Chỉ hai ngày sau "ngày hội non sông", tức là ngày bầu cử quốc hội Việt Nam khóa 15, hôm 23/5/2021, thì các tin tức liên quan đến cuộc bầu cử gần như đã biến mất trên mặt báo. Danh hài Hoài Linh và những lùm xùm xung quanh tiền cứu trợ người dân miền Trung được các báo đẩy lên hàng đầu để giúp người dân nhanh chóng quên đi cuộc bầu cử vừa qua. Dù vậy thì việc tìm hiểu về bầu cử quốc hội là rất quan trọng và cần thiết với mỗi người công dân có trách nhiệm đối với vận mệnh và tương lai của đất nước và của chính mình.
Chúng ta đều biết, quốc hội là cơ quan lập pháp của một quốc gia. Quốc hội bao gồm các dân biểu (Đại biểu quốc hội - Đại biểu quốc hội) được người dân bầu chọn và có nhiệm vụ thông qua hiến pháp và ban hành các bộ luật quan trọng của đất nước. Quyền của quốc hội, quyền Lập pháp là cao nhất trong ba quyền : Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
"Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có ba chức năng chính :
- Lập hiến, lập pháp.
- Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
- Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Nhiệm kì của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm. Mỗi năm Quốc hội họp thường kỳ 2 lần".
Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không.
Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không. Việt Nam là một nước độc tài đảng trị và hoàn toàn không có dân chủ. Quốc hội Việt Nam đặt Đảng cộng sản lên trên đất nước và dân tộc. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đặt Việt Nam dưới sự đô hộ của một đội quân chiếm đóng người bản xứ là Đảng cộng sản. Đây là điều không thể chấp nhận và thỏa hiệp.
Điều 4 Hiến pháp 2013 viết : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Trước khi đi vào chi tiết chúng ta cùng nhau điểm qua một vài con số và sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử ngày 23/5/2021.
Kỳ bầu cử khóa 15 có tổng số ứng cử viên Đại biểu quốc hội là 1093 người, trung ương có 205, các địa phương có 888 và 75 người tự ứng cử. Có 17 ứng cử viên là Ủy viên Bộ chính trị, 101 ứng cử viên là Ủy viên trung ương đảng. Trong đó chỉ có một ứng cử viên ngoài đảng gây được chú ý là Lương Thế Huy, chuyên gia chính sách về Giới, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (đơn vị bầu cử Hà Nội). Có vài ứng cử viên độc lập được nhiều người biết đến và chú ý như ông Nguyễn Đình Cống (đã bị loại). Hai người tự ứng cử là Lê Trọng Hùng (gàn) và Trần Quốc Khánh đã bị bắt trước ngày bầu cử.
Chi phí cho cuộc bầu cử năm 2016 là 1.444 tỉ VNĐ và chi phí dự trù cho cuộc bầu cử năm 2021 sẽ cao gấp 2,6 lần năm 2016 tức là khoảng 3.750 tỉ VNĐ.
Số lượng đại biểu chuyên trách, là những người làm việc toàn thời gian cho quốc hội khóa 9-10 là 5-7%. Khóa 13-14 tăng lên 30% và dự kiến khóa 15 sẽ tăng lên 40%, tức là khoảng 200 người. 300 người còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, nghĩa là họ là quan chức Đảng cộng sản bên hành pháp, tư pháp và mặt trận.
Trong kỳ bầu cử quốc hội khóa 14 năm 2016 có 162 người tự ứng cử Đại biểu quốc hội và 79 người tự ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân Dân cấp tỉnh. Có nhiều khuôn mặt bất đồng chính kiến tự ra ứng cử như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Lê Văn Luân, Đỗ Việt Khoa, Trần Đăng Tuấn, Lê Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, Hoàng Dũng, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Trang Nhung, Mai Khôi...
Dự kiến số đại biểu ngoài Đảng tự ứng cử khóa 14-15 là 5-10%, tức là từ 25-50 người. Tuy nhiên quốc hội khóa 14 chỉ có hai người tự ứng cử trúng cử là Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) và Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tasco), cả hai đều là đảng viên đảng cộng sản. Tất cả các ứng cử viên độc lập từng lên tiếng ủng hộ dân chủ đều bị loại từ vòng đầu tiên, trừ ông Trần Đăng Tuấn lọt được vào vòng gần cuối. Lý do khiến những người này bị loại rất vô duyên và kỳ quặc ví dụ ông Đỗ Việt Khoa bị loại khi lấy ý kiến cử tri ở khu phố là vì để "chó ỉa sang nhà hàng xóm".
Theo Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên thì cuộc bầu cử Quốc hội hôm 23/5/2021 hoàn toàn không hợp lệ nên tẩy chay là thái độ đúng nhất. Còn tẩy chay thế nào thì tùy theo hoàn cảnh và khả năng của từng người. Chúng tôi đề nghị là lấy lý do đại dịch Covid-19 để không đi bỏ phiếu và nếu phải đi thì gạch bỏ tất cả ứng cử viên Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ra ứng cử Đại biểu quốc hội hay không ? Có nên tẩy chay bầu cử hay không ? Vào quốc hội rồi thì có thể bày tỏ được chính kiến của mình hay không ?...Tỉ lệ 5-10% Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng hay 35-40% Đại biểu quốc hội là đại biểu chuyên trách chỉ là trên lý thuyết, thực tế không bao giờ có. Khóa 14 chỉ có 2 đại biểu tự ứng cử trúng cử và cả hai đều là đảng viên (như đã nói ở trên). Ngay cả trường hợp có được 25-50 Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng có mặt trong quốc hội thì họ có thể làm được gì không ? Câu trả lời là Không vì Đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm đến 90-95%. Mọi đề nghị của họ đều sẽ bị bác bỏ bởi đa số Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản. Thậm chí họ sẽ không có cơ hội để phát biểu tại quốc hội vì lý do... không đủ thời gian.
Chúng ta đừng quên ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" trong một lần tiếp xúc cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm năm 2013.
