Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2019

"Thùng nhân", nỗi khổ đau không dừng ở 39 nạn nhân

Nguyễn Ngọc Già - Cao Phong

Để tránh tái diễn 39 "thùng nhân"

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 11/11/2019

Cuối cùng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam buộc phải công bố danh tính của 39 người Việt Nam chết trong container tại Anh Quốc.

container1

"Thùng nhân", nỗi khổ đau không dừng ở 39 nạn nhân

Đi cùng với thảm họa về Nhân Quyền này, báo giới quốc doanh cho biết nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bác bỏ thông tin gia đình các nạn nhân phải đóng tiền để đưa xác người thân về nhà. Tuy nhiên, Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận [1] : "Sau khi chính quyền vận động, cả 8 gia đình nạn nhân trên địa bàn huyện đã ký vào giấy đồng ý hỏa táng".

Từ Bộ luật Hình sự

Với cái gọi là "vận động" theo cách o ép, người dân vì lo sợ bị nhũng nhiễu cho những việc về sau, nên đành phải bấm bụng thực hiện việc mình không muốn. Đơn cử, việc "vận động" thu các loại tiền "trên trời dưới đất" như báo Thanh Niên đưa tin [2] đủ thấy nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ưa chuộng uyển ngữ để đạt được mục đích.

Vì vậy, trong vụ 39 "thùng nhân", với tư cách công bộc của dân, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không được "vận động" gì hết. Làm sao có thể tin không có những luận điệu "vừa đấm, vừa xoa" để cốt sao cho người thân nạn nhân - trong lúc đau khổ tột cùng - sẵn sàng làm theo sự "vận động" mà thâm tâm họ không hề mong muốn (?).

Cần phải làm rõ những kẻ nào đã tự tiện đến gia đình các nạn nhân "vận động" và mục đích "vận động" để làm gì, bởi trách nhiệm của nhà nước là phục vụ dân theo đúng quy định pháp luật.

Hành vi "vận động" gia đình các nạn nhân đồng ý hỏa táng người thân đã phạm vào Bộ Luật Hình Sự 2015 tại điều 319 "Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" đã quy định "Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ HOẶC CÓ HÀNH VI KHÁC xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".Việc "vận động" hỏa táng từ Bùi Huy Cường - Phó Chủ tịch huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh cho hay đã đủ cấu thành vào loại "HÀNH VI KHÁC" theo quy định.

Từ nếp sống "ơn đảng ơn chính phủ"

Trên đài BBC, có một ý kiến của độc giả Lê Minh Hoàng đáng chú ý [3] : "Ở Việt Nam điển hình miền Bắc, khi 1 người trong Làng làm cái gì thành công thì cả làng kéo tới hỏi thăm và nhờ người đã từng đi chỉ bảo.... cả làng làm y như vậy".

Ý kiến trên phản ánh nếp sống của người dân quê hàng chục năm qua.

Nếp sống "người ta làm sao mình làm vậy, người ta làm bậy mình nhắm mắt làm theo" như trên, do nhiều nguyên nhân :

- Do cuộc sống cơ cực và tăm tối, nên làm cho hầu hết người dân quê có cái nhìn "không qua lũy tre làng".

- Vì không được dạy dỗ, không được tiếp cận với nếp sống văn minh cũng như tinh thần "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" - một khẩu hiệu do chính người cộng sản Việt Nam đẻ ra nhưng vô giá trị trong thực tế, bởi nó chỉ dùng để mị dân.

- Do quá trình "ơn đảng ơn chính phủ" bị "mà mắt" qua những con người trong làng trở về "xêng xang áo gấm" với tiền đầy túi mà tất thảy những con người thành công đó đều được đưa đi bằng những công ty "xuất khẩu lao động" do nhà nước thành lập - nó như một thứ "bảo chứng niềm tin" cho 39 con người kia lao vào như con thiêu thân - điều khó tránh khỏi.

Từ lịch sử & giáo dục

Thảm nạn "thuyền nhân" sau 1975, với hàng triệu người bỏ xứ ra đi, trong đó hàng trăm ngàn người bỏ mạng theo nhiều cách khác nhau, cho đến nay vẫn là một chương lịch sử khuất tất.

