Chỉ hai ngày sau "ngày hội non sông", tức là ngày bầu cử quốc hội Việt Nam khóa 15, hôm 23/5/2021, thì các tin tức liên quan đến cuộc bầu cử gần như đã biến mất trên mặt báo. Danh hài Hoài Linh và những lùm xùm xung quanh tiền cứu trợ người dân miền Trung được các báo đẩy lên hàng đầu để giúp người dân nhanh chóng quên đi cuộc bầu cử vừa qua. Dù vậy thì việc tìm hiểu về bầu cử quốc hội là rất quan trọng và cần thiết với mỗi người công dân có trách nhiệm đối với vận mệnh và tương lai của đất nước và của chính mình.
Chúng ta đều biết, quốc hội là cơ quan lập pháp của một quốc gia. Quốc hội bao gồm các dân biểu (Đại biểu quốc hội - Đại biểu quốc hội) được người dân bầu chọn và có nhiệm vụ thông qua hiến pháp và ban hành các bộ luật quan trọng của đất nước. Quyền của quốc hội, quyền Lập pháp là cao nhất trong ba quyền : Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
"Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một cơ quan thực hiện quyền lập pháp quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam và là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ quan này có ba chức năng chính :
- Lập hiến, lập pháp.
- Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
- Giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Nhiệm kì của mỗi khóa Quốc hội kéo dài 5 năm. Mỗi năm Quốc hội họp thường kỳ 2 lần".
Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không.
Quốc hội Việt Nam có thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện cho toàn dân không ? Câu trả lời là Không. Việt Nam là một nước độc tài đảng trị và hoàn toàn không có dân chủ. Quốc hội Việt Nam đặt Đảng cộng sản lên trên đất nước và dân tộc. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đặt Việt Nam dưới sự đô hộ của một đội quân chiếm đóng người bản xứ là Đảng cộng sản. Đây là điều không thể chấp nhận và thỏa hiệp.
Điều 4 Hiến pháp 2013 viết : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Trước khi đi vào chi tiết chúng ta cùng nhau điểm qua một vài con số và sự kiện liên quan đến cuộc bầu cử ngày 23/5/2021.
Kỳ bầu cử khóa 15 có tổng số ứng cử viên Đại biểu quốc hội là 1093 người, trung ương có 205, các địa phương có 888 và 75 người tự ứng cử. Có 17 ứng cử viên là Ủy viên Bộ chính trị, 101 ứng cử viên là Ủy viên trung ương đảng. Trong đó chỉ có một ứng cử viên ngoài đảng gây được chú ý là Lương Thế Huy, chuyên gia chính sách về Giới, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (đơn vị bầu cử Hà Nội). Có vài ứng cử viên độc lập được nhiều người biết đến và chú ý như ông Nguyễn Đình Cống (đã bị loại). Hai người tự ứng cử là Lê Trọng Hùng (gàn) và Trần Quốc Khánh đã bị bắt trước ngày bầu cử.
Chi phí cho cuộc bầu cử năm 2016 là 1.444 tỉ VNĐ và chi phí dự trù cho cuộc bầu cử năm 2021 sẽ cao gấp 2,6 lần năm 2016 tức là khoảng 3.750 tỉ VNĐ.
Số lượng đại biểu chuyên trách, là những người làm việc toàn thời gian cho quốc hội khóa 9-10 là 5-7%. Khóa 13-14 tăng lên 30% và dự kiến khóa 15 sẽ tăng lên 40%, tức là khoảng 200 người. 300 người còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, nghĩa là họ là quan chức Đảng cộng sản bên hành pháp, tư pháp và mặt trận.
Trong kỳ bầu cử quốc hội khóa 14 năm 2016 có 162 người tự ứng cử Đại biểu quốc hội và 79 người tự ứng cử Đại biểu Hội đồng Nhân Dân cấp tỉnh. Có nhiều khuôn mặt bất đồng chính kiến tự ra ứng cử như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Lê Văn Luân, Đỗ Việt Khoa, Trần Đăng Tuấn, Lê Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, Hoàng Dũng, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Trang Nhung, Mai Khôi...
Dự kiến số đại biểu ngoài Đảng tự ứng cử khóa 14-15 là 5-10%, tức là từ 25-50 người. Tuy nhiên quốc hội khóa 14 chỉ có hai người tự ứng cử trúng cử là Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương) và Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tasco), cả hai đều là đảng viên đảng cộng sản. Tất cả các ứng cử viên độc lập từng lên tiếng ủng hộ dân chủ đều bị loại từ vòng đầu tiên, trừ ông Trần Đăng Tuấn lọt được vào vòng gần cuối. Lý do khiến những người này bị loại rất vô duyên và kỳ quặc ví dụ ông Đỗ Việt Khoa bị loại khi lấy ý kiến cử tri ở khu phố là vì để "chó ỉa sang nhà hàng xóm".
Theo Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên thì cuộc bầu cử Quốc hội hôm 23/5/2021 hoàn toàn không hợp lệ nên tẩy chay là thái độ đúng nhất. Còn tẩy chay thế nào thì tùy theo hoàn cảnh và khả năng của từng người. Chúng tôi đề nghị là lấy lý do đại dịch Covid-19 để không đi bỏ phiếu và nếu phải đi thì gạch bỏ tất cả ứng cử viên Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản.
