Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/12/2019

Vụ Hồ Duy Hải : nhiều bí mật bị bật mí

Nhiều tác giả

'Không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ Hồ Duy Hải'

Trần Hồng Phong & Mỹ Hằng, BBC, 05/12/2019

Luật sư của tử tù Hồ Duy Hải, ông Trần Hồng Phong, phân tích lý do vì sao vụ án kéo dài 12 năm rồi thình lình được yêu cầu điều tra lại từ đầu.

tuhinh1

Hồ Duy Hải những năm tháng thanh xuân trước khi bị bắt

Vụ án bắt đầu cách đây 12 năm, qua nhiều lần xét xử, thu hút sự chú ý công luận trong nước và quốc tế, với mẹ của bị cáo nhiều năm đi khắp nơi kêu oan cho con, mãi tới 30/11/2019 mới được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.

tuhinh2

Luật sư Trần Hồng Phong

Trao đổi với BBC News tiếng Việt qua email hôm 4/11, luật sư Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, cho hay :

"Quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi. Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải".

Tôi cho rằng việc vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm là sự tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân : trước hết là áp lực từ cộng đồng mạng xã hội, cơ quan báo chí, gia đình Hồ Duy Hải, và các luật sư (qua đơn từ) - mong muốn một sự công bằng, tiệm cận công lý ; từ các văn bản lưu ý của các tổ chức quốc tế, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc. Có người nói với tôi rằng thậm chí có thể từ sự cạnh tranh chính trị của các quan chức cấp cao và tôi không loại trừ khả năng này. Bất luận thế nào, thì việc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là một tin vui.

BBC : Báo chí gần đây đưa tin là quá trình xét xử vụ án Hồ Duy Hải có quá nhiều thiếu sót và khúc mắc. Ông nhận định gì về thông tin này ?

Trần Hồng Phong : Đúng từ mà nói, thì đó là sự "vi phạm" và "sai phạm" một cách cố ý của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án. Nói "thiếu sót" là quá nhẹ và không đúng về bản chất. Bản thân gia đình Hồ Duy Hải và tôi đã gửi đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.

Thực ra thông tin trên báo chí về những sai phạm và vi phạm trong vụ án này đã từng được đăng tải rất nhiều vào thời điểm cuối năm 2014 đầu năm 2015, khi Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình một cách ngoạn mục và may mắn.

Nhưng sau đó sự việc gần như bị "chìm xuồng" khi các cơ quan có thẩm quyền không có động thái nào. Điều này đã thúc đẩy gia đình Hồ Duy Hải và các luật sư phải rất kiên trì và cương quyết trong quá trình kêu oan cho Hồ Duy Hải. Tôi nghĩ rằng với quyết định kháng nghị lần này, báo chí tại Việt Nam chắc chắn sẽ đưa tin và phân tích nhiều về vụ án này một lần nữa. Vài ngày qua tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi, liên hệ của các phóng viên. Gia đình Hồ Duy Hải cũng vậy.

BBC : Việc tiếp theo của cơ quan tố tụng cần làm là gì, theo ông ?

Trần Hồng Phong : Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam, sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, trong thời hạn bốn tháng, Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tổ chức một phiên tòa gọi là "phiên tòa giám đốc thẩm" để xem xét các vấn đề và yêu cầu nêu trong quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét toàn diện vụ án mà không bị hạn chế trong phạm vi nào. Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra quyết định của mình bằng hình thức bỏ phiếu, thể hiện tại một văn bản gọi là Quyết định giám đốc thẩm. Phiên tòa giám đốc thẩm có sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cũng có thể họ sẽ mời luật sư bào chữa tham gia.

tuhinh3

Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

Trong Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán giám đốc thẩm, sẽ thể hiện nội dung chấp nhận hoặc không chấm nhận quyết định kháng nghị (yêu cầu) của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nếu chấp nhận kháng nghị, tức là sẽ chính thức hủy cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải và trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, theo hướng khắc phục những sai sót, vi phạm trước đây.

Theo tôi khả năng này cao và trong tình huống này Hồ Duy Hải sẽ lại trở thành một "bị can" chứ không là "tội phạm" như hiện nay nữa.

