Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/12/2019

Đánh giá về tính khả quan trong việc chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam

Đinh Ích Nam

Việt Nam chống tham nhũng đang ở giai đoạn "cao trào" giống như Trung Quốc đã từng trải qua ở những năm 90 của thế kỷ trước,có nghĩa rằng,Việt Nam phải mất khoảng 30 năm chống tham nhũng một cách rất tích cực nữa thì mới đạt đến giai đoạn của Trung Quốc hiện nay.

thamnhung0

Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 14 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 16/08/2018

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm khá tương đồng về ý thức hệ và thể chế (Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện),chung một đường lối lãnh đạo (tập trung dân chủ), nhưng do Trung Quốc là đất nước được giải phóng và độc lập trước Việt Nam cũng gần 30 năm. Chính vì điều này mà Việt Nam luôn phải đi sau Trung Quốc về nhiều mặt (trong đó có chính sách,chiến dịch chống tham nhũng), có thể nói rằng, đây chẳng qua cũng chỉ là một quy luật tất yếu khách quan !

Trước khi Trung Quốc được giải phóng, ở những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước, tại Thượng Hải, con trưởng của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc (bạn học của Đặng Tiểu Bình và rất đam mê chủ thuyết cộng sản thời học ở Liên Xô, và từng áp dụng ở Thượng hải khi thực thi chính sách chống tham nhũng) từng một thời lấy chiến dịch chống tham nhũng làm thượng phương bảo kiếm để kiếm thành tích nhằm leo lên đỉnh quyền lực dưới sự bảo kê, dìu dắt của cha mình. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ không đập ruồi" của Tưởng Kinh Quốc đã bị thất bại thảm hại vì đã đụng chạm đến nhóm lợi ích của Khổng Tường Hy (chồng của Tống Ái Linh, Tống Ái Linh là chị gái ruột của Tống Mỹ Linh – vợ thứ 2 của Tưởng Giới Thạch) và biến thành chiến dịch "đập ruồi không đả hổ" mà dân gian thời bấy giời lưu truyền cửa miệng và coi đó là một trò hề lố bịch (bởi vì, khi mới đụng chạm, Khổng Tường Hy đã điện thoại dọa trực tiếp Tưởng Giới Thạch là nếu Tưởng Kinh Quốc không ngưng lại chiến dịch chống tham nhũng thì ông ta sẽ công bố khoản tiền mà Tưởng Giới Thạch đã biển thủ từ các khoản viện trợ chiến tranh từ Mỹ đang được gửi tại ngân hàng Thụy Sỹ). Chiến dịch chống tham nhũng rầm rầm rộ rộ của Tưởng Kinh Quốc sớm đã bị chấm dứt bằng 1 phát tát như trời giáng của chính cha ruột của mình (bay từ Nam Kinh về khi nghe được lời đe dọa qua điện thoại của họ Khổng) !

TAIWAN-POLITICS-PROTEST-CHIANG

Một người đàn ông Đài Loan khóc trước bức chân dung của cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc hôm 31/3/2007 AFP - Hình minh họa

Sau giải phóng, đến khoảng cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Đảng cộng sản Trung Quốc dường như đã có thêm phần kinh nghiệm và tuyên chiến mãnh liệt hơn trong giai đoạn cao trào của chiến dịch chống tham nhũng, gần như không có vùng cấm khi khởi tố và bắt giam đối với Trần Hy Đồng – Nguyên ủy Viên TW Đảng CS Trung Quốc, Nguyên Bí Thứ Thành ủy Bắc Kinh thời bấy giờ (ông Trần Hy Đồng thời đó là một ngôi sao chính trị đang lên, vận quan đang thông thuận, một thời cực đỏ và từng tuyên bố trước khi bị bắt rằng "Dải đất Trung Hoa này không ai dám đụng đến lông chân của Trần Hy Đồng"), đây cũng là một điểm mốc quan trọng mà Trung Quốc đã đột phá trong quá trình thực hiện chiến dịch chống tham quan. Điểm mốc này Việt Nam cũng mới bắt đầu "chạm tới" vào hồi năm ngoái khi mà người đầu tiên đang giữ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bị hệ thống cơ quan tư pháp khởi tố và xét xử (dưới sự khơi mào và chỉ đạo chủ yếu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) !

Như vậy, mặc dù trải qua một quá trình gần 30 năm tính từ thời điểm chống tham nhũng "không có điểm dừng, không có vùng cấm", Trung Quốc không những không hạn chế hay dập tắt được nạn tham nhũng như kỳ vọng mà ngược lại, chính thể chế chính trị "một đảng lãnh đạo" đối với cả 3 hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp" đã tạo ra càng nhiều ổ tham nhũng ; nhiều tổ chức "lợi ích nhóm" hình thành trên toàn diện rộng,ngày càng mãnh liệt, tinh vi và liều lĩnh hơn.