Có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ra ứng cử Đại biểu quốc hội hay không ? Có nên tẩy chay bầu cử hay không ? Vào quốc hội rồi thì có thể bày tỏ được chính kiến của mình hay không ?...Tỉ lệ 5-10% Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng hay 35-40% Đại biểu quốc hội là đại biểu chuyên trách chỉ là trên lý thuyết, thực tế không bao giờ có. Khóa 14 chỉ có 2 đại biểu tự ứng cử trúng cử và cả hai đều là đảng viên (như đã nói ở trên). Ngay cả trường hợp có được 25-50 Đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng có mặt trong quốc hội thì họ có thể làm được gì không ? Câu trả lời là Không vì Đại biểu quốc hội là đảng viên chiếm đến 90-95%. Mọi đề nghị của họ đều sẽ bị bác bỏ bởi đa số Đại biểu quốc hội là đảng viên Đảng cộng sản. Thậm chí họ sẽ không có cơ hội để phát biểu tại quốc hội vì lý do... không đủ thời gian.
Chúng ta đừng quên ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" trong một lần tiếp xúc cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm năm 2013.
Cách đây một năm, ngày 11/05/2020, tại hội nghị trung ương lần thứ 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ hơn : "Lựa chọn đại biểu quốc hội thế nào cũng phải có đủ tiêu chuẩn... chứ không phải là vào đó để thể hiện mình rồi nói ngang nói ngửa thế này thế kia như là mình độc lập, mình mới là đại diện cho dân...phải chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của đảng".
Cũng trong một phiên thảo luận về dự luật đặt khu năm 2018, khi một số đại biểu quốc hội tỏ ý không đồng tình với dự luật này, chủ tịch quốc hội lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã nói rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi... (quốc hội) phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật". Nói cách khác là một khi Đảng đã quyết định thì quốc hội phải phục tùng, không được phép có ý kiến. Quốc hội Việt Nam, dù trên giấy tờ là cơ quan quyền lực nhất, nhưng thực chất chỉ là tay sai ngoan ngoãn cho Đảng cộng sản, các lãnh đạo cộng sản cũng không giấu giếm gì điều này, những phát biểu của ông Trọng, bà Ngân chỉ là ví dụ.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng".
Các Đại biểu quốc hội hay phát biểu "được lòng dân" tại diễn đàn quốc hội là vì họ được lệnh phát biểu như thế hoặc có thể họ không biết như Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết, Lưu Bình Nhưỡng, Ksor H’Bơ...trước sau cũng bị cho nghỉ làm Đại biểu quốc hội. Càng ngày những tiếng nói phản ánh sự thật càng không có chỗ đứng tại quốc hội cho dù họ là đảng viên. Lý do cũng giản dị : Nội bộ Đảng cộng sản đang chao đảo và phân hóa mạnh. Họ không muốn có thêm bất cứ một rắc rối hay phiền toái nào trong nội bộ. Họ cần sự "thống nhất" trong nội bộ dù giả tạo để che đậy những rạn nứt và bối rối bên trong. Đảng Cộng hòa (Mỹ) cũng y như vậy, ngay cả nhân vật thứ 3 của đảng là bà Liz Cheney vẫn bị loại bỏ khỏi vai trò lãnh đạo để Đảng Cộng hòa có thể "đoàn kết" xung quanh lãnh tụ Donald Trump. Ứng cử viên Lương Thế Huy và có thể cả ông Trương Trọng Nghĩa sẽ bị loại vì lý do trên.
Một lý do nữa cho thấy sự bù nhìn của quốc hội Việt Nam đó là các đại biểu quốc hội kiêm nhiệm chiếm đa số trong quốc hội. Những người đó là cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản thuộc Bộ chính trị và trung ương đảng. Họ ngồi vào quốc hội để chiếm chỗ và để răn đe, dằn mặt các đại biểu khác chứ họ không tham gia các hoạt động thường niên của quốc hội.
Một điều đáng nói nữa là các đại biểu quốc hội phải tuyên thệ trung thành với Hiến pháp nhưng Hiến pháp 2013 rất vô lý, xấc xược và phản quốc vì nó cho phép Đảng cộng sản thống trị toàn bộ đất nước. Nó buộc công an, quân đội, nhân viên chính phủ trước hết phải trung thành với Đảng cộng sản. Quốc hội, trên lý thuyết là cơ quan có quyền lực cao nhất của đất nước nhưng thực ra không có quyền hành gì hết. Nó chỉ là một cơ quan có nhiệm vụ chính thức hóa, công khai hóa những quyết định của ban lãnh đạo Đảng cộng sản.
Trong mọi quốc gia bình thường, quyền lập pháp là quyền cao nhất, tại Việt Nam nó chỉ có vai trò hợp pháp hóa tội ác và sự tùy tiện. Đại biểu quốc hội trên nguyên tắc là đại diện của nhân dân để phản ánh nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng có "đại biểu quốc hội" nào đã đến thăm hỏi và bênh vực những người dân oan tại Đồng Tâm, Vũng Áng, Dương Nội, Tiên Lãng, Lộc Hưng ? Tuyệt đối không. Họ không phải là đại diện của nhân dân mà chỉ là những viên chức của một thế lực thống trị (1).
Quốc hội có vai trò giám sát các hoạt động của chính phủ nhưng tại Việt Nam điều đó không bao giờ xảy ra. Mọi luật lệ chính sách đều do bên hành pháp (chính phủ) soạn sẵn và quốc hội chỉ có nhiệm vụ đóng dấu đồng ý vào đó. Ngay cả các chức danh quan trọng của nhà nước, chính phủ và quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, đáng ra sẽ được quốc hội khóa 15 "bầu chọn" cũng đã được công bố từ hồi tháng 4/2021.
Phản ứng tự nhiên của người dân Việt Nam là tẩy chay cuộc bầu cử bịp bợm này, nhưng cũng có một chọn lựa khác là coi cuộc bầu cử này như một dịp để bày tỏ thái độ phẫn nộ đối với Đảng cộng sản và khinh bỉ đối với cái gọi là quốc hội của nó bằng cách đi bầu nhưng gạch bỏ toàn bộ lá phiếu. Những người được ghi tên trên lá phiếu không đại diện cho người dân Việt Nam, họ đại diện cho bộ máy đang thống trị đất nước này.