Trong quá trình điều tra lại, nếu không có đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Tức là Hồ Duy Hải sẽ được tuyên bố là không phạm tội. Còn nếu vẫn kết tội thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử lại, từ sơ thẩm, rồi phúc thẩm.

Nói chung phía trước vẫn còn cả một chặng đường khá dài với nhiều khả năng, tình huống.

BBC : Vậy thì dự tính của gia đình và của luật sư cho những bước pháp lý kế tiếp là gì ?

Trần Hồng Phong : Trước hết là phải chờ kết quả của phiên tòa giám đốc sắp tới. Từ đó mới có những bước đi cụ thể tiếp theo. Nếu Hồ Duy Hải tiếp tục bị truy tố sau khi điều tra lại, thì tôi và các luật sư đồng nghiệp sẽ nghiên cứu hồ sơ theo kết quả điều tra mới để bào chữa cho Hồ Duy Hải tại các phiên tòa xét xử.

Tôi cũng sẵn sàng cho tình huống có thể được mời tham dự phiên tòa giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, tôi sẽ trình bày và bảo vệ quan điểm kêu oan (đã nêu trong các lá đơn) cho Hồ Duy Hải.

Cá nhân tôi cũng đã dự liệu các tình huống có thể xảy ra và hướng "ứng phó". Cụ thể như thế nào thì đây là vấn đề mang tính chiến thuật, linh hoạt và cũng cần bảo mật để bảo đảm sự hiệu quả. Tuy nhiên dù thế nào, thì cũng không ngoài mục tiêu là chứng minh và bảo vệ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải, chứng minh khả năng Hồ Duy Hải vô tội (tức là đã bị kết án oan). Cố gắng tìm ra hay tiếp cận sự thật khách quan, góp phần tìm ra hung thủ thật sự trong vụ án.

Đối với gia đình Hồ Duy Hải, tôi nghĩ cũng không ngoài lộ trình trên.

tuhinh4

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, trong quá trình đi tìm công lý cho con trai

BBC : Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xẩy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất ?

Trần Hồng Phong : Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu Cơ quan điều tra tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.

BBC : Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không ?

Trần Hồng Phong : Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị.

Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.

Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của Viện Kiểm sát tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.

BBC : Mười hai năm là một chặng đường rất dài. Tại sao phải cần một thời gian dài như thế để giải quyết một vụ án bằng đề nghị điều tra lại từ đầy ? Điều này cho thấy gì về ngành tư pháp của Việt Nam ?

Trần Hồng Phong : Đây là một câu hỏi mà tôi muốn chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tư pháp của Việt Nam. Tôi chỉ nói ngắn gọn là việc để kéo dài quá lâu như vậy là không thể chấp nhận được và cũng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về thời gian giải quyết đơn tố giác cũng như vấn đề trách nhiệm và thực thi trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Vụ án Hồ Duy Hải là một điển hình về thực trạng này.

Là một luật sư đã có gần 20 năm hành nghề, tôi thật sự thấy buồn khi nói về thực trạng của ngành tư pháp Việt Nam lúc này. Nói một cách đơn giản là đã không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, Công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp.

BBC : Qua kinh nghiệm thụ lý hồ sơ của Hồ Duy Hải, luật sư rút ra được kinh nghiệm gì trong việc hành nghề luật trong môi trường pháp lý tại Việt Nam ?

Trần Hồng Phong : Kinh nghiệm trong vụ án Hồ Duy Hải là phải nghiên cứu hồ sơ thật sâu, chịu khó xác minh, điều tra một cách độc lập, tự tin. Và phải bền bỉ, kiên cường. Phải có niềm tin vào công lý, vào pháp luật. Luật sư cũng cần có khả năng viết và phân tích pháp lý tốt.

Kinh nghiệm trong hành nghề luật sư theo tôi là không nên thỏa hiệp với cái sai, cái ác. Dù hành nghề luật sư ở Việt Nam rõ ràng có nhiều hạn chế và thực sự nhiều khi rất khó khăn, khắc nghiệt, vai trò của luật sư trong nhiều trường hợp rất "thảm hại", nhưng tôi nghĩ đã làm nghề thì phải cố gắng thay vì chỉ có than vãn. Nếu làm luật sư mà không có niềm tin, thì làm vì cái gì ?

