Nhiều gia đình Việt Nam lo sợ có thân nhân trong số 39 người chết trong xe tải ở Anh
Đức Chi, RFI, 26/10/2019
Hai ngày sau khi phát hiện 39 thi thể trong xe tải tại Essex gần Luân Đôn 23/10/2019, từ hôm qua (25/10) rộ lên thông tin nhiều gia đình tại Việt Nam lo ngại người thân của họ nằm trong số nạn nhân.
Xe containeur có 39 thi thể di dân ở bên trong, được phát hiện tại Grays, Anh Quốc, ngàu 23/10/2019. Reuters/Peter Nicholls
Nhiều nguồn tin báo chí tại Việt Nam cũng như ở Anh loan tin một số gia đình ở Việt Nam đã lên tiếng xác nhận có con em đang trên đường tới Anh theo một đường dây đưa người vượt biên, hiện bị mất liên lạc và nhờ cậy chính quyền Việt Nam cũng như Anh Quốc giúp đỡ.
Ban đầu cảnh sát Anh cho biết các nạn nhân bao gồm 31 người đàn ông và 8 phụ nữ chết trong chiếc xe container đông lạnh đi từ Bỉ qua Anh hôm thứ Tư 23/10, đều là người Trung Quốc. Nhưng sau đó những nghi ngờ cũng đã xuất hiện, ngày 25/10, một phát ngôn viên của cảnh sát Anh cho biết vụ việc đã có những biến chuyển và việc xác định các nạn nhân chưa thể kết thúc.
Đức Chi_Luân Đôn26/10/2019
Anh Đức Chi, một người Việt Nam đang sinh sống tại Anh Quốc, cho biết thêm thông tin về vụ việc :
Cảnh sát Anh nói rằng việc xác định nhân thân của những người nhập cư trái phép sẽ mất nhiều thời gian vì quy trình xác định sẽ phức tạp. Có nhiều cách nhận dạng khác nhau, từ việc xem xét đồ đạc trên người nạn nhân cho đến khuôn mặt và các dấu vết như sẹo hình xăm, rồi đến vân tay và ADN.
Theo tiến sĩ Noemi Procopio, Đại học Northumbria, việc xác định ADN là chính xác hơn cả và việc này sẽ mất khoảng 1 tuần.
Cho đến lúc này, trên mạng có nhiều thông tin về việc có người Việt trong chiếc xe tải định mệnh đó. Nhưng những thông tin đó chưa được kiểm chứng.
Tuy nhiên, theo trang web Viethome.UK, một trang web có uy tín trong cộng đồng người Việt tại Anh, khẳng định rằng có người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh, trong khoảng thời gian phát hiện ra chiếc xe tải cùng với thi thể của 39 người nhập cư trái phép. Họ đã mất liên lạc với gia đình tại Việt Nam từ ngày 21/10. Viethome cũng đã nhận được ảnh của gần 20 người, được gia đình báo là mất tích, tuổi từ 15 đến 45.
Tuy nhiên, hy vọng hiện nay là có thể những người đó cũng trốn sang Anh Quốc, nhưng bằng những con đường khác. Và do vậy họ vẫn sống sót. Viethome cũng có bằng chứng do một người Việt Nam cung cấp qua tin nhắn, khẳng định rằng người nhà của họ cũng đã trốn sang Anh Quốc từ Bỉ, nhưng trong một chuyến xe khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Quốc đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để làm rõ những nghi ngờ có người Việt trong số 39 người tử vong trong xe tải. Sứ quán cũng đã công bố đường dây nóng Bảo hộ công dân, để tiếp nhận thông tin.
Cảnh sát Bỉ hiện đang truy tìm người lái xe thứ hai, là người đã chở container chứa 39 người đến cảng Zeebrugge, trước khi nó được đưa lên phà sang Anh Quốc. Người này có thể là một manh mối quan trọng, giúp phanh phui đường dây buôn người này.
Anh Vũ thực hiện
*****************
Nhiều người Việt Nam chết trong chuyến xe định mệnh trốn lậu sang Anh ?
