Vi đồng lõa gian lận để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay loan tin là tập đoàn Hoa Vi vừa thông báo sa thải nhân viên của tập đoàn này bị bắt tại Ba Lan hôm thứ Ba 08/01 vì tội làm gián điệp.
Thanh Phương