Diễn tiến vụ án Hồ Duy Hải

Luật sư Trần Hồng Phong tóm lược

Trong đêm ngày 13/1/2008, tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường, Cơ quan điều tra thu được nhiều dấu vân tay của hung thủ. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều nghi can, trong đó có một người tên là Nguyễn Văn Nghị, là người yêu của nạn nhân Hồng. Tuy nhiên sau đó tất cả đều được thả.

Hơn 2 tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải, một thanh niên nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km bị bắt giữ.

Sau đó Hồ Duy Hải bị truy tố và đưa ra xét xử về hai tội "giết người" và "cướp tài sản". Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội giết người.

Theo cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, Hồ Duy Hải đã dùng dao và thớt có tại Bưu điện để sát hại hai cô gái. Thời gian gây án vào lúc 20g30 tối và nhân chứng Đinh Vũ Thường là người đã nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện lúc 19g39 (ngay trước khi gây án). Tuy nhiên tại cả hai phiên xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) Hồ Duy Hải đều kêu oan.

Theo các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, trong đó có tôi, cho rằng việc kết tội Hồ Duy Hải tính đến thời điểm hiện nay là không có căn cứ, có thể dẫn đến oan sai và bỏ lọt tội phạm (hung thủ là người khác). Cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm của Hồ Duy Hải là kết quả giám định dấu vân tay (kết luận dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với vân tay của Hồ Duy Hải). Trong khi điều này cho thấy chắc chắn hung thủ hoặc ít nhất tại hiện trường phải có một người khác. Mặt khác dù quy kết Hải dùng dao và thớt sát hại hai nạn nhân, nhưng khi khám nghiệm hiện trường Cơ quan điều tra không hề thu giữ được tang vật nào như vậy. Mà chỉ sau khi bắt Hải thì cho người ra chợ mua dao và thớt để "minh họa" cho "hành vi phạm tội" của Hải. Ngoài ra còn rất nhiều điểm vô lý và mâu thuẫn khác, cũng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Sau khi bị tuyên án tử hình, trong tù Hải kêu oan, ở ngoài thì mẹ Hải là bà Nguyễn Thị Loan chạy nhờ luật sư làm đơn, kêu oan cho con mình. Trong giai đoạn này có ba luật sư chính là Nguyễn Văn Đạt (cũng là người bào chữa cho Hải tại các phiên xét xử trước đây), tôi và luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh).

Bản thân tôi trong quá trình này đã trực tiếp đi xác minh và gặp nhiều nhân chứng, trong đó có anh Đinh Vũ Thường là người mà Cơ quan điều tra cho rằng đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện. Anh Thường khẳng định mình chỉ nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận dạng. Điều này chứng tỏ Cơ quan điều tra đã bịa đặt ra tình tiết anh Thường nhìn thấy Hồ Duy Hải. Tôi cũng nhận thấy rất bất thường khi toàn bộ những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Nghị đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, chỉ còn đúng một chữ 'Nghị" trong một bản cung. Trong khi đây là nhân vật từng bị xem là nghi can hàng đầu, báo chí đăng rất chi tiết khi vụ án vừa xảy ra.

Theo đó, tôi đã hỗ trợ gia đình Hồ Duy Hải lần lượt làm các đơn đề nghị giám đốc thẩm (từ năm 2011), đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị (từ năm 2015) và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án (từ năm 2017) gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho Hồ Duy Hải. (Ghi chú : để tránh hiểu sai, ngoài tôi, còn có luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm ; và có thể có luật sư nào khác nữa mà tôi không biết).

Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải đã suýt nữa thì bị thi hành án tử hình.

Sau gần 12 năm kiên trì gửi đơn kêu oan cho con, cuối cùng ngày 22/11/2019 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nội dung phân tích lý do dẫn đến kháng nghị giám đốc thẩm hầu như trùng khớp với những phân tích và kiến nghị của các luật sư.

