Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/06/2021

Trung Quốc đang lâm nguy ?

Việt Hoàng

Thế giới đang đứng trước hai thức thách lớn đó là đại dịch Covid-19 và sự trỗi dậy không còn hòa bình của Trung Quốc (1). Vậy Trung Quốc thì sao ? Họ đang gặp phải những thách thức nào ? Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Trung Quốc đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng.

1. Trung Quốc và nguồn gốc gây đại dịch Covid-19

vuhan1

Thế giới đang kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc xuất phát của virus corona.

Nước Mỹ với chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Joe Biden đã tiêm được hơn 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong 100 ngày đầu cầm quyền. Đến nay nước Mỹ đã tạm yên. Châu Âu sau những bối rối và chủ quan lúc ban đầu cũng đã tiêm chủng cho người dân trên diện rộng. Tình hình tại Châu Âu đang lắng dịu dần. Đại dịch Covid-19 hiện đang bùng phát tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc cũng đã khống chế được đại dịch tuy nhiên một câu hỏi đang đặt ra khiến Trung Quốc lo lắng và tức giận : Có phải virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán hay không ? Một cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19 đang được Mỹ, Anh, Nhật, Úc, EU và nhiều nước trên thế giới kêu gọi Trung Quốc hợp tác và tham gia.

Cho đến nay chưa có quốc gia hay định chế nào kết tội Trung Quốc về việc gây ra đại dịch Covid-19. Kể cả sau này, nếu có kết luận con virus này xuất phát từ Viện sinh học Vũ Hán thì đây có thể là một tai nạn ngoài ý muốn do sự bất cẩn của nhân viên y tế. Đáng lý ra Trung Quốc phải nhanh chóng thông báo cho thế giới biết về sự cố này và chủ động kêu gọi thế giới cùng tham gia tìm hiểu và ngăn chặn. Trung Quốc cần cảnh báo sớm để thế giới chung tay dập dịch khi nó mới bắt đầu xảy ra tại Vũ Hán bằng cách hạn chế đi lại giữa các quốc gia và khoanh vùng sớm.

Trung Quốc đã không làm như vậy. Những cảnh báo của các bác sĩ tại Vũ Hán đã bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát và che dấu. Bác sĩ Lý Văn Lượng là người đầu tiên đưa ra những cảnh báo từ tháng 12/2019, sau đó ông đã bị cảnh sát triệu tập và yêu cầu dừng việc "phát tán các thông tin sai lệnh làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội". Ông qua đời hai tháng sau đó vì Covid-19.

Trung Quốc đang đứng trước hai lựa chọn khó khăn, hoặc là hợp tác đầy đủ với thế giới để điều tra về nguồn gốc và xuất phát của Covid-19 hoặc là bất hợp tác. Nếu Trung Quốc "quang minh chính đại" thì phải chủ động hợp tác một cách tích cực và nhiệt tình với thế giới để tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch nhằm xử lý và ngăn chặn những trường hợp như vậy trong tương lai. Bất cứ một quốc gia bình thường nào cũng phải hành động như vậy. Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc sẽ lựa chọn giải pháp bất hợp tác với thế giới bằng cách cho rằng họ đã tìm hiểu và thông báo đầy đủ cho tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc điều tra hồi tháng 3/2021. Đừng quên những phản ứng gay gắt và dữ dội của Trung Quốc đối với kêu gọi điều tra của Úc về nguồn gốc virus corona hồi tháng 4/2020. Trung Quốc đã phản đối Úc kịch liệt và sau đó áp đặt lệnh cấm vận lên thịt bò, lúa mạnh, rượi vang và gỗ từ Úc.

Chưa biết Trung Quốc sẽ lựa chọn giải pháp nào, dù vậy kết quả chỉ có một : Lòng tin của thế giới với Trung Quốc đã đổ vỡ hoàn toàn. Có thể sẽ không ai trách Trung Quốc vì đã để xảy ra tai nạn nhưng không ai có thể chấp nhận lối hành xử thiếu trách nhiệm, che dấu sự thật khiến đại dịch lan ra khắp thế giới và gây ra khủng hoảng nghiêm trọng cho nhân loại.

Không còn niềm tin thì sẽ không còn bang giao và hợp tác với nhau hoặc nếu còn thì sẽ ở mức thấp nhất. Cuộc li dị giữa Trung Quốc và các nước dân chủ ngày càng rõ ràng, dứt khoát và không thể đảo ngược. Làn sóng các công ty lớn nhỏ của thế giới rút khỏi Trung Quốc sẽ gia tăng trong thời gian tới.

