Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/01/2019

Trung Quốc : Mỹ hủy hợp đồng, Hoa Vi bị nghi ngờ gián điệp

Tổng hợp

Tân Cương : Hãng Mỹ hủy hợp đồng với nhà cung cấp Trung Quốc (RFI, 11/01/2019)

Một tập đoàn Mỹ trong ngành may mặc quần áo thể thao sẽ cắt đứt quan hệ với một nhà cung cấp Trung Quốc, do quan ngại về khả năng đối tác này sử dụng lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương, nơi chế độ Bắc Kinh giam giữ người Hồi Giáo, đại bộ phận là người Duy Ngô Nhĩ.

tq1

Một hãng may tại Tân Cương. Ảnh minh họa. Reuters/Ben Blanchard

Theo AFP, ngày 09/01/2019, tập đoàn Badger Sportswear ở Bắc Carolina cho biết sẽ ngưng mua quần áo từ công ty Trung Quốc Hòa Điền Thái Đạt (Hetian Taida), mà cơ sở sản xuất đặt ở Tân Cương. Hãng Mỹ giải thích : "Trong bối cảnh có nhiều lo ngại và trong mục tiêu loại bỏ mọi nghi kỵ về dây chuyền cung ứng hàng hóa (...) chúng tôi sẽ không nhận bất kỳ sản phẩm nào đến từ Hòa Điền Thái Đạt hay miền tây bắc Trung Quốc".

Vấn đề Tân Cương đang nổi cộm với việc quốc tế lên án các trại cải tạo cầm giữ đến cả triệu người Hồi Giáo trong những điều kiện tồi tệ. Theo gia đình các nạn nhân và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những người bị giam đã bị cưỡng bức lao động.

Bắc Kinh luôn phản bác những cáo buộc trên, khẳng định rằng đấy chỉ là những trung tâm "huấn nghệ", để giúp những người này từ bỏ thái độ cực đoan và hội nhập vào xã hội.

Nhật báo Mỹ The New York Times vào tháng 12/2018 cho biết tập đoàn Badger đã nhận một container T-shirt do Hòa Điền Thái Đạt sản xuất. Vấn đề là chính đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã xác nhận rằng công ty này đã sử dụng "những người lao động" trong các trại "cải huấn" dành cho tù nhân người Hồi Giáo.

Cho dù những nhà điều tra độc lập cũng như của chính tập đoàn Badger đều xác nhận rằng hãng Mỹ không vi phạm "nguyên tắc đạo đức trong sản xuất", nhưng hãng này vẫn hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc, vì "các thông tin mà Hòa Điền Thái Đạt cung cấp về cơ sở sản xuất quá mơ hồ".

Bắc Kinh dĩ nhiên đã có phản ứng gay gắt : Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã cảnh cáo rằng, "nếu ngưng hợp tác thương mại với đối tác Trung Quốc vì những lý do trên, thì tập đoàn Mỹ chỉ gây ra thảm kịch cho chính mình mà thôi". Ông Lục Khảng đồng thời tái khẳng định rằng các trại "huấn nghệ" ở Tân Cương không cưỡng bức lao động.

Mai Vân

******************

Doanh nhân Trung Quốc có quan hệ với Hoa Vi bị bắt ở Ba Lan (RFI tiếng Việt, 11/01/2019)

Theo truyền thông Ba Lan, một doanh nhân Trung Quốc có liên hệ với tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) ở Ba Lan vừa bị bắt, vì nghi ngờ làm gián điệp. Cùng bị bắt với doanh nhân Trung Quốc có một công dân Ba Lan.

tq2

Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo

Một số giới chức cao cấp Ba Lan hôm 11/01/2019 cho hay nhân vật này bị bắt hôm thứ Ba 08/01/2019. Một công dân Ba Lan cùng bị bắt với người được cho là có quan hệ với Hoa Vi. Cả hai bị tình nghi "làm gián điệp" cho Trung Quốc chống lại Warsawa.

Vẫn theo báo chí Ba Lan, công dân Piotr D. vừa bị bắt từng là một sĩ quan an ninh, chuyên gia trong lĩnh vực an toàn mạng. Người phát ngôn ngành phản gián của bộ Nội Vụ Ba Lan thì cho biết ông Piotr D. từng làm việc cho nhiều cơ quan nhà nước Ba Lan.