Chúng ta không nên mất thời gian bàn cãi nên hay không nên tham gia vào trò chơi này của Đảng cộng sản. Chừng nào chưa có dân chủ thật sự tại Việt Nam thì chúng ta nên tẩy chay các cuộc bầu cử do Đảng cộng sản độc diễn và dàn dựng. Không thể nào thay đổi được Đảng cộng sản từ bên trong. Nên tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ thực sự đứng đắn, có phương pháp và trách nhiệm để làm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam.
Việt Hoàng
(25/05/2021)
Trả lời cho bài viết trên Luật Khoa Tạp Chí : "Tẩy chay bầu cử lúc này không có ích gì"
Tuần qua Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên có bày tỏ thái độ trước việc chính quyền Việt Nam tiếp tục xúc phạm đến nhận thức và giá trị cơ bản của bầu cử và kêu gọi mọi người bày tỏ thái độ của mình bằng cách gạch chéo phiếu bầu hay gạch tên ứng cử viên. Có thể gọi đó là tẩy chay bầu cử, hay đơn giản là bày tỏ thái độ trước hài kịch đảng cử dân bầu. Hơn thế, họ đã sắp xếp nhân sự như chức danh chủ tịch quốc hội, thủ tướng, chủ tịch nước đáng lẽ phải do quốc hội sắp được bầu, bầu ra. Thái độ này được sự đồng tình cũng như phản đối trong đó có ý kiến của của tác giả Y Chan trên Luật Khoa Tạp Chí.
Tham gia vào một Quốc hội mà ta biết trước nó chỉ là tay sai của Đảng là ta tự phủ định vai trò công dân của chính mình.
Với tinh thần trọng thị, chúng tôi đã đọc tham khảo ý kiến của Y Chan trên Luật Khoa Tạp Chí.
Tựa của bài "Tẩy chay bầu cử lúc này không có ích gì. Bạn có thể làm nhiều hơn thế" rất hấp dẫn, có thể hiểu đơn giản là bạn đừng làm điều vô bổ, hãy làm theo hướng dẫn của tôi. Và dưới đây là 3 hướng dẫn.
1. Tác giả so sánh việc đi bầu có ích hay không với các hoạt động từ thiện là việc nhầm lẫn, và đánh tráo khái niệm.
So như vậy thì khác gì hỏi quả cam và quả quít quả nào ngon hơn. Lấy gì đảm bảo là tẩy chay bầu cử và đi làm từ thiện, cái nào Đảng cộng sản quan tâm hơn hay có tác dụng tới dân chủ hay không. Chúng ta đều không thể biết.
Vậy thì hãy làm điều mà ta biết, và biết điều ta có thể làm. Điều ta biết là ta đã tẩy chay cuộc bầu cử này (không đi bầu hay gạch chéo) và điều ta có thể làm tiếp là bày tỏ ý kiến trên mọi phương tiện có thể, mà vẫn giữ được an toàn cho bản thân.
Từ đó mới nảy ra tư duy tiếp là viết cái gì, bày tỏ ý kiến thế nào để Đảng cộng sản phải quan tâm. Đó là mầm mống của phương pháp đấu tranh chính trị.
Việc lập quỹ ủng hộ tù nhân lương tâm thuộc về xã hội dân sự, và chúng tôi hiển nhiên ủng hộ. Chúng tôi cũng tham gia bằng hành động tương tự, như một nghĩa cử với những người anh em dân chủ. Nhưng đó là điều không cần thiết phải nói ra.
2. Việc kêu gọi ủng hộ ứng viên Đại biểu quốc hội độc lập là sai căn bản về tư duy sống. Khi tham gia vào một tổ chức, ta cần biết vai trò của mình ở đó là gì, có ý nghĩa thực tế không. Bằng không, hoặc ta bị lợi dụng làm bình phong, hoặc bị lôi kéo vào bên trong để triệt tiêu vai trò và tiếng nói của ta. Cả hai trường hợp đều tai hại.
Về mặt cá nhân, ủng hộ tinh thần dấn thân của ứng cử viên Lương Thế Huy là điều chấp nhận được.
Về mặt đấu tranh chính trị, ủng hộ Huy tức là ủng hộ phương pháp đấu tranh lâm vào ngõ cụt.
Mà đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh phi tổ chức. Đảng cộng sản biết điều đó, và luôn tạo ra liên kết chặt chẽ, chế độ cộng sản chỉ phi nghĩa thôi !
Khi ta cùng một rọ với nó, ta chẳng thể phê phán nó, trong khi quốc hội có chức năng xây dựng luật, và giám sát chính phủ. Giám sát và phê phán kiểu gì, khi ta không còn quyền với lựa chọn đứng chung. Quan sát hoạt động của quốc hội, một đại biểu quốc hội được cho phép phát biểu trong bao lâu, và khi phát biểu rồi vấn đề có được giải quyết gì không ?
Tham gia vào một Quốc hội mà ta biết trước đó chỉ là tay sai của đảng là ta tự phủ định vai trò công dân của chính mình. Và cũng phủ định luôn phương pháp đấu tranh chính trị !
Thế nào là một cử tri thông thái khi mà Quốc hội chỉ là một công cụ của Đảng cộng sản ?
3. Năm (5) gợi ý một cử tri thông thái
Phần này được trình bày hết sức chuyên nghiệp và hấp dẫn. Nhưng nội dung thì sao ?
