Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Việt Nam tính gì khi ký Thỏa thuận quốc phòng với EU ?

Phạm Chí Dũng

Cho đến tận giờ đây khi đã bị lá cờ ‘Mười sáu chữ vàng’ quất cái đuôi của nó vào mặt, chính thể độc tài ở Việt Nam mới chịu ngó sang Châu Âu để tìm kiếm một chỗ dựa dẫm tạm thời.

vneu1

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan. Hình minh họa.

Ve vãn và mượn tiếng EU tại Liên hiệp quốc

Chỉ ít ngày sau khi đảng cầm quyền ở Việt Nam họp Hội nghị trung ương 11 trong suốt một tuần lễ, nhưng rốt cuộc chỉ thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’ mà không hề dám hé môi về Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc, đã hiện ra Thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh song phương Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EU), được ký vào ngày 17/10/2019.

Việc ký kết trên là kết quả sau chuyến đến Hà Nội của bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời cũng là phó chủ tịch Ủy Ban Liên Âu - vào đầu tháng 8 năm 2019.

Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam - EU, một bản thỏa thuận quốc phòng được hình thành, lồng trong bối cảnh tàu Trung Quốc đã xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam và khiến Hà Nội vỡ mặt.

Ý đồ của giới chóp bu Việt Nam là thật lộ liễu : trong khi vẫn không dám uốn thẳng lưng để hướng đến ‘quan hệ đối tác chiến lược’ và một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với người Mỹ - vẫn đang bị một số quan chức bảo thủ ở Việt Nam xem là ‘kẻ thù số một’, Hà Nội tạm thời dựa vào EU và sức mạnh quân sự của khối này để có thêm một đối trọng về chính trị và quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngay trước mắt, tiếng nói của những quốc gia cầm chịch trong EU như Anh, Pháp, Đức sẽ có thể có được một trọng lượng nào đó nếu lên tiếng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc - nơi mà Việt Nam vừa được bầu là thành viên không thường trực nhưng thật ra chẳng có ý nghĩa gì đáng kể - để hỗ trợ Việt Nam bảo vệ ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ trên Biển Đông.

Trong tình thế hiểm nghèo cùng nguy cơ mất dầu khí lẫn mất cả lãnh thổ, những tín đồ bảo thủ ở Hà Nội đã lặng lẽ cắm mặt chuyển từ thói đu dây ngả ngớn với Trung Quốc và ‘bán bà con xa, mua láng giềng gần’ sang động tác nhích sang phương Tây thêm một chút và bắt đầu âm thầm hoán đổi hai vế của câu tục ngữ đó : bán láng giềng gần, mua bà con xa.

Bài học quơ quào ‘đối tác chiến lược’

Nếu sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào Biển Đông năm 2014 như một cái tát nảy lửa vào mặt Bộ Chính trị đảng, Việt Nam lần đầu tiên kể từ ngày ‘muốn làm bạn với tất cả các nước’ đã không nhìn thấy một bàn tay nào chịu chìa ra cho mình, thì nỗi cô đơn cay đắng đó còn biến thành tận cùng của sự bỉ bôi vào năm 2019 - khi ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc - theo cách ca tụng dưới đáy liêm sỉ của giới chóp bu ‘đảng em’ - đã như một tên cướp xông vào nhà người khác đòi chia chác tài sản, trong lúc toàn bộ các ‘đối tác chiến lược’ khác của Việt Nam, kể cả Nga có lợi ích ở mỏ Lan Đỏ, đều quay mặt sang chỗ khác.

Thậm chí vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám 2019, Trung Quốc còn giành được một thắng lợi trên phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao so với Việt Nam khi Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào đã chỉ đề cập khá chung chung và "quan ngại" về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.

Bài học của thói đu dây dễ lộn cổ và quơ quào ‘đối tác chiến lược’ là một việc chính thể độc tài Việt Nam bị đặt sang rìa thế giới. Thời khắc cuối cùng của thói ‘ăn dày’ đã điểm.

Đó là nguồn cơn đắng chát mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam không còn giữ nổi vẻ kiêu ngạo cộng sản trên gương mặt ních mỡ tư bản dã man, buộc phải tìm kiếm sự hỗ tương từ EU, dù đó vẫn là một Châu Âu trừu tượng về quan điểm chính trị và thực lực quân sự.

Thêm một lần nữa, vào thời gian cuối năm 2019, Việt Nam phải liên tiếp cử các ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đi một số nước Tây Âu nhằm vận động cho những ‘mặt hàng’ đang trở nên nhu cầu cấp bách ở dải đất quằn quại hình chữ S.

Một trong những ‘đoàn đại biểu cấp cao’ đó được dẫn đầu bởi quan chức Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội, đi Cộng hòa Liên bang Đức vào tuần cuối tháng 9 năm 2019.

