Mẹ Hồ Duy Hải mong đón con trai về trước Tết Canh Tý 2020
Ben Ngô, RFA, 02/12/2019
Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về hành trình 12 năm kêu oan ròng rã "nước mắt cạn khô" và bày tỏ mong muốn được đón con trai về nhà trước Tết Canh Tý 2020.
Hình minh họa : Tử tù Hồ Duy Hải tại tòa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải - Courtesy of FB, RFA edit
Sau 12 năm kêu oan, tử tù Hồ Duy Hải, người bị kết tội giết người và cướp tài sản vừa có thêm một cơ hội sống khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30/11.
Theo truyền thông trong nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, để nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Tòa án Nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thảm Tòa án Nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào năm 2011.
Trả lời RFA hôm 2/12, bà Nguyễn Thị Loan nói về cảm giác khi được tin về bản kháng nghị :
"Tôi rất vui mừng vì cái giám đốc thẩm này tôi đã chờ đợi xuyên suốt 12 năm qua. Tôi vui và cũng biết ơn tất cả mọi người trong và ngoài nước đã trợ giúp tôi một đoạn đường dài như vậy mới được ngày hôm nay. Không có nỗi vui mừng nào mà tả nổi hết".
"Gia đình tôi đã đi đòi công lý suốt 12 năm qua, coi như là nước mắt cạn khô rồi, tiền bạc đất đai nhà cửa thì không nói. Bây giờ là không mong gì, chỉ mong có bảy chữ thôi, ‘yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm’ mà hôm nay mới được. Xin nói là hôm nay tôi mới được toại nguyện".
Bà Nguyễn Thị Loan nói là bà đang chuẩn bị đi qua trại giam Công an tỉnh Long An "xin cho con trai được tại ngoại vì đã có kháng nghị giám đốc thẩm thì con trai tôi vô tội hoàn toàn" và "nay mai phải trả tự do cho con trai tôi".
Bà Loan kể về lần gần nhất đi thăm anh Hồ Duy Hải, người bị giam từ năm 23 tuổi và nay đã 35 tuổi :
"Lần gần nhất là hôm 14/10 là tôi gặp con trai tôi. Còn vừa qua là hôm 29/11 thì tôi chỉ được gửi đồ ăn thôi. Từ ngày hoãn thi hành án đến giờ thì con tôi ốm lắm. Nó đi như một ông già… Nhắc tới là tôi đau dữ lắm, không thể nào mà… Tưởng tượng mà tôi nằm nghĩ con tôi chờ đợi đã quá mỏi mòn rồi. Bản thân mình bị oan sai mà bị giam cầm trong chốn lao tù, bóng tối nhà giam. Tôi thì không thấy được cái phòng con tôi bị giam nhưng mà tôi tưởng tượng không có nỗi đau nào mà tả nổi đau trong trại giam".
Đề cập về hành trình kêu oan cho con, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ rằng "có những lúc mệt mỏi chứ không bao giờ muốn bỏ cuộc" và những lúc bà bị bệnh thì "đều cố gắng vượt qua, để mau hết bệnh, tới ngày đi Hà Nội tới chỗ Phủ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội dùng hết sức lực la lên, hy vọng rằng tiếng nói của tôi được lên camera, chứ còn đơn đã gửi trên 2.000 bộ mà không thấy sự phản hồi nào".
"Phải thả con trai tôi về thôi trong năm 2019 thôi. Cái bức xúc của tôi. Tôi thay vào đó là sự căm hờn và oán hận. Xin phép mọi người hiểu cái nỗi lòng của người mẹ là tại sao tôi phải nói những câu đó, quá khổ rồi. Tới một ngày tôi ra ngoài trời, la lên ‘ông Trời ơi, đừng bất công với gia đình tôi nữa, gia đình tôi khổ như vầy là đủ lắm rồi !’