Thú thực tôi không hiểu chữ Một đóng vai trò gì ? Lời khuyên này chỉ dành cho 1 người ? Trong 5 điều có 2 điều trực tiếp liên quan đến bầu cử còn 3 điều còn lại nó là điều phổ biến ném vào đâu cũng đúng. Nhưng duy chỉ có điều 1 là dành cho cử tri còn điều 2 lại dành cho người ứng cử, một đối tượng khác không phải là cử tri.
Tôi sẽ không đi tiếp vào sự rối rắm chi tiết để đi đến 2 chỉ dẫn chi tiết tác giả cho là ý nghĩa và có tác dụng hơn nhiều :
A. "Bạn có thể gạch bỏ tất cả ứng viên nếu không thấy ai xứng đáng để mình chọn, hoặc làm thêm động tác ghi tên những người bạn muốn đại diện cho mình". Đây cũng chính là sự kêu gọi của chúng tôi. Sự khác biệt ghi thêm tên không đem lại yếu tố tích cực nào, ghi hay không ghi đều không thay đổi kết quả nhưng nó tạo ra sự nguy hiểm không cần thiết.
B. "Ghi tên những người tự ứng cử đã bị chính quyền bắt giữ trước đó sẽ là một hành động phản kháng có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện chỉ gạch hết những cái tên có sẵn". Lời khuyên này cho thấy tác giả không nhìn thấy tư cách bù nhìn, nghị gật của các Đại biểu quốc hội, là công cụ của quốc hội Việt Nam.
Tác giả cho rằng "Tẩy chay bầu cử lúc này không có ích gì". Có thể hiểu là tác giả khuyên mọi người không nên tẩy chay ? Vậy phải hành động thế nào đây tác giả ? Việc gạch chéo phiếu bầu theo tác giả, đó là tẩy chay hay không tẩy chay ?
Thực ra chúng tôi không quan trọng việc gạch chéo theo quan điểm của tác giả là gì. Chúng tôi cũng không hướng đến việc có thể vô hiệu hóa bầu cử.
Chúng tôi không khuyên mọi người liều lĩnh chống lại cái ác khi chưa có thể. Cũng không thể khuyên cử tri vẫn tin vào chế độ gạch chéo phiếu bầu hay gạch tên ứng cử viên.
Chúng tôi chỉ khuyên những người đã trải qua tất cả các hướng dẫn nhận thức được rằng họ bị bắt buộc đóng vai hề cho vở tuồng vô nghĩa của chính quyền, thể hiện thái độ của mình một cách khiêm tốn.
Chính quyền không thể đàn áp một người chỉ vì người đó không thấy ai trong danh sách có thể đại diện cho mình. Can đảm để có một thái độ, đối với chúng tôi đã là một bước tiến quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Đỗ Xuân Cang
Praha, 23/5/2021
1. Đảng tước đoạt quyền dân, biến người dân thành rô-bốt bỏ phiếu bầu ra đảng hội
Quyền làm chủ đất nước của người Dân chính là quyền tự do ứng cử và bầu cử. Hiền tài trong Dân được tự do ứng cử và người Dân được tự do phát hiện, đề cử và bầu chọn hiền tài của Dân vào các cơ quan đại biểu của Dân là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.
Chỉ khi người Dân được thực sự tự do ứng cử và bầu cử thì Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân mới thực sự có những hiền tài của Dân, mới thực sự và xứng đáng đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của Dân. Cũng chỉ khi đó các chức danh lãnh đạo, quản lí nhà nước do đại biểu đích thực và xứng đáng của Dân trong Quốc hội bầu ra mới thực sự tiêu biểu cho tầm vóc và khí phách của cả dân tộc.
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được hình thành từ lá phiếu bầu cử tự do, dân chủ của Dân mới thực sự chính danh là Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được Dân trao quyền. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đó mới thực sự của Dân, do Dân, vì Dân, mới thực sự có tâm nguyện là công bộc của Dân, dốc lòng phục vụ Dân, mang ý chí và nguyện vọng của Dân trong quản trị đất nước và điều hành đời sống xã hội.
Trong xã hội độc tài cộng sản, đại biểu Quốc hội và đại biểu mọi Hội đồng Nhân dân đều do "đảng cử, dân bầu". Thật mỉa mai và cay đắng cho quyền Dân trong xã hội cộng sản là : Ai ra ứng cử các cơ quan Dân cử đều do đảng chọn. Đàng sắp xếp cả đội hình ứng cử ở các điểm bỏ phiếu để người của đảng được sắp xếp vào cơ quan Dân cử đều chắc chắn trúng cử bằng cách trong đội hình ứng cử, bên cạnh quan chức lừng lẫy tiếng tăm và chức quyền của đảng như những quả pháo đùng, đảng độn vào vài cái tên dân thường chẳng ai biết đến như những quả pháo lép. Tất nhiên những quả pháo đùng mới thu hút được mọi người. Những quan chức lừng lẫy tiếng tăm và chức quyền của đảng, những quả pháo đùng sẽ bội thu phiếu bầu. Những quả pháo lép chẳng ai biết đến chỉ là quả pháo giả, pháo độn cho băng pháo hoành tráng, chỉ là vật trang trí cho màn diễn dân chủ của đảng mà thôi.
Người Dân đi bầu theo danh sách đảng cử chỉ là những robot, những người máy thực hiện những thao tác đã được đảng lập trình cài đặt. Một thứ bầu cử thể hiện sự ngạo ngược ngang nhiên cướp quyền Dân của đảng cộng sản.
Từ tháng 2/2021 Đại hội đảng đã chia chác, sắp đặt xong những chiếc ghế lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cho 5 năm sắp tới 2021 – 2026.