Cách đây một năm, ngày 11/05/2020, tại hội nghị trung ương lần thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ hơn : "Lựa chọn đại biểu quốc hội thế nào cũng phải có đủ tiêu chuẩn... chứ không phải là vào đó để thể hiện mình rồi nói ngang nói ngửa thế này thế kia như là mình độc lập, mình mới là đại diện cho dân...phải chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của đảng".
Cũng trong một phiên thảo luận về dự luật đặt khu năm 2018, khi một số đại biểu quốc hội tỏ ý không đồng tình với dự luật này, chủ tịch quốc hội lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã nói rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi... (quốc hội) phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật". Nói cách khác là một khi Đảng đã quyết định thì quốc hội phải phục tùng, không được phép có ý kiến. Quốc hội Việt Nam, dù trên giấy tờ là cơ quan quyền lực nhất, nhưng thực chất chỉ là tay sai ngoan ngoãn cho Đảng cộng sản, các lãnh đạo cộng sản cũng không giấu giếm gì điều này, những phát biểu của ông Trọng, bà Ngân chỉ là ví dụ.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng".
Các Đại biểu quốc hội hay phát biểu "được lòng dân" tại diễn đàn quốc hội là vì họ được lệnh phát biểu như thế hoặc có thể họ không biết như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H’Bơ...trước sau cũng bị cho nghỉ làm Đại biểu quốc hội. Càng ngày những tiếng nói phản ánh sự thật càng không có chỗ đứng tại quốc hội cho dù họ là đảng viên. Lý do cũng giản dị : Nội bộ Đảng cộng sản đang chao đảo và phân hóa mạnh. Họ không muốn có thêm bất cứ một rắc rối hay phiền toái nào trong nội bộ. Họ cần sự "thống nhất" trong nội bộ dù giả tạo để che đậy những rạn nứt và bối rối bên trong. Đảng Cộng hòa (Mỹ) cũng y như vậy, ngay cả nhân vật thứ 3 của đảng là bà Liz Cheney vẫn bị loại bỏ khỏi vai trò lãnh đạo để Đảng Cộng hòa có thể "đoàn kết" xung quanh lãnh tụ Donald Trump. Ứng cử viên Lương Thế Huy và có thể cả ông Trương Trọng Nghĩa sẽ bị loại vì lý do trên.
Một lý do nữa cho thấy sự bù nhìn của quốc hội Việt Nam đó là các đại biểu quốc hội kiêm nhiệm chiếm đa số trong quốc hội. Những người đó là cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản thuộc Bộ chính trị và trung ương đảng. Họ ngồi vào quốc hội để chiếm chỗ và để răn đe, dằn mặt các đại biểu khác chứ họ không tham gia các hoạt động thường niên của quốc hội.
Một điều đáng nói nữa là các đại biểu quốc hội phải tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng Hiến pháp 2013 rất vô lý, xấc xược và phản quốc vì nó cho phép Đảng cộng sản thống trị toàn bộ đất nước. Nó buộc công an, quân đội, nhân viên chính phủ trước hết phải trung thành với Đảng cộng sản. Quốc hội, trên lý thuyết là cơ quan có quyền lực cao nhất của đất nước nhưng thực ra không có quyền hành gì hết. Nó chỉ là một cơ quan có nhiệm vụ chính thức hóa, công khai hóa những quyết định của ban lãnh đạo Đảng cộng sản.
Trong mọi quốc gia bình thường, quyền lập pháp là quyền cao nhất, tại Việt Nam nó chỉ có vai trò hợp pháp hóa tội ác và sự tùy tiện. Đại biểu quốc hội trên nguyên tắc là đại diện của nhân dân để phản ánh nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng có "đại biểu quốc hội" nào đã đến thăm hỏi và bênh vực những người dân oan tại Đồng Tâm, Vũng Áng, Dương Nội, Tiên Lãng, Lộc Hưng ? Tuyệt đối không. Họ không phải là đại diện của nhân dân mà chỉ là những viên chức của một thế lực thống trị (1).
Quốc hội có vai trò giám sát các hoạt động của chính phủ nhưng tại Việt Nam điều đó không bao giờ xảy ra. Mọi luật lệ chính sách đều do bên hành pháp (chính phủ) soạn sẵn và quốc hội chỉ có nhiệm vụ đóng dấu đồng ý vào đó. Ngay cả các chức danh quan trọng của nhà nước, chính phủ và quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, đáng ra sẽ được quốc hội khóa 15 "bầu chọn" cũng đã được công bố từ hồi tháng 4/2021.
Phản ứng tự nhiên của người dân Việt Nam là tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này, nhưng cũng có một chọn lựa khác là coi cuộc bầu cử này như một dịp để bày tỏ thái độ phẫn nộ đối với Đảng cộng sản và khinh bỉ đối với cái gọi là quốc hội của nó bằng cách đi bầu nhưng gạch bỏ toàn bộ lá phiếu. Những người được ghi tên trên lá phiếu không đại diện cho người dân Việt Nam, họ đại diện cho bộ máy đang thống trị đất nước này.
Chúng ta không nên mất thời gian bàn cãi nên hay không nên tham gia vào trò chơi này của Đảng cộng sản. Chừng nào chưa có dân chủ thật sự tại Việt Nam thì chúng ta nên tẩy chay các cuộc bầu cử do Đảng cộng sản độc diễn và dàn dựng. Không thể nào thay đổi được Đảng cộng sản từ bên trong. Nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ thực sự đứng đắn, có phương pháp và trách nhiệm để làm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Hoàng
(25/05/2021)
Hỏi Quốc hội cộng sản Việt Nam có bù nhìn không là thừa nhưng không thiếu vì cuộc bầu cử nào cũng "đảng cử dân bầu".
Kỳ này, cuộc bầu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra trên toàn quốc ngày 23/05/2021 cũng chỉ là tuồng diễn lại nên càng nhàm chán và phí phạm thời giờ và tiền mồ hôi nước mắt của dân.
Theo báo Chính phủ (Chinhphu.vn) ngày 24/02/2021, ngân sách đã chi ra 733,322 tỷ đồng (khoảng 320 triệu dollars) cho công tác bầu cử.