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/10/2019
Mấy ngày qua, một thông tin chấn động thế giới khi chuyến xe chở container sang đến Anh phát hiện 39 người đã chết. Trong chiếc container đó có 31 đàn ông và 8 phụ nữ được phát hiện chết ngạt và chết cóng trong xe tải ở Essex, cách thủ đô London 30km về phía đông vào thứ tư tuần này.
Hiện trường chuyến xe container chở người nhập cư lậu vào nước Anh bị chết đông lạnh đang được cảnh sát Anh điều tra - Ảnh minh họa
Thông tin báo chí cho biết rằng đây là những người Trung Quốc. Hôm 25/10, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài xã luận, trong đó cho rằng Anh và những nước Châu Âu khác phải nhận một số "trách nhiệm" cho cái chết của 39 người này.
Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng : "Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…".
Trong khi những thông tin về cô gái đang làm xôn xao cộng đồng mạng và báo chí quốc tế lên tiếng, xác minh thì chúng tôi nhận được thông tin rằng không chỉ có một trường hợp đó, mà riêng huyện Can Lộc, Hà Tĩnh hiện đã xác định có 4 trường hợp trong chuyến xe này.
Một thông tin khác về một thanh niên tên Nguyễn Đình Lượng, quê quán tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tử vong trong chuyến xe định mệnh này.
Chúng tôi đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Đình Tuyên, là em trai con chú ruột của Nguyễn Đình Lượng, Tuyên cho biết:
Hiện nay, gia đình đã nhận được tin dữ báo Nguyễn Đình Lượng đã chết trong chuyến xe đi sang Anh mà báo chí đã loan tin. Đường dây đưa em đi đã gọi điện về báo cho gia đình và xin lỗi về việc này.
Nguyễn Đình Lượng, sinh ngày 20/1/1999, là con trai trong gia đình ông Nguyễn Đình Gia và bà Trần Thị Huân, một gia đình nông dân ở Huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
Lượng đã ra đi được 2 năm, sau khi sang Pháp một thời gian làm ở nhà hàng và cách đây mấy ngày đã di chuyển sang Anh trên chuyến xe định mệnh đó.
Trong vài năm qua, kể từ khi thảm họa Formosa xảy ra, nhiều thanh niên ở các vùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác đã đua nhau theo những đường dây buôn người đi ra nước ngoài bằng mọi cách bất chấp mạng sống của mình.
Những người ra đi bỏ ra hàng chục ngàn euro cho đường dây môi giới này.
Họ đến châu Âu, đến Mỹ, Canada… bằng mọi con đường, mọi cách thức khác nhau.
Một người đã cho chúng tôi biết rằng: Họ quá cảnh ở Hàn Quốc, sang Nga, rồi đi bộ qua Ukraina, sống ở đó một thời gian rồi tìm đường vượt biên vào Đức, sau đó sang Pháp rồi đường dây đưa người sẽ đưa từ Pháp sang Anh. Cả chuyến đi, họ phải trả số tiền khoảng 40.000 euro. Riêng việc di chuyển từ Pháp sang Anh, số tiền cho mỗi người là 14.000 euro.
Khi đến nước Anh, một số người không mang theo hộ chiếu hoặc bất cứ giấy tờ nào tùy thân, một số được cấp những giấy tờ giả hoặc bằng cách nào đó do đường dây lo liệu.
Nhiều trường hợp ra đi không xác định ngày trở về, cuộc "di cư bất đắc dĩ" đó có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm mới đến đích hoặc không bao giờ đến đích.
Trên những chặng đường đó, họ đối diện với đủ các nguy hiểm nhất là với phụ nữ, trẻ em.
Hiện tượng này đã diễn ra nhiều năm qua và đã thành một phong trào trong nhiều làng mạc nông thôn nghèo ở những tỉnh miền Trung Việt Nam nghèo đói.
Nhất là khi thảm họa Formosa xảy ra, sau những dự án của các đại gia, nhà nước đã tiếp tay cho các tập đoàn sân sau cướp đất đai, nhà cửa của những nông dân chỉ biết lấy mảnh ruộng làm nguồn sống. Khi nguồn sống bị cắt đứt, họ buộc phải ra đi.
Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra, nhiều người đã ra đi không bao giờ trở lại, thậm chí nhiều gia đình cho đến nay vẫn không biết tin tức về con cái mình.
Khi đến được các nước châu Âu, hoặc Mỹ, Canada… họ lại phải tiếp tục cuộc sống chui nhủi của thân phận kẻ ở lậu, trốn tránh pháp luật nước sở tại để đi làm chui kiếm tiền về trả nợ.
Và hàng năm, số ngoại tệ kiếm được bằng sức lao động, chui nhủi đầy tủi nhục của họ lại được gửi về Việt Nam.
Năm 2018 số ngoại hối chuyển về Việt Nam là hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 8 so với các nước trên thế giới.
Những đồng tiền đó được sử dụng để trả thuế, để cho đảng và nhà nước tiêu dùng cho những dự án ngàn tỷ và tham nhũng ngàn tỷ.
Nhưng mấy ai biết được những đồng tiền đó thấm đẫm sự nhục nhằn, máu và nước mắt của những công dân, những người con đất Việt trên khắp thế giới.
Video phỏng vấn người nhà Nguyễn Đình Lượng
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 25/10/2019 (nguyenhuuvinh's blog)
*******************
Vụ 39 người Trung Quốc chết ở Anh và cảnh báo cho người Việt
Nguyễn Hùng, VOA, 25/10/2019
Thảm kịch được phát hiện lúc 01:40 phút sáng ngày 23/10/2019 tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, chỉ cách nơi tôi sống chừng 15 phút lái xe. Các nhân viên cứu thương Anh tìm thấy thi thể của 39 người, 38 nam giới và một thiếu nữ, trong container chở hàng đông lạnh. Thiếu nữ trẻ tới mức lúc đầu người ta tưởng cô là trẻ vị thành niên. Trước đó lái xe gọi số điện thoại khẩn cấp sau khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng lúc mở thùng container lấy tài liệu, theo báo chí Anh.
Khám nghiệm hiện trường tại Thurock, South England, 23 tháng 10, 2019.
Tài xế Mo Robinson chỉ mới đánh đầu kéo tới để đưa container đi từ cảng Purfleet, cách khu công nghiệp Waterglade không xa, lúc 01:05, chừng nửa tiếng sau khi chiếc container cập cảng từ Zeebrugge, Bỉ. Thùng chứa hàng đông lạnh được cho là tới Zeebrugge lúc gần 14:30 hôm 22/10. Hiện người ta còn chưa rõ 39 người, nay đã xác định được đều là công dân Trung Quốc, được đưa vào container tại đâu và từ khi nào. Tài xế, vốn sống ở Bắc Ireland của Anh, vẫn đang bị giữ để điều tra.
Các quan chức Anh nói mỗi ngày có hàng trăm ngàn container tới Anh và rất nhiều trong số đó không được kiểm tra. Các quan chức biên phòng của Anh cũng không có mặt tại nhiều cảng biển và họ chỉ kiểm tra những container không đi kèm đầu kéo nếu được mật báo cần phải làm như vậy.
Tại một số cảng được xác định là nơi có nhiều khả năng bị những kẻ buôn người sử dụng, người ta dùng công nghệ để phát hiện khí CO2 mà người ta thải ra khi thở và dùng chó đánh hơi. Nhưng giới chức Anh thừa nhận họ không đủ sức để kiểm tra tất cả các container vào Anh.
Đây không phải là lần đầu thảm kịch như thế này xảy ra với người Trung Quốc toan vào Anh trái phép. Hồi tháng 6/2000, người ta cũng phát hiện ra thi thể của 58 người Trung Quốc, 54 nam giới và bốn phụ nữ, tại cảng biển Dover nhìn sang Pháp, vốn cách nơi xảy ra vụ hiện tại hơn một tiếng lái xe. Trong vụ đó hai người, đều là nam giới, đã may mắn sống sót.