Còn gì hài hước, lố bịch hơn khi từ tháng hai, 2021 đại hội đảng đã chia chác, sắp đặt xong những chiếc ghế lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cho năm năm sắp tới 2021 – 2026. Người Dân cả nước đã biết rõ tên ông chủ, bà chủ những chiếc ghế quyền lực ở Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của giai đoạn 2021 – 2026 từ tháng 2/2021. Vậy mà đến tháng 3/2021, Quốc hội sắp hết nhiệm kì vẫn trơ tráo diễn trò hình thức bỏ phiếu bầu cho những người đã được đảng đặt vào những chức danh lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kì khóa sau 2021 – 2026. Và tháng 5/2021 người Dân mới đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 2021 – 2026 !
Nền văn minh công nghiệp đã giải phóng cá nhân, mỗi cá nhân có mặt trong cuộc đời đã là một chủ thể làm chủ đời mình, đã là một Công dân làm chủ xã hội, làm chủ đất nước mình. Dân chủ đã là giá trị đương nhiên của xã hội loài người. Dân chủ là không gian, là khí trời của tự do. Không có không gian, khí trời dân chủ thì không có tự do. Trong nhà nước độc tài cộng sản không có dân chủ, không có khí trời của tự do, người dân Việt Nam không có quyền con người để làm chủ cuộc đời mình, không có quyền Công dân để làm chủ đất nước mình.
Đảng tiếm quyền Dân, không cần Dân, đảng tự thụ tinh trong ống nghiệm sinh đẻ ra Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đảng đã điều hành, sai khiến từ cơ quan Nhà nước, từ Quốc hội đến Chính phủ. Đảng không coi Dân là những con Người có tư duy, có chính kiến cá nhân, có tư cách Công dân làm chủ đất nước. Đảng coi Dân chỉ là bầy cừu để đảng chăn dắt, chỉ là những con rối do đảng giật dây, chỉ là những người máy do đảng bấm nút.
Vậy mà cả tháng nay, điện thoại cá nhân của từng người Dân Việt Nam ngày nào cũng phải nhận những tin nhắn từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia như giễu cợt, như khoét vào nỗi đau mất quyền Dân của người Dân : Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân bầu vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 – 2026. Đảng đã chọn người của Đảng đưa vào Quốc hội rồi, đâu đến lượt Dân lựa chọn. Ý chí, nguyện vọng của Dân đâu có chỗ trong Quốc hội của đảng. Những tin nhắn sáng suốt lựa chọn chỉ là trò hề lố bịch, là sự khinh bỉ, coi thường người Dân đến tận cùng !
Còn gì coi thường Dân hơn, khinh bỉ Dân hơn khi đảng chỉ có năm triệu đảng viên trong khi Dân có một trăm triệu Công dân. Chỉ chiếm năm phần trăm dân số nhưng Đảng đã chiếm chín mươi nhăm phần trăm ghế trong Quốc hội. Còn gì mỉa mai hơn khi cơ quan đại biểu cao nhất của Dân mà Đảng cho Dân chỉ được có 25 đến 50 đại biểu, chỉ có 25 đến 50 người không phải đảng viên cộng sản trong số 450 đến 475 ông, bà nghị sĩ đảng viên cộng sản. Đảng chiếm Quốc hội của Dân để mở tiệm bán thịt chó nhưng đảng lại treo đầu dê : Cơ quan đại biểu cao nhất của Dân !
Ý thức được quyền Công dân, ý thức được trách nhiệm Công dân đối với sự hưng vong của đất nước, người Dân tự ứng cử vào Quốc hội, mang tấm lòng và trí tuệ đóng góp cho Dân cho nước thì nhà nước độc tài cộng sản liền vu cho người Dân có ý thức trách nhiệm Công dân, dám giành lại quyền Công dân của mình là thế lực thù địch.
Cả bộ máy chuyên chính vô sản khổng lồ và tàn bạo của Đảng liền được vận hành loại bỏ người Dân tự ứng cử bằng cách tạo ra tội mơ hồ, biến người Dân lương thiện thành tội phạm hình sự, bị cách li khỏi xã hội, cách li khỏi màn diễn "đảng cử dân bầu". Công dân Trần Quốc Khánh ở Ninh Bình, Công dân Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội được vài ngày thì công an xông vào nhà còng tay bắt đi với tội danh mơ hồ của điều 117 bộ luật Hình sự, điều luật có biên độ mở rộng đến vô tận trong việc xác định tội phạm để công an và toà án tuỳ tiện buộc tội người Dân có chính kiến khác với chính kiến của đảng : Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Còn báo đảng thì trở thành Viện Kiểm sát viết cáo trạng vu tội người Dân ý thức được quyền Công dân tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội : Thực tế cho thấy, để tạo tiền đề hoặc hỗ trợ âm mưu bạo loạn lật đổ khi có cơ hội, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc "thực hiện quyền dân chủ", thể hiện dưới các hình thức gọi là "bất bạo động", như : thành lập tổ chức mang danh nghĩa "xã hội dân sự", hô hào "biểu tình ôn hòa", gửi thư ngỏ "góp ý, kêu gọi, đòi hỏi"… Gần đây, phong trào "tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV" của một số "nhà dân chủ" cũng nằm trong toan tính đó nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và xã hội (Bài Màn kịch "tự ứng cử" của một số "nhà dân chủ" trên báo Nhân Dân, thứ sáu 14/5/2021)
Công dân Lê Trọng Hùng ở Hà Nội, nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội được vài ngày thì công an xông vào nhà còng tay bắt đi với tội danh mơ hồ của điều 117 bộ luật Hình sự.
2. Quốc hội đảng cử dân bầu hai lần không chính danh
2.1 Quốc hội chỉ thực sự chính danh khi người Dân được tự do ứng cử và bầu cử, hiền tài trong Dân được người Dân phát hiện và bầu chọn vào Quốc hội. Thực sự là nơi hội tụ những Công dân ưu tú, đại biểu cho phẩm giá, khí phách và quyền lợi chính đáng của Dân, của nước, chỉ khi đó Quốc hội mới có chính danh.
