Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/05/2021

Quốc hội bù nhìn

Việt Hoàng

Chỉ hai ngày sau "ngày hội non sông", tức là ngày bầu cử quốc hội Việt Nam khóa 15, hôm 23/5/2021, thì các tin tức liên quan đến cuộc bầu cử gần như đã biến mất trên mặt báo. Danh hài Hoài Linh và những lùm xùm xung quanh tiền cứu trợ người dân miền Trung được các báo đẩy lên hàng đầu để giúp người dân nhanh chóng quên đi cuộc bầu cử vừa qua. Dù vậy thì việc tìm hiểu về bầu cử quốc hội là rất quan trọng và cần thiết với mỗi người công dân có trách nhiệm đối với vận mệnh và tương lai của đất nước và của chính mình.

Chúng ta đều biết, quốc hội là cơ quan lập pháp của một quốc gia. Quốc hội bao gồm các dân biểu (Đại biểu quốc hội - Đại biểu quốc hội) được người dân bầu chọn và có nhiệm vụ thông qua hiến pháp và ban hành các bộ luật quan trọng của đất nước. Quyền của quốc hội, quyền Lập pháp là cao nhất trong ba quyền : Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

"Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có ba chức năng chính :

- Lập hiến, lập pháp.

- Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

- Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.

Nhiệm kì của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm. Mỗi năm Quốc hội họp thường kỳ 2 lần".

quochoi1

Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không.

Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không. Việt Nam là một nước độc tài đảng trị và hoàn toàn không có dân chủ. Quốc hội Việt Nam đặt Đảng cộng sản lên trên đất nước và dân tộc. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đặt Việt Nam dưới sự đô hộ của một đội quân chiếm đóng người bản xứ là Đảng cộng sản. Đây là điều không thể chấp nhận và thỏa hiệp.

Điều 4 Hiến pháp 2013 viết : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Trước khi đi vào chi tiết chúng ta cùng nhau điểm qua một vài con số và sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử ngày 23/5/2021.

Kỳ bầu cử khóa 15 có tổng số ứng cử viên Đại biểu quốc hội là 1093 người, trung ương có 205, các địa phương có 888 và 75 người tự ứng cử. Có 17 ứng cử viên là Ủy viên Bộ chính trị, 101 ứng cử viên là Ủy viên trung ương đảng. Trong đó chỉ có một ứng cử viên ngoài đảng gây được chú ý là Lương Thế Huy, chuyên gia chính sách về Giới, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (đơn vị bầu cử Hà Nội). Có vài ứng cử viên độc lập được nhiều người biết đến và chú ý như ông Nguyễn Đình Cống (đã bị loại). Hai người tự ứng cử là Lê Trọng Hùng (gàn) và Trần Quốc Khánh đã bị bắt trước ngày bầu cử.

Chi phí cho cuộc bầu cử năm 2016 là 1.444 tỉ VNĐ và chi phí dự trù cho cuộc bầu cử năm 2021 sẽ cao gấp 2,6 lần năm 2016 tức là khoảng 3.750 tỉ VNĐ.

Số lượng đại biểu chuyên trách, là những người làm việc toàn thời gian cho quốc hội khóa 9-10 là 5-7%. Khóa 13-14 tăng lên 30% và dự kiến khóa 15 sẽ tăng lên 40%, tức là khoảng 200 người. 300 người còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, nghĩa là họ là quan chức Đảng cộng sản bên hành pháp, tư pháp và mặt trận.

Trong kỳ bầu cử quốc hội khóa 14 năm 2016 có 162 người tự ứng cử Đại biểu quốc hội và 79 người tự ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân Dân cấp tỉnh. Có nhiều khuôn mặt bất đồng chính kiến tự ra ứng cử như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Lê Văn Luân, Đỗ Việt Khoa, Trần Đăng Tuấn, Lê Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, Hoàng Dũng, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Trang Nhung, Mai Khôi...

