Đất nước đi về đâu ?
Viết từ Sài Gòn, RFA, 09/12/2019
Khi bạn đói, thiếu thốn mọi thứ thì bạn không có cơ hội để làm người tử tế nhưng đồng thời bạn cũng không có cơ hội để làm người gian manh. Bởi mọi thứ đều có xúc tác của nó. Người cộng sản khi đói, có vẻ tử tế hơn khi no, dân tộc có chế độ độc tài cộng sản khi đói, có vẻ tử tế hơn khi no. Điều đó không chứng minh được dân tộc tính của bạn là tử tế hay vô lại. Và ngay cả khi bạn no cơm ấm cật, việc bạn cà chớn cũng chưa khẳng định được căn tính của bạn. Bởi điều đó lại nằm ở một thứ hệ thống bên trên hành vi của bạn, nó có tính chất vĩ mô. Việt Nam sẽ đi về đâu với những hình ảnh, những hành trạng mà trong mấy ngày vừa qua khiến cả thế giới phải che mặt ?
Chủ tịch thành phố Hà Nội, nơi đóng đô của chế độ, đã có những phát biểu không phải của một con người có lý trí.
Trong đại hội SEA Games 30 này, hình ảnh các cô gái khỏa thân, hò hét đi bão lại xuất hiện, điều này đáng xấu hổ. Nhưng đáng xấu hổ hơn là hình ảnh Nguyễn Đức Chung, đường đường là một Chủ tịch thành phố Hà Nội, nơi đóng đô của chế độ, đã có những phát biểu không phải của một con người có lý trí. Điều này do đâu ? Và câu chuyện này dự báo điều gì ?
Nếu nhìn một cách tổng quan, dường như không riêng gì Nguyễn Đức Chung có những phát biểu vớ vẩn và có hành trạng bất minh trong vấn đề quản lý nhà nước. Có một thực tế là hầu hết giới cán bộ lãnh đạo nhà nước đều dùng bằng giả và một số nhân vật dính đến trọng án trước khi làm lãnh đạo nhưng sau đó khéo chạy chọt, man trá nên tiếp tục nắm quyền lực. Và đáng sợ nhất là dù có học hay vô học, dù dùng bằng thật hay bằng gải thì giới cán bộ cộng sản đều thụ đắc một cách sâu sắc nền giáo dục cộng sản xã hội chủ nghĩa. Một nền giáo dục mà ở đó chỉ có hai loại kiến thức duy nhất, đó là kiến thức về tự nhiên, kĩ thuật và kiến thức về xã hội. Trong đó, kiến thức xã hội không hề dạy cho con người ý niệm, ý nghĩa nhân quần mà dạy cho con người cách để đạp lên nhau mà đi đến quyền lực. Và, hệ quả của nó là con người trở nên bất chấp mọi thứ, kể cả sinh mạng đồng loại để bước lên vũ đài chính trị.
Ông tổ của chế độ cộng sản Việt Nam, phải nói tới Hồ Chí Minh, ông đóng vai trò là tấm gương lớn, tấm gương sáng cho mọi thế hệ cộng sản noi theo. Nhưng nghiệt nỗi, bản thân ông cũng không tránh khỏi giết người hàng loạt. Một giai đoạn lịch sử đấu tố và cải cách ruộng đất đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng dưới triều đại Hồ Chí Minh đã chứng minh điều này. Và đương nhiên là sau đó Hồ Chí Minh đã khóc sướt mướt. Những giọt nước mắt của ông làm liên tưởng đến những giọt nước mắt của đệ tử hàng thứ ba của ông là Nguyễn Thị Quyết Tâm. Bà này cũng từng vừa phát biểu vừa méo mó khóc trong một phiên họp quốc hội sau khi đẩy hàng trăm người dân Lộc Hưng ra đường, ngoài bà Tâm, Lê Thanh Hải cũng vậy, cũng từng méo mó khóc khi phát biểu. Và Võ Kim Cự cũng từng sụt sùi khóc… Người cộng sản rất giỏi méo khóc sau khi gây ra cái chết hàng loạt hoặc đẩy hàng loạt cuộc đời vào chỗ bế tắc, lầm than. Và, họ có một điểm chung là bất chấp để đạt mục đích.
