Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2019

Từ 3 không quốc phòng đến hiểm họa mất nước

Phạm Trần

Chính sách Quốc phòng "3 không" nguy hiểm của đảng Cộng sản Việt Nam đã lây qua đời sống người dân, cán bộ và đảng viên, báo hiệu thời kỳ liệt não vô cảm trước kẻ thù Trung Quốc.

bakhong1

Emily Kershaw, thủy thủ ca sĩ thuộc ban nhạc Hạm đội 7 của Mỹ, nói cô xem ý nghĩa bài "Nối vòng tay lớn" chính là phản ánh sự gắn kết Mỹ - Việt trong bối cảnh quan hệ tốt đẹp hai nước.

Trước hết, "3 không quốc phòng" gồm : "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia".

Chủ trương này đã bị nhiều Trí thức và cựu Tướng lãnh chỉ trích lạc hậu và sai lầm tại Cuộc Tọa đàm về "Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế" do Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (tên viết tắt là PLD, Institute Research on Policy, Law and Development) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), tổ chức tại Hà Nội ngày 06/10/2019.

Cuộc Tọa đàm diễn ra khi tầu thăm dò dầu khí Hải Dương-8 (HD-8) của Trung Quốc đã hoạt động ở Tư Chính được 96 ngày (03/07 – 06/10/2019).

Theo lời Phó Giáo sư tiến sĩ Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao thì tại Cuộc thảo luận này, phần đông thấy rằng Trung Quốc "Đang có những hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của Việt Nam. Cho nên cái đầu tiên phải nhận diện rõ đây là nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam".

Ngoài yêu cầu phải kiện Trung Quốc ra Tòa án hòa giải Quốc tế, nhiều người tham dự đồng ý Việt Nam cần có lựa chọn. Ông nói : "Đó là phải xác định rõ bạn - thù, đó là việc Việt Nam phải liên minh với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, ở đây cũng đã nhắc đến chính sách 'Ba không', thì cần phải hóa giải chính sách ba không này bởi một điều khoản rất quan trọng của Hiến chương Liên hiệp quốc - đó là quyền tự vệ chính đáng" (BBC tiếng Việt, 07/10/2019).

Trong số các diễn giả, chuyên gia tham dự, có các vị tên tuổi, đối lập với đảng, từng bị nhà nước trù dập, ra khỏi đảng, hoặc cựu Đại sứ, nhà ngoại giao như Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trường ban Thường trực Ban Tuyên giáo), Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, cựu Đại sứ Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Nhà ngoại giao Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, chuyên gia ngoại giao cao cấp Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào, hai thiếu tướng Lê Mã Lương và Lê Văn Cương v.v…

Tại cuộc tọa đàm này, theo bài viết của Nguyễn Đức gửi BBC tiếng Việt ngày 07/10/2019 thì : Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an đã tiết lộ 5 mệnh lệnh của Trung Quốc trao cho Lãnh đạo Việt Nam sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines năm 2016.

Tướng Cương kể : "Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện "5 không".

Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài.

Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra.

Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.

Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.

Tất nhiên phía Việt Nam, dưới quyền lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, một người "bạn thân thiết" của Trung Quốc, đã tuân hành nghiêm chỉnh.

Phản ứng gay gắt

Do đó, ta không lạ khi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Nguyễn Phú Trọng đã phản ứng gay gắt Cuộc tọa đàm của các Nhân sỹ-Trí thức. Ông đã xếch mé nói : "Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?... không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước… Do vậy, cần phải tỉnh táo để phản bác những luận điệu xuyên tạc của một số phần tử về vấn đề này"

Ông kiêu ngạo rao giảng : "Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng" (theo các báo từ Việt Nam).

Ông Trọng đã đưa ra những lời chỉ trích bất nhã với các trí thức trong cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận : Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ngày 15/10 (2019).

Trước ông Trọng, báo Quân đội Nhân dân đã tung ra loạt bài gọi là "Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản" nhằm chỉ trích những trí thức và cựu viên chức cao cấp không còn nhắm mắt theo đảng vô điều kiện, hay đã can đảm lên án đường lối cai trị sai lầm của đảng.

Báo này viết : "Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng ; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận…

Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng..." (Quân đội Nhân dân, 10/10/2019).

Nhằm xỏ xiên Tổ chức Văn đoàn độc lập do Nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc đứng đầu vận động, Quân đội Nhân dân viết : "Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội…".

Dân lạnh nhạt - lãnh đạo sợ hãi

Nhưng mặc cho ông Trọng và báo, đài nhà nước cảnh giác, kêu gọi nhân dân và lực lượng võ trang (quân đội, lực lượng dự bị, công an và cảnh sát) phải tỉnh táo, không hoang mang, dao động trước điều gọi là "âm mưu chống phá của các thế lực thù địch", người dân đã có thái độ thờ ơ và vô cảm tột độ trước biến cố Hải Dương-8 ở Tư Chính.

Trong suốt thời gian hơn 3 tháng, từ ngày 3/7 đến 24/10/2019, khi HD-8 rút lui, chỉ vỏn vẹn có 2 cuộc biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc của khoảng 20 chục người dân ở Hà Nội và mươi người của nhóm Trí thức thuộc Câu lạc bộ Lê Hiếu Đẳng ở Sài Gòn.