Kể về mối cơ duyên nhận được sự giúp đỡ của bà Trần Thị Nga, tức blogger Thúy Nga, người hiện đang thi hành án 9 năm tù với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’, bà Nguyễn Thị Loan nói :
"Trước ngày hoãn thi hành án, tôi chạy ra Hà Nội cùng với chị tôi. Tình cờ gặp qua cô Thúy Nga này. Lúc đó tôi đang la lên. Cô ấy đi ngoài đường thấy và chạy lại hỏi ‘vụ gì mà bác bức xúc như vậy'. Vô tình mà cô ấy đi qua đi lại. Cô ấy không biết tôi là ai mà tôi cũng không biết cô ấy là ai. Lúc đó cô ấy nói ‘thôi bác bình tĩnh, để con hướng dẫn bác qua tòa, rồi bác nói, chứ giờ bác đứng đây bác la mà chủ tịch Quốc hội đâu có ở đây, người ta ở trên lầu, trên cao mà bác đứng đây bác la thì có ai nghe đâu. Cô Thúy Nga giúp đỡ tôi qua tòa, cất tiếng nói lên bác chánh tòa…".
Bà Nguyễn Thị Loan cũng kể thêm về một "người ơn" khác là bà Lê Thị Nga, thời điểm mấy năm trước là phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội :
"Hoãn thi hành án xong, trong vòng mấy ngày đó thì có một cuộc điện thoại. Chị tôi không biết là ai. Người đó nói là ‘bà không cần biết tôi là ai, bà đi về trong Nam đi, sẽ có người giải quyết cho cháu bà dừng thi hành án lại. Hai chị em tôi mới vừa về, chưa kịp mừng cái sáng bữa sau có tin thi hành án con trai tôi. Tôi mới nói ‘chuyện gì mà kỳ cục vậy'. Cái có cú điện thoại hỏi ‘giờ thi hành án con bà, bà nghĩ sao ?’. Tôi mới nói ‘nghĩ gì, bây giờ tính diệt con tôi giết người diệt khẩu hoặc bịt đầu mối, giờ tôi sẽ không tin ai hết, tôi sẽ ra Hà Nội gặp lãnh đạo cấp lớn nhất ở trung ương để hỏi tại sao con tôi bị oan mà sao lại bị giết".
"Cô Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội vào giám sát ở tỉnh Long An. Cô đã gặp con trai tôi và gọi kêu gia đình tôi đến gặp ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chỗ nhà khách lãnh đạo. Cô rất là có tâm, nói là đã làm việc với hai luật sư của gia đình tôi rồi, luật sư Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong, trong ba ngày khác nhau. Khi sắp về thì cô mới nói là hai bà cho tôi hỏi về quá trình Hồ Duy Hải từ nhỏ đến lớn rồi cho chúng tôi ra về".
Bà Nguyễn Thị Loan nói bà "tâm đắc có một đại biểu như bà Lê Thị Nga" và vui mừng khi nghe bà Nga lên làm chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội vì bà Nga "rất có tâm, lên nắm quyền, soi xét người dân như là dân oan Hồ Duy Hải".
Bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ thêm rằng bà đang ngóng đợi ngày về của con trai :
"Tôi rất là hy vọng vì tôi nghĩ là một khi mà trung ương đã chỉ đạo, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nhận thấy con tôi oan, cho kháng nghị giám đốc thẩm, thì chuyện thả con tôi về, quý ông quý bà ngoài đó [Hà Nội] cũng phải giải quyết cho con tôi về trong năm 2019 Kỷ Hợi này".
"Nguyện vọng của tôi là, tôi nghĩ là cái tâm của quý ngài đã biết đến cái sự oan của Hồ Duy Hải thì thả về thôi, con tôi quá bị oan rồi mà cứ giam cầm ở trong đó đâu có được. Mà năm nay tôi nói là tôi chỉ chịu đựng được hết năm 2019 Kỷ Hợi này thôi. Con tôi mà cứ bị giam hoài như vậy là tôi không thể nào chịu nổi. Quá sức chịu đựng của tôi rồi. Tôi xin nói như vầy, cơ quan nào làm sai thì cứ nhận đi. Riêng còn gia đình tôi thì cũng không biết quy trách nhiệm về ai hết, miễn là nhận làm sai thì thả Hồ Duy Hải con trai tôi về thôi chứ bây giờ con tôi oan mà cứ nhốt trong đó hoài. Tôi không chịu. Để sang năm 2020 là tôi khổ lắm đó. Tôi nhớ con tôi nhiều lắm luôn, tôi sẽ không chịu nổi đâu".