Lần này, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, đã đưa sự dối trá của mình lên tầm quốc tế. Bởi ở tầm nội địa, ông từng lừa hàng trăm người dân Đồng Tâm để đươc việc, Chung hứa với dân Đồng Tâm rằng sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự với những người đã đấu tranh cho quyền lợi của họ. Thế rồi sau khi mọi chuyện đã ổn, các thanh niên của lực lượng cảnh sát cơ động được người dân thả về một cách lành lặn, câu chuyện đi vào lúc giảm nhiệt thì Chung bất ngờ đưa ra quyết định truy tố hình sự đối với người dân Đồng Tâm. Điều này, ngoài việc chính Chung tự sổ toẹt vào danh dự của mình, Chung cũng ném dơ lên gương mặt chế độ bởi hơn ai hết, Chung đang nắm vị trí lãnh đạo tối cao của một thành phố mà ở đó, mọi cơ quan đầu não, mọi gương mặt lãnh đạo tối cao của quốc gia đều sống và làm việc. Rõ ràng, dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng việc của Chung làm có sự đồng thuận của bề trên, nếu không, cho dù có ăn gan trời Chung cũng không dám lộng quyền, lộng hành và tráo trở với nhân dân như vậy.
Nhưng chuyện Đồng Tâm tuy đánh động dư luận thế giới, nó vẫn là câu chuyện mang tính quốc nội. Lần này, chuyện các chuyên gia Nhật Bản xử lý làm sạch sông Tô Lịch và Chung đã ném cả một túi tráo trở vào các chuyên gia Nhật khi nói rằng họ đã không xin phép Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khi thử nghiệm xử lý sông Tô Lịch. Làm được điều này, xem như Chung ngang nhiên đạp lên mọi thứ giá trị của lương tri và danh dự, nói hàm hồ và xàm xí. Rõ ràng, không thể dùng từ ngữ nào khác đối với Chung ! Và, sự tráo trở của Chung cũng không phải là lập dị trong hệ thống cán bộ. Bởi hiện tại, có thể đi bất kì nơi nào trên đất nước này để bắt gặp loại cán bộ hống hách, láo toét, đạo đức giả, không có lòng tự trọng và hợm hĩnh, gian ác như Chung. Bởi nói không ngoa là tất cả giới cán bộ Việt Nam hiện tại đều là cá mè một lứa, đều được đào tạo ra chung một cái lò và đều coi dân như cỏ rác.
Hơn nữa, khi mà lợi ích nhóm đã bén sâu, mọc bền trong cánh rừng chính trị Việt Nam thì đương nhiên, mọi phát biểu hay mọi sự tráo trở, lộng hành của một quan chức nào đó đều không có tính cá biệt mà nó đóng vai trò phát ngôn của nhóm, nó như một thông điệp về sự cạnh tranh quyền lực và tiền bạc của nhóm gửi cho các nhóm khác để biết rằng "rừng nào cọp nấy", "nước sông không phạm nước giếng" và phần ai nấy ăn, đừng dây vào miếng ăn của người khác mà mang vạ vào thân… Ở các phát biểu tráo trở của các cán bộ lãnh đạo, hoàn toàn không có bóng dáng của lợi ích nhân quần hay quyền lợi nhân dân. Mà nó đóng vai trò đòn răn đe trước các nhóm khác đang chực chờ cướp miềng ăn hoặc một nhóm thiện nguyện nào đó cho không biếu không làm mất đi một cơ hội tham nhũng, đục khoét của nhóm. Trường hợp các chuyên gia xử lý nước của Nhật Bản sẵn sàng đầu tư miễn phí để làm sạch sông Tô Lịch và sau này là hồ Tây khiến cho Chung phải ăn nói hồ đồ, bất chấp, để rồi sau đó, Chung lại một lần nữa nói rằng chỉ đọc nguyên văn báo cáo mà không hiểu gì cả là một điển hình.
Nghĩa là, khi mất miếng ăn, người ta trở nên lồng lộn, hết sáng suốt, có khi mụ mị và tàn nhẫn, tàn ác. Ông bà thường nói "Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu." Lộn gan lên đầu là ám chỉ việc đầu óc trở nên đần độn, không quản lý được hành vì và quên mất mình là ai. Trường hợp Nguyễn Đức Chung ứng với câu ca dao của cổ nhân. Nhưng vấn đề lộn gan lên đầu của một con người vô danh, không chi phối được ai cũng đã đáng sợ, đằng này, một ông lớn lộn gan lên đầu, nhiều ông lớn lộn gan lên đầu trong lúc cái lò chống tham nhũng của ông Tổng Trọng vẫn đang ngùn ngụt lửa thì câu hỏi đặt ra là liệu có thứ tham nhũng thành củi, cũng có thứ tham nhũng được trưng bày thành của quí hay không ? Và, với đà này thì đất nước sẽ về đâu ? Một câu hỏi không lớn trong lúc này bởi hình như, ai cũng có thể manh nha thấy được đích đến của đất nước. Vấn đề là thái độ phản ứng của con người bị chi phối bởi lương tri trong sáng hay lòng tham mù quáng, ngu xuẩn. Có lẽ, lại một lần nữa phải cầu nguyện, nhờ cậy vào anh linh các bậc tổ tiên, ông cha đã dựng nước và giữ nước !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/12/20198 (VietTuSaiGon's blog)
*******************
Không biết ông Nguyễn Đức Chung làm việc kiểu gì ?
