Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2019

VinUni bắt chước giống nước người, có vượt quá khả năng nội tại không ?

Nguyễn Hiền - Tâm Don

Đại học tinh hoa của Vin : hiểu thế nào cho đúng ?

Nguyễn Hiền, VNTB, 14/11/2019

VinUni - dự án đại học trực thuộc Vingroup - công bố định hướng tuyển sinh cho năm học 2020 – 2021 cho 3 ngành : Kinh doanh Quản trị, Khoa học sức khỏe, Kỹ thuật và Khoa học máy tính. Chỉ tuyển sinh viên tinh hoa, chi phí đào tạo dự kiến 35.000 - 40.000 USD.

vin1

Phối cảnh trường Đại học VinUni

Để tiệm cận với thuật ngữ ‘tinh hoa’, Vin công bố có hai đối tác chính là Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania, thuộc nhóm Đại học Ivy League và trong Top 20 Đại học tốt nhất toàn cầu. Bên cạnh đó, VinUni cũng mở rộng hợp tác với các Đại học Tinh hoa tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Úc… nhằm đặt nền tảng cho hệ thống quản trị đại học tinh hoa, đặc biệt trong tuyển sinh, tuyển dụng, chương trình, phương pháp cũng như cơ sở vật chất, công nghệ.

Nhưng liệu tinh hoa có thể được hiểu là học phí cao ngất, chỉ tuyển lớp tinh hoa và có các đối tác tinh hoa ?

Ở chừng mực nào đó, thì Vin đang theo đuổi đúng bản chất của một trường đại học tinh hoa, bao gồm học phí và trình độ tuyển sinh đầu vào.

Trên thế giới hiện nay, nhóm trường đại học tinh hoa có 70 trường với nguồn tuyển sinh hạn chế. Nhưng ở các trường đại học tinh hoa, thì đặc trưng chung vẫn là đa dạng tầng lớp sinh viên, nơi chứa đựng hoàn cảnh kinh tế từ thượng lưu đến hạ lưu. Và điều để thuyết phục hội đồng trường cho phép những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được đặt chân vào khuôn viên trường chính là khả năng học tập tinh hoa.

Học phí cao, sinh viên thông minh, giáo sư hàng đầu, cơ sở vật chất hiện đại, đó là những gì có thể thấy ở The Ivy League, The Little Little Ivies, The Seven Sister School, MIT, Stanford, và những trường khác ở Mỹ.

Học phí dự kiến của Vin là 40.000 đô-la Mỹ là cao, nhưng so với ‘nhu cầu’ mà tầng lớp trung lưu và thượng lưu đề ra thì con số này rất nhỏ. Bởi một trường đại học ‘tinh hoa’ sẽ đào tạo ra những con người ‘lãnh đạo’ (hoặc thống trị) trong các ngành nghề xã hội, thậm chí là cả mặt chính trị.

Đường hướng chiến lược của Vin trong mảng ‘tinh hoa’ là thông minh, dựa trên dự báo năm 2035 có 30% dân số là trung lưu, và một lịch sử quốc gia ‘khoa bảng’ vẫn ngự trị trong tâm lý người Việt. Một cách tiếp cận đầy tính kinh doanh dựa trên thế hệ X giàu có.

Điểm cần phải thừa nhận, nếu mô hình đại học tinh hoa của Vin theo sát chương trình tinh hoa thế giới, và ngăn ngừa sự tham nhũng hay lạm quyền để đưa ‘COCC’ vào trong môi trường này thì thượng tầng kiến trúc của Việt Nam trong tương lai cũng có nhiều có sự thay đổi theo hướng ‘chính khách’ có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo hơn. Và Vin trở thành cái nôi, hưởng lợi từ một chiến lược chính trị tiệm cận, dễ dàng chi phối trong một hệ sinh thái chính trị mà lợi ích nhóm quyền - tiền đan xen lẫn nhau thông qua giáo dục tinh hoa.