Cũng vẫn là chuyện bản cũ sao lại như Đảng lãnh đạo bầu cử, giới thiệu đảng viên ứng cử và tham gia công tác "hiệp thương", qua tổ chức bình phong Mặt trận Tổ quốc, để chọn ứng cử viên, tuyên truyền và vận động bầu cử.
Trò "hiệp thương" chỉ giả vờ cho vẻ công bằng chứ việc chọn người đã được âm thầm định sẵn từ trước. Ai cũng biết, nhưng không ai dám nói vì sợ bị tù.
Điều được gọi là tiếp xúc với cử tri của ứng cử viên cũng được Mặt trận Tổ quốc địa phương đạo diễn từ việc chỉ định người dân tham dự cho đến nội dung chất vấn. Do đó, đã có các "màn đấu tố hội đồng" những người "tự ứng cử" không hợp nhãn đảng.
Vậy mà, báo lý luận hàng đầu của đảng lại huyênh hoang : "Giới thiệu đảng viên ứng cử là con đường duy nhất của đảng chính trị nắm giữ quyền lực nhà nước một cách chính đáng và hợp pháp, hiện thực hóa sự lãnh đạo qua Nhà nước, duy trì, củng cố vị thế lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đến thành công của cuộc bầu cử" (Tạp chí Cộng sản, 07/05/2021).
Tất nhiên phải "thành công" vì Đảng một mình một chợ, không có ai cạnh tranh hay đòi chia phần. Nhưng việc đảng chọn cho dân bầu chỉ để tuyên truyền cho phương châm "ý đảng lòng dân", trong khi người dân không có lựa chọn nào khác mà buộc phải đi bỏ phiếu để tránh bị làm khó trong cuộc sống.
Quốc hội cộng sản Việt Nam có bù nhìn không ? Đây là bằng chứng "đảng cử dân bầu".
Nhân chứng, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang (Việt Nam) đã nói với Đải Á Châu Tự Do (Radio free Asia, RFA) : "Từ lâu rồi người dân, cán bộ cũng thừa biết Quốc hội không có quyền lực gì mấy, cho nên người dân cũng không quan tâm lắm ông nào bà nào đứng đầu Quốc hội, kể cả Thủ tướng".
Ông Tạo nói tiếp : "Trong nhiều thập niên qua chỉ có vài người có vai trò nhất định, như thời kỳ ông Võ Văn Kiệt. Chứ còn những người khác thì cứ mờ mờ, nhạt nhạt... cứ căn cứ vào nghị quyết Đảng nói ba điều bốn chuyện, không đâu vào đâu, vô bổ... Hầu như các vị ấy không có năng lực, không có chuyên môn, cũng không có tâm huyết gì ? Tâm tư của người dân bây giờ nản, phó mặc, kệ... các ông các bà muốn làm gì thì làm. Còn việc đi bầu cử, nếu dân không đi thì bị công an địa phương gây khó khăn, nghi ngờ, ghi vào sổ đen... Người dân miễn cưỡng đi bầu chứ người ta biết lá phiếu của họ cũng chẳng tác dụng gì" (RFA, 27/4/2021).
Như vậy, điều mà Đảng tuyên truyền rằng ngày bầu cử 23/05/2021 là "ngày hội toàn dân", chẳng qua chỉ là "ngày hội của đảng cầm quyền" để bảo đảm Quốc hội thuộc về đảng.
Nhưng sau bầu cử thì sự khống chế Quốc hội của đảng được quy định ra sao ?
Lệ thuộc từ gốc
Sau đây là những bằng chứng :
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo Quốc hội
Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) viết ; "Vai trò lãnh đạo rõ rệt nhất của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Quốc hội Việt Nam là cơ quan Đảng đoàn Quốc hội. Đây là một tổ chức của Đảng cộng sản trong Quốc hội, gồm các đảng viên nắm vai trò trọng yếu trong Quốc hội như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban thường vụ quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư và các ủy viên Đảng đoàn đều do Bộ Chính trị chỉ định.
Về danh nghĩa, Đảng đoàn Quốc hội là một tổ chức có tư cách pháp nhân có con dấu độc lập. Trên thực tế, các hoạt động của Quốc hội đều được Bộ Chính trị và Ban Bí thư định hướng gián tiếp thông qua Đảng đoàn Quốc hội.
Thành viên Đảng đoàn Quốc hội hiện gồm : Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội ; thành viên khác (nếu có) do Đảng đoàn đề nghị, Bộ Chính trị quyết định. Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Bí thư Đảng đoàn".
Thứ hai, Quốc hội tuân theo lệnh đảng
Theo Wikipedia thì nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được quy định như sau :
1. Lãnh đạo Quốc hội thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng.
2. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về tổ chức, cán bộ ; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo sự phân công, phân cấp của Bộ Chính trị.
3. Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong hoạt động của Quốc hội.
4. Được triệu tập đảng viên hoặc đại diện đảng viên ở các đoàn đại biểu quốc hội để bàn chủ trương và biện pháp thực hiện nghị quyết của Đảng trong Quốc hội.
5. Báo cáo và kiến nghị với cấp ủy có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với đảng viên là đại biểu quốc hội vi phạm nguyên tắc kỷ luật Đảng trong hoạt động Quốc hội.
6. Chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những đề xuất và các quyết định của Đảng đoàn.
7. Phối hợp với Đảng ủy khối và Đảng ủy cơ quan xây dựng Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, Điều 69, Hiến pháp năm 2013
"Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".
Thế nhưng, Đảng đoàn Quốc hội vẫn phải trình Bộ Chính trị :
1. Những vấn đề Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội có ý kiến khác với ý kiến Bộ Chính trị trước khi Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội biểu quyết thông qua (nếu có).
2. Về định hướng trọng tâm hoạt động giám sát trong cả nhiệm kỳ của Quốc hội.
3. Về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có sai phạm.
4. Về kết quả giám sát, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với việc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chủ trương lớn của Đảng có ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước ; kiến nghị xử lý các vi phạm, kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.
5. Kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội.
6. Những vấn đề khác Đảng đoàn Quốc hội thấy cần xin ý kiến Bộ Chính trị.
Ngoài ra, Đảng đoàn Quốc hội còn phải : "Trình Ban Bí thư kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội".
Ai làm luật ?
Trong lĩnh vực làm luật, tất cả các Dự luật đều do Chính phủ chuyển qua, sau khi đã được đồng ý của Bộ Chính trị. Không có Dự luật nào được thông qua do các cá nhân Đại biểu hay của các ủy ban soạn thảo đệ trình ra Quốc hội.
Vì vậy, cho đến nay (2021), sau 10 năm, hai Dự luật Biểu tình và Lập hội vẫn chưa được đem ra thảo luận. Riêng Dự luật Biểu tình, do Bộ Công an soạn thảo, đã bị trì hoãn ít nhất 3 lần vì còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu quốc hội và Bộ Công an. Do đó, mỗi khi người dân tự ý biểu tình, dù xuống đường chống Tầu xâm lược biển đảo và giết ngư dân Việt Nam, cũng bị đàn áp vì nhà nước sợ Trung Quốc phật lòng.
Đối với Dự luật Lập hội còn nhạy cảm hơn vì nếu người dân được quyền lập hội thì tất nhiên cũng được quyền tổ chức đảng chính trị, một việc bị ngăn cấm tuyết đối bởi chính Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, vì đảng sợ bị đối lập và tranh cử sẽ làm mất vai trò độc tôn cầm quyền của mình.
Do đó, tuy Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng lại không làm chủ được vai trò lập pháp của mình. Hầu hết mọi chuyện đều phải có ý kiến của Bộ Chính trị, cơ quan tối cao của Đảng nhưng có quyền bao trùm lên Quốc hội là điều tréo cẳng ngỗng.
Bằng chứng như Luật sư Nguyễn Minh Tuấn đã viết : "Lập pháp là chức năng vốn có của Quốc hội. Thế nhưng ở Việt Nam việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại do rất nhiều cơ quan thực hiện….
"Quốc hội nắm quyền lập pháp, nhưng thực tế phần lớn các dự thảo luật là do Chính phủ và các Bộ ngành soạn thảo, đệ trình. Không những thế, ngay cả sau khi luật có hiệu lực thi hành rồi vẫn cần phải có rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành mới có thể đi vào cuộc sống. Xuất phát từ việc quá coi trọng "lập pháp ủy quyền" như vậy nên ở Việt Nam quyền lập pháp vốn thuộc về Quốc hội, nhưng hóa ra trên thực tế đã chuyển một phần lớn sang Chính phủ và các Bộ ngành, vì "hồn cốt của luật" nằm ở các dự luật và văn bản hướng dẫn thi hành" (VietnamExpress, 8/5/2014).
Khi nói đến "văn bản hướng dẫn thi hành" luật do phía Chính phủ ban hành thì rất nhiều lần Quốc hội đã than phiền hướng dẫn lại gây phiền hà nhiều hơn cho dân, hoặc làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy của luật, đôi khi lại viết trái luật.
Điều này được Luật sư Nguyễn Minh Tuấn, một thạc sĩ Luật có văn phòng ở Hà Nội, phê bình : "Luật được ban hành có hiệu lực rồi, nhưng thường chưa thể thi hành được ngay mà vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn. Điều đó nảy sinh cách hiểu những văn bản hướng dẫn thi hành luật hóa ra "quan trọng hơn cả luật". Như vậy trật tự, nguyên tắc và giá trị vốn có của hệ thống pháp luật sẽ bị đảo lộn, tạo điều kiện nảy sinh sự tùy tiện trong giải thích và thực thi luật pháp của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền".
Ông Tuấn kết luận : "Do có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, nên không tránh khỏi tình trạng nội dung và tinh thần của luật bị biến dạng, biến tướng hoặc không thân thiện với đối tượng được điều chỉnh, tạo tiền lệ dễ cho việc quản lý, nhưng lại khó cho người dân khi thực hiện".
Đây là bằng chứng của sự lạm dụng quyền hành pháp để lấn át nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội mà Quốc hội vẫn phải tùng phục là một chứng minh Quốc hội phải đứng sau quyền lực Đảng.
Từ góc cạnh này, Giáo sư Gerry Ferguson, trưởng khoa quan hệ pháp luật vùng Châu Á - Thái Bình Dương thuộc đại học Victoria, Canada nhận định về Quốc hội Việt Nam : "Từ năm 1945, Quốc hội Việt Nam hoạt động như là một cơ quan "gật đầu" (rubber stamp) mọi quyết định được đưa ra trước từ các ban cao nhất thuộc đảng hợp pháp độc nhất (tức Đảng cộng sản Việt Nam)" (Wikipedia).
Tình trạng "gật đầu", hay "nghị gật" được coi như phong tục tập quán của Quốc hội cộng sản Việt Nam. Hầu hết ứng cử viện được chọn, từ Trung ương xuống cơ sở, đều là người của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội do đảng thành lập. Một số rất nhỏ người "tự ứng cử" cũng xuất hiện trong mỗi lần bầu, nhưng chỉ là muối bỏ biển để làm cảnh và không hề có tên những người nổi tiếng đấu tranh dân chủ và tự do.
Ứng cử viên vô đạo
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/5 sắp tới, người dân sẽ bầu 500 ghế trong số 1.093 ứng cử viên, trong đó Trung ương chiếm 205 người (có 100 người tái cử), địa phương là 888 ứng viên. Có 9 người tự ứng cử. Số người ngoài đảng ứng cử khoảng 75.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, 84 tuổi, một khuôn mặt đấu tranh dân chủ nổi tiếng ở Hà Nội đã bị loại ngay vòng đầu ngày 8/4/2021 với lý do "quá già", sợ không đủ sức khỏe để phục vụ. Nhưng Hiến pháp và Luật bầu cử không hạn chế tuổi mà chỉ nói từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử. Điều này cho thấy đảng có chủ ý loại bỏ và kỳ thị người đối lập với đảng.
