Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Hiệp Quốc chất vấn chính phủ Việt Nam : "Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA ?"

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cập nhật vào hôm 22/3.

pcd0

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (Ảnh : Chuacuuthe.com)

Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.

Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).

"Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị", kháng thư viết.

Đến ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố về tội "làmtàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Một bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an khi đó nói rằng "Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm ; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự".

Vụ việc gây quan ngại cho chuyên gia

Qua kháng thư, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo.

"Thực tế là ông Dũng bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình. Chúng tôi quan ngại rằng trong khoảng thời gian dài trước khi được phép liên lạc ra bên ngoài khiến ông ta có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo", các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ.

Để làm rõ hơn về mối quan tâm này, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Kháng thư cũng nhắc lại tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, một số quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước, và làm cho nó phù hợp hơn với luật nhân quyền quốc tế.

Trong khi chờ trả lời, các chuyên gia yêu cầu chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạm thời cần thiết để tạm dừng các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn sự tái diễn.

Kháng thư được đệ trình bởi 4 vị chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt ; Leigh Toomey, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện ; Clement Nyaletsossi Voule, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền.

Kháng thư là một hình thức giải quyết khiếu nại vi phạm nhân quyền thuộc Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các cá nhân hay bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào khi có được thông tin cậy về các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia có thể gửi đơn khiếu nại đến các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ thông tin khiếu nại này, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc có thể can thiệp trực tiếp với chính phủ của quốc gia thông qua kháng thư chất vấn, làm rõ các cáo buộc vi phạm nhằm bảo vệ cho các nạn nhân.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 24/03/2020

Published in Diễn đàn

Vụ án mua bán công sản liên quan tới Trương Duy Nhất : "Những góc khuất cần quan tâm"

Phiên tòa xét xử Trương Duy Nhất tại Hà Nội được mở vào sáng ngày 28/2 phải hoãn lại vì vắng mặt những người liên quan và luật sư (do không được tòa triệu tập). Phiên xử dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 9/3 theo thông báo của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.

tdn1

Ông Trương Duy Nhất tại tòa (Ảnh : Báo Tiền Phong)

Ông Trương Duy Nhất bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ra tòa về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" theo khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.

Theo cáo trạng cáo buộc, vào năm 2004, khi Nhất đang là Trưởng Văn phòng đại diện Trung Trung Bộ của báo Đại Đoàn Kết, được giao nhiệm vụ liên hệ với chính quyền Đà Nẵng xin cấp hoặc thuê nhà đất công sản để mở Văn phòng đại điện. Tuy nhiên, Nhất đã làm sai công vụ khi tiến hành mua nhà đất công sản với giá ưu đãi có địa chỉ tại số 82 Trần Quốc Toản, nhưng sau đó bán lại cho Công ty Xây dựng 79, gây ra thiệt hại cho nhà nước gần 14 tỷ đồng.

Nhiệm vụ khó, muốn thành công phải "vượt rào"

Vào năm 1995, báo Đại Đoàn Kết có chủ trương mở Văn phòng đại diện đặt tại Đà Nẵng, nhưng vì tài chính eo hẹp, báo này không có khả năng mua nhà đất, mà chỉ xin cấp hoặc thuê, và giao cho Trương Duy Nhất liên hệ với chính quyền địa phương để tiến hành công việc.

Nhất đã hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn sự kỳ vọng khi kiếm được địa điểm làm việc cho Văn phòng đại diện của báo Đại Đoàn Kết đặt tại vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố Đà Nẵng mà không phải trả bất cứ một đồng nào, được sử dụng miễn phí trong vòng 30 năm.

Nhất đã làm việc này bằng cách tận dụng chính sách, mối quan hệ và... vượt rào.

Một mặt, Nhất ký công văn xin mua nhà đất công sản tại số 82 Trần Quốc Toản theo chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước của chính quyền Đà Nẵng với giá ưu đãi theo Nghị định 61-CP, mặt khác Nhất ký hợp đồng với Công ty Xây dựng 79 để hoán đổi công sản này lấy cơ sở hạ tầng sử dụng.