Thế nhưng, khi xác lập được các cơ sở ban đầu để đào tạo ‘tinh hoa’, thì chất lượng và nội dung giảng dạy cũng phải ‘tinh hoa’. Ba cốt lõi của nền giáo dục thời Việt Nam Cộng hòa gồm ‘khai phóng – dân tộc – nhân bản’ phải được áp dụng để cho ra lò tầng lớp tinh hoa thực sự, nơi mà người dạy có tinh thần giáo chức, và sinh viên có đạo đức. ‘Chủ nghĩa cách mạng, Chủ nghĩa xã hội’ phải được đặt bên ngoài chương trình đào tạo. 

Đại học tinh hoa : vì sao chỉ có mỗi Vin ?

Tại Việt Nam, khi đề cập đến yếu tố tinh hoa về mặt giáo dục, kể cả đào tạo các sản phẩm tinh hoa để giữ các vai trò chủ chốt trong nền kinh tế - xã hội thì không thể không đề cập đến Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ; Đại học Bách Khoa, và Đại học Y - Dược (Hà Nội, Tp. HCM).

Khi Vin hướng tới đại học tinh hoa để đào tạo những công dân toàn cầu thì Vin cũng đang góp một phần trong tỷ lệ dốc sức cho sự thay đổi của nền kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng, để đạt được một kết quả mang tính tổng lực hơn như thế, thì Vin sẽ phải là một phần của kế hoạch tinh hoa thuộc nền giáo dục Việt Nam.

Tại Trung Quốc, xuất hiện Liên minh C9, là nhóm liên kết 9 trường đại học có tiếng của nước này, được bảo trợ bởi dự án 985 của Chính phủ Bắc Kinh nhằm phát triển giáo dục đại học. Liên minh C9 chiếm 3% nhà nghiên cứu của toàn Trung Quốc, nhưng ấn hành 20% sản phẩm học thuật quốc gia và được trích dẫn lại 30%, được hưởng 10% chi phí nghiên cứu khoa học của quốc gia này.

Tất nhiên, không phải liên minh là nhằm 'thành lập một cộng đồng để giữ cho tinh thần và ngọn lửa của chủ nghĩa cộng sản tồn tại', mà là nhằm tối đa hóa trong chiến lược phát triển quốc gia phù hợp với tinh thần hội nhập quốc tế. Và đó mới chính là phát huy tính chất triệt để của tinh hoa.

Vin có thể làm tốt, nếu như Vin có đường hướng đầu tư giáo dục tốt, vượt ra khỏi khuôn khổ của nền giáo dục Việt Nam hiện tại, nơi tư tưởng học thuật được coi trọng, tinh thần dân tộc được khai mở và nhân bản là nền tảng cốt lõi. Tất nhiên, như đã đề cập ở trên, để tạo ra một sự chuyển biến lớn cho Việt Nam, thì Vin phải nằm trong một liên minh giáo dục với tư tưởng tương đồng với sự hỗ trợ từ chính Chính phủ Việt Nam. Còn ngược lại, nếu chỉ là cuộc chơi một mình do Vin đề ra, thì VinUni chỉ thuần túy là một sản phẩm kinh doanh đóng góp vào hệ sinh thái Vingroup, với sản phầm đầu vào là tiền và đầu ra là cai trị đám đông.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 14/11/2019

*****************

VinUni liệu có cô đơn và tự do ?

Tâm Don, VNTB, 15/11/2019

Tập đoàn Vingroup của tỉ phú giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, đang bộc lộ rất nhiều tham vọng. Vào giữa tháng 11/2019, báo chí nhà nước truyền đi thông tin gây rúng động : đại học VinUni sẽ tuyển sinh trong năm học 2020- 2021 với mức học phí 35.000- 40.000 USD/năm học.  Bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, cho rằng "VinUni không phải là đại học của những người giàu. Đại học VinUni theo mô hình tinh hoa mới mà nội hàm của từ tinh hoa chính là tài năng". Khát vọng của VinUni liệu có được thỏa mãn hay vỡ vụn ?