Trân Văn, VOA, 09/12/2019
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội lại vừa phủ nhận chính mình thêm một lần nữa ! Nói cách khác, chỉ trong ba ngày, ông Chung có ba tuyên bố mà tự chúng thóa mạ lẫn nhau !
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội - Ảnh minh họa
Hôm thứ sáu – 6 tháng 12, khi tiếp xúc với cử tri sau Kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15, trả lời những chất vấn về xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch, ông Chung tỏ ra hết sức bực bội vì JEBO khoa trương công nghệ nano-bioreactor trong khi đó là thử nghiệm bất hợp pháp (không có giấy phép) và nhấn mạnh, không thể chấp nhận "trò đùa" này (1).
Ngày hôm sau - 7 tháng 12, JEBO gửi kháng thư kèm bằng chứng, chứng minh ông Chung thông tin sai sự thật, việc thử nghiệm công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch đã được báo cáo với cả chính phủ Việt Nam lẫn chính quyền thành phố Hà Nội và chỉ tiến hành khi chính quyền thành phố Hà Nội đồng ý. Ông Chung biện bạch : Tuyên bố của ông hôm 6 tháng 12 là dựa vào báo cáo của thuộc cấp (2) !
Đến thứ hai đầu tuần này - 9 tháng 12, ông Chung lại lên tiếng. Lần này, ông khẳng định : JEBO (Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường của Nhật) không xin phép khi thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Chính quyền thành phố Hà Nội chỉ cho phép JVE (Công ty Cải thiện môi trường Nhật Việt) thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor, chứ không cấp giấy phép cho JEBO làm điều đó (3).
Có một điểm đáng chú ý là trước nay, trong nhận thức của cả báo giới lẫn công chúng, việc thử dùng công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch vẫn được xem như nỗ lực của JEBO thông qua JVE. Ông Chung cũng biết điều đó nên khi tiếp xúc với cử tri vào ngày 6 tháng 12, ông nhắc đến cả JEBO lẫn JVE như một thực thể thống nhất. Giờ, khi cần cũng chính ông chủ động tách thực thể này làm hai !
***
Tô Lịch là một trong những chi lưu của sông Hồng, nối sông Hồng và sông Nhuệ. Do quản trị tồi, sông Tô Lịch đã bị lấp một đoạn nên chỉ còn thông với sông Nhuệ. Những đoạn còn lại, có chỗ trở thành mương, thành cống ngầm, đoạn còn giữ dáng dấp của sông thì ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước đến không khí vì đủ thứ chất thải lưu cữu hàng thế kỷ. Nhắc đến Tô Lịch, thiên hạ liên tưởng ngay đến ô nhiễm.
Cho dù chính quyền thành phố Hà Nội đã cải tạo đoạn sông Tô Lịch may mắn còn hiện hữu, vừa nhằm chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết một đại họa về môi trường, gia tăng khả năng thoát nước cho nội đô, giảm ngập lụt, song vấn nạn nan giải nhất vẫn còn nguyên : Nước sông vẫn đặc quánh, đen thui, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, sông Tô Lịch vẫn là nơi thiên hạ ngán ngại khi phải qua lại…
Khoảng tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam đồng loạt đề cập đến sự kiện, JEBO – JVE tình nguyện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Sau khi JEBO – JVE lắp đặt hệ thống sục khí nano và sử dụng các vật liệu tự nhiên được gọi là bioreactor tại một đoạn sông Tô Lịch, công chúng hết sức hào hứng khi chứng kiến, chỉ trong hai tháng, thông qua kích thích sự phát triển của vi sinh vật, có thể thúc đẩy các chất gây ô nhiễm tự phân hủy, gia tăng lượng vi sinh vật hữu ích giúp sông tự làm sạch...
Khi nước đã trong, mùi hôi đã giảm đáng kể chỉ còn chờ nghiệm thu thì trung tuần tháng 7, Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơn một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nước quá lớn khiến toàn bộ vi sinh vật - có thể giúp JEBO - JVE thành công trong việc thuyết phục cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam giã biệt những loại hóa phẩm tẩy rửa, chuyển qua ứng dụng công nghệ của Nhật, vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường - trôi sạch !
Sự kiện này đã khiến cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội bị chỉ trích kịch liệt. Chẳng riêng công chúng mà báo giới cũng nghi ngờ vụ xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch là để loại bỏ công nghệ nano-bioreactor, giữ thị trường cho những doanh nghiệp chuyên nhập cảng và độc quyền cung ứng các hóa chất tẩy rửa sông rạch, ao hồ bị ô nhiễm. Một trong những doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực này là Công ty Arktic.