Sự giấu diếm giai đoạn lịch sử bi thương này, mục đích của người cộng sản Việt Nam không nằm ngoài việc che đậy tội ác và lòng tham.

Thử hỏi, nếu 39 con người còn rất trẻ kia cùng cha mẹ họ được dạy về thảm kịch năm xưa thật rõ ràng, liệu cả hơn trăm con người đó có buộc phải cân nhắc kỹ càng - những tai họa khôn lường sẵn sàng phủ chụp vào lúc bất ngờ nhất - trước khi cho phép con mình và bản thân mình liều mạng ra đi bất chấp thân thể không ?

Cần phải đưa lịch sử này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, từ cấp hai trở lên. Thêm vào đó, câu chuyện bi thảm của 39 con người rất trẻ đó phải được đưa thành chủ đề cho môn Ngữ Văn trong các kỳ thi cuối cấp 2 và cấp 3.

Từ xã hội dân sự

Cho đến nay, hai luật : Luật Về Hội và Luật Biểu Tình vẫn là món nợ khó đòi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với người dân Việt Nam.

Hình thái "xã hội dân sự" lấy vai trò người dân làm nòng cốt để lập ra những tổ chức nhằm bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi mà bộ máy công quyền có bổn phận đáp ứng và giải quyết.

Xã hội dân sự được biểu hiện qua các hội, đoàn do người dân tự nguyện và tự giác lập ra.

Nếu các Hội được thành lập tự do, độc lập và minh bạch, tất nhiên các thân nhân của 39 xác chết kia, ngay từ đầu có thể lập một hội để chia sẻ, thông báo và hỗ trợ lẫn nhau, ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm cho thân nhân mình mà không cần phải "ơn đảng ơn chính phủ" hay chờ nhà nước "vận động" gì cả.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, giới cầm quyền luôn lồng ghép "xã hội dân sự" với "lật đổ chính quyền", "thế lực thù địch", dù ngay cả người dân nghèo không hề manh nha chống đối gì "đảng và nhà nước" cả !

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam suy diễn sự nguy hiểm của xã hội dân sự như trên, bởi họ cố tình không đề cập đến việc rất quan trọng : Xã hội dân sự không nắm : Tài chính quốc gia + Công an + Quân đội. Do đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sợ hãi và vu vạ cho xã hội dân sự chỉ là lo sợ viển vông, vô căn cứ.

Do đó, phải nói xã hội dân sự hoàn toàn vô hại đối với bất kỳ nhà nước nào, không riêng nhà nước độc đảng toàn trị. Thậm chí, xã hội dân sự rất có lợi cho nhà nước, bởi không một nhà nước nào đủ "ba đầu sáu tay" để quán xuyến tốt đẹp tất cả mọi sinh hoạt diễn ra trong xã hội.

Kết luận

Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng chính phủ tuyên bố [4] : "Không được để tái diễn thảm kịch 39 người chết", đó không thể là tuyên bố suông mà cần yêu cầu các bộ ngành : Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội nhanh chóng thực hiện 4 nội dung nói trên.

Song song đó, cần phải công bố rõ ràng danh tính và khởi tố vụ án "9 người trốn tại Hàn Quốc" qua chuyến đi của Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội. Không thể phủi trách nhiệm với tuyên bố [5] "Tốt nhất là từ sau không cho đi nhờ nữa" từ Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 11/11/2019 (nguyenngocgia's blog)

[1] http://kenh14.vn/vu-39-nguoi-tu-vong-o-anh-khong-co-viec-cac-gia-dinh-ph...

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/choang-voi-quy-khu-pho-610602.html

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/live/vietnam-50221355

[4] https://tuoitre.vn/thu-tuong-khong-duoc-de-tai-dien-tham-kich-39-nguoi-c...

[5] https://tuoitre.vn/vu-9-nguoi-bo-tron-lai-han-quoc-tot-nhat-la-tu-sau-kh...