Tháng 7/2004 UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý bán nhà đất công sản này cho báo Đại Đoàn Kết với mức giá ưu đãi là hơn 674 triệu đồng. Chỉ một tháng sau, Nhất ký Hợp đồng nguyên tắc với Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), trong đó nêu rõ nội dung : 

"Vì báo Đại Đoàn Kết không đủ tài chính để mua và đầu tư xây dựng trụ sở, nên báo này đồng ý để Công ty Xây dựng 79 trả số tiền hơn 674 triệu cho UBND thành phố Đà Nẵng và bỏ thêm 800 đến 1 tỷ để đầu tư xây dựng trên khu đất này. Đổi lại Công ty Xây dựng 79 được toàn quyền sở hữu, sử dụng nhà đất này và báo Đại Đoàn Kết được quyền sử dụng toàn bộ diện tích tầng 2 của ngôi nhà này để đặt trụ sở văn phòng đại diện trong thời hạn 30 năm".

Đầu tháng 10/2004, Nhất trình báo cáo gửi lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết về các nội dung đã ký kết và xin ý kiến chỉ đạo. Tại báo cáo này, ông Lê Quang Trang, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết có bút phê "chấp thuận hợp đồng đã ký và tiếp tục giải quyết theo nội dung đã ký".

Đến ngày 12/11/2004, ông Lê Quang Trang đã ký Quyết định số 112/DDK, nội dung nêu rõ "chấp nhận Hợp đồng nguyên tắc đã ký với Công ty Xây dựng 79, và ông Trương Duy Nhất có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng đã ký kết, trong đó có việc tiến hành các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79". Ngoài ra, Quyết định này còn nêu rõ nội dung "ủy quyền" cho ông Trương Duy Nhất liên hệ với cơ quan chức năng Đà Nẵng tiến hành các thủ tục pháp lý để thực hiện Hợp đồng.

Như vậy, nhờ vào sự "vượt rào" của Trương Duy Nhất, nhiệm vụ được giao đã thành công ngoài mong đợi. Cách làm này đều được lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết, cũng như UBND thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ chấp thuận.

Đến ngày 23/11/2004, sau khi được mua nhà đất công sản tại số 82 Trần Quốc Toản từ chính quyền Đà Nẵng, theo sự ủy quyền của Tổng biên tập, Nhất ký quyết định bán lại nhà đất công sản này cho Công ty Xây dựng 79. Ngày 17/12/2004, UBND thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và sử dụng nhà đất này cho Công ty Xây dựng 79.

Cơ chế phải "quan hệ cộng sinh" mới làm được việc

Vấn đề được đặt ra nếu ông Nhất không có quan hệ với Vũ "nhôm" liệu có được chính quyền Đà Nẵng bán công sản với giá ưu đãi cho báo Đại Đoàn Kết ? Lưu ý rằng từ tháng 10/1996, báo Đại Đoàn Kết đã có công văn gửi chính quyền Đà Nẵng xin được cấp hoặc thuê một căn nhà để mở Văn phòng đại diện, nhưng ít nhất 6 năm sau đó báo này vẫn không có nơi để cắm dùi tại miền Trung.

Việc này chỉ thay đổi khi mối quan hệ giữa Vũ "nhôm" và Trương Duy Nhất được thiết lập. Công ty Xây dựng 79 của Vũ nhôm ra đời vào năm 2002, và chỉ một năm sau đó quá trình kiếm địa điểm mở Văn phòng đại diện của báo này được xúc tiến nhanh chóng, mà chính ông Nhất đã gửi báo cáo cho lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết nêu rõ rằng, có được kết quả này nhờ "Công ty Xây dựng 79 tác động lên UBND thành phố Đà Nẵng".

