Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2019

Phiên xử Luật sư Trần Vũ Hải : Tòa án hành xử như một băng đảng giang hồ

Thảo Vy - Ben Ngô

Luật sư bị xốc nách lôi ra khỏi tòa khi bào chữa Luật sư Trần Vũ Hải

Thảo Vy, VNTB, 15/11/2019

Trung tuần tháng 11/2019, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024". Mục tiêu của dự án là, "hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa".

luatsu2

Luật sư Nguyễn Duy Bình bị lôi ra khỏi tòa - Ảnh minh họa 

"Báo chí cách mạng Việt Nam" là cụm từ cho thấy bất chấp chuyện Việt Nam đã tham gia các ký kết FTA, đến nay quyền tự do báo chí ở Việt Nam vẫn chỉ trong phạm vi của ‘cách mạng’ ; tức báo chí chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng, có nhiệm vụ "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng", được ghi ở điều 4, Luật Báo chí.

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra với ‘báo chí cách mạng’, là phải chăng ‘cách mạng đang tự diễn biến’ ?

Nếu không ‘tự diễn biến’, thì vì sao ‘báo chí cách mạng’ lại đưa tin sơ sài vụ án ‘trốn thuế’ liên quan tới luật sư Trần Vũ Hải tại thành phố Nha Trang, trong khi đó lại có đầy đủ hình ảnh, tình tiết về phiên tòa, cũng như bên lề vụ xét xử của gã giang hồ Ngô Bá Khá (26 tuổi, còn gọi Khá Bảnh) ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ?

Vì sao ‘báo chí cách mạng’ không ‘đeo bám’ vụ em học sinh tuổi khăn quàng đỏ tử vong đầy khó hiểu ở trường Gateway Hà Nội, trong khi đó lại liên tục cập nhật tin tức của giới showbiz như vụ lễ cưới của Ông Cao Thắng – Đông Nhi, hay ly hôn giữa Ngọc Lan – Thanh Bình ?

Có đúng là ‘báo chí cách mạng’ đã thờ ơ chuyện công an – một lực lượng mệnh danh là thanh gươm và lá chắn cho chế độ, khi họ xuống đường biểu tình ? Phải chăng ‘báo chí cách mạng’ đã quên mất Đảng luôn nhân danh vì quyền lợi của người lao động, song trớ trêu thay giờ đây báo chí vẫn im lặng đầy khó hiểu trước việc những thân nhân trong vụ 39 người Việt tử nạn ở Anh, đang ngóng trông từng giờ về tin tức bao giờ họ được nhìn mặt người thân vắn số tại quê nhà lần cuối ?

Câu trả lời chung nhất ở đây là ban biên tập các tòa soạn ‘báo chí cách mạng’ chỉ được phép đăng những gì nằm trong định hướng hàng tuần của cơ quan tuyên giáo.

Những phóng viên tại các tờ báo vẫn nhận được lệnh ‘đeo bám’, nhưng tin tức gửi về chủ yếu chỉ nằm trong các báo cáo tuần, nhật ký ngày của phóng viên.

"Biết hết, nhưng chưa thể đăng được" là tâm trạng chung của giới biên tập viên.

"Điều 4 của Luật Báo chí yêu cầu chúng tôi phải ‘tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng’. Thế nhưng khi chúng tôi tổ chức cho phóng viên làm rõ các tố cáo của người dân trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm hồi hơn chục năm trước đây, chúng tôi đã bầm dập, lên bờ xuống ruộng từ đủ cơ quan quản lý nhà nước.

Đỉnh điểm là tờ báo của chúng tôi đã buộc phải câm miệng bằng một quyết định hành chính là tuy vẫn giữ tên tờ báo, nhưng việc sản xuất tờ báo thì thuộc quyền của một tòa soạn khác.

Rõ ràng là chúng tôi đã cố hết sức lôi cổ ra ánh sáng những quan chức đã lợi dụng đường lối, chủ trương của Đảng để lập thành phe nhóm tham nhũng, thế nhưng chúng tôi đã bị dập ngay từ đầu. Đến tận hôm nay, ở vụ Thủ Thiêm, cho thấy các quan chức chóp bu tham nhũng vẫn ung dung rao giảng đạo đức cách mạng qua việc gương mặt của họ xuất hiện tại nhiều sự kiện lễ hội chính trị.

