Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/12/2019

"Biểu tượng dân chủ" ra trước Tòa án Công lý vì cáo buộc diệt chủng

Minh Luật

Đúng vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, người từng được trao giải Nobel Hòa Bình, được xem là một biểu tượng tinh thần trong hoạt động đấu tranh dân chủ và nhân quyền, đã ra trước Tòa án Công lý Liên Hợp Quốc tại La Haye đối diện với cáo buộc về tội diệt chủng.

aung1

Phiên tòa xem xét tội ác diệt chủng người Rohingya tại Tòa án Công Lý Liên Hiệp Quốc hôm 10/12 (Ảnh chụp từ màn hình UN Web TV)

Bà là Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước, nhưng trên thực tế là nhà lãnh đạo của chính quyền Myanmar hiện nay, tham gia phiên tòa trong tư cách bị đơn, đại diện cho nhà nước Myanmar chống lại các cáo buộc vi phạm tội ác diệt chủng.

Đơn khởi kiện được đệ trình bởi nhà nước Gambia, tố cáo chính quyền và quân đội Myanmar đã có hành vi tiêu diệt người sắc tộc thiểu số Rohingya tại Myanmar.

Phiên tòa diễn ra như thế nào ?

Theo thông cáo báo chí của Tòa án Công lý, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12, bắt đầu vào lúc 16:00 và 21:00 theo giờ Việt Nam, mỗi phiên kéo dài trong ba giờ.

Trong phiên tòa này, các thẩm phán sẽ tiến hành xem xét yêu cầu của Gambia đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Myanmar chấm dứt các chiến dịch đàn áp nhằm bảo vệ cho người Rohingya.

Trong ba ngày diễn ra phiên điều trần, Tòa sẽ dành cho các bên thời gian ngang bằng nhau để mỗi bên có thể trình bày quan điểm, cung cấp luận cứ của mình, và các bên sẽ tiến hành tranh luận trực tiếp bằng lời ngay tại phiên tòa.

Phiên điều trần này cũng được truyền hình trực tiếp trên Web của Tòa án Công lý và trên Web TV của Liên Hợp Quốc.

Sau khi kết thúc phiên điều trần tranh luận, Tòa sẽ nghỉ để thảo luận. Phần nghị án của Tòa được tiến hành bằng các phiên họp kín và được giữ bí mật.  Sau đó Tòa sẽ đưa ra phán quyết. Phán quyết của Tòa là cuối cùng và không có kháng cáo.

Phán quyết này có tính ràng buộc đối với các bên liên quan. Theo Điều 94 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cam kết tuân thủ phán quyết của tòa án Liên hợp Quốc trong mọi trường hợp.

Khác với Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế năm 1998, chỉ dùng để xét xử các cá nhân vi phạm nhân quyền, Tòa án Công lý được thành lập theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, là cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến việc thực thi các Công ước quốc tế.  

Vì sao Gambia lại kiện ?

Gambia là một quốc gia ở Châu Phi, không liên quan đến vụ diệt chủng người Rohingya, nhưng lại nguyên đơn tiến hành vụ kiện và dựa vào cơ sở pháp lý nào để Tòa án Công lý Liên Hợp Quốc thụ lý và xét xử ?

Trước tiên có thể giải thích rằng, khác với số đa số dân chúng tại Myanmar theo Phật giáo, người Rohingya là một cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo, có nguồn gốc di dân từ Ấn độ, sinh sống chủ yếu ở bang Rakhine, Miến Điện. Các hành động đàn áp người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đã gây ra sự chú ý đặc biệt đối với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Quốc gia Gambia cũng là một thành viên của tổ chức này và việc Gambia khởi kiện như là cách để bảo vệ cho những "đồng đạo Hồi giáo" của mình, dưới sự hậu thuẫn từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Về cơ sở pháp lý để tiến hành vụ kiện, cả Gambia và Myanmar đều là thành viên của Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948. Theo Công ước này quy định, các quốc gia thành viên có thể đệ trình lên Tòa án Công lý để yêu cầu giải quyết các tranh chấp của nước mình với các quốc gia thành viên khác, liên quan đến việc áp dụng và thực thi Công ước.

Theo đơn khởi kiện được đệ trình  lên Tòa án Công lý vào hôm 11/11/2019, Gambia cáo buộc Myanmar đã các hành vi vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, khi chính quyền và quân đội nước này thực hiện các hoạt động tiêu diệt một phần hay toàn bộ người Rohingya. Các hành vi này được thực hiện từ khoảng tháng 10 năm 2016, bao gồm các hành động như giết người, tấn công nghiêm trọng thể xác và tinh thần, ngăn chặn sinh đẻ, và cưỡng ép di cư. Các hoạt động này cấu thành tội ác diệt chủng được định nghĩa trong Công ước này.

Biểu tượng sụp đổ

Điều gây ngạc nhiên đối với cộng đồng quốc tế về việc đàn áp người Rohingya đã được thực hiện hoặc bị bỏ mặc bởi những người lãnh đạo từng được kỳ vọng mang đến sự chuyển đổi dân chủ và nhân quyền tại Myanmar.

Theo đó bà Aung San Suu Kyi phủ nhận các cáo buộc đàn áp, và như những nhà độc tài khác, bà đã quay sang chỉ trích truyền thông phương Tây đã thêu dệt nhiều thông tin sai lệch  về tình hình Myanmar.

Trong khi đó vào tháng 3/2017, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Phái đoàn Tìm kiếm Sự thật  để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào người Rohingya ở Myanmar. Chỉ một năm sau, Phái đoàn đã đệ trình một báo cáo  khẳng định rằng, nhiều trường hợp giết người, hãm hiếp tập thể, tra tấn, cưỡng bức di cư và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác đã được thực hiện bởi Quân đội Myanmar, khiến khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, Bà Yanghee Lee cũng cho biết chính quyền Myanmar đã không làm gì để phá hủy hệ thống bạo lực và đàn áp đối với người Rohingya.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng đàn áp này,  theo Washington Post, tác giả Richard Cockett giải thích nguyên nhân gốc rễ là tâm lý bài trừ Đạo Hồi trong quá khứ tại quốc gia mà Đạo Phật là quốc giáo.

Điều này cho thấy các giá trị nhân quyền không được bảo vệ hữu hiệu tại một quốc gia vừa thoát khỏi chế độ độc tài, ngay cả khi những nhà lãnh đạo đất nước đã từng là nạn nhân của các hoạt động bức hại nhân quyền. Đúng là quyền lực dễ làm con người tha hóa !

Minh Luật

Nguồn : RFA, 10/12/2019 (minh-luat's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Luật
Read 586 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)