Khoảng 10-15 năm lại đây Hà Nội có một hiện tượng đặc biệt là nở rộ các khu chung cư, nhà ở mang tên cơ quan công quyền, nào là Chung cư Thông tấn xã, Chung cư Viện Kiểm sát, Khu Nhà ở Tổng cục Cảnh sát…
Hà Nội có nhiều chung cư : Chung cư Thông tấn xã, Chung cư Viện Kiểm sát
Thường thì các cơ quan này lập tờ trình xin đất, lấy lý do là đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho cán bộ công nhân viên. Được chính quyền phê duyệt rồi thì cán bộ trong cơ quan sẽ góp tiền lại để trả tiền sử dụng đất cho nhà nước (tính giá nhà nước nên rất thấp) và chi phí xây dựng cho nhà thầu đối tác (cũng rất thấp).
Chẳng hạn, chỉ cần bỏ ra 1 tỷ (800-900 triệu cho tiền xây dựng và 100-200 triệu tiền sử dụng đất phân bổ), một cán bộ có thể sở hữu một căn hộ 100m2 có giá thị trường không dưới 2 tỷ đồng ở Hà Nội. Sở dĩ như thế là nhờ tiền sử dụng đất tính theo giá nhà nước vốn đã thấp rồi mà bổ đầu ra cho mỗi căn thì còn thấp hơn nữa. (Đối với các dự án nhà ở thương mại thuần túy, chủ đầu tư lãi khủng cũng là nhờ chỗ này, tuy nhiên vấn đề là để được chính quyền giao khu đất đó họ phải ăn chia với quan chức - chuyện này không ai không biết).
Thế là cán bộ nghiễm nhiên lãi tiền tỷ. Dĩ nhiên là nhiều người trong số này chẳng khó khăn gì về chỗ ở cả nên bán lại suất của mình đút túi ngay một khoản lớn. Đó là lý do vì sao các khu chung cư cán bộ này rao bán đầy trên mạng.
Cách làm này vừa là di sản của lề lối bao cấp trước đây trong đó nhà nước có trách nhiệm cung cấp chỗ ở cho cán bộ (với dấu tích là các khu tập thể ngành này ngành kia), nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của một phương cách cầm quyền rất đặc biệt : cầm quyền bằng đất.
Thử hình dung thế này nhé, chính quyền có một bộ máy khổng lồ đến mức đã chi đến 70% ngân sách cũng chỉ trả được cho cán bộ công chức một mức lương chết đói vô cùng thiếu thực tế. Thế làm sao nuôi dưỡng lòng trung thành của bộ máy này ? Hai cách thôi : (1) mắt nhắm mắt mở cho cán bộ ở ngành nào kiếm ‘màu mè’ ngành đó, và (2) ban phát đất đai - thứ mà chính quyền thừa mứa nhân danh đại diện quyền sở hữu của toàn dân.
Thử đặt mình vào vai một người cán bộ trong danh sách nhận suất nhà đất, liệu có ai còn dám ho he ngay cả khi có bất đồng ? Trước khi nhận suất nhà đất đó đã vậy mà nhận xong rồi thì cảm giác chịu ơn chính quyền hẳn còn sâu đậm hơn. Nhìn thế mới thấy, ‘còn đảng còn mình’ là một thái độ thực dụng không chỉ của ngành công an mà là toàn hệ thống, nhất là trong thời buổi ‘cạp đất mà ăn’ hôm nay.
Tuy nhiên thi thoảng cũng có trục trặc. Chẳng hạn như trong trường hợp báo Công an nhân dân hoặc Công an huyện Đông Anh hôm nay, khi mà lãnh đạo cơ quan cấu kết với nhà thầu xây dựng xà xẻo khoản tiền cán bộ đóng góp, hoặc đôi khi khu đất lọt vào mắt xanh một nhóm lợi ích mạnh hơn rồi bị chiếm mất. Chứ thông thường thì suôn sẻ, các bên đều hoan hỉ.
Bi kịch của những người cán bộ này, cũng như nhiều người Việt Nam khác dưới thể chế này, là cùng lúc phải đóng cả hai vai thủ phạm và nạn nhân trong rất nhiều hoàn cảnh, đôi khi trộn lẫn vào nhau đến mức không thể phân biệt. Dối trá sinh ra từ đây mà hèn hạ cũng từ đây.
Là người, hẳn ai cũng muốn hưởng thành quả xứng đáng từ công việc của mình và tự hào rằng có thể lo cho cuộc sống cho bản thân và gia đình, một cách đường hoàng chính trực, không nợ ai, chịu ơn tổ chức nào. Cán bộ công chức hay công an quân đội hẳn cũng vậy, tuy nhiên trong thể chế hiện nay gần như là không tưởng. Chỉ trong một thể chế mới, trong sạch và chính trực hơn, nơi công sức của cán bộ công chức được tôn trọng đúng mức bằng đồng lương xứng đáng, thì mới có hi vọng.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 12/11/2019 (nguyenanhtuan's blog)