Trong quyết định kháng nghị mới nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ ra một loạt các sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng như : bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai làm trong giải quyết vụ án.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008, Hồ Duy Hải đã không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ tài liệu chưa đầy đủ ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn chưa được làm rõ.
Vụ án Hồ Duy Hải được coi là một trong những vụ được chú ý nhiều nhất trong các năm qua tại Việt Nam và khiến quốc tế phải lên tiếng.
Theo nội dung vụ án, Hồ Duy Hải quen biết với hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An vào năm 2007. Sáng ngày 14/1/2008, người ta phát hiện hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó ở tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 2008 và 2009 đều xác định Hải, lúc đó mới 23 tuổi, đã "giết người" và "cướp tài sản", và tuyên án tử hình.
Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đã đi kêu oan cho con ở khắp nơi nhiều năm ròng rã.
Hồi tháng trước, Ân xá Quốc tế Na Uy đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng Bí Thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hủy bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Trước đó, vào tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.
Năm 2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.
Trước đó, vào tháng 12/2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.
Ben Ngô
Nguồn : RFA, 02/12/2019
Link video bà Nguyễn Thị Loan trên trang Chuyện Của Thịnh
*********************
Tử tù Hồ Duy Hải được đình chỉ thi hành án, chờ điều tra lại
VOA, 02/12/2019
Sau hơn 10 năm "kêu oan" cho tử tù Hồ Duy Hải, cuối cùng gia đình cũng nhận được thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hôm 2/12 về việc đình chỉ thi hành án và hủy toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại.
Hồ Duy Hải tại phiên tòa thúc thẩm năm 2009 và Thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 28/11/2019. Photo by Facebook and Nguyen Thi Loan
Từ Long An, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, cho VOA biết rằng bà nhận được thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sáng ngày 2/12 :
"Sáng nay tôi mới nhận được một văn bản trong đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo hủy hai bản án sơ thẩm (2008) và phúc thẩm (2009) đối với Hồ Duy Hải".
"Tôi rất mừng vì các cơ quan có thẩm quyền đã biết thừa nhận rằng cấp dưới của họ đã làm sai và đưa ra văn bản đề nghị xử giám đốc thẩm đối với Hồ Duy Hải", bà Loan nói thêm.
Hồ Duy Hải bị bắt vào tháng 3/2008 và vào tháng 12/2008 bị kết án tử hình vì bị buộc tội giết người và cướp tài sản. Năm 2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam kêu gọi xem xét lại vụ việc sau khi phát hiện bản án có sai sót trong quá trình tố tụng.
Ngày 7/12/2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An kiến nghị thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An cần được phê duyệt ở cấp trung ương mới có thể tiến hành.
Hơn 10 năm qua, gia đình của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan, kể cả trong nước và quốc tế.
Bà Loan cho biết :
"Đoạn đường tôi đi kêu oan cũng nhờ sự ủng hộ của mọi người, trong cũng như ngoài nước tác động vào. Tôi có sang Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Ân xá Quốc tế ở Thái Lan năm 2017".
Vụ án tử tù Hồ Duy Hải phạm hai tội giết người và cướp tài sản đã kéo dài 12 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều.
Hôm 24/10, Ân xá Quốc tế cho biết, hơn 25 ngàn người từ Na Uy đã ký trong một thỉnh nguyện thư gửi đến Tổng bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hủy bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Vào tháng 3 năm ngoái, tổ chức này kêu gọi Việt Nam hành động khẩn cấp và hủy bỏ án tử hình cho Hồ Duy Hải, cho rằng bản án tử hình đối với tử tù này "không đạt tiêu chuẩn quốc tế về việc xét xử công bằng".
Vào tháng 12/2014, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang cũng đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với bị cáo Hải.
Các nhà quan sát ở trong nước nhận định rằng việc hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải là việc cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam phải có một trình tự tố tụng đảm bảo không lặp lại sai lầm, án oan sai.