**********************

Cuộc đi trên dây ngoạn mục của báo chí Việt Nam trong vụ 39 nạn nhân chết ở Essex

Cao Phong, RFA, 09/11/2019

Tối 09/11, sau khi Cảnh sát Essex (Anh) và Bộ Công an Việt Nam đồng thời phát đi thông báo tên tuổi, quê quán của 39 nạn nhân người Việt thiệt mạng trong chiếc xe đông lạnh tại Essex. Những ai theo dõi báo chí Việt Nam tối 08/11 sẽ quan sát thấy một cảnh tượng đầy thú vị. Tôi chắc nếu ai ghi nhận lại cặn kẽ thì nó có thể trở thành một ca tham khảo vô cùng lý thú trong lịch sử báo chí Việt Nam sau này.

container2

Hình minh họa. Bà Trần Thị Huệ (giữa) bà của nạn nhân Lê Văn Hà (30 tuổi), một trong 39 người bỏ mạng trên xe container vào Anh. AFP

Tôi phải nói lại một chút lý do vì sao vụ việc này được quan tâm.

Vụ việc chấn động thế giới không chỉ vì cái chết bi thảm của 39 con người, mà còn do nó một lần nữa tiết lộ những đường dây buôn người xuyên quốc tế và tình trạng nô lệ hiện đại. Một lần nữa, nó nhắc cho những con người đang vui vẻ trên thế giới rằng rất nhiều đồng loại của họ vẫn đang dấn thân trong các nẻo đường di cư bất hợp pháp đầy hiểm nguy, mà với không ít người đó là tìm sự sống.

39 mạng người, trong đó có những thanh niên 17, 18, 19 tuổi, có những người cha, người mẹ để lại 2, 3, 4 đứa con thơ và món nợ khổng lồ với gia đình. Có cả 2 trẻ vị thành niên mới 15 tuổi. Tại sao họ phải đi ? Tại sao hầu hết họ đều xuất thân từ ba tỉnh nghèo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ?

Nhưng, "các cơ quan chức năng" (được hiểu là Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin truyền thông) đã ra nhiều lệnh cấm báo chí tìm hiểu hoàn cảnh sống và đưa danh tính những người thiệt mạng, mặc dù chính tên tuổi và hoàn cảnh gia đình của các nạn nhân mới chính là các thông tin được quan tâm (Lý do là từ đó mới có thể hiểu được động cơ và mục đích nào thúc bách họ chọn con đường bất hợp pháp và đầy nguy hiểm đó). Không còn là câu chuyện riêng tư của từng gia đình, nó đã là vấn đề xã hội.

Và đây là cuộc leo dây của các báo Việt Nam :

Tuổi Trẻ, tờ báo vốn có uy tín về các vấn đề thời sự rất nhạy bén làm một tấm ảnh tưởng niệm, thu hút người đọc ngay lập tức. Nhưng dưới đó chỉ lặp lại của thông tin từ trang web Bộ Công an, cho biết danh tính của tất cả nạn nhân đã được xác định, liệt kê tuổi tác lớn nhỏ, quê quán của họ, nhưng không có dòng nào ghi rõ tên tuổi. Đây là cú hẫng bất ngờ cho độc giả của báo Tuổi Trẻ, vì trong suốt vụ việc, tờ báo này đã thông tin rất đầy đủ.

Báo điện tử Zing tuân lệnh, giống Tuổi Trẻ.

Báo Thanh Niên rất khéo léo và thông minh, cài trong dòng tin trung tính các cụm từ khóa khác màu, trỏ đến trang web của Cảnh sát Essex và Bộ Công an Việt Nam, để người đọc ngay lập tức biết rõ toàn bộ thông tin họ muốn biết. Mà Thanh Niên vẫn không vi phạm lệnh cấm gì cả, vì họ có trực tiếp đưa tên tuổi quê quán nạn nhân lên đâu !

Nhóm gan lì, gồm Thông tấn xã Việt Nam, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, VnExpress, Vietnamnet, Lao Động, Công an nhân dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam… bất chấp lệnh cấm, đưa rõ toàn bộ danh sách nạn nhân.

Ngạc nhiên và đáng khen là báo Hà Tĩnh. Không chỉ bất chấp lệnh cấm mà họ còn chọn lọc ra 10 nạn nhân quê quán ở Hà Tĩnh để đăng trước trong danh sách. Kèm theo đó là nhữngthông tin về chia buồn, hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng. Tôi nói ngạc nhiên vì là một tờ báo Đảng ở tỉnh nhỏ, ngoài phạm vi Hà Tĩnh ra thì không có tiếng nói nào trên làng báo Việt Nam, thế nhưng với ứng xử kể trên họ đã cho thấy khả năng tác nghiệp phục vụngười đọc hơn hẳn sự nửa vời của Tuổi Trẻ.