Như vậy suốt gần 20 năm qua, những người muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn vẫn tiếp tục bỏ "thiên đường" cộng sản ở cả Trung Quốc và Việt Nam ra đi. Cho dù họ không nghĩ rằng cái giá có thể là cả mạng sống của mình nhưng mỗi người ra đi đều phải trả tới cả chục ngàn đô la. Họ có thể trả trước nếu gia đình có tiền hay vay mượn được. Hoặc có thể họ trở thành nô lệ thời hiện đại và làm không công ở nước ngoài trong nhiều năm.
Vụ việc xảy ra trong đúng tháng Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước. Thời gian đó quá đủ để một số quốc gia, chẳng hạn Nhật Bản hay Hàn Quốc, trở nên hùng cường và công dân các nước khác tìm cách vào nước họ thay vì ngược lại. Nhưng số người nghèo khổ cả về vật chất và về các giá trị khác như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội cũng như quyền có công lý, vẫn còn nhiều ở Trung Quốc.
Nói về người Trung Quốc thực ra cũng là nói về người Việt Nam vì tình trạng bỏ phiếu bằng chân ở Việt Nam không khác gì Trung Quốc. Nhiều người Việt Nam sẵn sàng vất vưởng tại các nước quanh Liên Hiệp Châu Âu để tìm đường vào khối này rồi từ đó tới các nước giàu, nhất là Anh. Anh còn là địa điểm lý tưởng vì người dân nước này không có căn cước. Họ chỉ có bằng lái xe hoặc hộ chiếu và luật pháp không buộc công dân Anh phải mang bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào theo người. Nếu vi phạm luật giao thông, họ cũng được cho thời gian để gửi giấy tờ tới cảnh sát thay vì xuất trình tại chỗ. Xã hội Anh cũng bao dung với người nhập cư hơn một số nước Châu Âu khác. Đây là lý do nhiều người nhập cư phi pháp muốn vào Anh.
Anh cũng đã từng đề nghị Việt Nam cử đại diện của ngành công an sang đóng tại Đại sứ quán ở London để giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp. Nhiều người Việt được bố mẹ gửi sang Anh trái phép từ nhỏ để dễ có cơ hội ở lại giờ đã trưởng thành và cũng có những người khá giả. Có lần tôi đưa người nhà ra sân bay đã chứng kiến hai người như vậy bị giữ lại khi họ đang chuẩn bị ra máy bay để trở lại Việt Nam. Đó là vấn đề nữa của những người vào Anh trái phép. Họ có thể sống ở Anh nhưng khó có cơ hội đi khỏi Anh hoặc có thể gặp rắc rối khi làm như vậy. Một số người, dù tự nguyện hay bị ép buộc, đã tham gia trồng cần sa kiếm sống. Số khác tham gia vào các băng đảng xã hội đen. Nhiều người sang Anh hàng chục năm nay, kể cả những người vào theo dạng tị nạn, nhưng vẫn khá vất vả. Họ làm đầu bếp hoặc thợ xây và không có lương hưu nên có lẽ sẽ phải đi làm cho tới khi sang thế giới bên kia. Thảm kịch mới nhất xảy ra với hàng chục người Trung Quốc sẽ là cảnh báo cho những người Việt đang sẵn sàng lao vào chặng đường chông gai rời nơi đáng ra phải tạo cho họ cơ hội để kiếm sống và phát triển.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 25/10/2019
*******************
Việt Nam phối hợp với Anh Quốc tìm hiểu quốc tịch 39 người chết trong xe
Tr.N, Người Việt, 25/10/2019
Cảnh sát Anh hiện đang nghi vấn trong số 39 nạn nhân chết trong xe rờ moọc tại Grays, thuộc hạt Essex, được cho là người Trung Quốc có thể còn có người mang quốc tịch khác như Việt Nam.
Chiếc xe rờ moọc với 39 tử thi tại Grays, thuộc hạt Essex, được hộ tống đến nơi kiểm nghiệm của cảnh sát Anh - Ảnh minh họa
Theo báo VnExpress ngày 25/10/2019, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Anh xác nhận đang phối hợp với cảnh sát hạt Essex tìm hiểu nghi vấn "có nạn nhân mang quốc tịch ngoài Trung Quốc trong 39 thi thể trong rờ moọc".
