Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/06/2021

Thái độ nào với Trung Quốc ?

Việt Hoàng

1. Trung Quốc thách thức cả thế giới

Thế giới đang đứng trước hai thách thức lớn sau Thế chiến 2 đó là đại dịch Covid-19 và sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc. Về đại dịch Covid-19 thì hiện tại người dân Việt Nam đang phải căng mình đối phó trên toàn quốc. Sài Gòn, thành phố đông dân và quan trọng bậc nhất của Việt Nam đã chính thức bị giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày, từ 31/5/2021. Đã có 4.500 người bị nhiễm Covid-19 và 48 người tử vong. Hy vọng và cầu chúc cho người dân Việt Nam sớm vượt qua đại dịch này.

Chủ đề của bài viết hôm nay là về Trung Quốc. Có quá nhiều sự kiện và diễn biến liên quan đến Trung Quốc trong thời gian gần đây. Điều đó cũng đồng nghĩa là liên quan đến Việt Nam chúng ta. Sự kiện mới nhất là hôm 29/5/2021 Trung Quốc tuyên bố sẽ kéo giàn khoan lớn nhất ra Biển Đông. Nếu họ khoan trên vùng biển của họ thì không sao nhưng nếu Trung Quốc kéo giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam thì quan hệ hai nước sẽ xấu đi như vụ Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 2014.

Chỉ còn hơn 50 ngày nữa Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc (23/7/1921-23/7/2021). Đây là một sự kiện và dấu mốc quan trọng của Trung Quốc. Tham vọng trỗi dậy nhưng không còn hòa bình của Trung Quốc khiến cả thế giới lo ngại. Trung Quốc đã đàn áp người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, trấn áp phong trào dân chủ Hồng Kông, liên tục quấy rối, khiêu khích và răn đe thống nhất Đài Loan bằng vũ lực suốt nhiều tháng qua. Với thế giới, Trung Quốc đã chọn đường lối ngoại giao "chiến lang" với giọng điệu cứng rắn và mạnh mẽ chứ không còn mềm mỏng như trước. Quan hệ giữa Trung Quốc với Úc là một ví dụ.

tqdl1

Trung Quốc răn đe thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.

Mỹ và EU đã có những phản ứng đầu tiên. Ngày 20/5/2021 Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu (EU) dừng việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư với Trung Quốc vô thời hạn. Ngày 26/5/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ phải điều tra và đưa ra kết luận về nguồn gốc xuất xứ của Covid-19 trong 3 tháng. Không chỉ Mỹ mà gần như cả thế giới yêu cầu điều tra nguồn gốc virus corona, xem chúng có phải xuất phát từ phòng thí nghiệm sinh học tại Vũ Hán hay không (1) ? Nhiều nước đã lên án việc Trung Quốc đàn áp người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương... Thái độ thù ghét người Trung Quốc gia tăng tại Mỹ, từ 47% năm 2017 lên tới 73% năm 2020. Lưỡng đảng tại quốc hội Mỹ bất đồng với nhau trong mọi lĩnh vực và chỉ đồng ý với nhau trên một điểm chung là chống Trung Quốc. Cách ứng xử kiểu bề trên, đe dọa và chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc khiến cả thế giới bất bình.

Trung Quốc đang trở thành vấn đề chung cho cả thế giới. Tuy nhiên chỉ có hai thực thể đủ sức mạnh đương đầu với Trung Quốc là Mỹ và EU. Chiến tranh quân sự sẽ không xảy ra. Trong việc điều tra về nguồn gốc Covid-19 chắc chắn Trung Quốc sẽ không hợp tác với quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng. Nếu thế giới đưa ra kết luận là virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán thì Trung Quốc cũng sẽ chối bỏ, họ sẽ cho rằng Mỹ và EU dựng chuyện, bịa đặt để chống Trung Quốc. Kết quả cuối cùng sẽ là cuộc "chia tay" tất yếu giữa Trung Quốc và các nước dân chủ như anh em Tập Hợp đã phân tích trong thời gian qua.

2. Người Việt Nam cần có thái độ nào với Trung Quốc ?

Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và cực đoan luôn là món võ gia truyền của các chế độ độc tài và các chính trị gia dân túy không có tư tưởng chính trị. Trump, Modi, Bolsonaro, Putin, Erdogan, Duterte, Tập Cận Bình đều dùng đến con bài đó, nhất là trong những lúc khó khăn hay có biến động nội bộ. Không chỉ nước lớn mà cả nước nhỏ như Cambodia thời Pol Pot cũng dùng chúng để chống phá Việt Nam... Đức, Nhật, Ý đã gây hấn với thế giới và cuối cùng bị hủy diệt trong thế chiến 2 là kết cục thảm khốc của các nước theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nga và Trung Quốc đang đi theo vết xe đổ đó.