Chuyến đi Đức của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhắm đến nhiều mục đích như vận động chính phủ Đức sớm phê chuẩn EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam) cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA)", vận động Đức ủng hộ Việt Nam hơn nữa trước căng thẳng ở Biển Đông và Bãi Tư Chính, và… xin viện trợ ODA.

Dù gì thì vào tháng 8 năm 2019, Đức cùng với Pháp và Anh - ba quốc gia trụ cột của EU - đã ra một Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông, trong đó có nhắc đến cái tên Trung Quốc, tuy chẳng có lấy một lời lên án.

Nhưng điều trớ trêu là đoàn của Phó chủ tịch quốc hội Đỗ Bá Tỵ vẫn "coi Đức là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực" và "Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức đang trên đà phát triển mạnh mẽ", mà không cần chút liêm sỉ nào, dù chỉ ở mức tối thiểu.

Bởi cho tới nay, sự thật trần trụi là Nhà nước Đức vẫn giữ nguyên quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Quyết định này được Đức tung ra vào tháng 9 năm 2019 sau khi mật vụ Việt Nam công khai và trắng trợn bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin.

Vậy liệu Việt Nam có gì để trông đợi từ EU trong vụ Bãi Tư Chính ?

Chỉ đánh võ mồm và luồn cúi là giỏi

Dù trong những năm gần đây, Việt Nam đã chịu mở cửa quân cảng Cam Ranh để đón tiếp tàu chiến của một số nước Tây Âu như Pháp, Anh, Tây Ban Nha… theo cơ chế ‘giao lưu hải quân’, nhưng chẳng có gì bảo đảm là bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh song phương Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu sẽ mang lại một sự an ủi đáng kể về mặt bảo vệ công cuộc ‘khoan dầu nuôi đảng’ cho giới quan lại bị người dân Việt bình phẩm ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Bởi tại buổi lễ ký kết thỏa thuận trên, đại diện của EU chỉ bày tỏ quan ngại chung chung về "tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây" và kêu gọi các bên liên quan tuân phủ luật pháp quốc tế, đồng thời ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) "một cách minh bạch", nhưng không một từ ngữ nào nhắc đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc.

Thái độ lắng tiếng trên là logic với trước đó vào đầu tháng 8 năm 2019 khi bà Federica Mogherini đến Hà Nội, Thông cáo báo chí của Ủy Ban Ngoại Vụ, Chính Sách An Ninh, Chính sách Láng giềng và Đàm phán của EU nêu ra sau chuyến đi này chỉ là "Những hành động đơn phương trong những tuần lễ qua ở Biển Đông dẫn đến hệ quả làm gia tăng căng thẳng và suy thoái môi trường an ninh biển. Đây là biểu hiện của mối đe dọa nghiêm trọng đến phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực", mà đã không có một từ nào nói rõ về chủ thể của hành động đơn phương đó : Trung Quốc.

Thái độ dè dặt của EU khiến người ta phải nhìn lại bản Thỏa thuận quốc phòng mà EU và Việt Nam xem có tính thực chất hay không.

Bởi từ chuyện ký kết cho đến một hành động thực chất nào đó của EU đối với tình trạng nan giải ở Bãi Tư Chính lại là một khoảng cách có thể còn khá xa.

Cũng như hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ đi vào Biển Đông để tuần tra nhưng chưa có động tác nào can thiệp vào khu vực Bãi Tư Chính, khó có khả năng EU điều tàu chiến vào Biển Đông, càng khó vào Bãi Tư Chính trong thời gian tới, cho dù có bị Việt Nam thúc ép.

Cả Mỹ và EU dường như đều đang rất dè dặt trước vụ Bãi Tư Chính nói riêng và Biển Đông nói chung, bởi họ muốn chờ xem chính thể Việt Nam sẽ ‘bản lĩnh’’ đến mức nào trong việc đối phó với chế độ cùng ý thức hệ là Trung Quốc, hay chỉ đánh võ mồm và luồn cúi là giỏi.

Quả nhiên cho tới nay, bất chấp bị Trung Quốc cắn xé lãnh thổ và xúc phạm danh dự, giới chóp bu Việt Nam vẫn ‘câm như hến’ mà không một lần dám đả động vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc. Tâm thế quá đớn hèn như thế rất có thể dẫn tới mối nguy thiệt đơn thiệt kép : nếu một ngày đẹp trời nào đó ‘đảng anh’ nổ súng tấn công Bãi Tư Chính và quần đảo Trường Sa, ‘đảng em’ sẽ phải đơn thân ‘kịch liệt phản đối’, trong lúc toàn bộ các nước trong khối EU chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : VOA, 25/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)