Dự kiến số đại biểu ngoài Đảng tự ứng cử khóa 14-15 là 5-10%, tức là từ 25-50 người. Tuy nhiên quốc hội khóa 14 chỉ có hai người tự ứng cử trúng cử là Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) và Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tasco), cả hai đều là đảng viên đảng cộng sản. Tất cả các ứng cử viên độc lập từng lên tiếng ủng hộ dân chủ đều bị loại từ vòng đầu tiên, trừ ông Trần Đăng Tuấn lọt được vào vòng gần cuối. Lý do khiến những người này bị loại rất vô duyên và kỳ quặc ví dụ ông Đỗ Việt Khoa bị loại khi lấy ý kiến cử tri ở khu phố là vì để "chó ỉa sang nhà hàng xóm".

Theo Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên thì cuộc bầu cử Quốc hội hôm 23/5/2021 hoàn toàn không hợp lệ nên tẩy chay là thái độ đúng nhất. Còn tẩy chay thế nào thì tùy theo hoàn cảnh và khả năng của từng người. Chúng tôi đề nghị là lấy lý do đại dịch Covid-19 để không đi bỏ phiếu và nếu phải đi thì gạch bỏ tất cả ứng cử viên Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản.

Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ra ứng cử Đại biểu quốc hội hay không ? Có nên tẩy chay bầu cử hay không ? Vào quốc hội rồi thì có thể bày tỏ được chính kiến của mình hay không ?...Tỉ lệ 5-10% Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng hay 35-40% Đại biểu quốc hội là đại biểu chuyên trách chỉ là trên lý thuyết, thực tế không bao giờ có. Khóa 14 chỉ có 2 đại biểu tự ứng cử trúng cử và cả hai đều là đảng viên (như đã nói ở trên). Ngay cả trường hợp có được 25-50 Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng có mặt trong quốc hội thì họ có thể làm được gì không ? Câu trả lời là Không vì Đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm đến 90-95%. Mọi đề nghị của họ đều sẽ bị bác bỏ bởi đa số Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản. Thậm chí họ sẽ không có cơ hội để phát biểu tại quốc hội vì lý do... không đủ thời gian.

Chúng ta đừng quên ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" trong một lần tiếp xúc cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm năm 2013.

Cách đây một năm, ngày 11/05/2020, tại hội nghị trung ương lần thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ hơn : "Lựa chọn đại biểu quốc hội thế nào cũng phải có đủ tiêu chuẩn... chứ không phải là vào đó để thể hiện mình rồi nói ngang nói ngửa thế này thế kia như là mình độc lập, mình mới là đại diện cho dân...phải chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của đảng".

Cũng trong một phiên thảo luận về dự luật đặt khu năm 2018, khi một số đại biểu quốc hội tỏ ý không đồng tình với dự luật này, chủ tịch quốc hội lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã nói rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi... (quốc hội) phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật". Nói cách khác là một khi Đảng đã quyết định thì quốc hội phải phục tùng, không được phép có ý kiến. Quốc hội Việt Nam, dù trên giấy tờ là cơ quan quyền lực nhất, nhưng thực chất chỉ là tay sai ngoan ngoãn cho Đảng cộng sản, các lãnh đạo cộng sản cũng không giấu giếm gì điều này, những phát biểu của ông Trọng, bà Ngân chỉ là ví dụ.

qh2

Ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng".

Các Đại biểu quốc hội hay phát biểu "được lòng dân" tại diễn đàn quốc hội là vì họ được lệnh phát biểu như thế hoặc có thể họ không biết như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H’Bơ...trước sau cũng bị cho nghỉ làm Đại biểu quốc hội. Càng ngày những tiếng nói phản ánh sự thật càng không có chỗ đứng tại quốc hội cho dù họ là đảng viên. Lý do cũng giản dị : Nội bộ Đảng cộng sản đang chao đảo và phân hóa mạnh. Họ không muốn có thêm bất cứ một rắc rối hay phiền toái nào trong nội bộ. Họ cần sự "thống nhất" trong nội bộ dù giả tạo để che đậy những rạn nứt và bối rối bên trong. Đảng Cộng hòa (Mỹ) cũng y như vậy, ngay cả nhân vật thứ 3 của đảng là bà Liz Cheney vẫn bị loại bỏ khỏi vai trò lãnh đạo để Đảng Cộng hòa có thể "đoàn kết" xung quanh lãnh tụ Donald Trump. Ứng cử viên Lương Thế Huy và có thể cả ông Trương Trọng Nghĩa sẽ bị loại vì lý do trên.

