Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Đại biểu quốc hội : Phải sống thật cuộc đời công nhân rồi mới nói

Nhiều tác giả

Khi các ông bà nghị khẳng định lập trường giai cấp

Thảo Vy, VNTB, 25/10/2019

Báo chí bản in trên giấy số phát hành ngày 24/10, tường thuật : "Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào khóc khi tranh luận lại ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc về "giờ làm việc và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện".

nghigat1

Trang 1 báo Tuổi Trẻ số ngày 24/10

Nửa ổ bánh mì…

Người đọc báo nói rằng dường như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa ăn bữa cơm công nhân bao giờ, và ông Vũ Tiến Lộc cũng cần thử đi làm công nhân 1 tháng. Cũng có độc giả hoài nghi là nhiều ông, bà nghị đang muốn tỏ vẻ về lập trường giai cấp, vì tại sao bà Quyết Tâm không rơi nước mắt khi Đảng và Nhà nước cứ khăng khăng chuyện phải tăng tuổi nghỉ hưu. Đó không phải là vắt kiệt sức lao động của công nhân hay sao ?

nghigat2

Bà Quyết Tâm nghẹn ngào khóc tranh luận với Chủ tịch VCCI về giờ làm thêm.

Báo chí đã tường thuật đầy biểu cảm với lời dẫn trực tiếp của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm : Bà nghẹn ngào khóc : "Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1, 2 năm chưa được về thăm con. Ông bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm".

Báo chí cũng dành tường thuật có nhiều câu cảm tương tự với Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, khi ông dân biểu này nói, làm việc quần quật cả năm không thể có gia đình hạnh phúc. Ông đã dẫn lịch sử Karl Marx để phản đối tăng giờ làm thêm…

nghigat3

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn lịch sử Karl Marx phản đối tăng giờ làm thêm.

Báo chí không tường thuật chi tiết lời phát biểu ở nghị trường của ông Vũ Tiến Lộc, vị đại biểu được cho là đại diện tiếng nói cử tri trong giới thương nhân. 

Độc giả không có cơ hội kiểm chứng về sự những nội dung đa chiều đó, vì từ kỳ họp thứ 8 Quốc hội lần này đã không còn phần ‘gỡ băng ghi âm’ tại hội trường như các kỳ họp trước nữa. Nếu cử tri muốn đọc lại toàn bộ phiên thảo luận cũng đành… bó tay.

Như vậy, với những phiên thảo luận không tường thuật trực tiếp thì người dân chỉ có một kênh duy nhất để theo dõi là thông qua báo chí, mà báo chí thì không thể nào đăng tải hết được các ý kiến của hàng trăm đại biểu, chưa kể nhiều khi còn là nhát kéo của tuyên giáo.

"Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật" – ngạn ngữ phương Tây.

‘Gỡ băng’ Vũ Tiến Lộc

Từ Hà Nội, phóng viên Nguyễn Tuấn đã gửi về cho đồng nghiệp ở Sài Gòn phần ghi âm phát biểu của vị dân biểu Vũ Tiến Lộc, khi ông góp ý về dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi hôm 23/10. Ghi nhận ban đầu, dường như bà nghị Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã không ‘nghe đầy đủ’ các biện giải của dân biểu Vũ Tiến Lộc.

Rộng đường dư luận, xin ‘gỡ băng ghi âm’, và lược bỏ những đoạn thưa gửi, khen ngợi mang tính lễ nghi.

----------------------------

"(…) Những đột phá này trong dự luật đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu quốc hội. Điều này cho thấy tinh thần đổi mới, hội nhập luôn là tâm thế của Quốc hội nước nhà.

Về những điểm còn ý kiến khác nhau, tôi xin được nêu 3 vấn đề :

1. Vấn đề thời gian làm việc bình thường, tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành

Đây là quy định phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn. Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ trong 1 tuần và Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc ít hơn 44 giờ hoặc 40 giờ tuỳ thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Quy định này hợp lý, hợp tình bởi các lý do sau :

Thứ nhất, hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta, đều quy định thời gian làm việc 48 giờ. Chúng ta thì mới chỉ vừa mới thoát khỏi ngưỡng nghèo, và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp. 