"Vừa qua có hai người tự ứng cử đại biểu quốc hội ở phía Bắc là ông Trần Quốc Khánh và Lê Trọng Hùng bị bắt giam. Cả hai bị cáo buộc ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống Nhà nước’ theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015" (RFA,12/4/2021).
Nên biết trong khóa Quốc hội XIV (2016-2021) có 496 người đắc cử, nhưng nay còn lại 483 vì có người bị mất chức hay qua đời.
Trong số 162 người tự ứng cử năm 2016, chỉ có 2 người đắc cử, 2 ghế ít hơn khóa XIII.
Như vậy, chuyện "tự ứng cử" và được "đắc cử" cũng do Đảng và Mặt trận Tổ quốc đạo diễn, vì khi ứng cử và bầu cử không có tự do và dân chủ thì bầu cử chỉ là trò hề dân chủ mà thôi
Bằng chứng này đã được thừa nhận bởi Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khi ông chỉ thị phải "loại bỏ những thành phần cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất và có tư tưởng chống phá Đảng, Nhà nước" (VTC News, 12/04/2021).
Tuyên bố của Vương Đình Huệ đã xác nhận ba điều :
Thứ nhất, cử tri chỉ được bỏ phiếu cho những người đã được Đảng chọn.
Thứ hai, Đảng không chấp nhận cho ứng cử những người đối lập với chủ trương và đường lối lạnh đạo độc quyền và độc tôn của Đảng.
Thứ ba, bảo đảm số người đắc cử phải tuyệt đối trung thành với Đảng và chủ ngĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cuối cùng, theo Danh sách phổ biến ngày 27/04/2021 thì có tới 99,9% ứng cử viên "vô đạo", kể cả ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ứng cử ở Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, (ứng cử ở Sài Gòn), Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ (ứng cử ở Hải Phòng), và Thủ tướng Phạm Minh Chính (ứng cử đơn vị Cần Thơ).
Lý lịch ghi "không" trong mục Tôn giáo của các ứng cử viên quốc hội không mới, ngoại trừ một số rất nhỏ chức sắc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo và đạo Cao đài được chọn ứng cử cho ra vẻ đoàn kết. Nhưng việc này, thêm lần nữa chứng minh Quốc hội cộng sản Việt Nam là "vô thần", y như đảng cầm quyền xưa nay.
Như vậy thì Quốc hội cộng sản Việt Nam có phải là bù nhìn không ?
Phạm Trần
(11/05/2021)
Như một quy luật đã thành hình nhưng luôn bị giới chóp bu Đảng cộng sản Việt Nam cố tình giấu giếm, cứ vài năm lại xảy ra hiện tượng có đến hàng trăm đại biểu Quốc hội bỗng nhiên "mất tích" trong một phiên họp tại nghị trường.
Cảnh vắng hoe tại một phiên họp của Quốc hội CSVN. (Hình : VOV)
Nhưng càng về sau này, tần suất "mất tích" càng xảy ra dày hơn, còn chu kỳ "mất tích" lại được rút ngắn, trong khi số lượng "mất tích" ngày càng nhiều hơn.
Quy luật "mất tích"
Quốc hội đang bước vào kỳ họp tháng Mười và Mười Một, 2019. Liệu sẽ lại xảy ra nạn "mất tích" đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này ?
Còn nhớ, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng Năm và tháng Sáu, năm 2017, chỉ là một trong những minh chứng hùng hồn cho bầu không khí trống vắng đến lạnh người.
Trống lạnh đến nỗi Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội, phải thêm một lần nữa thừa nhận sự thật bỉ bôi này : "Chưa kỳ nào đại biểu quốc hội vắng nhiều như kỳ họp này. Không hôm nào vắng dưới 30 đại biểu, trung bình mỗi ngày có 30-50 đại biểu vắng họp", và "có những đoàn vắng một nửa số đại biểu. Cá biệt có hôm vắng trên dưới 100 đại biểu".
Trong khi một số quan chức lãnh đạo của Quốc hội đòi phải "chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội", thì cũng có những dư luận "thân đảng" lên tiếng phán quyết về việc những đại biểu Quốc hội "trốn họp" là không xứng đáng với vị trí mà người dân đã bầu cho họ và đồng tiền thuế mà nhân dân bỏ ra.
Những đánh giá trên là không sai và đã nhiều lần được nêu ra bởi dư luận người dân và mạng xã hội khi đặc biệt nhấn mạnh con số hàng tỷ đồng hoặc hơn tiền thuế của dân đã được chi cho mỗi ngày họp của Quốc hội, trước khi các cơ quan dân cử buộc phải thừa nhận sự thật tồi tệ này. Nhưng vẫn là chưa đủ…
Mà còn có những nguồn cơn sâu xa hơn hẳn.
"Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang Quốc hội"
Đầu tiên là vai trò của Quốc hội trong thể chế chính trị độc đảng và kéo theo dàn nhân sự của các cơ quan quốc hội. "Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang Quốc hội" – giới quan chức Quốc hội vẫn thường ta thán như thế khi so sánh với các bộ ngành màu mỡ bên chính phủ và sau đó là các ban đảng ít màu mỡ hơn.
Trong thực tế đúng là như vậy, số quan chức này không có thực quyền, chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Còn Quốc hội cho dù được tiếng là "cơ quan dân cử tối cao", nhưng về thực chất chỉ là một loại cơ quan "yếu", nếu không nói thẳng là cơ quan bù nhìn.