Đảng viên cộng sản chỉ chiếm năm phần trăm dân số nhưng chiếm tới chín mươi nhăm phần trăm đại biểu Quốc hội. Đảng viên cộng sản tràn ngập trong Quốc hội, chiếm tất cả mọi vị trí lãnh đạo Quốc hội, chi phối mọi hoạt động Quốc hội, nắm vai trò chủ đạo, chỉ huy cao nhất trong mọi quyết định của Quốc hội. Đó là Quốc hội của đảng, không phải Quốc hội của nước, càng không phải Quốc hội của Dân.
Vì là Quốc hội của đảng, chỉ biết cúc cung phục vụ đảng, bảo vệ quyền lợi đảng, vâng dạ thực hiện ý chí, mệnh lệnh của đảng, không biết đến ý chí, nguyện vọng của Dân. Quốc hội của đảng đã làm ra Hiến pháp hợp thức hóa việc cướp quyền Dân của đảng bằng điều 4. Không cần lá phiếu bầu chọn của người Dân, như kiếp nạn, như tai ương, đảng cộng sản dù tham nhũng, dù phản Dân hại nước, dù có tội với Dân với nước khủng khiếp đến đâu, dù kìm hãm sự phát triển của đất nước nặng nề thế nào cũng nghiễm nhiên là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". (Điều 4 Hiến pháp 2013).
Không phải Quốc hội của Dân, theo lệnh đảng, Quốc hội làm luật đất đai, biến tài sản thiêng liêng nhất của người Dân là mảnh đất sống thành sở hữu toàn dân, thành tài sản vô chủ do các quan tham nhũng của đảng quản lí. Đất của Dân thành sở hữu toàn dân, thành vô chủ, quan tham cộng sản mặc sức cướp đất vô chủ bán cho tư bản hoang dã. Hàng triệu Dân mất mảnh đất sống, vật vã kêu oan từ thế hệ này sang thế hệ khác, thảm thiết đòi đất từ thế kỉ hai mươi sang thế kỉ hai mươi mốt, Quốc hội của đảng vẫn câm lặng, lạnh lùng vô cảm.
Không phải Quốc hội của Dân, theo lệnh đảng, Quốc hội đưa vào bộ luật Hình sự điều 117, điều 331 hình sự hoá, tội phạm hóa những người Dân có tư tưởng, chính kiến riêng, không cùng tư tưởng, chính kiến với chính quyền lại dám công khai phát tán tư tưởng chính kiến riêng trong dư luận.
Nhà triết học người Pháp Blaise Pascal (1623 – 1662) thời Phục Hưng định nghĩa về con Người : "Con người là cây sậy biết tư duy". Đã là con Người phải có tư duy, có tư tưởng, có chính kiến. Mỗi người một tầm nhận thức, một độ sáng trí tuệ nên tư tưởng chính kiến cũng mỗi người một vẻ, không ai giống ai, Hình sự hóa sự khác biệt tư tưởng chính kiến, buộc người dân phải răm rắp phục tùng, chấp nhận, tư duy theo khuôn mẫu của chính quyền là xóa bỏ cá nhân, không đếm xỉa đến quyền con người, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của người Dân, là sự man rợ Trung cổ. Quốc hội làm luật man rợ Trung cổ xóa bỏ cá nhân, xóa bỏ quyền con người của người Dân mà là đại biểu cao nhất của Dân ư?
Đảng chiếm lĩnh Quốc hội của Dân, biến Quốc hội thành đảng hội, thành công cụ của đảng để cai trị Dân thì Quốc hội đó không thể đại biểu cho Dân. Điều 1, luật Tổ chức Quốc hội 2014 khẳng định : "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân". Như trên đã chứng minh, Quốc hội hiện nay chỉ đại biểu cho đảng, không đại biểu cho Dân, Quốc hội đó không thể có chính danh.
2.2. Một đảng chính trị chỉ cần được pháp luật công nhận là đã có đủ tư cách hợp pháp để có mặt trong đời sống xã hội. Nhưng để trở thành đảng cầm quyền chính danh thì không thể chỉ như vậy. Trong kỉ nguyên văn minh công nghiệp, người Dân đã trở thành chủ thể của đất nước. Đảng chính trị hợp pháp phải được người Dân trao quyền bằng lá phiếu và chỉ khi đảng chính trị nhận được trên năm mươi phần trăm phiếu bầu chọn của người Dân mới trở thành đảng cầm quyền hợp pháp và chính danh, mới được Dân trao quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Đảng cộng sản cướp chính quyền của Chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim trong cách mạng tháng tám, năm 1945. Cướp được chính quyền bằng sức mạnh quần chúng cách mạng của đảng rồi đảng cứ ngang nhiên tự cho mình quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội, như các hoàng đế thời phong kiến tự huyễn hoặc cho mình là con Trời được đấng tạo hóa giao cho cương vực lãnh thổ làm của cái và giao cho trăm họ làm thần Dân để sử dụng và khai thác sức Dân, khai thác máu Dân.
Từ năm 1945 đến nay, năm 2021, trải bao thử thách sống còn. Lúc khó khăn, đảng tìm đến Dân, xin Dân cơm ăn, áo mặc, nhờ Dân cưu mang che chở, cứu mạng. Nhiều người Dân đã nhận lấy cái chết để bảo vệ sự sống cho đảng. Dân nhịn đói dành cơm gạo nuôi đảng. Qua đận gian nan đến lúc chính quyền của đảng vững mạnh trên cả nước, Quốc hội của đảng liền làm ra luật để đảng tham nhũng. Điều 4 Hiến pháp tạo cho đảng tham nhũng quyền Dân. Điều 4 luật Đất đai "Đất đai là sở hữu toàn Dân" tạo cơ sở pháp lí cho đảng tham nhũng tài sản Dân. Cúc cung vì đảng, Quốc hội quá nhẫn tâm với Dân.