Cho đến bây giờ, những thắc mắc về chuyện tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại chọn Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water làm đối tác xử lý ô nhiễm nước ở Hà Nội, rồi ngay sau đó, Công ty Watch Water dành cho Công ty Arktic độc quyền phân phối hóa phẩm RedOxy-3C, giúp Công ty Arktic (vốn vừa mới ra ràng) lãi ròng hàng chục tỉ đồng (?), chưa bao giờ được làm rõ (4) !
Chỉ có thể thấy rất rõ, ông Chung rất khó chịu với JEBO – JVE. Không phải tự nhiên mà ông Chung lên án JEBO – JVE… khoa trương. Rõ ràng thiện cảm, niềm tin mà cả công chúng lẫn báo giới dành cho công nghệ nano-bioreactor đã khiến những nghi vấn về việc chọn – dùng RedOxy-3C một cách vội vàng, bất minh, không có lợi cho cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội.
JEBO – JVE và công nghệ nano-bioreactor không chỉ khiến thiên hạ xôn xao bình phẩm về Công ty Arktic (doanh nghiệp độc quyền nhập và cung cấp hóa phẩm RedOxy-3C) là sản nghiệp của vợ con ông Chung, mà còn là dịp để nhiều người như Tiến sĩ Lương Ngọc Huỳnh thuật lại những chuyện đã từng xảy ra với họ để chứng minh : Hà Nội - thủ đô Việt Nam "có hoàng thành kiên cố, phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận" (5) !
***
Dù gì thì cũng không nên xem những tuyên bố và cách hành xử của chủ tịch một thành phố như Hà Nội là chuyện riêng, chỉ liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung. Phải đặt ông Chung trong tương quan chung. Khi những viên chức cỡ ông Chung mà chỉ như thế và vẫn cứ nhứ thế thì dựa vào đâu để thực thi cam kết "xây dựng một chính phủ hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, một chính phủ có kỷ cương, liêm chính" (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/12/2019
Chú thích :
(5) https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1264418757067624
*******************
Nguyễn Đức Chung phải chịu trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu Hà Nội về vụ làm sạch sông Tô Lịch
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 08/12/2019
Sông Tô Lịch ngày nay bị ô nhiễm trầm trọng. Sau trận lụt lịch sử vào tháng 11 năm 2008, người dân Hà Nội chứng kiến nước sông trong vắt trở lại như xưa. Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài vài tuần và cuối cùng tình trạng ô nhiễm lại "đâu vào đó" và ngày càng tệ hại hơn.
Ông Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc làm sạch sông Tô Lịch vào chiều 2/6. Ảnh : Ngọc Hải. VnExpress
Những hoài nghi xoay quanh việc làm sạch sông Tô Lịch
Ngày 16/5/2019 dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã chính thức được khởi động.
Dự án khởi động chưa được bao lâu, trên báo chí rộ lên thông tin Hà Nội sử dụng hóa chất Redoxy-3C để làm sạch hơn 130 hồ nước tại thủ đô Hà Nội. Nhưng điều đáng chú ý, hóa chất này được biết đã dùng trước đó hai năm, tức từ năm 2017. Tại sao "hiệu quả của Redoxy-3C lại được tung ra vào thời điểm sau khi công nghệ Nano - Bioreactor bắt đầu thực hiện ?
Cũng từ đó, dư luận đầy hoài nghi về loại hóa chất Redoxy-3C được cho là hiệu quả.
Để xóa tan lùm xùm trong dư luận, Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Hà Nội đã ra lệnh cho Thanh tra thành phố [1] thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C vào ngày 30/5/2019.
Bỗng nhiên vào ngày 16/7/2019, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết [2], họ đã gửi công văn tới Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến ngày 17/9/2019 bởi 9/7/2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch, từ đó làm cho toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng đã bị cuốn trôi.
Sau việc xả nước nói trên, cho đến ngày 04/12/2019, kết luận vụ thanh tra về hóa chất Redoxy-3C vẫn chưa được Hà Nội công bố.
Dù đã quá hạn thanh tra gần 5 tháng nhưng Nguyễn An Huy - Chánh thanh tra Hà Nội trả lời rất khiêu khích khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao vẫn chưa đưa ra kết luận [3] : "Quá hạn thì chúng tôi chịu trách nhiệm với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Hiện chưa kết luận. Phóng viên muốn biết nhưng chúng tôi lại có những cái thuộc về bí mật nhà nước, trong hoạt động thanh tra có những cái ràng buộc như thế".
