Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2019

Ba điều Việt Nam phải đạt được khi đàm phán tham gia RCEP

Vũ Quang Việt

RCEP là hiệp định đang được thương thảo mang tính đa phương và toàn diện giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước trong đó có Trung Quốc. Nói là toàn diện vì nó không chỉ liên quan đến buôn bán hàng hóa mà còn có dịch vụ, trong đó có viễn thông, ngân hàng và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Lợi ích của hiệp định mang tính đa phương là tạo cơ chế để giải quyết các tranh chấp. Nhưng câu hỏi cơ bản đặt ra cho Việt Nam là liệu nó có làm suy yếu an ninh quốc gia không ? Và liệu nó có giúp Việt Nam hiện đại hóa không ?

rcep1

Vấn đề của thế giới

Thế giới hai phe đã biến mất sau chiến tranh lạnh. Các định chế toàn cầu mang tính pháp lý để xây dựng phe chống Liên Xô do Mỹ cổ vũ đã cho phép thương mại thế giới phát triển mạnh. Tỷ lệ ngoại thương so với GDP thế giới từ 24% năm 1960, lên 38% khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, và tiếp tục lên gần 61% năm 2008.

Trung Quốc được Mỹ và phương Tây chào đón vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở rộng thị trường cho hàng Trung Quốc, nhưng lại được biệt đãi để giữ lại nền kinh tế phi thị trường, bảo hộ mậu dịch. Là một nước đông dân, Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhất. Những năm 1960 nước này chiếm dưới 2% thị phần xuất khẩu của thế giới, nhưng năm 2015 đã chiếm tới 14% và hiện nay là 12,8%.

Trung Quốc vượt xa Mỹ, nước đứng thứ hai, chỉ chiếm 8,7%. Trung Quốc lại không chỉ gia công, họ đã nhanh chóng hấp thụ công nghệ mới vì biết sử dụng mồi "thị trường lớn" khôn khéo dụ hoặc ép buộc doanh nghiệp phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chuyển giao công nghệ.

Theo ước tính của tác giả, vào năm 2035, kinh tế Trung Quốc sẽ bằng Mỹ, mỗi nước chiếm khoảng 19% GDP thế giới, vượt xa Nhật (6,9%) và Nga (1,6%).

Trung Quốc đã trở thành cường quốc về kinh tế và quân sự, và là mối đe dọa lớn ở Châu Á, nhất là quanh vùng biển Đông ở Đông Nam Á.

Vấn đề Trung Quốc muốn bá chủ thế giới đã trở thành thời sự mà không ai có thể bỏ qua. Ở Mỹ, Tổng thống trước đây là ông Obama đã phải chuyển chiều chiến lược, trở lại Châu Á. Nhưng không đủ quyết liệt, chính vì thế ông Donald Trump đã tạo được thế đứng chính trị khi nêu cao khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", bảo vệ quyền lợi của người Mỹ, bảo vệ thị trường và đã thắng cử Tổng thống trong nhiệm kỳ hiện nay.

Đòi hỏi bảo vệ thị trường để giữ công ăn việc làm, không chỉ Tổng thống Mỹ Donald Trump mà các chính phủ sau này khó lòng thay đổi. Toàn cầu hóa khó lòng tiếp tục như ngày xưa, nếu như mọi người không cùng có lợi.

Kiểu khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đang lan tràn sang nhiều nước. Và như thế, thế giới hai phe để đối phó với Trung Quốc cũng khó mà hình thành, dù các nước đều thấy nguy cơ Trung Quốc.

Để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường thế giới, Trung Quốc đánh cắp công nghệ, xâm nhập an ninh quốc gia ở mọi mặt, và dùng chiến lược một vành đai một con đường, cho vay với điều kiện sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc và công nhân Trung Quốc, và khi mất khả năng trả nợ giá phải trả là chuyển giao sở hữu cho họ. Tất cả có thể vì Trung Quốc sẵn sàng bằng mọi cách để đạt mục tiêu.