Như vậy, trong vụ việc này có thể nói rằng ông Trương Duy Nhất (đại diện của báo Đại Đoàn Kết) thực hiện mối "quan hệ cộng sinh" với Công ty Xây dựng 79 và UBND thành phố Đà Nẵng để có được trụ sở làm việc cho Văn phòng đại điện báo Đại Đoàn Kết. Nhờ vào mối quan hệ này, Công ty Xây dựng 79 đã tác động lên UBND thành phố Đà Nẵng bán công sản cho báo Đại Đoàn Kết với giá ưu đãi. Sau đó báo Đại Đoàn Kết bán lại công sản này cho Công ty Xây dựng 79 để đổi lấy hạ tầng sử dụng trong thời hạn 30 năm. Về mặt kinh tế, ông Nhất đã làm lợi cho báo Đại Đoàn Kết khi giúp cơ quan này mở Văn phòng đại diện ở vị trí đắc địa, được quyền sử dụng trong 30 năm mà không phải trả một phí tổn nào.

Truy tố không công bằng

Cơ sở pháp lý để truy tố Trương Duy Nhất trong vụ án này được dựa vào kết quả giám định của Hội đồng Định giá Tài sản trung ương kết luận việc được mua giá ưu đãi từ UBND thành phố Đà Nẵng rồi bán liền tay cho Công ty Xây dựng 79 đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 301 triệu đồng tại thời điểm năm 2004, nhưng tính tại thời điểm vụ án được khởi tố vào tháng 4/2018 là gây ra thiệt hại gần 14 tỷ đồng.

Việc sử dụng kết quả giám định này để truy tố ông Nhất rõ ràng là có vấn đề. Bởi việc xác định thiệt hại được dựa vào giá trị gia tăng của bất động sản theo thời gian, cộng với sự chênh lệch giá của đồng tiền sau hàng chục năm để nâng số thiệt hại từ 301 triệu thành 14 tỷ là thiếu cơ sở về mặt pháp lý hình sự.

Cũng với cách tính như vậy, liệu 14 tỷ đồng có đủ thuê địa điểm tại vị trí đất vàng tại số 82 Trần Quốc Toản ở thành phố Đà Nẵng trong vòng 30 năm hay không ? Điều đó cho thấy việc xác định thiệt hại theo cách tính của Hội đồng Định giá Tài sản trung ương vừa không thực tế lại vừa thiếu cơ sở pháp lý.

Ban đầu ông Nhất bị khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để chiếm đoạt tài sản", tuy nhiên trong suốt quá trình biệt giam ông Nhất để điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã không chứng minh được ông Nhất có hành vi chiếm đoạt tài sản. Cũng như không chứng minh được hành vi đưa nhận hối lộ giữa Nhất và Vũ "nhôm". Cuối cùng phải chuyển tội danh từ "chiếm đoạt tài sản" thành tội "thi hành công vụ sai gây thiệt hại cho nhà nước", và áp đặt cách tính giá trị thiệt hại từ 301 triệu lên gần 14 tỷ đồng, nhằm đưa vào khoản 3 điều 356 Bộ luật hình sự (có khung hình phạt thuộc trường hợp phạm tội "rất nghiêm trọng" theo luật định) nhằm loại bỏ yếu tố miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Nhất khi áp dụng thời hiệu truy tố.

Trong khi đó người chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất ở báo Đại Đoàn Kết cho vụ mua bán này chính là ông Lê Quang Trang - Tổng biên tập, cùng với các Phó Tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết lúc bấy giờ lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều đó cho thấy ông Trương Duy Nhất đã không được đảm đảm quyền xét xử công bằng trong quá trình tố tụng. Ở vụ án này, giới chức chỉ đang nỗ lực tìm cách hợp pháp hóa việc đưa ông Nhất vào tù vì lý do chính trị hơn là chống tham nhũng.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 28/02/2020 (minh-luat's blog)

Published in Diễn đàn

Đúng vào Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, người từng được trao giải Nobel Hòa Bình, được xem là một biểu tượng tinh thần trong hoạt động đấu tranh dân chủ và nhân quyền, đã ra trước Tòa án Công lý Liên Hợp Quốc tại La Haye đối diện với cáo buộc về tội diệt chủng.

aung1

Phiên tòa xem xét tội ác diệt chủng người Rohingya tại Tòa án Công Lý Liên Hiệp Quốc hôm 10/12 (Ảnh chụp từ màn hình UN Web TV)

Bà là Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước, nhưng trên thực tế là nhà lãnh đạo của chính quyền Myanmar hiện nay, tham gia phiên tòa trong tư cách bị đơn, đại diện cho nhà nước Myanmar chống lại các cáo buộc vi phạm tội ác diệt chủng.