Vẫn "rừng nào cọp nấy"
Giọng điệu trả lời dấm dẳng như Nguyễn An Huy, cho thấy tình trạng "rừng nào cọp nấy" tồn tại hàng chục năm qua không có gì thay đổi trong môi trường pháp luật vẫn vắng bóng như thuở nào !
Song song đó, ngày 6/12/2019 Nguyễn Đức Chung trả lời trước cử tri Hà Nội [4] : "Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế" (!).
Hà Nội - Thủ đô của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - không phải của cá nhân Nguyễn Đức Chung dù đã từng là thiếu tướng - Giám đốc Công An Hà Nội, đương kim Chủ tịch Hà Nội, đương nhiệm vai trò Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII.
Không những lộng ngôn, Nguyễn Đức Chung còn cho rằng phía Nhật Bản khi vào làm sạch sông Tô Lịch đã "không xin phép" và ông ta cũng nhân tiện đó dạy cho JEBO và JVE phải "nghiêm túc rút kinh nghiệm" (?!).
Dường như cảm thấy sự tổn thương nghiêm trọng về nhân phẩm, người Nhật Bản đã : "...chính thức phản bác thông tin sai sự thật [từ Nguyễn Đức Chung] với đầy đủ tài liệu chứng minh [...] đồng thời nhấn mạnh "với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của một người Nhật, chúng tôi thấy cần công bố rõ thông tin chi tiết, tài liệu bằng chứng liên quan để rộng đường dư luận".
Kèm theo thông tin cung cấp, phía Nhật Bản đã trưng ra công văn mang số 142/TB-VP ngày 09/5/2019 do Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hà Nội đồng ý cho phía Nhật Bản thực hiện thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng nguồn kinh phí của họ - báo Thanh Niên đưa tin [5] vào ngày 7/12/2019.
Kết Luận
Khi người Nhật Bản đã dùng tới chữ "trách nhiệm - nhân cách - khí phách", điều đó có nghĩa mức nhẫn nhịn của họ đã đến đỉnh điểm. Cả thế giới không ai xa lạ với tinh thần Samurai - vốn sẵn sàng bảo vệ đến cùng danh dự phẩm giá Con Người - nền tảng văn hóa đã làm nước Nhật phồn thịnh - văn minh như ngày nay !
Vụ làm sạch sông Tô Lịch ngày càng phơi lột cách quản trị của dàn lãnh đạo Hà Nội thật phản khoa học, kém văn minh, vô văn hóa và nghiêm trọng nhất là Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch Hà Nội - Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII đang trực tiếp bôi nhọ uy danh của đảng và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần nghiêm túc xử lý Nguyễn Đức Chung với vai trò "người đứng đầu phải chịu trách nhiệm" theo đúng Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh [6].
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 08/12/2019 (nguyenngocgia's blog)
___________________
[1] https://vnexpress.net/thoi-su/ha-noi-thanh-tra-viec-su-dung-chat-redoxy3c-lam-sach-ho-3931357.html
[4] https://tuoitre.vn/vu-song-to-lich-chu-tich-ha-noi-khong-de-mot-ai-vao-d...
[5] https://thanhnien.vn/thoi-su/jebo-lay-danh-du-khang-dinh-100-chu-tich-ha...
[6] https://dantri.com.vn/dien-dan/phat-huy-vai-tro-nguoi-dung-dau-trong-con...
************************
Lãnh đạo phục vụ cho ai ?
Ngô Trường An, 08/12/2019
Tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản sẵn sàng bỏ ra 100% kinh phí để làm sạch toàn bộ dòng sông Tô Lịch cho Thành phố Hà Nội. Họ không đưa ra bất cứ điều kiện nào khi bỏ ra toàn bộ kinh phí, chỉ yêu cầu chính quyền Thành phố Hà Nội đồng ý cho họ thực hiện dự án.
Nguyễn Đức Chung nói không có công nghệ nào có thể làm sạch dòng sông Tô Lịch - Ảnh minh họa
Thế nhưng, ông chủ tịch Thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung kiên quyết không chấp nhận. Ông tuyên bố : Không có công nghệ nào có thể làm sạch dòng sông Tô Lịch. Và, ông thể hiện sự kiên quyết của mình qua phát biểu trước cử tri : "Không thể để chuyên gia Nhật vào đây làm trò cười cho cả thiên hạ" ?!
Trong khi đó, để làm sạch dòng sông Tô Lịch, chính quyền Hà Nội phải đưa ra phương án là :
– Xây dựng trạm bơm lấy nước ở sông Hồng đưa về hồ Tây với công suất máy cực lớn.
– Xây dựng đường ống có đường kính 1,2m nối từ trạm bơm sông Hồng đến hồ Tây với tổng chiều dài 1.960m
– Mỗi ngày đêm trạm bơm sẽ bơm 134.000m3 nước từ sông Hồng đưa vào hồ Tây, sau đó từ hồ Tây xả ra sông Tô Lịch để làm sạch (1 tháng bơm 26 ngày).