2. Trung Quốc đang có vấn đề về dân số

vuhan2

Trung Quốc chưa giàu đã già. Getty Images - Ảnh minh họa

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất trên thế giới với hơn 1,4 tỉ người. Tuy nhiên số lượng trẻ sinh ra đang giảm mạnh. Số trẻ sinh ra trong năm 2020 giảm còn 12 triệu, thấp hơn so với 14,65 triệu trẻ của năm 2019. Trước tình hình đó, hôm 31/5/2021 Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con. Dân số Trung Quốc đang già đi dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động. Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm và số người già cần chăm sóc tăng lên thì sẽ gây nên gánh nặng cho xã hội và tăng sức ép lên ngân sách.

Tuy nhiên dù chính quyền Trung Quốc có khuyến khích thế nào đi nữa thì tỉ lệ sinh sản cũng sẽ giảm mạnh do đời sống người dân được nâng cao, quan niệm về con cái đã thay đổi khi chi phí cho một đứa trẻ ngày càng lớn, lại thêm trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già không còn khả năng lao động.

3. Trung Quốc đang thiếu nước nghiêm trọng

vuhan3

Năm 2013, Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc thông báo một kết quả thống kê gây sốc, đó là 28.000 con sông của nước này đã biến mất. (Hình : Sông Trường Giang ở Trung Quốc)

Ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Đây là hậu quả của sự phát triển kinh tế hoang dại bất chấp môi trường. Năm 2013, Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc thông báo một kết quả thống kê gây sốc, đó là 28.000 con sông của nước này đã biến mất. Trung Quốc đã chi 100 tỉ USD cho các dự án xây dựng hệ thống đường ống đưa nước từ miền Nam đến miền Bắc nhưng đều thất bại.

Bất chấp sự thiếu nước nghiêm trọng đó Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi chính sách nông nghiệp sai lầm tại miền Bắc là trồng bông và chăn nuôi gia súc. Cả hai lĩnh vực này đều cần rất nhiều nước. Miền Bắc (gồm các tỉnh như Tân Cương, Ninh Hạ, Nội Mông, Cam Túc, Sơn Tây, Thanh Hải...) vốn đã thiếu nước thì nay lại càng thiếu hơn. Phải khoan sâu xuống cả 100 mét mới có nước, mặt đất trở nên khô cứng. Tốc độ sa mạc hóa gia tăng do thiếu mưa. Các trận bão cát gần gây bao phủ Bắc Kinh là một ví dụ. Gần một nửa nước Trung Quốc đang thiếu nước nên không thể tiếp tục sinh sống. Làn sóng di cư từ miền Bắc xuống miền Nam sẽ gây nhiều vấn đề cho Trung Quốc trong nay mai.

4. Kế hoạch rút lui và co cụm của Trung Quốc thất bại

vuhan4

Kế hoạch "Vành đai và Con đường" đã thất bại vì nó phải thất bại, đúng như nhận định và phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ nhiều năm trước.

Trong phiên họp của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 1/6/2021, ông Tập Cận Bình đã có một phát biểu gây xôn xao dư luận rằng "cần xây dựng hình ảnh một Trung Quốc thân thiện và khiêm tốn". Ông chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao "cải thiện hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc nhằm đảm bảo sự phát triển của đất nước trên các phương diện", phải cố gắng thể hiện một hình ảnh "Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính"...

Cả thế giới bất ngờ trước sự thay đổi về đường lối ngoại giao này của Trung Quốc. Sau những nỗ lực và cố gắng vượt bậc của Trung Quốc trước và trong kỳ thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, hình ảnh của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trên khắp thế giới. Tuy nhiên như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích (2) cuộc khủng hoảng 2008 đã chấm dứt thời kỳ vàng son của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm cả thế giới chao đảo và suy thoái. Trung Quốc không phải là ngoại lệ. GDP của Trung Quốc năm 2012 giảm từ hai con số xuống 7,5%. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo Trung Quốc sẽ rơi vào bất ổn nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống. Cũng trong năm 2012 ông Tập Cận Bình trở thành người lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Trước tình hình nghiêm trọng đó Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã lấy một quyết định mạo hiểm và sai lầm là "chạy trốn về phía trước". Thay vì để nền kinh tế suy giảm theo chu kỳ của thế giới, Tập Cận Bình đã đưa ra dự án khổng lồ "Vành đai và Con đường", mục đích vừa để duy trì sự tăng trưởng kinh tế giả tạo cho Trung Quốc vừa có thể chinh phục và mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới. Đề nghị này của Tập Cận Bình đã nhanh chóng được Đảng cộng sản Trung Quốc chấp nhận vì đàng nào cũng không có giải pháp nào khác. Tên của Tập Cận Bình đã được ghi vào điều lệ Đảng sau Mao Trạch Đông.