Trong rất nhiều năm, dù không được phát lộ trong các cuộc họp chính thức của Quốc hội, nhưng bên lề nghị trường đã có một số đại biểu than vãn về tình trạng Quốc hội khá bị động khi xem xét và quyết định một số vấn đề, dự án mà bên chính phủ trình, nhưng vẫn phải "gật". Trong một số trường hợp, Quốc hội còn bị xem là "bù nhìn" vì chẳng được quyết định…
Tiêu biểu cho cơ chế "bù nhìn" của Quốc hội là một vấn đề được nêu ra trong kỳ họp thứ 7 : bất chấp các nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu Tư Công quy định dự án có tổng vốn đầu tư từ 10,000 tỷ đồng trở lên phải được trình qua Quốc hội, phía các cơ quan chính phủ vẫn phớt lờ, mà chỉ đến khi dự án gây hậu quả hoặc đội vốn quá cao và sinh nạn thiếu tiền thì mới chịu kêu gào đòi được thông qua vốn bổ sung.
Trong thực tế, khá nhiều dự án kinh tế với vốn đầu tư khổng lồ nhưng đã chỉ trình ra Quốc hội theo cách cho có, như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giá trị 15 tỷ USD, dự án sân bay Long Thành 18 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam lên đến gần 60 tỷ USD,… Trong khi đó, cơ quan thẩm định dự án của Quốc hội không chỉ bị xem là non kém chuyên môn mà luôn trở nên vô hiệu trong trường hợp dự án đã được "Bộ Chính trị phê duyệt rồi".
Vụ việc Bộ Chính trị "ngồi xổm trên pháp luật" mới nhất là vào tháng Giêng, 2019, cơ quan siêu bộ này tự cho nó thẩm quyền duyệt tăng vốn dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên ở Sài Gòn lên gần 3 lần, trong tình thế dự án này đã đội vốn kinh khủng mà chỉ còn cách hoặc cắm đầu phê duyệt, hoặc cho bắt hết dàn quan chức quản lý dự án.
Không chỉ bị phía chính phủ phớt lờ và xem thường, giới đại biểu Quốc hội còn bị áp đặt nặng nề bởi ý chỉ "cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp" – như một tuyên bố không cần úp mở của Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013, lại chính là người mà đã "trưởng thành" từ cái ghế chủ tịch Quốc hội.
Trong một thể chế chính trị nặng về đàn áp người dân, nhiều dự án luật quá cấp thiết cho quyền dân như dự luật về hội, dự luật biểu tình, dự luật trưng cầu dân ý… đã được quy định trong Hiến Pháp, nhưng đã bị đảng "treo" từ rất nhiều năm qua, cho đến nay vẫn không được đưa ra Quốc hội để bỏ phiếu thông qua.
Vô tích sự hay "phản động" ?
"Họp Quốc hội mà chỉ để bấm nút đồng ý cho những chuyện đã được Bộ Chính trị hay Thường trực Chính phủ quyết định rồi thì họp để làm gì ?" – có lần một đại biểu Quốc hội than thở ngoài hành lang nghị trường.
Còn không ít lời than vãn mang tính phản ứng của những đại biểu Quốc hội khác. Có đại biểu còn tuyên bố ngoài lề rằng họp hành cơ chế kiểu này thì thà đi nhậu sướng hơn.
Trong khi đó, Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm gì để hạn chế tình trạng đại biểu bỏ họp ?
Không những không làm gì để tạo hưng phấn ngồi họp và mở miệng cho giới đại biểu, tại kỳ họp tháng Năm và tháng Sáu, 2019, bà Ngân còn lạnh lùng "chặn họng" những đại biểu cắc cớ hỏi về các vụ dự luật đặc khu và vụ phân bón giả Thuận Phong – hai vụ việc đều bị dư luận cho là ít nhiều có dính dáng đến đương kim chủ tịch Quốc hội.
Dân gian và giới "nghị gật" cũng nhớ như in là vào tháng Năm, 2018, chính Nguyễn Thị Kim Ngân đã lạm dụng cái ghế chủ tịch Quốc hội để át đi tiếng nói phản biện của một ít đại biểu Quốc hội phản bác dự luật đặc khu bằng lối nói đầy thủ thuật "Bộ Chính Trị đã quyết định về luật đặc khu rồi…"
Không chỉ hành xử khuất tất với dự luật đặc khu mà còn "gật vô thức" với một số vụ khác mang đậm yếu tố lợi ích nhóm như bỏ phiếu cho tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, với nhiều loại thuế được "kiến tạo" để bóp hầu bóp họng dân chúng,… Quốc hội đã tự biến nó thành cơ quan không chỉ vô tích sự về công tác phản biện và giám sát, mà còn bị không ít người dân xem là "phản động" – theo đúng nghĩa hành động ngược lại quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân đã bầu ra nó.
Nhưng với "bạn vàng" thì khác hẳn. Nếu trong vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng trút ra được một nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn : trong khi bà Ngân "mắt liếc mày cong" với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về "làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là "đại cục", cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.
Rốt cuộc, ngày càng nhiều đại biểu Quốc hội bỏ họp. Đó cũng là cái cách lãn công và biểu thị ý chí phản ứng gián tiếp của ít nhất 20% trong tổng số gần 500 "nghị gật" trước ý chỉ độc đoán của đảng, thủ thuật làm trước báo sau của chính phủ và các nhóm lợi ích kinh tế "thế hệ 4.0", thói áp chế ngôn luận bởi giới chóp bu của Quốc hội, và có thể với ý chí "hèn với giặc, ác với dân" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chính đảng giật dây nó trong vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính – điều mà nhiều đại biểu dường như đã dám nghĩ đến trong đầu tuy chẳng dám nói ra.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 24/10/2019
Quốc hội bị chỉ trích vì dưới 1/3 đại biểu ủng hộ đánh thuế tài sản bất minh (VOA, 19/11/2018)
Chỉ hơn 32% trong tổng số 485 đại biểu quốc hội Việt Nam tán thành đề xuất đánh thuế thu nhập vào tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức, theo các bản tin mới đây của báo chí trong nước.
Quốc hội Việt Nam họp 2 kỳ một năm, vào tháng 5 và tháng 11
Thông tin này dẫn đến những chỉ trích của một số người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cho rằng đa phần các đại biểu quốc hội không đại diện cho quyền lợi của cử tri.