Cho đến nay, Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài mà gần như không quan tâm là các dự án đó chỉ dùng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, và lao động không chuyên giá rẻ làm hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước khác. Và cũng chẳng mấy quan tâm đến vốn đi từ đâu, mà thực chất một phần không nhỏ là mượn từ ngân hàng Việt Nam. Mới đây, để đối phó tranh chấp thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã lợi dụng những kẻ hám tiền để đội lốt hàng 

Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ. Nhưng với luật pháp hiện hành của chính mình, Việt Nam có thể dùng để chận đứng hành động này và cũng có thể tự chuyển hướng chiến lược phát triển với tỷ lệ nội hóa cao.

Chiến lược đó là chỉ thu hút đầu tư nước ngoài với công nghệ cao hoặc đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa cao, ít nhất là 40%, và tỷ lệ nội địa hóa này dựa trên giá tính theo phương pháp kế toán chi phí bình quân (average cost pricing) của hệ thống kế toán quốc tế GAAP, tức là bao gồm toàn bộ chi phí nguyên vật liệu và dịch vụ, lao động, khấu hao và lợi nhuận dự kiến. Tác giả đã viết về vấn đề này trong bài Một đề nghị về định hướng lại chính sách công nghiệp hóa đăng trên TBKTSG số ra ngày 10/07/2019.

rcep2

Việt Nam hiện nay chỉ là bàn đạp cho nước khác làm hàng xuất khẩu xâm nhập vào Mỹ và các nước khác với chính nguyên liệu cao cấp phải nhập từ chính quốc. Điều này phản ánh trong bảng 1 qua thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc rất lớn vì phải nhập hàng để gia công xuất khẩu. Với Trung Quốc, Việt Nam thâm hụt 23-32 tỉ đô la Mỹ một năm.

Với Hàn Quốc, xuất siêu của Việt Nam năm 2010 đã biến thành nhập siêu cực lớn, lên tới 30 tỉ đô la Mỹ một năm. Xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ đã lên 40 tỉ đô la Mỹ, còn xuất siêu với EU trên 30 tỉ đô la Mỹ. Nhưng thực chất đây là xuất siêu của Trung Quốc và Hàn Quốc. Chính vì thế Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ lên tiếng đòi hỏi Việt Nam tăng nhập từ Mỹ để giảm xuất siêu với họ : điều Việt Nam không thể thực hiện.

Việt Nam và RCEP

Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại (bảng 2), vậy tại sao lại cần bàn đến hiệp định RCEP ? Đó là vì nó là hiệp định liên quan đến quan hệ kinh tế một cách toàn diện, trong đó có Trung Quốc.

Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) gọi tắt là RCEP khác hẳn các hiệp định mà ASEAN ký với từng nước khác (gọi là AFTA). AFTA chỉ liên quan đến thuế xuất nhập khẩu. Nhưng RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ bán hàng điện tử với các nước thành viên trong đó có Trung Quốc. Hiện nay nội dung chưa được tiết lộ, nhưng theo báo chí, hiệp định nhằm :

- Xóa bỏ các hạn chế định lượng và phi thuế quan.

- Xóa bỏ hay giảm mạnh thuế quan giữa các nước thành viên nhưng có đặt vấn đề quan tâm đặc biệt đối với các nước kém phát triển nhất trong nhóm.

- Xóa bỏ hạn chế về thương mại dịch vụ, kể cả tài chính và viễn thông, bán hàng điện tử, và dịch vụ chuyên môn (bỏ phân biệt đối xử giữa đơn vị trong và ngoài nước).

RCEP đang được 15 nước thương thảo, trong đó có Trung Quốc, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN (cho đến đầu tháng 11/2019 còn có cả Ấn Độ).

rcep3

Quan hệ giữa Việt Nam với 15 nước đang thương thảo RCEP được phản ánh trong bảng 1, cho thấy vai trò không mấy sáng sủa của Việt Nam như đã được nói đến ở trên. Vậy thì có phải nó sẽ luật hóa tình trạng quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác, trên cơ sở Việt Nam chỉ là bàn đạp ?