Vụ vườn rau Lộc Hưng với các sai phạm về pháp luật rất rõ ràng từ nhóm quan chức, thế nhưng đồng nghiệp của chúng tôi vẫn không được quyền thực hiện tuyến bài ấy để bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng".

Một nhà báo từng nằm trong ban biên tập của một tờ báo khá tên tuổi ở Sài Gòn, chia sẻ như trên. Theo ông, ngay cả cách hiểu ‘báo chí cách mạng’ cũng đang được hiểu là cách mạng của phe nhóm quyền lực chính trị, chứ đừng nói chi tới quyền tự do báo chí theo cách hiểu đại chúng.

Tạm kết bài viết này bằng một bản tin ảnh đầy thời sự được phóng viên N.Đ.T gửi về từ phiên tòa ở Nha Trang sáng 14/11/2019, đã được biên tập viên 'rất tâm tư nhưng chưa dám tự diễn biến' :

luatsu3

Luật sư bị xốc nách lôi ra khỏi tòa khi bào chữa Luật sư Trần Vũ Hải

Thông báo khẩn về việc tôi bị đuổi ra khỏi tòa trong vụ trốn thuế. Sáng nay khi tôi đang hỏi bị cáo Phương về việc nhờ 05 luật sư, trong đó có luật sư Võ Văn Dũng tham gia bào chữa cho bà và bà có đề nghị Hội đồng xét xử cấp thông báo cho các luật sư hay không thì ngay lập tức bị chủ tọa mời ra khỏi phòng xử án và khi tôi chẩn bị ra liền bị cảnh sát thành phố Nhà Trang ập đến xốc nách lôi ra khỏi tòa và sau đó kẹp tay, kẹp cổ đưa về phường Phước Tân làm việc.

Hiện tôi đã về khách sạn sau khi có hỗ trợ kịp thời của các luật sư đồng nghiệp. Ảnh chụp báo cáo toàn bộ diễn biến vụ việc".

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 15/11/2019

****************

Tòa ‘câu giờ’, một luật sư bị ‘kẹp cổ, xốc nách' khỏi tòa

Ben Ngô, RFA, 14/11/2019

Hôm 14/11, ngày thứ hai của phiên xử sơ thẩm Luật sư Trần Vũ Hải với cáo buộc "Trốn thuế" tại tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, diễn ra khá gay cấn khi Luật sư Nguyễn Duy Bình, một trong 42 người bào chữa cho ông Hải, "bị kẹp cổ, xốc nách khỏi tòa" trong lúc một luật sư khác nêu nghi vấn tòa án "đang cố ý kéo dài thời gian xét xử".

luatsu1

Luật sư Nguyễn Duy Bình bị công an dẫn giải khỏi phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải ở thành phố Nha Trang hôm 14/11/2019 - Courtesy of Luật sư Nguyễn Duy Bình

Vài phút trước khi phiên xử ngày thứ hai bắt đầu, Luật sư Trần Vũ Hải phát đi thông cáo báo chí ghi :

"Chúng tôi hy vọng ngày xét xử thứ hai của phiên tòa này sẽ tạo điều kiện cho các nhà báo và người thực sự quan tâm trực tiếp theo dõi phiên tòa, không nên tái diễn việc chọn lọc người ngồi "khán phòng". Các thành viên Hội đồng xét xử được độc lập xét xử, mà không bị "chỉ đạo".

Chúng tôi tin rằng một nhà nước pháp quyền Việt Nam là phải bảo đảm cho một phiên tòa công khai, dân chủ, tranh tụng thực sự và không bao giờ chấp nhận một phiên tòa được đạo diễn và bi hài hơn cả một vở kịch".