Báo Nghệ An, nơi có đông nạn nhân nhất trong vụ Essex, cũng là nơi trực tiếp hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn kiều hối các di dân lậu và không lậu gửi về (đến nỗi xã này được chính báo Nghệ An mệnh danh là "làng tỷ phú" với tinh thần hân hoan khen ngợi từ nhiều năm trước) cũng đưa toàn bộ danh tính nạn nhân.

Sự việc diễn ra ngay tại địa bàn cho nên lẽ ra các tờ báo này phải là hàng đầu trong việc thông tin đầy đủ, tuy nhiên do cái mũ báo Đảng bộ địa phương quá lớn nên họ đã phải nhường sân cho các tờ báo ít chính thống bằng.

Đặc biệt, báo Nhân Dân chỉ có vỏn vẹn khoảng chục tin bài và không có bất cứ dòng nào làm rõ hoàn cảnh, nhân thân, động cơ nào đã đẩy các nạn nhân chọn con đường hiểm nguy như vậy. Ngoài các bài viết thông tấn (nhưng cũng tích cực) như nêu lại động thái của các lãnh đạo Nhà nước chia buồn, hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước, tờ Nhân Dân có bài báo rất độc đáo mang tên "Đừng có lúc nào cũng đổ tội cho nhà nước", nội dung nói nước nào thì cũng có người di dân cả, sống ở Việt Nam cũng rất tốt nhưng những người đi chỉ là do đồng bảng Anh thu hút thôi.

Ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh…, những đêm nay mấy chục gia đình không ngủ. Một hai ngày nữa, thi thể các nạn nhân được đưa về, một đỉnh điểm đau đớn sẽ lại trào lên.

Nhưng an táng xong, tất cả mọi người phải quay về với thực tế bi thảm hơn trước mắt : Người đã mất, nợ thì còn. Họ sẽ làm gì để sống tiếp và trả nợ ? Địa phương nơi họ sinh sống cần làm gì để ngăn chặn nạn vượt biên tự nguyện này ?

Cách đây vài ngày, tôi vừa xem một tài khoản facebook chụp hai tấm ảnh một thanh niên và một vị thành niên, nói rằng em trai "đã đến an toàn". Điểm đến là một nước châu Âu. Ở dưới, rất nhiều bình luận chúc mừng, cả thương cảm (vì cuộc sống mưu sinh các con phải đi xa) và dặn dò giữ sức khỏe. Qua cách dùng từ và tò mò lần theo vài tài khoản, tôi nhận ra họsống ở Nghệ An.

Không thể kết luận chàng trai kia đi sang châu Âu bằng con đường nào, nhưng cũng không khó để tạm kết luận rằng các cuộc di dân sang Anh trên xe tải và container vẫn sẽ tiếp diễn, chừng nào người dân vẫn còn thấy sức thu hút của đồng bảng Anh quá chênh lệch với tiếng gọi của quê hương họ, đến nỗi bất chấp sinh mạng.

Nhưng với động thái đáng khâm phục như đã kể trên của Ban Tuyên giáo, cái chết của 39 nạn nhân đã không mang lại sức cảnh báo mạnh mẽ như nó phải thế.

Thông tin đưa lên vào buổi tối cuối tuần (thứ Sáu), người đọc báo giảm đi rất nhiều so với ngày trong tuần, nên chỉ đến trưa thứ Bảy (9/11) thì hầu như mọi tin tức về tấn thảm kịch này trên các mặt báo Việt Nam đã rút hết vào trong, gần như chưa từng xuất hiện.

Qua một ngày chủ nhật nữa, và đến đầu tuần, toàn bộ câu chuyện này sẽ êm đềm đi vào quên lãng, như chưa bao giờ từng khuấy động xã hội dữ dội.

Thương thay 39 con người thiệt mạng và hàng trăm người thân của họ. Thương cho chúng ta.

Cao Phong

Nguồn : RFA, 09/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Ngọc Già, Cao Phong
Read 453 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)