Nghẽn nhân lực khu vực công là nghiêm trọng. Phẩm chất và năng lực quan chức thường được che đậy bởi các quy định của tổ chức và sự thích nghi của cá nhân họ.
Năm chủ tịch quốc hội Việt Nam chụp ảnh lưu niệm hôm 21/12019
Chính họ tạo ra cơ chế, và rồi trở thành 'nạn nhân' của nó. Trong chiến dịch chống tham nhũng họ biết 'giấu mình chờ thời'. Tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' phản ánh 'sự ứng phó' của quan chức với cơ chế.
Nguyên nhân chủ yếu là thể chế không kịp thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi sang thị trường. Tuy nhiên, có những tình huống, như trên nghị trường, quan chức đã bộc lộ phẩm chất và năng lực quan chức bởi họ đã không thể che giấu được con người thật.
Để nâng cao chất lượng quan chức, cải cách tổ chức, bộ máy hành chính trở nên cấp bách, song trước hết phải thay đổi tư duy.
'Xin lỗi' ngày càng nhiều hơn
Các quan chức 'xin lỗi' ngày càng nhiều hơn trên nghị trường. Trong một kỳ họp Quốc hội thường chọn 4 vị bộ trưởng đăng đàn trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, và trong quá trình đó có thêm một vài vị bộ trưởng liên quan hoặc các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực 'làm rõ' thêm các vấn đề… Trong phiên chất vấn ngày 7/11/2019 tại Kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV có vị Đại biểu quốc hội 'đếm' số lần 'xin lỗi' của vị Bộ trưởng Nội vụ là 5 lần…
Lời xin lỗi của quan chức là cực kỳ hiếm hoi và khó khăn, đặc biệt với dân chúng, nếu có thì chỉ từ tập thể đơn vị trực tiếp gây ra sự cố, và chỉ khi mọi việc đã rồi, hậu quả có thể nặng nề. Đơn cử, như sự cố ô nhiễm nước sạch ở Hà Nội vừa qua khiến cho hàng trăm nghìn cư dân khốn khổ vì nước ăn bị nhiễm dầu mỡ hàng tuần. Sau đó thủ phạm 'Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà' qua truyền thông gửi "lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ". Ông Chủ tịch thành phố phát biểu vô cảm : "Qua sự việc này, chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm và trong thời gian tới Thành phố sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm".
Xin lỗi là một phẩm chất cá nhân tốt đẹp, thể hiện bản lĩnh dám nhìn vào sự thật, tôn trọng những người chịu ảnh hưởng bởi hậu quả có liên quan đến trách nhiệm hay hành vi gây nên. Tuy nhiên, đối với hành vi xin lỗi của quan chức có nhiều nghĩa hơn thế. Họ ít khi 'áy náy' về nhân cách bởi vì họ được cơ chế 'bảo lãnh' về quyền và lợi.
Trên nghị trường các quan chức nhận trách nhiệm về hành vi của mình thường dễ được các đại biểu quốc hội cảm thông và tha thứ. Cả quan chức chính phủ và Đại biểu quốc hội đều thuộc hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản. Trong hệ thống chính trị dựa trên nền tảng chủ nghĩa tập thể, coi chế độ như một tổng thể và luôn quan trọng hơn những cá nhân cán bộ đảng viên cấu thành nó. Các quan chức và Đại biểu quốc hội cần phải tuân theo các nguyên tắc tổ chức của Đảng và cách tiếp cận tập thể, thứ bậc trong hành vi ứng xử. Họ thấu hiểu điều đó và cố né những phát biểu mang tính cá nhân, nếu không sẽ bị coi là vị kỷ hay chủ nghĩa cá nhân và sẽ khó tránh bị kỷ luật bởi quyền lực nhân danh 'lợi ích chung' hay lợi ích tập thể'. Bởi vậy, họ che giấu được con người thật.
Miễn nhiễm 'văn hóa từ chức'
Không hoặc không thể công khai nhận xét về năng lực của quan chức chính phủ trên nghị trường Quốc hội, gần đây xuất hiện ý kiến về 'văn hóa từ chức'.
Từ chức là việc rời bỏ chức vụ của cá nhân quan chức trước khi hết nhiệm kỳ. Đó là quyết định tự động hay do áp lực nào đó từ bên ngoài do mức độ không hoàn thành chức trách gây hậu quả, sự cố mà quan chức đó trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan.
Văn hóa từ chức là một văn hóa chính trị phổ biến ở các nước Châu Âu, ảnh hưởng tới các nước đang phát triển với quan niệm đó là hành vi "đúng đắn cùng lương tri". Văn hóa từ chức có thể được tiếp nhận ở các chế độ dựa trên chủ nghĩa cá nhân, trong đó trách nhiệm về hành vi của quan chức được nhìn nhận, nhưng không được thừa nhận bởi chế độ chính trị với nền tảng chủ nghĩa tập thể. Trong thời kỳ chế độ tập trung, bao cấp với hình thức phân biệt đối xử giữa tập thể, như nhà nước hay biên chế và cá nhân, như cá thể hay 'làm ngoài', thậm chí chia dân chúng thành 'chúng ta' và 'chúng nó'.
Chia sẻ về văn hóa từ chức có Đại biểu quốc hội từng nói : "Thời nào cũng vậy, quan chức gắn với trách nhiệm. Có người chức càng to thì hy sinh càng lớn, đứng mũi chịu sào nhưng bây giờ quan chức trong thời đại này có hai mặt : Có quyền hành và quyền lợi. Điều này, ngăn cản quan chức trong quyết định có từ chức hay không từ chức.
