Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/01/2019

Điểm báo Pháp - 2019 : chu kỳ xuống dốc của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

2019 : Năm khởi đầu chu kỳ xuống dốc của Trung Quốc ?

Áo Vàng trên Le Point, Thuế trên L’Express, Fake News trên L’Obs, Rác thải trên Courrier International…, tít chính trang bìa các tạp chí Pháp ra mắt trong tuần thứ hai của năm 2019 này rất đa dạng, với những chủ đề hoàn toàn khác nhau.

tq1

Với việc đưa rô-bốt Thỏ Ngọc 2 lên phần khuất của Mặt Trăng, Trung Quốc muốn khẳng định vị thế siêu cường công nghệ không gian. Ảnh chụp ngày 04/01/2019. China National Space Administration/CNS via Reuters

Đầu năm cũng là dịp để đưa ra các dự báo, và tuần báo Pháp Le Point đã có một phân tích đáng chú ý liên quan đến Trung Quốc, mà năm 2019 có thể là khởi điểm của một chu kỳ đi xuống.

Lấy ý từ thành công khoa học của Trung Quốc, liên quan đến việc đưa được một phi thuyền thăm dò đáp xuống mặt khuất của mặt trăng hôm mồng 3 tháng Giêng 2019 vừa qua, Le Point đặt tựa cho bài xã luận "Mặt khuất của Trung Quốc". Gọi là mặt khuất, nhưng ý của Le Point chính là mặt trái, mặt bị che giấu đằng sau bề mặt hào nhoáng.

Đối với Le Point, cho dù có bề ngoài uy phong đến đâu, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 70 tuổi vào năm nay, đang bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế hoạt động chậm lại, khiến cho chế độ độc tài thêm tàn nhẫn.

Tuần báo Pháp giải thích : Nhân dịp đầu năm này, Trung Quốc đã phô trương một hình ảnh đầy uy lực : Phóng được robot lên mặt khuất của mặt trăng và chứng tỏ tư cách gia nhập vào giới ưu tú công nghệ thế giới. Đe dọa dùng sức mạnh với Đài Loan để thống nhất lãnh thổ, cho thấy thái độ mất kiên nhẫn trước ý chí độc lập của đảo. Thử nghiệm một quả bom công phá bunker quy ước rất to, hay triển khai một loại hỏa tiễn hạt nhân mới xuyên lục địa, để bắn đi tín hiệu là khi cần Trung Quốc vẫn có khả năng quân sự để thực hiện tham vọng của mình.

Chiến lược lớn mà ông Tập Cận Bình muốn thực hiện là soán đoạt ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ, mà không đối đầu quân sự, đúng với binh pháp Tôn Tử cách nay 25 thế kỷ, theo đó người tướng giỏi nhất là người quy phục được kẻ thù mà không cần chiến đấu.

Hai kỷ niệm : 70 năm chế độ cộng sản và 30 năm Thiên An Môn

Trong cuộc đấu cấp hành tinh này giữa chủ nghĩa chuyên chế Á Châu chống lại nền dân chủ tự do, năm 2019 là thời điểm rất nhạy cảm cho Trung Quốc.

Trước tiên họ sẽ mừng sinh nhật thứ 70 của nước Trung Hoa cộng sản vào ngày 01/10/2019, một tuổi thọ đã vượt Liên Xô, chỉ sống được 69 năm. Kế đến Trung Quốc sẽ phớt lờ kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp phong trào Thiên An Môn. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn đứng vững sau vụ thảm sát đó, nhờ bảo đảm được cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông một mức sống được tăng lên đều đặn. Nhưng kinh tế chậm lại đang đe dọa khế ước bất thành văn đó.

Cho dù chính phủ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, kinh tế Trung Quốc vẫn có nhiều yếu tố bất lợi : cải cách thiếu vắng, dân chúng già đi, bong bóng nợ phình to, gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước gia tăng, chưa kể đến tệ nạn tham nhũng, thói chạy theo lợi nhuận của đảng viên, quân đội, và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Tăng trưởng Trung Quốc năm 2018 thực ra chỉ là 1,67% ?