Đơn khởi kiện được đệ trình bởi nhà nước Gambia, tố cáo chính quyền và quân đội Myanmar đã có hành vi tiêu diệt người sắc tộc thiểu số Rohingya tại Myanmar.

Phiên tòa diễn ra như thế nào ?

Theo thông cáo báo chí của Tòa án Công lý, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12, bắt đầu vào lúc 16:00 và 21:00 theo giờ Việt Nam, mỗi phiên kéo dài trong ba giờ.

Trong phiên tòa này, các thẩm phán sẽ tiến hành xem xét yêu cầu của Gambia đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Myanmar chấm dứt các chiến dịch đàn áp nhằm bảo vệ cho người Rohingya.

Trong ba ngày diễn ra phiên điều trần, Tòa sẽ dành cho các bên thời gian ngang bằng nhau để mỗi bên có thể trình bày quan điểm, cung cấp luận cứ của mình, và các bên sẽ tiến hành tranh luận trực tiếp bằng lời ngay tại phiên tòa.

Phiên điều trần này cũng được truyền hình trực tiếp trên Web của Tòa án Công lý và trên Web TV của Liên Hợp Quốc.

Sau khi kết thúc phiên điều trần tranh luận, Tòa sẽ nghỉ để thảo luận. Phần nghị án của Tòa được tiến hành bằng các phiên họp kín và được giữ bí mật.  Sau đó Tòa sẽ đưa ra phán quyết. Phán quyết của Tòa là cuối cùng và không có kháng cáo.

Phán quyết này có tính ràng buộc đối với các bên liên quan. Theo Điều 94 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định rằng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cam kết tuân thủ phán quyết của tòa án Liên hợp Quốc trong mọi trường hợp.

Khác với Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế năm 1998, chỉ dùng để xét xử các cá nhân vi phạm nhân quyền, Tòa án Công lý được thành lập theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, là cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến việc thực thi các Công ước quốc tế.  

Vì sao Gambia lại kiện ?

Gambia là một quốc gia ở Châu Phi, không liên quan đến vụ diệt chủng người Rohingya, nhưng lại nguyên đơn tiến hành vụ kiện và dựa vào cơ sở pháp lý nào để Tòa án Công lý Liên Hợp Quốc thụ lý và xét xử ?

Trước tiên có thể giải thích rằng, khác với số đa số dân chúng tại Myanmar theo Phật giáo, người Rohingya là một cộng đồng thiểu số theo Hồi giáo, có nguồn gốc di dân từ Ấn độ, sinh sống chủ yếu ở bang Rakhine, Miến Điện. Các hành động đàn áp người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đã gây ra sự chú ý đặc biệt đối với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Quốc gia Gambia cũng là một thành viên của tổ chức này và việc Gambia khởi kiện như là cách để bảo vệ cho những "đồng đạo Hồi giáo" của mình, dưới sự hậu thuẫn từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Về cơ sở pháp lý để tiến hành vụ kiện, cả Gambia và Myanmar đều là thành viên của Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng năm 1948. Theo Công ước này quy định, các quốc gia thành viên có thể đệ trình lên Tòa án Công lý để yêu cầu giải quyết các tranh chấp của nước mình với các quốc gia thành viên khác, liên quan đến việc áp dụng và thực thi Công ước.

Theo đơn khởi kiện được đệ trình  lên Tòa án Công lý vào hôm 11/11/2019, Gambia cáo buộc Myanmar đã các hành vi vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, khi chính quyền và quân đội nước này thực hiện các hoạt động tiêu diệt một phần hay toàn bộ người Rohingya. Các hành vi này được thực hiện từ khoảng tháng 10 năm 2016, bao gồm các hành động như giết người, tấn công nghiêm trọng thể xác và tinh thần, ngăn chặn sinh đẻ, và cưỡng ép di cư. Các hoạt động này cấu thành tội ác diệt chủng được định nghĩa trong Công ước này.