"Nghi vấn về việc không phải toàn bộ 39 nạn nhân thiệt mạng trong thùng xe container đều mang quốc tịch Trung Quốc đang được cảnh sát Anh điều tra. Đại sứ quán đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để tìm hiểu thông tin liên quan đến diễn biến mới này", Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 25/10, dẫn thông tin từ đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết.
Trước đó, cảnh sát hạt Essex của Anh tin rằng tất cả nạn nhân gồm 31 nam và 8 nữ thiệt mạng trong xe rờ moọc được phát hiện ở khu công nghiệp Waterglade đều là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/10 ở Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng : "39 thi thể được phát hiện trong container đông lạnh ở Essex đến nay vẫn chưa được xác định là người Trung Quốc".
"Cảnh sát Anh cho biết danh tính của các nạn nhân vẫn đang được kiểm tra. Hiện chưa thể xác nhận rằng họ đều là công dân Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng phía Anh sẽ xác nhận danh tính các nạn nhân càng sớm càng tốt, tìm ra sự thật và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tội phạm liên quan đến sự việc", bà Hoa nói.
Nhà chức trách Anh tối 24/10 đã đưa 11 thi thể từ cảng Tillbury đến bệnh viện Broomfield ở thị trấn Chelmsford, hạt Essex để giảo nghiệm. Các thi thể còn lại dự trù được chuyển xong vào cuối tuần.
Bác sĩ Richard Shepherd, một trong những nhà nghiên cứu pháp y hàng đầu của Anh, đánh giá quá trình giảo nghiệm tử thi trên 39 nạn nhân sẽ "rất chậm và theo trình tự".
Trong một diễn biến khác, theo The Guardian, cảnh sát hạt Essex đã bắt thêm một người đàn ông và một phụ nữ (cả hai đều 38 tuổi) đến từ thị trấn Warrington. Họ bị tình nghi tham gia mạng lưới buôn lậu người và ngộ sát. Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi cảnh sát đột kích vài địa điểm nằm ở hạt Cheshire.
Trước đó, nhà chức trách Anh cũng bắt giữ tài xế Maurice "Mo" Robinson (25 tuổi) để thẩm vấn. Người này bị bắt vào sáng 23/10, sau khi báo tin với nhà chức trách Anh phát hiện các nạn nhân chết bên trong rờ moọc đông lạnh đậu tại Grays, thuộc Essex, một thành phố nằm cách London chừng 20 dặm (32 cây số) về phía Đông, do chính Maurice "Mo" Robinson lái.
Cảnh sát tin rằng chiếc rờ moọc, với các nạn nhân bên trong, được đưa bằng đường biển từ thị trấn Zeebrugge nước Bỉ vào Anh lúc sáng sớm cùng ngày, trong khi chiếc xe vận tải kéo rờ moọc này xuất phát từ Bắc Ái Nhĩ Lan.
Zeebrugge là nơi xuất phát của nhiều vụ vào lén nước Anh trong các thùng hàng hoặc xe tải, theo bản báo cáo năm 2019 của cơ quan an ninh NCA.
Ông Eric Van Der Sypt, công tố viên Liên bang Bỉ nói với CNN, chiếc rờ moọc đến cảng lúc 2 giờ 49 trưa hôm thứ Ba, 22/10, và được đưa ra khỏi nơi này trong cùng ngày. "Một cuộc điều tra về buôn người đã được khởi sự", ông Eric Van Der Sypt cho biết.
Năm 2004, có 23 người Trung Quốc chết tại Vịnh Morecambe ở vùng Tây Bắc nước Anh, do thủy triều dâng cao trong khi họ đang nhặt sò không kịp chạy vào bờ.
Tr.N
Nguồn : Người Việt, 25/10/2019
******************
Ba mươi chín người chết trong xe tải ở Anh có thể có cô gái Việt Nam
V. Giang, Người Việt, 25/10/2019
Một cô gái Việt Nam có thể ở trong số 39 người chết trong rờ moọc một chiếc xe tải ở Anh mới đây, sau khi gia đình cô cho hay cô gửi text về nhà, nói rằng "sắp chết vì không thở được" và cũng xin lỗi bố mẹ lần cuối cùng.