Giáo sư kinh tế Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, trong tháng 12/2018 đã tỏ ý lo lắng trước việc thổi phồng quá đáng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Trong một tham luận, ông cho rằng thay vì 6,5% như chính quyền thông báo, mức tăng GDP "tối đa chỉ là khoảng 1,67%" cho năm 2018.

Le Point nhắc lại binh pháp Tôn Tử, theo đó "nghệ thuật chiến tranh là dựa trên sự lừa dối", và lời chỉ trích của giáo sư Hướng đã bị chính quyền nhanh chóng kiểm duyệt. Thế nhưng, trường hợp này đã chứng tỏ rằng có một sự phản kháng thường trực trong lòng Trung Quốc.

Ngoài ra, như tờ báo ghi nhận, kinh tế càng trì trệ thì đảng cộng sản càng siết chặt quyền kiểm soát nhắm vào người dân, sợ rằng phong trào Thiên An Môn tái diễn… Nhưng việc dùng đến vũ khí cưỡng chế lại tác hại đến phát triển kinh tế và đè nặng lên triển vọng tương lai.

Đối với tuần báo Pháp, phương Tây từng sai lầm khi cho rằng sau cái chết của Mao vào năm 1976, Trung Quốc sẽ mở cửa, sẽ tự do hóa. Ngày nay, họ cũng sẽ sai lầm như vậy nếu nghĩ rằng sự vươn lên của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đà của 40 năm qua.

Le Point kết luận : Cho dù Tôn Tử có nhiều binh pháp đã được sử dụng thành công, nhưng việc chủ nghĩa chuyên chế có thắng được chủ nghĩa tự do hay không thì chưa có gì là chắc chắn.

Nga và Trung cố hồi sinh huyền thoại đế chế

Trung Quốc cùng với Nga cũng là chủ đề được tuần báo Courrier International bàn thảo trong bài xã luận mang tựa đề "Nga và Trung Quốc cố làm sống lại huyền thoại đế chế qua hai khái niệm "Thế Giới Nga" và "Giấc Mơ Trung Hoa"…

Nhận định của Courrier International rất gay gắt : Đã từ lâu, cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều thấy rằng ý thức hệ cộng sản không còn làm ai mơ ước nữa. Do đó, cả hai ông Vladimir Putin - người đã được rèn luyện trong cơ quan tình báo KGB - và Tập Cận Bình - con trai của một anh hùng cách mạng thời Mao Trạch Đông, đã hiểu rằng để huy động quần chúng, không nên dựa vào giá trị dân chủ, mà phải kích động tinh thần dân tộc.

Hai nhân vật chuyên chế này không những biết cách kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của họ - Putin đã cai trị nước Nga từ năm 2000, còn ông Tập thì đã có thể giữ ghế lãnh đạo Trung Quốc suốt đời – mà còn biết sử dụng và lạm dụng những khái niệm mơ hồ và khẩu hiệu rỗng tuếch.

Thế nhưng dù là "Thế Giới Nga" của ông Putin, hay "Giấc Mơ Trung Hoa" của ông Tập, thì mục đích vẫn giống nhau : Đó là làm sống lại huyền thoại đế chế và vẽ nên một câu chuyện vĩ đại có thể làm cho công dân của họ quên đi những nỗi khổ cực trong cuộc sống hàng ngày.

Việc sát nhập Crimea năm 2014 đã giúp Putin tô son trở lại uy tín của mình. Nhưng việc Giáo hội Chính thống giáo Ukraine độc lập được thành lập ngày 05/01 với phép lành của thượng phụ Constantinople, bất chấp phản đối của thượng phụ Moskva… đã cho thấy thất bại của Putin trong việc mở rộng "Thế Giới Nga". Từ nhiều năm qua, Putin đã liên minh với thượng phụ Moskva trong mục tiêu để Giáo hội Chính thống giáo Nga bao trùm toàn bộ đế chế Liên Xô cũ.

Ở Trung Quốc, việc bành trướng lãnh thổ cũng nằm trong chương trình, được thể hiện trong phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 02/01, hứa hẹn thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc, và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, điều đó chỉ làm cho căng thẳng với Đài Bắc thêm gay gắt.