Để hiểu rõ hơn điều này chúng ta trở lại vụ án nổi đình nổi đám gần đây nhất mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã "đốn củi, nấu lò" vào năm 2013. Đó là vụ án về ngôi sao chính trị "đang tỏa sáng" Bạc Hy Lai – nguyên bí thư Thành ủy Thành phố Trùng Khánh, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị thời điểm đó. Bạc Hy Lai thuộc phe thái tử Đảng đầu tiên, là con của bát đại nguyên lão – công thần khai quốc Bạc Nhất Ba, đã bị tòa án Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên án tù chung thân về các tội hối lộ, biển thủ và lạm dụng quyền lực công cộng…

Việt Nam đang đi trên những bước đi của Trung Quốc cả về thể chế chính trị lẫn các đối sách kinh tế (Đảng Cộng Sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội ; phát triển nền kinh thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa- Điều 4, và điều 51 Hiến pháp 2013), trong đó việc thực hiện các quyết sách trong quá trình chống tham nhũng cũng được tái lặp. Mặc dù là học hỏi có sự sàng lọc nhưng liệu sau 30 năm nữa Việt Nam có đi vào vết xe đổ của Đảng cộng sản Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng hay không ? Có thể nói rằng, đây là một bài toán "quá nan giải" cho các nhà lập pháp, hành pháp và tư pháp của Việt Nam hiện tại và cả trong tương lai.

thamnhung3

Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018 AFP - Hình minh họa

Có nhiều ý kiến đánh giá khôi hài rằng, việc chống tham nhũng ở Việt Nam "đã bị loại từ vòng gửi xe" : Họ lấy những vụ việc đơn giản nhất để minh họa cho sự khẳng định này (mà chính quyền không thể "chống", khắc phục nổi) đó là các bãi gửi xe máy, xe ô tô trên cả nước và đặc biệt là tại các thành phố lớn, mặc dù chính quyền địa phương ban hành văn bản khống chế mức phí giữ xe máy, xe ô tô nhưng thực tế các bãi gửi xe tại các thành phố lớn vẫn ngang nhiên thu phí gấp 2-3 lần so với quy định ! Họ có thể ngang nhiên coi thường, thách thức pháp luật và nhân dân như vậy là vì sao ? Đó chẳng qua là vì có sự bảo kê của các cán bộ, nhóm lợi ích hoặc cơ quan nhà nước nào đó đã mục rữa !

Nhìn vụ việc đơn cử nêu trên tưởng chừng có thể rất đơn giản nhưng lại cực kì phức tạp bởi các lợi ích nhóm có sự đan xen lẫn nhau một cách rất chằng chịt. Có lần tôi thử hỏi tại sao Ủy ban Nhân dân Thành phố có ban hành văn bản khống chế mức phí giữ xe là như vậy mà sao anh (chị) liều mình ngang nhiên dám thu nhiều gấp 2-3 lần từ năm này qua năm khác (mà trốn thuế tràn lan năm này qua năm khác nữa) ? Cô giữ xe thu tiền nói rằng, "… phải chi cho các cán bộ bảo kê, đấu thầu chui (dựng lên cho đủ thành phần tham gia đấu thầu để thiết kế sao cho chị trúng thầu, chứ không công khai như luật định), ngoài ra còn chi cho cán bộ bảo kê định kỳ hàng tháng nữa, chị chẳng được bao nhiêu, mong anh thông cảm…".

Những tiêu cực nhỏ nhưng ảnh hưởng đến toàn diện xã hội, đến mọi người dân và hàng ngày…nó lặp đi lặp lại một cách ngang nhiên như một sự coi thường và thách thức pháp luật, ngoài ra còn trốn thuế có thể lên cả ngàn tỷ mỗi năm trên toàn lĩnh vực thì quả là không phải nhỏ. Hơn nữa nhỏ còn không lọt được, không khống chế được thì bàn gì đến việc khống chế cả một hệ thống tiêu cực ? Mỗi người dân Việt Nam đang phải è cổ ra để nộp thuế trả nợ công cho nhà nước, trong khi các nhóm lợi ích vẫn bảo kê cho các hoạt động phi pháp một cách ngang nhiên, thu tiền dân một cách vô tội vạ (mà lại còn trốn thuế nữa), quả là ung nhọt của xã hội, của nhà nước – cắt đầu thì ung nhọt ở đuôi, cắt đuôi thì ung nhọt ở tay…,khó mà triệt tiêu tham nhũng, tiêu cực một cách toàn diện dù chỉ ở mức tương đối !

Thiết nghĩ, đã đến lúc Đảng và nhà nước nên (hay không) trưng cầu dân ý, tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân, đặc biệt là nên thông qua ý kiến phản biện một cách dân chủ, công khai, minh bạch của các tầng lớp tri thức trong xã hội, để từ đó áp dụng các chính sách và biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực hữu hiệu hơn( ?).

Luật sư Đinh Ích Nam

Nguồn : RFA, 17/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Ích Nam
Read 548 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)