Biểu tượng sụp đổ

Điều gây ngạc nhiên đối với cộng đồng quốc tế về việc đàn áp người Rohingya đã được thực hiện hoặc bị bỏ mặc bởi những người lãnh đạo từng được kỳ vọng mang đến sự chuyển đổi dân chủ và nhân quyền tại Myanmar.

Theo đó bà Aung San Suu Kyi phủ nhận các cáo buộc đàn áp, và như những nhà độc tài khác, bà đã quay sang chỉ trích truyền thông phương Tây đã thêu dệt nhiều thông tin sai lệch  về tình hình Myanmar.

Trong khi đó vào tháng 3/2017, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã thành lập một Phái đoàn Tìm kiếm Sự thật  để điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền nhắm vào người Rohingya ở Myanmar. Chỉ một năm sau, Phái đoàn đã đệ trình một báo cáo  khẳng định rằng, nhiều trường hợp giết người, hãm hiếp tập thể, tra tấn, cưỡng bức di cư và các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác đã được thực hiện bởi Quân đội Myanmar, khiến khoảng 700.000 người Rohingya phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, Bà Yanghee Lee cũng cho biết chính quyền Myanmar đã không làm gì để phá hủy hệ thống bạo lực và đàn áp đối với người Rohingya.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng đàn áp này,  theo Washington Post, tác giả Richard Cockett giải thích nguyên nhân gốc rễ là tâm lý bài trừ Đạo Hồi trong quá khứ tại quốc gia mà Đạo Phật là quốc giáo.

Điều này cho thấy các giá trị nhân quyền không được bảo vệ hữu hiệu tại một quốc gia vừa thoát khỏi chế độ độc tài, ngay cả khi những nhà lãnh đạo đất nước đã từng là nạn nhân của các hoạt động bức hại nhân quyền. Đúng là quyền lực dễ làm con người tha hóa !

Minh Luật

Nguồn : RFA, 10/12/2019 (minh-luat's blog)

Published in Diễn đàn

Nguyễn Năng Tĩnh : "Quyền tự do bày tỏ quan điểm không khuất phục bạo quyền"

Một đặc điểm cơ bản dùng để nhận diện một chế độ dân chủ khác với một chế độ độc tài là ở quyền tự do bày tỏ quan điểm.

tinh1

Ông Nguyễn Năng Tĩnh nói trước phiên tòa ngày 15/11/2019 : "Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến". Ảnh minh họa

Ở chế độ dân chủ, người dân có quyền bày tỏ quan điểm dưới bất kỳ hình thức nào, như : nói, viết, vẽ, hát, sáng tác nhạc, làm thơ, làm văn... với mục đích chỉ trích đảng cầm quyền, phê phán chính phủ hay những người lãnh đạo quốc gia, mà không lo sợ trước bất kỳ mối đe dọa hay sự trừng phạt của pháp luật.

Tự do bày tỏ quan điểm chính trị không phải là sản phẩm riêng của các chế độ phương Tây, mà nó là một giá trị phổ quát của nền văn minh nhân loại, được Luật Nhân quyền Quốc tế ghi nhận thông qua Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

Trong khi đó, ở các chế độ độc tài, bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán chính trị nhắm vào giới cầm quyền, sẽ khiến người bày tỏ quan điểm phải trả giá bằng việc bị sách nhiễu, bị đe dọa, bị bỏ tù, và đôi khi còn phải... bỏ mạng.

Tước đoạt quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị là một sản phẩm rất đặc trưng trong chế độ phát xít hay cộng sản, nhằm bảo vệ quyền lực tuyệt đối cho giới cầm quyền.

Qua việc tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế đối với giáo viên dạy âm nhạc Nguyễn Năng Tĩnh, một lần nữa cho thấy giới cầm quyền cộng sản Việt Nam càng lún sâu hơn vào sự độc tài toàn trị.