Như vậy, vấn đề pháp lý then chốt trong vụ án này là để kết tội được Hồ Duy Hải, phía Cơ quan điều tra sắp tới đây là giải quyết được những mâu thuẫn nói trên hoặc tìm ra chứng cứ mới chứng minh Hồ Duy Hải hay một ai khác là thủ phạm thật sự. Vì đây là một vụ án giết người nên phải có hung thủ.

Mỹ Hằng thực hiện

Nguồn : BBC, 05/12/2019

********************

Mẹ Hồ Duy Hải : "Từ hiền lành chất phác tôi thành người đàn bà dữ dằn'

Mỹ Hằng, BBC, 04/12/2019

Sau 12 năm kêu oan, mẹ và em gái Hồ Duy Hải vui mừng nhưng còn lo sợ trước kháng nghị của Viện KSND Tối cao.

tuhinh5

Thu Thủy (trái, ngoài cùng, em gái Hồ Duy Hải) và bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) trong quá trình đi tìm công lý cho Hồ Duy Hải

Ngày 30/11/2019, mẹ Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan, quýnh quáng khi nhận được thư từ bưu điện do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi, báo tin vụ án được kháng nghị xóa đi làm lại từ đầu.

Đó là văn bản Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Nói với BBC News tiếng Việt hôm 3/12, bà Loan nói "bà đã chờ đợi quyết định này 12 năm rồi'.

'Tết này Hồ Duy Hải phải trở về nhà'

tuhinh6

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, đã kêu oan cho con suốt 12 năm

"Tôi vui mừng lắm, 12 năm qua tôi chỉ mong có ngày sẽ nhận được kháng nghị này thôi. Một mình tôi kêu oan cho Hồ Duy Hải con tôi thì sẽ không có kết quả như thế này. Tôi muốn gửi lời cám ơn tới rất nhiều người trong và ngoài nước, các đại sứ quán, các tổ chức trên toàn thế giới đã góp tiếng nói để đòi tự do, công lý cho Hồ Duy Hải", bà Nguyễn Thị Loan nói với BBC bằng giọng nghẹn ngào.

"Tết này nhất định Hồ Duy Hải phải trở về nhà. Chừng nào Hải chưa về thì tôi còn đau lắm".

"Tại sao con tôi phải ngồi trong bóng tối lao tù 12 năm nay ? Uẩn khúc lớn nhất chỉ là việc Hải đã trở thành một vật thế thân cho một hung thủ có thế lực vô cùng lớn".

Bà Loan cũng cho biết ngay sau khi nhận được văn bản của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gia đình bà đã tới trại giam Hồ Duy Hải ở tỉnh Long An để xin cho Hải được tại ngoại, nhưng "chỉ gặp trực ban". Người này cho hay sẽ chuyển đơn của gia đình và hẹn giải quyết "trong thời gian sớm nhất".

'Còn lo sợ'

"Vui thì vui lắm nhưng lo thì cũng lo", Thu Thủy, em gái của Hồ Duy Hải, cho BBC News tiếng Việt biết hôm 3/12.

Thủy nói rằng "Do tỉnh Long An làm sai, mà anh Hải đang ở trại giam của tỉnh Long An, nên gia đình rất sợ sẽ có chuyện gì xảy ra với anh Hải trong thời gian này".

"Khi vụ án mới xảy ra, ban đầu họ mời anh Hải lên vì tội khác nhưng lại buộc anh ấy vào tội khác... Uẩn khúc cho vụ việc này là họ không cho đưa ra các chứng cứ ngoại phạm có lợi cho anh Hải, họ nói là những chứng cớ đó "không quan trọng", mà chỉ đưa ra các chứng cứ bất lợi cho anh".

"Không những dư luận và gia đình đều nói Hải là vật thế thân cho hung thử thực sự - người có một thế lực rất mạnh. Họ cố tình muốn thi hành án càng sớm càng tốt"...

"Mong muốn của gia đình tôi bây giờ là tỉnh Long An xét duyệt cho anh Hồ Duy Hải được tại ngoại càng sớm càng tốt. Ngày nào anh Hải còn ở trong tay họ thì gia đình chưa yên tâm", Thu Thủy nói.