Một lý do nữa cho thấy sự bù nhìn của quốc hội Việt Nam đó là các đại biểu quốc hội kiêm nhiệm chiếm đa số trong quốc hội. Những người đó là cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản thuộc Bộ chính trị và trung ương đảng. Họ ngồi vào quốc hội để chiếm chỗ và để răn đe, dằn mặt các đại biểu khác chứ họ không tham gia các hoạt động thường niên của quốc hội.

Một điều đáng nói nữa là các đại biểu quốc hội phải tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng Hiến pháp 2013 rất vô lý, xấc xược và phản quốc vì nó cho phép Đảng cộng sản thống trị toàn bộ đất nước. Nó buộc công an, quân đội, nhân viên chính phủ trước hết phải trung thành với Đảng cộng sản. Quốc hội, trên lý thuyết là cơ quan có quyền lực cao nhất của đất nước nhưng thực ra không có quyền hành gì hết. Nó chỉ là một cơ quan có nhiệm vụ chính thức hóa, công khai hóa những quyết định của ban lãnh đạo Đảng cộng sản.

Trong mọi quốc gia bình thường, quyền lập pháp là quyền cao nhất, tại Việt Nam nó chỉ có vai trò hợp pháp hóa tội ác và sự tùy tiện. Đại biểu quốc hội trên nguyên tắc là đại diện của nhân dân để phản ánh nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng có "đại biểu quốc hội" nào đã đến thăm hỏi và bênh vực những người dân oan tại Đồng Tâm, Vũng Áng, Dương Nội, Tiên Lãng, Lộc Hưng ? Tuyệt đối không. Họ không phải là đại diện của nhân dân mà chỉ là những viên chức của một thế lực thống trị (1).

Quốc hội có vai trò giám sát các hoạt động của chính phủ nhưng tại Việt Nam điều đó không bao giờ xảy ra. Mọi luật lệ chính sách đều do bên hành pháp (chính phủ) soạn sẵn và quốc hội chỉ có nhiệm vụ đóng dấu đồng ý vào đó. Ngay cả các chức danh quan trọng của nhà nước, chính phủ và quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, đáng ra sẽ được quốc hội khóa 15 "bầu chọn" cũng đã được công bố từ hồi tháng 4/2021.

Phản ứng tự nhiên của người dân Việt Nam là tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này, nhưng cũng có một chọn lựa khác là coi cuộc bầu cử này như một dịp để bày tỏ thái độ phẫn nộ đối với Đảng cộng sản và khinh bỉ đối với cái gọi là quốc hội của nó bằng cách đi bầu nhưng gạch bỏ toàn bộ lá phiếu. Những người được ghi tên trên lá phiếu không đại diện cho người dân Việt Nam, họ đại diện cho bộ máy đang thống trị đất nước này.

Chúng ta không nên mất thời gian bàn cãi nên hay không nên tham gia vào trò chơi này của Đảng cộng sản. Chừng nào chưa có dân chủ thật sự tại Việt Nam thì chúng ta nên tẩy chay các cuộc bầu cử do Đảng cộng sản độc diễn và dàn dựng. Không thể nào thay đổi được Đảng cộng sản từ bên trong. Nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ thực sự đứng đắn, có phương pháp và trách nhiệm để làm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam.

Việt Hoàng

(25/05/2021)

(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Một dịp để tỏ thái độ", Thông Luận, 15/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1379 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)