Dự tính ban đầu của đề án này là 150 tỷ đồng. Sau đó, thì trích ngân sách ra hằng tháng để trả lương nhân viên điều hành máy bơm, máy xả, bảo trì, nhiên liệu…
Tại sao người Nhật có nhã ý làm sạch dòng sông hoàn toàn miễn phí, mà chính quyền Hà Nội không chấp nhận ? Nếu ông Chung không tin tưởng vào công nghệ của Nhật và không tin năng lực người Nhật làm được, thì chúng ta cũng đâu có mất gì ? (Họ hoàn toàn miễn phí mà) ! Tại sao Hà Nội phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng dự án, rồi sau đó phải trích ngân sách hằng ngày để chi phí vận hành ?
Dễ hiểu thôi ! Trích ngân sách ra làm thì các quan mới có % bỏ túi. Rồi các khoản đội vốn, kê khống, nâng giá… đều chạy vào túi của họ. Trong khi đó, người Nhật bỏ 100% vốn ra làm thì quan chức Hà Nội chỉ có bơ mỏ ! Do vậy mà họ kiên quyết phản đối, không cho người Nhật thò tay vào dự án này.
Đấy ! Những gì có lợi cho dân mà họ không ăn được thì không bao giờ họ chấp nhận. Những cán bộ cộng sản đều như thế cả ! Họ giành nhau lãnh đạo là vì bản thân họ, gia đình họ, không bao giờ họ có chút suy nghĩ đến dân chứ đừng mong là vì dân mà họ phục vụ. Có những địa phương đường sá sình lầy, người dân chung tiền lại đổ bê tông thì chính quyền xuống bắt đập bỏ. Bởi vì đường lầy lội thì họ mới có cớ xin ngân sách, mà xin được ngân sách thì họ mới có bỏ túi. Bởi vậy, từ quan nhỏ đến quan to trong chế độ này đều là lũ lưu manh, mặt dày, khốn nạn như nhau cả.
Nguyễn Đức Chung là một ví dụ điển hình !
Ngô Trường An
Nguồn : https://www.facebook.com/man.ngotan.7, 08/12/2019
***************
Vì sao ông Chung nổi điên lên ?
Lưu Trọng Văn, 08/12/2019
Ông Nguyễn Đức Chung nói :
"Hôm nay các bác vẫn cứ băn khoăn chỗ các chuyên gia Nhật sử dụng công nghệ nano tại sông Tô Lịch, tôi xin nói rõ thế này. Sau một thời gian họ xin thử nghiệm, đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép Thành phố…
Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế… Tôi dù không phải chuyên ngành về lĩnh vực này, nhưng dám khẳng định không có một công nghệ nào không thu gom đưa vào nhà máy xử lý mà xử lý được 180.000m3 nước thải xả vào sông Tô Lịch".
Ông Nguyễn Đức Chung nói : Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế… - Ảnh : internet
Không công nghệ nào xử lý được thì đương nhiên chỉ có các nhà máy xử lý thôi.
Và đây là hình ảnh của các nhà máy ấy.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (thôn Yên Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2021 (nhưng theo ông Chung nói với cử tri thì phải quý hai 2022 nhà máy mới hoàn thành) với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (gần 20 nghìn tỷ đồng). Sau một thời gian "bất động" không rõ lý do gì đến nay dự án này mới được triển khai xây dựng trở lại.
Cận cảnh nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam được mong đợi sẽ ‘hồi sinh’ sông Tô Lịch sau 3 năm khởi công xây dựng - Ảnh chụp ngày 06/09/2019
Còn trước đó trên địa bàn Hà Nội nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã hoàn thành với tiền Hà Nội bỏ ra 250 triệu USD thì sao ?
Kiểm toán Nhà nước phát hiện gì nào ?
Tổng số chi phí chênh lệch lên tới 147,8 triệu USD và hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng sau khi kiểm toán giảm tới 44,8 triệu USD. Nguyên nhân chi phí xây dựng theo báo cáo của chủ đầu tư cao hơn nhiều so với số liệu sau kiểm toán là do tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu. Rồi sao nữa ?
Kiểm toán Nhà nước phát hiện :
Ngoài ra, một số hạng mục không đủ điều kiện xác định hơn 6,3 triệu USD do không có khối lượng và đơn giá chi tiết, bản vẽ thiết kế không đủ điều kiện đo bóc khối lượng nên không đảm bảo cơ sở để kiểm toán xác nhận. Chi phí nhân công do đơn vị điều chỉnh đơn giá cũng chưa có cơ sở hơn 1,3 triệu USD, chi phí chung do hồ sơ quyết toán tính trên cơ sở dự toán nhưng chưa có căn cứ gần 9 triệu USD. Rồi sao nữa ?