Thật khó có thể hình dung được, khi thầy giáo Tĩnh chỉ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ quan điểm chính trị ôn hòa trên facebook cá nhân, trong đó có việc đăng tải các bài hát có nội dung "trả lại cho nhân dân quyền tự do và quyền con người", lại chịu một hình phạt nặng nề như vậy.

Nếu so với một thập kỷ trước, mức án dành cho những người bất đồng chính kiến giờ đây đã tăng theo cấp số nhân. Không một dấu hiệu nào cho thấy sự dung thứ của nhà cầm quyền Hà Nội trước tội danh"tuyên truyền chống nhà nước" đang được áp dụng rộng rãi dựa trên một định nghĩa mơ hồ.

Dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị vào năm 1982, nhưng việc thụ hưởng các quyền này của người dân trên thực tế vẫn không được đảm bảo thực thi.

Nhà nước thông qua các chính sách và pháp luật đã tước đoạt đi quyền tự do bày tỏ quan điểm của dân chúng, chẳng hạn ban hành Luật An ninh mạng và Luật Báo chí, bên cạnh việc sử dụng Lực lượng 47 túc trực trên internet, với mục tiêu rõ ràng là kiểm soát truyền thông trên mạng lẫn ngoài đời, nhằm nhanh chóng dập tắt những tiếng nói phê phán chính quyền.

Tuy đứng trước sự trừng phạt nặng nề, nhưng những người hoạt động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam vẫn không lùi bước. Bất chấp những mối đe dọa, họ vẫn dũng cảm bày tỏ quan điểm chính trị của mình, khao khát về một đất nước tự do và dân chủ như là một xu thế tất yếu không thể đảo ngược ở tương lai.

"Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến". Lời nói này của ông Nguyễn Năng Tĩnh tại phiên tòa vào hôm 15/11/2019 là sự khẳng định cho quyền tự do bày tỏ quan điểm sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước bạo quyền.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 16/11/2019 (minh-luat's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 29 octobre 2019 21:33

"Biên giới trị"

Một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng xã hội loài người là vẽ ra đường biên giới giữa các quốc gia.

Có thể bạn không tán thành với nhận định này, nhưng tất cả chúng ta đều đồng thuận với nhau về một thực tế rằng, đã có hàng triệu người phải bỏ mạng vì cố gắng liều mình vượt qua biên giới giữa các quốc gia, và điều không may là tình trạng này vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

biengioi1

Cơ chế bảo vệ người dân tốt nhất giữa các quốc gia không phải là việc khóa chặt biên giới, ngăn chặn di dân mà là việc tạo ra hành lang rộng mở để người dân dễ dàng chạy thoát ra khỏi biên giới khi đối diện với chiến tranh hay đe dọa.

Vậy thì chúng ta đặt ra biên giới để làm gì ? Để đày đọa lẫn nhau hay để bảo vệ chính mình ? Trong khi chúng ta dễ dàng nhận ra biên giới không có khả năng bảo vệ một quốc gia này trước sự xâm lược từ một quốc gia khác, hay có thể bảo vệ một sắc tộc này được an toàn hơn trước một sắc tộc khác, và càng không thể duy trì hay gìn giữ cho cái gọi là bản sắc dân tộc.

Biên giới - truy tìm nguồn gốc khởi nguyên của nó không có lý do nào phù hợp hơn ngoài việc phân định lãnh thổ cho những nhóm người nắm quyền cai trị, và đảm bảo cho những người bị trị không thể thoát khỏi sự cai trị đó. Tôi gọi tình trạng này là "biên giới trị".

Tình trạng "biên giới trị" đáng tiếc vẫn còn hiện diện cho đến thời điểm này, như Bắc Triều Tiên là quốc gia thể hiện rõ ràng nhất. Các quốc gia khác dù có sự thay đổi cởi mở hơn theo nhiều mức độ khác nhau, nhưng vẫn không thể thoát khỏi bản chất "biên giới trị", với đặc trưng là biên giới luôn gắn liền với một thể chế chính trị, trong đó các hàng rào an ninh biên giới như một vành đai bảo hộ quyền lực cho người nắm quyền và dùng để kiểm soát di dân.