Quả là một dự án vĩ đại và một giấc mơ đẹp. Nếu thành công thì không những tránh cho Trung Quốc khỏi khủng hoảng kinh tế mà còn chinh phục được cả thế giới. Rất không may cho Trung Quốc vì Tập Cận Bình không phải là phù thủy hay thánh nhân. Kế hoạch "Vành đai và Con đường" đã thất bại vì nó phải thất bại, đúng như nhận định và phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ nhiều năm trước.

Trước tình hình đó Trung Quốc phải làm gì ? Cũng theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Trung Quốc bắt buộc phải rút lui và co cụm lại vì các đế quốc chỉ chinh phạt và khiêu khích với bên ngoài khi hùng mạnh, nhưng sẽ triệt thoái và co cụm lại khi suy yếu. (3) Bắc Kinh có nhiều lý do để tin rằng chính sách co cụm sẽ giúp kéo dài chế độ. Một mặt họ sẽ có thể dùng sức mạnh quân sự để đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng, mặt khác họ tin rằng với qui mô của nền kinh tế và dân số như hiện nay Trung Quốc có thể tồn tại một cách "độc lập và khép kín" như Bắc Triều Tiên.

Tính toán sau cùng này của Trung Quốc cũng sai nốt. Trong lịch sử thế giới, các đế quốc đều sụp đổ do những nguyên nhân nội bộ chứ không phải do bên ngoài. Xin nhắc lại định nghĩa về một đế quốc : Đế quốc là tập hợp của nhiều nước chịu sự khống chế của một chính quyền trung ương nắm sức mạnh quân sự áp đảo đồng thời áp đặt một ý thức hệ hay một chủ nghĩa nào đó. Trong trường hợp Trung Quốc ý thức hệ đó là Khổng giáo, và sau đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Bắc Kinh nắm hoàn toàn quân đội và công an. Các đế quốc La Mã, Ottoman và gần đây nhất là Liên Xô đều sụp đổ do những yếu tố bên trong. Bắc Triều Tiên tồn tại được vì họ là một quốc gia chứ không phải một đế quốc. Liên Xô từng đóng chặt cửa với thế giới nhưng rồi cũng bị sụp đổ.

Trước khi rút lui và co cụm lại Trung Quốc buộc phải thực thi đường lối ngoại giao "chiến lang", gây hấn với cả thế giới để có lý do thuyết phục người dân rằng Trung Quốc bị thế giới bao vây, tấn công và cô lập. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn Đảng cộng sản Trung Quốc nhận ra rằng giải pháp co cụm không giúp gì được cho họ, sự sụp đổ có thể đến sớm hơn và khốc liệt hơn. Trung Quốc đã hội nhập quá sâu với thế giới.

Trước tình hình đó Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc phải "đổi giọng" như nói ở trên. Tuy nhiên điều đó đã quá muộn. Xây rất khó nhưng phá thì rất dễ và rất nhanh. Hình ảnh của Trung Quốc đã không thể cứu vãn. Theo các thăm dò thì cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc trên thế giới đang ở mức cao chưa từng có, ví dụ tại Úc là 81%, Anh : 74%, Mỹ : 73%, Thụy Điển : 85%, Hà Lan : 73%, Nhật : 86%...

Uy tín của Tập Cận Bình đang xuống thấp vì buôn bán ảo tưởng. Nội bộ Trung Quốc sẽ phân hóa và bất đồng vì không còn giải pháp cho chính họ và cho đất nước. Cuộc li dị giữa Trung Quốc với thế giới càng làm cho Trung Quốc lún sâu vào bế tắc. Giải pháp cho Trung Quốc chỉ có một : Phải chấp nhận dân chủ hóa đất nước. Hậu quả là Trung Quốc có thể vỡ ra thành nhiều khối hoặc nhiều quốc gia độc lập dựa trên sự đồng nhất về ngôn ngữ hoặc địa lý.

Việt Nam là hàng xóm của Trung Quốc và không có ảnh hưởng gì nhiều nên chúng ta chỉ có thể cầu chúc cho mọi sự thay đổi tại Trung Quốc sẽ diễn ra trong hòa bình và trật tự như Liên Xô trước đây. Chúng ta sẽ cố gắng để đất nước Việt Nam sớm có dân chủ. Việt Nam và Trung Quốc sẽ chung sống hòa bình và tốt đẹp khi cả hai cùng có dân chủ và tự do.

 

Việt Hoàng

(06/06/2021)

(1) Việt Hoàng, "Thái độ nào với Trung Quốc ?", Thông Luận, 02/06/2021

(2) Nguyễn Gia Kiểng, "Những bài viết về Trung Quốc", thongluan.blog 

(3) Việt Hoàng, "Trung Quốc sẽ bành trướng ra hay co cụm lại ?", Thông Luận, 05/12/2019 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1871 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)