Năng suất lao động thậm chí còn đang ở mức thấp nhất trong khu vực, thì chúng ta áp dụng mức thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Rút ngắn hơn nữa thời gian lao động sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, giảm thời gian lao động sẽ dẫn tới giảm tiền lương và sẽ làm chậm lại các kế hoạch tăng lương cho người lao động trong những năm tới. Bởi vì, lương tối thiểu hiện tại được các bên nhất trí và Hội đồng tiền lương quốc gia đã thông qua, là mức lương tối thiểu được quy định cho tuần làm việc 48 giờ. Nếu giảm xuống 44 giờ hay 40 giờ thì chắc chắn phải tính toán lại mức lương này cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.

Thứ ba, do năng suất lao động thấp, nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động vẫn chưa cao, nên nếu giảm thời gian làm việc thì đồng nghĩa với việc giảm thu nhập và người lao động vẫn phải tìm thêm việc làm để có thêm thu nhập, mà chủ yếu tại khu vực phi chính thức với nhiều hệ lụy khó lường.

Kết quả cuối cùng là, giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động. Mặt khác, khi chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm sút. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm.

Thứ tư, để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động, nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện nay, khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp, thì các doanh nghiệp rất khó tuyển thêm lao động và do vậy, họ buộc phải thu hẹp sản xuất. 

Theo tính toán sơ bộ, chỉ riêng với các ngành thủy sản, dệt may, da giầy, túi xách, điện tử, lương thực, thực phẩm... nếu giảm giờ làm việc 4 giờ trong 1 tuần có thể dẫn đến giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ít nhất 20 tỷ USD hàng năm. Điều này ảnh hưởng tức thời tới xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước. 

Các doanh nghiệp FDI cũng sẽ tìm tới các nền kinh tế có chi phí lao động thấp hơn để chuyển hướng đầu tư. Việt Nam sẽ khó duy trì được tốc độ tăng trưởng của dòng vốn đầu tư FDI như kỳ vọng, thậm chí có thể xảy ra tình trạng thoái lui trong đầu tư.

Thứ năm, có ý kiến lập luận rằng, giảm thời gian làm việc tại doanh nghiệp sẽ bảo đảm công bằng với khu vực Nhà nước. Nghe qua có vẻ có lý và mang ý nghĩa nhân văn. 

Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ, chúng ta sẽ thấy không thỏa đáng, vì hai khu vực này đang không được đặt trên cùng một mặt bằng thu nhập và tiền lương. Chúng ta đều biết, hiện tại, tiền lương tối thiểu của doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội đã là gần 4,2 triệu đồng/tháng và đang tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, tiền lương cơ sở trong khu vực Nhà nước chỉ ở mức chưa đến 1,5 triệu đồng và tăng rất chậm.

Lương của một công chức - kỹ sư mới ra trường không bằng lương của một lao động chưa qua đào tạo ở doanh nghiệp. Vậy nên, rút ngắn thời gian làm việc tại doanh nghiệp về mức của khu vực nhà nước là một yêu cầu có phần khập khiễng trong bối cảnh hiện nay.

2. Về thời gian làm thêm, tôi ủng hộ phương án 2, nới rộng có chừng mực khung thỏa thuận thời giờ làm thêm

Theo đó, đối với một số ngành nghề đặc biệt thì thời gian làm thêm sẽ không quá 400 giờ một năm. Đây là khung giờ để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm, hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ giới hạn với rất ít một số ngành nghề đặc thù và ở lúc mùa vụ cao điểm.

Tôi nhất trí với phương án này bởi những lý do sau đây :

Thứ nhất, tổng số thời gian làm thêm theo thỏa thuận của doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế ở mức 200 giờ, 300 giờ/1 năm là thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam trong khu vực, như Bangladesh là 408 giờ, Trung Quốc là 432 giờ, Hàn Quốc là 624 giờ, Indonesia là 728 giờ…

Thứ hai, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù. 

Ví dụ, đối với ngành thủy sản mà tôm là một ví dụ điển hình, nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ nhiều nhất trong khoảng 3 đến 5 tháng. Và đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ để có thể thu mua hết sản phẩm của bà con nông dân. 

Chuỗi giá trị của ngành thủy sản không chỉ liên quan tới 9 vạn lao động trực tiếp của các doanh nghiệp chế biến mà còn liên quan tới công ăn việc làm của gần 5 triệu lao động toàn ngành. Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước. Bức tranh tương tự cũng diễn ra trong các ngành dệt may, da giầy, túi xách...

3. Về tiền lương làm thêm ở Việt Nam

Theo quy định hiện hành là 150%, 200% và 300%, đang cao hơn so với mặt bằng chung của các nền kinh tế khác trong khu vực như : Nhật Bản là 125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hàng tuần ; Đài Loan là 133,3%, Philippines là 125%, thậm chí tiền lương lũy tiến của Nhật Bản cũng mới chỉ bằng với tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam là 150%. 

Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên tiền lương làm thêm như quy định hiện hành, không bổ sung thêm các hạn chế theo tuần và tháng. Nếu hạn chế như vậy, thì chúng ta lại vô hiệu hoá khung thời gian làm thêm trên thực tế, gây khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp và chỉ trao cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chúng ta.

Làm thêm giờ là cực chẳng đã đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. 

Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế xác nhận 99% các hợp đồng làm ngoài giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng cảnh báo một hiện tượng có tới 70% doanh nghiệp được đánh giá là không tuân thủ đúng giới hạn tăng ca 300 giờ một năm. 

Điều này phản ánh một thực tiễn tăng giờ làm thêm nhiều hơn 300 giờ là yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động. Xuất phát từ thực tiễn này, Chính phủ đề xuất về việc tăng giờ làm thêm là phù hợp.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản, dệt may, da giầy, điện tử... là những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong những năm đầu của tiên của quá trình công nghiệp hóa. 

Đó cũng là những ân nhân của của chúng ta trong tạo việc làm, thúc đẩy hội nhập và phát triển, góp phần đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo. Đây cũng là khu vực có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân được vinh danh là anh hùng lao động, là chiến sĩ thi đua, là doanh nhân tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới.

Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp trong ngành là những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Phát triển những ngành này vẫn là lợi ích cốt lõi trong hội nhập mà chúng ta đã phải đánh đổi mới có được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do. 

Đừng để những lợi ích này vượt khỏi tay chúng ta khi thể chế kinh tế của chúng ta lại bó tay, bó chân các doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị Quốc hội tiếp tục ủng hộ sự phát triển của họ, bằng những quyết sách đúng đắn trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, quyền có việc làm và được làm thêm để có thêm thu nhập chính đáng của người lao động. 

Chủ doanh nghiệp và người lao động đang trên cùng chung một con thuyền. Hãy tin ở quyền tự quyết của họ và sức sống của thị trường lao động ở nước ta".

(trích phát biểu của Đại biểu quốc hội Vũ Tiến Lộc, 23/10/2019)

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 25/10/2019

******************

Bà Quyết Tâm, ông Tiến Lộc thử ăn cơm, làm công nhân một lần

Hương Quỳnh, VietnamNet, 24/10/2019

Bàn về giờ làm thêm, nhiều ý kiến cho rằng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chưa ăn bữa cơm công nhân bao giờ, ông Vũ Tiến Lộc cũng cần đi làm công nhân 1 tháng.

nghigat4

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trước Quốc hội. Ảnh : Minh Quang

Có hàng trăm phản hồi của bạn đọc với các ý kiến khác nhau trước những tranh luận về giờ làm thêm của nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm với Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trong phiên thảo luận dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng qua.

Bạn Nguyễn Mạnh ủng hộ ý kiến của bà Quyết Tâm và cho rằng, những phát biểu này vừa có tình, có lý.

"Cũng từng đó giờ nhưng muốn hiệu quả tăng lên thì đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Bắt công nhân bỏ hết thời giờ cho doanh nghiệp thật bất công. Ai cũng có gia đình nhỏ của mình", bạn Mạnh nêu ý kiến.

Khẳng định phát biểu của bà Quyết Tâm là đúng, bạn đọc Dương Dương nói, không có công nhân nào muốn làm việc 12h/ngày cả, sức người có hạn.

Mà chỉ vì lương 8 tiếng không đủ trang trải thì công nhân mới phải làm thêm, chứ đó không phải điều mong muốn của công nhân.

Bạn Thieu Quang đặt vấn đề : "Chúng ta có cần đẩy mạnh tăng trưởng bằng việc vắt kiệt sức lao động không ? Bài học của nước Nhật, đất nước giàu có nhưng số người tự vẫn vì áp lực công việc lại rất nhiều. Hãy để người lao động có thời gian được nghỉ ngơi thích hợp".

Còn với phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, bạn Lê Hằng đánh giá, ông Lộc phát biểu đứng trên quan điểm doanh nghiệp và không đứng về phía công nhân.

Theo bạn, nếu vào các khu nhà ở cho công nhân, hiểu cuộc sống của người lao động thì ông mới biết được sự vất vả mưu sinh, hy sinh của gia đình họ. Nói người lao động năng suất thấp thì đó là sản phẩm của chủ doanh nghiệp và xã hội.