Tại sao con người không ngăn con chim bay từ Á sang Âu, không ngăn con cá bơi từ Phi sang Úc, mà con người lại ngăn cản sự di cư của đồng loại mình trong việc tìm kiếm một vùng đất sống phù hợp hơn đối với họ ? Một câu hỏi hơi ngô ghê nhưng có thể làm sáng tỏ sự độc hại của biên giới - đó là tạo ra rào cản ngăn cách con người chia sẽ và kết nối với nhau và thay vào đó là sự kỳ thị, chia rẽ, và đối xử tệ bạc lẫn nhau.

Xu hướng "biên giới trị" ngày nay có vẻ càng được củng cố, khi giới cầm quyền theo chủ nghĩa quốc gia nói rằng thắt chặt biên giới, hạn chế di dân nhằm bảo vệ cho an ninh và lợi ích cho chính bạn hay cho quốc gia của bạn. Nhưng khi bình tâm suy xét, từ Bức tường Berlin trước đây dùng cho mục đích ngăn chặn người chạy ra, hay Bức tường Mỹ-Mexico hiện nay dùng để ngăn chặn người chạy vào, hay sự việc Brexit ở Anh Quốc cũng đều chỉ dẫn cho đầu ra cuối cùng là quyền lực chính trị và uy tín cho giới cầm quyền. 

Trong khi sự thật là, mỗi một con người chúng ta, ai ai cũng luôn khao khát được tự do tung tăng bơi lượn như loài chim loài cá, từng đôi lần ao ước được đi đến tận chân trời góc bể, nên đã đến lúc chúng ta thôi lừa dối chính mình bằng những thiệt hại tưởng tượng do dân nhập cư mang đến, mà thắt chặt hàng rào biên giới để... "nhốt chính mình".

Cơ chế bảo vệ người dân tốt nhất giữa các quốc gia không phải là việc khóa chặt biên giới, ngăn chặn di dân mà là việc tạo ra hành lang rộng mở để người dân dễ dàng chạy thoát ra khỏi biên giới khi đối diện với các cuộc xung đột quân sự hay thảm họa quốc gia.

Bức tường biên giới càng dày, càng cao sẽ luôn tỉ lệ thuận với xác người di cư chồng chất lên nhau khi vượt biên. Mưu cầu cuộc sống hạnh phúc không bao giờ là miễn phí, nhưng loài người còn phải đợi đến bao nhiêu cái chết phơi thây ngoài biển cả hay chết ngộp trong các thùng conteiner thì chúng ta mới tỉnh ngộ để thay đổi ?

Biên giới trị cần được xóa bỏ trong xã hội loài người. Tương lai văn minh nhân loại, biên giới không còn được hiểu theo cách hiện nay, mà nó chỉ còn một cách hiểu duy nhất như là sự chỉ dẫn về khu vực địa lý hay tập quán và nếp sống của một cộng đồng người. Tấm hộ chiếu kèm cái visa đẹp là niềm tự hào của con người hiện đại, sau này chỉ nên là một di sản đầy hổ thẹn của nhân loại khi nhìn lại quá khứ.

Đây không phải là một xã hội trong trí tưởng tượng của nhân loại, nếu ngay lúc này mỗi người trong chúng ta có sự bao dung và cởi mở hơn đối với đồng loại di cư của mình và cần nói không với các quyết định chính trị nhằm hạn chế di dân.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 29/10/2019 (minh-luat's blog)

Published in Diễn đàn

Thay thế Cuba, Venezuala trúng cử vào Hội dồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Bất chấp thành tích nhân quyền tệ hại đang diễn ra, Venezuela vẫn trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền trong cuộc bầu cử thường niên diễn ra tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào hôm 17/10/2019.

vene1

Một phiên họp và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genève - Ảnh minh họa 

Với 105 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu, Venezuela trở thành quốc gia đại diện cho khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe, tham gia vào cơ quan hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.