Bà Loan, mẹ Hải cũng nói với BBC rằng nếu tòa án Long An làm sai thì sửa sai. Bà không đòi hỏi phải bồi thường gì. Chỉ mong Hải trở về nguyên vẹn, minh mẫn, "như khi mới bị bắt".

Thay đổi vận mệnh cả một gia đình

Theo lời kể của bà Loan, từ 12 năm qua, "từ một bà mẹ thôn quê hiền lành chất phác", bà đã trở thành một người đàn bà "dữ dằn", "lúc nào cũng đi tới đi lui", "bỏ bà mẹ già hơn 90 tuổi ở nhà" đề đi kêu gào công lý cho Hải.

"Mỗi tháng một lần, cứ gom góp đủ tiền là tôi ra Hà Nội. Ai thấy một bà mẹ cầm micro kêu gào trước cổng Phủ Thủ tướng thì chính là tôi. Ngày xưa người ta đánh trống kêu oan thì nay tôi chỉ biết kêu, gào thật to "trả tự do cho Hồ Duy Hải con tôi", "Hồ Duy Hải vô tội"...

"Tôi cứ làm như vậy suốt từ năm 2008 nhưng nào có ai biết, vì lúc đó mạng xã hội còn chưa phát triển như bây giờ".

"Tôi không lo tiền bạc. Đất đai nhà cửa bán đi cũng không sao. Chỉ cần Hồ Duy Hải trở về".

"Đến năm 2014 thì mạng xã hội bắt đầu mạnh. Nhiều người bắt đầu lên tiếng nói giúp gia đình tôi trên mạng, lúc đó những lần đi kêu oan của tôi mới được biết đến".

Bà Loan cho hay phải sáu tháng sau khi Hồ Duy Hải bị giam, gia đình bà mới được vào thăm lần đầu.

"Bây giờ vào thăm thì thường có 10 cán bộ canh chúng tôi. Nhưng trước đây thì có tới mấy chục. Chúng tôi không được nói gì khác ngoài thăm hỏi sức khỏe thông thường".

Hỏi bà Loan về đời sống trong tù của Hải, bà nói bà "chưa từng được biết" vì Hải không được nói điều gì liên quan đến án tù hoặc những thứ liên quan.

"Trước mỗi cuộc thăm gặp, gia đình tôi và Hải đều phải ký vào bản cam kết không nói gì đến vụ án. Họ đe dọa nếu nói ra sẽ Hải sẽ không được gặp người thân nữa. Họ cũng đe dọa, không cho chúng tôi làm đơn kháng cáo".

"Lần mới đây nhất gia đình vào thăm, thấy Hải già đi nhiều lắm. Lúc mới bị bắt Hải mới 23 tuổi, năm nay đã 35 rồi. Bây giờ mới cắt tóc ngắn thì khó thấy, chứ trước tóc dài hơn thì thấy bạc trắng", bà Loan kể.

Hỏi về thông tin trước đây Hồ Duy Hải từng gửi đơn tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xin giảm án do "sau khi giết người thấy hối hận", và "gia đình có người có công với cách mạng", v.v..., bà Loan nói bà chưa từng nhìn thấy hay được biết con bà từng ký vào một tờ đơn nào như vậy.

"Nhưng nếu có thì chắc chắn con tôi đã bị ép ký. Mới đây, nhiều báo chí đã thu thập được thông tin và đăng tải rộng rãi rằng trong số 9 bút lục thì tòa đã bỏ qua một bên 6 bút lục có lợi cho Hồ Duy Hải, chỉ tính đến 3 bút lục bất lợi cho Hồ Duy Hải"...

"Con nằm nghe những hạt mưa ướt lạnh. Con buồn lắm. Con nhớ ngoại, nhớ mẹ nhiều lắm"... Đây là những dòng Hải viết trên một hộp giấy cà phê, con gái tôi đọc được thì nói lại cho tôi nghe"... bà Loan nghẹn ngào kể lại.

Trong khi đó, Thu Thủy, em gái của Hồ Duy Hải, nói với BBC tiếng Việt rằng khi "khi anh Hai bị bắt, tôi còn nhỏ, mới 16 tuổi".