Thái độ hung hăng của Trung Quốc với thế giới sẽ sớm phải trả giá. Người Việt không nên kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và quá khích chống Trung Quốc vì hại sẽ nhiều hơn lợi. Đảng cộng sản Việt Nam là dân túy nhưng rất thận trọng với Trung Quốc. Mặc dù đã "thoát Trung, theo Mỹ" nhưng họ vẫn lấy thái độ ôn hòa với Trung Quốc. Phát biểu của ông Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trên VnExpress hôm 1/6/2021 là một ví dụ : "Việc chúng ta phải làm là giữ nhà, và quan hệ thuận hòa với láng giềng, chứ không phải thóa mạ làm mất mặt họ. Thóa mạ giúp chúng ta sướng miệng chứ không giữ được nhà, cũng không có yên ổn mà làm ăn".

tqdl2

Người Trung Quốc do Mạc Cửu dẫn đầu đến khai hoang, lập nghiệp tại Hà Tiên, Việt Nam từ năm 1671... (Lăng Mạc Cửu ở Hà Tiên)

Nhiều lãnh đạo Việt Nam cũng phát biểu như vậy và điều đó hoàn toàn đúng. Chỉ có điều là Đảng cộng sản Việt Nam "thuận hòa" với Trung Quốc một cách đàng hoàng, tự tin hay bằng cách cúi rạp đầu ? Đó mới là vấn đề.

Không ít các nhân sĩ và những người đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng thường xuyên lên tiếng "chống Trung Quốc" một cách khá gay gắt, đôi lúc cực đoan. Theo chúng tôi thì cần thận trọng. Đừng để chính quyền giật dây. Chống lại sự lấn ép của chính quyền Trung Quốc là việc của Đảng cộng sản Việt Nam. Người dân Việt Nam không thể làm gì để chống Trung Quốc khi đất nước chưa có dân chủ. Hai cuộc biểu tình lớn hồi năm 2014 chống Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam và cuộc biểu tình chống Dự luật đặc khu hồi tháng 6/2018 đều do chính quyền Việt Nam đứng sau tổ chức và giật dây nhưng sau đó nhiều người tham gia biểu tình đã bị tù oan.

Đảng cộng sản Việt Nam không xem người dân ra gì nhưng luôn sử dụng lòng yêu nước của người dân mỗi khi cần đến hoặc để đạt được mục tiêu nào đó. Người Việt Nam có chung một số phận với người Trung Quốc, trí thức hai nước vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Khổng giáo nên cả hai dân tộc đều chưa có dân chủ. Không phải tự nhiên mà Tập Cận Bình cho mở hàng trăm viện Khổng Tử ở Trung Quốc và trên khắp thế giới. Chuyện rất nực cười ở đây là bắt người dân "học tập" một người đã chết cách đây hơn hai ngàn năm.

Văn hóa Khổng giáo khiến cả Trung Quốc và Việt Nam không sản sinh ra các nhà tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Tướng Lưu Á Châu từng nói "Trung Quốc không có các nhà tư tưởng mà chỉ có các nhà chiến lược". Điều này có nghĩa là người dân Trung Quốc không có tư tưởng chính trị. Việt Nam cũng thế. Liên Xô và các nước cựu cộng sản cũng thế. Thiếu vắng một giải pháp chung cho cả dân tộc nên giải pháp cá nhân luôn được lựa chọn. Người Trung Quốc đang bỏ nước ra đi. Họ mang theo của cải và trí tuệ. Giàu thì định cư Mỹ và EU, nghèo hơn thì sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Giá nhà đất Việt Nam tăng một phần cũng vì thế.

Theo phân tích và nhận định của Tập Hợp thì Trung Quốc gây hấn với cả thế giới là để rút lui và co cụm lại chứ không phải để bành trướng ra bên ngoài.

