Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2019

Quan chức treo bản đồ ‘lưỡi bò’ bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc ?

Nguyễn Tường Thụy

Những người có thẩm quyền nếu còn tinh thần dân tộc và có tinh thần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cần phải rà soát lại tất cả phòng làm việc của các quan chức từ trung ương trở xuống. Nếu phát hiện kẻ nào treo bản đồ đường "lưỡi bò" phải điều tra xem chúng có làm việc cho Trung Quốc không. Tùy thuộc vào kết quả điều tra mà xử lý hình sự, xử lý hành chính, cách chức. Không thể để chúng thách thức người yêu nước Việt Nam và bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc một cách ngang nhiên như thế được.

quan1

Phòng họp của Nguyễn Tấn Dũng treo bản đồ đường "lưỡi bò". Ảnh VGP, Vietnamnet

Đường "lưỡi bò" là vấn đề nhạy cảm đối với người Việt Nam. Vì vậy, mọi hiện diện của nó trên đất nước này đều bị phản đối mạnh mẽ.

Mới đây nhất, do áp lực của mạng xã hội, diễn viên Thanh Long phải hủy chuyến đi thăm VN theo lời mời của Operation Smile vì hắn đã ủng hộ đường "lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc. 

Song song với việc tỏ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng việc đưa ra bản đồ hình lưỡi bò, Trung Quốc luôn luôn tìm cách quảng bá đường "lưỡi bò" dưới mọi hình thức. Chúng in bản đồ "lưỡi bò" lên áo du khách, lên các sản phẩm, lên hộ chiếu hay dán lên chỗ nào có thể dán được. Thủ đoạn quen thuộc của quân xâm lược là biến không thành có, biến chủ quyền đương nhiên của Việt Nam thành vùng tranh chấp, từ điều vô lý, chúng nói đi nói lại hòng biến thành có lý.

"Lưỡi bò" ở "hạ tầng cơ sở"

Tôi tạm dùng cụm từ "hạ tầng cơ sở" và "thượng tầng kiến trúc" trong bài viết cho dễ biểu đạt, dù biết đó là những khái niệm triết học nên sử dụng có phần khiên cưỡng.

Trước việc Trung Quốc tìm đủ mọi cách để quảng bá đường "lưỡi bò" vào Việt Nam, nhà chức trách phải xử lý một số vụ việc được dư luận đồng tình như không chấp nhận hộ chiếu có in bản đồ lưỡi bò, xử lý những hoạt động quảng bá cho đường lưỡi bò, tịch thu những sản phẩm có hình "lưỡi bò". Xin nêu vài ví dụ (không mang tính thống kê) :

Ngày 3/11/2014, hai vợ chồng người Trung Quốc đem bản đồ hình lưỡi bò vào Việt Nam bị cảnh cáo và trục xuất về nước.

Công ty lữ hành ở Nha Trang bị xử phạt 42 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng vì đã để du khách Trung Quốc mặc áo in đường lưỡi bò nhập cảnh vào sân bay Cam Ranh đêm 13/5/2018.

Tại các cửa khẩu, hải quan không đóng dấu lên hộ chiếu in đường lưỡi bò, thay vào đó là cấp thị thực rời.

Tháng 10/2019, bộ phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ bị phát hiện có nội dung lồng ghép bản đồ đường "lưỡi bò". Bộ phim đã bị rút và dừng chiếu.

Đầu tháng 11/2019, vụ để lọt đường lưỡi bò trong giáo trình giảng dạy của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị phát hiện gây ra cơn bão mạng, buộc phải thu hồi tiêu hủy.

Theo Vietnamnet, ngày 8/11/2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã phát hiện thị trường miền Nam xuất hiện loại thiết bị biến đổi điện mặt trời, ứng dụng phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, có chứa hình ảnh bản đồ có đường "lưỡi bò" và yêu cầu không sử dụng những sản phẩm này.

Cũng ngày 8/11, Zing đưa tin Công ty trách nhiệm hữu hạn Ôtô Hoa Mai Hải Phòng nhập 12 xe, bị hải quan phát hiện 7 xe có đường "lưỡi bò" trên định vị. Cơ quan hải quan yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu tang vật. Trước đó, ngày 23/10, có 2 xe Volkswagen Touareg CR745J do Công ty trách nhiệm hữu hạn Ôtô Thế giới nhập về bị phát hiện có đường "lưỡi bò" trên định vị đang chờ xử lý.

Trước tình hình hình ảnh "đường lưỡi bò" cài cắm ngày càng tinh vi, tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra 100% điện thoại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Về phía nhân dân cũng có những phản ứng đối với việc quảng bá cho đường "lưỡi bò". Nhiều khách sạn không cho người Trung Quốc thuê vì hộ chiếu có in hình "lưỡi bò". Nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ từ chối phục vụ người Trung Quốc, bất chấp việc ảnh hưởng đến doanh thu của họ.

Những phản ứng ấy của người dân rất đáng hoan nghênh. Đó là những người Việt Nam có lòng tự tôn dân tộc, có tình yêu và trách nhiệm đối với Tổ Quốc. 