Chi phí thiết bị cũng chênh lệch gần 33,7 triệu USD, trong đó sai khối lượng 3,65 triệu USD và sai tỷ lệ gần 3,8 triệu USD. Các chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn được báo cáo tăng lần lượt hơn 11,1 triệu USD và 9,1 triệu USD", báo cáo kiểm toán nêu.
Riêng khoản thuế VAT, phía chủ đầu tư lại khai thấp hơn so với số liệu kiểm toán hơn 4 triệu USD. Chi phí giải phóng mặt bằng theo số liệu báo cáo của chủ đầu tư tăng hơn 20,6 tỷ đồng.
Vậy đó riêng một nhà máy xử lý nước thải Yên Sở dưới sự quản lý của UBND Hà Nội do ông Nguyễn Thế Thảo rồi ông Nguyễn Đức Chung làm chủ tịch đã thất thoát như vậy đó. Liệu nhà máy Yên Xá Hà Nội đầu tư 800 triệu USD đang trục trặc nếu Kiểm toán Nhà nước nhẩy vào kiểm tra thì thế nào, chưa biết.
Hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải mà ông Chung o bế chưa rõ thế nào nhưng thất thoát tiền của của Dân là điều khỏi bàn.
Còn hiệu quả các chuyên gia Nhật dùng công nghệ nano hiện đại được thể hiện trước bàn dân thiên hạ là các chuyên gia Nhật tắm bằng nước sau xử lý ngay trên sông Tô Lịch hôi thối thì đã rõ. Thiết bị nano tinh gọn, giá cả không quá đắt…
Không thể là tự dưng một phó chủ tịch Hà Nội cấp phép cho chuyên gia Nhật thử nghiệm mà ông chủ tịch Chung không biết, để rồi phê phán chuyên gia Nhật chưa được phép của Hà Nội dẫn đến ông Chung bị mất mặt trước phản ứng từ phía Nhật – những người vì danh dự sẵn sàng tự tử khi dối trá.
Tại sao lại có việc trái khoáy như vậy ? Khả năng là có ai đó chống lại việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải mà ông Chung đang hết mình ủng hộ nên mời gọi các chuyên gia nano của Nhật xử lý nước sông Tô Lịch để truyền thông hết lời ngợi ca.
Mà lý do nào có ai đó chống ?
Nhiều lý do lắm nhưng có một lý do là các nhà máy xử lý nước thải chỉ thu gom rồi xử lý nước thải phần ngọn nước sông Tô Lịch ô nhiễm dẫn đến, để có nước sạch hơn xả tới các nơi khác chứ không xử lý tận gốc nguồn gây ô nhiễm tức là không xử lý ô nhiễm của chính sông Tô Lịch chảy trong lòng Hà Nội. Còn công nghệ nano của Nhật lại có thể làm cái việc xử lý từ nguồn ô nhiễm và xử lý ngay dòng chảy trong lòng Hà Nội.
Với công nghệ này các nhà máy xả thải nước ô nhiễm ra sông Tô Lịch nếu buộc phải áp dụng sẽ dẫn đến giảm thiểu nguồn nước ô nhiễm. Như vậy sẽ chấm dứt các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm để nước thải ô nhiễm cứ tha hồ xả vì đã có các nhà máy thu gom xử lý ô nhiễm rồi mà không bị trừng phạt gì cả.
Làm sao ông Chung không nổi điên lên được ?
Phải chăng những sự cố liên quan đến ông Chung cũng là một tiến trình nào đó của xử lý "nước" thải…
Lưu Trọng Văn
Nguồn : Facebook, Lưu Trọng Văn, 08/12/2019
*******************
Tìm lại nụ cười
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/12/2019
Đây là nụ cười của ông Chung khi về với dân làng Đồng Tâm hơn hai năm trước để dàn xếp vụ bắt giữ cán bộ.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bắt tay với một người dân Đồng Tâm, tháng 4/2017 (Nguồn : Báo Người Lao Động)
Đã bao lâu rồi không thấy ông Chung cười tươi thế này trên mặt báo ?
Có lẽ là từ sau khi ông xé bỏ tờ cam kết có dấu điểm chỉ của chính ông, để rồi trước thì khởi tố vụ án chống lại dân làng Đồng Tâm sau lại đổ cho con cháu cụ Kình xô cụ gãy chân.
Thực tình, thấy tiếc cho ông.