"Thời đại của chế độ cộng sản Trung Quốc sắp qua đi. Chúng ta mong cho sự tan rã của đế quốc Trung Quốc diễn ra trong hòa bình như từng xảy ra tại Liên Xô trước đây. Việt Nam đang ở cạnh một đám cháy rất lớn, nếu không có một chính quyền sáng suốt và có trách nhiệm thì Việt Nam có thể rước họa vào thân. Không nên chọc giận một con hổ. Trung Quốc là hổ thật chứ không phải hổ giấy. Trong lúc chờ đợi Trung Quốc sụp đổ, Việt Nam không nên để xảy ra các cuộc đụng độ mà chỉ nên giữ nguyên tình trạng như hiện nay. Khi Trung Quốc sụp đổ chúng ta có thể lấy lại được Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, chúng ta còn có thể tranh thủ được tình cảm của các "quốc gia" tách ra từ Trung Quốc như Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây…

Để tranh thủ tình cảm của người dân Trung Quốc thì chúng ta nên có cái nhìn và một thái độ thân thiện với người dân Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng nhất vì cùng chia sẻ một nền văn minh. Trước khi Trung Quốc đến Việt Nam, nước Việt chúng ta chưa từng tồn tại một nền văn minh nào. Người Trung Quốc đã khai hóa cho Việt Nam. Ngay cả ngôn ngữ cũng phải vay mượn từ Trung Quốc trong suốt nhiều thế kỷ. Việt Nam và Trung Quốc cùng sống chung một mái nhà với các giá trị của Khổng giáo, tuy không tốt nhưng đó là tất cả những gì chúng ta có và đã đi theo chúng ta hàng ngàn năm và vẫn còn đến tận bây giờ. Người Việt Nam rất gần gũi với người Trung Quốc. Tuy nhiên có một sự thật buồn là, dù đã cố gắng học hỏi Trung Quốc nhưng chúng ta chưa bao giờ được như họ.

Trung Quốc không bằng Phương Tây nhưng vẫn hơn xa chúng ta. Một ví dụ dễ thấy nhất là khả năng làm việc chung với nhau. Đây là khả năng cao nhất và quan trọng nhất để nhận biết một dân tộc văn minh đến mức nào. Người Trung Quốc biết và có khả năng làm việc chung với nhau, ít nhất là trong lãnh vực kinh tế. Đầu thế kỷ 19, một nhóm người Trung Quốc đói khổ, chạy nạn sang Việt Nam với hai bàn tay trắng nhưng chỉ sau một thế hệ họ đã làm chủ nền kinh tế miền Nam Việt Nam... Một sự thực mà ai cũng thấy là người Trung Quốc rất giỏi kinh doanh và tôn trọng chữ tín. Các khu phố Tàu trên khắp thế giới ăn nên làm ra trong khi người Việt Nam không làm được việc đó (2).

Livre TL

Quan điểm của Tập Hợp là thành thật và thẳng thắn nhưng cần phải có trí tuệ và lòng bao dung.

Quan điểm của Tập Hợp là thành thật, lương thiện và thẳng thắn nhưng cần phải có trí tuệ và lòng bao dung. Chúng tôi chỉ trích Đảng cộng sản nhiều và gay gắt hơn ai hết, ví dụ chúng tôi gọi cuộc bầu cử hôm 23/5/2021 vừa rồi là giả hiệu vì quốc hội Việt Nam chỉ là bù nhìn. Chúng tôi lên án việc Đảng cộng sản luôn hành xử như một đội quân chiếm đóng... Dù vậy, chúng tôi không thù ghét họ mà vẫn luôn xem họ là đồng bào.

Với Trung Quốc cũng vậy, chúng tôi phản đối sự chèn ép của Trung Quốc nhưng với một thái độ bình tĩnh và thận trọng. Giải quyết Trung Quốc là việc của Mỹ và các cường quốc dân chủ trên thế giới chứ Việt Nam không có khả năng đó. Cuộc li dị giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là tất yếu và không thể đảo ngược. Một làn sóng di chuyển nhà máy, xí nghiệp của người Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang diễn ra. Vấn đề đặt ra cho chính quyền là làm sao để các công ty đó tuân thủ luật pháp và nhất là đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đây là một sự tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nhưng cũng là thách thức với một chính quyền yếu kém và tham nhũng.

Nhiệm vụ cấp bách và quan trọng trước mắt là dân chủ hóa Việt Nam. Có dân chủ chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết được mọi vấn đề. Một nước Việt Nam dân chủ sẽ chung sống một cách "thuận hòa" với Trung Quốc mà không phải cúi đầu. Những người Việt Nam ưu tư với đất nước nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức dân chủ một cách chủ động và nhiệt thành để đất nước sớm bước vào kỷ nguyên dân chủ.

Việt Hoàng

(2/6/2021)

(1) Việt Hoàng, Có nên gọi Covid-19 là cúm Tàu ?

(2) Nguyễn Văn Huy, Người Hoa tại Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1438 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)