Còn "thượng tầng kiến trúc" thì sao ?

Thế nhưng, khi thái độ và phản ứng ở ngoài xã hội như thế thì cờ 6 sao lại được dùng để đón khách Trung Quốc, bản đồ đường "lưỡi bò" lại xuất hiện trên 1 số chương trình truyền hình hay ngạo nghễ ngự trong phòng làm việc của lãnh đạo. 

Tháng 12/2011, khi đón tướng cướp Tập Cận Bình, phía Việt Nam dùng cờ 6 sao. Dư luận phản ứng cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, những người chủ trương việc này nhanh nhảu đổ cho "lỗi kỹ thuật".

"Lỗi kỹ thuật" không chỉ dừng ở đó. Ngày 13/9/2019, kênh VTV1 xuất hiện hình ảnh đường lưỡi bò trong bản tin dự báo thời tiết. VTV cũng từng dùng cờ 6 sao trong chương trình thời sự, sử dụng hình ảnh quân đội Trung Quốc để minh họa cho hình ảnh của quân đội Việt Nam. Đài này còn tận dụng nhiều cơ hội để quảng bá, tuyên truyền cho tham vọng của Trung Quốc mà trong phạm vi một bài viết không thể kể ra hết. Có một điều lạ là đài này chưa bị xử lý bao giờ về những lỗi ấy.

Hẳn nhiều người còn nhớ hồi Tháng 3/2014, trong tin "Thủ tướng lệnh sớm dập tắt dịch sởi", nhiều trang báo đã đăng hình ảnh phòng họp của Nguyễn Tấn Dũng treo 2 tấm bản đồ cỡ lớn có in hình "lưỡi bò". Nhiều người sửng sốt khi nhìn thấy hình ảnh này và không thể không đặt ra câu hỏi : Nguyễn Tấn Dũng làm việc cho ai ? Một số trang báo mạng khi ấy đã bày tỏ phẫn nộ về sự việc này nhưng cũng chỉ là viên đá ném xuống ao bèo. 

Chuyện treo bản đồ "lưỡi bò" trong phòng làm việc không chỉ có thế. Hôm 8/11 vừa rồi, facebooker Phạm Minh Vũ cho biết, anh có bạn đang làm trong Đài truyền hình Hưng Yên kể, có lần được vào văn phòng bí thư tỉnh ngồi dùng trà. Trong phòng, nổi bật nhất là tấm bản đồ lớn có đường "lưỡi bò". Khi hỏi thì bí thư tỉnh Hưng Yên khoe "mới đi Trung Quốc tháng trước, được bí thư Côn Minh tặng".

Cũng người bạn này kể, tại phòng Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nam Định cũng có tấm bản đồ có đường "lưỡi bò" và cũng do đi TQ công tác được tặng.

Về mấy sự việc này, facebboker Phạm Minh Vũ cho rằng "treo bản đồ có đường lưỡi bò là điểm cộng, để đánh giá, xét duyệt hạnh kiểm đạo đức của quan chức, như là phép thử để cân nhắc có cho lên chức cao hơn hay không".

Như vậy có thể thấy, "hạ tầng cơ sở" rà soát, bắt giữ tiêu hủy các sản phẩm có đường lưỡi bò rất ráo riết còn "thượng tầng kiến trúc" thì nó lại xuất hiện rất ngang nhiên. Đây là một câu hỏi buộc người dân phải nghi ngờ về tâm địa của những người lãnh đạo đối với chủ quyền và vận mệnh của Tổ Quốc. Phải chăng, họ đã thừa nhận đường lưỡi bò do Trung Quốc đưa ra ? Thật tội nghiệp cho người dân và những công chức cấp thấp, trong khi họ bằng mọi nỗ lực ngăn chặn đường "lưỡi bò" thì lãnh đạo cấp trên lại quảng bá cho nó một cách ngang nhiên như vậy.

Một điều thấy rõ là bản đồ "lưỡi bò" treo ở phòng làm việc của bí thư tỉnh, của giám đốc Sở hay của thủ tướng không phải chỉ mình ông ta biết. Dân gần như không được ra vào nơi đây, và nếu được thì run quá rồi, tâm trí nào mà tọc mạch xem bản đồ có đường "lưỡi bò" không và nếu thấy cũng không dám nói. Còn thuộc cấp và cấp trên thì thường xuyên đến làm việc, tất nhiên ai cũng biết và ai cũng ngậm miệng. Phải chăng, đây là một sự thừa nhận ngầm trong giới lãnh đạo và quan chức với nhau.

Những người có thẩm quyền nếu còn tinh thần dân tộc và có tinh thần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cần phải rà soát lại tất cả phòng làm việc của các quan chức từ trung ương trở xuống. Nếu phát hiện kẻ nào treo bản đồ đường "lưỡi bò" phải điều tra xem chúng có làm việc cho Trung Quốc không. Tùy thuộc vào kết quả điều tra mà xử lý hình sự, xử lý hành chính, cách chức. Không thể để chúng thách thức người yêu nước Việt Nam và bày tỏ lòng trung thành với Trung Quốc một cách ngang nhiên như thế được.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : VNTB, 11/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tường Thụy
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)