Đối với Courrier International, bước vào một năm nhạy cảm (với cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, cùng với kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn và 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), hai điểm nóng đã bắt đầu nhấp nháy trên bản đồ thế giới.

Trang nhất các tuần báo

Le Point tiếp tục chú ý đến phong trào Áo Vàng tại Pháp, trong lúc L’Express thì quan tâm đến hồ sơ "Thuế thu tận gốc", một cải cách mới được áp dụng kể từ đầu năm nay.

Trái với hai đồng nghiệp vừa kể đã tập trung cho thời sự Pháp, L’Obs dành trang bìa cho một "chứng bệnh ung thư" đang lan rộng trên thế giới mang tên "Fake News – tức là tin thất thiệt", còn Courrier International thì đề cập đến hồ sơ gai góc là "Rác thải".

Riêng tuần báo Anh The Economist thì đã xoáy vào kỳ công chinh phục mặt trăng của Trung Quốc với hàng tít lớn trang bìa : "Trăng đỏ đang lên", bên trên một câu hỏi đầy lo ngại : "Phải chăng Trung Quốc sẽ thống trị khoa học ?".

Áo Vàng Pháp : Bao giờ thì dứt thù hằn ?

Thời sự nóng bỏng tại Pháp là phong trào Áo Vàng tiếp tục được báo chí theo dõi, với một hồ sơ lớn của tuần báo Le Point nêu bật thái độ bất bình trước tình trạng bạo động bùng lên mỗi thứ Bảy.

Trên trang nhất, trên nền một bức ảnh cho thấy một người biểu tình (nguyên là một cựu vô địch quyền anh) đang đấm vào mặt một cảnh sát dã chiến đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm khiên chắn, Le Point chạy tít đầy phẫn nộ "Áo Vàng : Bao giờ thì kết thúc đây !", kèm theo hai nhận định : "Nước Pháp bên miệng núi lửa" và "Cuộc Thảo luận toàn quốc : Bản hướng dẫn về những ý kiến sai lạc".

Đối với Le Point, nước Pháp quả là đang rơi vào tính trạng vô chính phủ. Và câu hỏi được đặt ra là các hành vi thể hiện sự thù hằn sẽ còn như thế nào nữa. Khi mô tả cảnh phá phách chiều 05/01 gần khu phố Saint-Germain ở Paris, nhà báo của Le Point rất ngán ngẩm :

"Chúng ta đang ở bên trong Paris, thế mà ta phải tự nhủ là bất kỳ cái gì cũng có thể xẩy ra, vì không khí hỗn loạn bao trùm. Nếu muốn đập tủ kính thì cứ đập và lấy đồ trong đó. Nếu muốn đốt xe thì cứ đốt và thản nhiên reo mừng về hành động của mình. Nếu muốn ném một khúc rào sắt chắn cây về phía cảnh sát thì cứ ném mà không bị bất kỳ trừng phạt nào…".

Những cáo buộc của Le Point nhắm vào những phần tử quá khích trong đoàn biểu tình Áo Vàng rất nhiều, và những hành vi bạo lực của những kẻ này thể hiện một ước muốn trả thù, chống lại một trật tự mà họ cho là bị áp đặt. Có điều là - bài viết lưu ý - :

"Trật tự mà những người biểu tình bạo động đó thách thức có đặc điểm là người cảnh sát đối diện với họ, chỉ có mức lương 2.200 euro mỗi tháng. Các phương tiện truyền thông mà những kẻ này đả phá, thì mang dáng dấp của một nhà báo viết thuê, đầu đội mũ bảo hộ chìa micro để phỏng vấn họ, và nhà báo này lương cao nhất cũng chỉ là 2.500 euro mỗi tháng. Còn giới tài chánh mà họ căm ghét, là nữ nhân viên của ngân hàng Société Générale chẳng hạn, với đồng lương vỏn vẹn 1.800 euro mỗi tháng, nhưng đã bị buộc phải nghỉ ở nhà vì nơi làm việc của cô đã người biểu tình đập phá.