AFP đã liên lạc với tập đoàn Hoa Vi để hỏi có đúng người bị bắt là lãnh đạo một chi nhánh của tập đoàn hay không, nhưng không được xác nhận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi đến AFP một thông báo cho biết Bắc Kinh "rất quan ngại" về vụ việc này, đồng thời yêu cầu quốc gia sở tại xử lý một cách không thiên vị hồ sơ nói trên, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Vụ một nhân vật có liên hệ với Hoa Vi bị bắt tại Ba Lan tuần này xảy ra chưa đầy một tháng rưỡi sau vụ một lãnh đạo Hoa Vi, bà Mạng Vãn Chu (Meng Wanzhou) – con gái của người sáng lập Hoa Vi - bị bắt tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ. Vụ việc khiến quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Kể từ vụ Mạnh Vãn Chu, 13 công dân Canada bị bắt giữ, trong đó có 8 người được trả tự do.

Tập đoàn Hoa Vi, do một cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc sáng lập, bị chính quyền nhiều nước như Mỹ, Úc và Úc, nghi ngờ hoạt động gián điệp. Ba quốc gia nói trên cấm Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới internet tốc độ cao 5G. Ba Lan là một trong các quốc gia Châu Âu đang sẵn sàng để Hoa Vi tham gia vào mạng 5G ở nước mình.

Trọng Thành

******************

Ba Lan bắt một quan chức Huawei người TQ vì 'tình nghi gián điệp' (BBC, 11/01/2019)

An ninh Ba Lan bắt một quan chức đại diện tập đoàn Huawei ở nước này vì 'nghi vấn gián điệp', theo truyền thông Châu Âu sáng hôm 11/01/2019.

tq2

Truyền hình quốc gia Ba Lan chạy tin 'Gián điệp đã trong tay Cục An ninh Quốc gia'

Một cựu nhân viên của chính Cục An ninh Quốc gia (ABW) là người Ba Lan cũng bị bắt trong cùng vụ việc.

Tin này được Phó Giám đốc Cục An ninh ABW, Maciej Wasik xác nhận với báo chí.

Theo Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan (TVP), người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh, giám đốc một bộ phận của tập đoàn Huawei tại Ba Lan.

Người Ba Lan bị bắt là Piotr D. cựu nhân viên an ninh cao cấp và hiện đang làm việc trong ngành viễn thông.

Đài TVP đưa tin "Piotr D" rời ABW sau khi có cáo buộc tham nhũng, nhưng ông ta chưa bao giờ bị truy tố.

Bộ Nội vụ Ba Lan cho hay hai người này bị bắt hôm 8/1 và đã bị tòa ra lệnh tạm giam ba tháng chờ điều tra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng họ "hết sức lo ngại" về vụ bắt người này.

TVP đưa tin Cục An ninh Quốc gia khám văn phòng Huawei ở Ba Lan, cũng như văn phòng của Orange Polska nơi ông "Piotr D" được cho là đang làm việc.

Có tên là Stanislaw

Đài báo Ba Lan trong ngày 11/01 liên tiếp đăng bài về vụ 'bắt gián điệp'.

Theo các thông tin đã đăng tải đó, ông Vương Vệ Tinh dùng tên Ba Lan là Stanislaw.

Được biết ông học ngành ngôn ngữ Ba Lan ở Bắc Kinh và nói thạo tiếng này, và từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk cho đến 2011.

Còn ông Piotr D. từng làm trong Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan ở Warsaw.

Cả hai ông Stanislaw Vương Vệ Tinh và Piotr D. đều không nhận tội khi bị bắt.

Công tố viên Ba Lan nêu cáo buộc họ "cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc" và có hành vi "chống lại nước Cộng hòa Ba Lan".

Nếu bị kết án, họ có thể nhận 10 năm tù giam.

Trong một thông cáo, Huawei nói hãng "tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định ở các quốc gia mà hãng hoạt động, và chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên tuân thủ luật lệ và quy định ở những nước họ làm việc".

Hãng dịch vụ viễn thông Orange nói trong một thông cáo rằng an ninh Ba Lan đã thu thập thông tin có liên quan đến một nhân viên, nhưng hãng không rõ liệu cuộc điều tra có liên quan tới công việc chuyên môn của nhân viên đó hay không.

Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan, nói với BBC rằng nhà riêng của cả hai người đàn ông đều đã bị lục soát trong cuộc điều tra.

tq4

Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G cho nhiều nước

Năm ngoái, Orange Polska cộng tác với Huawei để triển khai mạng mobile 5G ở Ba Lan.