Các báo, trong đó có Thanh Niên, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh và Zing, cách đây ít ngày tường thuật rằng đa số đại biểu quốc hội vẫn chưa nhất trí về các biện pháp xử lý các tài sản, thu nhập mà các quan chức không chứng minh được nguồn gốc khi họ có trách nhiệm phải kê khai.
Một điều khoản trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng đang được các đại biểu bàn thảo đề xuất hai phương án xử lý chính. Trong đó, phương án một là tòa án "xem xét, quyết định" số phận của tài sản, thu nhập không giải trình được của quan chức, mà hành động mạnh mẽ nhất có thể là "thu hồi cho Nhà nước".
Dưới một nửa tổng số đại biểu quốc hội ủng hộ phương án kể trên, theo các bản tin. Cụ thể là 209/485, tương đương 43,09%.
Phương án thứ hai nêu ra việc đánh thuế thu nhập cá nhân vào tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc của quan chức. Biện pháp này còn nhận được ít sự ủng hộ hơn. Chỉ có 156 đại biểu tán thành, tương đương 32,16% tổng số đại biểu quốc hội, tin cho hay.
Quyết liệt nhất là đề xuất tịch thu tài sản, thu nhập không chứng minh được nguồn gốc, nhưng chỉ có 1 đại biểu có ý kiến ủng hộ điều này.
Trong khi đó, các báo cho hay, 31 đại biểu, tức xấp xỉ 6,4% tổng số đại biểu, đã không bày tỏ chính kiến về vấn đề này.
Những Facebooker có tổng cộng hàng chục ngàn người theo dõi đã đưa ra những bình luận hồi cuối tuần qua bày tỏ thất vọng về diễn biến mới đây ở Quốc hội.
Doanh nhân Trần Quốc Quân, viết hôm 18/11 trên trang cá nhân rằng "thế mới thấy, đại biểu quốc hội đa phần không đại biểu cho quyền lợi của cử tri, những người đã bầu ra họ trong cuộc bầu cử không có sự lựa chọn nào khác".
Ở Việt Nam, các đảng viên cộng sản - những người vốn cũng nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong nhánh hành pháp và tư pháp - chiếm tới 96% đại biểu quốc hội nhờ cơ chế chính trị mà nhiều người vẫn thường gọi là "đảng cử, dân bầu".
Giới quan sát và người dân cũng vẫn thường xem quốc hội Việt Nam là "quốc hội nghị gật" hoặc "quốc hội con dấu củ khoai" có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục để thông qua nhân sự hay các chính sách đã được đảng cộng sản duy nhất cầm quyền quyết định từ trước.
Ông Quân, người cũng là một nhà văn, đưa ra quan điểm rằng các văn bản pháp luật do các đại biểu quốc hội soạn thảo và ban hành "chẳng vì dân vì nước mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm và lợi ích của chính bản thân họ".
Phó giáo sư Mạc Văn Trang, một tiếng nói vì tiến bộ được nhiều người biết đến, hôm 19/11 đặt vấn đề rằng khi chỉ có 32% đại biểu quốc hội muốn đánh thuế tài sản bất minh, điều đó đồng nghĩa là 68% đại biểu còn lại chấp thuận việc quan chức được sở hữu các tài sản đó.
Ông Trang, người từng là chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng qua việc bày tỏ ý kiến về dự thảo sửa đổi luật chống tham nhũng, "tâm địa" của các Đại biểu quốc hội đã "lòi mặt ra". Ông viết : "Đại biểu quốc hội là tay sai của quan chức, hay đúng hơn 68% số họ cũng là quan tham ; ai lại tán thành tịch thu hay đánh thuế vào tài sản bất minh của chính mình".
Cùng lên tiếng về vấn đề này, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nhắc lại thực tế rằng hơn 1/3 đại biểu quốc hội Việt Nam "đang kiêm nhiệm", và đưa ra bình luận : "Họ cũng đang gánh vác chức vụ cao trong bộ máy chính quyền. Họ chả ngu gì mà lại tán thành cho thiệt hại".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi giữa năm 2018 nói kê khai tài sản cán bộ là "vấn đề nhạy cảm"
Nói với VOA, nhà hoạt động vì quyền đất đai và dân chủ Trịnh Bá Phương bổ sung thêm lý do nhiều đại biểu tránh né vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc :
"Những vị Đại biểu quốc hội thậm chí còn có các doanh nghiệp ‘sân sau’ cướp đất của người dân hay là tất cả các lĩnh vực khác. Họ có tài sản rất lớn từ tham nhũng nên họ rất sợ việc kê khai tài sản hay tịch thu tài sản bất minh".
Giữa năm 2017, Việt Nam ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp và được báo chí tuyên truyền ồn ào, khoa trương. Nhưng hơn một năm sau, vào tháng 6/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng ‘kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm’.
Ở thời điểm đó, giới quan sát nói với VOA rằng diễn biến kể trên là một chỉ dấu cho thấy chủ trương về kiểm tra tài sản của quan chức cao cấp có thể xem như đã thất bại. Họ chỉ ra thực tế rằng cho tới tháng 6/2018 vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả, dẫn đến những bức xúc trong nhân dân.
Bàn về vai trò của quốc hội đối với việc giám sát quan chức, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói với VOA rằng thật mỉa mai nếu người dân phải đặt niềm tin vào những đại biểu "đảng cử, dân bầu".
Anh cho biết anh và người dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội, đã tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp hồi năm 2016, với nhận thức rằng quốc hội không đại diện cho quyền lợi của người dân, mà ngược lại còn là cánh tay phục vụ đắc lực cho hoạt động cai trị của chính quyền.
Nhà hoạt động nổi tiếng về đấu tranh chống bất công đất đai chia sẻ với VOA suy nghĩ của anh về cách thức người dân có thể gây áp lực đòi thay đổi quốc hội :
"Cần một số đông lớn trong nhân dân có thể cùng có một hình thức bất tuân dân sự, yêu cầu chính phủ Việt Nam thay đổi cơ chế về tổ chức cán bộ, hoàn toàn phải xóa đi cái ‘đảng cử, dân bầu’. Và phải yêu cầu họ chấm dứt tình trạng chồng chéo giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp".