Khi bị chất vấn về những điều trên, một người Áo Vàng đã bực tức trả lời : Chúng tôi rất tiếc cho họ. Tốt nhất là họ nên gia nhập hàng ngũ của chúng tôi".

Fake News – tin giả và những thuyết âm mưu

Cũng liên quan phần nào đến phong trào Áo Vàng, tuần báo L’Obs của Pháp trở lại với chủ đề tin thất thiệt trong một hồ sơ dài 14 trang. Trang bìa tờ báo chạy tít "Căn bệnh ung thư của Fake News", rồi đặt một câu hỏi : "Nó đã tấn công nền dân chủ như thế nào".

Tuần báo Pháp chua chát ghi nhận rằng cho đến nay, người ta có thể thấy đủ mọi thứ trên các mạng xã hội, cái tốt nhất cũng như cái tồi tệ nhất. Vấn đề là ngày nay, cái tồi tệ đang đe dọa cái tốt, cái giả đang qua mặt cái thật, lời nói dối lấn lướt thông tin thật đã được kiểm chứng.

Theo L’Obs, tin giả và những thuyết âm mưu đang "đầy rẫy trên các mạng xã hội" và tuần báo đã điều tra xem ai là người đã chế tạo các tin đồn thất thiệt, tìm hiểu các tin này lan truyền ra sao, và đề ra một số biện pháp ứng phó với tình trạng lũng đoạn thông tin có tổ chức này.

Lấy ví dụ về phong trào Áo Vàng và vụ khủng bố ở Strasbourg ngày 11 tháng 12 vừa qua, khiến nhiều người chết, với việc Daech gọi thủ phạm là chiến binh của họ, L’Obs đã nêu rõ một số luận điệu thất thiệt được loan truyền quanh sự kiện này.

"Trên Twitter, Marc cho rằng "Quả là khôn khéo để chặn phong trào Áo Vàng. Chơi hay đấy". Alfonso thì gọi sự kiện đó là "một âm mưu, một cuộc đảo chính" và chính quyền sẽ viện cớ để trấn áp biểu tình. Nhiều người khác thì nhìn thấy là có "bàn tay cơ quan tình báo". Maxime Nicole, biệt hiệu Fly Rider, một gương mặt cực đoan của phong trào Áo Vàng, cũng lên tiếng trên Facebook : "Phải hiểu là kẻ thực sự muốn khủng bố, thì sẽ không chỉ đợi có 3 người lảng vảng trên đường vào lúc 20 giờ để ra tay, mà sẽ đến giữa đại lộ Champs-Elysées khi có cả triệu người tại đó và kích nổ bom tự sát".

Một điểm đáng ngại được L’Obs nêu lên là sau những hình ảnh giả, Fake News, bây giờ đến lượt video thất thiệt, gọi là "deepfakes", tức là những video có vẻ rất thật, nhưng đã bị thao túng bằng những phần mềm tinh vi. Người ta có thể dàn dựng bất cứ chuyện gì, cho bất kỳ ai nói bất cứ cái gì. Để hạ nhục, bắt bí, thao túng đối phương, thì cái nguy hiểm nhất đang ở trước mặt chúng ta với những hậu quả chính trị dễ tưởng tượng ra.

Xưởng làm fake news ở Macedonia với 150 trang web thân Trump

L'Obs đã cử người đến làm phóng sự điều tra tại trong một "cơ xưởng làm fake news", ở thị trấn Vélès xứ Macedonia, nơi fakes news được sản xuất như theo dây chuyền công nghiệp. Phóng viên L’Obs ghi nhận : Bị tình nghi can dự vào cuộc bầu cử Mỹ, đất nước nhỏ bé này, do ảnh hưởng các nhóm thế lực thân Trump và thân Nga, đã trở thành vùng của những "sự thật được sản xuất hậu kỳ"

Vélès là một thị trấn rất nhỏ bé, chỉ có một dãy quán cà phê tập trung trên con lộ, hai bên là chung cư bằng bê tông. Dân cư tại đây rất ghét nhà báo đến soi mói thị trấn chỉ có 45.000 dân của họ. Thế nhưng Vélès có đến 150 trang web ủng hộ Donald Trump. Một người dân than rằng : "Các người đã giết chết con gà đẻ trứng vàng của chúng tôi". Dưới sức ép, Facebook đang truy lùng những trang đến từ Macedonia.