Tôi còn nhớ một buổi sáng cách đây 3 năm, khi đứng trò chuyện cùng Đại sứ Đức khi ấy mới nhậm chức được vài tháng. Trong vườn nhà mình, ông Đại sứ không giấu được vẻ hồ hởi khoát tay chỉ ra ngoài phố hỏi tôi có biết Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đang cho trồng mới 1 triệu cây xanh khắp Hà Nội không ? Ông tin rằng một thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam, trẻ hơn, đang tạo ra sự khác biệt.
Dù có nói với ông Đại sứ rằng, sở dĩ được vậy là nhờ một năm trước đó hàng ngàn người dân thủ đô đã xuống đường để nhắc nhở chính quyền về tầm quan trọng của cây xanh, tôi cũng không phủ nhận rằng thời gian đầu mới nhậm chức ông Chung đã thổi một luồng sinh khí mới vào guồng máy chính trị thủ đô.
Trước thì ông tiết giảm các chi phí chiếu sáng, tỉa cây bất hợp lý, sau ông chỉ rõ 150/180 quán bia vỉa hè Hà Nội có công an đứng sau, việc nào cũng nức lòng công chúng thủ đô vốn đã cạn kiệt niềm tin nhiều năm trước đó thời Quang Nghị - Thế Thảo.
Thế mà giờ đây, từ vụ nhà máy nước sông Đuống đến xử lý ô nhiễm Tô Lịch, ông Chung lại trở thành trò đùa của cả nước, cả trên mặt báo nhà nước lẫn mạng xã hội.
Có vẻ như hiện tại ông Chung giải thích thế nào đi chăng nữa, người ta cũng không tin. Bởi lẽ đã một lần bất tín ở Đồng Tâm, thì vạn lần bất tin.
Quyền lực chính trị đến từ dân. Chính khách cũng phải về với dân mới mong nở được nụ cười lâu dài, trái lại sẽ ngậm ngùi cay đắng trước lời nhạo báng của dân một khi ngã ngựa. Hoặc đôi khi chỉ mới chớm ngã ngựa.
Bài học ông Chung có lẽ không chỉ đúng với các cá nhân quan chức, mà còn cho cả bộ máy ở cấp độ hệ thống. Hi vọng những người nắm quyền sẽ học được điều gì đó từ đây, và đưa nền chính trị quốc gia trở về với nhân dân - xây dựng một nền dân chủ đích thực. Từ đó, đôi bên có thể nhìn nhau trong nụ cười, thay vì cười vào mặt nhau như hiện tại.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/12/2.019 (nguyenanhtuan's blog)
*******************
Lòng tốt đặt không đúng chỗ
Đỗ Ngọc Thống, 07/12/2019
Đọc bài báo trả lời của chuyên gia Nhật Bản về việc làm sạch nước sông Tô Lịch, tôi thấy chán ngán và xấu hổ thay cho ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung và chính quyền thành phố Hà Nội khi cho rằng việc "Thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch" người Nhật "chưa xin phép Thành phố". Trong khi không phải vậy.
Việc "Thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch" người Nhật "chưa xin phép Thành phố"
Tôi chưa bao giờ nghi ngờ lòng trung thực của những chuyên gia Nhật. Vì trước hết họ là người Nhật Bản, sau nữa sao lại có thể nghi ngờ 1 người không đòi hỏi gì khi làm việc tốt cho mình ? Hay ở xứ sở này việc làm không công của người Nhật là quá sức tưởng tượng ? Chỉ có thể nghi ngờ sự trung thực của ông Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo thành phố Hà Nội. Người ta có quyền đặt ra câu hỏi : Liệu có phải việc người Nhật giúp làm sạch sông Tô Lịch công không đã làm tiêu tan mấy dự án mà chính quyền Thành phố đang dự kiến triển khai và sẽ đổ xuống con sông ấy nhiều ngàn tỷ ? Ông bà có câu "tiền đổ xuống sông xuống biển" nghĩa là gì ai cũng biết. Mất dự án là mất đi rất nhiều lợi ích của các phe nhóm, những người đang muốn sông Tô Lịch ngày càng đục hơn để... "béo cò".
Tôi luôn nghĩ, một người nào đó làm việc tốt cho ta, kể cả chưa nói gì với ta đi nữa, thì khi biết trước hết hãy cảm ơn họ đã. Các chuyên gia Nhật Bản nói : "JEBO đã luôn ấp ủ về việc có thể mang công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để giúp người dân Hà Nội bớt khổ hơn nhưng có lẽ lòng tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng ?"
Quá đúng chứ còn nghi ngờ gì nữa. Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết : "Lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường". Người Nhật không lơ ngơ ; chỉ là lòng tốt của họ đã đặt không đúng chỗ mà thôi.
Đỗ Ngọc Thống
Nguồn : https://www.facebook.com/thongdongoc, 07/12/2019