Hôm 14/11, trả lời Đài Châu Á Tự Do sau sự cố, Luật sư Nguyễn Duy Bình nói :

"Thân chủ của tôi là bị cáo Phương [bà Ngô Tuyết Phương, vợ ông Trần Vũ Hải] và bị cáo Hải. Bởi vì thân chủ của tôi có 5 luật sư đã nộp thủ tục bào chữa bổ sung hơn 24 giờ rồi mà Hội đồng xét xử không chấp nhận, không ra thông báo cho các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Tôi đề nghị thì Hội đồng xét xử không cho nói".

"Thế thì tôi quay sang thực hiện quyền hỏi của tôi với bị cáo Phương : "Bị cáo đã ký đơn nhờ 5 luật sư bào chữa bổ sung chưa ?" Bị cáo Phương trả lời đã ký, luật sư nộp rồi, nhưng Hội đồng xét xử vẫn không chấp nhận đơn này của 5 luật sư".

Tôi hỏi câu thứ hai : "Hiện tại, bị cáo Phương có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thủ tục để cấp thông báo bào chữa cho 5 luật sư không ?". Bị cáo Phương trả lời có. Lập tức vị chủ tọa Lê Thị Hạng tuyên bố mời tôi ra khỏi phiên tòa. Tôi nói rằng tôi chấp nhận nhưng cho tôi khiếu nại một, hai câu. Vì hành vi của chủ tọa có dấu hiệu trái pháp luật, tước quyền của tôi và không đảm bảo quyền lợi có luật sư của bị can, bị cáo".

"Vừa nói được câu thứ nhất thì mấy vị cảnh sát tư pháp ập vào lôi cổ ra, bẻ quặt tay ra đằng sau, rồi xốc nách kéo thẳng xuống sân tòa, áp giải tôi ra cổng".

"Tôi mới nói với mấy vị cảnh sát tư pháp rằng chủ tọa phiên tòa chỉ mời tôi ra khỏi phòng xử, phải để tôi trong sân tòa để làm đơn khiếu nại đến chánh án, nhưng cảnh sát tư pháp không cho. Ngay lập tức sau đó, cảnh sát tư pháp tiếp tục kẹp cổ, xốc nách tôi áp giải lên xe đưa về phường Phước Tân".

Luật sư Nguyễn Duy Bình cũng cho hay hiện tại sau khi trở về khách sạn, ông đã viết báo cáo gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam và Liên đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh để các nơi này "có văn bản kiến nghị với Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Tòa án nhân dân tối cao xử lý việc vi phạm tố tụng nghiêm trọng của Thẩm phán Lê Thị Hạng, tước quyền bào chữa của một luật sư trái pháp luật, tước quyền có luật sư của bị can". Ngoài ra, ông Bình còn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo xử lý tập thể cảnh sát tư pháp "lạm quyền, dùng vũ lực không cần thiết và có hành vi bắt giữ người trái pháp luật".

Việc phiên tòa xử cáo buộc "Trốn thuế" đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải kéo dài đến 5 ngày gây tranh cãi trong giới luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương bị cáo buộc trốn thuế trong một vụ giao dịch mua bán đất ở thành phố Nha Trang. Luật sư Trần Vũ Hải cũng là người tham gia đại diện cho nhiều người dân mất đất và các nhà hoạt động ở Việt Nam trong những năm qua.

Cùng ngày, trả lời RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh, người cũng tham gia bào chữa cho ông Hải, phân tích :

"Vấn đề của vụ án này nằm ở chỗ quan điểm khác biệt nhau giữa bên công tố buộc tội và luật sư bào chữa mà thôi, chứ thật ra diễn biến sự việc rất đơn giản. Do đó, các luật sư đoán chừng chỉ khoảng hai ngày là đã quá dư dả thời gian để kết thúc việc xét xử sơ thẩm vụ án, nên đã đặt vé trở về nhà từ trước. Đến khi nghe thông tin vụ án kéo dài đến 5 ngày thì ai cũng chưng hửng, vì sự việc đâu có gì phức tạp mà kéo dài đến như vậy ?