Trước đó vài tuần, Costa Rica trong một nỗ lực ngăn cản Venezuela trúng cử vì không có ứng viên cạnh tranh theo khu vực địa lý, đã ra tranh cử vội vàng và không đạt kết quả như mong muốn, chỉ được 96/193 phiếu.

Với kết quả này, Venezuela sẽ thực hiện nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền trong ba năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 để thay thế cho Cuba - sau khi quốc gia này kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Chính trị hóa nhân quyền

Kết quả thắng cử của Venezuela cho thấy quốc gia này vẫn còn nhiều “đồng minh nhân quyền” trong Liên Hợp Quốc, dù chính phủ Nicolás Maduro đại điện cho Venezuela tại Liên Hợp Quốc không còn được công nhận ở Hoa Kỳ, Tây Âu và hầu hết các quốc gia Châu Mỹ.

Điều đó cho thấy cuộc bỏ biếu bầu chọn thành viên tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn bị thao túng bởi mục đích chính trị hơn là xét về tiêu chuẩn nhân quyền, mà thế lực đằng sau không ai khác chính là Nga và Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 7/2019, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã đệ trình báo cáo nói rằng Venezuela là một ứng cử viên không phù hợp khi liên tục vi phạm nghiêm trọng các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.[1]

Một tháng trước ngày bỏ phiếu, Hội đồng Nhân quyền đã thành lập một nhiệm vụ tìm hiểu thực tế 'để điều tra các vụ xử tử phi pháp, thực hiện các vụ cưỡng bức mất tích, giam giữ tùy tiện, tra tấn và đối xử tàn ác từ năm 2014 ở Venezuela".[2]

Chính phủ Maduro đã lên án hành động này và tuyên bố sẽ không hợp tác với bất kỳ một cơ chế nhân quyền nào của Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở nước này.

Giờ đây Venezuela sẽ tham gia vào chính cơ quan đang tiến hành điều tra họ. Điều này rõ là sự khôi hài !

Khả năng giới hạn

Tình trạng các quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền không phải là điều mới lạ kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2006.

Với thể thức bầu cử thành viên được phân chia số ghế theo khu vực địa lý đã phát sinh tình trạng có nhiều năm việc bỏ phiếu diễn ra mà “không có ứng viên cạnh tranh”.

Theo đó, 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền được phân chia theo khu vực : Châu Phi 13 ghế, Châu Á 13 ghế, Đông Âu 6 ghế, Mỹ Latinh và Caribe 8 ghế, Tây Âu và khu vực khác 7 ghế.

Điều này đã tạo cơ hội cho nhiều quốc gia có tình trạng vi phạm nhân quyền báo động như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Arap Saudi … vẫn cứ ung dung trúng cử, dù thành viên của Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu duy trì "các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền".

Vào năm ngoái Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, và đại sứ Nikki Haley gọi cơ quan này là "đạo đức giả và vụ lợi" và tạo ra "một sự nhạo báng về nhân quyền”.

Xu hướng này thật đáng lo ngại khi quốc gia có thành tích bảo vệ nhân quyền tốt lại ra đi, còn các quốc gia có thành tích xấu thì thay phiên nhau bám trụ, trong khi Hội đồng Nhân quyền là cơ quan mang trọng trách thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.

Cũng khó đòi hỏi nhiều hơn khi nguyên tắc hoạt động của cơ quan này chỉ là đối thoại và hợp tác mà thiếu hẳn cơ chế trừng phạt. Dù vậy, nhiều người theo dõi nhân quyền vẫn đánh giá rằng Hội đồng Nhân quyền đang có từng bước cải cách về cơ chế vận hành để hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 22/10/2019 (minh-luat's blog)

--------

Xem thêm :

Thông tin về kết quả bầu cử Hội đồng Nhân quyền hôm 17/10/2019

[1] Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Venezuela vào tháng 7/2019

[2] Hội đồng Nhân quyền thành lập một nhiệm vụ điều tra thực tế về vi phạm nhân quyền ở Venezuela vào tháng 9/2019

Published in Diễn đàn