Như một quy luật đã thành hình nhưng luôn bị giới chóp bu Đảng cộng sản Việt Nam cố tình giấu giếm, cứ vài năm lại xảy ra hiện tượng có đến hàng trăm đại biểu Quốc hội bỗng nhiên "mất tích" trong một phiên họp tại nghị trường.
Cảnh vắng hoe tại một phiên họp của Quốc hội CSVN. (Hình : VOV)
Nhưng càng về sau này, tần suất "mất tích" càng xảy ra dày hơn, còn chu kỳ "mất tích" lại được rút ngắn, trong khi số lượng "mất tích" ngày càng nhiều hơn.
Quy luật "mất tích"
Quốc hội đang bước vào kỳ họp tháng Mười và Mười Một, 2019. Liệu sẽ lại xảy ra nạn "mất tích" đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này ?
Còn nhớ, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng Năm và tháng Sáu, năm 2017, chỉ là một trong những minh chứng hùng hồn cho bầu không khí trống vắng đến lạnh người.
Trống lạnh đến nỗi Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, phải thêm một lần nữa thừa nhận sự thật bỉ bôi này : "Chưa kỳ nào đại biểu quốc hội vắng nhiều như kỳ họp này. Không hôm nào vắng dưới 30 đại biểu, trung bình mỗi ngày có 30-50 đại biểu vắng họp", và "có những đoàn vắng một nửa số đại biểu. Cá biệt có hôm vắng trên dưới 100 đại biểu".
Trong khi một số quan chức lãnh đạo của Quốc hội đòi phải "chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội", thì cũng có những dư luận "thân đảng" lên tiếng phán quyết về việc những đại biểu Quốc hội "trốn họp" là không xứng đáng với vị trí mà người dân đã bầu cho họ và đồng tiền thuế mà nhân dân bỏ ra.
Những đánh giá trên là không sai và đã nhiều lần được nêu ra bởi dư luận người dân và mạng xã hội khi đặc biệt nhấn mạnh con số hàng tỷ đồng hoặc hơn tiền thuế của dân đã được chi cho mỗi ngày họp của Quốc hội, trước khi các cơ quan dân cử buộc phải thừa nhận sự thật tồi tệ này. Nhưng vẫn là chưa đủ…
Mà còn có những nguồn cơn sâu xa hơn hẳn.
"Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang Quốc hội"
Đầu tiên là vai trò của Quốc hội trong thể chế chính trị độc đảng và kéo theo dàn nhân sự của các cơ quan quốc hội. "Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang Quốc hội" – giới quan chức Quốc hội vẫn thường ta thán như thế khi so sánh với các bộ ngành màu mỡ bên chính phủ và sau đó là các ban đảng ít màu mỡ hơn.
Trong thực tế đúng là như vậy, số quan chức này không có thực quyền, chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Còn Quốc hội cho dù được tiếng là "cơ quan dân cử tối cao", nhưng về thực chất chỉ là một loại cơ quan "yếu", nếu không nói thẳng là cơ quan bù nhìn.
Trong rất nhiều năm, dù không được phát lộ trong các cuộc họp chính thức của Quốc hội, nhưng bên lề nghị trường đã có một số đại biểu than vãn về tình trạng Quốc hội khá bị động khi xem xét và quyết định một số vấn đề, dự án mà bên chính phủ trình, nhưng vẫn phải "gật". Trong một số trường hợp, Quốc hội còn bị xem là "bù nhìn" vì chẳng được quyết định…
Tiêu biểu cho cơ chế "bù nhìn" của Quốc hội là một vấn đề được nêu ra trong kỳ họp thứ 7 : bất chấp các nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu Tư Công quy định dự án có tổng vốn đầu tư từ 10,000 tỷ đồng trở lên phải được trình qua Quốc hội, phía các cơ quan chính phủ vẫn phớt lờ, mà chỉ đến khi dự án gây hậu quả hoặc đội vốn quá cao và sinh nạn thiếu tiền thì mới chịu kêu gào đòi được thông qua vốn bổ sung.
Trong thực tế, khá nhiều dự án kinh tế với vốn đầu tư khổng lồ nhưng đã chỉ trình ra Quốc hội theo cách cho có, như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giá trị 15 tỷ USD, dự án sân bay Long Thành 18 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam lên đến gần 60 tỷ USD,… Trong khi đó, cơ quan thẩm định dự án của Quốc hội không chỉ bị xem là non kém chuyên môn mà luôn trở nên vô hiệu trong trường hợp dự án đã được "Bộ Chính trị phê duyệt rồi".