Thuế thu tận gốc : Lo ngại vô lý hay có cơ sở ?

Về một vấn đề được người Pháp rất quan tâm, L’Express tuần này đã dành nguyên một hồ sơ 12 trang cho biện pháp mới được áp dụng từ năm 2019 : "Thu thuế tận gốc" là tựa lớn ngay trang bìa tờ báo bên trên nhận định "Công cuộc cải cách căng thẳng".

Nhưng đây là một chủ đề đã được bàn thảo từ nhiều tháng qua, không có cái gì quá ‘sốt dẻo’. Tuần báo nhìn thấy là bối cảnh chính trị và xã hội rất căng thẳng, nhưng đến giờ mọi việc có vẻ êm xuôi, và truyền thông có vẻ bất an hơn là người Pháp, nếu tin vào các kết quả thăm dò dư luận.

Nhật Bản già đi nhanh chóng

L’Express nhìn sang Nhật Bản, trong một hồ sơ 20 trang, với ghi nhận đầu tiên : Nước Nhật già đi nhanh chóng.

Vào năm 2060, số người cao niên sẽ chiếm 40% dân chúng, theo các ước tính về dân số. Nhật sẽ chỉ còn 80 triệu dân so với 128 triệu hiện nay. Ít đi 40 triệu dân, một con số đáng ngạc nhiên. Ước tính này dựa trên tỷ lệ sinh đẻ rất thấp (1,44).

Tỷ lệ thất nghiệp 2,4% tại Nhật Bản đã xuống đến mức thấp nhất từ 25 năm nay. Nhưng số liệu này không phản ảnh sức khỏe tốt của kinh tế Nhật Bản, mà là sự thiếu nhân công lao động : cứ 140 việc làm thì chỉ tìm được 100 người xin việc.

Rác thải : Trung Quốc đóng cửa, Đông Nam Á lãnh hết

Tuần báo Pháp Courrier International đã dành hồ sơ lớn cho vấn đề xử lý rác thải đang được liệt vào diện một cuộc khủng hoảng thế giới. Ngay trang bìa, trên nền ảnh chụp rác thải chất thành núi, tờ báo chạy tựa lớn : "Rác : Một bài toán nhức đầu cấp thế giới", kèm theo một câu hỏi "Làm gì với rác do chúng ta thải ra khi mà Trung Quốc đã quyết định thôi không nhập nữa ?". Câu trả lời là một phóng sự điều tra dài của nhật báo Anh Financial Times được Courrier International trích dịch.

Theo đó, Trung Quốc không còn muốn làm thùng rác của thế giới nữa. Từ năm 2018, họ đã cấm nhập rác, và giờ đây thì Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận vật phế thải của các nước phát triển, trong điều kiện môi sinh và vệ sinh rất tồi tệ.

Số liệu của Ngân Hàng Thế Giới đưa ra cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới. Và từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980, thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp sinh thái cho số rác ngày càng lớn được thải ra, và đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá 175 tỷ euro trên toàn cầu…

Cho đến ngày 31/12/2017, Trung Quốc còn là "trung tâm" xử lý rác thải quốc tế. Nhưng vào năm 2018 thì tất cả đã thay đổi, Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý, với lý do là phần lớn vật liệu này "bẩn" hay nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.

Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi mà những người trong ngành nghĩ là sẽ không thể được áp dụng. Thực tế rất khác : Trung Quốc và Hồng Kông, vẫn còn mua đến 60% rác thải nhựa từ các nước khối G7 vào 6 tháng đầu năm 2017, thì một năm sau chỉ còn nhập có 10%.

Financial Times đã lần theo dấu vết rác plastic và giấy cũ mà nhóm G7 xuất khẩu, và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.

Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Kông. Từ giữa sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa nhập vào Việt Nam cũng đã tăng gấp đôi, và tăng vọt 56% ở Indonesia, nhưng ngoạn mục nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 542 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)