****************
Việt Nam : Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu hủy án tử hình ông Hồ Duy Hải
Trọng Thành, RFI, 02/12/2019
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam hôm 30/11/2019 ban hành quyết định "kháng nghị giám đốc thẩm", trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, đề nghị Tòa Án Tối Cao hủy toàn bộ bản án, và điều tra lại.
Hồ Duy Hải. Ảnh của Ân Xá Quốc Tế@Amnesty International Australia
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Đây là cơ sở để định chế tư pháp này yêu cầu hủy các bản án đối với bị cáo, bị kết án tử hình với cáo buộc sát hại hai nhân viên bưu điện, cách nay hơn 10 năm.
Từng suýt bị thi hành án, ông Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, bị giam giữ suốt 10 năm qua), chỉ thoát chết nhờ lệnh tạm hoãn "thi hành án" của chủ tịch Nước vào phút chót. Vụ Hồ Duy Hải được công luận trong và ngoài nước rất chú ý. Hồi tháng trước, Ân Xá Quốc Tế Na Uy đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước, với chữ ký của 25.000 người, yêu cầu điều tra lại bản án bất công.
Trên các mạng xã hội, có nhiều thông tin về việc ông Hồ Duy Hải là người bị thế mạng cho hung thủ thực sự, là thân nhân của quan chức cao cấp. Nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ án ông Hồ Duy Hải - với các sai phạm rõ ràng trong điều tra, và cho dù hồ sơ đã được chuyển lên cấp cao nhất, nhưng việc xem xét lại vẫn bị trì hoãn - đã phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam, nơi người dân thấp cổ bé họng dễ dàng bị những người có chức quyền chà đạp.
Trả lời RFI Tiếng Việt, luật sư Trần Văn Tạo (từ Sài Gòn) nhận định :
"Cái phản ứng của cơ quan tư pháp, chỗ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thể hiện rõ thái độ là vụ án này có những uẩn khúc, bây giờ phải được làm rõ. Người ta đã kháng nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa Án Tối Cao xem xét lại. Bây giờ cũng phải còn một bước nữa là Tòa Án Tối Cao sẽ mở phiên xử để kết luận xem có đồng ý với thái độ của Viện Kiểm Sát hay không. Còn cái bước đó nữa, chứ chưa phải là chấm dứt đâu…
Tôi không phải là luật sư bào chữa cho anh Hải. Trong giai đoạn anh Hải chuẩn bị đưa ra tử hình, tôi mới được biết có vụ án như vậy. Và tôi thấy, khi đọc hồ sơ, có những dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự, cho nên tôi mới đặt vấn đề. Vì dù cho như thế nào chăng nữa, khi xử lý phải thật là đúng… cho nên tôi mới đặt vấn đề cho các anh trong lãnh đạo. Và khi đặt vấn đề thì các anh cũng đã có thái độ rõ ràng là cho xem xét lại. Quá trình xem xét thì phải nói là các cấp, các ngành tư pháp đã tham gia tích cực để làm cho rõ. Thái độ chung, mà khi có những chuyện không rõ ràng, thì phải xem xét lại. Tôi cho là thái độ tốt".
Theo báo chí trong nước, luật sư Trần Văn Tạo, nguyên phó giám đốc sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, chính là người đã gửi thư đến chủ tịch Nước hồi năm 2014, đề nghị xem xét lại bản án ông Hồ Duy Hải, đúng một hôm trước ngày dự kiến "thi hành án". Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch Nước vào thời điểm đó, đã ra lệnh đình chỉ thi hành án (1).
Vụ án ông Hồ Duy Hải dường như rơi vào bế tắc từ năm 2015. Tháng 3/2015, lãnh đạo Liên ngành của bộ Công An, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, đã họp để có câu trả lời với chủ tịch Nước và đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết luận đưa ra vào thời điểm đó là những vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra "không làm thay đổi bản chất vụ án". Kể từ đó đến nay, người tử tù sống trong nỗi sợ hành quyết.
Trọng Thành
(1) Xem bài : "Thoát án tử hình trong gang tấc", báo Lao Động, ngày 21/06/2018.