Cô Phạm Thị Trà My. (Hình : Dailymail)
Theo bản tin của tờ The Telegraph hôm thứ Sáu, 25/10, thì cô Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, đang tìm cách vào Anh khi cô gửi text cho mẹ, nói rằng "con đường đi nước ngoài không thành" và "con chết vì không thở được". Lời sau cùng cô gửi tới cha mẹ là : "Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi".
Trong một loạt các bản text đầy tuyệt vọng, được gửi ra cùng lúc chiếc xe vận tải đang kéo chiếc rờ moóc đông lạnh vào Purfleet ở thành phố Essex, cô gái ngoài những lời từ biệt thảm thiết còn để lại cả địa chỉ nhà ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Gia đình cô Trà My không nghe thấy tin tức gì của cô sau đó nên nhờ một cơ quan thiện nguyện bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam loan tải trường hợp này để có sự giúp đỡ tìm kiếm tông tích của cô.
Cô Hoa Nghiem thuộc tổ chức Human Rights Space tại Hà Nội, đưa hình cô Trà My lên trang mạng xã hội và kêu gọi mọi người giúp đỡ xem cô có ở trong số các nạn nhân gồm tám nữ và 31 nam chết trong chiếc tải hồi sáng Thứ Tư ở Anh hay không.
Cô Hoa Nghiem nói rằng có mấy người khác cũng nhờ hỏi thăm về tình trạng thân nhân của họ, sau khi bị mất liên lạc hôm 23 Tháng Mười.
Cô cũng nói rằng cô Trà My đã sang Trung Quốc để từ đây được thành phần buôn người đưa sang Anh. Đài BBC nói rằng, thân nhân nói cô đã phải trả 30,000 bảng Anh cho chuyến đi.
Phía Trung Quốc hiện chưa xác nhận là những người trên xe có phải đều là công dân của họ hay không. Tòa Ðại Sứ Việt Nam ở London đã cử người theo dõi sau khi nhà chức trách Anh nói thấy có một người không phải gốc Trung Quốc.
Trong một bản thông cáo gửi tới báo chí, tòa Ðại Sứ Anh ở Hà Nội nói rằng: "Quốc tịch của các nạn nhân hiện chưa được xác nhận vào lúc này và giới hữu trách đang cố gắng nhanh chóng nhận diện các nạn nhân để thông báo cho gia đình họ".
V.Giang
Nguồn : Người Việt, 25/10/2019
*****************
39 thi thể phát hiện trong thùng xe tải ở Anh có thể có người Việt
Reuters, VOA, 26/10/2019
Cảnh sát Anh đang điều tra cái chết của 39 người được phát hiện trong thùng xe tải hôm 23/10 gần London cho hay hôm 25/10 bắt thêm 3 nghi can nữa tình nghi buôn người trong lúc có dấu hiệu cho thấy trong số nạn nhân có thể có người Việt.
Ảnh chụp màn hình được lan truyền trên mạng xã hội với các lời nhắn gửi sau cùng của cô Phạm Thị Trà My về cho bố mẹ. (Hình : Hoa Nghiêm/Twitter)
Trong lúc các chuyên gia giám định pháp y bắt đầu nhận dạng các nạn nhân, đại sứ Việt Nam tại London cho hay các gia đình ở Việt Nam đã liên lạc báo cáo người thân bị mất tích. Người ta e rằng ít nhất 10 người trong số nạn nhân là từ Việt Nam.
Hoa Nghiêm, một thành viên của Human Rights Space, một mạng lưới thúc đẩy quyền con người có trụ sở tại Việt Nam, cho biết trong khoảng thời gian chiếc xe tải đang trên đường từ Bỉ tới Anh, cô Phạm Thị Trà My, 26 tuổi, đã gửi tin nhắn qua điện thoại cho thân mẫu báo rằng cô không thở được.
"Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài không thành. Con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được. Thị trấn Nghèn, Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam. Mẹ ơi con xin lỗi mẹ mẹ ơi", theo tin nhắn được nói là do gia đình nạn nhân cung cấp.