Cô nói mình đã rất sững sờ, buồn và không tin là anh Hải có thể phạm tội giết người.

Rồi suốt những năm tháng tuổi mới lớn, Thủy chứng kiến cảnh mẹ đi kêu gào công lý cho anh và tiếp xúc với các luật sư. Thủy thậm chí đã định nghỉ học để cùng mẹ đi minh oan cho anh. Nhưng nhiều người động viên cô đi học tiếp.

Khi trưởng thành, đi làm, thu nhập được bao nhiêu Thủy cũng vẫn tiếp tục hỗ trợ mẹ trên con đường đi tìm công lý.

Thủy năm nay 28 tuổi, đúc kết quãng đường 12 năm qua bằng câu "Nước Việt Nam mình không có công lý".

Bản án 12 năm 'nhiều sai sót' ?

Truyền thông nhà nước Việt Nam tuần qua liên tiếp đưa thông tin về vụ án Hồ Duy Hải đã kéo dài suốt 12 năm qua, và rằng quá trình tố tụng "có nhiều sai sót", với các tình tiết đáng lưu ý mới được công bố là dấu vết mẫu vân tay tại hiện trường không trùng với vân tay của Hồ Duy Hải, và các hung khí dùng để giết người như cái thớt, con dao, thực chất là đồ mới mua để bổ sung vào hồ sơ vụ án.

Vụ án bắt đầu năm 2008, khi người ta phát hiện hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại tại nơi làm việc.

Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, người lúc đó được xác định là đang nợ tiền cá độ hơn 15 triệu đồng, được xác định là thủ phạm "giết người cướp của", và bị tuyên tử hình.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hải, sau đó đã đi kêu oan cho con ròng rã 12 năm.

Tháng 12/2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.

Năm 2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.

Tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.

Tháng 11/2019, Tổ chức Ân xá Na Uy hồi đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi huỷ bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

*******************

Hồ Duy Hải nhận án tử hình thay cho ai ?

RFA, 03/12/2019

Không chỉ là tin vui của tử tù

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), vào tối ngày 3/12 lên tiếng với RFA về thông tin liên quan diễn tiến mới trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải :

"Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra thông cáo hủy bỏ bản án của Hồ Duy Hải và yêu cầu phải điều tra lại thì đây là một tin hết sức tốt lành. Toàn thể những người làm việc ở Ân xá Quốc tế và tôi tin là những người đã tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi khi nhận được tin này cũng rất vui mừng".

tuhinh7

Tử tù Hồ Duy Hải. Courtesy : Facebook Thu Thủy

Vào hôm 23/10 vừa qua, một bức thư do Tổng thư ký Ân xá quốc tế Nauy-John Peder Egenaes ký tên đính kèm cùng với chữ ký của 25.543 người được gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham gia kêu gọi hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải ; đồng thời kêu gọi một quy trình tái xét xử công bằng cho Hồ Duy Hải.

Thanh niên Hồ Duy Hải bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh "giết người và cướp tài sản" trong vụ án hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại dã man tại nơi làm việc hồi trung tuần tháng 1/2008.

Suốt hơn 11 năm qua tử tù Hồ Duy Hải và gia đình kiên trì kêu oan ở các cấp chính quyền và đại biểu quốc hội. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng kêu gọi Chính quyền tỉnh Long An điều tra lại vụ án vì cho rằng việc xét xử vụ án đã không diễn ra đúng các trình tự pháp luật, và thiếu bằng chứng.

Liên quan thông tin mới nhất về Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại, ông Nguyễn Trường Sơn, đại diện của Ân Xá Quốc tế bày tỏ ông có niềm tin vụ án sẽ được tái xét xử một cách công minh :

"Tôi cho rằng vụ án Hồ Duy Hải đã vượt khỏi biên giới Việt Nam rồi và bây giờ là một vụ án mang tính chất quốc tế, đã bị quốc tế hóa cho nên tôi hy vọng rằng các cấp chính quyền Việt Nam khi tái điều tra cũng như tái xét xử lại vụ án này sẽ phải thực hiện một cách nghiêm minh".

Ngay sau khi truyền thông quốc nội loan tin về diễn tiến mới nhất của vụ án tử tù Hồ Duy Hải, mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ với RFA rằng gia đình đã chờ nhận được kết quả này gần 12 năm qua và bà mong mỏi con trai sẽ được nhanh chóng về nhà đón Tết cổ truyền Canh Tý sau hơn một thập niên xa cách.

Niềm tin chỉ một nửa

Đài RFA ghi nhận bên cạnh vô vàn những chia sẻ niềm vui của cộng đồng cư dân mạng mừng cho Hồ Duy Hải cùng gia đình của anh thì không ít người tỏ ra lo ngại không biết số phận của tử tù Hồ Duy Hải sẽ thế nào. Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA về trường hợp của con trai ông :

"Thật tình mà nói thì Nguyễn Văn Chưởng cũng đã có một kháng nghị của Viện Kiểm sát Tối cao là Kháng nghị số 09 (ban hành ngày 18/04/2011) hủy án phúc thẩm, điều tra xem xét lại vì tỏng vụ án có những tình tiết chưa được làm rõ. Nhưng khi lật hại hồ sơ thì tòa án có làm gì đâu. Họ vẫn y án sơ thẩm".

Ông Nguyễn Trường Chinh nhấn mạnh rằng mỗi vụ án có thể rất khác nhau và trong suốt thời gian đăng đẳng cùng gia đình tử tù Hồ Duy Hải đi kêu oan, ông cho là phân nửa niềm tin về vụ án Hồ Duy Hải được đặt trọn ở quyết định cuối cùng của Tòa án Nhân dân Tối cao.

tuhinh8

Bức thư của Ân xá quốc tế Nauy và chữ ký của hơn 25 ngàn người Nauy kêu gọi Việt Nam hủy án tử hình cho Hồ Duy Hải ký ngày 23/10/19. Courtesy : Facebook of Amnesty International in Southeast Asia

Blogger Nguyễn Lân Thắng, trên tài khoản Facebook đăng tải lời kêu gọi cộng đồng tiếp tục mạnh mẽ đấu tranh cho Hồ Duy Hải vì còn rất gian nan. Tối ngày 3/12, Blogger Nguyễn Lân Thắng giải thích với RFA liên quan lời kêu gọi này :

"Tôi có một suy nghĩ là vụ án Hồ Duy Hải cũng còn rất nhiều các tình tiết phức tạp. Bỏi vì như tôi được biết những dấu hiệu nghi vấn mà các luật sư đã vạch ra trong các hồ sơ trước đây là thủ phạm của vụ án này có lẽ liên quan đến những người rất có thế lực về mặt chính trị ở Việt Nam. Chính vì như vậy mà có thể việc người ta bới lại vụ án Hồ Duy Hải cũng như xóa bỏ bản án để điều tra lại nhằm mục đích đằng sau là phe cánh của nhóm lợi ích ‘đánh nhau’".

Luật sư Phạm Công Út cũng nhắc lại với Đài Á Châu Tự Do về một thông tin rất quan trọng liên quan vụ án tử tù Hồ Duy Hải :

"Luật sư đồng nghiệp của tôi nói rằng họ có một video clip chứng minh người khác là thủ phạm. Như vậy, nếu clip đó có thì nó phải nằm trong một camera an ninh nào đó nhưng đã bị thu giữ. Trong clip đó có thể không phải là Hồ Duy Hải. Tôi cũng đã từng la toáng lên rằng phải đưa cái clip đó ra để minh oan cho một mạng người. Tuy nhiên, vị luật sư đồng nghiệp của tôi nói rằng không thể đưa ra được vì nếu đưa ra thì cứu được một người nhưng sẽ chết nhiều người".

Và còn một thông tin khác mà Luật sư Phạm Công Út cho rằng rất cần thiết được lưu ý :

"Cách đây 4 năm, bà Lê Thị Nga-Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp có làm một văn bản gửi đến các cơ quan chức năng và thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội. Bà Lê Thị Nga kết luận trong văn bản (ghi ngày 10/02/15) rằng không đủ cơ sở để kết tội đối với Hồ Duy Hải và có nhiều yếu tố cho thấy Hồ Duy Hải đang bị oan. Sau đó, văn bản này không được nghe nhắc tới nữa".

Mặc dù vậy, Luật sư Phạm Công Út nói về diễn tiến mới nhất của vụ án Hồ Duy Hải thì :

"Việc kháng nghị tôi cho rằng có sự bật đèn xanh ; chứ nếu không thì Ủy ban Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ không chấp nhận kháng nghị của Việt Kiểm sát Tối cao. Như vậy, nếu có sự bật đèn xanh cho rằng đây là một vụ án oan thì Ủy ban Thẩm phán sẽ chấp nhận kháng nghị và hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm này. Uy tín của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao không phải là đơn giản, tức là kháng nghị để đưa ra báo chí rồi sau đó bị bác, mà chính vì những dấu hiệu đó nên tôi cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát Tối cao sẽ được chấp nhận"

Có thể minh oan cho Hồ Duy Hải ?

Trả lời câu hỏi của RFA trong trường hợp vụ án được "bật đèn xanh" để điều tra và xét xử lại thì cơ hội minh oan cho Hồ Duy Hải sẽ thế nào, Luật sư Phạm Công Út nêu lên quan điểm cá nhân rằng nếu như được tham gia minh oan cho Hồ Duy Hải dù trực tiếp hay gián tiếp thì ông sẽ lật lại các tình tiết quan trọng của vụ án, chẳng hạn như tình tiết về video clip có hình ảnh của hung thủ. Luật sư Phạm Công Út nói :

"Chứng cứ nếu có thì phải xem lại Bưu điện Cầu Voi lúc đó có camera an ninh hay không. Và các dấu vân tay tại hiện trường là hoàn toàn không có dấu vân tay nào của Hồ Duy Hải. Nếu sát thủ giết 2 mạng người bằng dao, bằng thớt thì chắc chắn những vết máu tung tóe hoặc bị cào cấu da thịt thì máu, dấu vân tay của hung thủ sẽ để lại tại hiện trường. Trong khi đó, hiện trường được khám nghiệm và giám định rất kỹ lưỡng mà tại sao không có một vết tích nào của người bị kết án. Đây là quan điểm của tôi, nếu như tôi có cơ hội tham gia minh oan cho Hồ Duy Hải thì không riêng 2 vấn đề đó mà tôi đưa ra hàng loạt, ít nhất là 20 vấn đề".

Thế nhưng, Luật sư Phạm Công Út khẳng định rằng việc điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải sẽ gặp khó khăn rất nhiều do không thể thu thập được bằng chứng khách quan theo trình tự tố tụng hình sự, các mẫu vật tại hiện trường để giám định theo thời gian cũng không còn.

Luật sư Phạm Công Út còn đưa ra mấu chốt của vụ án rằng :

"Theo như thông tin tôi được biết qua báo chí, hay các trang mạng thì hung thủ thật sự hiện nay đang bỏ trốn mà không có lệnh truy nã. Như vậy nhân vật đó hiện nay còn sống hay không hoặc đang ở đâu ? Nếu quay lại để điều tra chứng minh Hồ Duy Hải có thể được minh oan vô tội nhưng thân nhân của 2 nạn nhân trong vụ án sẽ đặt câu hỏi rằng ai là thủ phạm và như thế sẽ rơi vào bế tắc".

Với những phân tích về khía cạnh pháp lý của vụ án tử tù Hồ Duy Hải, Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh trước mắt tạm hiểu là khi Ủy ban Thẩm phán của Tòa án Nhân dân Tối cao chấp nhận kháng nghị thì Hồ Duy Hải không còn bị án tử và dù hành trình minh oan cho Hồ Duy Hải gian nan đến mức nào thì cộng đồng xã hội vẫn đồng hành cùng tử tù Hồ Duy Hải, như lời khẳng định của đại diện Ân xá Quốc tế-ông Nguyễn Trường Sơn, Luật sư Phạm Công Út, Blogger Nguyễn Lân Thắng… rằng không chỉ đấu tranh cho riêng một Hồ Duy Hải mà còn vì các tử tù oan tại Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hồng Phong, Mỹ Hằng, RFA tiếng Việt
Read 676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)