Vì vậy nên đầu tư, phát triển cho giáo dục, khoa học công nghệ, hạ tầng nhiều hơn nữa chứ không phải là tăng năng suất, thâm canh trên người lao động.

Bạn Mr Ly hỏi ông Vũ Tiến Lộc đã từng xuống các khu công nghiệp xem tình cảnh người công nhân như thế nào chưa.

"Đầu tắt mặt tối tăng ca nhưng không đủ tiền trang trải cuộc sống. Lợi thế cạnh tranh là nguồn nhân lực, là nâng cao nguồn nhân lực chứ không phải vắt kiệt nguồn nhân lực mà không cho họ tái tạo sức lao động", Mr Ly nêu thực trạng.

Bạn Hoàng Chuyên bảo ông Vũ Tiến Lộc nên trực tiếp đi làm công nhân lao động 1 tháng thì sẽ biết nên tăng lương hay tăng giờ làm đối với công nhân.

Nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt, nhưng tiền ở đâu ra

Tuy nhiên, cũng có những bạn đọc không đồng tình với ý kiến của bà Tâm mà lại ủng hộ ông Lộc.

nghigat5

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu trước Quốc hội. Ảnh : Minh Quang

Bạn Hữu Nữu nói : "Nước thì nghèo, năng suất lao động thấp, tài nguyên cạn kiệt… mà không chăm chỉ thì làm sao mà sung túc được".

Bạn Nguyen Bien nêu ý kiến, năng suất lao động của công nhân Việt Nam hiện nay mới chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống, nếu tiết kiệm thì còn ít để tích cóp. Cho nên có giảm giờ làm mà vẫn giữ mức lương đó thì người lao động cũng sẽ không nghỉ mà đi kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập.

Còn chuyện ông bà vẫn phải trông cháu như bà Quyết Tâm nói thì dù có giảm giờ làm các ông bà vẫn phải giúp con cái trông cháu vào các ngày đi làm.

"Có lẽ bà Quyết Tâm không hiểu được tình cảnh của những người phải rời quê, bỏ con cái ở quê cho bố mẹ già để chính bản thân mình đi kiếm ăn nơi xứ người.

Họ mong tranh thủ thời gian để có thể kiếm được nhiều tiền nhất để gửi về nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ.

Với họ, một tuần làm việc 7 ngày hay 5,5 ngày có thành vấn đề gì lớn đâu. Tôi nghĩ khuyến khích họ làm thêm giờ để có thêm thu nhập nhưng họ cần phải biết căn cứ vào thực tế tình hình sức khỏe của chính bản thân họ", bạn Đoàn Văn Phúc nêu quan điểm.

"Bà Tâm có bao giờ ăn bữa cơm công nhân đâu. Chúng tôi cần việc làm để trang trải cuộc sống", bạn Khoi Lê Dinh chia sẻ.

Bạn Lục thì "nói như bà Quyết Tâm thì quá tốt. Nhưng tiền ở đâu ra, ai cho nếu không làm ?".

Trước những ý kiến trái ngược, theo bạn Lê Tuấn Anh, ai nói cũng có cái đúng và sai, chứ không ai đúng hẳn.

Việc này phải xét ở các yếu tố chính xác đầu vào như điều kiện - môi trường làm việc, tiền lương, sức khỏe, hoàn cảnh, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp, lĩnh vực lao động,... của người lao động, được khảo sát và đánh giá trên cơ sở khách quan và khoa học.

Bạn Lê Cải đề xuất có thể giảm giờ làm còn 40g/tuần, còn làm thêm là do nhu cầu của doanh nghiệp nhưng phải đáp ứng được tiền công làm thêm giờ và số giờ làm thêm trong 1 tuần, và được người lao động đồng ý.

Bạn Lục đề nghị nên để người lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận thời gian làm thêm, tiền lương làm thêm. Người có nhu cầu thì làm thêm, người không thì nghỉ. Xã hội đa dạng, hãy để cơ chế mở.

"Bà Quyết Tâm nói trên lập trường người lao động, còn ông Vũ Tiến Lộc là theo doanh nghiệp, nên mới mâu thuẫn nhau. Hai đại biểu nên ngồi lại với nhau để thống nhất góp ý cho luật", bạn Mai Thu đề xuất.

Hương Quỳnh (tổng hợp)

Nguồn : VietnamNet, 24/10/2019 

*****************

Giờ làm thêm, nước mắt đại biểu và những ngàn tỉ… 

Trân Văn, VOA, 25/10/2019

Quốc hội Việt Nam lại sôi sùng sục vì nội dung Dự luật sửa Luật Lao động. Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận kịch liệt về việc giảm hay tăng số giờ làm việc trong tuần, rồi nên ấn định số giờ làm thêm trong năm là bao nhiêu,… Đây là dịp nhiều đại biểu Quốc hội cùng nhắc đến… nhân văn, thậm chí một số đại biểu quốc hội như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (cựu Phó Bí thư, cựu Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) còn chảy… nước mắt, nghẹn ngào vì công nhân… nghèo khổ quá !

nghigat77

Nhìn một cách tổng quát, cho dù nghị trường Việt Nam sôi động hiếm thấy, cho dù nội dung Luật Lao động mới có được chỉnh sửa theo hướng "văn minh, hiện đại" và trở thành "hết sức tiến bộ" như nhiều đại biểu Quốc hội kêu gào thì chắc chắn nhân văn vẫn không có chỗ dung thân và nghèo khổ vẫn tiếp tục đồng hành không chỉ với công nhân mà còn với nhiều giới. Có những lý do mà ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng nên bắt đầu âu lo vì sinh lộ cho sự nghiệp đang hẹp dần...

***

Tuy thi nhau bày tỏ tình cảm, sự quan tâm tới cần lao nhưng gần như toàn bộ đại biểu của Quốc hội làm ngơ, ngậm tăm trước thông tin Việt Nam cần vay thêm 495.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi (217.000 tỉ), trả nợ (217.000 tỉ) và nhận nợ bảo hiểm xã hội (9.100 tỉ). Cơ cấu khoản tiền cần vay hứa hẹn thuế, phí sẽ gia tăng. Khi các hiệp định tự do thương mại mà giới lãnh đạo Việt Nam từng phóng bút ký bừa đã dỡ bỏ đến lớp rào cuối cùng để bảo vệ sản xuất nội địa, lại còn phải gánh thêm thuế, phí, doanh giới Việt Nam có còn đủ nội lực trong cạnh tranh trên sân nhà ? Doanh giới lao đao, cần lao có ổn ? Chưa kể thuế, phí sẽ thúc giá sản phẩm, dịch vụ vọt lên, đối tượng nào lãnh đủ nếu không phải là cần lao ?

Doanh giới lao đao, cần lao có ổn ? Chưa kể thuế, phí sẽ thúc giá sản phẩm, dịch vụ vọt lên, đối tượng nào lãnh đủ nếu không phải là cần lao ?

Tương lai doanh giới nói riêng, cần lao nói chung không chỉ bị đe dọa bởi bội chi, nợ nần phình to, lạm phát mà còn nguy hại hơn bởi nhiều yếu tố khác. Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, vừa báo với Quốc hội, 53.000 tỉ mà hệ thống ngân hàng đã cho một số doanh nghiệp vay để đầu tư vào các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT, BT có khả năng sẽ trở thành… nợ xấu (nợ không thể thu hồi cả vốn lẫn lãi) (2) ! Dẫu có thể… nghẹn ngào, chảy… nước mắt vì cần lao quá nghèo khổ nhưng nhiều đại biểu quốc hội lại không biểu lộ bất kỳ thái độ nào trước thông tin vừa kể, cho dù chắc chắn cần lao sẽ rớt xuống tận đáy khi quốc gia có thêm 53.000 tỉ nợ xấu (2) !

***

Vài ngày trước khi Thống đốc Ngân hàng Quốc gia báo cáo với Quốc hội về khả năng hệ thống ngân hàng phải ôm khối nợ xấu trị giá 53.000 tỉ, Kiểm toán Nhà nước loan báo, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang nguy kịch. Tính đến hết 2018, VDB lỗ 4.800 tỉ đồng và VDB đã ôm khoản nợ xấu là 46.100 tỉ đồng. VDB chưa chết nhờ nhiều lý do, trong đó nhờ cả 13.496 tỉ mà hệ thống công quyền Việt Nam rót cho VDB để "bù chênh lệch lãi suất" (3).

Tuy nhiều đại biểu Quốc hội thi nhau bày tỏ sự thương cảm, xót xa cho cần lao nhưng không đại biểu nào thắc mắc tại sao VDB lụn bại ? Tại sao hệ thống công quyền Việt Nam phải rót cho VDB 13.469 tỉ đồng ? Những ai phải chịu trách nhiệm khi nhân danh chính phủ giao cho VDB huy động vốn và thành lập VIDIFI (Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam) để thực hiện cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bảo lãnh cho VDB vay các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng 300 triệu Mỹ kim và do không cân đối được ngân sách mà nợ nần tăng thêm 800 tỉ đồng, mỗi năm mất thêm 400 tỉ tiền lãi chỉ vì tính toán không kỹ, bóc ngắn cắn dài (4) ?