Hiện nay, họ luôn dựa vào, họ nằm trong một tổ chức họ chỉ tuân thủ quyết định của tổ chức mà thôi". Phát ngôn này từ hơn 5 năm trước, năm 2014, nhưng đến nay vẫn đúng.
Bản chất chế độ chính trị hiện hành tạo ra sự miễn nhiễm 'văn hóa từ chức' đối với quan chức, bởi vì công tác cán bộ là công việc nội bộ của Đảng cộng sản mang tính nguyên tắc mà mọi đảng viên, lãnh đạo phải tuân thủ. Ngoài ra, cơ chế hiện hành tạo ra một bộ máy quan chức đặc quyền đặc lợi. Từ đó một hành lang răn đe cho hành vi 'bất tuân' được thiết lập. Nếu vị quan chức nào đó 'có gan' từ chức thì sự nghiệp chính trị của ông ta coi như kết thúc. Ngoài ra, ông ta không những mất đi đặc lợi cho bản thân và gia đình, mà còn có thể chịu rủi ro về đạo đức.
'Che giấu năng lực yếu kém'
Quan chức 'xin lỗi', 'xin nhận trách nhiệm' khi những thiếu xót và hậu quả là rõ ràng. Tuy nhiên, trước những câu hỏi khó, vấn đề mới hay 'nhạy cảm' được Đại biểu quốc hội nêu lên, thì cách ứng xử tốt nhất của quan chức trên nghị trường là 'xin lĩnh hội'. Nó có thể giúp che đậy năng lực yếu kém.
Thể chế chính trị không tương thích với sự chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Thái độ của nhiều quan chức là 'vừa muốn nhưng lại vừa sợ' thị trường. Họ muốn bởi vì thị trường sẽ là công cụ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm đặc lợi cho vị trí quyền lực.
Họ sợ vì những tác động phụ, không mong muốn có thể tuột khỏi tầm kiểm soát, tạo nguy cơ sụp đổ chế độ tạo ra đặc quyền đặc lợi cho họ. Thái độ 'nước đôi' như trên là do nhận thức và diễn giải sai lệch về thị trường. Thí dụ, khái niệm 'nền thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' được giải thích một cách nguỵ biện làm hạn chế về thái độ và hành động của quan chức.
Bất kỳ chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội đều là phương tiện đạt mục đích thịnh vượng của đất nước và người dân. Xã hội tư bản chủ nghĩa với kinh tế thị trường có nền tảng là chủ nghĩa cá nhân, vốn coi động cơ cá nhân là cơ sở của mọi hoạt động xã hội. Phương thức này đang thắng thế.
Trái lại, xã hội chủ nghĩa được thiết lập bằng cách mạng bạo lực, nền kinh tế tập trung dựa trên chủ nghĩa tập thể đã sụp đổ ở Đông Âu. Việt Nam chọn cách duy trì chế độ đảng toàn trị tiến hành chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường 'định hướng xã hội chủ nghĩa'.
Đặc trưng này thách thức năng lực của bất kỳ quan chức nào. Theo quan sát của tôi, trong nhiều phiên chất vấn trên nghị trường các đời bộ trưởng Bộ Nội vụ đều không thể hoặc không giải thích sự tác động của việc chuyển đổi kinh tế sang thị trường đến tổ chức, bộ máy và chính sách nhân lực khu vực công một cách rõ ràng, thuyết phục, cụ thể, câu hỏi như công cụ thị trường để tinh giản biên chế là gì và sử dụng như thế nào trong các bản giải trình trước Quốc hội.
'Thay đổi tư duy cải cách'
Đảng cộng sản xác định nghẽn nhân lực làm đất nước tụt hậu. Nghẽn nhân lực khu vực công, đặc biệt trong hệ thống chính trị, là trở ngại chính cho cải cách chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tình trạng 'trên nóng dưới lạnh' khiến Đảng phải hành động để 'giải toả' điểm nghẽn này, mà trước hết là thay đổi tư duy cải cách.
Bị níu kéo bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều, quan niệm rằng tinh giản bộ máy và nhân sự như 'tự lấy đá ghè chân mình' khiến cho nhân lực khu vực công vẫn có xu hướng phình to, hiệu quả công việc thấp và các biểu hiện tiêu cực của quan chức đặc quyền đặc lợi.
Không ai phủ nhận việc nhà nước phải bảo vệ người dân từ ngoại xâm, từ tội phạm ở trong nước, vì vậy cần phải có cảnh sát, tòa án và những dịch vụ công thiết yếu như phòng cháy nổ, cứu nạn… Tuy nhiên, thực tế từ các nước tiên tiến chỉ ra rằng khi bộ máy đảng, nhà nước phình to thì không chỉ phẩm chất và năng lực quan chức giảm đi, mà quyền tự do sẽ nhỏ hơn, cá nhân sẽ nhỏ hơn, lòng tốt và nhân cách con người cũng sẽ nhỏ đi.
Cần tạo ra cơ chế sao cho nhà nước phải luôn là 'chỗ dựa cuối cùng' chứ không phải là 'chỗ dựa đầu tiên' mà nhân dân tìm đến khi 'có vấn đề' như hiện nay.
Ngoài ra, khi nhà nước bành trướng, thì nạn tham nhũng, trục lợi và lợi ích nhóm sẽ tăng lên, bởi vì quyền lực chính trị có sức thu hút vô cùng mạnh, và nhiều người khi có quyền lực vô hạn và tiền bạc vô hạn sẽ lạm dụng những quyền lực, đúng ra, thuộc về nhân dân.
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 15/11/2019
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam.