Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2019

Bọn tự nhục

Nguyễn Lân Thắng

Có một lần, khi bàn về chuyện tại sao người Việt cứ phải bỏ xứ ra đi, một bạn hỏi tôi thế này : Anh Thắng, anh giải thích tại sao có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam lập nghiệp, thành công và sống rất thoải mái ? Tôi cho rằng câu hỏi ấy rất đắt, rất đáng để suy ngẫm.

nhuc1

Những người đã dám cả gan bất chấp nhà tù để kêu đòi đất đai, kêu đòi tự do, kêu đòi dân chủ bây giờ... lòng họ đâu có khác gì người xưa ? Bà Trần Thị Nga vẫn ngẩng cao đầu khị bị kết án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế tại địa phương về tội '"tuyện truyền chống Nhà nước".

Cứ đi đến các khu du lịch, địa điểm ăn chơi, khu biệt thự cao cấp, hay các nhà hàng sang trọng, người Việt chúng ta không khó để bắt gặp một tầng lớp người nước ngoài đang sinh sống, định cư một cách rất sung túc ở đây. Thậm chí, có bạn nước ngoài còn làm những video ca ngợi Việt Nam tuyệt vời lắm, Việt Nam đẹp lắm, hãy đến đây tận hưởng cuộc sống ở nơi này...

Trong khi đó, câu chuyện thuyền nhân vẫn vượt biên, câu chuyện 39 người bỏ mạng trong container và nhiều câu chuyện đáng buồn khác chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về hiện tượng người Việt phải bỏ xứ mà đi. Đó là một nghịch lý hết sức đau lòng.

Theo tôi có mấy nguyên nhân tạo ra nghịch lý này. Thứ nhất, đó là do người ngoại quốc có kỹ năng, ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trừ một số ít chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, phần đông người nước ngoài vẫn có thể sống tốt ở Việt Nam là do họ có thể dạy ngoại ngữ.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Go Overseas, một trang thống kê và đánh giá tại Hoa Kỳ cho các chương trình ở nước ngoài, cho thấy Việt Nam là một trong chín quốc gia trên thế giới trả lương cao nhất cho các giáo viên ESL (dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai).

Với số liệu cập nhật cho đến tháng 5 năm 2018, cuộc khảo sát cho thấy giáo viên tiếng Anh nước ngoài có thể kiếm được từ 22,7 triệu đồng đến 45,5 triệu đồng (1.000 đô la đến 2.000 đô la) một tháng ở Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, người nước ngoài đến Việt Nam chỉ cần lôi vốn tiếng mẹ đẻ ra dạy ngoại ngữ thôi là có thể sống tốt ở nơi này, cần gì đâu chuyên môn cao siêu làm gì. Thực tế là có rất nhiều ông bà Tây ba lô, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ gì nhiều, nhưng vẫn sống khoẻ ở Việt Nam. Sau một thời gian vừa đi dạy, vừa làm quen với môi trường văn hóa, thiết lập các kênh quan hệ xã hội tốt, nhiều người có thể tự mở công ty kinh doanh ở Việt Nam. Lấy thêm cô vợ Việt làm trợ thủ nữa thì đừng hỏi tại sao họ lại không thành công, và tại sao đất nước này không đáng yêu cho được ?

Nguyên nhân thứ hai mà tôi muốn nói chính là sự nể nang và yếm thế của người Việt trước người ngoại quốc. Cứ nhìn cái cách cảnh sát giao thông xử lý ra sao với người nước ngoài khi họ vi phạm luật là biết. Chưa kể trong bất kỳ lớp học tiếng Anh hay một nhà hàng, khách sạn, bệnh viện nào đó có người nước ngoài tham gia, người Việt chúng ta tự dưng tươm tướp kéo đến và sẵn sàng trả những mức phí rất cao để trả các dịch vụ họ đưa ra.

Xin nói luôn ở đây là tôi không hề có ý bài xích chuyện người nước ngoài kéo đến Việt Nam sinh sống. Họ, những người ngoại quốc đến Việt Nam này càng nhiều thì sự giao thoa văn hóa, kinh tế ngày càng lớn. Đó là một tiền đề rất tốt để thúc đẩy xã hội ngày càng văn minh hơn, phát triển hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ chuyện này trong bóng đá chẳng hạn. Khi Việt Nam kiên trì trao quyền lãnh đạo cho các huấn luyện viên nước ngoài, đội tuyển quốc gia của chúng ta đã dần thu được kết quả rất tốt trên trường đấu quốc tế.

Trong các lĩnh vực khác, phải nói rằng khi có hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tạo ra vô số thành tựu, cũng như tạo ra một môi trường thách thức mới, để các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phải vươn lên, đổi mới và phát triển. 

Nhưng đáng buồn là không phải tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp. Nào thì Formosa. Nào thì Bauxite Tây Nguyên. Nào thì các nhà máy nhiệt điện khói bụi khắp cả nước. Nào thì hàng trăm dự án khai khoáng, thủy điện, du lịch, sân golf... Rất nhiều các dự án nước ngoài dù có vẻ ngoài rất hoành tráng, nhưng thực chất chúng đang tàn phá đất nước này cả về môi trường, tài nguyên, văn hoá lẫn an ninh lãnh thổ. Nếu nhìn ở khía cạnh này thì chúng ta nên tự hỏi : những người nước ngoài đang khai sáng văn minh hay đang tiếp tay cho quá trình "đổ rác" của thế giới văn minh vào Việt Nam ?

Cái luận điệu Việt Nam tươi đẹp, Việt Nam đáng sống, Việt Nam đáng yêu của một số người nước ngoài còn được một số đông không nhỏ người Việt tung hô và phụ hoạ. Hễ có ai phản đối mặt yếu kém nào đó của Việt Nam thì đám người này còn hung hăng xông vào chửi bới những người đang kêu ca là bọn tự nhục. 

Không nhục sao được khi chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm mà dòng người vượt biên chưa chấm dứt ? Không nhục sao được khi không khí hít vào mũi, nước đổ vào mồm hàng ngày mà chả mấy ai biết sạch bẩn như thế nào ? Không nhục sao được khi sách giáo khoa dạy trẻ con đất nước ta rừng vàng biển bạc mà bây giờ rừng và biển còn lại gì ? Không nhục sao được khi một đất nước có ngàn năm lịch sử chống giặc phương Bắc mà nay bỏ lơ bờ cõi cho giặc thôn tính từng ngày ? Kể ra cả ngày chẳng hết chuyện.

Những vấn đề của đất nước, tôi biết tùy theo góc nhìn thì mỗi người sẽ có cách nhận định khác nhau, tôi không dám phán xét ai. Nhưng nếu bảo những ai lo lắng cho đất nước bây giờ là bọn tự nhục thì xin thưa, chúng ta phải coi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn năm xưa viết Hịch tướng sĩ là dạng người gì đây ? 

Hãy nhớ lại áng văn lịch sử : "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa...". Đó có phải là tự nhục hay không ? Và xin nói rằng những người đã dám cả gan bất chấp nhà tù để kêu đòi đất đai, kêu đòi tự do, kêu đòi dân chủ bây giờ... lòng họ đâu có khác gì người xưa ?

Lịch sử đất nước có lúc thịnh lúc suy. Nhưng thịnh hay suy ấy là do có những con người còn biết nhục mà hành động. Vâng, ai đó có thể chửi tôi là thằng tự nhục, tôi xin nhận điều đó. Nhưng tôi tự hào nhận lấy sự mạt sát ấy bởi biết rằng mình đang nằm trong số ít có giá trị, để thay đổi đất nước này.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 06/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Lân Thắng
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)