VOA đã liên lạc với một số đại biểu quốc hội để hỏi về vấn đề này nhưng họ từ chối trả lời phỏng vấn.
****************
Việt Nam và Nga đồng ý đẩy mạnh hợp tác khai thác dầu khí (RFA, 19/11/2018)
Việt Nam và Nga vào ngày 19/11 đã đồng ý tăng giá trị thương mại lên gấp 3 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 và mở rộng hợp tác năng lượng.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin tại buổi hội đàm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc diễn ra tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Theo Reuters, Nga hiện nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam và các công ty của Nga cũng tham gia vào nhiều dự án năng lượng tại Việt Nam.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được trích lời nói rằng các công ty dầu khí và năng lượng hai nước đang hợp tác hiệu quả và Nga muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các biện pháp tạo điều kiện cho các dự án đầu tư năng lượng liên kết ở Nga, Việt Nam và ở các nước thứ 3.
Hiện Nga đứng thứ 23 trong tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng vốn đầu tư lên tới 990 triệu USD. Các công ty Nga đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông….
Đầu tư của Nga vào Việt Nam hiện vẫn chủ yếu trong lĩnh vực truyền thống dầu khí. Ngoài Vietsovpetro, được cho là biểu tượng cho mối quan hệ Việt - Nga, còn có các liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet… được thiết lập để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Mới đây, hôm 13/11, Reuters cho biết Vietsovpetro sẽ bắt đầu sản xuất dầu thô tại mỏ Cá Tầm ngoài khơi vùng biển phái Nam Việt Nam từ ngày 15/1 năm 2019. Dự báo sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ này sẽ ở mức từ 20 ngàn đến 25 ngàn thùng/ ngày.
Hồi tháng 5 vừa qua, tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, một đối tác liên doanh với Petrovietnam cho biết RosfneftVietnam BV đã bắt đầu khoan dầu ở mỏ Lan Đỏ cách bờ biển đông nam Việt Nam 370 km. Tuyên bố của Rosneft đã khiến Trung Quốc tức giận và cảnh báo công ty này không nên khoan dầu ở vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Việt Nam khẳng định các hoạt động này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và trong vùng chủ quyền của Việt Nam.
****************
Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga được gặp gia đình sau 3 tháng bị dọa giết (RFA, 19/11/2018)
Ngày 17/11/2018, nữ tù nhân lương tâm (tù nhân lương tâm) Trần Thị Nga được gặp gỡ chồng và các con sau 3 tháng bà này gọi về nhà thông báo bị bạn tù đánh đập và dọa giết.
Ông Phan Văn Phong cùng các con vào thăm tù nhân lương tâm Trần Thị Nga ở trại giam Gia Trung hôm 17/11/2018 - Courtesy AFP & Facebook Lương Dân Lý
Chiều ngày 19/11/2018, ông Phan Văn Phong, chồng của bà Nga cho Đài Á Châu Tự Do biết, trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai trước đó đã có trả lời đơn tố cáo của ông và cho biết cơ quan này đã mở cuộc điều tra.
Ông nói qua điện thoại như sau :
"Ở trại trước đó có trả lời là họ có mở cuộc điều tra nhưng không phát hiện gì hết. Sức khỏe của chị Nga không phải là yếu lắm, nói chung là được. Cân nặng so với ngày xưa sụt 10 kg… Ăn uống cũng phát sinh vấn đề là ăn chay trường kỳ. Xương khớp gãy nát vụn (lúc bị đánh ở bên ngoài) nên giờ đau nhức thường xuyên".
Bà Trần Thị Nga, năm nay 41 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng ở Việt Nam, hiện đang thụ án 9 năm tù giam tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Vào ngày 17/08/2018, bà Trần Thị Nga gọi điện về gia đình và cấp báo về việc những ngày qua bà liên tục bị gây sự, khủng bố, đánh đập dã man và còn bị dọa giết.
Ông Phan Văn Phong đã 2 lần làm đơn gửi đơn tố cáo và yêu cầu khẩn cấp tới các cơ quan có trách nhiệm tuy nhiên không nhận được phản hồi.
Cũng trong đơn tố cáo, ông Phong nói rõ liên tiếp 2 kỳ thăm gặp gần đây vào các ngày 22/8 và 28/9 gia đình ông đều bị phía trại giam khước từ với lý do Trần Thị Nga không chấp hành nội qui của trại mà không hề có biên bản vi phạm cũng như quyết định kỷ luật.
*******************
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam : cần nghị định mới để phòng chống tiền giả (RFA, 19/11/2018)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề nghị xây dựng Nghị định Chính phủ về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Việt Nam đã khởi tố hơn hơn 1.000 vụ và bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng vì liên quan đến tiền giả tại Việt Nam - Ảnh minh họa. AFP
Báo mạng Lao động loan tin này ngày 19/11, trích dẫn thông tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Lao Động, trong 15 năm qua sau khi Quyết định 130 về việc bảo vệ tiền Việt Nam được ban hành, Việt Nam đã khởi tố hơn hơn 1.000 vụ và bắt giữ khoảng 2.000 đối tượng vì liên quan đến tiền giả tại Việt Nam.
Truyền thông trong nước trích lời đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết trong 15 năm thi hành, Quyết định 130 đã thể hiện những hạn chế về cơ sở pháp lý vì hiện nay, ngoài Việt Nam đồng, trên thị trường còn có nhiều loại ngoại tệ thông dụng như đô la Mỹ, tiền Euro, Nhân dân tệ… cũng bị làm giả. Tuy nhiên sau khi bắt giữ được số ngoại tệ giả thì phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại lúng túng không biết xử lý vì pháp luật không quy định về điều này.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị xây dựng một Nghị định về đấu tranh phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Nghị định này sẽ bổ sung việc xử lý ngoại tệ giả và nghi giả, bao gồm việc thu giữ, giám định, lưu giữ, vận chuyển, giao nộp, và tiêu hủy.