Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/03/2020

"Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA ?"

Minh Luật

Liên Hiệp Quốc chất vấn chính phủ Việt Nam : "Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA ?"

Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cập nhật vào hôm 22/3.

pcd0

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (Ảnh : Chuacuuthe.com)

Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.

Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.

Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).

"Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị", kháng thư viết.

Đến ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố về tội "làmtàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật Hình sự.

Một bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an khi đó nói rằng "Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm ; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự".

Vụ việc gây quan ngại cho chuyên gia

Qua kháng thư, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo.

"Thực tế là ông Dũng bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình. Chúng tôi quan ngại rằng trong khoảng thời gian dài trước khi được phép liên lạc ra bên ngoài khiến ông ta có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo", các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ.

Để làm rõ hơn về mối quan tâm này, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt Nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Kháng thư cũng nhắc lại tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, một số quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước, và làm cho nó phù hợp hơn với luật nhân quyền quốc tế.

Trong khi chờ trả lời, các chuyên gia yêu cầu chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạm thời cần thiết để tạm dừng các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn sự tái diễn.

Kháng thư được đệ trình bởi 4 vị chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc là David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt ; Leigh Toomey, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện ; Clement Nyaletsossi Voule, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền.

Kháng thư là một hình thức giải quyết khiếu nại vi phạm nhân quyền thuộc Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các cá nhân hay bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào khi có được thông tin cậy về các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia có thể gửi đơn khiếu nại đến các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ thông tin khiếu nại này, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc có thể can thiệp trực tiếp với chính phủ của quốc gia thông qua kháng thư chất vấn, làm rõ các cáo buộc vi phạm nhằm bảo vệ cho các nạn nhân.

Minh Luật

Nguồn : RFA, 24/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Luật
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)