New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của họ.

Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng Huawei để do thám các quốc gia đối thủ.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc hãng này có liên hệ bí mật với chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái vì cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.

Tin mới nhận nói Cộng hòa Czech cũng vừa ra lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei và một số nhà bình luận tại Ba Lan viết trên báo chí nước này về nhu cầu "làm tương tự", sau vụ "bắt gián điệp" tuần này.

*******************

Những vấn đề Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp (BBC, 10/01/2019)

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc với những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên một thỏa thuận cụ thể giữa hai bên dường như là vẫn đang ngoài tầm với.

tq5

Những vấn đề phức tạp chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường

Có rất ít những chi tiết mấu chốt được rút ra từ cuộc đàm phán chỉ ra mức độ khó khăn mà Washington và Bắc Kinh sẽ phải phải đối mặt trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề phức tạp.

Những vấn đề chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cùng với đó là tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Nếu không có sự thay đổi căn bản về cấu trúc nền kinh tế từ phía Trung Quốc, cả hai sẽ khó tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề này.

1. Sở hữu trí tuệ

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.

Các công ty Mỹ thì cho rằng chính quyền Trung Quốc luôn thiên vị và đưa ra những quy tắc có lợi cho doanh nghiệp địa phương .

Phía Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.

"Không có điều luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải giao tài sản trí tuệ của mình cho các công ty Trung Quốc", Tiến sỹ Trương Huy Đào (Wang Huiyao), Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa, nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc.

"Nhưng chính phủ cũng cảm nhận được mối lo ngại từ phía Mỹ và có ý định sẽ trừng phạt những loại vi phạm này, nếu chúng thực sự xảy ra".

Để giải quyết mối lo ngại này, Bắc Kinh đã thành lập một tòa án về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo điều luật khiến giới chức Trung Quốc khó khăn hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho Trung Quốc.

Tuy nhiên các luật sư phía Mỹ chỉ ra rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc nằm dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản, và như thế các quyết định về pháp lý sẽ được đưa ra theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn, đặc biệt là khi có sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước.

tq6

Ông Trump luôn phàn nàn về các hoạt động giao dịch của Trung Quốc kể từ khi ông nắm quyền năm 2016

2. Tiếp cận thị trường

Thành công của nền kinh tế Trung Quốc có được dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, trung tâm và được thiết kế nhằm có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Điều này hoàn toàn trái ngược với cách vận hành của các công ty Mỹ.

Mỹ cho rằng Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước một cách không công bằng, cho họ những khoản vay lãi suất thấp và giúp đỡ những doanh nghiệp này cạnh tranh với các công ty nước ngoài một số ngành như hàng không vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ô tô điện - đưa họ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng ngay cả các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có được những lợi thế, bởi vì các công ty nước ngoài khi cố gắng cạnh tranh ở Trung Quốc không có được những mối quan hệ hay quy mô đủ mạnh trong một thị trường khép kín, nơi mà họ cần những đối tác địa phương để hoạt động.

Trung Quốc đã hứa sẽ mở cửa thêm nhiều lĩnh vực kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài, nhưng điều này là vô nghĩa trừ khi họ cho phép các công ty của mình hoạt động độc lập.

tq7

Một nữ công nhân Trung Quốc

3. Kế hoạch "Made in China 2025"

Lộ trình phát triển công nghiệp của Trung Quốc có lẽ là trở ngại lớn nhất cho hai bên.

"Made in China 2025" mang đến nhiều mối lo cho phía Mỹ và Mỹ coi kế họach này của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với vị thế của Mỹ trong những ngành như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và 5G.

"Những gì phía Mỹ muốn là thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc", Christopher Balding, cựu giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho hay.

"Họ muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia 'bình thường' theo định hướng thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc lại không muốn điều đó".

Cả hai quốc gia đều đang gặp nhiều khó khăn từ chiến tranh thương mại và dự báo về tăng trưởng toàn cầu của hai bên cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, cả hai đang cố gắng tìm ra một thỏa thuận mà họ "có thể hợp tác cùng", như Wilbur Ross đã nói.

Nhưng đừng nhầm lẫn - ngay cả khi họ đi đến một thỏa thuận, cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này vẫn còn đó.

Quay lại trang chủ
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)