Nhẫn tâm và lì lợm hơn cả là suốt bảy mươi sáu năm đảng cộng sản cầm quyền, Quốc hội của đảng chưa một lần cúi xuống thành thật nhìn vào mặt Dân hỏi xem Dân có chấp nhận sự cầm quyền của đảng hay không. Bảy mươi sáu năm đảng cộng sản liên tục cầm quyền, chưa một lần Dân bỏ phiếu công nhận sự cầm quyền của đảng cộng sản. Chưa một lần bằng lá phiếu Dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho đảng cộng sản
Chưa một lần được Dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, suốt bảy mươi sáu năm, đảng cộng sản cầm quyền không chính danh. Đảng cầm quyền không chính danh thì Quốc hội do đảng không chính danh tạo dựng lên bẳng đảng cử Dân bầu cũng không chính danh. Quốc hội không chính danh, lại không phải là Quốc hội của Dân thì những chức danh lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ do Quốc hội không chính danh bầu bán vả phê chuẩn cũng không chính danh.
Chưa một lần, bằng lá phiếu Dân trao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho đảng cộng sản.
3. Không là rô-bốt
Ông đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng luôn hào hứng véo von một điệp khúc : Chưa có bao giờ đất nước ta phát triển rực rỡ như hôm nay. Thưa ông đảng trưởng cộng sản đang hôn mê vì ngộ độc học thuyết cộng sản độc hại rằng màn tổ chức bầu cử Quốc hội của một quốc gia chính là chiếc đồng hồ hiển thị mức độ văn minh phát triển của quốc gia đó. Đồng hồ hiển thị sự phát triển của xã hội Việt Nam qua tổ chức bầu cử Quốc hội cho thấy trình độ phát triển của xã hội Việt Nam còn thua xa cả nước nông nghiệp lạc hậu Myanmar.
Myanmar suốt mấy chục năm dưới chế độ độc tài quân sự vẫn có đa đảng trên chính trường, vẫn có đa đảng tranh đua bình đẳng giành lấy đa số ghế trong Quốc hội để trở thành đảng cầm quyền. Độc tài quân sự dùng nòng súng quân đội cướp chính quyền của đảng thắng cử liền bị người Dân cả nước ầm ầm biểu tình như thác đổ, như bão giông phản đối. Chính trường có đa đảng và người Dân được quyền tham gia vào chính trường, được lo toan việc nước bằng lá phiếu và bằng biểu tình là hiển thị trình độ phát triển xã hội khá cao, là bằng chứng người Dân đã trở thành chủ thể của đất nước. Chỉ đến văn minh công nghiệp, người Dân mới có vị thế chủ thể của đất nước, chủ thể trong xã hội.
Chỉ có độc đảng mới có đảng cử Dân bầu. Hoàn toàn không có tranh đua cần thiết, bình đẳng của các đảng chính trị, như thị trường không có cạnh tranh trong luật pháp của các mặt hàng cho người Dân có quyền lựa chọn. Chỉ có một mặt hàng độc quyền dù hàng xấu, giá đắt thế nào người Dân cũng phải nhắm mắt chấp nhận.
Đảng cử Dân bầu tạo ra sự bình yên phẳng lặng trong đời sống chính trị nhưng đó là sự bình yên phẳng lặng của đêm dài Trung cổ. Đêm dài Trung cổ phong kiến, người Dân là nông nô của lãnh chúa phong kiến. Đêm dài Trung cổ cộng sản, người Dân là nô lệ của đảng cộng sản. Nông nô và nô lệ đều không có quyền con Người làm chủ cuộc đời mình, không có quyền Công dân làm chủ đất nước mình. Đó chính là sự tăm tối Trung cổ.
Độc tài quân sự Myanmar và độc tài cộng sản Việt Nam cho thấy độc tài cộng sản còn tệ hại, khủng khiếp hơn cả độc tài quân sự.
Loài Người đã đi qua văn minh công nghiệp và đặt chân vào văn minh tin học. Không lẽ người Dân Việt Nam cứ cam phận trong bóng đêm Trung cổ độc tài cộng sản. Không lẽ người Dân Việt Nam cứ hồn nhiên làm robot thực hiện thao tác bỏ phiếu bầu cử theo lập trình của đảng cộng sản. Dù bé nhỏ, mảnh mai như cây sậy nhưng con Người là cây sậy có tư duy, có tư tưởng, có cá nhân, có danh dự, phẩm giá con Người. Danh dự và phẩm giá Người không thể là robot làm thao tác bầu cử theo lập trình cài đặt của người khác.
Loài Người đã bỏ lại đêm tối Trung cổ từ nhiều thế kỉ trước. Đảng cộng sản cầm quyền không thể duy trì mãi sự cai trị Trung cổ tước đoạt quyền con Người, quyền Công dân của Người Dân. Đảng cần tự diễn biến, tự chuyển hóa đến văn minh, trả lại Dân quyền làm chủ đất nước.
Phạm Đình Trọng
Nguồn : facebook.com/kesiviet, 21/05/2021
Trong kinh tế, nếu độc quyền thì thị trường phải chấp nhận sự áp đặt của doanh nghiệp, còn nếu cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chấp nhận sự áp đặt của thị trường, nếu doanh nghiệp nào không chấp nhận được thì bị loại khỏi thị trường.