Trong số 50 luật sư đến dự phiên tòa, ngoài số khoảng hai, ba luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên là đi lại khá gần, thì toàn bộ số luật sư còn lại đều ở rất xa : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc… Cho nên, trước diễn biến mới như vậy, thì các luật sư đang thảo luận để có phương án tốt nhất trong việc bào chữa, bảo vệ cho Luật sư Trần Vũ Hải trong phiên tòa xét xử.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm rằng trong phần xét hỏi, cách Hội đồng xét xử gọi tên từng luật sư theo số thứ tự để mời luật sư tham gia "rất mất thời gian".

Luật sư Đặng Đình Mạnh kể thêm :

"Đến khoảng giữa buổi chiều hôm 13/11, sau khi nhận được một tờ giấy từ bên ngoài chuyển vào, thì chủ tọa phiên tòa đột ngột tuyên bố nghỉ giải lao 5 phút. Sau đó, khi trở lại làm việc thì chủ tọa phiên tòa đã thay đổi trở lại cách gọi tên từng luật sư theo số thứ tự như trước. Bản thân tôi sau khi tham gia xét hỏi xong thì chất vấn ngay cách điều khiển phiên tòa làm mất nhiều thời gian này, nhưng chủ tọa phiên tòa đã trả lời lấp liếm rất phi lý. Cứ như tòa án đang cố ý kéo dài thời gian xét xử phiên tòa".

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho biết thêm rằng do kẹt lịch bào chữa cho thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh trong phiên tòa dự trù diễn ra ngày 15/11 tại Tòa án tỉnh Nghệ An nên ông không thể theo đến cùng phiên tòa xử Luật sư Trần Vũ Hải.

Đề cập việc các phóng viên báo nhà nước ở Việt Nam cũng không được vào dự phiên tòa xử Luật sư Hải, Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận :

Khi phiên tòa khai mạc vào buổi sáng, thì tôi biết khá nhiều phóng viên báo chí trong nước đã không được vào trong khuôn viên tòa án để tác nghiệp. Tôi không biết rõ lý do của sự việc này, nhưng tôi nghĩ rằng, nếu phiên tòa được tiến hành xét xử theo tinh thần khách quan, vô tư và bảo đảm đúng quy định pháp luật thì nên để các phóng viên chứng kiến, đưa tin. Về phương diện xã hội, không phải chính các phóng viên là những người thực hiện việc giám sát tốt nhất hay sao ?"

Gần 60 luật sư đăng ký bào chữa cho vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa nhưng tòa án chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho 42 người trong số này. Đây được ghi nhận là kỷ lục về số lượng luật sư cùng tham gia bào chữa miễn phí cho một bị cáo và cũng là đồng nghiệp của họ.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xác định : trong quá trình giao dịch, chuyển nhượng ngôi nhà cùng đất tại 78/40 đường Tuệ Tĩnh, thành phố Nha Trang, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải cùng hai người khác đã có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hơn 280 triệu đồng. Tuy nhiên, cáo trạng không nêu hành vi phạm tội của từng bị can.

Trước đó, vào ngày 2/7/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét nhà riêng cùng với văn phòng làm việc tại Hà Nội đối với Luật sư Trần Vũ Hải để điều tra về hành vi "Trốn thuế" liên quan đến một vụ mua bán đất đai ở Khánh Hòa.

Tuy nhiên, khi khám xét công an lại thu giữ luôn cả những tài liệu bao gồm hồ sơ vụ việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Châu Á Tự Do, người được cho là đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan đưa về nước khi ông này đang xin quy chế tỵ nạn với Liên Hiệp Quốc vào hồi tháng 1 năm nay. Sự việc đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án, yêu cầu Việt Nam phải điều tra, trả lời về vụ bắt cóc này. Luật sư Trần Vũ Hải lúc đó là luật sư đại diện cho ông Trương Duy Nhất. Sau cáo buộc trốn thuế, luật sư Trần Vũ Hải đã phải ngừng việc làm đại diện pháp lý cho blogger Trương Duy Nhất.

Dự kiến phiên tòa xử vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải sẽ kéo dài 5 ngày.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 14/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thảo Vy, Ben Ngô
Read 585 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)