Không chỉ VDB, hiện có khoảng 20 ngân hàng sa lầy vì dính tới các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Theo một thống kê do Bộ Giao thông và vận tải công bố hồi giữa năm nay thì vì nhiều lý do (dân chúng phản đối, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại không như dự kiến, không được tăng phí…), có 30 dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thua lỗ, chủ đầu tư không đủ khả năng thanh toán cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng.

Đáng ngạc nhiên là khi các ngân hàng chùn bước, hệ thống công quyền Việt Nam không hài lòng. Dường như chỉ ở Việt Nam mới có chuyện nhà đầu tư vào những công trình giao thông theo hình thức BOT như Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đề nghị chính phủ… chỉ đạo ngân hàng cho vay (5) và cũng chỉ ở Việt Nam mới có chuyện Thủ tướng ra lệnh cho các ngân hàng, kể cả ngân hàng thương mại, không được gây khó dễ khi nhà đầu tư muốn vay tiền để thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT (6) !

Sẽ rất khó tìm thấy bên ngoài Việt Nam chính quyền nào đó bất kể ngân sách liên tục bội chi vẫn rút hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác từ công khố… hỗ trợ giới đầu tư vào các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT (7), rồi bảo lãnh vay tiền, nhận trả lãi thay, đã làm ngơ không kiểm tra giá trị thực của suất đầu tư, không giám sát chất lượng công trình, còn toan dùng công quỹ để bù đắp thiệt thòi cho nhà đầu tư khi các dự án giao thông thực hiện theo hình thức BOT thua lỗ (8).

Quản trị - điều hành quốc gia như thế, sử dụng công quỹ theo kiểu như thế thì làm sao còn tiền đầu tư vào hạ tầng giáo dục, hạ tầng y tế, cải thiện chính sách an sinh, làm sao tránh được chuyện sử dụng đủ cách nhằm vắt kiệt sức dân? Đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân nhưng giả đui, giả điếc, giả câm, không những không ngăn cản, không buộc những kẻ hữu trách phải chịu trách nhiệm mà còn gật đầu, nhất trí với những "chủ trương lớn" như phát triển hạ tầng giao thông bằng hình thức BT, BOT thì… nghẹn ngào, chảy… nước mắt, do "thương" cần lao cơ cực, héo hon, làm việc như trâu ngựa vẫn không đủ sống, ngay cả cơ hội chăm sóc con cái cũng không có,… quả là… khó hiểu !

Khi thực tế chỉ ra, rõ ràng là dân chúng không hiểu, không đồng cảm với… nghẹn ngào và… nước mắt, phàm đã là viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, tốt nhất có lẽ nên tránh nhắc đến hiến pháp, nhân quyền, nhân văn, nhân ái, tôn trọng con người, tiến bộ xã hội… (9). Những mỹ từ và thái độ đó chỉ làm cho những người được dán nhãn "chủ nhân" thêm tủi hờn !

Trân Văn

Nguồn : VOA, 25/10/2019

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/no-cong-vay-them-gan-500-nghin-ty-dong-lai-cang-ngay-cang-dat-579138.html

(2) https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/lo-no-xau-tu-53000-ty-cho-vay-bot-can-lam-gi-3389905/

(3) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/ngan-hang-phat-trien-viet-nam-lo-4-800-ty-dong-no-xau-hon-46-nghin-ty-577502.html

(4) https://nhandan.com.vn/kinhte/item/40415302-can-giai-quyet-som-khoan-vay-hon-4-000-ty-dong-xay-dung-du-an-duong-cao-toc-ha-noi-hai-phong.html

(5) https://baodautu.vn/hang-loat-du-an-bot-muon-ngan-hang-tiep-von-pho-thong-doc-nhnn-len-tieng-d108280.html

(6) https://news.zing.vn/thu-tuong-yeu-cau-khong-lam-kho-du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan-post998153.html

(7) https://thanhnien.vn/thoi-su/thuc-tien-do-cao-toc-trung-luong-my-thuan-1131134.html

(8) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-de-nghi-khong-dung-ngan-sach-cuu-du-an-bot-20190703143618074.htm

Quay lại trang chủ
Read 623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)