Trong chính trị cũng vậy, độc đảng thì đảng áp đặt ý chí của nó lên toàn dân, còn đa đảng thì toàn dân áp đặt ý chí lên đảng phái, nếu đảng phái nào không chấp nhận sự áp đặt ý chí từ phía nhân dân, đảng đó sẽ bị loại khỏi nhà nước, thế thôi. Chỉ cần thay đổi từ “đơn” sang “đa” thì thế làm chủ sẽ đổi ngôi, đó là quy luật tất yếu không thể khác được.
Nói về quốc hội thì Quốc hội Mỹ hay Quốc hội cộng sản Việt Nam đều chủ yếu là thành phần thuộc đảng phái chính trị, có điều là tại Mỹ có hai đảng phái có tiềm lực tương đương, còn ở Việt Nam thì có một đảng duy nhất. Vấn đề là làm sao để người của đảng phái chính trị phải thực sự đại diện cho dân chứ không đại diện cho đảng, đấy mới là quan trọng.
Quốc hội Việt Nam chỉ là một cơ quan thuộc Đảng cộng sản. Hay gọi một cách chính xác thì Quốc hội chỉ là bù nhìn.
Thực tế, Dân biểu của Mỹ cũng là người của một đảng phái chính trị nhưng họ lại là người đại diện cho dân, còn đại biểu quốc hội Việt Nam cũng người của một đảng phái chính trị nhưng không đại diện cho dân, mà là đại diện cho đảng. Vì sao có sự khác nhau như vậy? Vì đơn giản đó là độc đảng và đa đảng. Như đã nói, độc đảng thì đảng áp đặt ý chí lên người dân, còn đa đảng thì dân áp đặt ý chí lên đảng phái. Khi dân áp đặt được ý chí của mình lên người đại diện thì người đó là đại diện cho dân đúng nghĩa, thế thôi.
Tại Mỹ hay tại các nước dân chủ khác cũng vậy, mỗi dân biểu đại diện cho một địa hạt nào đấy. Trong bầu cử, tại một địa hạt như vậy luôn có 2 đối thủ khác đảng cạnh tranh nhau một ghế trong Quốc hội. Vì thế mỗi dân biểu phải vận động, diễn thuyết v.v… nói chung làm đủ mọi cách để dân tin và bầu cho mình.
Điều đáng nói và nhiệm kỳ dân biểu rất ngắn, chỉ 2 năm thôi. Và sau 2 năm nếu vị dân biểu đó không đáp ứng nguyện vọng của người dân thì điều đó đồng nghĩa với việc chiến thắng sẽ rơi vào tay đối thủ. Với cơ chế như vậy, có dân biểu nào dám phớt lờ nguyện vọng người dân không? Sẽ ít ai dám phản bội dân. Đó là nguyên tắc bảo đảm dân biểu phải vì dân.
Tại Việt Nam thì ứng cử viên chỉ là đảng viên Đảng cộng sản (thành phần ngoài đảng dưới 5% như là lực lượng làm kiểng không có giá trị phủ quyết, nên không cần quan tâm loại này), chính vì vậy họ chỉ cần in một tờ A4 tóm tắt tiểu sử của ứng viên đó đưa dân đọc là xong.
Ngoài những thông tin đó, dân chẳng biết ông/bà đấy có năng lực gì, có thiện chí gì với những người dân mà họ được phân công đại diện. Đấy là một hình thức áp đặt của đảng lên ý chí người dân. Vậy thì người “đại biểu” đó trúng cử, họ đại diện cho ai, thì mọi người thừa biết.
Chính đảng áp đặt ý chí lên dân thì “đại biểu” đó ngu gì mà làm theo ý dân? Dân đâu có truất phế vai trò đại biểu của họ được, trong khi đó thì đảng hoàn toàn loại bỏ vai trò đại biểu của người đó nếu đảng thấy không hài lòng.
Trường hợp ông Lưu Bình Nhưỡng bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu quốc hội khóa XV là một minh chứng (ông Nhưỡng 58 tuổi bị loại vì lí do “quá tuổi ứng cử”, nhưng ông Trọng 77 tuổi lại không quá tuổi).
Quốc hội Việt Nam là một tổ chức vô nghĩa nhưng ngốn tiền ngân sách không nhỏ. Trong đó toàn là người đại diện cho đảng và gật theo chỉ đạo của đảng. Tổ chức nhà nước này, nói cho cùng cũng là sân chơi riêng của Đảng cộng sản thì những nghị quyết đã được trung ương đảng quyết, cần chi phải qua quốc hội làm gì? Giống như những trò hề bầu cử trong quốc hội tháng trước, Nguyễn Xuân Phúc chủ tịch nước, Phạm Minh Chính thủ tướng, Vương Đình Huệ chủ tịch quốc hội được đảng quyết trước đó 3 tháng. Vậy nên, càng phải dẹp bỏ quốc hội để khỏi phải tốn thời gian của dân và khỏi tốn tiền thuế của dân vô ích.
Để tinh giảm bộ máy nhà nước, chỉ cần Đảng cộng sản vứt cái mà đảng gọi là “quốc hội” ấy vào sọt rác là tinh gọn rất nhiều mà nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chính sách của đảng, bởi từ 76 năm qua dân chưa hề có vai trò gì trong nhà nước. Mọi chính sách của chính phủ cứ lấy những quyết định của đảng ở các hội nghị trung ương mà triển khai. Còn ngân sách chi tiêu cho “cái gọi là Quốc hội” ấy, đem xây thêm bệnh viện cho dân thì đó là điều thiết thật nhất.
Chỉ cần làm thế thôi thì dân cũng đã hoan nghênh rồi. Độc đảng thì làm gì có đại diện cho dân? Màn kịch cũ rích ai cũng hiểu cả, đảng diễn hoài làm gì?!
Đỗ Ngà
(15/5/2021)
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=296119342191231&id=100116885124812