Vụ việc Bộ Chính trị "ngồi xổm trên pháp luật" mới nhất là vào tháng Giêng, 2019, cơ quan siêu bộ này tự cho nó thẩm quyền duyệt tăng vốn dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên ở Sài Gòn lên gần 3 lần, trong tình thế dự án này đã đội vốn kinh khủng mà chỉ còn cách hoặc cắm đầu phê duyệt, hoặc cho bắt hết dàn quan chức quản lý dự án.
Không chỉ bị phía chính phủ phớt lờ và xem thường, giới đại biểu Quốc hội còn bị áp đặt nặng nề bởi ý chỉ "cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp" – như một tuyên bố không cần úp mở của Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013, lại chính là người mà đã "trưởng thành" từ cái ghế chủ tịch Quốc hội.
Trong một thể chế chính trị nặng về đàn áp người dân, nhiều dự án luật quá cấp thiết cho quyền dân như dự luật về hội, dự luật biểu tình, dự luật trưng cầu dân ý… đã được quy định trong Hiến Pháp, nhưng đã bị đảng "treo" từ rất nhiều năm qua, cho đến nay vẫn không được đưa ra Quốc hội để bỏ phiếu thông qua.
Vô tích sự hay "phản động" ?
"Họp Quốc hội mà chỉ để bấm nút đồng ý cho những chuyện đã được Bộ Chính trị hay Thường trực Chính phủ quyết định rồi thì họp để làm gì ?" – có lần một đại biểu Quốc hội than thở ngoài hành lang nghị trường.
Còn không ít lời than vãn mang tính phản ứng của những đại biểu Quốc hội khác. Có đại biểu còn tuyên bố ngoài lề rằng họp hành cơ chế kiểu này thì thà đi nhậu sướng hơn.
Trong khi đó, Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm gì để hạn chế tình trạng đại biểu bỏ họp ?
Không những không làm gì để tạo hưng phấn ngồi họp và mở miệng cho giới đại biểu, tại kỳ họp tháng Năm và tháng Sáu, 2019, bà Ngân còn lạnh lùng "chặn họng" những đại biểu cắc cớ hỏi về các vụ dự luật đặc khu và vụ phân bón giả Thuận Phong – hai vụ việc đều bị dư luận cho là ít nhiều có dính dáng đến đương kim chủ tịch Quốc hội.
Dân gian và giới "nghị gật" cũng nhớ như in là vào tháng Năm, 2018, chính Nguyễn Thị Kim Ngân đã lạm dụng cái ghế chủ tịch Quốc hội để át đi tiếng nói phản biện của một ít đại biểu Quốc hội phản bác dự luật đặc khu bằng lối nói đầy thủ thuật "Bộ Chính Trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…"
Không chỉ hành xử khuất tất với dự luật đặc khu mà còn "gật vô thức" với một số vụ khác mang đậm yếu tố lợi ích nhóm như bỏ phiếu cho tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, với nhiều loại thuế được "kiến tạo" để bóp hầu bóp họng dân chúng,… Quốc hội đã tự biến nó thành cơ quan không chỉ vô tích sự về công tác phản biện và giám sát, mà còn bị không ít người dân xem là "phản động" – theo đúng nghĩa hành động ngược lại quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân đã bầu ra nó.
Nhưng với "bạn vàng" thì khác hẳn. Nếu trong vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng trút ra được một nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn : trong khi bà Ngân "mắt liếc mày cong" với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về "làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là "đại cục", cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.
Rốt cuộc, ngày càng nhiều đại biểu Quốc hội bỏ họp. Đó cũng là cái cách lãn công và biểu thị ý chí phản ứng gián tiếp của ít nhất 20% trong tổng số gần 500 "nghị gật" trước ý chỉ độc đoán của đảng, thủ thuật làm trước báo sau của chính phủ và các nhóm lợi ích kinh tế "thế hệ 4.0", thói áp chế ngôn luận bởi giới chóp bu của Quốc hội, và có thể với ý chí "hèn với giặc, ác với dân" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính đảng giật dây nó trong vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính – điều mà nhiều đại biểu dường như đã dám nghĩ đến trong đầu tuy chẳng dám nói ra.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 24/10/2019