Bà Hoa nói Trà My sang Trung Quốc và có kế hoạch tới Anh thông qua ngả Pháp và rằng tổ chức của bà đang nhận được nhiều cảnh báo về khả năng có thêm nạn nhân gốc Việt trong nhóm các thi thể tìm thấy trong thùng lạnh của xe tải.
Cảnh sát Anh nói các nạn nhân là người Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cho hay quốc tịch của họ chưa được xác minh. Đại sứ quán Việt Nam và Trung Quốc nói giới chức của họ đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Anh.
Cảnh sát khu vực Essex, Anh, nơi phát hiện chiếc xe tải chở 39 thi thể, nói họ sẽ không tiết lộ thêm chi tiết nào về nhân thân hay quốc tịch của các nạn nhân cho tới khi tiến trình xác minh lý lịch chính thức hoàn tất.
Cảnh sát vẫn đang thẩm vấn tài xế xe tải, 25 tuổi, người bị tình nghi phạm tội sát nhân sau khi giới hữu trách phát hiện các thi thể trong thùng xe tải mà người này điều khiển.
Tên tuổi tài xế chưa được xác nhận nhưng một nguồn quen biết với cuộc điều tra cho hay tài xế tên Mo Robinson, từ khu vực Portadown thuộc Bắc Ireland.
Hôm 25/10, cảnh sát cũng bắt giữ một người đàn ông và một phụ nữ cùng tuổi 38, ở Warrington, Tây Bắc nước Anh, và một người đàn ông 48 tuổi từ Bắc Ireland tại sân bay Stansted của London. Họ bị tình nghi đồng lõa buôn người và sát nhân.
39 thi thể, trong đó có 8 phụ nữ, đang được xác định nguyên nhân tử vong trong khi tiến trình nhận dạng lai lịch cũng đang được tiến hành.
VietHome, một tổ chức phục vụ cộng đồng Việt Nam ở Anh, cho biết họ được 10 gia đình thông báo là người thân của họ mất tích.
Trong nhiều năm nay, các di dân bất hợp pháp tìm đường tới Anh thường được vận chuyển bằng các xe tải xuất phát từ Châu Âu. Năm 2000, có 58 công dân Trung Quốc được phát hiện tử vong trong một chiếc xe tải chở cà chua tại cảng Dover.
Anh ‘chưa hoàn thành trách nhiệm’
"Chúng tôi hy vọng phía Anh có thể xác nhận sớm và làm rõ lai lịch của các nạn nhân, xác nhận chuyện gì đã xảy ra và trừng trị các tội phạm liên quan trong vụ việc", phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo hàng ngày.
Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc hôm 25/10 đăng bài xã luận nói rằng Anh phải chịu phần nào trách nhiệm về những cái chết này.
"Rõ ràng Anh và các nước Châu Âu liên quan chưa hoàn thành trách nhiệm bảo vệ những người này trước những cái chết như thế", tờ báo nói.
Công ty cho thuê thùng xe tải mang tên Global Trailer Rentals của Ireland cho hay họ là chủ sở hữu của thùng xe chở các nạn nhân và rằng họ cho thuê thùng xe này hôm 15/10 mà không biết mục đích người thuê sử dụng cho việc gì.
Thùng lạnh này đã di chuyển từ cảng Zeebrugge, Bỉ, tới Anh.
Nhật báo Times đưa tin dữ kiện định vị GPS cho thấy container vừa kể tới cảng Bỉ lúc 2 giờ 49 phút chiều ngày 22/10 trước khi bắt đầu cuộc hành trình 10 giờ đồng hồ vượt biển tới Anh.
Theo cảnh sát, đầu xe tải được lái từ Dublin tới hôm 20/10, băng qua Biển Ireland vào Anh và nhận thùng lạnh ở Purfleet ngay sau giữa đêm ngày 23/10.
Số liệu năm ngoái từ Cơ quan Tội phạm Quốc gia của Anh cho thấy công dân Việt Nam đứng thứ ba danh sách các nạn nhân của tình trạng nô lệ mới hay buôn người tại Anh dù không có thống kê về những người nhập cảnh Anh bất hợp pháp.