Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/10/2019

Venezuala lọt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Minh Luật

Thay thế Cuba, Venezuala trúng cử vào Hội dồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Bất chấp thành tích nhân quyền tệ hại đang diễn ra, Venezuela vẫn trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền trong cuộc bầu cử thường niên diễn ra tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào hôm 17/10/2019.

vene1

Một phiên họp và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genève - Ảnh minh họa 

Với 105 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu, Venezuela trở thành quốc gia đại diện cho khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe, tham gia vào cơ quan hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.

Trước đó vài tuần, Costa Rica trong một nỗ lực ngăn cản Venezuela trúng cử vì không có ứng viên cạnh tranh theo khu vực địa lý, đã ra tranh cử vội vàng và không đạt kết quả như mong muốn, chỉ được 96/193 phiếu.

Với kết quả này, Venezuela sẽ thực hiện nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền trong ba năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 để thay thế cho Cuba - sau khi quốc gia này kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Chính trị hóa nhân quyền

Kết quả thắng cử của Venezuela cho thấy quốc gia này vẫn còn nhiều “đồng minh nhân quyền” trong Liên Hợp Quốc, dù chính phủ Nicolás Maduro đại điện cho Venezuela tại Liên Hợp Quốc không còn được công nhận ở Hoa Kỳ, Tây Âu và hầu hết các quốc gia Châu Mỹ.

Điều đó cho thấy cuộc bỏ biếu bầu chọn thành viên tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn bị thao túng bởi mục đích chính trị hơn là xét về tiêu chuẩn nhân quyền, mà thế lực đằng sau không ai khác chính là Nga và Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 7/2019, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã đệ trình báo cáo nói rằng Venezuela là một ứng cử viên không phù hợp khi liên tục vi phạm nghiêm trọng các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.[1]

Một tháng trước ngày bỏ phiếu, Hội đồng Nhân quyền đã thành lập một nhiệm vụ tìm hiểu thực tế 'để điều tra các vụ xử tử phi pháp, thực hiện các vụ cưỡng bức mất tích, giam giữ tùy tiện, tra tấn và đối xử tàn ác từ năm 2014 ở Venezuela".[2]

Chính phủ Maduro đã lên án hành động này và tuyên bố sẽ không hợp tác với bất kỳ một cơ chế nhân quyền nào của Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở nước này.

Giờ đây Venezuela sẽ tham gia vào chính cơ quan đang tiến hành điều tra họ. Điều này rõ là sự khôi hài !

Khả năng giới hạn

Tình trạng các quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền không phải là điều mới lạ kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2006.

Với thể thức bầu cử thành viên được phân chia số ghế theo khu vực địa lý đã phát sinh tình trạng có nhiều năm việc bỏ phiếu diễn ra mà “không có ứng viên cạnh tranh”.

Theo đó, 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền được phân chia theo khu vực : Châu Phi 13 ghế, Châu Á 13 ghế, Đông Âu 6 ghế, Mỹ Latinh và Caribe 8 ghế, Tây Âu và khu vực khác 7 ghế.

Điều này đã tạo cơ hội cho nhiều quốc gia có tình trạng vi phạm nhân quyền báo động như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Arap Saudi … vẫn cứ ung dung trúng cử, dù thành viên của Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu duy trì "các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền".

Vào năm ngoái Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, và đại sứ Nikki Haley gọi cơ quan này là "đạo đức giả và vụ lợi" và tạo ra "một sự nhạo báng về nhân quyền”.

Xu hướng này thật đáng lo ngại khi quốc gia có thành tích bảo vệ nhân quyền tốt lại ra đi, còn các quốc gia có thành tích xấu thì thay phiên nhau bám trụ, trong khi Hội đồng Nhân quyền là cơ quan mang trọng trách thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.

Cũng khó đòi hỏi nhiều hơn khi nguyên tắc hoạt động của cơ quan này chỉ là đối thoại và hợp tác mà thiếu hẳn cơ chế trừng phạt. Dù vậy, nhiều người theo dõi nhân quyền vẫn đánh giá rằng Hội đồng Nhân quyền đang có từng bước cải cách về cơ chế vận hành để hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 22/10/2019 (minh-luat's blog)

--------

Xem thêm :

Thông tin về kết quả bầu cử Hội đồng Nhân quyền hôm 17/10/2019

[1] Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Venezuela vào tháng 7/2019

[2] Hội đồng Nhân quyền thành lập một nhiệm vụ điều tra thực tế về vi phạm nhân quyền ở Venezuela vào tháng 9/2019

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)