Là hiệp định quốc tế, Việt Nam phải tuân thủ các điều khoản đã ký, vì vậy đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản đang được bàn, và như đã nói, các điều khoản phải bảo đảm giúp Việt Nam thực hiện ba điều : (1) một chiến lược mới về công nghiệp mang tính hiện đại hóa, và như thế cần đòi hỏi hiệp định có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đối với đầu tư trực tiếp cũng như nhập khẩu, (2) chống bán phá giá (dumping) và (3) quan trọng nhất, là hạn chế sự tham gia vào một số hoạt động kinh tế và địa phương nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Đây là hiệp định mà Trung Quốc là nước cổ vũ mạnh mẽ nhằm đối trọng với TPP (hiện nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) không có Trung Quốc và giúp nước này mở rộng tầm ảnh hưởng với kinh tế các nước ASEAN trong chiến lược Một vành đai, một con đường của họ. Rất tiếc là Mỹ đã rút khỏi TPP.

Với những nước cần mua hàng rẻ của Trung Quốc và xâm nhập vào thị trường lớn của nước này, như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì hiệp định rất có lợi. Nhưng với các nước cùng cạnh tranh hàng công nghiệp rẻ tiền với Trung Quốc thì có thể bất lợi.

Nhận ra điều này, Ấn Độ vừa quyết định rút lui khỏi đàm phán vì muốn bảo vệ thị trường nội địa. Lý do là Ấn Độ hiện nay có thâm hụt lớn với các nước trong RCEP (105 tỉ đô la Mỹ) trong đó có 54 tỉ đô la Mỹ với Trung Quốc cho nên càng lo ngại những vấn đề sau :

- Hàng hóa công nghiệp rẻ tiền của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường, tàn phá công nghiệp nhỏ.

- Hàng nông nghiệp của New Zealand và Úc sẽ làm phá sản nông dân Ấn Độ.

- Chấm dứt việc Ấn Độ sản xuất và cung cấp thuốc đã qua thời kỳ được bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Việt Nam không thể không giao tiếp với Trung Quốc và một hiệp định đa phương với sự có mặt của nhiều nền kinh tế quan trọng cũng là điểm lợi giúp bảo đảm tránh việc bị chèn ép.

Vấn đề chính là phải xem xét kỹ lưỡng các điều khoản của RCEP và Chính phủ đến lúc nào đó cần công bố để nhân dân và Quốc hội thảo luận.

Vũ Quang Việt

Nguồn : TBKTSG, 27/11/2019

Bảng 2. Một số hiệp định thương mại đa phương Việt Nam tham gia

Có một số hiệp định đa phương quan trọng đã có hiệu lực hoặc vừa ký kết, rất có lợi cho Việt Nam như :

1. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết

Chỉ gồm Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), do đó tránh thương thảo với từng nước EU. Có lẽ đây là hiệp định có lợi nhất cho Việt Nam :

- Hiệp định sẽ xóa bỏ 99% thuế nhập khẩu, trong đó đưa thuế xe hơi, thuốc, rượu vang bằng 0% trong bảy năm.

- Bảo vệ lao động theo đúng điều khoản của ILO.

- Mở cửa thị trường dịch vụ và cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho khu vực công.

2. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP/TPP) đã có hiệu lực

Hiệp định này có điều khoản bảo vệ quyền lao động, bảo vệ môi trường để bảo đảm rằng các nước nghèo không thể bóc lột lao động, tàn phá môi trường để xuất khẩu và có cơ chế chặt chẽ hơn trong việc giải quyết tranh chấp. Hiệp định rõ ràng tạo lợi ích cho Việt Nam vì có thể trao đổi với các nước tiên tiến hơn.

Việc mở cửa thị trường không bị đe dọa bởi sự xâm nhập mang tính phá hoại về kinh tế và những vấn đề khác như với Trung Quốc.

3. Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã có hiệu lực

Hiệp định này không tạo ra chuẩn mực giống nhau về thuế xuất nhập khẩu giữa ASEAN với các nước khác, nhưng giữa các nước trong khối với nhau, thuế xuất sẽ là 0-5% tùy loại hàng hóa. Để hưởng thuế xuất ưu đãi này, 40% giá trị sản xuất phải xuất phát từ khu vực.

Từ năm 2015, mọi nước thành viên đều phải áp dụng vì không còn khoản ưu đãi cho thành viên mới như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. ASEAN sau đó cũng mở rộng hiệp định thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, với Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc... Các hiệp định loại này không bao gồm điều khoản nào về đầu tư trực tiếp hay gián tiếp.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Quang Việt
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)