vin2

Bài viết này không phân tích về mức học phí cao ngất mà VinUni đưa ra, chỉ đề cập đến nguồn gốc tạo nên giá trị của một trường đại học. Không như kỳ vọng của các nhà giáo dục đến từ Mỹ, Đại học Fulbright đã thất bại. Một sự thất bại vì sự áp đặt vô lý đến từ phía Việt Nam, và sự thất bại này có lẽ là bài học quý giá để VinUni soi chiếu cho các quyết định của mình. Vào tháng 5-2016, sau khi công bố chính thức thành  lập Đại học Fulbright Vietnam (FUV), nhiều nguồn tin ở Việt Nam và nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho biết, FUV đã từ  chối các  môn  học  Marx-Lenin và tư tưởng Hồ  Chí Minh. Khóa học đầu tiên  của FUV khai  giảng vào tháng 9-2016 đã không có các môn học này. FUV với những nhà sáng lập người Mỹ vốn tôn trọng tự do học thuật không hề muốn các môn học vô bổ Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh xuất hiện trong FUV, làm mỏi mệt các sinh viên, qua đó nâng cao tư duy độc lập và khả năng sáng tạo của sinh viên. Nhưng ước muốn của những người sáng lập FUV đã nhanh chóng bị chặn đứng.

Trong hai ngày 04 và 05/8/2017, nhiều tờ báo ở Việt Nam loan tải thông tin : Trường Đại học Fulbright (FUV) sẽ dạy triết học Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Báo Thanh Niên cho biết : "Ngày 4/8, phát biểu tại hội thảo về Giáo dục khai phóng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trường Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy cho biết trường sẽ dạy triết học Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong chương trình học nhưng cách dạy sẽ khác biệt so với các trường khác.  Những nội dung này sẽ nằm chung trong lịch sử của triết học hoặc lịch sử, văn học Việt Nam.

Bà Thủy cho biết đặt Karl Marx cùng những nhà triết học khác của Đức để nhìn thấy sự phát triển tư tưởng triết học của Đức, để xem dòng chảy (tư tưởng) là như thế nào, tại sao đến lúc đó thì chủ nghĩa Marx xuất hiện. Đó là cách Trường Đại học Fulbright sẽ dạy". 

Báo Thanh Niên dẫn tiếp lời bà Đàm  Bích Thủy :  "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một phần trong lịch sử VN, đặt tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong lịch sử Việt Nam hoặc văn học Việt Nam thì tôi hy vọng rằng trong vài năm tới, đó không còn là môn bắt buộc nữa mà sinh viên sẽ cảm thấy rất thú vị".

VinUni liệu có biết FUV đã từ chối các môn học Marx- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng sau đó đã buộc phải giảng dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh? VinUni liệu có biết rằng, chỉ vì phải bắt buộc giảng dạy các môn này, uy tín của FUV đã giảm sút rất nhiều?

Điều gì tạo nên giá trị của một trường đại học? Có giáo viên giỏi và có sinh viên giỏi? Có giáo viên giỏi và sinh viên giỏi chỉ là một yếu tố của giá trị, điều làm nên tất cả các giá trị chính là tự do.

Hệ thống đại học của nước Đức vào cuối thế kỷ 18 đã trở nên quá thua kém hệ thống đại học Anh rất giàu tính nhân văn. Vào đầu thế kỷ 19, hai nhân cách lớn của nước Đức là hai anh em Wilhelm và Alexander von Humboldt đã xác lập một hướng đi mới cho đại học đức, đó là, CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO. Giá trị của trường phái đại học Đức, hay còn gọi là đại học Humboldt có thể được tóm tắt như sau: " Đó là một định chế trong đó những người giảng dạy và người đi học quy tụ lại như những người nghiên cứu bình đẳng trong sự thống nhất của nghiên cứu và giảng dạy để truy tìm khoa học thuần túy trong sự cô đơn và tự do, và qua quá trình này đạt tới sự hoàn thiện về tinh thần và đạo đức. Hai trụ cột chính của các nguyên lý là nghiên cứu và tự do học thuật. Khoa học trở thành hình thức của cuộc sống, triết lý sống và là nòng cốt của giáo dục"(Nguyễn Xuân Xanh, Đại học- định chế giáo dục cao thay đổi thế giới, Nhà xuất bản tổng hợp thành phố HCM, năm 2019, trang 24).

Với nguyên tắc sống còn CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO- được đi trên con đường mình lựa chọn, được dạy những điều mình muốn dạy, được học những điều mình muốn học, được tự do nghiên cứu, đại học Đức- đại học Humboldt đã nhanh chóng trưởng thành, qua đó góp phần tạo nên sự thịnh vượng của nước Đức. Vào đầu thế kỷ 20, các giải thưởng khoa học Nobel đa phần lọt vào tay các nhà khoa học Đức. Ngay từ giữa thế kỷ 19, sinh viên Anh, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác đã kêu gọi: Hãy học tiếng Đức và đến Berlin học đại học!

Ngay từ giữa thế kỷ 19, Mỹ và Anh đều nhận ra giá trị của đại học Đức là tự do và nghiên cứu, và nhận ra sự tụt hậu của hệ thống đại học của mình. Và cũng ngay lập tức, Mỹ và Anh đã áp dụng các nguyên tắc của đại học Đức vào hệ thống đại học của mình để tạo nên giá trị nhân văn và nghiên cứu của đại học Anh, giá trị nhân văn- nghiên cứu và dịch vụ của đại học Mỹ. Nhờ áp dụng các nguyên tắc của đại học Đức, các đại học Anh và đặc biệt là đại học Mỹ đã có được những giá trị sáng chói và tiếp tục giữ vững danh hiệu hai nền giáo dục đại học hàng đầu của thế giới.

Cũng ngay từ cuối thế kỷ 19, hai quốc gia ở Châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc đã áp dụng mô hình đại học Đức và cũng đã tạo được những thành tựu rực rỡ.

Không như các quốc gia khác đang rùng rùng chuyển mình về phía trước, Việt Nam vẫn đang tự bó buộc mình trong những điều cũ càng, bẩn thỉu. Nền đại học của Việt Nam cũng bị bó mình trong những điều cũ càng, bẩn thỉu ấy. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người chuyên nghiên cứu về đại học, trong cuốn Đại học- định chế giáo dục cao thay đổi thế giới, có những dòng viết cay đắng: " Nền đại học Việt Nam hiện nay đang thua thiệt so với đại học trong khu vực một cách "bất bình thường" và khó hiểu. Các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã rất bức xúc từ vài thập niên qua về tình trạng suy thoái của đại học Việt Nam. Có điều gì không ổn giữa tiềm năng trí tuệ và hiện thực đại học Việt Nam. Thiếu định hướng, thiếu mạnh dạn, quyết tâm, thiếu ý thức về sứ mạng và sức mạnh của đại học như chìa khóa trong việc canh tân đất nước, thiếu hiểu biết tổ chức một đại học nghiên cứu hiện đại, thiếu những đòn bẩy như một chế độ trọng đãi nhân tài, thêm vào đó một bộ máy hành chính nặng nề, sự quan tâm chưa đúng mức từ phía những người có trách nhiệm cao nhất, quản lý đại học thiếu tinh thần khai sáng, đó có lẽ là những cái đã ngăn chặn sự phát triển đại học Việt Nam mấy thập niên qua"(trang 142).

Từ nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học, nhiều giáo viên đại học đã cho rằng, nguyên nhân khiến đại học Việt Nam ngày càng lạc hậu chính là bị chính trị hóa nặng nề, không có tự do học thuật, không có quyền tự chủ. Chỉ riêng việc vào năm 2017 đại học Fulbright Việt Nam đã phải ngậm đắng nuốt cay giảng dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trước sức ép quá lớn của chính quyền Việt Nam, đã nói lên rằng,  không hề có tự do học thuật, tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy cho đại học Việt Nam dù đó là một trường đại học có yếu tố nước ngoài.

VinUni là một trường đại học của doanh nghiệp Việt Nam, liệu có can đảm tiếp thu tinh thần CÔ ĐƠN VÀ TỰ DO của đại học Đức? VinUni liệu có dám chối bỏ các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không cho dạy các môn này trong ngôi trường của mình? Nếu VinUni không có tinh thần cô đơn và tự do, nếu VinUni cho dạy các môn Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, VinUni cũng chỉ là một đại học tự bó buộc mình trong những điều cũ càng và bẩn thỉu.

Tâm Don

Nguồn : VNTB, 15/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hiền, Tâm Don
Read 632 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)