Lý do không ai muốn biểu tình chống Tầu vì lực lượng Công an chìm và nổi đã từng thẳng tay đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc trong qúa khứ, mặc dù đó là những hành động chính đáng. Sở dĩ dân phải xuống đường vì nhà nước Việt Nam đã bất lực trong các vụ lính Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đã thỏa hiệp gây bất lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở miền Trung ngày 06/04/2016.

Đáng xấu hổ và phỉ nhổ hơn là Nhà nước đã sử dụng mọi mánh khóe để ngăn cản và chống phá các cuộc biểu tình-tưởng niệm những người lính của hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã tử nạn hay mất tích trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược ở Hoàng Sa (1974), mặt trận biên giới phía Bắc (1979-1989) và ở Trường Sa (1988).

Các trí thức nổi tiếng ở Hà Nội, cũng đã im hơi lặng tiếng không biểu tình chống Tầu trong vụ HD-8 như họ đã từng biểu tình trước Tượng đài Lý Thái Tổ, trong vụ Hải Dương 981 năm 2014.

Lý do đơn giản vì chủ trương của đảng là "mọi việc đã có nhà nước lo" nên dân đã buông tay, mặc kệ cho đảng làm gì thì làm. Nhưng hậu quả của thái độ thờ ơ đến vô cảm của dân trước đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc là một mối nguy khôn lường.

Có ai lường được đất nước sẽ ra sao, nếu Trung Quốc lại đem tầu khảo sát tìm dầu, hay đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong tương lai ?

Và nếu chẳng may Trung Quốc tung quân đánh Việt Nam ở Biển Đông thì nước nào sẽ giúp Việt Nam chống lại quân Tầu ? Đó là lý do tại sao đã có khuyến cáo, không chỉ từ các Nhân sỹ-Trí thức trong nước mà còn từ nhiều chuyên gia Quốc phòng nước ngoài đã khuyên Việt Nam xét lại chính sách quốc phòng "3 không".

Nhưng, qua vụ HD-8 ở Tư Chính, xem ra lãnh đạo cộng sản Việt Nam, đứng đầu là tam đầu chế gồm Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ tịch quốc hội) và Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) đã không dám nói đích danh Trung Quốc là thủ phạm đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Thậm chí cả Trung ương Đảng và Quốc hội cũng không dám ra Nghị quyết về vụ Tư Chính. Do đó, triển vọng "xoay trục" để xa Tầu, gần Mỹ của Đảng cộng sản Việt Nam cho tới nay, vần còn là chuyện chưa thấy ở cuối đường hầm.

Đảng viên cũng thờ ơ

Hiện tượng buông tay, thái độ mặc kệ của dân và sự sợ hãi Tầu của lãnh đạo đối với chủ quyền lãnh thổ cũng đã lan vào nội bộ cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội đảng XIII vào tháng 01/2021.

Bằng chứng như bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 07/11 (2019) cho thấy : "Trong vòng hai nhiệm kỳ gần đây, một vấn đề được Đảng ta nhắc đến nhiều lần trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, đó là cảnh báo tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện mũ ni che tai, an phận thủ thường, thiếu bản lĩnh, dũng khí cần thiết của người cộng sản.

Đáng buồn hơn, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thời gian qua đã có biểu hiện vô cảm trước cái đúng, thờ ơ trước cái sai".

Với tiêu đề "Một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đáng báo động", Quân đội Nhân dân viết tiếp : "Thời gian quan, ở một số tổ chức, cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng bề ngoài thì được "sơn phết" một lớp "vỏ bọc đoàn kết" giả tạo, nhưng bên trong thì ai biết việc người nấy, không quan tâm giúp đỡ nhau một cách chân thành, trên tinh thần thương yêu đồng chí. Thậm chí không ít nơi có tình trạng sống bằng mặt mà không bằng lòng, bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, nhưng bên trong thì ngấm ngầm nghi kị lẫn nhau. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở khá nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay thực hiện phương châm sống im lặng là vàng, gió chiều nào xoay chiều ấy, thế nên trước những cái đúng, điều phải cũng không thể hiện rõ chính kiến đồng tình, ủng hộ ; mà nhìn thấy cái sai, cái xấu cũng chẳng dám lên tiếng phê phán, tẩy chay".

Rồi bài viết ta thán cay đắng : "Đáng buồn hơn, ở nơi này nơi khác xuất hiện một số người có quan niệm sống "ba không" : Không ý kiến, không phê bình, không đấu tranh. Vì sợ liên lụy đến bản thân, những người như vậy chỉ chứng tỏ mình sống không có bản lĩnh, thiếu dũng khí, nếu không muốn nói là bạc nhược".

Vậy sau "bạc nhược" là gì, nếu không phải là "đầu hàng", khi đem căn bệnh nghiêm trọng này soi vào thế chính trị chênh vênh giữa Việt Nam và Trung Công, qua tấm gương HD-8 ở Tư Chính.

Phạm Trần

(13/11/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)